Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

Ðọc “Mekong dòng sông nghẽn mạch” của Ngô Thế Vinh

VŨ ÁNH

*Photo by Uyên Nguyên

Vũ Ánh sinh năm 1941 tại Hải Phòng, là nhà báo kỳ cựu từ trước 1975 cho tới khi ra hải ngoại. Từ 1964 ông đã là một phóng viên chiến trường trong cuộc chiến tranh Việt Nam, từng là Chánh sở Thời sự Đài Phát Thanh Sài Gòn. Sau 1975, ông bị tù 13 năm trong các trại tù cộng sản. Ra tù, ông làm đủ nghề lao động để kiếm sống. Tới 1992, ông được đi định cư tại Hoa Kỳ theo chương trình H.O. Tới Mỹ, Vũ Ánh vẫn tiếp tục nghiệp báo tại các cơ quan truyền thông Nam California. Từng là chủ bút nhật báo Viễn Đông do nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang sáng lập. Rồi sang làm cho nhật báo người Việt trong nhiều năm với chức vụ tổng thư ký rồi chủ bút. Ông được các đồng nghiệp quý trọng, xem ông như một nhà báo mẫu mực, có kiến thức và cương trực. Ông qua đời đột ngột vào tháng 3/2014 ở tuổi 73.

LTS.- Nhà xuất bản Văn Nghệ Mới lại vừa cho ấn hành thêm một tác phẩm mới của Ngô Thế Vinh nhan đề “Mekong dòng sông nghẽn mạch”. Ðây là tác phẩm thứ hai đề cập đến việc Trung Quốc đang khai thác tận tình thượng nguồn sông Mekong mà không cần để ý gì đến mối nguy hại mà họ tạo cho những lân bang dưới nguồn. Vì sách chứa đầy rẫy những dữ kiện quan trọng, nhà báo Vũ Ánh sẽ điểm từng chương một. Khởi đầu là “Tường trình từ Vân Nam - Ðến với con đập Mạn Loan. [ nguồn: http://www.nguoi-viet.com/ ]  

*
Khi cầm trong tay tác phẩm “Mekong dòng sông nghẽn mạch” của Ngô Thế Vinh, tôi hiểu ngay rằng, tủ sách gia đình tôi lại có thêm một ấn phẩm cần phải đọc, đọc từ từ, đọc từng chương một để thấy rõ mối nguy hiểm đang ám ảnh một bác sĩ lấy văn chương để trình bày những gì cần trình bày, để nói những gì cần nói, để báo động những gì nhất thiết phải báo động. Là một bác sĩ từng mặc áo lính để trở thành Y sĩ trưởng của Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù, ông đã có dịp khuyến cáo mọi người sau cuộc nổi dậy của lực lượng Fulro trên Cao Nguyên Trung Phần qua tác phẩm “Vòng đai xanh”. Tác phẩm đã mang lại cho ông giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc 1971. Sau “Vòng đai xanh” là “Mây bão” và “Mặt trận ở Saigon” và khoảng năm 2000, một tác phẩm đồ sộ của ông ra đời: “Cửu Long cạn dòng, Biển Ðông dậy sóng”. Giữa cái thế giới mà nợ áo cơm còn rất nặng nề ở Quận Cam này, phải mất tới vài tháng mới đọc xong, mới nghiền ngẫm được hết những gì mà nhà văn Ngô Thế Vinh mang vào tác phẩm. Nói chung là tác giả đã gióng lên những tiếng chuông báo động về nguy cơ của những cuộc tranh chấp ngoài biển Ðông về nguồn dầu mỏ và việc Trung Cộng đang triệt để khai thác lợi ích của dòng nước ở đầu nguồn con sông Cửu Long và những thiệt hại trong tương lai không xa mà những quốc gia ở hạ nguồn phải trả, trong đó có Lào, Cam Bốt, Việt Nam.

Những người quen biết tác giả đều biết rằng nhà văn Ngô Thế Vinh làm việc với một kỷ luật khá khắt khe với chính mình, không chỉ với những trang web, những kho tài liệu tham khảo, với những thư viện, với những suy tưởng đắn đo mà ông còn nhất quyết thực hiện điều mà ông gọi là “chuyến đi thực địa” từ Vân Nam Trung Quốc, xuống tới các quốc gia Lào, Cam Bốt và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chuyến đi kiểm chứng ở vào thời điểm mà Trung Quốc đã trở thành dễ dàng trong những năm gần đây đối với khách du lịch, nhưng vẫn còn đủ nguy hiểm đối với những nhà văn nhà báo, hoặc bất cứ nghề nghiệp nào liên quan đến truyền thông, kể cả các tu sĩ truyền giáo.

Trong chuyến đi ở vùng cực Nam Trung Quốc, Ngô Thế Vinh đã chọn Côn Minh thuộc Vân Nam và suốt trong 74 trang của chương đầu tiên ông đưa ra rất nhiều chi tiết để cho thấy sự vươn dậy của một vùng rộng lớn của Trung Quốc sát với Việt Nam. Ở trang 14, ông viết:

“Chẳng còn đâu hình ảnh Côn Minh như 'một thị trấn Ðông Phương hẻo lánh im ngủ' như ghi nhận của viên tướng không quân huyền thoại Claire Chennault thuộc phi đoàn Flying Tiger từng trú đóng ở đây hồi Thế Chiến Thứ Hai. Phải từng được sống ở một Côn Minh cũ, mới thấy được sự thay đổi toàn diện và triệt để như thế nào”.

Người tài xế kiêm hướng dẫn của nhà văn Ngô Thế Vinh tên là Wu, người gốc Hán, tốt nghiệp đại học 4 năm, là giáo viên dạy toán, có gia đình, một con, nhưng lương thấp. Ở trang 21, ông viết về Wu với những chi tiết như sau:

“...Với cơ hội của một Trung Quốc mở cửa, Wu bỏ nghề giáo chuyển sang nghề lái taxi, lại có vốn liếng tiếng Anh nên có thể đồng thời hướng dẫn khách du lịch. Lương nay đã tăng gấp 6 lần so với nghề nhà giáo, tức khoảng 600 đô la/tháng, có thể mua nhà trả góp thay vì thuê và sẽ hoàn toàn sở hữu nhà sau 20 năm”.

Dù là chuyến đi có chủ đích và những con đập ở thượng nguồn sông Mekong vẫn là nỗi ám ảnh đối với Ngô Thế Vinh, ông cũng đã thăm được những nơi cần thăm ở Côn Minh như rừng đá Vạn Cổ, cổ thành Ðại Lý và hồ Nhĩ Hải. Mấy ngày lưu lại Côn Minh và viếng thăm những cảnh quan ở thủ phủ này của Vân Nam thực ra cũng chỉ là để nhà văn thử thách và tìm hiểu. Trung Quốc cho tới nay vẫn còn là một đất nước toàn trị và công an. Ngô Thế Vinh không bao giờ quên điều đó và ông vẫn có mối lo sợ là Wu làm việc cho công an Trung Cộng nên đã rất giới hạn trong ngôn ngữ giao tiếp. Nhưng cuối cùng, nhà văn Ngô Thế Vinh cũng quyết định đến gần nơi mà ông phải đến. Ðó là con đập Mạn Loan (phiên theo âm Việt ngữ của chữ Manwan), là đập thủy điện đầu tiên và lớn của tỉnh Vân Nam với công suất 1.500 megawatt nằm ngay khúc giữa con sông Lan Thương (khúc sông Mekong chạy qua Vân Nam mang tên này). Tác giả khái quát về sự hình thành con đập Manwan ở trang 28:

Phải nói là con đập Manwan đóng một vai trò quyết định trong kế hoạch điện khí hóa, đô thị hóa cả một vùng tây nam Trung Quốc từ kém phát triển đã mau chóng tiến kịp và sánh vai với những tỉnh trù phú miền đông và đông bắc. Tuy đã có kế hoạch từ những năm 70 nhưng vì thiếu ngân sách nên mãi cho tới tháng 5/1986, công trình đập Manwan mới chính thực được khởi công và việc đổi dòng con sông Mekong được hoàn tất vào tháng 10/1987. Con đập cao tới 99 mét chắn ngang khúc sông giữa hai ngọn núi với bức tường thành cao tới 35 tầng. Ðơn vị phát điện đầu tiên bắt đầu sản xuất điện từ ngày 30/6/1993 và chỉ hai năm sau đó, ngày 28/06/1995, tất cả 5 đơn vị phát điện cùng hoạt động theo đúng như giai đoạn 1 của dự án. Tưởng cũng nên nhắc lại, ở đây một sự kiện đáng ghi nhớ và gây nhiều tranh cãi là vào giữa năm 1993, xảy ra một hiện tượng được coi là bất thường: mực nước sông Mekong phía hạ lưu đột ngột tụt xuống thấp mà không phải là vào mùa khô.Chỉ lúc đó người ta mới được biết là Trung Quốc đã xây xong con đập Manwan và đó là thời điểm bắt đầu lấy nước từ sông Mekong vào hồ chứanhưng họ cũngchẳng thèm thông báo gì cho cácquốc gia dưới nguồn. Chỉ riêng con đập Manwan mà đã giữ tới 20% nguồn nước trên dòng chính khúc sông Mekong chảy qua Vân Nam”.

Ðường lên Manwan cũng trắc trở và theo như lời tác giả “... đường thì hẹp nhưng xe lúc nào cũng muốn thênh thang chạy giữa con lộ, như không hề biết có xe ở phía trước, và khi đối đầu nhau thì chỉ còn là gang tấc, yếu bóng vía mà lại còn nhìn xuống lũng sâu thì chẳng còn bụng dạ nào muốn đi tiếp cuộc hành trình”. Nhưng lao đã được phóng đi, tác giả Ngô Thế Vinh đã theo Wu tới được nơi ông muốn và cần tới. Ở trang 45 của “Dòng sông nghẽn mạch”, ông viết:

“Nơi cổng vào có trạm lính canh, trên bức tường thành là một bảng hiệu uy nghi với hai hàng chữ Hán và Anh sáng chói: Yunnan Manwan Power Generating Co. Ltd. Nơi mặt tiền là những tòa nhà công sở nhiều tầng, lớn khang trang, sâu hơn vào phía trong là câu lạc bộ công nhân, khu cư xá nhân viên gồm những tòa nhà 3-4 tầng trên lưng đồi. Có cả một nhà nghỉ điều hành như khách sạn dành cho khách vãng lai”.     

Theo như lời tường thuật của tác giả, con đập dường như có một ma lực đối với những người muốn tìm kiếm những chứng cớ về một nguy cơ cho những quốc gia ở dưới nguồn sông Mekong. Ông cảm thấy điểm quan trọng nhất cho chuyến đi này là tới được dòng sông, chụp hình nó. Ông mô tả giây phút căng thẳng và hấp dẫn ấy trên trang 46 của bút ký “Dòng sông nghẽn mạch”:

“Xe chạy dọc theo bờ sông bên hữu ngạn, khoảng 4-5 giờ chiều có lẽ là giờ nghỉ nên khá vắng, cơ hội là khoảng trống ấy, nên tôi đã chụp hình rất nhanh và tối đa với cả hai cuộn phim các landmark của khu đập Manwan. Bên một bờ sông cao, phía dưới là dòng sông nước chảy, tôi cố gắng tới gần nhất chân con đập. Người bạn đồng hành luôn luôn là cái thắng an toàn, không muốn tôidừng lâu hơn nữaở một nơi chắc chắn không phải là tụ điểm du lịch để mà xông xáo chụp hình nhiều như vậy”.

Việc xây cất một hệ thống đập trên thượng nguồn sông Mekong như thế hẳn là phải tạo những phúc lợi vĩ đại cho sự đổi mới đất nước Trung Quốc, ít ra thì cũng cho toàn bộ vùng phía Nam trong giai đoạn đầu. Nhưng một vấn đề được đặt ra: môi trường. Những nước dưới nguồn khi dòng Mekong bị nghẽn mạnh là những quốc gia lãnh đủ nhất. Ngô Thế Vinh đã tìm ra đủ lý lẽ và thực tế để chứng minh điều vừa kể. Ông viếng cổ thành Ðại Lý và sau đó đến hồ Nhĩ Hải, một hồ thiên nhiên rộng lớn có một phụ lưu đổ vào sông Mekong. Cũng ở hồ Nhĩ Hải tác giả đã quan sát cảnh ngư dân đánh cá bằng loại chim cốc, một nghề cổ truyền của dân tộc Bạch. Ở trang 57, độc giả được tác giả mời trở lại cảnh trời nước của 5 thập niên trước đây trên hồ Nhĩ Hải:

“Gần bờ, nước hồ ô nhiễm đặcsánh lại với rong rêu, cũng không ngạc nhiên khi thấy rãnh nước thải từ thành phố chảy qua các ruộng lúa rồi đổ thẳng xuống hồ. Phải xa bờ, nước hồmới trở lại trong xanh. Như những người bạn thiết, bầy chim cốc và ngư ông hoạt động nhịp nhàng. Cảnh tượng thật kỳ lạ. Chỉ bằng khẩu lệnh với những âm thanh sắc ngắn là cả mộtbầy chim từng đợt, từng đợt vỗ cánh rồi cùng ngụp lặn sâu dưới mặtnước. Phải một lúc sau mới thấy từng con trồi lên. Con chim nào với chiếc cổ phồng to phía trên nút lạt thắt là dấu hiệu bắt được cá lớn, ngư ông chỉ cần tới gỡ mỏ từng con và thu hoạch... Sau hai điếu thuốc chủ và khách đều hân hoan. Lão ngư ông cao hứng bảo sẽ hát cho chúng tôi nghe một bài tình ca có tự lâu đời của sắc dân Bạch ... Theo lời Wu thì bài hát kể lại mối tình thơ mộng và say đắm của đôi trai gái sắc tộc Bạch, cùng chèo thuyền trên hồ Nhĩ Hải cảnh sắc hữu tình, dưới bầu trời xanh, bên dãy núi cao, trên biển nước mênh mông, mỗi nốt nhạc lời ca là tiếng lòng thổn thức của họ. Ở tuổi gần60, da sạm nắng và gầy khắc khổ, nhưng người đàn ông đã hát với tất cả vẻ đam mê như đang sống lại với mối tình đầu của tuổi thanh xuân ngày nào. Bầy chim cốc vẫn bơi sát theo thuyền... Tôi hỏi về mức thu hoạch cá với đàn chim cốc. Ông nói đã sống với nghề săn cá bằng chim cốc từ 40 năm vàchỉ cách đây hơn 10 nămthôi, vẫn có được những mẻ cá lớn nhưng về sau này thì không, lượng cá không hiểu tại sao lại ít hẳn đi...”

Với mức ô nhiễm ngày một lên cao tại hồ Nhĩ Hải, lượng cá ít đi là chuyện có thể giải thích được. Ðiều này không chỉ ảnh hưởng đến những ngư dân của cổ thành Ðại Lý. Khi nó có một phụ lưu đổ vào sông Mekong, thì người ta không thể chỉ gói ghém mức đe dọa đến khúc sông Mekong thuộc tỉnh Vân Nam. Ở trang 34, tác giả Ngô Thế Vinh đã vẽ được một họa đồ một hệ thống đập “Bậc Thềm”, từ Manwan, Ðại Chiếu Sơn (Dachaoshan), Cảnh Hồng (Jinghong), Tư Mao cho đến đập mẹ Xiaowan và một số đập nhỏ khác. Chỉ với một họa đồ hệ thống Ðập Bậc Thềm này dọc theo khúc sông Mekong thuộc lãnh thổ phía Nam Trung Quốc, tác giả cũng đã cho thấy những báo động của ông đầy tính chất thuyết phục. Khi hệ thống đập này hoàn tất sau đập Manwan, khối nước khổng lồ mà Trung Quốc đưa vào các bể chứa ở đây sẽ khiến cho những phúc lợi của những khúc sông chảy qua Lào, Cam Bốt và Việt Nam sẽ ra sao? Ai cũng thấy dòng Mekong như bị một cái bướu vĩ đại ở Vân Nam chặn lại. Trong mạch máu của các quốc gia Lào, Việt và Cam Bốt đã có một cái bướu vĩ đại như vậy, nó sẽ không thể nuôi dưỡng những cơ cấu ở phía dưới. Ðó là điều chắc chắn.

Chuyến đi của Ngô Thế Vinh không phải là chuyến du lịch. Nó vất vả và gay cấn. Nhưng bù lại, ông đã có được sự kiểm chứng tại chỗ và tạo được cái nền vững cho tiếng chuông cảnh giác mà ông đã gióng lên. Những bước chân của nhà văn trên sông và qua các bờ sông Mekong ở Lào, Biển Hồ trên đất Cam Bốt và hạ nguồn con sông này trên đồng bằng sông Cửu Long đã giúp ông thu thập thêm những bằng chứng về ảnh hưởng của việc Bắc Kinh xây hệ thống đập bậc thềm trên khúc sông Lan Thương ở Vân Nam. Ở trang 73-74, ông kết luận:

“Phải chứng kiến sự thay đổi mau chóng của cả một vùng tây nam (Trung Quốc) kém phát triển như tỉnh Vân Nam, không phải chỉ ở những thành phố, dấu hiệu của phát triển và xây cất còn thấy rõ cả ở những ‘thị trấn giữa đàng’ hai bên quốc lộ. Ruộng lúa thì xanh mơn mởn. Ðiện tới được cả những căn nhà ở vùng rấthẻo lánh trên các rẻo cao và không phải là không thường gặp trước mỗi hiên nhà ấymột đĩa bắt sóng mới biết trong nhà đã cóTV... Nói chung, từ thành thị tới thôn quê là hình ảnh những người dân Trung Quốc mặc lành lặn và no đủ... Hiển nhiên, đất nước ấy không thiếu những khiếm khuyết như bất cứ xã hội nào khác, nhưng trải qua bao kinh nghiệm bi thương của rất nhiều máu và nước mắt, người dân Trung Quốc ngày nay đã đứng vững trên đôi chân của họ để đi về tương lai. Từ Trung Quốc, nhìn về Việt Nam nhỏ hơn cả tỉnh Vân Nam, một đất nước đang vỡ ra từng mảnh, nhìn về Hoa Kỳ ngoài sức mạnh quân sự,ngày càng cô lập và mất quyền lãnh đạo thế giới, cứ theo lẽ thịnh suy, thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của Trung Quốc. Ở mỗi thời kỳ, mỗi dân tộc sẽ phải cam chịu hay có một số phận xứng đáng với sự lựa chọn và cách sống của họ”.

Trong lúc đó, Lào, Thái, Việt Nam và Cam Bốt dường như vẫn vô cảm với những biến chuyển lớn lao đang diễn ra. Cho tới nay chưa thấy quốc gia nào nói gì về chuyện này cả.

VŨ ÁNH

Little Saigon, Thứ Tư 14/03/2007