Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

AI XUÔI CỬU LONG GIANG

Bài ca dài 

NGÔ S. ĐỒNG TOẢN



Kỹ sư Nguyễn Đức Toản thăm đập RCC thuỷ điện Nậm Ngiệp 1 (290 MW) trên sông Nậm Ngiệp – một phụ lưu Sông Mekong thuộc tỉnh Bolikhamxay, Trung Lào. Công trình khởi công năm 2014 và hoàn thành  2019. Lượng điện chính được xuất khẩu sang Thái Lan thông qua trạm biến áp Ban Nabong, một phần cung cấp điện cho Lào thông qua trạm biến áp Paksan. [Ảnh chụp 05.2018]

*
BẮC & TRUNG LÀO

Ai một lần không qua Lộ 8
Cắt Thang Bèng 13 xuôi Nam?(1)
Đời trai phiêu bạt quan san
Gió mưa đã đủ gội nhàn tóc da
*
Kìa nẻo cao Boten (2) còn vẫy
Mũi Sa Vẳn (3) dạo khắp núi sông
Khăm Muộn (4) em có đợi trông
Luang Prabang (5) gọi có mong ghé nàng
*
Mê Kông sông mẹ cuộn xưa vang
Thủy điện đã đang dựng hàng hàng
Tám đập* Trung cộng, thượng ngàn (6)
Chục hồ dâng ở Lan Xang xứ chùa (7)
*
Dòng Nậm Thơn(8) ta từng lấp lũng
Sau mấy năm rồi sẽ biệt xa
Cũng có được dăm ba khúc ca
Ngày nao trở lại với ta với người…
*


ĐỜI LÃNG DU

Em yêu hỡi đời sẽ đi đâu
Ba vạn ngày, nửa cơn bể dâu
Vui thay những phút cho nhau
Trầm luân chăng nữa, vẫn màu mến thương
*
Sống một ngày cho trọn một ngày
Mỏi mòn kiếp vật, sẽ đau thay!
Áo cơm làm chẳng ngơi tay
Hồn ta vẫn lượn, thoáng mây biển trời.
*

ĐẠI VIỆT

Kìa Hoàng Cầm một thời Sông Đuống
Nước trong veo trẻ thích cần buông
Nay muôn Tô Lịch tai ương
Dậy mùi uế khí trải vương khắp miền
*
Hoàng Liên Sơn núi vút chạm mây
Dẫn rồng Hy Mã cuộn ngàn xuôi
Hạ Long Vịnh, chốn kết nôi
Ngàn năm linh khí Việt nuôi chửa ngừng
*
Đại Cồ phát bá xưng mấy thuở
Phương trời Nam chia cõi thiên thư
Ngàn năm bao chuyến di cư
Đến nay một dải uốn nhu Thái Bình
*

CAO NGUYÊN

Tây Nguyên đó mái nhà ba nước
Đông Dương bang thuở ấy chửa thành
Mối nguy nay hiện rõ rành
Hệ sinh thái đã tanh bành phá trơn!
*
Serepok nghẽn dòng bởi đập
Bản Đôn nay voi sắp hết rồi
Cư dân bản địa tơi bời
Giữ sao bản sắc, giữa thời Việt Kinh
*

NAM BỘ

Trời biển dài tận cùng Đất Mũi
Phù sa bồi châu thổ Chín Rồng
Vựa lúa miền thốt nốt - cửa sông
Đảo Ngọc(9) tươi mãi giữa vùng nước hoang?
*
Toàn cầu hóa, coi xét lân bang
Bao sông, lưu vực, nguồn nước vàng
Vai trò Ủy hội(10) vô hiệu hóa?
Cần cơ chế mới, để sang trang!
*

NAM LÀO

Salavan Nam Lào hãy ghé
Từ Pakse về thăm chốn xưa
Cha anh một thuở dầm mưa
Ước mơ độc lập vẫn chưa vẹn tròn
*
Dấu chân ta lại lướt Sekong 
Coi E-Moun(11), Lào-Việt ngăn dòng
Champasak núi nở hoa vàng
Một ngày phát điện nối luồng Gia Lai? 
*
Bạn ơi Nong Nok(12) xa xăm
Tôi như chim bóng cá tăm đã rời
Hẹn nhau một lúc đẹp trời
Gặp nhau Dương Tử(13) một thời Việt cư!...
*

KAMPUCHEA & ĐBSCL

Cam Bốt, Thái Lan đâu kém cạnh
Đua Việt cùng khai thác mọi giòng(14), (15)
Đồng bằng lúa trổ đòng đòng
Một mai nước mặn dâng vòng Cà Mau!
*
Lan Thương mưu toan, Biển Đông dậy sóng (16)
Mê Công nghẽn hẹp tự bao giờ? (17)
Tắc động mạch chủ, máu bơm sụt trồi 
Động mạch vành cũng bị thắt khắp nơi
Trầm tích thiết yếu đâu chỗ giữ, trôi?
Hệ thống ấy sẽ bung phá; số Trời?
*
Angkor Wat, bóng bình minh
Có che dài thuở bình yên Biển Hồ?
Đập Sambor đang hoãn dài
Khi kích hoạt, sẽ hết đời Tonle
*
Tonlé Sap “chết bởi nghìn vết cắt”
Sông cạn bớt và chảy ngược muộn hơn
Cá tôm di cư đã bị lạc đường
Don Sahong gần đó có dường cứu nguy?
*
Đồng sinh đồng tử Hạ nguồn
Tonle tích hợp Đồng bằng Cửu Long
Ai ơi nhìn kỹ nước rong
Giữ cho nước nổi mà mong trường tồn.
*
Mang mang thiên thủy, luồng nước lớn nhập Việt
Ta mơ xem đàn cò bay ngang sông Tiền Giang
Trăm năm duyên tạo, đất bằng 
Lương dân cày cấy, mùa sang lại mùa.
*
Cù lao hoa trái ngàn kênh
Yêu em, vọng cổ ánh trăng đầy thuyền
Đơn sơ rau luộc tập tàng,
Dưới nước nghe cá vẫy ngang be xuồng
*
Còn không, trong giới thương hồ 
Điệu hò đưa đẩy nghe mờ xa xăm?
Chạy theo tăng trưởng bao năm
Biết bao đánh đổi; hóa văn đổi màu
*
Nhân mãn nạn chung, sao thả nổi
Hạn mặn, sụt lún khắp mọi nơi
Nước ngầm gần kiệt, bao cơn khát
Môi trường ô nhiễm, mãi không thôi
*
Cho nên:
Năng lượng bền vững, chuyển dịch mau !
Delta kinh tế chuyển sắc màu
Đất mới đẹp tươi ngày xưa ấy
Chung tay trí tuệ để phục khôi ! 
*
Anh về ở miệt Tiền - Hậu Giang
Bắc cầu Cao Lãnh đón em sang
Nối cao tốc mềm qua Vàm Cống
Long Xuyên phà bến bóng em cười
*
Sông trôi nước chảy, bóng kiều xao
Lòng người muôn nẻo, ngước nhìn sao
Bao nhiêu năm tháng, hoa dềnh nước
Một phút giây này, tâm hướng nao?
*

HÀN GẮN VIỆT-KHMER

Mekong mạch sống Việt – Miên
Sợi dây nối kết tồn chung hoà bình
Vận hành mọi đập: phối hợp quy trình 
Phục hồi sinh thái Biển Hồ, Cửu Long
*
Năng lượng tái tạo, hướng xanh
Lợi toàn lưu vực, chữa lành thù sâu
Cùng phát triển, tương trợ nhau
Một vùng thịnh vượng mai sau hãy còn 
*

CỬA BỂ

Đại địa máng nhập thềm lục địa
Chín cửa sông, đã lấp mấy rồi?
Bâng khuâng ngút mắt sa bồi
Nương dâu bãi bể chuyển dời ngàn năm
*

BIỂN ĐẢO

Ngóng xa nữa đảo thiêng ngoài đó
Ai đang ca khúc “Trường Sa hành”? (18)
Nhóm lên ngọn lửa chiến tranh
Tàu ô lại muốn biển xanh phải ngầu!
*

TẠM KẾT

Quanh một vòng chữ S một dải
Thấy đẫm xanh mà cũng đẫm nâu
Ta vui cảm khái đôi câu
Ta buồn, cũng thảy chút đau với đời 
*

TIẾP TỤC RONG CHƠI

Xứ Nam Việt một ngày đẹp nắng
Cánh buồm giong lại trở ra khơi
Lang thang sẽ đến cuối trời
Nhắn ai ở lại đôi lời, làm vui…


NGÔ S. ĐỒNG TOẢN
2019 – 2020

* Chú thích:
  1. Thang Bèng là ngã ba giữa QL13 và QL8 ở Trung Lào. QL13 là đường chính Bắc-Nam của Lào. QL8 đi theo hướng Đông-Tây từ cửa khẩu Cầu Treo (Nậm Phao) - Hà Tĩnh đến Thang Bèng, Bolikhamxay, Lào.

  2. Boten: Cửa khẩu Bắc Lào tại vùng biên giới với China

  3. Sa Vẳn: Savannakhet, tỉnh phía Nam Lào

  4. Khăm Muộn: tỉnh Trung Lào; tiếng Anh viết là Khammuane/Khammouane/ Khammouan. Tỉnh lị là thị xã Thakhek.

  5. Luang Prabang: Phía bắc thủ đô Viêng Chăn, có dự án thủy điện lớn do Công ty PetroVietnam Power của Việt Nam tham gia đầu tư

  6. Trung Cộng tính đến tháng 6/2020 đã xây xong 11 đập thủy điện trên dòng Mekong thuộc đất China, đó là: Ô Lộng Long (Wononglong 乌弄龙), Lý Để (Lidi 里底), Hoàng Đăng (Huangdeng 黄登), Đại Hoa Kiều (Dahuaqiao 大华桥), Miêu Vĩ (Miaowei 苗尾), Công Quả Kiều (Gonggouqiao 功果桥), Tiểu Loan (Xiaowan 小灣壩), Mạn Loan (Manwan 漫湾大坝), Đại Triều Sơn (Dachaoshan 大朝山大坝), Nọa Trát Độ (Nuozhadu 糯扎渡), và Cảnh Hồng (Jinghong 景洪大坝). Đập Thác Ba (Tuoba 托巴) đang xây dựng. Đập Cảm Lãm Bá (Ganlanba 橄榄坝) chưa xây. Đập Mãnh Tống (Mengsong孟松) đã hủy bỏ.

  7. Lào đã quy hoạch hàng trăm thủy điện khắp cả nước, trong đó có hàng chục thủy điện trên dòng chính Mekong: 9 đập chính tập trung ở miền bắc như Pak Beng, Luang Prabang, Xayaboury, Pak Lay, Sanakham, Pak Chom và miền nam có các đập là Ban Koum 2.000 MW, Lat Sua, Donsahong. Chuỗi 7 đập trên dòng nhánh Nam Ou (hòa vào sông Mê Công tại Luang Prabang) được cho là có tác động tiêu cực mạnh đến dòng chính và vùng hạ lưu.

  8. Nam Theun hay Nam Kading là một nhánh đổ vào Mekong ở Pak Kading, Bolikhamsai.  

  9. Đảo Ngọc: Phú Quốc, Kiên Giang

  10. Ủy hội Sông Mê Công (Mekong River Commission – MRC). Đây là một cơ quan liên chính phủ nhằm "thúc đẩy và phối hợp quản lý và phát triển tài nguyên nước cũng như tài nguyên có liên quan một cách bền vững vì lợi ích chung của các quốc gia và sự an sinh của cộng đồng bằng cách triển khai thực hiện những hoạt động và chương trình chiến lược, cung cấp thông tin khoa học và cố vấn chính sách". Thành viên của MRC là các Ủy ban Sông Mê Công của các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, và Việt Nam. Trong khi đó, Myanmar và China là hai đối tác. Các nước thành viên của Ủy hội này hồi mấy thập kỷ trước có quyền phủ quyết; nhưng nay, quyền đó đã bị bãi bỏ.

  11. Nậm Êmun (Nam Emoun): Thủy điện 125MW đang thi công tại tỉnh Sekong, Nam Lào. Tư vấn thiết kế và giám sát là liên danh của công ty Đức và Thái Lan. Nhà thầu EPC phần xây dựng là Sông Đà của Việt Nam; nhà thầu phần Cơ-điện là của China

  12. Nong Nok Khiene: Cửa khẩu tỉnh Champasak phía Nam Lào, giáp cửa khẩu Trapeang Kriel của tỉnh Stung Treng, Kampuchea

  13. Sông Dương Tử: Còn gọi là Trường Giang, là con sông dài nhất châu Á. Đập Tam Hiệp trên Trường Giang là công trình thủy điện lớn nhất thế giới. Thời cổ (nhà Thương, nhà Chu), người Trung Quốc gọi các dân tộc sống ở phía nam sông Trường Giang bằng một cái tên chung là [Bách] Việt. 

  14. Cambodia: đã quy hoạch 2 thủy điện lớn trên dòng chính Mekong là Stung Treng (880MW) và Sambor (465MW, 2.600MW).

  15. Thái Lan: Những người Thái bênh vực cho thủy điện nhấn mạnh "việc phủ xanh Isan", vùng đông bắc 20 tỉnh thường bị hạn hán, để hợp pháp hóa sự phát triển một "mạng lưới nước" nhằm chuyển nước từ Lào, thuộc dòng chính sông Mekong.

  16. Lan Thương (澜沧江): là tên gọi của đoạn sông Mekong trên đất China. Cơ chế Lan Thương-Mê Công (LMC / Lancang-Mekong Cooperation) là câu trả lời của China cho kế hoạch phát triển ở các nước hạ nguồn sông Mê Công.

  17. Tên hai tác phẩm của BS. Ngô Thế Vinh: "Mê Công dòng sông nghẽn mạch", và "Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng".

  18.  Trường Sa hành: Bài thơ nổi tiếng của Tô Thùy Yên.