HUỲNH KIM QUANG
Viết về Chiến Tranh Việt Nam thì đã có rất nhiều, nhưng tác giả Ngô Thế Vinh, trong tác phẩm mới xuất bản của ông vào giữa năm 2020 “Mặt Trận Ở Sài Gòn” có một số đặc điểm đánh chú ý: ông là một người lính, một sĩ quan Quân Lực VNCH, và là một bác sĩ đã trực tiếp tham dự vào các trận chiến ác liệt trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Là một người lính cho nên tác giả Ngô Thế Vinh có kinh nghiệm trực tiếp nằm gai nếm mật, dãi nắng dầm mưa, đối mặt với sự sống chết trong gang tấc, kể cả đã từng ngồi tù hơn 3 năm dưới chế độ CSVN. Là một bác sĩ đã từng tu nghiệp ngành Y Khoa Phục Hồi cho nên tác giả Ngô Thế Vinh hiểu rất rõ từ chính bản thân mình là thân phận người lính, đến những đồng đội của ông đã trải qua các di chứng, các hậu chấn thương như thế nào trong cuộc sống của cuộc đời còn lại của họ.
Tác phẩm “Mặt Trận Ở Sài Gòn” dẫn người đọc qua vị hướng dẫn viên là tác giả Ngô Thế Vinh đi vào cuộc hành trình khám phá không những các tình tiết gay cấn và nguy hiểm trên chiến trường lửa đạn, mà còn đi sâu vào thế giới tâm lý phức tạp của những người lính bị chấn thương thể xác và tinh thần trong và sau cuộc chiến. Đây chính là điểm đặc biệt mà tác phẩm “Mặt Trận Ở Sài Gòn” của Ngô Thế Vinh làm cho tôi cảm thấy thích thú để đọc và để biết về một hiện thực rất bi thương mà ít ai nói đến.
Lợi điểm của tác giả Ngô Thế Vinh còn ở chỗ trước khi làm lính ông đã làm báo, đã là nhà văn có địa vị vững vàng trong sinh hoạt văn học báo chí tại Miền Nam trước năm 1975. Chính lợi điểm này đã nâng cao giá trị văn chương của tác phẩm “Mặt Trận Ở Sài Gòn.” Nói nâng cao giá trị văn chương không có nghĩa là nhờ tên tuổi của ông mà đúng ra là nhờ tài ba viết lách của ông đã làm cho chữ nghĩa trong tác phẩm này lộng lẫy như những trái hỏa châu sáng rực giữa bầu trời đen của cuộc chiến Việt Nam gần nửa thế kỷ trước.
Tác giả Ngô Thế Vinh, trong “Mặt Trận Ở Sài Gòn” còn là nhân chứng từ những xung đột gia đình và xã hội đến những ước mơ cho tương lai của cá nhân và cho đất nước của người lính VNCH khi họ xây dựng cuộc sống mới tại hải ngoại, mà cụ thể nhất là tại Hoa Kỳ. Theo tôi, đây là một mặt trận khác mà người chiến sĩ VNCH đã và đang phải đối mặt trong chặng đường mới của cuộc đời họ trong bối cảnh của một xã hội hoàn toàn xa lạ đối với họ.
Để hiểu rõ những đặc điểm trên của tác giả Ngô Thế Vinh và cũng để thưởng lãm tác phẩm văn học thấm đẫm văn chương không gì hơn bằng đi thẳng vào “Mặt Trận Ở Sài Gòn.”
‘Mặt Trận Ở Sài Gòn’
Tại sao là ‘Mặt Trận Ở Sài Gòn’ mà không phải là mặt trận nào đó ở vùng chiến tuyến Cao Nguyên hay Miền Tây?
Đó là sự ngạc nhiên và là câu hỏi đầu tiên hiện ra trong đầu tôi khi nhìn thấy tựa đề của cuốn sách. Đó cũng là cách sáng tạo của một nhà báo chuyên nghiệp như ông khi đặt tựa đề để lôi cuốn người đọc không thể từ chối lật từng trang sách đi tìm cho mình câu trả lời đích thực.
“Mặt Trận Ở Sài Gòn” của Ngô Thế Vinh là mặt phản diện của cuộc chiến tranh Việt Nam mà ở đó nó phô lộ những thực trạng không những làm cho người lính khi trực diện cảm thấy mình bị hụt hẫng hay mất phương hướng cho những hy sinh to lớn của đời trai mà còn là tệ nạn góp phần đưa tới sự thối nát của xã hội và một cách nào đó là sự thua cuộc đối với cuộc chiến bảo vệ lý tưởng tự do và độc lập dân tộc.
Ngô Thế Vinh mô tả lối sống xa hoa, buông thả và hưởng lạc của Sài Gòn khi ông có dịp quay về đó sau những ngày tháng chiến đấu và hy sinh nơi các chiến trường lửa đạn.
“Âm thanh của những tiếng cười nói ồn ào. Không khí dày đặc khói thuốc và hơi rượu mạnh. Nhạc sống và khiêu vũ. Những người đàn bà dễ dãi. Mọi tự do được phóng thả, để tìm lại được chút dục vọng xác thịt đang nguội lạnh, cho quên đi những ám ảnh của sợ hãi và nỗi chết.”(trang 22, 23)
Nhưng rồi ông không thể quên những hình ảnh ghê rợn của chiến trường.
“Đưa ly rượu tới môi, tôi tự nhủ rằng hãy nghĩ tới những người sống chứ không phải những xác chết. Nhưng vấn đề làm sao để quên đi. Cái hình ảnh kinh hoàng của chiến địa, hôi thối nồng nặc, chồng chất những tử thi hai bên. Xác của những người bạn bị oanh kích lầm với thứ hỏa tiễn mũi tên xóa tan cả mặt mũi. Xác của người phi công được trực thăng móc ở rừng xa, héo rũ trên dây treo như cách người ta câu về những con thú.” (tr. 23)
Chứng kiến sự trái ngược của hai hiện thực giống như hai thế giới xa lạ cùng có mặt trong một đất nước, người lính Ngô Thế Vinh nhận định về một mặt trận khác của cuộc chiến VN: “Người lính chỉ ao ước được cầm súng chiến đấu cho tổ quốc, hy sinh cho một lý tưởng cao cả, một chính nghĩa sáng ngời – mà khỏi cần phải bận tâm suy nghĩ điều gì. Nhưng bây giờ thì họ hiểu rằng, đã thất lạc và qua rồi sự bình an giả tạo sau những mỏi mệt trở về từ rừng rú. Rằng ngoài chiến trường súng đạn quen thuộc, họ còn phải đương đầu với một trận chiến khác mỏi mệt hơn – đó là cảnh thối nát bất công của xã hội mà dân tộc đang phải hứng chịu trong tối tăm tủi nhục. Từ ba mươi năm nay, đã và đang có quá nhiều anh-hùng-của-chiến-tranh trong khi lại quá thiếu vắng những chiến sĩ xã hội. Vậy phải lựa chọn chiến trường nào? Rằng không phải chỉ ở chốn xa xôi biên cương – mà thích thực chiến trường thách đố của họ phải là Sài Gòn.” (tr. 26, 27)
Khi mục sở thị những cảnh ăn chơi buông thả như thế, người lính Ngô Thế Vinh tự hỏi: “Rồi những người lính bơ vơ tự hỏi, cầm súng họ bảo vệ cái gì đây? Không lẽ cho một con thuyền xa hoa ngao du trên dòng sông loang máu, nổi trôi đầy những xác chết đồng loại. Cho sự an lạc của một dúm xã hội trên cao, cho những chăm sóc của những con chó con ngựa hơn cả tang thương của kiếp sống?” (tr. 26)
Khi những người cầm súng ngày đêm đương đầu với sống chết và kẻ thù để bảo vệ đất nước mà hoang mang như thế thì đó chắc chắn là dấu hiệu đen tối của đất nước. Và đúng như tác giả Ngô Thế Vinh nói “Từ ba mươi năm nay, đã và đang có quá nhiều anh-hùng-của-chiến-tranh trong khi lại quá thiếu vắng những chiến sĩ xã hội.” Sự thất bại của “Mặt Trận Ở Sài Gòn” có lẽ đã kéo theo sự thua cuộc của cuộc chiến nơi chiến trường. Nhưng chiến trường đó khốc liệt như thế nào dưới ngòi bút của Ngô Thế Vinh?
Chiến trường đẫm máu giữa hơi ấm tình người
Tốt nhất là người đọc nên nghe chính người lính Ngô Thế Vinh kể về một trận chiến khốc liệt mà Toán 81 Biệt Cách đánh vào một mật khu của quân đội CSVN trong lãnh thổ Miên để biết chiến trường đẫm máu như thế nào.
“Ngay từ phút vừa đặt chân xuống đất, hoạt động suốt 96 giờ của toán 81 là một thiên anh hùng ca rực rỡ. Một hỏa ngục cho những người trong cuộc còn sống sót. Chiếc tàu thả bị bắn ngay trên bãi phải vọt lên cao, vội vã mang theo một toán viên còn móc trên thang bị tử thương. Lẽ ra phải bốc toán trở về ngay sau đó, nhưng theo lời yêu cầu của trưởng toán, Bộ Chỉ Huy chấp nhận cho họ tiếp tục thi hành kế hoạch giao phó với năm người còn lại dưới bãi. Với sáu lần đụng địch nặng, họ vẫn phục kích hiệu quả một đoàn xe Molotova bốn chiếc và hủy diệt thêm một cỗ đại pháo. Họ đã hoạt động xuất thần và hoàn tất nhiệm vụ tốt đẹp trên cả sự mong ước. Nhưng họ đã gần như kiệt quệ ở giờ thứ 96 – toán chỉ còn lại có hai người, mất cả xác đồng bạn, chỉ còn lại một trưởng toán bị vết đạn xuyên bàn tay và một Trung sĩ bị thương nặng ở ngực. Họ vẫn cố tử thủ với súng cá nhân và chính là lựu đạn. Trong nhiều tiếng đồng hồ bị bao vây, mà địch quân quyết bắt sống, họ đã bẻ gãy ba đợt xung phong và gây tổn thất nặng về nhân mạng cho phía địch quân. Nhưng rồi họ cũng bị tràn ngập. Tiếng nói cuối cùng của họ trong máy là: -- Địch quân tràn lên quá đông… Và sau đó Bộ Chỉ Huy hoàn toàn mất liên lạc với toán.
“Điều hoàn toàn không may đã xảy ra với toán 81 lúc đó. Kế hoạch cứu toán đã không thể thực hiện được vì thời tiết xấu làm tê liệt mọi hoạt động của không lực. Và khí hậu chỉ bình thường trở lại hai ngày sau. Ở điều kiện có thể sớm nhất, mọi phương tiện được huy động cho cuộc cấp cứu. Để suốt 72 giờ nỗ lực tìm kiếm vô vọng trong khắp cả vùng hoạt động, sau những phối kiểm tin tức từ nhiều phía, Bộ Chỉ Huy đành đi tới kết luận: toán 81 được coi như hoàn toàn mất tích nếu không muốn nói là đã bị tiêu diệt một cách anh dũng. Để cứu vãn tình thế và cũng thể theo lời yêu cầu của Phòng Ba Trung tâm Hành quân xin được oanh kích tự do – với sự chấp thuận của Bộ Chỉ Huy. Chỉ có sáu tiếng đồng hồ sau, đã có ít nhất là bốn phi tuần B52 được sử dụng trên vùng, với hàng ngàn tấn bom để biến cả khu rừng thành biển lửa, đủ thiêu thành tro bụi xác những đồng bạn và nhất là hư vô hóa mọi tham vọng chiến thắng của địch quân.” (tr. 37, 38)
Chiến trận thì tàn bạo như vậy, chỉ có bạn và thù, mà bạn là người cùng chiến tuyến. Nếu không tiêu diệt kẻ thù nơi chiến trường thì người lính một là bị kẻ thù giết chết, hai là không biết mình có mặt ở đó để làm gì. Nhưng ở đời không có gì tuyệt đối cả. Mọi thứ trên cuộc đời này đều biến dịch không ngừng trong từng khoảnh khắc. Chiến trường cũng thế. Tâm trạng của người lính cũng không khác. Hận thù không phải lúc nào cũng vây bủa người lính cho dù đang ở giữa sa trường. Ngược lại, có khi người lính trong một phút giây định mệnh nào đó đã mềm lòng trước kẻ thù là một tù binh.
Tác giả Ngô Thế Vinh đã mô tả cảm xúc của ông nơi chiến trường khi gặp một tù binh:
“Gã tù binh còn rất trẻ, tuy ốm xanh xao nhưng khuôn mặt lanh lợi và ánh mắt thì say đắm. Hắn gợi cho tôi hình ảnh đứa em trai tử trận cũng trên vùng thảo nguyên này cách đây không bao lâu. Lòng tôi như sôi lên một tình cảm rất khó diễn tả: vừa giận dữ vừa xen lẫn thương cảm. Nhưng rồi cái khuôn mặt trẻ thơ ấy đã khiến lòng tôi nguôi ngay lại… Tôi cố dằn nỗi xúc động mạnh mẽ về cái chi tiết địa danh ấy, hắn là kẻ đồng hương với tôi. Đã có một sợi dây liên đới vô hình ràng buộc tôi xích gần lại với hắn. Không phải chỉ vì nhu cầu nguồn tin tức cần khai thác, mà thật giản dị tôi tự thấy có bổn phận phải cứu sống nó. Ánh mắt nó nhìn tôi tin cậy. Không còn vẻ sợ hãi, nó nói chuyện hỏi han huyên thuyên như một đứa trẻ.” (tr. 56)
Nhưng không may, người tù binh ấy đã chết ngay sau đó không phải vì vết thương mà vì sự sợ hãi bị “kích xúc” quá độ khi hắn nghe và nhìn thấy máy bay trực thăng sắp đáp xuống bãi để chở những người lính rời khỏi nơi đó. Tác giả Ngô Thế Vinh diễn tả tâm trạng của ông khi xác của người tù binh này bị bỏ rơi.
“Lúc này, riêng tôi thấy là nhẫn tâm khi phải bỏ xác hắn tại bãi. Khi tôi là người cuối cùng bước lên trực thăng, con tàu vội vã bốc vọt lên trên một nền trời ủ dột đang vần vũ kéo tới những đám mây bão. Nhìn xuống bãi, gã tù binh vẫn bất động nằm yên như im ngủ, phủ trên mình thay cho lá cờ chỉ là một chiếc võng xanh xao. Cũng đành để hắn ở lại với rừng núi quạnh hiu, và riêng mang theo trong tôi cái tình cảm day dứt khó tả. Phải chi còn đủ thời gian để đào xong một chiếc huyệt cho dù chỉ đủ vùi nông thân xác hắn.
“Gió lộng từ những cánh quạt trực thăng, tạt những cụm mây đầy hơi ẩm vào da mặt tôi buốt rát. Da thịt tê dại, cả tâm hồn cũng tê dại, gần như vô cảm, tôi không còn suy nghĩ hay phản ứng được gì.” (tr. 60)
Những dòng chữ trên, không những mô tả tấm lòng nhân ái đáng trân quý của một sĩ quan nơi chiến trường lửa đạn và hận thù tràn ngập, còn là những dòng văn chương diễm lệ tả cảnh và tả tâm lý nhân vật rất sâu sắc, rất truyền cảm.
Ngày đêm phải đối diện với kẻ thù, với bom đạn, với tình huống sự sống như ‘sợi chỉ treo mành’, người lính bị xô đẩy vào cuộc sống căng thẳng triền miên, trong chiến tranh và hậu chiến tranh. Đó là những di chứng, những Hậu Chấn Thương mà họ phải cưu mang cả đời.
Hậu Chấn Thương do chiến tranh
Trong Chương “Một Bức Tường Khác” của tác phẩm “Mặt Trận Ở Sài Gòn,” tác giả Ngô Thế Vinh kể chuyện về cuộc đời người cựu chiến binh Mỹ tên Jim đã từng tham chiến tại Việt Nam và những vết thương tâm lý do chiến tranh, đúng hơn là những Hậu Chấn Thương (Posttraumatic Stress Disorder – PTSD – Rối Loạn Căng Thẳng Hậu Chấn Thương) còn để lại trong người của Jim.
“Tên tuổi Jim cũng như của một số cựu chiến binh Việt Nam khác, quá quen thuộc với bác sĩ Phan và các nhân viên làm việc tại đây. Không biết lần thứ bao nhiêu, Jim lại đến khu Cấp cứu, tự nạp mình để được nhập viện. Jim 40 tuổi, người Mỹ da đen, là cựu chiến binh Việt Nam.” (tr. 90)
Rồi tác giả Ngô Thế Vinh kể tiếp về biểu hiện của Hậu Chấn Thương nơi người cựu chiến binh Jim.
“Đầy vẻ buồn bã nhưng đôi mắt nổi gân đỏ ấy ánh lên những tia nhìn kỳ lạ của cả sự hung tợn lẫn sợ hãi. Lần này Jim tỏ ra rất dao động. Hắn nói hắn hiện có dao găm tại nhà. Nhưng dự định ngày mai khi lãnh “check” hắn sẽ mua một khẩu súng bán tự động để giết dăm ba người hàng xóm lúc nào cũng tỏ vẻ khinh khi và rình rập nói xấu hắn. Rồi hắn lại đổi ý là muốn giết những người này bằng dao găm, là “tay nghề” của hắn trước đây giúp hắn giết rất nhiều Việt cộng, để thấy tụi nó phải đau đớn quằn quại “cho đã” trước khi chết.” (tr. 90, 91)
Và ở một đoạn khác, Ngô Thế Vinh mô tả tiếp các triệu chứng Hậu Chấn Thương nơi Jim.
“Tệ hại nhất là gần đây, đêm nào hắn cũng sống lại ác mộng cầm lưỡi lê giết Việt cộng. Quá mỏi mệt và vô vọng hắn thường ra khỏi nhà vào ban đêm tìm cơ hội đánh lộn để bị giết hay được giết người khác.
“Càng ngày càng cô độc, không chơi được với ai, không thích nghi được với đời sống gia đình, nghề nghiệp và xã hội. Jim đã thử rất nhiều “jobs” khác nhau và không giữ lâu được công việc nào. Hoặc do tính tình thất thường, rượu chè và hay đánh lộn. Càng buồn rầu chán nản hắn càng uống rượu để quên. Vẫn không thể nào quên được nên hắn muốn phải làm một cái gì đó, hoặc giết người hoặc tự vẫn. Rồi hắn sợ hãi với ý nghĩ xung động đó, hắn leo lên xe bus đến trại cấp cứu để nạp mình nhập viện.” (tr.96)
Chứng Hậu Chấn Thương do chiến tranh VN đã đưa đẩy người cựu chiến binh Jim vào ngỏ cụt của cuộc đời. Tác giả Ngô Thế Vinh đã kết thúc Chương “Một Bức Tường Khác” với những dòng chữ bi đát nhất dành cho thân phận người lính.
“Jim sống mà như đã chết. Hắn thực sự đã chết cách đây từ 22 năm, cùng với Giấc mơ Mỹ quốc, và cả giấc mơ rất nhỏ bé được trở thành thầy giáo, khi bước ra khỏi vũng bùn và máu của chiến tranh. Jim cũng như đa số những người cựu chiến binh Việt Nam được gọi là còn sống, nhưng họ giống như những mảnh bom đạn vương vãi, thực sự chưa thoát ra khỏi trận địa Việt Nam. Liệu có còn thêm một bức tường thương khóc nào khác ở Hoa Thịnh Đốn đủ dài để có thể ghi tên và vinh danh họ.” (tr. 97)
Chắc chắn là không, bởi vì ngay cả lúc họ còn sống cũng đã bị xã hội ruồng bỏ, bị lãng quên “chỉ vì họ bước ra từ một trận chiến đã không có được chiến thắng vinh quang hay nói trắng ra là trận chiến mà lần đầu tiên nước Mỹ đã bị thua,” theo Ngô Thế Vinh đã viết.
Một cuộc chiến khác
Người lính VNCH còn đối diện với một cuộc chiến khác khi họ được chính phủ Hoa Kỳ cho định cư theo diện vượt biên tị nạn hay Chương Trình Nhân Đạo (Humanitarian Operation – H.O.) dành cho các cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã bị tù hơn 3 năm dưới chế độ CS sau năm 1975.
Đó là cuộc xung đột văn hóa giữa hai thế hệ, già và trẻ, hay cụ thể hơn là thế hệ cha mẹ và con cái. Dĩ nhiên, đó là hiện tượng phổ quát trong các gia đình di dân đến Mỹ khi thế hệ thứ nhất mang theo họ bối cảnh của nền văn hóa quê nhà và một vốn liếng ngôn ngữ nghèo nàn đối với vùng đất mới. Trong khi thế hệ con cái của họ sinh ra và trưởng thành trong nền văn hóa mới, chúng có cách suy nghĩ và hành xử khác với thế hệ cha mẹ. Mâu thuẫn giữa hai thế hệ là điều không thể tránh.
Tuy nhiên, người lính VNCH còn có thêm một bối cảnh khác mang theo: cuộc chiến tranh Việt Nam mà họ là những người trực tiếp tham dự và những hệ lụy, những Hậu Chấn Thương còn dai dẳng níu kéo họ. Tác giả Ngô Thế Vinh đã cho người đọc thấy những hiện tượng của cuộc chiến mới này như sau.
“Những biến đổi dồn dập gần đây, nhất là ngay trong gia đình Chính khiến anh phải suy nghĩ. Những đứa con anh ngày càng trở nên độc lập và tách ra khỏi bố mẹ. Điều đáng nói là cách nhìn của tụi nó về đời sống và thời thế khác xa nếu không muốn nói là đối chọi với Chính. Sau kinh nghiệm của một chuyến về Việt Nam với sự không đồng ý của Chính, Toản đứa con trai lớn của Chính trở nên ít nói. Nếu có thì là tâm sự nhiều hơn với mẹ nó qua những phát triển tình cảm mới của nó với cô bạn gái nhà báo cũng từ Mỹ mà nó gặp khi cả hai đứa cùng lặn lội ngoài miền Trung. Vợ chàng cho biết có nhiều triển vọng cô gái Việt 100% nhưng lại không đọc được và viết thạo tiếng Việt ấy sẽ lại là con dâu tương lai của gia đình chàng.” (tr. 120)
Đó là chưa nói đến sự khác biệt trong lập trường chống Cộng của những người lính VNCH.
“Bản thân anh cũng nếm mùi tù cộng sản bốn năm. Thiếu thốn khổ cực bao nhiêu anh cũng chịu được, nhưng anh không thể nào sống chung với những con người giả dối độc ác, như là bản chất chứ không phải hiện tượng. Có phải vì thế mà Chính trở thành một con người chống cộng rất cực đoan, dưới mắt anh thì “bọn đỏ” đó là một lũ quỷ mất hết nhân tính không đáng được đối xử như con người mà phải tiêu diệt. Chính như người dùng chất Antabuse, chỉ chút hơi rượu không thôi, một chút gì dính dáng đến cộng sản cũng đủ gây lợm giọng nôn mửa, kinh tởm và cả tránh xa. Bằng cái ý nghĩ duy nhất đúng ấy, anh đã không tương nhượng ngay cả với những bạn bè không cùng suy nghĩ rập khuôn như anh. Chính không biết mình đã gây tổn thất cho cộng sản tới mức bao nhiêu, điều ấy anh không kiểm kê được, nhưng thiệt hại trước mắt là anh đã không ngần ngại hy sinh cả những người bạn lâu năm, đã từng là đồng nghiệp đã đi cùng chặn đường với anh ít ra là đã hơn 14 năm sống ở hải ngoại. Bình tâm mà xét, bạn anh vẫn là con người của nhân cách đánh kính trọng, yêu nước và suy nghĩ độc lập.” (tr. 122)
Tác giả Ngô Thế Vinh mô tả cuộc chiến này khác với cuộc chiến nơi những chiến trường đẫm máu tại Việt Nam năm xưa. Cuộc chiến ở Việt Nam mà người lính không tiết hy sinh đời trai của mình là để bảo vệ tổ quốc, để phụng sự cho lý tưởng tự do độc lập, để chống lại kẻ thù cộng sản bằng da bằng thịt. Cuộc chiến ở đây như Ngô Thế Vinh nói là “đã bị điều kiện hóa bởi thù hận và đắng cay như những kinh nghiệm bản thân tự bao nhiêu năm rồi.” Đó là cuộc chiến mà chiến trường thật sự nằm ngay trong con người, nằm ngay trong tâm con người. Để thắng cuộc chiến này, người lính cần phải tự chiến đấu và tự thắng để cho mình được tự do thật sự.
“Điều khá mỉa mai là tuy sống trên những xứ sở được mệnh danh là tự do nhưng thực ra Chính và các bạn anh lại có rất ít tự do để mà lựa chọn ngoài con đường đơn giản và thẳng băng đã tự vẽ ra trước mặt. Không bước trên con đường đó nữa, số phận dành cho ai đó cũng không khác với số phận của Văn và Thiện, nghĩa là đương nhiên sẽ bị hất về phía bên kia. Có thể Chính sẽ phải chịu những trận pháo cưởng tập nổ chụp lên đầu với rổn rảng những câu những chữ có thể làm vỡ tim anh: thành phần chao đảo, tên trở cờ, kẻ cơ hội hay là bọn cá sấu. Chính tự hỏi một con người như anh liệu có đủ hùng tâm để mà vượt qua đoạn đường chiến binh ấy hay không.”(tr.131, 132)
‘Giấc Mơ’ thay lời kết
Để kết thúc bài này, xin mượn lời của tác giả Ngô Thế Vinh mô tả hai “Giấc Mơ” của hai thế hệ, Chính và người con ở Mỹ.
Giấc mơ của người con tên Toản là: “Toản tâm niệm sẽ không phải Brand hay một bác sĩ ngoại quốc nào khác mà là chính Toản và các bạn sẽ là thành viên của Chiến dịch Phục hồi Hy vọng – Mission Restore Hope. Toản mơ một giấc mơ năm 2000, bệnh Hansen không còn là vấn đề y tế nơi quê nhà.” (tr. 136)
Trong khi đó, giấc mơ của Chính là: “Trong kiếp sống lưu dân, chưa làm được gì trực tiếp cho quê hương nhưng Chính vẫn có thể mơ một Giấc Mộng Con Năm 2000. Trải qua bao nhiêu hội nghị, Chính có cảm tưởng anh và các bạn vẫn như những người không nhà cho dù các nơi tạm trú đều là những đệ nhất khách sạn không dưới bốn sao. Chuyến đi thực tế này, dự định rằng là bước khởi đầu vận động hình thành không phải chỉ là một mái nhà cho Hội Y Sĩ, mà bao quát hơn là một “convention cener,” một tòa Nhà Văn hóa, một Viện Bảo tàng, một Công viên Việt Nam. Đó phải là một công trình biểu tượng có tầm vóc, sẽ được thực hiện ưu tiên qua từng giai đoạn.” (tr. 145)
Nhưng rồi, “Chỉ qua một vài bước thăm dò Chính cảm nhận được ngay rằng quả là dễ dàng để đồng ý với nhau khỏi phải làm gì nhưng vấn đề bỗng trở nên phức tạp hơn nhiều khi bước vào một dự án cụ thể đòi hỏi sự tham gia và đóng góp của mỗi người kéo theo bao nhiêu câu hỏi “tại sao và bởi vì” từ ngay những người bạn tưởng là đã rất thân thiết của anh đã cùng đi với nhau suốt một chặng đường.” (tr. 147)
Tôi gấp lại cuốn sách “Mặt Trận Ở Sài Gòn” của tác giả Ngô Thế Vinh với giấc mơ còn dang dở của nhân vật trong sách hay cũng có thể là của chính tác giả.
Điều làm tôi không thể buông xuống được sau khi đọc xong cuốn sách là suy nghĩ về thân phận của người lính Việt Nam Cộng Hòa. Họ đã hiến dâng tuổi thanh xuân hoa mộng cho đất nước. Họ đã chịu biết bao đau thương mất mát, kể cả tính mạng hay một phần thân thể. Họ còn gánh chịu bao nhiêu khổ lụy do Hậu Chấn Thương của cuộc chiến gây ra trong quãng đời còn lại. Tưởng là họ bị gục ngã và không đứng dậy nổi. Nhưng, không! Họ đã đứng dậy và tiếp tục đi tới. Họ tiếp tục nuôi dưỡng những giấc mơ cho thế hệ mai sau và cho tương lai dân tộc.
Họ quả là những người lính đáng vinh danh.
Cảm ơn tác giả Ngô Thế Vinh.
HUỲNH KIM QUANG
[ VIỆT BÁO 16.10.2020 ]