Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019

Tạp Ghi:
TỪ MEKONG RA BIỂN ĐÔNG, BAO GIỜ CHO TỚI THÁNG MƯỜI ?

Tuần báo Việt Tide số tháng 4-2007 có bài Tạp Ghi về các vấn đề thời sự trong tháng của Hà Đa Sự, là một bút hiệu kháccủa nhà văn Nhật Tuấn dùng cho các bài viết ở hải ngoại, khi ấy ông vẫn còn sống ở trong nước. Sau đây là trích đoạn phần có liên quan tới Sông MekongBiển Đông, trong mối tương quan lịch sử “môi hở răng lạnh” giữa Việt Nam và Trung Quốc.Cuốn Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng của Ngô Thế Vinh và bộ phim Mekong Ký Sự của đạo diễn Phạm Khắc cũng được nhắc tới trong bài viết… Nay nhân hai sự kiện: (1) Trận “hạn hán thế kỷ” đang diễn ra trong lưu vực Sông Mekong do chuỗi các con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam của Trung Quốc, và rồi (2) Bắc Kinh mới đây lại ngang nhiên đưa tàu Hải Dương 8 đến Bãi Tư Chính của Việt Nam đầu tháng 07-2019 để thăm dò dầu khí, cùng đi với hai chiến hạm có cả trực thăng và pháo để hộ tống; Trung Quốc một lần nữa đã lại trắng trợn vi phạm vùng lãnh hải trên thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng tôi cho đăng lại bài viết của nhà văn Nhật Tuấn tuy cách đây cũng đã 12 năm nhưng vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự, như một “ôn cố tri tân” để thấy rằng chính sách bành trướng của Bắc Kinh xâm lấn Việt Nam trước sau vẫn không hề thay đổi. Bài viết với tiêu đề và lời dẫn do nhà văn Ngô Thế Vinh gửi. 
*

      Ngày 11 tháng Tư năm 2007, tường thuật chuyến thăm Trung Quốc của phái đoàn Quốc hội Việt Nam, báo chí trong nước vui mừng chạy tít lớn: "Chưa bao giờ quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Trung tốt như hiện nay."

Nào là góp phần tích cực, thúc đẩy quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới... tiếp tục vun đắp cho tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước theo phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và 4 tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

      Ngoài mặt hân hoan vậy, nhưng mỉa mai thay, đúng vào ngày này, Trung Quốc phản đối Việt Nam phân lô, gọi thầu và hợp tác với Tập đoàn dầu khí BP của Anh xây dựng đường ống khí đốt ở Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cảnh cáo "Việt Nam áp dụng hàng loạt hành động mới trên quần đảo Nam Sa đã đi ngược với nhận thức chung quan trọng về các vấn đề trên biển mà hai bên đã đạt được và đây là hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ cũng như chủ quyền và quyền cai quản của Trung Quốc. Trung Quốc bày tỏ hết sức quan tâm việc này và đã giao thiệp nghiêm khắc với Việt Nam".

MỘT CUỐN SÁCH


Đọc xong cuốn sách về một con người đã chết cách đây hơn nửa thế kỷ khi còn đương xuân, đương ở những năm tháng tiềm năng nhất về sức lực và trí lực, tự tôi dằn lòng nở một nụ cười lớn hạnh phúc cho riêng tôi.

Trầm mặc, bùi ngùi, thương xót, đau khổ, nhỏ lệ là một phản xạ nhân bản, hoặc, tệ hơn, một biểu hiện bề ngoài, rất đỗi tự nhiên của con người trước cái chết của con người. Cái tự nhiên đó dường như đã khiến chúng ta quên mất một điều, đối với con người sự hệ trọng nhất không phải sống hay chết mà là đã sống ra sao và được chết như thế nào. “đã sống ra sao” là sự nỗ lực hay thiếu nỗ lực để sống cho xứng với tên gọi Con Người. “Được chết như thế nào” là “tử bất kỳ”, là điều không phụ thuộc vào ý muốn của chúng ta. Nhưng tư thế của người chết, tinh thần của người chết, bi tráng, lẫm liệt hay vật vã, bi lụy, luôn luôn khiến những kẻ đang sống phải suy nghĩ. Một con người có tầm vóc hiếm có, chỉ được sống một cuộc sống ngắn ngủi so với tha nhân, đã luôn trăn trở, nỗ lực, chịu đựng trong âm thầm cho tới tận lúc chết để bước và vươn cao hơn trên những bậc thang về cả trí tuệ lẫn nhân phẩm, được biết một Con Người như thế trong một cuộc đời còn nhiều ô trọc tại sao ta không hạnh phúc?

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

Bác Sĩ Nguyễn Đức An
Phỏng vấn Nhà văn Ngô Thế Vinh
VỀ TUYỂN TẬP Y SĨ TIỀN TUYẾN NGHIÊM SỸ TUẤN NGƯỜI ĐI TÌM MÙA XUÂN


Hình 1: Tuyển Tập Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn, Người Đi Tìm Mùa Xuân; Tập San Y Sĩ VN Canada và Việt Ecology Press xuất bản 2019

I- Sơ lược về nhà văn Ngô Thế Vinh: Sinh năm 1941 tại Thanh Hóa, nguyên quán Hà Nội. Tiểu học Hàng Than Hà Nội, Trung học Quốc Học Huế, Chu Văn An Sài Gòn. Tốt nghiệp Y Khoa Sài Gòn 1968, Y sĩ trưởng Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù. Y Khoa Phục Hồi San Francisco 1972. Tù cải tạo 1975-1979. Tới Mỹ 1983. Tốt nghiệp Nội Khoa Hoa Kỳ. Làm báo Sinh viên Tình Thương, viết văn. Tác phẩm: Vòng Đai Xanh (1971), Mặt Trận ở Sài Gòn (1996), Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng (2000), Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (2007). 

II- Phỏng vấn :

NGUYỄN ĐỨC AN / NĐA 1_ Biên khảo là một công việc khó khăn, cần kiến thức, vô tư và làm việc theo phương pháp khoa học. Anh đã "Đi vào hành trình Biên khảo" từ năm, tháng nào?

NGÔ THẾ VINH / NTV 1_  Tôi không phải là một nhà biên khảo theo ý nghĩa kinh điển của từ ngữ này. Tôi làm báo Tình Thương từ thời sinh viên và viết văn. Khi làm báo, và cả sau này viết bài có một chủ đề, ngoài vốn sống, tôi đều trải qua giai đoạn đi tìm tư liệu, rồi đọc và viết. Khi viết, tôi tâm niệm là “có thể viết thiếu nhưng không viết sai” vì đó là mức khả tín của bài viết và người  viết. 

NĐA 2_ Anh có nhiều "Bạn Tấm Cám" trong và ngoài y giới, con số có thể lên tới ngoài 20 vị, mà Nghiêm Sỹ Tuấn là một. Trong tương lai gần hay xa, Anh  có dự tính xây dựng một Tuyển tập khác, cho " Người Bạn Tấm Cám khác ", sau Tuyển Tập Nghiêm Sỹ Tuấn.

NTV 2_  Trước Tuyển Tập Nghiêm Sỹ Tuấn, đã có một Tuyển Tập khác: “Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá” (Nxb Viet Ecology Press 2017), ngoài những văn nghệ sĩ mà tôi quen biết, còn có các chân dung văn hoá lớn như giáo sư Phạm Biểu Tâm, giáo sư Phạm Hoàng Hộ… và mới đây giáo sư Trần Ngọc Ninh, là các bậc thầy của thế hệ chúng ta, không thể coi là  "Bạn Tấm Cám" nhưng với tất cả, người viết đã được sống trong cùng một thời đại, có một không gian chung để cảm thông và chia xẻ…


Hình 2: Tuyển Tập “Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá”, mẫu bìa Hoàng Ngọc Biên, Việt Ecology Press xuất bản 2007