Nuôi Sẹo

Sưu tập đặc biệt của Thư Quán Bản Thảo

triều sơn

(trích từ nguyệt san Tình Thương)

nuôi sẹo
THƯ QUÁN BẢN THẢO SƯU TẬP
từ các số báo TÌNH THƯƠNG – Nguyệt san của Sinh Viên Y Khoa SG (1964-1967)

 

Lời giới thiệu của nguyệt san Tình Thương

Nuôi sẹo là một tác phẩm mà nhiều nhà văn Việt-Nam tìm đọc từ hơn mười năm nay. Cuốn truyện đã không thể xuất bản được ở miền Bắc, Сộng Sản. Nó cũng không thể ra đời được ở miền Nam dưới chế độ cũ, độc tài. Tác giả là Triều Sơn, một sinh viên đã rời mái trường để đi làm cách mạng, đã làm đủ nghề, đã đặt chân tới nhiều nơi trên thế giới. Và Triều-Sơn đã chết ở Ba Lê khi Nuôi sẹo sửa được gần xong tập đầu mà chúng tôi hân hạnh giới thiệu ở đây.

Nhưng vài dòng ngắn ngủi này không thể đủ để các bạn, nhất là các bạn trẻ, biết rõ Triều-Sơn và Nuôi Sẹo. Bởi vậy chúng tôi xin nhường chỗ cho Trần Ngọc, một người bạn thiết của Triều-Sơn viết “ kỷ niệm về Triều – Sơn”. Trần Ngọc đã gặp lại Triều – Sơn ở Ba Lê sau 15 năm xa cách và đã làm quen với Nuôi Sẹo ở đó. Triều Sơn đã sống những ngày sau cùng của chàng với Trần Ngọc.

Cuộc tao ngộ đó đã là cái nhân cho sự ra mắt của Nuôi Sẹo ở đây.

Và chúng tôi xin ghi đậm một nét chân thành cám ơn Trần Ngọc, người đã cho chúng tôi cái hân hạnh đón chào Nuôi Sẹo. (LTS Tinh Thương)

(trích từ nguyệt san Tình Thương số 1 tháng 1-1964)

***

TRẦN-NGỌC

MƯỜI LĂM NĂM ẤY
Kỷ Niệm về TRIỀU-SƠN

Tôi không biết làm thế nào để nhìn thấy trong một người trẻ tuổi cái mầm của tài năng.

Tôi bắt đầu quen Triều-Sơn khi vào lớp Toán Chuyên khoa, năm 1939. Tôi còn nhớ Triều Sơn nói với tôi, khi hai người vào ngồi cùng một ghế :

- Có anh em cũ thì học cả Toán cho vui, nhưng tôi học Triết cũng thích.

“Anh em cũ” là hai anh bạn khác, cùng học với Triều-Sơn những năm về trước ở trường Bưởi nhưng ngay từ buổi đầu ấy, tôi cũng đã là “anh em cũ” của Triều-Sơn.
Năm ấy Triều-Sơn mười tám tuổi, người to lớn, má đầy, mặt trắng nổi lốm đốm những mụn nhỏ của thiếu niên, tóc thưa và chải lật về đằng sau, mình đóng một cái áo the đen. Cả lớp chỉ có hai chúng tôi mặc ta, nhưng có lẽ đấy là hai điểm độc nhất giống nhau.

Triều Sơn thích đọc Triết hơn Toán, và tôi thích học Toán hơn Triết. Thưc ra thì Triều Sơn đã tiến sâu vào Triết học từ khá lâu rồi ; khi mới học năm thứ ba Trung học phổ thông, anh đã đọc hết Kant, Fichte và Hegel ; ảnh hưởng của Triết học Đức sau này còn sâu xa hơn nữa vào anh, qua Marx, qua Husserl, nhưng Triều-Sơn không phải là người của một dòng tư tưởng, và anh đã học cả Triết lý cận đại của Âu châu lẫn triết lý cổ Phật-Lão của Á đông. Hơn nữa, Triều-Sơn ngay từ lúc ấy đã có một cái công phu suy- nghĩ sau này sẽ đưa tư tưởng của anh vượt lên trên những lý thuyết vụn vặt của các môn phái. Tuy vậy mà trong lớp, không có dấu hiệu gì tỏ ra rằng
Triều-Sơn đã hiểu biết nhiều như thế ; số điểm của anh chỉ vào hạng trung bình, kể cả về triết học : có lẽ cái mầm vẫn còn thu hình trong hạt, hoặc giả những ý nghĩ đã có chút đặc sắc của Triều Sơn không hợp với cách học trọng hư văn trong các trường chăng ?

Sau khi đậu Trung học, mỗi người chúng tôi theo một ngả đường. Triều-Sơn, người không thích Toán, lại vào lớp Toán học đại cương. Nhưng Triều-Sơn không học Toán vì Toán ; suốt ngày, tôi gặp anh ở thư viện, đọc về triết lý của toán học ; những sách của Whitehead, của Bertrand Russell, của Hamilton được giũ bụi thờigian và ăn sâu vào óc của người sinh viên trẻ tuổi. Hồi ấy anh chỉ nói chuyện về (vô cùng), về (số giả), về cách luận lý trong toán học, về căn bản của sự hiểu biết. Kết quả là cuối năm, sau khi thi hỏng, Triều-Sơn bỏ học nhưng hài lòng vì đã lấp được một lỗ hổng trong tư tưởng.

Trong ít lâu, tôi không gặp Triều-Sơn nữa. Thời kỳ này mới chính là thời kỳ nảy nở của tài năng. Cái gì đã làm cho cái mầm nảy lá, đục đất và vươn lên trời xanh ? Sau này, khi Triều-Sơn viết “Con đường văn nghệ mới”, anh sẽ nhấn mạnh về điểm phải gần dân chúng; văn nghệ sĩ nào xa dân chúng sẽ cằn cỗi, hoặc trụy lạc tinhthần ; đi vào quần- chúng, sống | với đại chúng, hòa nhịp sống của mình vào đời sống chung, phải là phương châm của văn nghệ sĩ tiền phong. Đấy là một lời khuyên sống : quần chúng đã rèn luyện tài năng của Triều-Sơn, đã nuôi tinh-thần của Triều- Sơn, đã nung đúc tư tưởng của Triều-Sơn. Anh lăn mình vào cách mạng, làm thợ ở mỏ than Hòn gay, làm hành chính ở Hải dương, dạy học ở Phú thọ, làm phu ở dưới tàu, lưu lạc qua Quảng đông để chung-đụng với người dân Trung hoa mới, ở Hồngkông, Tích lan, đi Phi châu làm thợ nguội, rồi về Pháp, sống νόi anh em lính thợ ở Mạcxây, Bocđô và Balê. Và tôi gặp lại Triều-Sơn ở Balê.

Thực ra thì giữa quãng, tôi còn gặp Triều - Sơn vài ba lần khác, - thời gian vội vàng của một cuộc lên bộ, - nhưng cũng không có gì đáng kể. Một bữa thì anh mới ở ngoài Khu vào, và nói chuyện về những thắc mắc tinh thần mà duy vật lịch sử không giải quyết nổi ; một bữa khác, anh bàn luận về quan niệm của Trang tử về tự do ; một bữa nữa, phê bình văn nghệ, và nói chuyện về sự trụylạc của người trí thức bị khoa cử đưa đến một con đường danh lợi dễ dàng xa cách hẳn với đời sống của người dân cần lao. Rồi Triều Sơn vào Sàigòn làm báo, giũa ngòi bút trong những truyện ngắn, trong những bài thơ tự do (dưới tên là Ninh Huy), hay thơ trào lộng (dưới tên Thang Thang), hoặc tranh luận về Nghệ thuật, về Triết lý hay về những vấn đề xã hội. Trong khoảng này, anh viết bản kịch thơ Giặc Cờ đen kể sự thức tỉnh của một tâm hồn thấm nhuần Phật học trước sự đau khổ hiện tại của cả dân tộc. Giặc Cờ đen có một cấu tạo rất cổ điển; Triều-Sơn đã khéo phù hợp cách dệt những bi kịch Hylạp vào xã hội của Việtnam và dùng lời thơ cổ phong, khi âm-u, khi thâm trầm, khi dồn dập, để tả tâm tình của các nhân vật. Tuy thế sau này, Triều-Sơn có nói rằng về phương diện thơ thì Giặc Cờ đen chỉ được có vài câu là anh vừa ý; về phương diện kịch thì sự thànhcông chắc chắn hơn, nếu anh có thì giờ để thực hiện sự ra mắt của vở kịch trên sân khấu.

Nhưng lúc ấy Triều-Sơn còn ôm trong người cái mộng lớn về Nuôi Sẹo.

Nuôi sẹo là gì ? - Tôi gặp lại Triều-Sơn trong một căn phòng nhỏ hẹp, méo mó, chật sách, than và giấy ở phố Bièvre, quận năm Balê, và cũng làm quen với Nuôi Sẹo ở đó. Nuôi Sẹo là nhân vật chính của một tiểu thuyết dài về xã hội Việtnam trong buổi cuối cùng của thời thuộc Pháp. Làm mõ làng, chuyên nghề đòi nợ thuê và chôn người, Nuôi Sẹo là một con sâu bọ trong cái xã hội có tôn ti trật tự của một làng Bắc-Việt, TriềuSơn đã muốn nhờ con mắt của Nuôi Sẹo để tả cái xã hội phong kiến ấy, rồi lại nhờ con người của Nuôi Sẹo để mở hé một cái quan niệm về cuộc đời.

Đây không phải là một chuyện dễ. Một bức họa đồ sộ đòi hỏi công phu và thì giờ rất nhiều : Triều-Sơn để vào đó năm, sáu năm của anh, lúc nào cũng cặp chặt tập bản thảo trong người, từ Khu ra Hà nội, và trong tất cả những chặng đường luân lạc của anh ; xúc than nuôi lò cả ngày, buổi chiều tối lại chút bộ áo xanh của người phu tàu ra để chữa một hai câu văn ; hoặc là nằm ở Yiễm-Yiễm thư trang, sửa lại vài đoạn chưa được vừa ý. Lúc nào trong đầu óc anh cũng có Nuôi Sẹo ; Nuôi Sẹo chưa ra đời mà làng văn Việtnam đã biết cả hình dáng của gã, các nhà xuấtbản đã tranh nhau đỡ đầu cho gã, đã có nhà văn Pháp hẹn với tác giả để dịch truyện gã sang tiếng Pháp, đã có họa sĩ đi tìm tài liệu để vẽ lại vài cảnh trong cuộc đời gã. Triều-Sơn cứ đắn đo, sửa chữa xóa bỏ, thêm thắt, và để vào đấy tất cả cái sức khỏe của anh, cho đến ngày không cầm được bút nữa. Nhưng bức họa xã hội không phải là cái khổ tâm chính của Triều-Sơn. Cái khổ tâm của Triều-Sơn là Nuôi Sẹo, là con người Nuôi Sẹo, là tâm lý Nuôi Sẹo. Một bữa tôi nói chuyện với Triều-Sơn về sự cấu tạo nhân vật trong tiểu thuyết.

NGỌC:

- Cái liên lạc giữa tác giả và nhân vật như thế nào ?

TRIÊU-SƠN:

- Người mới viết truyện hay lấy tâm lý của chính mình ra mà truyền cho nhân vật; nhưng một nhân vật còn cuống rốn thì sống trong truyện thế nào được ?

NGỌC:

- Anh có tin rằng Nuôi Sẹo sống không ?

TRIỀU-SƠN:

- Đối với tôi, Nuôi Sẹo sống chứ ; mình tạo ra nó, tưởng rằng muốn bắt nó thế nào nó cũng phải chịu; mới đầu thì thế thực, nhưng rồi có lúc nó cưỡng lại mình, mà mình phải nlhin nó...

Thỉnh thoảng tôi đi uống nước với Triều Sơn ở khu Saint- Germain-des-Prés, - khu vănnghệ của Balê, - có một cái quán càfê, cửa sơn màu đỏ hung, nhỏ nhắn và ấm áp, lúc nào cũng đông khách ; khi nào vào đấy thì Triều-Sơn ngồi hằng giờ không đứng dậy, với một chén suc-cu-la bốn mươi lăm quan. Tại sao Triều-Sơn thích cái quán ấy, tôi không biết. Ở Balê, anh có giao thiệp với các văn sĩ Pháp, - Vercors, Marcel Aymé, JeanPaul Sartre ; có lẽ vì sự gặp gỡ của anh với những nhà văn ấy thường dùng cái khung cảnh của quán này. Cũng có lẽ rằng Triều Sơn hay tới họp ở hội Triết học cũng ở khu ấy, - đã có lần anh tới diễn giảng ở hội, - và khi ra về quen rẽ vào quán đó. Ngồi đấy với Triều- Sơn, tôi đã được nghe anh nói cho nghe về những vấn đề trong Nuôi Sẹo.

Về giá trị các nhân vật trong truyện, TRIỀU-SƠN: “ Những nhân vật phụ đặt những vấn đề rất kềnh càng. Ở một đầu này, nhân vật phụ chỉ là những cái bóng không hồn : đó là trường hợp những tiểu thuyết tâm lý, thí dụ tiểu thuyết của Paul Bourget. Ở một đầu kia, trái lại, nhân vật phụ rất sống và che lấp cả đời sống của nhân vật chính : trường hợp những truyện họa đồ xã hội (roman-fresque sociale). Ở giữa hai kỹ thuật ấy là Dickens : Dickens tả nhân vật phụ với những nét quá đáng, thành những hoạt họa cực kỳ linh động, nhưng giữ nguyên tính nết của nhân vật phụ từ đầu đến cuối truyện, trong khi nhân vật chính vẫn sống và tính tình nảy nở ra được. Trong cái thế giới của làng Ngò, sự nảy nở của Nuôi Sẹo cũng chạm phải sự sống của những nhân vật phu: nhưng trừ một vài nhân vật chỉ được phác họa thôi, còn những nhân vật phụ khác cũng biến đổi tính nết trong khi sống, Trong đời sống thường, đấy là một điều không thể tránh được ; tại sao trong truyện lại bắt họ ngừng đọng ?”.

Về cách tả tâm tính nhân vật, TRIỀU-SƠN: “ Nuôi Sẹo đái trên đường xe lửa. Đấy là một thói quen của gã. Nhưng ngay một cử chỉ tưởng là hoàn toàn thói quen, cũng có những lý do thầm kín. Hôm ấy trời mưa, Nuôi Sẹo không có việc gì làm để kiếm chác ít tiền, đi ra ga để đón tàu. Nuôi Sẹo nghĩ đến thằng hủi Tấn, không những đã được cái lò gạch hoang, lại còn tranh việc đòi nợ thuê của gã. Cái tấm tức của gã trước sự bất công của các đàn anh trong làng, cùng họ với thằng hủi, biểu lộ ra trong cái cử chỉ đái trên đường xe lửa, - con đường đưa đến trung tâm sinh hoạt của làng. Nuôi Sẹo ra ga, giữa đường nhìn thấy mấy cái xe tay ướt-át, ì ạch, rồi thấy mấy người ăn mày nằm ngủ trong cái điếm trống, mưa gió lùa vào. Ngoài sân ga, một người khách đợi tàu đang ngồi ăn bún cạnh một chồng hàng, Nuôi Sẹo đói, đứng nhìn bát bún, nhìn người khách ném cái xương thừa cho con chó. Bị bà hàng đuổi, mà tàu lại chậm chưa đến, Nuôi Sẹo lủi thủi đi về ; bụng đói, môi lạnh cứng, lên giọng mần tuồng không được, gã lại đái lần thứ hai trên đường sắt. Lần đái này cũng như ý muốn mần tuồng, là một cách thổ lộ cái uất ức tối tăm trong người. Một cái cử chỉ thường cũng có thể có nghĩa lý, mà sự nảy nở của tâm tính có thể ở trong những cử chỉ ấy hơn là trong ý nghĩ, Nuôi Sẹo đái trên đường sắt còn là một triết lý bập bẹ ; cái tôi hiện tại của Nuôi Sẹo tự phát lộ ra trước cái cảnh vô lý và mâu thuẫn của cuộc đời. Nhưng mà tất cả những cái ấy chỉ âm thầm, cho đến cuối truyện. Nuôi Sẹo là một con người hèn hạ trong bậc thang xã hội, đơn giản trong tâm tính và không có ý tưởng gì bao giờ ; nhưng chuyện Nuôi Sẹo sẽ cho mọi người thấy rằng, ngay cả ở một con người thấp kém như thế, cũng có một nhân sinh quan. Khi Nuôi Sẹo cảm mờ mờ thấy cái nhân sinh quan ấy là lúc gã chết,- bị chém vì tình nghi dính vào một phong trào cách mạng.

Triều-Sơn có rất nhiều thắc mắc về kỹ thuật viết văn, mà anh gọi là nghề văn. Anh hay nhắc đến những văn sĩ trong nước, không chịu để ý học nghề. Người dân cày, muốn cho lúa tốt, cũng phải biết xem cái lưỡi cày, biết buộc con bò, biết cách đẩy cái cày cho luống sâu và thẳng, biết lúc thuận tiện để làm việc vân vân., Đấy là cái phần người ta gọi là nghề. Có thiên tài cũng cần phải biết nghề, nữa là không có tài gì cả, Triều-Sơn nói. Anh đắn đo về sự nên chia chương hay không chia chương ; anh học những cách để tạo nên cái thời gian của tiểu thuyết; anh suy nghĩ trong cách gọi một nhân vật ở ngôi thứ ba ; anh khổ công tìm một chữ cho thực đúng hằng mấy ngày không quên : “ Phải đặt hết tâm hồn mình vào mỗi chữ, dùng một chữ cũng như chơi một canh bạc”.

Tôi biết Triều-Sơn đã xét lại tất cả văn phạm Việt nam và có những ý rất đặc sắc về văn phạm. Anh không lùi khi thấy những điểm cần phải bổ khuyết cho nghề được tinh vi. Khi dùng đến một chữ không chắc chắn về chính tả, Triều-Sơn lại xem lại các tự điển, và tuy đã cẩn thận, nhưng vẫn lo là bỏ sót nhiều chữ viết sai. Thích triế thọc như anh, mà phải nhịn không giở đến một cuốn triết lý trong hằng tháng, để khỏi tiêm nhiễm cách viết trừu tượng của các triết gia ; trái lại anh đọc và phân tích, bút chì trong tay, những tiểuthuyết anh coi là đã mở đường cho Nuôi Sẹo : Pickwick phiêulưu ký của Dickens, Đông Kýsôt của Cervantès, Những linh hồn chết của Gogol, vân vân...

Lỗ Tấn có lẽ là một trong những tác giả có nhiều ảnh hưởng nhất trong văn chương của Triều-Sơn. Anh phục cách hành văn của Lỗ Tấn. TRIỀU-SƠN: “ Phải làm sao đi tới sự tiết kiệm chữ như Lỗ Tấn. Jules Renard bủn xỉn lời quá, nếu không có tài thì đi đến chỗ tiêu nghệ thuật mất. Lỗ Tấn nho học thâm, thành ra khi viết lời văn cô đặc lại, không có một chữ thừa, không có một chữ hỏng.”

Vì cớ ấy mà Triều Sơn sửa đi chữa lại Nuôi Sẹo năm sáu lần, vẫn chưa chịu cho in. Tập đầu, lúc mới viết xong, dài 900 trang, đúc lại còn có 400 trang, Triều Sơn vẫn chưa cho là đủ. “Còn dài quá, 300 trang thôi”, anh nói. Các bạn thì sợ là rút quá sẽ thành khô. Nhưng Triều Sơn chỉ hứa lần này chữa nữa là “ lần cuối cùng”, rồi sẽ đưa cho tất cả các bạn xem lại và phê-bình, - và rồi chữa theo những lời phê bình ấy nữa thôi, trước khi in, Anh nói : “Xong đây, tôi sẽ ghi những kinh nghiệm học nghề của tôi lại, thành một quyển “ Tôi tập viết văn”. Nhưng Nuôi Sẹo cũng chưa xong hẳn, công việc còn dở dang thì bệnh nặng phát ra và anh phải bỏ dở mãi mãi.

Triều-Sơn còn để lại một tập truyện dài bằng thơ lục bát, vài truyện ngắn, mấy bài thơ, một cuốn triết học nhập môn viết nửa chừng, và bản thảo của những thư từ bàn luận về triết học và xã hội học với mấy giáo sư ở Collège de France và Sorbonne (Jean Wahl, Gürwitch). Nuôi Sẹo đã sửa gần xong tập đầu, tập thứ hai còn là một đống bản thảo hỗn độn. Còn tất cả những hẹn hò khác, anh mang đi, chôn sâu ở dưới một mảnh đất của Balê...

TRẦN – NGỌC