Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

Đọc Ngô Thế Vinh, Bằng Hữu & Văn Chương

SONG THAO

Thời gian gần đây, tạp chí Ngôn Ngữ mỗi kỳ giới thiệu đặc biệt một tác giả. Thường thì số bài dành cho phần đặc biệt này chiếm nửa số báo, khoảng 150 trang. Nhưng có những tác giả có nhiều bài viết, chiếm quá số trang nên phải làm một phụ bản riêng. Mỗi số Ngôn Ngữ dày khoảng 300 trang, thường các phụ bản trước của các tác giả Tô Thùy Yên và Hoàng Ngọc Biên, Cung Tích Biền số trang ngang bằng với Ngôn Ngữ. Kỳ này, cuốn “Ngô Thế Vinh, Bằng Hữu và Văn Chương” chiếm kỷ lục, tới 700 trang lận, gấp đôi số báo thường. Cứ tưởng tượng mỗi số Ngôn Ngữ như một anh chàng khôi ngô tuấn tú vác một phụ bản như vác một cái ba-lô. Anh chàng 300 ký vác cái ba-lô 700 ký, lăn kềnh là cái chắc. Nhưng nhà văn Ngô Thế Vinh xứng đáng với sức nặng này.

Ngô Thế Vinh ham văn chương hơn là học hành. Bước vào năm thứ nhất Y khoa anh không có cái hớn hở của một sinh viên theo học một ngành học xịn xò nhất thời đó. Anh tâm sự: “Bước vào năm đầu y khoa, thay vì như các bạn đồng khóa tập trung vào học tập, tôi đã không được gương mẫu như vậy, sớm say mê chuyện viết lách làm báo và cả rong chơi với giới nghệ sĩ nhóm bạn Nghiêu Đề, thường lui tới xóm Bùi Viện gần Ngã Tư Quốc Tế, ngay từ lúc họ như những “viên ngọc ẩn thạch”, giới hội họa như Nguyễn Trung, Cù Nguyễn, Lâm Triết, Nguyên Khai; nhóm thơ văn Trần Dạ Từ, Nguyễn Đức Sơn / Sao Trên Rừng, Trần Tuấn Kiệt, Trần Đức Uyển / Tú Kếu, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Nguyễn Thụy Long, mỗi người một vẻ với khao khát nghệ thuật là mẫu số chung mà họ hướng tới”. Cố học tới năm thứ tư, anh lại tính buông: “Bây giờ nhớ lại, tôi không thể không cám ơn anh tôi đã [khuyên tôi cố] hoàn tất hai năm còn lại để ra trường và lúc đó không có ai cản trở tôi làm những công việc mà tôi thích”.

Thứ anh thích không phải là cái danh nhưng là lý tưởng tạo dựng một xã hội công bằng. “Khi còn là sinh viên, như các bạn đồng trang lứa, chúng tôi quan tâm đến những vấn đề xã hội. Mơ ước và phấn đấu cho công bằng xã hội, tôi nghĩ đó là ước mơ chung của lứa tuổi thanh niên. Dĩ nhiên không đơn giản để tìm một con đường đi tới giấc mơ ấy. Từ những quan niệm khác nhau, phương thức hành động khác nhau, nảy sinh ra những đấu tranh và thuyết phục. Hòa mình vào dòng sinh hoạt chung ấy, bảo rằng đó là hoạt động chính trị, theo một nghĩa rộng điều đó không sai. Nhưng nếu chính trị hiểu theo nghĩa phe nhóm đảng phái thì tôi chưa hề tham gia và cũng không muốn dấn thân vào con đường chông gai ấy”. Để thể hiện ước vọng này, anh cùng bạn bè làm báo Tình Thương, một tờ báo của sinh viên Y Khoa nhưng đã có ảnh hưởng lớn ngoài xã hội.

Ra trường anh dấn thân vào cuộc chiến đang lúc sôi động. Anh tình nguyện phục vụ trong Biệt Cách Dù thuộc Lực lượng Đặc Biệt, một binh chủng sừng sỏ nhất, có nghĩa là luôn đối đầu với thần chết. Tay ống chích, tay súng nhưng anh không quên dành một bàn tay cầm bút. Năm 1969, anh hoàn tất cuốn “Vòng Đai Xanh”. Nhà xuất bản Thái Độ in vào năm 1970 và đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1971. Giải được phát vào dịp Tết năm 1972 tại Dinh Độc Lập nhưng anh bận hành quân trấn giữ Kontum nên không thể bỏ đơn vị về lãnh giải.

Trớ trêu thay, chỉ vài tháng sau anh phải ra hầu tòa vì bút ký “Mặt Trận Ở Sài Gòn”. Bộ Nội Vụ kiện anh tội “có luận điệu phương hại trật tự công cộng và làm suy giảm kỷ luật, tinh thần chiến đấu của quân đội”. Bút ký ghi lại thời gian khi đơn vị của anh được điều động từ mặt trận về Sài Gòn dẹp các cuộc xuống đường của sinh viên học sinh. Có điều chi lấn cấn nơi anh khi “hành quân” về thủ đô. “Ở những năm dài trên đại học, tôi đã từng sống cái tâm trạng của họ và hiện tại tôi cũng lại đang sát cánh với các anh sống giữa hoàn cảnh gai lửa này. Tôi hiểu được nỗi bực dọc của các anh, tôi cũng lại cảm thông với những động lực đấu tranh của họ. Không phải là hoàn toàn vô lý khi họ phải bỏ cả sự học, hy sinh cả tương lai để dấn thân vào những cuộc tranh đấu”. Sài Gòn là một thế giới khác, không có tiếng bom đạn, chỉ có rượu nồng, nước hoa thơm lừng và những người sống ngoài chiến tranh. “Của một đám người kêu gào chiến tranh nhưng lúc nào cũng ở trên và đứng ngoài cuộc chiến ấy. Rồi những người lính bơ vơ tự hỏi, cầm súng họ bảo vệ cái gì đây? Không lẽ cho một con thuyền xa hoa ngao du trên dòng sông loang máu, nổi trôi đầy những xác chết đồng loại… Người lính chỉ ao ước được cầm súng chiến đấu cho tổ quốc, hy sinh cho một lý tưởng cao cả, một chính nghĩa sáng ngời – mà khỏi cần phải bận tâm suy nghĩ điều gì. Nhưng bây giờ thì họ hiểu rằng, đã thất lạc và qua rồi sự bình an giả tạo sau những mỏi mệt trở về từ rừng rú. Rằng ngoài chiến trường súng đạn quen thuộc, họ còn phải đương đầu với một trận tuyến khác mỏi mệt hơn – đó là cảnh thối nát bất công của xã hội mà dân tộc đang phải hứng chịu trong tối tăm tủi nhục. Từ ba mươi năm nay, đã và đang có quá nhiều anh-hùng-của-chiến-tranh trong khi lại quá thiếu vắng những chiến sĩ xã hội. Vậy phải lựa chọn chiến trường nào? Rằng không phải chỉ ở chốn xa xôi biên cương – mà đích thực chiến–trường–thách–đố của họ phải là ở Sài Gòn”. Vụ án bị dư luận đàm tiếu kết thúc vào ngày 18/5/1972 bằng một bản án treo 100 ngàn đồng tiền vạ, bồi thường 1 đồng danh dự cho Bộ Nội Vụ.

Ngày sụp đổ của miền Nam, anh quyết định ở lại vì anh không thể đào ngũ. “Tôi đã chọn ở lại, để rồi chứng kiến những ngày cuối cùng của những người lính. Thảm kịch không phải trận chiến cuối cùng đã bị thua, nhưng chính là cái nhục và nỗi thất vọng ê chề của những người lính về sự hèn nhát của cấp chỉ huy và giới lãnh đạo của họ… Chia sẻ nỗi khổ với người lính trong chiến trận, chứng kiến nỗi nhục của họ sau đó, giữa một đám người thắng trận nhếch nhác và chẳng hơn gì. Từ đó tôi nhìn tấn thảm kịch trên cả hai miền đất nước. Sống sót qua cơn địa chấn ấy, bảo làm sao mà không có dấu hằn trên cuộc sống thực và cả văn chương”.

Như các sĩ quan thất thế của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, anh bị dồn vào cái gọi là trại học tập cải tạo mà thực chất là những trại tù. Cuốc đất trồng rau, đốn tre trảy gỗ trên ngàn, anh được thả về sau ba năm phí phạm của cuộc đời. Cuối năm 1983, anh qua Mỹ. Xa quê nhà, lòng vẫn chưa dứt được những lo âu cho dân tộc. Nhận thấy nguy cơ Trung Quốc xây đập, cải tạo dòng sông Cửu Long, con sông huyết mạch của dân tộc, anh lại… dấn thân! Năm 1995, anh bắt tay vào với ước vọng cứu được dòng sông nuôi sống dân Việt. Ngô Thế Vinh là người rất cẩn tắc, chuyện chi anh cũng làm tới nơi tới chốn. Đọc tài liệu về sông Cửu Long chưa đủ, anh đã tới thực địa để tự tai nghe mắt thấy hầu có những nhận định chính xác. Anh đã đi 4.800 cây số dọc theo dòng sông, từ thượng nguồn tới hạ nguồn, từ Trung Quốc, qua Lào, qua Kampuchia tới hạ lưu con sông ở Việt Nam. Ít người có tâm với đất nước như vậy. Hai cuốn sách “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” do nhà Văn Nghệ xuất bản năm 2000 và cuốn “Mekong – Dòng Sông Nghẽn Mạch” cùng một nhà xuất bản năm 2007 là tâm huyết của anh với đất nước.

Bề bộn trong nhiều vai trò, Ngô Thế Vinh là ai dưới con mắt của bằng hữu? Nguyễn Xuân Hoàng nhận định: “Ngô Thế Vinh là nhà văn của những ước mơ, hay nói rõ hơn, ông là nhà văn của lương tâm”. Nguyễn văn Tuấn cho Ngô Thế Vinh là một người lính, một nhà văn, một trí thức. Nguyễn Thị Khánh Minh xác tính Ngô Thế Vinh là một chiến sĩ xông pha chiến trường, một bác sĩ, một nhà văn, một nhà báo, một chiến sĩ xã hội.

Không phải ai cũng có thể được nhiều người mến mộ như Ngô Thế vinh. Danh sách các tên tuổi viết về anh trong cuốn “Ngô Thế Vinh – Bằng Hữu và Văn Chương” này dài dằng dặc. Luân Hoán, Trần Thị Nguyệt Mai, Đinh Cường, Nguyễn Vy Khanh, Phạm Phan Long, Nguyễn văn Tuấn, Trang Châu, Lê Chiều Giang, Nguyễn Mạnh Trinh, Lê Quỳnh Mai, Hoàng Xuân Hãn, Lê Ngộ Châu, Nguyễn Mai, Nguyễn Quốc Trụ, Nhật Tiến, Lại Mạnh Cường, Trịnh Y Thư, Hoàng Ngọc Nguyên, Trần Ngọc Ninh, Gerald C. Hickey, Oscar Salemink, José Quiroga, Nguyễn Thuyết Phong, Nguyễn Quỳnh, Mặc Đỗ, Nguyễn Sao Mai, Hoàng Mai Đạt, Nguyễn Xuân Hoàng, Tạ Tỵ, Đoàn Nhã Văn, Trần Huy Bích, Trần Mộng Tú, Nguyễn thị Khánh Minh, Mark Frankland, Tim Page, Bùi Khiết, Hoàng văn Đức, Dohamide, Long An, Nguyễn Kỳ Hùng, Khánh Trường, Phan Nhật Nam, Đặng Trần Huân, Vũ văn Dzi, Lương Thư Trung, Nguyễn Đình Toàn, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Thiệp, Trần Ngươn Phiêu, Nguyễn văn Lục, Ngã Du Tử, Huỳnh Kim Quang, Ánh Nguyệt, Đỗ Nghê, Phạm Cao Hoàng, Phan Tấn Hải, Phạm Xuân Đài, Nguyễn Tài Ngọc, Trương Vũ, Hà Ngọc Thuần, Trịnh Cung, Song Thao, Trần thị Diệu Tâm, Huy Văn Trương, Hảo Phạm, Nguyễn Ngọc Dung, Eric Henry. Tôi ghi theo thứ tự xuất hiện trong cuốn sách.

Bằng hữu của anh Ngô Thế Vinh thuộc nhiều lãnh vực hoạt động. Tất cả đều trân quý một người không ngại gian khó, xông pha trong nhiều lãnh vực. Riêng tôi, tôi kết nhất với Ngô Thế Vinh nhà văn. Anh đã cho xuất bản từ năm 1963 các tác phẩm văn chương: Mây Bão, Bóng Đêm, Gió Mùa, Vòng Đai Xanh, Mặt Trận Ở Sài Gòn. Năm 2017, Ngô Thế Vinh đã cho xuất bản “Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hóa”, tập I và năm 2022 tập II.

Trong tập I, anh viết về Mặc Đỗ, Như Phong Lê văn Tiến, Võ Phiến, Linh Bảo, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Ngọc Biên, Đinh Cường, Nghiêu Đề, Nguyên Khai, Cao Xuân Huy, Phùng Nguyễn và hai Giáo Sư Phạm Biểu Tâm và Phạm Hoàng Hộ.

Tập II gồm các tác giả: Nguyễn Tường Bách, Tạ Tỵ, Trần Ngọc Ninh, Lê Ngộ Châu, Nguyễn văn Trung, Hoàng Tiến Bảo, Lê Ngọc Huệ, Nghiêm Sỹ Tuấn, Đoàn văn Bá, Mai Chửng, Trần Hoài Thư & Ngọc Yến, Phan Nhật Nam, Dohamide và John Steinbeck.

Nhà văn Phạm Xuân Đài nhận xét về “chân dung” này: “Dùng hai chữ "chân dung” để đặt tên cho loạt bài viết này của mình, Ngô Thế Vinh đã sáng tạo ra một cách viết mới cho một số nhân vật mà anh lựa chọn. Quyển sách này không thuộc loại phê bình văn học như “Nhà Văn Hiện Đại” của Vũ Ngọc Phan hoặc “Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân, không, anh không đặt mục tiêu và trách nhiệm của mình rộng đến thế. Trước hết anh không phải là nhà phê bình văn học hay nghệ thuật, anh chỉ tạo nên những “chân dung” theo cách của mình. Một trong những điều kiện đầu tiên để tác giả làm việc này là người được giới thiệu phải là người quen thân của anh, nói đơn giản là bạn anh… Tình bạn ấy không chỉ thuần túy là tình cảm thân thiết giữa hai cá nhân như thường tình, mà trong đó còn lẫn lộn các tác phẩm văn chương hay hội họa, phong cách sáng tác, ý hướng sáng tạo hay con đường hoạt động của mỗi người”.

“Chân dung” do Ngô Thế Vinh vẽ ra không giống các chân dung của các tác giả khác. Đặc biệt là với các cây viết đã khuất núi, anh phân tích chi tiết căn bệnh đưa tới sự ra đi của các bạn này. Như bệnh ung thư cột sống sarcoma của Nguyễn Xuân Hoàng, ung thư gan của Nguyễn Mộng Giác, ung thư mắt của Cao Xuân Huy, ung thư tụy tạng của Nghiêu Đề, ung thư tuyến tiền liệt của Đinh Cường. Những chi tiết này sẽ là những tài liệu quý báu cho văn học sử sau này.

Gấp cuốn sách cầm chắc tay dày 700 trang, tôi thấy ấm lòng khi nghĩ tới cái tình của bạn bè dành cho Ngô Thế Vinh và tình của Ngô Thế Vinh dành cho bạn bè. Đó là một thứ tình văn nghệ rất khác biệt. Rất nặng ký. Cuốn “Ngô Thế Vinh, Bằng Hữu và Văn Chương” cũng là một cuốn sách nặng ký do bạn bè viết về một tác giả nặng ký. Tôi không rành về cân nặng của tác giả nhưng cái “nặng ký” của cuốn sách thì tôi rất rành sáu câu. Tôi đã bỏ lên cân tiểu ly. Đúng 922 gram!

SONG THAO
Tháng 4/2024