Nuôi Sẹo - Chương 11

 Tết, Tết sắp đến.

Nuôi Sẹo quanh quẩn ở đâu cũng thấy Tết sắp đến. Tết đến ngấm ngầm rồi xôn xao trong cảnh làng, những nhà giàu đã rủ nhau đánh đụng lợn và dành Nuôi Sẹo trước, trong cảnh nhộn nhịp của những hiệu khách ngoài phố người mua bán ra vào tấp nập suốt ngày trong cảnh chợ huyện đã đông hơn thường ngày, đây đó bầy ra ít hàng Tết: quần áo mới, mứt kẹo, pháo…trong cảnh ồn ào, lộn xộn ở phía ga. Khi tàu đến ga những đoàn tàu đầy nghẹt người, có khi chậm đến nửa giờ, trên vẻ mặt những người nghèo than vãn, bàn tán, lo lắng trả hết nợ cuối năm để được yên thân ăn Tết. Đám ăn mày hoạt động ở ga, ở chợ, cố xin được nhiều để ít nhất được no đủ ngay mồng một Tết.

Tết gần đến ở trong lòng Nuôi Sẹo, gã như ngửi thấy hương Tết ở trong khí trời, trong buổi chiều xuống, trong bóng tối ban đêm, trong gió lạnh, mưa phùn, gã cảm thấy như có cái gì sắp sửa báo cảnh Xuân sang.

Gần Tết, việc tuần phòng trong làng cũng ra vẻ cẩn mật hơn. Nuôi Sẹo thấy người hai họ bị gọi đi tuần ra vẻ đông hơn mọi ngày, hơn cả ngày trong làng xẩy ra việc đánh nhau lớn. Nhưng Nuôi Sẹo cũng cảm thấy năm nay có gì khác mọi năm: đội Hướng được phép đặc biệt là vác súng đi canh gác trong làng cả ngày, lẫn đêm. Và lý dịch bắt tráng đinh rào dậu làng kỹ lắm. Không có năm nào vào những tháng cũ mật này, Nuôi Sẹo lại thấy những chuyện khác thường như thế. Một buổi tối, về nằm ngủ ở nhà Ba Đèn, gã hỏi Ba Đèn mới biết rằng nguyên do là tại Tư Bường người họ Đoàn, mãn tù vào đầu tháng này mà không thấy trở về làng. Nuôi Sẹo nhớ lại Tư Bường nguyên là một tên bộ hạ của Đốc Tít, cách đây mấy năm một buổi tối đã lỏn về nhà thăm mẹ và vợ. Lý dịch liền báo quan cho lính về bắt y. Y bị giải tỉnh tra khảo và bị bỏ tù năm năm. Mẹ và vợ cùng năm đứa con y vẫn ở làng Ngò. Nuôi Sẹo đoán bây giờ người ta sợ rằng Tư Bường sẽ trở lại theo Đốc Tít rồi kéo đồng đảng về trả thù và cướp làng.

Những việc canh phòng và rào dậu làng phần nhiều tráng đinh làm hết, Nuôi Sẹo cũng chẳng bận việc làng gì hơn mọi ngày. Nhưng Tết gần đến, các nhà giàu tranh nhau mượn gã làm khách đòi nợ từ ngày gã biết nằm vạ, nay lại càng tranh nhau dữ hơn. Gã đi đòi hết món nợ này đến món nợ khác. Nuôi Sẹo đòi nợ dễ dàng hơn xưa nhiều. Trong vòng nửa tháng, gã đòi được hơn chục món nợ mà chỉ phải rạch mặt ra dọa có ba lần. Được no đủ, nhiều lần gã nghĩ lấy làm lạ tại sao việc rạch mặt chảy máu ra để nằm vạ ở nhà quê này là chuyện rất thông thường mà sao mãi bây giờ gã mới biết. Ra con người ta ấy thế mà cũng có chỗ nhát. Còn mình mất ít máu, thêm ít sẹo mà được no đủ thì càng tốt chứ có sao đâu. Gã bắt đầu rạch mặt sang phía tay phải vì phía má bên trái đã hơi chật chỗ. Vả, gã cũng thích rằng mặt được cân đối đôi chút. Cũng tỉ như các cụ nhà Nho treo câu đối vẫn treo hai bên cân đối nhau chứ có ai chỉ treo một vế câu đối bao giờ.

Ban ngày đi đòi nợ, thông thường ban đêm Nuôi Sẹo về ngủ ở nhà Ba Đèn, chuyện trò với Ba Đèn và vợ chồng thằng Câm, mẹ Lê. Gã họp với bọn này một cái gia đình nho nhỏ. Dạo này cứ bao giờ ban đêm, nghe thấy trong tiếng gió ào ào những tiếng sủa là gã lại nghĩ đến Đốc Tít. Đã nhiều lần gã bảo Ba Đèn và vợ chồng thằng Câm kể những chuyện Đốc Tít cho gã nghe. Những chuyện này thực ra gã cũng biết nhưng gã không kể được và cứ muốn người khác kể cho mình nghe mãi. Gã biết rằng Đốc Tít là người tướng cướp oanh liệt nhất vùng này, có những bộ hạ tuyển lựa trong đám người giỏi võ và nghịch nhất vùng. Gã nghĩ: Đốc Tít tiếng là cướp mà lại biết thương người nghèo, chẳng thèm cướp của người nghèo bao giờ. Lần y cướp ở nhà bà giáo Phấn ở phố, đi qua lò gạch nhà ông Hương Mai Đốc Tít đã bảo bộ hạ vứt cho bọn nghèo đói làm lò gạch ít đồ cũ. Bọn làm gạch sau này bị đòi hỏi và có hai người đi ở tù. Nhưng cái tiếng Đốc Tít thương người nghèo cứ truyền tụng lại mãi. Đốc Tít cũng không nể gì các quan huyện. Nuôi Sẹo đã nghe thấy nhiều người kể đến cái vụ Đốc Tít ở huyện Lang Giang là huyện thuốc tỉnh Bắc, ở liền với An Giang này. Ngày ấy ông Huyện mới về, người ta đồn là quan hay bắt giặc cướp lắm. Quả nhiên, dân trong huyện thấy quan bắt lý dịch các làng thêm tuần trong làng, và ban đêm chính quan Huyện cũng đem lính đi đốc canh ở những làng gần huyện. Trong vòng 5 tháng liền, trong huyện đỡ được cái nạn Đốc Tít. Người ta đồn rằng Đốc Tít có người vợ thứ năm ở trong vùng huyện này, bây giờ không dám lỏn về thăm mẹ vợ như trước nữa. Đường huyện lên tỉnh qua một chỗ gọi là bãi Đông Mối, cách huyện lối 4 cây số, nơi vắng làng mạc, cũng là nơi ngày xưa bộ hạ của Đốc Tít hay nấp để thi hành một vài món cướp vặt khách qua đường, dân trong vùng này vẫn có câu ca dao: “Ban chiều, xẩm tối, Đông Mối chớ đi”, nhưng từ ngày có quan Huyện về nhậm chức vùng này thì người qua lại Đông Mối đỡ sợ những vụ cướp bóc. Quan Huyện lại muốn tỏ ra cho dân không nên sợ bọn Đốc Tít ở Đông Mối, và có lẽ cũng muốn tỏ vẻ coi thường Đốc Tít, thường cho vợ và con đi xe nhà gọng đồng ra tỉnh, lại ở tỉnh về qua chỗ này. Nhưng một bận vào buổi chiều bà Huyện và cô con gái gặp bộ hạ của Đốc Tít nhẩy ra túm ngay lấy ngay cái xe tay gọng đồng, chúng định trói anh cu-li xe lại, anh này chống cự nên bị đâm chết liền, lấy hết hành lý lại còn lột trần bà Huyện và cô con gái thả cho đi bộ về huyện, chúng còn nhắn bà lớn rằng: “Đốc Tít có lời hỏi thăm quan lớn.” Bà Huyện và tiểu thư đi đến tối mịt mới về đến huyện. Quan Huyện thân chinh đem lính đến bãi Đông Mối và bắt tuần các làng lân cận đi tìm khắp nơi thì chẳng còn bắt được tên cướp nào cả. Về sau quan Huyện xấu hổ với dân làng phải xin đổi đi nơi khác, và tiếng tăm của Đốc Tít sau vụ này lại lên như diều gặp gió.

Ba Đèn kể chuyện này khi nằm cạnh bàn đèn khéo lắm nên Nuôi Sẹo nghe đã nhiều lần vẫn không chán. Gã còn nói cả tên ông Huyện, nhưng Nuôi Sẹo mãi vẫn không nhớ được. Vào dịp này gã đòi nợ được nhiều món, có rượu uống luôn. Cứ khi nào rượu ngà ngà say, gió càng thổi tới cũng như thổi người gã một luồng chính khí, gã lại nhớ đến cái chuyện lột trần bà lớn và tiểu thư này. Lúc ấy thì gã lại thích đi làm cướp, theo Đốc Tít hơn cả, thích đi ra Hà Nội hơn cả thích đi đôi giày săng đá như của đội Hướng. Có một lần ngà ngà say, gã thất thểu cầm gậy đi đòi nợ, một mình qua quãng đồng vắng, nhìn bãi cát Ông Đống lù lù xanh ở xa, gã nghĩ đến bãi Đông Mối, thầm mong có một bà Huyện và tiểu thư, gã vật ngã quay lơ xuống ruộng mà lột trần ra tức khắc. Nắm chắc gậy trong tay gã nhìn quanh đồng thấy vắng tanh, chỉ có một người đàn ông nhà quê đang cày ruộng, và ở phía trước mặt có một người đàn bà cắp rổ đi dọc theo những luống khoai lá còn xanh. Chẳng thấy có bà Huyện và tiểu thư nào hết. Gã dừng chân một lát, nhìn cái bãi Ông Đống mà thấy tiêng tiếc.

Ban đêm lúc sắp sửa ngủ, nghe tiếng chó sủa hay nghe thấy tiếng trống làng tùng tùng điểm canh gã lại tưởng bộ hạ của Đốc Tít về làng. Nhưng lần nào gã cũng thấy không phải. Đã gần đến rằm tháng chạp rồi mà gã vẫn chẳng thấy gì, gã tự hỏi: gặp tháng cơ mật nay tới gió lạnh, mưa phùn, giời tối như mực, người nọ người kia lại sắm sửa Tết, mà chẳng đi ăn cướp lấy một vài mẻ để tiêu Tết thì còn đợi gì nữa. Hay là sợ oai cụ lớn Tuần làng này rồi. Vào hôm mười chín tháng Chạp gã nghe thấy người trong làng phố nói đến một đám cướp ở nhà ông Bá Xuân, nhà giầu lắm ở bên làng Quyên bên huyện Lang Giang. Gã nghĩ: “Sắp đến huyện này rồi.” Nhưng mấy hôm liền gã lại chẳng thấy gì, và ra điếm chơi, gã thấy như bọn tuần làng ra vẻ chểnh mảng như trước. Chỉ có đội Hướng là vẫn vác súng đi canh ra vẻ cần mẫn lắm.

Đến đêm hôm hai mươi tháng chạp đang lúc thiu thiu ngủ gã bổ choàng dậy vì nghe thấy tiếng trống ngũ liên đổ liên hồi. Ba Đèn và vợ chồng thằng Câm cũng nhổm dậy. Không phải tiếng trống trong làng. Trông ra ngoài phố Ba Đèn nói: “Chắc ở ngoài phố rồi.” Trong đêm tối Nuôi Sẹo thấy y kéo chiếu để ngủ. Nuôi Sẹo nghĩ: “Chắc chắn là đây rồi. Không khéo được thể vào luôn trong làng là thường.” Gã run run tự hỏi: “Sao không thấy súng ở huyện bắn chỉ thiên”, vì gã biết xưa nay bao giờ có tiếng cướp là lính ở huyện cũng loanh quanh ở huyện bắn chỉ thiên ít phát. Nhưng thằng Câm đã lách cửa ra ngoài rồi chạy vào nói: “Cháy ở phố ga.” Nuôi Sẹo hơi thất vọng. Nhưng gã cũng theo thằng Câm chạy ra. Thằng Câm vừa chạy vừa nói: “Có khi bác Đốc bác ấy cho đốt lên thế này để cho tuần chúi cả ở đấy rồi bác ấy mới cho bộ hạ làm việc ở chỗ khác cơ.” Nuôi Sẹo thở hổn hển nay lại còn hy vọng đôi chút. Nhưng ra tới nơi gã chỉ thấy cháy lại uy nghi vác súng về canh huyện. Nuôi Sẹo bị người ta kéo vào chữa cháy. Gã đứng gần sát ngọn lửa nóng rát cả mặt để dội nước của người khác chuyển lại. Có một lúc một người bưng luôn một nồi nước giải định giội lên mái nhà nhưng gió tạt nên nước giải rơi gần hết vào đầu gã.

Khi gã về đến nhà gã thấy thằng Câm hôi ở đám cháy được một ít quần áo cũ và một hòm đồ thợ mộc. Còn gã chẳng được gì lại bị mọi người chửi khai nồng nặc quá.

Ba Đèn đuổi gã đi ra ngoài. Gã đi lên miếu. Gã chui vào khe đằng sau thì bất giác nghĩ đến thằng cu Tý. Gã thấy thèm cái hơi ấm ngày hai người còn ngủ với nhau, tự hỏi: Không biết bây giờ cu Tý ở đâu, nếu gặp nó mà lại có dịp thì gã kéo luôn nó đi theo Đốc Tít cho đỡ khổ, đỡ đói. Và có gặp mẹ con bà huyện nào nào nó cũng giúp được một tay, lột trần tiểu thư chẳng hạn. Khi gã ngả lưng xuống để ngủ, gã cảm thấy như xương thịt rãn ra, dễ chịu và đồng thời ngửi thấy khai khai. Gã lại tự hỏi: Bây giờ nó ở đâu?

Ngày hăm ba tháng Chạp, ngày tiễn Ông Công lên chầu Trời đã đến. Nhà nào nhà nấy trong làng, nhà giàu cũng như nhà nghèo, đều có cỗ cúng. Nhà Ba Đèn chiều nay cũng làm cỗ cúng. Nuôi Sẹo và Ba Đèn đóng góp cơm và trầu nước. Còn thằng Câm góp một còn gà mà gã đã câu được trong buổi đi ăn mày hôm qua ở làng Hiếu. (Thằng Câm vẫn có cái nghề phụ này. Đi làng nào gặp chỗ vắng người gã giả vờ ngồi ỉa ở bờ tre, bỏ sợi chỉ và cần câu gà. Được con nào gã bóp cổ liền đút vào bọc để đem về.)

Nuôi Sẹo hôm nay được một bữa no say gần bằng ăn cỗ đám khao nhà Cửu Tời. Gã thấy một không khí gia đình mà từ trước đến nay gã chưa được hưởng bao giờ. Gã nhớ lại cái vụ tầu đổ ở gần đền Ngựa Chuột năm nào. Hôm ấy gã khuân hàng tăng-bo và nhặt xác chết suốt ngày. Đến tối muộn phải về làng, gã gặp xe ngựa của Hai Thung liền trèo lên đi. Hôm ấy cũng vào mùa đông gió bấc đồng trống thổi vào trong xe ngựa hở tứ phía làm cho ai nấy đều rét run, răng đánh lập cập. Xe không có đèn lửa bên trong, người ta chẳng phân biệt đàn ông đàn bà, cứ ôm lấy nhau cho đỡ gió.

Nuôi Sẹo vào xe sau cùng, ngồi ở ngoài nhất. Hai người ôm lấy gã để gã chắn gió cho. Một người đàn bà quần áo ướt run lẩy bẩy cố tranh được ôm lấy gã một mình. Nuôi Sẹo cũng ôm trả lại. Một lát, gã thấy đằng lưng lạnh và phía sát vào người đàn bà thì ấm. Nghe cái xe lọc cọc lạch cạch đi trong đêm tối, nghe con ngựa chân đi bôm bốp thở hổn hển, gió lạnh vu vu thổi vào xe, vào cái cục người gồm bao nhiêu người dồn làm một, Nuôi Sẹo cảm thấy như có hơi ấm gia đình. Lần đầu tiên gã có cảm giác này, gã càng ôm chặt lấy người đàn bà. Đến khi hơi ấm lên đến chỗ rạo rực thì xe ngựa vừa đến nơi, đậu ở sân ga, dưới ánh ngọn đèn cây dầu hỏa vàng khè. Nuôi Sẹo bị Thung đấm vào lưng đuổi xuống, gã đứng xuống đất, vừa thèm vừa tiếc. Cái chân bị đè lúc nãy bây giờ tê bại làm gã đứng không vững. Gã nhìn người đàn bà xuống sau gã mới biết là bà Lý Chấn bán hàng cơm ở ga. Bà Lý thoáng nhìn trộm thấy gã vội vàng đi vào trong nhà. Từ bữa hôm ấy bà Lý Chấn đâm ra ghét Nuôi Sẹo ghê gớm, và trông thấy gã tới gần hàng bà là tìm cách chửi như tát nước vào mặt.

Đã lâu lắm, đến bây giờ, gặp ngày ăn uống vui vẻ, thân mật với Ba Đèn và vợ chồng thằng Câm, cái cỗ tiễn đưa Ông Công lên chầu Trời này, gã mới lại có cái cảm giác xưa và nhớ lại cảnh cái xe ngựa hôm đổ tàu ấy.

Gã đứng ngắm hàng tranh đủ các thứ tranh bày la liệt dưới đất nhà hè phố: tranh cóc dạy học, tranh đám cưới chuột, tranh gái hùng, tranh gà tranh lợn, tranh kể các chuyện tích Phật Bà Quan Âm, Tấm Cám, Nhị Độ Mai, tranh thờ Ngũ Hổ, Bạch Hổ v.v…, chợt nhớ ra, gã đến cạnh lão hàng tranh. Nhưng người hàng tranh này bán ở chợ này bao nhiêu năm, đã biết Nuôi Sẹo nên khi gã mới chìa tay, miệng lắp bắp: “Na-na-na hê-hê-hết…” thì lão liền cầm hai tờ tranh vào bị bước đi.

Khi gã định đến người hàng mã để xin tiền thì gã thấy mặt anh Bủng. Hôm nay anh Bủng vào đòi tiền, nghỉ kéo xe để giở trò bài Tây kiếm tiền tiêu Tết. Chồng chao bài và vứt bài còn vợ thì mặc, lặng lẽ cắm cổ đứng cạnh đó. Bao giờ thấy người đánh lưỡng lự thì chị Bủng lại đánh và được hai ba lần. Rồi chị đứng đó gà bài cho người này người khác. Anh Bủng vội vàng cầu khẩn chị: “Thôi con lạy bà, bà có rốn thì bà để bụng, để con nuôi vợ con.” Nhưng chị Bủng ra vẻ đanh đá: “Gớm cái nhà anh này lạ nhỉ, tôi không có tiền hay sao, anh không muốn tôi nói thì anh đem về đánh với vợ con anh ở nhà, anh đem ra chợ làm gì.” Anh Bủng đuối lý, chỉ biết cúi mặt ngựa của anh xuống. Nhưng ai theo cái con mẹ cầm rổ đi chợ kia cũng đều thua cả, người này thua hết thì người khác đến, và vợ chồng lại cứ nguyên văn đóng cái trò cũ ấy. Nuôi Sẹo đứng nhìn trò ấy nghĩ bụng: “Người ta, thế mà lắm người ngu dại quá, mất tiền mà hai vợ chồng người ta lừa mãi cũng không biết.” Nhưng anh Bủng trông thấy gã, đuổi gã đi nơi khác: “Nuôi Sẹo mày không đi kiếm tiền Tết, đứng đây làm gì?”

Nuôi Sẹo đến cái quán ngồi, nơi cao ráo nhất chợ dành cho hàng xén, hàng vải và giày dép khăn áo. Những người hàng xén phần nhiều cho gã người thì một xu, kẻ hai xu, chỉ có người con gái trưởng phố là phàn nàn: “Buôn bán khó khăn lại trăm thứ tiền, nào tiền thuế chợ, nào tiền tuần phố xin, tuần làng xin, lại đến mày.” Nhưng Nuôi Sẹo cứ chìa tay cày nhày năm hê-hê-hết…Sốt ruột quá, và có Nuôi Sẹo đứng quấy rầy đó thì khách hàng không đến mua, người đàn bà phải vứt cho gã một xu để gã đi.

Gã đi lần lượt mọi quán gianh, Hai Ty bán đậu phụng cho gã ít đậu cháy, bà Lái Giản bán thuốc lào, chè tươi cho gã nắm thuốc lào, một người hàng cá cho gã hai con cá riếc nhỏ, những người hàng rau cho gã nửa mớ rau cải và một mớ rau mùi. Lão Hai Thun hàng thịt cho gã ít xương hông còn dính thịt. Những người hàng gạo lẻ cho gã được gần một ống gạo nếp và hơn đấu gạo lẻ. Một người nhà quê bán khoai cho gã ba củ khoai…

Gã xách bị đi thăm mấy người quen, gã tới gần chỗ Ba Thiên lò rèn, gặp người quen thuộc nhiều gã không dám xin, nhưng Ba Thiên cho gã một con dao díp mới. Đến chỗ lão Phố Tếu, gã định xin tiền thì Phố Tếu không cho, hẹn lát nữa gã đến y sẽ húi trọc cho cái tóc để ăn Tết.

Gã đến gần chỗ cây đa ở góc chợ, trước cái miễu nhỏ vừa bằng cái chuồng chim bồ câu treo ở trên một đám bình vôi trắng. Gã gặp lão thầy bói Kế mặt đeo kính giâm, ngồi trên chõng đang xem bói cho một người đàn bà quần áo rách tướp. Lão thầy Kế cậy là người làng lại họ “Nguyên” không cho Nuôi Sẹo, hẹn sang năm mới sẽ xem cho gã một quẻ cầu tài. Ở đây, gã tiện chân đi sang khu chợ hàng may. Hôm nay không có lợn, vì ai nấy đã mua lợn từ mấy hôm trước rồi. Cũng như hàng lá rong, lá chuối thì có thể bán cho những người nghèo, hôm nay họ vẫn chưa gói được bánh chưng. Trên khu này bây giờ là những người nghèo túng bán đồ cũ để có tiền tiêu Tết: bàn thờ, bình hương, bàn, ghế, bát cỗ, quần áo cũ v.v… Nuôi Sẹo đến xin không ai cho gã đồng nào, gã xách bị đi nơi khác.

Đến khi chợ vãn người thì Nuôi Sẹo đã được đầy một bị đủ cả, cá, rau, đậu, khoai, tranh Tết, ngoài ra túi đã lách cách ít tiền. Gã đem gửi vào nhà Hai Hy. Rồi gã lấy cái chổi, vẫn gửi ở góc nhà này để ra quét dần chợ. Nuôi Sẹo quét được gần già nửa thì gã giật mình thấy trong chợ đã gần hết người và chiều âm u đã bắt đầu xuống. Ở trong quán ngói chỉ còn những ăn mày ngồi thành từng túm một đang kiểm điểm những thứ kiếm được. Và một người đã bắt đầu dúm lửa để sưởi cho đỡ lạnh. Nhìn về phía sau, Nuôi Sẹo đã thấy Hai Hy rắc vôi bột ở trước cửa nhà. Gần gốc cây đa lúc nãy, Nuôi Sẹo chỉ thấy có bóng hai người, gã cầm chổi đến gần thấy hai người đã đứng tuổi, chắc là hai vợ chồng. Vợ thì đứng vịn tay vào cái bàn thờ gỗ mọc trên cái bình cỗ, còn chồng thì ra vẻ mệt nhọc ngồi dựa lưng vào một cột quán. Nuôi Sẹo giục: “Đi đi, đi về để qu-qué-quét chợ.” Chẳng ai thèm trả lời gã. Người vợ liền xuống đất, dựa lưng vào chân bàn thờ. Lúc này Nuôi Sẹo trông mặt người vợ biến sắc hẳn đi, trở nên xanh nhợt nhạt. Trời chiều càng làm cho sắc mặt nhợt nhạt xanh sao đến phát sợ. Nuôi Sẹo tưởng đến cái mặt vợ chú Khách Hổi chết về bệnh sản hậu mà gã mới chôn cách không bao lâu. Đúng như vẻ mặt thím Hổi hôm ấy, lúc thím mới chết, cũng cái mặt xanh nhợt nhạt này, cũng cái miệng có một vẻ gì như vừa cười vừa khóc nằm chết cứng như đá. Nuôi Sẹo đến cạnh người chồng, nói: “Ba mư-mư-mươi Tết rồi, về về, về đi, ng-ng- ngồi đây làm gì?” Người đàn ông ra vẻ mới nhìn thấy Nuôi Sẹo, trả lời thều thào: “Tết không có gì chỉ có ít đồ thờ lúc nãy mang bán chẳng có ai mua. Từ hôm qua đến nay có ăn gì đâu mang về thế nào được.” Nuôi Sẹo hỏi ra mới biết vợ chồng nhà nầy người làng Lỗi ở mãi cuối huyện cách đây 6 cây số. Người đàn ông chống tay ngồi thẳng người dậy nhìn mặt Nuôi Sẹo tiếp: “Ông có gì cho tôi xin, vợ chồng tôi ăn một bát cơm nguội, hay một củ khoai gì cũng được. Ông làm ơn cứu hai vợ chồng tôi.” Hai mắt y mở lớn dưới hai mu mắt mọng, thâm quầng, đầy vẻ van lơn làm Nuôi Sẹo nhớ tới mắt một con chó hoang bị xe lửa đụng phải nằm thở phều phào trong lúc máu ở đầu chảy ra. Nuôi Sẹo liền cầm chổi đi vào nhà Hai Ty, căn nhà một gian hai trái, tường bằng toàn những tiểu sành chồng chất lên nhau. Nuôi Sẹo dựng chổi vào góc nhà. Hai Ty chồng đang dẹp bàn thờ cùng đứa con trai lớn, còn vợ đang nấu nướng gì ở trong căn nhà nhỏ dính liền với nhà bếp. Nuôi Sẹo ngửi thấy mùi gì thơm thơm ấm ấm ở trong bếp đưa ra, gã đi thẳng đến cầm cái bị đồ của gã. Con chó vện ở đâu đi ngửi vào gần gót chân gã rồi lẳng lặng mà đi vào gầm phản. Vợ Hai Ty ở trong bếp nói ra: “Hôm nay Nuôi Sẹo kiếm được khá nhỉ.” Chồng nhìn cái bị của Nuôi Sẹo nói thêm: “Chỉ mày là sướng thôi, chẳng nợ nần ai, ăn no ngủ kỹ, Tết nhất chẳng lo lắng gì.” Nuôi Sẹo xách bị bước ra, gã đi thẳng về phía quán ngói thấy bọn ăn mày đã ngồi túm tụm với nhau chung quanh một đám lửa lớn. Thấy trời đã xuống màu mờ mờ sương phủ, gã bước vội đi về lối phố giữa.

Đường ở ngõ chợ bây giờ đã vắng người. Nhà hai bên đường đã đóng cửa nhiều, còn một ít nhà mở cửa hấp hé.

Nuôi Sẹo trông thấy trên một vái cánh cửa có tranh Tiên Tài, Tiên Lộc, và trên nền đất trước nhiều nhà gã đã trông thấy hình cung tên và bàn cờ vẽ bằng vôi bột. Mai là Tết đến rồi, gã vừa bước rảo cẳng vừa nghĩ. Tới đầu đường gã nhìn một đám trẻ con năm, sáu rách rưới, bẩn thỉu đứng gần cái bờ rào. Gã tới gần chúng, nghe thấy một người đàn bà ôm mặt khóc sụt sịt, gã chẳng hiểu chuyện gì, để tạm xuống đất đứng nhìn. Một đứa trẻ ở đâu đến hỏi một đứa trong đám trẻ: “Làm sao thế Cấn?” Đứa trẻ lớn nhất trả lời: “Thua bài Tây hết tiền, về sợ chồng đánh.” Nuôi Sẹo nói thầm với mình: “Tưởng là gì chứ bài Tây thì có gì lạ.” Gã nhớ lại năm nào đã có một người đàn bà cũng thua bài Tây vào hôm phiên chợ cuối năm đã nhảy xuống ao bơm nước để tự tử, nhưng ao cạn nước, người ta lại vớt lên mất, thành ra không chết được, gã xách bị đi về phía nhà Ba Đèn. Gã để bị trong nhà, chưa thấy ai về gã lững thững đi ra ngoài, đi đến đường cái làng, gã chỉ gặp một người nghèo đi ra vẻ vội vã. Trẻ con gã chẳng thấy đứa nào. Nhìn bên bờ một cái ao, gã thấy thằng Cậy, môi thâm thêu thểu vừa bằng hai múi bưởi, người to lớn, vai u, râu lỡm sỡm tua tủa như cỏ mọc ruộng hoang, đang đứng cười với một bụi tre. Nuôi Sẹo chẳng biết làm sao mà nó sống được mãi, chẳng ai cho nó ăn, nó chỉ ăn những con gà chết, chuột chết. Hôm nọ Nuôi Sẹo thấy đem một con rắn chết để nướng vào lửa cháy cái nhà bà cụ Câm đang bốc đùng đùng. Người ta không đẩy nó ra thì nó đã chết ở đám lửa ấy rồi. Nuôi Sẹo vừa nhếch miệng cười thương hại thì đã thấy thằng Cậy nguậy người đi rão cẳng về phía bờ sông. Nuôi Sẹo thoáng nghĩ đến cu Tý, tự hỏi bây giờ nó ở đâu ?

Nuôi Sẹo lại lững thững đi, gã nhìn những mái nhà sùm sụp hai bên đường, đột nhiên thấy cảnh vật êm ả quá. Nuôi Sẹo nhớ đến Đốc Tít: “Sao đến bây giờ chẳng thấy gì?” Tới cổng nhà ông Bá Tĩnh, gã thấy hai bên cột cổng có hai câu đối đỏ với hai hàng chữ nhỏ. Tới cổng nhà cụ lớn Tuần Đan gã thấy tranh hai ông Tiên Tài, Tiên Lộc dán ở hai cạnh cửa sổ. Trong sân, trước nhà trồng một cây nêu cao ngất, tiếng leng xeng trên ngọn cây nêu đã lững lờ văng vẳng gần xa theo tiếng gió. Gã đứng nghe tiếng leng xeng này thấy vui vui như tiếng leng xeng của xu mừng tuổi trẻ con vào dịp Tết. Gã bước đi thẳng ra phía đường sắt rồi đứng lên đường sắt nhìn quang cảnh phố. Phố vắng hẳn người đi lại. Ở phố giữa gã thấy một cái xe tay ở lối cổng huyện đi qua điếm phố. Năm, ba người thưa thớt đi ở các hiệu khách ra. Nuôi Sẹo biết rằng tất cả những người nào còn đi mua gì ở phố lúc này đều là những người nghèo đói vừa mới kiếm được tiền. Những người có đủ tiền chi tiêu trước thì lúc này đã đóng cửa để sửa soạn cỗ cúng và nằm chờ Tết đến.

Đến những bọn ăn mày giờ này cũng không xin nữa, chỉ còn nằm đó mà chờ Tết đến hay là đang đi trên đường về nơi quen thuộc. Gã đột nhiên tự hỏi không biết bây giờ Ba Đèn và vợ chồng thằng Câm lúc này đã về chưa. Gã định quay về nhà. Nhưng gã thấy cái xe tay lúc nãy đi qua điếm phố bây giờ đang đi lại phía gã. Khi cái xe qua trước mặt thì gã thấy đi theo sau xe một người đàn bà cầm rá không và một đứa trẻ con cởi truồng. Đi sau nữa, cách xe độ hai chục thước là lão Hai Mảo, lão gánh hai ống bơ tòng ten như mọi hôm. Con người dài ngoẵng như cái que ấy vẫn đi thất thểu như mọi ngày. Nhưng có điều khác là hôm nay Nuôi Sẹo không thấy lão chửi những câu dài lê thê. Nuôi Sẹo chờ mãi cho đến lúc đi tới cầu sắt cũng không thấy lão chữi. Gã liền bước đi theo lão.

Sang phía bên kia cầu sắt, Nuôi Sẹo thấy người vợ Tư Từ. Vợ Tư Từ khóc thê thảm quá, tóc rơi rũ rượi xuống đất nằm lăn bên đường mà khóc. Gã không hiểu đầu đuôi câu chuyện thế nào, đứng lại xem. Chung quanh chẳng một ai. Người ta như bỏ quên mẹ ở đây. Nuôi Sẹo cứ hỏi: “Ba ba mươi Tết rồi sao còn nằm đây khóc.” Ngưng một lát như để lấy hơi, mẹ rên ti tỉ rồi khóc ra tiếng. “Mày có bao nhiêu mày tiêu hết bây giờ mày còn hành hạ tao thế này, mày cứ giết chết mẹ con tao đi. Ngày hôm nay ba mươi Tết rồi. Ôi cha mẹ ôi!” Mẹ chưa nói hết câu thì Tư Từ chân ngắn, người vạm vỡ chạy ở cái nhà gần đây ra, túm lấy tóc vừa kéo vừa đấm đá vào lưng vợ. Mụ kêu khan cả tiếng mới có một người đàn ông ra can: “Ba mươi Tết rồi, còn đánh chết người ta hay sao?” Tư Từ giở giọng cục: “Vợ con tôi, tôi dạy, việc gì đến anh?” Vẫn không bỏ tóc vợ. Một người đàn bà ở trong các nhà gần đấy chạy ra túm tay người đàn ông lôi vào. Người đàn ông hầm hầm đi vào trong nhà, Tư Từ lại đạp luôn cho vợ mấy cái vào bụng, vào ngực làm chị ngất đi rồi mới bỏ vợ đó bước vào trong nhà.

Khi Nuôi Sẹo quay lại cầu sắt, gã để ý nghe vẫn không thấy người đàn bà khóc. Chiều đã xuống âm u hơn và đi dần vào đêm tối. Nuôi Sẹo đứng trong gió lộng trên cầu sắt, nhìn tứ phía thấy cảnh vật êm ả quá. Mấy cái thuyền ở dưới sông nằm im như những xác củi khô trên một ao tù. Chỉ có gió là ra vẻ còn hoạt động. Chợt nhìn về phố giữa, gã thấy một gia đình đang đi tới cầu sắt: vợ chồng Phó Tếu và đứa con, vợ Phó Tếu gánh hai cái thúng. Ở một miệng thúng Nuôi Sẹo trông thấy một cái đầu ông Công để trên một đám lá cải ngồng. Phó côi xách một bên tay cái hòm thợ cạo thường ngày của lão. Còn đứa con gái nhỏ chạy sau có cái áo nâu mới và ngắn cũn cỡn vừa đi rảo cẳng vừa run mắt nhìn xuống những mảnh gỗ cầu xếp thưa.

Nuôi Sẹo biết rằng Phó Tếu về quê cách đây không xa. Phó Tếu hỏi gã: “Nuôi Sẹo mày không về quê à?” Phó Tếu vừa nói vừa bước đều như chẳng cần nghe Nuôi Sẹo trả lời. Lần đầu tiên, Nuôi Sẹo thấy có người hỏi gã câu này. Về quê, quê đâu mà về? Nuôi Sẹo nhìn dòng sông một lát, con sông cong ngoằn nghèo chạy mãi về phía bến đò Sen, khi gã quay lại thì không thấy bóng gia đình Phó Tếu đâu. Gã chắc bọn này đi tắt vào cái ấp ông Hàn Phiên để về làng. Gã thấy trên con đường chạy dài theo đường sắt một người đi xe đạp, mặc áo dài đen vạt áo dắt vào cạp, chỉ trong chốc lát Nuôi Sẹo đã thấy cái xe đạp đi khuất về sau bụi tre ấp Hàn Phiên. Có lẽ người này cũng về quê. Nuôi Sẹo ngẩn ngơ. Về quê, quê đâu mà về? Gã hơi buồn buồn nhìn dòng sông cạn. Những tiếng khóc của mẹ Tư Từ lại nổi lên. Gã vội bước theo đường sắt để về làng.

Về tới đầu đường làng, gã tự nhiên hớn hở, phởn phơ. Nhìn những mái nhà tranh sùm sụp hai bên đường làng, gã nhìn thấy đường làng đã vắng ngắt, vắng ngơ, gã nghĩ người ta đang sửa soạn Tết. Về đến đầu miễu, gã nghe thấy tiếng người chửi nheo nhéo ở đầu nhà Cả Bĩ. Gã đến gần gã thấy bà Hội Đỉnh đang sỉa sói vào trong nhà gọi tên cha con con vợ chồng nhà Cả Bỉ lên mà chửi. Nuôi Sẹo thấy trong nhà không có tiếng ai đáp lại. Gã để ý nghe một lúc mới rõ những món nợ mà bà Hội Đỉnh kể ra trong câu chửi: một con lợn bà cho nhà Cả Bĩ nuôi rẽ, nay lợn chết bà tính thành nợ, và những món tiền vốn thêm lãi mà bà cho vợ cả Bĩ vay hàng tháng để y buôn gạo. Nuôi Sẹo nhìn vào trong nhà chỉ thấy trong khoảng tối hình ảnh mờ mờ của lão Nhão vẫn như thường ngày ngồi trên một bục gỗ, cạnh cái gậy tre, còn con Lý thì ôm lấy chân ông nhìn ra ngoài với vẻ mặt sợ hãi. Ngoài ra trong nhà không còn một ai. Những mảnh nồi, chai vỡ vung vải trên nền nhà lẫn với cơm nguội, nước mắm tung tóe. Nuôi Sẹo biết rằng mọi người trong nhà đã trốn nợ hết rồi. Bà Hội Đỉnh vừa chửi vừa kể loanh quanh chỉ có thế thôi. Nuôi Sẹo nghĩ: “Chửi thế thì xoàng quá.” Nuôi Sẹo buồn buồn bước chân về nhà Ba Đèn.

Vào đến trong nhà, Nuôi Sẹo thấy mọi người đang sửa soạn cỗ cúng ra vẻ nhộn nhịp lắm. Ba Đèn chửi gã đi đâu mà về muộn thế. Gã chẳng trả lời y, đi vào bếp cùng với mẹ Lê. Gã thấy mọi người đã lục bị của gã để lấy đồ nấu cơm cúng. Mẹ Lê cũng nói cho gã biết rằng nguyên ngày hôm nay thằng Câm đã câu được hai con gà để ăn Tết. Ba Đèn đã đặt được cái bàn thờ chung cho cả gia đình tạm bợ này: một cái hòm cũ, mấy tờ giấy báo bao phủ kín gọn ghẽ, bên trên bàn thờ, Nuôi Sẹo nhìn thấy một cái đĩa, một cái bát xanh đầy gạo cạnh một giấy vàng và một thẻ nhang. Chỉ có thế mà lần nào Nuôi Sẹo ở dưới bếp lên gã cũng thấy ngạc nhiên, sung sướng không lúc nào bằng lúc này, gã thấy cảnh gia đình này là một gia đình thật sự. Một gia đình thật sự với cảnh nấu cơm cúng náo nhiệt, với mùi âm ấm thơm thơm ở trong bếp đưa ra, nhất là với cái bàn thờ. Cái bàn thờ này là bàn thờ chung của mọi người trong nhà, tất nhiên là cái bàn thờ để ông bà ông vải của Nuôi Sẹo cũng về hưởng đồ cúng của Nuôi Sẹo trong ba ngày Tết. Cái bàn thờ. Lần đầu tiên gã có một cái bàn thờ để ông bà ông vải về hưởng đồ cúng của con cháu. Đúng là một gia đình. Một gia đình như mọi gia đình. Cả đến câu chửi của Ba Đèn lúc nãy gã cũng thấy nó thân thuộc âu yếm trong một gia đình ấm cúng hòa thuận. Gã lại chợt nghĩ đến cu Tý.

Khi cỗ cúng làm xong, Ba Đèn mặc cái áo lương cũ đã vàng như ám khói và rách cả ở hai khủy tay để cúng vái. Nuôi Sẹo đứng cạnh nhìn hết Ba Đèn quỳ gối chắp tay trước ngực miệng lẩm bẩm nghe không rõ, Nuôi Sẹo chỉ nghe như người suýt soa phải bỏng. Gã nhìn mâm cơm, cút rượu mở nút để bên cạnh. Gã nhìn khói hương nhẹ tỏa xuống bay trên cái bàn thờ thấp lè tè này. Đột nhiên, gã chắp tay trước bụng.

Ba Đèn khấn và lễ cho cả nhà. Khi y khấn và lễ xong thì Nuôi Sẹo kéo cái chiếu ra giữa nhà để ăn cơm. Thằng Câm bưng mâm cơm và bỏ rượu ở trên bàn thờ xuống để giữa chiếu. Khi mọi người sắp ăn Nuôi Sẹo thấy Ba Đèn nhìn vào gậm giường để mời người nào ra ăn cơm. Nuôi Sẹo nhìn vào gậm giường có tiếng người khẽ trả lời nhưng không có ai ra. Nhờ ánh sáng ngọn đèn dầu hỏa để cạnh mâm cơm, Nuôi Sẹo nhìn thấy sau những chân giường làm bằng chồng gạch cũ hai cha con Cả Bỉ nằm thu gọn người đang ngửa cổ nhìn ra phía mâm. Ngạc nhiên một lát rồi gã mới nhớ ra là hai cha con nhà này đi trốn nợ.

Bữa cơm hôm nay Nuôi Sẹo ăn thấy ngon miệng lắm. Nhưng gã không ăn no quá như những hôm ăn cỗ nhà đám sau bao nhiêu ngày bị đói. Còn ngày mai, ngày kia nữa, gã nghĩ mai mới thật là Tết cơ mà.

Đêm hôm ấy Nuôi Sẹo nằm thao thức mãi không ngủ được. Gã nghe tiếng ro-ro ở tẩu của Ba Đèn tỏa ra mùi thơm của thuốc phiện bị đốt trên mặt lửa, nhưng gã vẫn nghe tiếng gió vi vút thổi qua vườn chuối nhà Cả Bĩ ở sau nhà. Tuy vậy tiếng gió bây giờ đã nhẹ hơn tiếng gió của mọi hôm như chính gió cũng đang từ từ nhẹ dần đi để rồi nay mai thành một thứ gió Xuân hây hây phớt bay qua những búp non lá xanh mởn mới nhú. Gã nghe thấy tiếng chó sủa ở xa đưa lại và tiếng trống cầm canh, gã lại thoáng nghĩ đến Đốc Tít. Gã tưởng như mùi nhang tỏa ra ở bàn thờ lúc nãy còn vướng vất đâu đây và có lẽ linh hồn ông bà ông vải của mấy người nhà này hiện bây giờ đã ở trên bàn thờ để ngày mai ăn Tết. Gã thấy người nhẹ nhàng như có thể ngay lúc này bay lên được. Gã cũng thấy ấm ấm. Không riêng gì gã ấm mà cả căn nhà đều ấm. Nhưng quái! Sao cái con vàng ghẻ vẫn còn rên ti tỉ ở gậm phản cháy. Gã chợt nghĩ đến hai cha con Cả Bĩ lúc này có lẽ vẫn nằm im trong gậm giường Ba Đèn. Gã nhìn vào gậm giường chỉ thấy tôi tối không nhìn ra bóng người. Còn phải trốn nợ chưa về được. Gã biết là con nợ trốn ba mươi Tết nhiều khi phải trốn đến lúc giao thừa rồi mới dám về nhà vì sợ trong năm cũ, chủ nợ đanh đá có thể trở lại vào lúc mười một giờ đêm. Tiếng trống tùng-tùng điểm canh lại theo gió bay đến. Cứ tùng-tùng mà điểm canh nữa đi. Gã nhớ đến nhiều lần gã đã được xem quan chảy: trên đường đi người đông như hội, tiếng trống cơm tòng-tòng dọn đường, tiếng trống cái tùng- tùng như đưa quan đi. Bây giờ tiếng trống tùng-tùng đây cũng đưa đêm ba mươi tháng chạp này đi, đi, đi nữa để chóng mang năm mới đến. Bây giờ vẫn còn là năm cũ. Cái năm cũ đầy đói khổ, lo lắng. Cha con Cả Bĩ vẫn nằm đấy, Nuôi Sẹo như nghe thấy tiếng thở hồi hộp của cả hai người. Còn phải lo lắng nữa. Khổ sở nữa. Cũng như vợ Tư Từ có lẽ bây giờ còn nằm lăn ở cạnh giường, mà không khéo mụ đã chết cong-queo rồi. Và những người tuần phố đêm đi qua vấp vào xác chết, đá nó xuống rãnh bên đường để lấy lối đi. Và cả hai vợ chồng người làng Lỗi bán bàn thờ ở chợ, lúc nãy có biết ngồi nhờ đám lửa và đến xin bọn ăn mày để khỏi chết đói chết rét không. Làng còn Cựu Ngôn, lúc này đang ở tù nhớ con, và còn cu Tý nữa…còn lo lắng còn đói khổ, khổ cho hết cái năm cũ này, chỉ chốc nữa thì thôi. Khi tiếng pháo giao thừa nhà cụ Lớn nổ một tràng dài là năm mới đến. Cha con Cả Bĩ có thể về được, không ai đòi nợ khi bắt đầu năm mới. Vợ, các con trốn ở đâu cũng về để sửa soạn mai ăn Tết cho yên thân. Yên thân khi nhất là được ba hôm Tết. Nuôi Sẹo ngủ quên đi lúc nào không biết.

Nuôi Sẹo mở choàng mắt nghe tiếng pháo nổ đì đẹt ở đâu vọng lại. Tết đây rồi, gã đứng dậy ra ngoài, cửa liếp còn đóng im lìm, ánh sáng bên ngoài qua bao nhiêu khe, bao nhiêu lỗ nhỏ ở cửa liếp ở đầu nhà hắt vào làm cho căn nhà ở trong khoảng mờ tỏ, tranh tối tranh sáng. Nuôi Sẹo đoán rằng bên ngoài đã sáng tỏ và sáng từ lâu.

- Năm mới chúc chú Nuôi năm nay làm ăn phát tài, tiếng Ba Đèn ở giường bên này đưa sang.

- Năm mới tao cũng chúc chú đầu năm lấy vợ, cuối năm đẻ con giai, tiếng thằng Câm tiếp theo ngay.

Nuôi Sẹo bấy giờ mới nhìn thấy hai người đang ngồi uống trà tàu ở bên giường ra vẻ thư thả, thảnh thơi lắm. Gã lúng túng chưa biết trả lời thế nào thì tiếng mẹ Lê ở trong bếp đưa ra:

- Năm mới chúc chú phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái.

Nuôi Sẹo cuống quýt, lắp bắp nói mấy câu mừng tuổi theo như những câu mọi người vừa nói với gã. Ba Đèn bảo gã sang bên giường uống nước và thằng Câm ngồi xê vào mé trong nhường chỗ cho gã.

Tay cầm chén nước trà Tàu uống, Nuôi Sẹo cảm thấy gã đang sống trong Tết. Gã đưa vào miệng uống từng hớp khá dài. Tết ở lời mừng tuổi của mọi người, hôm nay thì chả ai còn mắng chửi gã nữa. Mọi người chẳng thân mật gọi gã bằng chú Nuôi là gì ? Mùi hương thơm nhẹ ngát tỏa từ bàn thờ ra khắp căn nhà. Và tuy nhà không có pháo đốt, Nuôi Sẹo cảm thấy như có mùi thuốc pháo thơm thơm khen khét vương vấn với mùi hương. Lẫn với hương thơm, Nuôi Sẹo thấy có mùi beo béo, êm ấm ngây ngây lúc này đang ở trong bếp đưa ra. Đúng như cái mùi gã vẫn thường ngửi thấy ở hàng bà Cả Luận. Nhưng lúc này nó không phải là mùi sống no đủ của người khác. Nó là mùi thức ăn sào nấu mà mẹ Lê đang sửa soạn ở trong bếp để làm cơm cúng. Cái mùi ấy, thức ăn ấy dành cho Ông Bà Vải của mọi người trong nhà này. Nhưng chỉ lát nữa đây, khi mâm cơm cúng đã được mang từ trên bàn thờ xuống chiếu thì nó thuộc về của mấy người. Tất nhiên thuộc về cả Nuôi Sẹo. Tết là tất cả các thứ mùi vị ấy hy vọng mong mỏi ấy và sự thực ấy. Nó cứ như ngấm mãi vào người gã theo nước trà ấm, theo mùi hương để tẩy uế con người gã hết mọi lo lắng khổ sở, đổi con người gã thành một Nuôi Sẹo mới. Nuôi Sẹo đặt chén trà uống cạn vào đĩa, dừ mặt thở dài, Tết !

Buổi nước trà xong, mỗi người đi làm một việc để sắp sửa cúng sớm. Ba Đèn và thằng Câm đi sắp đặt bàn thờ, còn Nuôi Sẹo gã đi xuống bếp để làm phụ với mẹ Lê. Ở trong bếp, gã nhìn qua kẽ vách ra ngõ thấy ngõ còn vắng và êm ả khác thường. Vừa đun bếp, gã vừa để ý nghe không thấy có tiếng động gì bên phía nhà Cả Bĩ. Gã đoán là bên ấy người ta cũng đang sửa soạn cúng cơm như ở nhà này, cũng như bao nhiêu nhà khác, bất cứ giầu hay nghèo trong làng, ngoài phố.

Gã đoán chắc là họ cũng mùng tuổi nhau và lão Nhão hôm nay cũng được vợ Cả Bĩ mừng tuổi như mọi người.

Lúc sắp cúng, Ba Đèn hỏi Nuôi Sẹo, chẳng biết tên Ông bà Cha mẹ gã để y khấn, Nuôi Sẹo chẳng biết trả lời y ra sao. Ba Đèn hỏi gã rằng cha mẹ gã còn hay mất, gã cũng không hay. Ba Đèn bực mình: “Thế thì còn cúng với khấn cái con chó gì nữa.” Nuôi Sẹo đứng ngẩn mặt. Những bát cỗ cúng đã để sẵn trên mặt bàn thờ. Ngay lúc ấy thằng Câm nói đỡ: “Thôi thì cứ khấn là Nuôi Sẹo chi tổ phụ vây.” Ba Đèn ngần ngừ một lúc rồi đi vào chiếu rì rầm khấn, lễ. Ba Đèn lễ xong, cởi áo dài và trật khăn đưa cho thằng Câm. Sau thằng Câm thì Nuôi Sẹo lại mặc cái áo the rách khuỷu tay và đội cái khăn xếp cũ ấy để lễ. Gã đứng lên, quỳ gối, cúi lễ như người bổ củi. Cuối cùng đến mẹ Lê ngồi vào chiếu lấy khăn hàng che miệng mà vái bốn, năm lần. Khi cả nhà ngồi vào bàn ăn cơm thì mọi thức ăn đã nguội ngắt nguội ngơ. Thịt gà luộc, xương lợn hầm, lòng, gan, mề xào rau cải, đĩa xôi, bát nước mắm và dưa hành. Nuôi Sẹo uống rượu nhắm thức ăn còn ngẩn ngơ nghĩ đến chuyện cúng vừa rồi. Không biết liệu ông bà gã có về hưởng được món cúng này không ? Nuôi Sẹo quay nhìn bàn thờ, chỉ thấy bàn thờ vắng ngắt liền đưa ý kiến ra hỏi mọi người. Mẹ Lê nói: “Nghe thấy các cụ bảo rằng chỉ có ngày rằm tháng Bảy ở âm ty người chết mới được phép về. Chứ còn ngày giỗ, ngày Tết việc mình cúng thì cứ cúng, còn việc các cụ có về hay không thì mình biết thế nào được.” Thằng Câm vừa ăn nhồm nhoàm vừa nói: “ Tâm động quỷ thần tri, mình khấn vái tên tuổi các cụ thì các cụ vể hưởng được chứ.” Còn Ba Đèn thì mắng nhẹ Nuôi Sẹo: “Chẳng biết mày có phải là ngành trưởng hay không, chứ mẹ khỉ có cái tên tuổi của ông bà cha mẹ mà cũng không nhớ thì còn nhớ được cái gì.” Nuôi Sẹo lại càng ngẩn ngơ thêm.

Nhưng mọi người quay sang câu chuyện khác, mẹ Lê nói ăn cơm xong mẹ sẽ đi sang lễ chùa Sen, mẹ tin ông thầy Kế thấy bảo năm nay xuất hành phương Bắc tốt lắm. Thằng Câm bàn sẽ đi ra ga mò vào mấy đám bạc, và Ba Đèn phải ở nhà sợ có khách đến điếu lễ buổi sáng. Rượu đã ngấm vào người Nuôi Sẹo như len lỏi thấm thía vào mọi thớ thịt. Hai tai gã đã nóng bừng bừng và cái sẹo giản giật ngứa ngáy. Ngủ hay đi đâu, gã tự hỏi. Gã thèm ăn một miếng bánh chưng, cái miếng bánh da xanh còn mùi lá luộc chín và nhân để một miếng thịt mỡ bằng hai đầu ngón tay, cái bánh chưng mới thật là Tết. Gã nhắm và uống lia lịa, tới tấp.

Khi bữa cơm xong, Nuôi Sẹo ngà ngà say muốn nằm ngủ. Nhưng Ba Đèn đã nhắc gã phải đi làm việc với anh Bũng như lời gã hẹn từ năm cũ. Y cũng nhắc luôn Nuôi Sẹo là gã đi đâu thì đi ngày mai phải có mặt ở làng vì các cụ trong làng cho biết mồng hai ngày tốt sẽ làm lễ thần ở ngoài đình.

Nuôi Sẹo đi ra để ý thấy con chó mực nhà cả Bĩ hôm nay không sủa gầu gầu để báo hiệu cho những con chó khác trong xóm. Cái nhà Cả Bĩ lúc nàu cũng nằm im lìm như ngủ trễ, không một tiếng thở dài. Lão Bĩ xuyễn hôm nay cũng không thấy vác lọ đờm ra ho sù sù ở đầu nhà và đầu ngõ. Nuôi Sẹo cũng không thấy những bãi cứt trâu nóng hổi, bốc hơi. Nhưng nhìn kỹ hơn Nuôi Sẹo thấy cánh cửa liếp nhà Cả Bĩ đã mở hấp hé, gã biết nhà này đã có người xông đất rồi.

Nuôi Sẹo bước vội vã, lật đật, gã gặp trên đường ngõ làng những trẻ con ăn mặc lành lặn, hớn hở chỗ năm đứa, chỗ ba đứa, nơi đốt pháo tép đì đẹt, nơi đánh đáo ăn tiền. Những người đàn bà cùng con cái lớn nhỏ đi lễ chùa hay ở chùa về. Những người đàn ông xúng xính trong bộ áo mới, từ nhà nọ sang nhà kia mừng tuổi. Nuôi Sẹo gặp mẹ Khán Xèo, áo tứ thân, quần xồi thâm, guốc mới lẹp kẹp, gặp một người quen mẹ nhoeo nhoéo: “Năm mới mừng tuổi bác Tư năm nay giàu bằng mười năm ngoái”, khi nói mẹ vẫn đều chân bước đi như chẳng để ý đến câu trả lời của người khác.

Ở ngoài phố đông người đi lại hơn trong làng nhiều, những đứa trẻ con nhà giàu áo sa tanh, quần chúc bâu trắng. Nuôi Sẹo trông thấy một đứa mặc bộ quần áo lính thủy ngắn cũn cỡn, Những chú khách xúng xính trong cái áo dài màu lụng thụng dài gần lấp quần. Nhựng cô gái tân thời môi trát son mặt đầy những phấn, đi nhay nhảy nhởn nhơ. Có một lúc Nuôi Sẹo thấy vợ chồng ký Giang đi ở phía ga lại, chồng mặc áo sa tanh phủ áo trắng, chân đi giày Tây, còn vợ thì áo mầu quần trắng, chân diện dép Xè Gòng, tóc vấn rẽ lệch, rõ ra vẻ tân thời lắm. Nuôi Sẹo nghĩ: “Mới đầu năm mà đã để cho con vợ nhẩy lên đi ngang hàng thế mà không sợ rông cả năm hay sao? Người có học mà lại thế nhỉ ?” Ở trước cửa điếm phố, cạnh mấy cái xe tay chỏng gọng, Nuôi Sẹo đã thấy một đám sóc đĩa và một đám chẵn lẻ. Khi Nuôi Sẹo mải nhìn một con chó sợ pháo chạy ra phía đồng thì anh Bũng ở đâu đến vừa gắt mắng, vừa đấm gã dùm dạp hai ba cái. Đoạn anh nhe hai hàm răng ngựa ra cười và mừng tuổi Nuôi Sẹo. Anh hỏi Nuôi Sẹo: “Năm nay chú bao nhiêu tuổi ?” Chẳng đợi cho gã trả lời, anh nói luôn: “Mẹ cắp có cái tuổi mà cũng không nhớ.” Mọi năm anh vẫn hỏi tuổi và vẫn nói câu này, rồi lại chẳng để cho Nuôi Sẹo kịp há miệng ra nói gì, anh xô vào vai gã: “Đi đi mau lên, không có hỏng cả việc rồi, tiền đâu mà tiêu Tết.”

Nuôi Sẹo theo anh Bũng về đến nhà đã thấy chị Bũng sắp sẵn cho gã mội đôi quang gánh và hai thùng sắt Tây. Anh Bũng mặc một cái áo lưng cũ, đội cái khăn lượt rách. Rồi anh xuống bếp béo tai, lôi thằng Sản lên chụp vào đầu nó một cái khăn rộng quá. Nuôi Sẹo thấy một bánh pháo thò đầu ra ngoài bọc. Đoạn anh Bũng và thằng con đi trước, Nuôi Sẹo gánh đôi thùng đi theo sau. Ba người khởi hành cuộc đi mừng tuổi những nhà giàu trong phố.

Nuôi Sẹo gánh đôi thùng ra bến vục hai thùng nước sông. Vào nhà nào thì anh Bũng và con trai vào trước rồi Nuôi Sẹo gánh hai thùng nước vào sau. Anh Bũng mở đầu nói: “Năm mới có gánh nước mừng tuổi ông bà làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái.” Nuôi Sẹo không nói nửa câu, tìm vại hay bể nước để đổ gánh nước của gã. Anh Bũng lúc ấy mới bỏ giầu cau ra để lên bàn thờ rồi lễ bàn thờ ông vãi. Lễ xong, anh đợi cho lúc người chủ nhà có mặt ở đấy, anh nhăm nhăm cầm bánh pháo, tất nhiên là chủ nhà phải can anh không cho anh đốt pháo, và để mừng tuổi lại, nhà chủ phải cho thế nào để xứng đáng với cái bánh pháo mà anh Bũng dọa đốt. Thường thường người ta cũng không lấy, trả lại giầu cau anh Bũng để anh mang đi chỗ khác.

Nuôi Sẹo biết là việc anh Bũng mang con và bánh pháo đi mừng tuổi dân phố là thường lệ từ lâu. Và người ta cũng lập thành lệ là trả lại giầu cau anh Bũng. Nhiều năm anh đi khắp mọi nhà giàu trong phố mà bánh pháo vẫn còn. Anh Bũng theo như lời hẹn trước với hiệu, anh chịu lỗ một ít, trả lại hiệu để người ta đem bán cho các làng vào đình đám.

Suốt hôm ấy, Nuôi Sẹo đi mừng tuổi hàng phố với cha con anh Bũng. Chiều tối lúc nghỉ việc, gã thấy người đau như dần vì anh Bũng cứ giục gã làm cố để kiếm tiền. Gã ăn cơm chiều với vợ chồng anh Bũng, gã thích lắm vì được ăn một miếng bánh chưng. Cơm xong, anh Bũng tính tiền, cho gã năm hào. Chị Bũng bảo chồng: “Thôi cứ giữ lấy cho nó, đưa cho nó nhỡ có đánh mất thì sao ? Bao giờ nó về thì đưa cũng được cơ mà.” Anh Bũng nghe lời vợ bảo với Nuôi Sẹo: “Ừ thôi để tao giữ cho, đêm hôm nay mày ngủ đây, mai đi làm nữa cơ mà.” Nuôi Sẹo gật đầu, gã nghĩ: “Khéo không chị Bũng này có chửa thật.”

Tối hôm ấy gã ngủ sớm ở xó bếp, trong lúc vợ chồng anh Bũng và mấy người hàng xóm đánh tam cúc lào rào ở nhà trên.

Sau mồng một, Tết chạy nhanh không ngờ. Mồng hai, mồng ba…chiều mồng ba, Nuôi Sẹo ngẩn ngơ tiêng tiếc cái gì mà gã không biết rõ. Tới mồng sáu tốt ngày, các hiệu khách lớn đều khai trương. Họ đốt những tràng pháo dài treo từ trên gác rũ xuống tới mặt đất. Tiếng pháo đạch đạch nên thỉnh thoảng lại đùng một tiếng lớn, cứ thế kéo dài đến hàng giờ. Chó ngoài phố sợ pháo chạy đi mấy hôm Tết, đã về dần, nay lại được một bữa chạy nữa. Nuôi Sẹo đi lang thang trong làng ngoài phố thấy quả là Tết đã hết. Những đám cỏ vôi dưới đất bị xéo mãi, lại bị trận mưa hôm mồng ba xóa nhòa hết. Những câu đối, những ông Tiên Tài, Tiên Lộc dán ở cửa, ở cổng nhà bây giờ đã rách hay buộc góc bắt đầu xuống màu vàng. Trẻ con một vài đứa còn cố mang cái quần mới xuống màu cháo lòng, còn số lớn đã bị cha mẹ bắt cất quần áo đi để dành. Một số nhà hàng đã mở cửa vào

ngày mồng bốn, và sau ngày mồng sáu thì không còn nhà hàng nào đóng cửa nữa. Phiên chợ huyện ngày mồng sáu đã đông gần bằng những phiên chợ ngày thường. Ở ngoài ga khách đi tàu lại như thường và những người ăn mày lại ra đủ như hồi trong năm cũ để xin tiền rêu ở sân ga.

Nuôi Sẹo cảm thấy năm đã bắt đầu trở nên cũ và hình như trên mặt những người nghèo khổ, những nét răn năm cũ đã trở về đầy đủ. Chỉ còn những người ham mê cờ bạc là còn bận chơi bời như muốn kéo dài cái Tết ra cho hết tháng giêng, tháng ăn chơi. Họ đi vầy vò (???) vào những đám bạc ở các làng lân cận vào đình đám. Chơi ở phố ga một buổi sáng Nuôi Sẹo thấy Hai Côn mặc cái áo ba đờ xuy, quần lụa mỡ gà, tay cầm cái cặp da dầy cộm và cái đèn năm bin, bước qua đường sắt đi về lối tắt tới làng Hiến đang có đình đám. Gã vừa tiêng tiếc cái Tết đã qua, vừa vui vui vì thấy mùa đình đám các làng đã bắt đầu. Từ đã mấy hôm, hôm nay, thỉnh thoảng gã nghe thấy gió đưa lại tiếng trống tùng-tùng của các làng vào đám, gã đã tưởng đến cảnh trai gái nhởn nhơ đi ra đình xem các cụ tế, xem đánh vật, xem chọi gà, xem hát tuồng chèo.

Đình đám làng Ngò bắt đầu từ mồng tám tháng giêng kéo dài cho đến mười hai mới rã đám. Trong bốn ngày, Nuôi Sẹo đều bận tíu tít. Trong suốt một năm, mấy ngày này là những ngày gã bận việc làng nhất, nào rao mõ, nào mang phần làng đi chia, nào quét dọn, hầu hạ các cụ ăn uống. Nhưng trong tất cả một năm chỉ có dịp này là gã thấy cái vinh hạnh, cái vẻ vang được ngồi một mình một mâm ở một góc đình. Gã chẳng bị đói hôm nào, trái lại còn đem đồ thừa về nhà cho Ba Đèn và thằng Câm.

Trong mấy hôm, vui cái vui chung của cả làng, nghe tiếng trống đánh đổ hồi ở hiên đình vang đi khắp làng, như vương vấn, quấn quýt bờ tre, mô đất, bụi rậm, cái nhà, Nuôi Sẹo thấy người hớn hở. Gió xuân nhè nhẹ còn vương chút man mát hơi lành lạnh. Những búp non bây giờ đã thành những lá non mơn mởn mọc vàng cả ở những đầu cành.

Đây đó những cánh bướm vàng, trắng như những mảnh lá non ở cây rụng ra bay nhởn nhơ vô định. Những trẻ con còn cố mang quần áo Tết thêm mấy hôm nữa, những cô gái có áo tứ thân mới, quần nâu, hay áo dài, quần trắng đều ra vẻ chải chuốt, những bà già chống gậy còn cố chống gậy ra xem cảnh hội làng, những nhà đăng cai tế đám mang những mâm bông xôi, những con lợn luộc nằm úp sấp trên những mâm thau, những mâm cỗ đậy lồng bàn sơn son, những bạch đinh bận phục dịch các cụ trong đình với Nuôi Sẹo, những ông đàn anh vừa ăn cỗ vừa ồn ào nói chuyện việc làng ở hai bên đình, trong sân đình và ở quãng đường từ giếng xây vào tới đình, những hàng quà bán nào bánh dầy, bánh giò, bánh đúc, phở, lạc luộc, bánh đa, canh bún… mọc ra đầy cả. Những trẻ con gọi nhau nhẩy nghịch. Những cô gái nhí nhảnh làm duyên làm dáng với con trai, những chuyện con trai ghen tuông nhau vì con gái, những cánh tổ tôm của các cụ ở những đám bạc công khai hay vụng trộm ở xóm này xóm khác. Ở sân đình cờ đuôi nheo cắm đầy bay phất phới. Trước cửa đình ra hai hàng giáo mác oai nghiêm. Ở hiên đình cái trống trên giá gỗ thỉnh thoảng vẫn tung ra những tràng tùng tùng như thúc giục. Nuôi Sẹo đi lẫn vào đám người, nghe những mẩu chuyện của họ, chứng kiến những cảnh trai gái ghen tuông tưởng mình cũng như mọi người làng đang cố kéo dài cái tết cho tới ngày rã đám.

Nuôi Sẹo thích những buổi tế ở ngoài đình. Đại khái năm nào cuộc tế cũng chỉ có thế. Nhưng Nuôi Sẹo thấy mỗi lần tế thần là một lễ mới. Lúc rảnh việc đôi chút gã đứng gần vào đám đông đàn bà trẻ con già trẻ chen lấy nhau đứng chật lấy cả hai bên sân đình để xem cụ lớn Tuần chủ tọa buổi tế, xem các cụ dân rượi trong bộ áo thụng xanh, xem ông đồ Lung ngân nga giọng sang sảng đọc văn tế trước hương án.

Nuôi Sẹo thích nhất là xem hát chèo hay hát tuồng ở ngoài đình. Năm nay quỹ làng không được dồi dào nên các cụ chỉ gọi gánh hát vào đêm cuối cùng mà thôi. Nhưng gánh hát này là gánh hát kép Thanh nổi tiếng trong vùng nên Nuôi Sẹo cũng như mọi người trong làng đều mong mỏi được coi buổi hát này. Đêm hôm ấy gã ra đình len mãi mới vào được chỗ gầm hương án ngồi ôm mấy cái cột cạnh thằng Khiêng trong lúc đình đã chật ních những người nói ồn ào như chợ vỡ. Cụ lớn Tuần Đan hôm nay ra đình cầm trống khai buổi hát. Nuôi Sẹo mong được coi hẳn tuồng San Hậu mà lâu lắm gã không thấy hát ở đình này. Nhưng khi người ra giáo đầu gã biết ngay là gánh hát diễn Tam Quốc. Gã hơi thất vọng, song chỉ trong lát sau gã đã mê mải xem kép Thanh trong vai Đổng Trác, đào Tý trong vai Điêu Thuyền, kép Lân người làng Hiến trong vai Lã Bố và kép Lút trong vai Tào Tháo.

Khi đám hát tàn, người làng chen nhau qua cửa đình đổ ra về thì trống canh điếm làng điểm canh ba. Nuôi Sẹo đêm nay ngủ lại ở đình để hôm sau dọn dẹp đình sớm. Tất cả gánh hát được phép các cụ, cho ngủ lại ở đình. Thằng Khiêng không muốn về nhà ở phố chợ, cũng ngủ ở trong đình với Nuôi Sẹo. Hai người ngồi ở trong hậu cung nhìn ra đám người lục-xục ở buồng làm bằng những khăn cũ khâu dính với nhau trong ánh sáng mờ vàng của đèn dầu dĩa. Mãi cho tới khi họ tắt đèn đi ngủ Nuôi Sẹo và thằng Khiêng mới nằm xuống. Nhưng thằng Khiêng chưa chịu ngủ ngay, y cứ khen đi khen lại cô đào Tý đóng vai Điêu Thuyền mãi. Y nói: “Chả trách mà cứ năm nào vào hội đình đám là khối đứa bỏ vợ theo cô đào Tý. Nhưng nghe đâu bảo rằng là cô ta đã mấy lần chửa với kép Thanh rồi. Cũng như vợ chồng rồi còn gì.” Nuôi Sẹo không trả lời. Gã đang tưởng đến bọn Đổng Trác, Điêu Thuyền, Lã Bố và Tào Tháo, cả trung lẫn nịnh lại có thể nằm đè lên nhau trong cái buồng tro chẳng rộng hơn cái bếp nhà Ba Đèn bao nhiêu. Gã nói với thằng Khiêng: “Mẹ cha cái mặt đỏ râu da dày là cái thằng Tào Tháo đồ nịnh thần.” Thằng Khiêng liền bàn ngay vấn đề trung nịnh ở trong cái bản tuồng gã đã coi, nào Chinh Đông, Chinh Tây, nào Tống Địch Thanh, nào Bao Công xử án Bàng Quý Phi. Nuôi Sẹo vừa nghe vừa thiu thiu. Thằng Khiêng đấm vào người gã. Nuôi Sẹo mở choàng mắt ra hỏi: “Cộng sản nó là trung hay nịnh?” Thằng Khiêng không trả lời và im lặng một lúc y nói ra bên cạnh: “Chắc cô Điêu Thuyền thì bây giờ cũng ngủ rồi.” Nuôi Sẹo nằm im, gã cảm thấy tết cũng đã hết mà hội làng cũng hết ở đêm nay. Ngày mai ở đình chỉ còn những mảnh vỏ bưởi, mảnh giấy và bụi đất mà người ta đã mang vào tối hôm nay, những miếng vải, miếng bông dính phân, dính son, mà gánh hát để lại… Gã buồn buồn nghĩ: không biết tết này ông, bà, cha, mẹ gã có về để hưởng được những thứ của gã cúng hay không? hay là phải cầu bơ cầu bất lang thang đi húp cháo lá đa?

Mồng mười, mười một mười hai tháng giêng… Khác với dạo mùa đông, ngày bây giờ càng xa tết càng dài thêm như tranh lấn với đêm đang thụt lùi dần. Trái với mấy hôm tết và hội làng, ngày bây giờ lại ra vẻ như kề cà chẳng thèm vội. “Ra giêng, ngày dài tháng rộng.” Những lá non đã thêm nâu xanh và mọc rậm chi chít ở các bụi. Trời thỉnh thoảng nắng hoe hoe, một thứ ánh sáng vàng trong tươi. Tuy vậy ở trong bóng dâm người ta còn thấy ớn lạnh, có khi nổi gai ốc. Nuôi Sẹo đi ra ngõ đã thấy đồng hiện ra một màu xanh mướt, bát ngát tới những bờ tre làng, màu xanh lam đậm rõ nét. Những chim sẻ đồng phan phát cánh bay tan ra trên mặt lúa khi chân người bước tới. Nuôi Sẹo nhiều lúc như ngửi thấy mùi hương của đồng tỏa ra những cây lúa con gái mon thon, óng ả, chân dầm nước, mùi hương nhẹ thoang thoảng như tiếng ca lênh đênh chơi vơi của những người làm cỏ ruộng.

Những khi lang thang ở trong làng, ngoài phố, Nuôi Sẹo lại cảm thấy cái năm nay vừa hôm nọ đây còn mới mà bây giờ đã cũ, cũ như những rổ rá bằng tre mà người ta bỏ quên trên gác bếp. Không phải cũ trên cảnh vật, mà cũ trên mặt người. Lại những bộ mặt nhăn nhó, lo lắng vì đói khổ, rách rưới, nợ nần, túng thiếu. Cũng may là Nuôi Sẹo năm nay vẫn được các chủ nợ mượn đi đòi nợ luôn luôn. Gã thấy trở lại đời sống thường, thỉnh thoảng vào lúc rảnh việc lại ra thơ thẩn ở phố ga để kiếm việc làm thêm ngoài việc đòi nợ.

Đêm hôm mười tám tháng giêng, Nuôi Sẹo đang ngủ bị đánh thức chồm dậy. Gã nghe thấy tiếng trống ngũ liên đổ hồi. Gã run rẩy cả người. Gã định đẩy cửa liếp đi ra. Nhưng thằng Câm nghiến răng chửi gã: “Đéo mẹ mày muốn chết hay sao mà ra.” Và giầy gã nằm lăn xuống ổ. Gã nghĩ đến Đốc Tít. Gã nghe tiếng trống như đánh ở bên tai và hình như có tiếng kêu làng nước, kêu giời. Một lát sau, tiếng trống và tiếng người kêu đều im thì Nuôi Sẹo lại thấy như có tiếng chân người chạy thình thịch và bó xéo ở đầu ngoài ngõ. Rồi im lặng. Nuôi Sẹo lại nhắm mắt ngủ lại.

Sáng hôm sau, Nuôi Sẹo dậy đã thấy thằng Câm ở ngoài về kể chuyện Đốc Tít hôm qua về làng. Thực ra thì Đốc Tít không về, chỉ có những bộ hạ của y về thôi. Vào khoảng canh hai bắt sang canh ba, trong lúc không ai ngờ thì chúng vào trong làng tự lúc nào chẳng ai biết. Mới đầu chúng ra điếm bắt trói tất cả tuần có mặt tại điếm. Một người tuần cưỡng lại và định chạy trốn bị một đứa cao lớn chém cho một nhát dao xẻ cả vai. Sau đó một số đến đứng chiếm ở các lối và các ngõ chính và một số đi đến nhà ông Hội Đỉnh. Khi chúng đi vào được trong nhà rồi thì chúng bắt trói cả nhà ông Hội, nhét giẻ vào miệng, từ ông Hội, bà Hội, con gái cho đến con trai là cả Chung và con dâu vợ cả Chung. Đoạn một đứa trong đám bỏ ra hai bao trà tàu Chính Thái và một con dao găm để trong một cái khay và nói: “Các quan lớn theo lệnh của bác Đốc đến đây để mang vợ cả Chung này về làm vợ năm.” Nói rồi, chúng vác luôn vợ cả Chung và chẳng lấy đồ đạc của cải gì hết.

Khi bọn cướp đã đi xa người hàng xóm mới kêu làng nước, tiếng trống ngũ liên mới nổi lên. Mười lăm phút sau, lính huyện tới đổ nhào đi sục sạo khắp trong làng ra đến ngoài phố. Thằng Câm nghĩ Tư Bường chủ mưu chuyện này. Nuôi Sẹo, nghe xong câu chuyện, người nổi máu hăng. Gã liền ra ngoài thì quả nhiên đã thấy người làng túm tụm để bàn tán về cái lễ cưới vợ năm của Đốc Tít tối qua. Đi gần đám người đứng ở cửa điếm, gã nghe thấy người ta đang nói về chuyện con dao và hai bao chè. “Chắc con dao găm và hai bao chè vẫn còn ở nhà ông Hội chứ.” Đâu có, phải đem ngay trình quan chứ, chốc nữa quan đến khám và làm biên bản, việc gì còn phải đem đi trình. Nuôi Sẹo bước ra phía hàng bà Ba Mãnh, tự hỏi: “Sao không thấy Đội Hướng mang khẩu súng hai nòng ra bắn phát nào cả.” Tới hàng bà Ba Mãnh, gã cũng thấy người ta đang đứng túm tụm nói về chuyện này.