Đúng 9 giờ 09 phút sáng hôm 5 tháng 8, 2024, vào ngày sinh nhật thứ 71 của Chủ tịch Thượng viện Hun Sen, Campuchia động thổ dự án Kênh đào Funan Techo.
Theo nhiều chuyên gia, lợi ích kinh tế của dự án kênh đào Funan Techo thì mù mờ, còn tác động môi trường, xã hội của dự án lại chưa được làm rõ. Tuy vậy, đối với Campuchia, dự án này là dự án phải làm bằng được, vì theo lời Thủ tướng Hun Manet, công trình này sẽ giúp Campuchia củng cố nền độc lập chính trị về mặt vận tải đường thủy…
Cả nước ăn mừng dự án kênh đào
Trong bài phát biểu tại lễ khởi công kênh đào ngày 5/8/2024, ông Hun Manet tuyên bố rằng “thông qua việc xây dựng kênh đào có tính lịch sử này, chúng ta đang thể hiện tinh thần yêu nước và đoàn kết dân tộc. Đây cũng là bằng chứng rõ ràng cho thấy đặc trưng của Campuchia là hòa bình, thống nhất và tự do”.
Phát biểu này lặp lại tinh thần bài phát biểu hôm 2/7/2024. Khi đó, Thủ tướng Hun Manet tuyên bố dự án kênh đào Funan Techo có ý nghĩa đặc biệt “vì nó biểu đạt tinh thần của chủ nghĩa dân tộc.” Theo ông, chỉ có “một nhóm cực đoan nhỏ ở nước ngoài” là không ủng hộ dự án.
Thủ tướng Campuchia cũng nhắc đến những tiếng nói trong xã hội Campuchia đặt ra vấn đề dự án này có thể làm Campuchia mất chủ quyền. Tuy nhiên, ông Manet khẳng định "để giải quyết những nghi ngờ này, chúng ta phải hoàn thành kênh đào bằng mọi giá".
Hòa chung với tuyên truyền của Chính phủ Campuchia, trước khi được khởi công, dự án được truyền thông nước này gọi là “một nỗ lực mang tính lịch sử của người dân Campuchia”, “tượng trưng cho sự đoàn kết và tiến bộ của dân tộc, có ý nghĩa to lớn đối với các thế hệ tương lai của Campuchia.”
Chính phủ Campuchia đã ban hành chỉ thị yêu cầu cả nước cùng nhau rung chuông, đánh cồng chiêng, đánh trống vào đúng giờ khởi công để ăn mừng “sự kiện lịch sử” này.
Danh sách các cơ quan được yêu cầu tổ chức ăn mừng bao gồm tất cả các bộ, cơ quan nhà nước ở cả cấp trung ương và địa phương, các tổ chức dân sự, tất cả chùa chiền trên toàn quốc, tất cả trường học công lập và tư thục, cũng như mỗi người dân. Truyền thông Campuchia cho biết chỉ thị này cũng nói Chính phủ Phnompenh sẽ bắn pháo hoa trong ngày khởi công.
Tiến sỹ Brian Eyler ở Stimson Center trao đổi với RFA qua email về những động thái nói trên của Chính phủ Campuchia:
“Nhu cầu củng cố chính trị của Campuchia đã làm cho nhiều yếu tố chưa được biết xung quanh Kênh đào Funan Techo bị che đậy.
Điều quan trọng cần lưu ý là không có thỏa thuận tài trợ lớn hoặc thỏa thuận xây dựng nào được ký kết. Chi phí đầu tư cuối cùng của dự án cũng chưa được biết.
Không có nghiên cứu về lợi ích và phí tổn của dự án, cũng không có nghiên cứu khả thi nào của dự án được các cơ quan bên ngoài Campuchia như Ủy hội Sông Mê Kông xem xét.
Kênh đào chắc chắn sẽ gây ra những phí tổn xã hội và môi trường cho cả Campuchia và Việt Nam, những phí tổn có thể được giảm thiểu thông qua tham vấn và thỏa thuận phù hợp do Ủy hội Sông Mê Kông tạo điều kiện.
Chính phủ Campuchia đã mắc nhiều sai lầm trong quá trình chuẩn bị cho lễ động thổ hôm nay, vốn chẳng khác nào một màn trình diễn chính trị hoành tráng. Nếu không có tài trợ, dự án kênh đào này vẫn chỉ là sự thể hiện khát vọng có tính chất chủ nghĩa dân tộc.”
Nếu một dự án kinh tế được làm với mục đích chính trị (biểu đạt tinh thần của chủ nghĩa dân tộc) thì dự án có khả năng bị mục đích chính trị làm lệch hướng khỏi các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường, thậm chí khỏi chính các vấn đề chính trị thiết yếu hay không? Trao đổi với RFA, ông Ngô Thế Vinh, một chuyên gia về sông Mekong tại Viet Ecology, một NGO về môi trường ở California, Hoa Kỳ, cho rằng sẽ còn nhiều biến động trong những ngày sắp tới liên quan đến dự án này.
Bài toán kinh tế mù mờ
Chính phủ Campuchia khẳng định dự án trị giá khoảng 1,7 tỷ USD này “đã được nghiên cứu và lên kế hoạch tỉ mỉ, thể hiện cam kết của chúng tôi đối với sự thành công của dự án.” Truyền thông Campuchia cho biết Bộ Thông tin của Chính phủ Phnompenh chỉ đạo tất cả các cơ quan truyền thông nhà nước và truyền thông tư nhân tuyên truyền rộng rãi “lợi ích” của Dự án Kênh đào Funan Techo. Truyền thông Campuchia cũng nói Dự án kênh đào Funan Techo “có rất ít tác động, trong khi các phân tích và đánh giá kinh tế cho thấy nó sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các lĩnh vực thương mại, du lịch, quy hoạch và xây dựng đô thị.”
Trong một hội thảo ở Viện ISEAS của Singapore hôm 21/6/2024, TS. Vannarith Chheang, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Quốc hội Campuchia, cho biết các công ty Trung Quốc không mặn mà với dự án này vì dự toán chi phí quá thấp (chỉ 1,7 tỷ USD cho 180 km), bởi vì ở Trung Quốc một con kênh tương tự nhưng chỉ dài 100 km đã có chi phí lên tới 10 tỷ USD.
Ngoài ra, Kỹ sư Phạm Phan Long, nhà sáng lập Viet Ecology, cũng chỉ ra một vấn đề lớn về dự toán chi phí của dự án. Ông cho biết đường cao tốc Phnom Penh–Sihanoukville bốn làn xe, hoàn thành vào năm 2023 với chi phí 2 tỷ USD. Con đường này được thiết kế để chịu được tải trọng giao thông 40 tấn. Kênh Funan Techo sẽ dài bằng đường cao tốc nhưng rộng hơn ba đến bốn lần. Cấu trúc kênh phải được thiết kế để chịu được cả áp lực nước và nhiễu loạn khi các tàu vận tải có trọng tải lên tới 5.000 DWT di chuyển. Tải trọng lớn đó đòi hỏi kênh phải có nền chắc chắn hơn đường cao tốc. Do đó, chi phí còn phải lớn hơn. Tuy vậy, dự toán chi phí cho kênh đào còn thấp hơn cả chi phí thực tế của dự án cao tốc Phnom Penh–Sihanoukville.
Không chỉ dự toán chi phí mù mờ, theo Kỹ sư Phạm Phan Long, Chính phủ Campuchia còn đưa dự kiến doanh thu từ kênh đào lớn đến mức phi thực tế. Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol đã dự kiến doanh thu từ việc thu phí qua kênh đào này là 88 triệu USD trong năm đầu tiên và đến 2050 sẽ là 570 triệu USD mỗi năm. Trong khi đó, Kỹ sư Phạm Phan Long chỉ ra rằng những dự báo kiểu như vậy dựa trên kỳ vọng là tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 8,1%. Tốc độ tăng trưởng này sẽ được duy trì liên tục trong 25 năm. Và điều này khó xảy ra, theo nhà sáng lập Viet Ecology, đồng thời cũng là một chuyên gia tư vấn về cơ sở hạ tầng và công nghệ cao.
Nhưng nguy cơ về môi trường và xã hội lại rõ ràng
Từ khi Campuchia gửi thư thông báo về dự án này cho Ủy hội sông Mekong ngày 23/8/2023, rất nhiều chuyên gia đã bày tỏ quan ngại về tác động môi trường và xã hội to lớn của dự án. Trao đổi với RFA nhân dịp Campuchia động thổ khởi công Kênh đào Funan Techo, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, chuyên gia về môi trường và sông Mekong ở Đại học Cần Thơ, nói:
“Chúng ta biết là dự án này có thể tạo ra một số lợi ích nào đó cho Campuchia như tăng giá trị bất động sản trong khu vực, tạo ra thuận tiện đi lại, nhưng do dữ liệu không được cung cấp không đầy đủ, cho nên tôi cũng lo ngại là sẽ có những tác động ngược lại, liên quan đến kinh tế và môi trường. Cái này có lẽ nếu chúng ta có điều kiện theo dõi đầy đủ hơn thì sẽ nắm rõ hơn theo thời gian.
Tôi nghĩ nó sẽ làm thay đổi đặc điểm dòng chảy ở vùng hạ sông Cửu Long. Chẳng hạn, lũ sẽ ít lại, phù sa sẽ tiếp tục giảm và ảnh hưởng tới nguồn cá. Đồng thời, vào mùa khô, tùy theo lượng nước mà kênh đào lấy đi, nó sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước canh tác cho ĐBSCL.”
Theo các chuyên gia, một trong những tác động lớn của kênh đào Funan Techo đối với sông Mekong ở cả Campuchia và Việt Nam là nó thay đổi mùa nước nổi ở cả hai nước. Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Brian Eyler cho biết hai bờ kênh trở thành hai bức tường chặn lũ tràn đồng từ Campuchia về Việt Nam. Đồng thời, lũ tràn đồng gặp phải bờ kênh sẽ dội trở lại, tràn vào một số khu vực ở Campuchia trong lịch sử chưa từng biết đến lũ tràn đồng. Đó là những thay đổi về môi trường to lớn mà cả Campuchia và Việt Nam đều phải đối mặt.
Báo cáo mới đây của TS. Brian Eyler cho biết lũ tràn đồng năm 2024 đã nhiều hơn năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn mực nước trung bình hằng năm. Đồng tình với nhận định đó, TS. Lê Anh Tuấn ở Đại học Cần Thơ trao đổi với RFA:
“Như tôi đã nói, cái rốn của vùng nước lũ thì vùng phía bắc kênh sẽ nhiều lên, vùng phía nam kênh sẽ giảm lại. Chúng ta biết rằng vùng phía nam kênh, tiếp giáp giữa Campuchia và Việt Nam là vùng đất ngập nước quan trọng. Nó tạo ra một hệ sinh thái đặc biệt quan trọng cho khu vực. Con kênh này sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái đó.”
Kênh đào Funan Techo vi phạm Hiệp định sông Mekong 1995
Bất kể những tính toán mù mờ về kinh tế và những nguy cơ rõ ràng về môi trường - xã hội mà dự án này có khả năng sẽ mang lại, như nhiều chuyên gia đã chỉ ra, Chính phủ Campuchia đã bất tuân Hiệp định Sông Mekong năm 1995 bằng cách từ khước tiến hành thủ tục tham vấn trước (thủ tục PNPCA).
Nguyên cớ mà Campuchia đưa ra để không thực hiện thủ tục tham vấn trước là kênh đào Funan Techo lấy nước từ sông Bassac chứ không phải Mekong. Tuy nhiên, trao đổi với RFA, TS. Brian Eyler cho biết sông Bassac (khi vào Việt Nam có tên là sông Hậu), theo định nghĩa, không phải là một nhánh của sông Mekong (khi vào Việt Nam có tên là sông Tiền). Bassac là một nhánh của dòng chính sông Mekong. Theo thuật ngữ thủy văn, Bassac là một "phân lưu" vì nó phân phối nước từ dòng chính đến Đồng bằng sông Cửu Long. Bassac là một phần của dòng chính: đây là trường hợp rõ ràng, không thể tranh cãi, theo khẳng định của vị chuyên gia về ĐBSCL của Stimson Center.
Ngay trong thư thông báo của Campuchia gửi Ủy hội sông Mekong ngày 23/8/2023, thể hiện kênh đào này có một đoạn nối từ sông Bassac vào sông Mekong. Trong bài phát biểu tại lễ khởi công dự án ngày 5/8/2024, Thủ tướng Hun Manet cũng khẳng định “đoạn kênh đầu tiên chạy từ hạ lưu sông Mekong ở Prek Takeo đến sông Bassac ở huyện Saang, dài khoảng 21 km. Đoạn kênh này do các công ty Khmer quản lý hoàn toàn.”
Theo TS. Brian Eyler, Campuchia nên thực hiện thủ tục tham vấn trước theo đúng quy định của Hiệp định sông Mekong 1995. Nhà nghiên cứu Ngô Thế Vinh của Viet Ecology cũng đặt câu hỏi: “Nếu bảo rằng Kênh Funan không có ảnh hưởng gì tới giòng chảy của hệ thống sông Mekong, thì tại sao lại dứt khoát từ chối chia sẻ những thông tin ấy trước nỗi lo lắng của Việt Nam?”
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cambodia-funan-techo-canal-digging-for-nationalism-08052024131328.html