Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

Dư âm cuộc chiến Việt Nam và tương lai ngành Y khoa Phục hồi

Dẫn Nhập: Đây là một bài viết cách đây đã 49 năm (tháng 9 năm 1972) từ QYV Letterman General Hospital Presidio San Francisco, theo yêu cầu của chủ nhiệm báo Bách Khoa Lê Ngộ Châu. 1972 là năm của Mùa Hè Đỏ Lửa trên khắp các mặt trận miền Nam Việt Nam. Bài viết về một chuyên ngành khá mới mẻ: Y Khoa Phục Hồi, được coi như Bước thứ ba của Y Khoa.

Người lính đã được cứu sống. Như một phép lạ. Bởi khi khiêng Anh ở rừng ra, đặt vào băng-ca đưa lên trực thăng tản thương về bệnh viện, không ai nghĩ là Anh có thể thoát chết.

Với những phương pháp cấp cứu hồi sinh tối tân của y khoa hiện đại, với đôi bàn tay khéo léo của người y sĩ giải phẫu, sự sống của anh đã được giành lại khỏi lưỡi hái thần chết. Anh đã bị thương quá nặng, vết mổ cùng khắp: đầu, ngực, bụng và tứ chi. Và người ta chỉ còn có thể giữ lại cho anh có một chân và một cánh tay “trái”. Chỉ một thời gian ngắn nằm ở khu hậu giải phẫu, với trụ sinh, dần dà các vết thương sẽ lành. Anh đã sống: điều đó chắc chắn. Tin đó đủ làm vợ con và chiến hữu anh vui mừng, y sĩ mổ cho anh kiêu hãnh. Nhưng lại có những vấn đề khác nảy sinh ra sau đó: anh ta sẽ sống phần còn lại của đời mình như thế nào? Với những thương tật và mức độ tàn phá như thế. Từ một con người mạnh mẽ, kiêu hãnh và độc lập, bỗng chốc anh như một đứa trẻ -- tệ hơn thế nữa, anh sống với từng chút bấu víu, ký sinh và lây lất. Điều này khiến anh bi quan và chán nản, mặc cảm vô dụng và bị bỏ rơi khiến anh bực bội. Anh đâm ra thù hận người đã cứu sống anh -- lẽ ra anh phải mang ơn, bất bình vô lý với cả những người thân chung quanh. Tính khí anh trở nên bất thường, hoặc mỏi mệt chán chường, hoặc ồn ào nổi loạn phản kháng. Rồi thức tỉnh trở lại với chính mình, anh tự thấy sự sống như vậy còn tệ hại hơn cả chết. Ý nghĩa cái chết không còn là một chọn lựa, mà trở thành một ám ảnh thường trực, không thể tránh. Để rồi có lúc anh cho đó như một lối nhẹ nhàng giải thoát...

Trường hợp của anh là một điển hình của muôn ngàn những hoàn cảnh, ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau đang diễn ra ngày đêm ở Việt Nam.

Bây giờ cứ tạm đặt ra ngoài khía cạnh chánh trị và xã hội mà chỉ giới hạn vấn đề trong lãnh vực Y khoa, thì người ta cũng đã thấy rằng “sự sống” và cả “cái chết” của người lính kia vẫn nằm trong phạm vi trách nhiệm của y sĩ.

Đã tới lúc có sự thay đổi về quan niệm cho rằng bổn phận của y sĩ chấm dứt sau khi đã thành công trong công việc cứu sống bệnh nhân.

Cuộc giải phẫu hoàn tất, người lính được đưa ra từ phòng mổ. Anh đúng là một người mới “trở về từ cõi chết” với đủ mọi thương tật về thể chất cũng như tâm lý. Sự sống của anh bây giờ quả đặt ra nhiều vấn đề mới cho y sĩ. Đó là làm thế nào để giúp anh sớm rời khỏi giường bệnh, có thể trở lại đời sống xã hội với khả năng hữu dụng.

Bởi đối tượng của Y khoa tiến bộ hiện giờ không phải chỉ là một cố gắng “Cộng thêm năm tháng kéo dài cho đời người mà còn là một nỗ lực đem lại sự sống sinh động cho năm tháng”. (Not only to add years to life, but also to add life to years) (1 )

“Đem lại sự sống cho năm tháng” đó chính là châm ngôn và cũng là mục đích của ngành «Y khoa Phục hồi», một lãnh vực tương đối mới mẻ và càng trở nên quan trọng trong đời sống y khoa. Tại các nước tân tiến, nó đang có khuynh hướng trở thành một ngành chuyên biệt như các bộ môn chuyên khoa khác.

Vậy một định nghĩa rộng rãi của “Y-khoa phục hồi” là gì? (2 ) Đó là một nỗ lực sáng tạo giúp cho những bịnh nhân thuộc đủ loại thương tật tận dụng được những khả năng còn lại (về thể chất, tinh thần, kinh tế và xã hội) để tự giúp mình trở thành hữu dụng, gia nhập trở lại sinh hoạt cộng đồng xã hội, có lao động và sản xuất, sống hạnh phúc và có lại những cơ hội tiến bộ đồng đều với mọi người khác.

Phục hồi một người bệnh, quan niệm này thật ra không có vẻ gì là mới mẻ trên lý thuyết nhưng đó lại chính là một ngành y khoa rất trẻ trung, đang phát triển phong phú và mạnh mẽ tại các trung tâm y khoa tối tân và hợp tác hữu hiệu với các khu chuyên khoa khác (nội khoa, nhi khoa, thần kinh, giải phẫu thần kinh chỉnh trực, bổ hình / tái tạo...)

Bởi y học dù tiến bộ nhưng chẳng phải là vạn năng. Khi mà y khoa chưa tìm được cách chữa trị thành công dứt khoát với nhiều căn bệnh (xuất huyết óc, nghẽn mạch tim, các chứng phong thấp, tê bại kinh niên...) thì người ta vẫn phải tìm đến với những công thức của vật lý trị liệu và y khoa phục hồi, giúp cho người bệnh biết sống tạm đủ trong giới hạn thương tật của họ cùng tận dụng tối đa những tiềm lực còn lại.

Chẳng hạn với trường hợp bị nghẽn mạch tim, các chuyên viên y khoa phục hồi của Đại học Minne­sota đã nghiên cứu cách để bệnh nhân có thể ngồi dậy và tìm ra một số công việc hoạt động nhẹ thích nghi cho loại người này. Với các bệnh nhân bán thân bất toại tại Mayo clinic, họ được các điều dưỡng viên phục hồi tập luyện cho cách làm thế nào để có thể tự mình ra khỏi giường bệnh và tự bước xuống xe tay.

Nói tới “phục hồi người bệnh” là nói tới công việc của cả một “nhóm/ toán”. Lấy ví dụ điển hình về lối làm việc theo “teamwork” này tại bệnh viện Letterman, đối với trường hợp một bé gái V.N. 8 tuổi, bị tê liệt từ năm đầu tiên mới sanh, sống trong một gia đình đông con và nghèo, cha mẹ em quan niệm rằng chẳng thể làm gì hơn được, nên trong suốt 8 năm không ai làm gì cho bé Lan, kể cả những chăm sóc đồng đều như những trẻ khác. Em bị lạc lõng bỏ rơi giữa một gia đình đông đảo 8 anh em. Chẳng may cách đây một năm Ba em lại bị tử trận trong cuộc hành quân Hạ Lào: bé Lan được đem cho một người chị của ba em và theo gia đình mới này sang Hoa Kỳ. Do ý kiến nhiều người, tại đây em được gửi tới khu Nhi khoa Letterman với một tình trạng thật bi quan, hoàn toàn tê liệt, cử động chỉ có thể là lăn và bò, trông em nhỏ hơn một đứa trẻ 4 tuổi — tệ hơn nữa—không cả răng tóc và gần như câm lãng / điếc...

Em là một trường hợp bệnh lý quá hiếm hoi và được đem ra trình bày trước các y sĩ thuộc các ngành chuyên khoa. Thảo luận, cân nhắc, gần như ai cũng đồng ý là tình trạng hiện thời của em là hậu quả của sự bỏ phí 8 năm, trong khi thực ra ở chính em còn nhiều dấu hiệu của tiềm năng phục hồi”. Với sự hợp tác của y sĩ các ngành mà vai trò chính là y sĩ chuyên khoa phục hồi (3 ), một chương trình trị liệu nhiều giai đoạn được thiết lập sau đó. Đại cương: em sẽ được tăng tiến sức khỏe tổng quát bằng một thay đổi chế độ dinh dưỡng thích nghi (Nhi khoa). Vì em có thêm bệnh ở xương hàm, em sẽ phải qua một cuộc giải phẫu răng miệng (Nha khoa). Tình trạng câm lãng / điếc của em trắc nghiệm nhiều lần (thần kinh tâm lý, chuyên viên ngôn ngữ). Nhưng giai đoạn chính của em vẫn là ở khu Y khoa phục hồi. Tại đây, một lần nữa trường hợp em lại được đưa ra thảo luận đặc biệt giữa y sĩ và toán chuyên viên phục hồi. Mỗi người được phân phối trách nhiệm và một thời khóa biểu huấn luyện chi tiết từng tuần được dành cho em...

Không phải là không có những khó khăn nhưng rồi với thời gian kiên nhẫn, cuộc đời bé Lan đã bước vào một khúc quanh mới: răng em dần mọc trở lại, tóc em bắt đầu xanh, em đã bập bẹ nói được, tay đã có thể cầm níu đồ chơi, và bằng đôi giày chỉnh trực đặc biệt, với những bắp thịt còn lại được tập luyện, em đã có thể đứng trở lại trên hai chân và tập tễnh bước đi nạng... Đầu năm tới, em sẽ được gửi tới trường học. Người dưỡng mẫu đã kiêu hãnh phát biểu về tương lai em như thế. Phải chứng kiến những giai đoạn luyện tập, ở bệnh viện cũng như tại gia đình, mới thấy rằng nếu chỉ có mình người y-sĩ, mọi sự sẽ bị giới hạn và chẳng thể làm gì được nhiều. Đó là thành quả của cả một “ê-kíp” chuyên viên.

Một nhận xét thứ hai từ trường hợp bé Lan là đã có sự tiến bộ trong nội dung hai chữ « phục hồi» theo thời gian năm tháng. Bởi “trước kia, quan niệm chỉ giới hạn trong việc phục hồi chức năng riêng lẻ của mỗi bộ phận bệnh hoạn hay thương tật, nhưng rồi kinh nghiệm cho thấy, không phải chỉ có từng phần mà là toàn thể con người bị tác động, thể chất sinh lý cũng như tâm lý xã hội... » (4 )

Kinh nghiệm này càng rõ ràng hơn khi chính “y sĩ là con bệnh” (5 ) họ thấy thấm thía hơn ai hết rằng đó là một sụp đổ hoàn toàn, khi mà chính con người của họ phải đương đầu với một căn bệnh hay thương tật hiểm nghèo. Rằng không phải chỉ có “chứng bệnh” mà là “con người bệnh” cần tới một chăm sóc chu đáo và “phục hồi toàn thể”. “Not specific disease approach, but the wholeman approach.

Bây giờ trở lại với trường hợp người lính “về từ cõi chết kia”. Để có thể tái nhập đời sống, anh đúng là một con cá vượt vũ môn. Ra khỏi phòng mổ anh mới chỉ qua được ghềnh thác thứ nhất. Kể từ những ngày đầu tiên được đưa về nằm ởkhu “Hậu giải phẫu” anh đã là đối tượng săn sóc chính của y sĩ chuyên khoa phục hồi.

Trước tiên sẽ có một đánh giá sơ khởi trên toàn thể về mức độ thương tật của anh (cả thể chất, tâm lý). Đó sẽ là một ước định khá chính xác về tiềm năng phục hồi (rehabilitation potential) đề rồi theo đấy có thể phác họa một chương trình phục hồi cho anh như sau:

-  Đầu tiên, sẽ rũ bỏ cho anh những tuyệt vọng chán nản, tạo một không khí lạc quan và tin cậy xung quanh (y sĩ điều trị, cán bộ xã hội...)

- Giải tỏa mặc cảm bằng cách giúp anh giảm dần sự lệ thuộc trong những nhu cầu sinh lý hàng ngày: ăn uống, tắm rửa, vệ sinh (cán bộ điều dưỡng).

- Duy trì sức mạnh các bộ phận còn lại, tăng tiến và phục hồi các cơ năng thương tật (các khớp, thần kinh và bắp thịt) bằng những luyện tập sơ khởi (cán bộ phục hồi).

- Cùng với những bước thăng tiến về thể chất, trắc nghiệm khả năng để dần dà đưa anh vào một chương trình sinh hoạt trở lại thích nghi với tình trạng mới (cán bộ phục hồi và huấn nghệ).

Vắn tắt thì như vậy, nhưng đó là cả một nỗ lực sáng tạo công phu luôn luôn đòi hỏi sự linh động và thay đổi để sẵn sàng đáp ứng với những biến chuyển mới. Chính người y sĩ chuyên khoa phục hồi phải tiên liệu và giải quyết mỗi khó khăn đưa tới, bất cứ là bên ngoài hay từ ngay trung tâm. Chẳng hạn, vừa trải qua một trận đánh quá kinh hoàng khiến tinh thần anh lính bị khủng hoảng, phải có một y sĩ thần kinh tâm lý giúp anh vượt qua căn nguyên “thần kinh chiến trận/ PTSD” này. Những vết thương làm anh suy yếu bệnh sốt rét rừng kinh niên lại tái phát hành hạ khiến lá lách anh bị sưng, người y sĩ nội khoa lại được gọi đến. Tới giai đoạn sắp có thể rời cặp nạng thì mấu chân còn lại của anh luôn luôn đau nhức, không thể chịu được chiếc cẳng chân giả: anh được giữ lại phòng mổ để trải qua một cuộc giải phẫu chỉnh trực ... Chưa kể bao nhiêu những trở ngại hàng ngày tại khu phục hồi,  chẳng hạn anh có thể trở nên bất hợp tác và chống đối với cán bộ và chương trình luyện tập vì yếu đuối và thiếu kiên nhẫn: bằng mọi cách y sĩ và toán chuyên viên phải đem lại cho anh sự kiên nhẫn ấy. Và tới bao giờ thì nhiệm vụ phục hồi được coi như chấm dứt? Có thể đó là lúc mà anh đã đi lại được vững vàng trên hai chân, cánh tay “trái” của anh được huấn luyện sử dụng khéo léo, vốn là một thợ sửa xe hơi lành nghề, tình trạng anh không còn thích nghi với nghề này nhưng bù lại khi trắc nghiệm, chuyên viên huấn nghệ thấy anh có khiếu về mỹ thuật, hội họa, anh có hoa tay viết chữ đẹp, dù là tay “trái”, anh được giới thiệu vào làm ở một hãng vẽ quảng cáo... Anh trở lại mái gia đình vợ con với tự tin, anh bước vào cộng đồng xã hội với khả năng hữu dụng và niềm kiêu hãnh. Ngày tháng cuộc đời anh lại trở nên có ý nghĩa và tương lai lại mở ra trước mắt anh như một vận hội mới.

Bây giờ mới đích thật Y-khoa đã cứu sống anh. “Sự sống” với đầy đủ tất cả ý nghĩa của danh từ. Chỉ lúc đó “dưới mắt quần chúng, Y-sĩ không còn là thuần túy một nhà khoa học, xem con bệnh như một đơn vị sinh vật khách quan, mà là một cái nhìn nhân bản” (6 ) và “Y-khoa đã trở thành một khoa học xã hội” (7 ).

Trở lại hoàn cảnh của Việt Nam, cũng với quan niệm về một nền Y khoa tiến bộ nói trên, đặc biệt là ngành “Y khoa Phục hồi”, chỗ đứng của nó ra sao trong hiện tại và đâu là những dự phóng tương lai đề đương đầu với “dư âm” của cuộc chiến?

Ở một quốc gia không chiến tranh, đối tượng của những trung tâm phục hồi tối tân là những bệnh nhân thương tật vì tai nạn hay bệnh hoạn. Mặc dù con số này không nhỏ ở Việt Nam nhưng chúng ta cũng tạm xếp ra ngoài phạm vi bài viết. Nếu chỉ kể tới số những “chiến nạn” không thôi, do ảnh hưởng trực tiếp của các trận đánh khốc liệt diễn ra hàng ngày -- dù chưa có một thống kê đích xác, nhưng chắc chắn là khủng khiếp. Không phải là quá đáng nếu cứ cho một tỉ lệ là 3 chiến thương trên 1 tử thương (tỉ lệ 3/1 này chắc chắn vẫn làm nhăn mặt các y sĩ tiền tuyến), chỉ việc nhân ba con số tử vong trên báo chí (!) Chúng ta không thể ngờ rằng đã có một tỉ lệ tật nguyền -- mà đa số là tuổi trẻ, thanh niên -- cao đến thế so với toàn thể dân số.

Sau khi “giã từ vũ khí”, rời khỏi bệnh viện, ngoài số tiền hưởng trợ cấp theo mức độ tàn phế mỗi tháng, những người này hiện đang sống ra sao ? Liệu có bao nhiêu người được cứu sống và phục hồi thành công như người lính may mắn kể trên ?

Chắc chắn là rất ít. Câu trả lời nằm ngay trong sự chênh lệch quá lớn giữa “cung” và “cầu” của thực tế. Mặc dầu trên hình thức chúng ta đã có phòng vật lý trị liệu ở các bịnh viện lớn, trung tâm hồi lực ởcác quân y viện và cao hơn nữa là các bệnh viện tê liệt, viện quốc gia phục hồi... Nhưng với nhân sự và phương tiện hiện hữu, đó không phải là một “đáp số” cho nhu cầu “phục hồi” lớn lao hiện tại. Và hậu quả như ta đã thấy, họ vẫn phải sống “bên lề” xã hội và là nguồn bất an thường trực cho đời sống cộng đồng. Như vậy sẽ không còn là khó hiểu để phải hỏi tại sao có những trường hợp chống đối liều mạng của một số bịnh nhân trong bệnh viện tê liệt, hay rộng lớn hơn là cả một “hiện tượng vùng dậy” của đông đảo anh em thương phế binh gần đây. Dĩ nhiên có thể giải thích những hiện tượng đó bằng những hoàn cảnh kinh tế và xã hội phức tạp nhưng rồi cũng phải kể đến trách nhiệm thiếu sót của ngành “Y khoa Phục hồi” trong tình cảnh bị tràn ngập như hiện tại.

Trải qua bao nhiêu những biến chuyển lớn lao, nền Y tế Việt Nam đã tỏ ra có khả năng đáp ứng được những nhu cầu cấp thời của chiến trường, nhưng đồng thời cũng đã để lại những vấn đề dài hạn cần giải quyết: việc phục hồi hữu hiệu cho hàng triệu người thương tật -- đa số còn trẻ tuổi trên toàn quốc. Thực ra đây phải là một công trình quy mô của quốc gia, chiếm một chương quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế hậu chiến, đòi hỏi sự giúp sức và đóng góp của nhiều Bộ, nhiều ngành công cộng cũng như dân chính -- mà riêng Y-khoa là bộ môn có trách nhiệm điều hành trực tiếp về nhân sự kỹ thuật chuyên môn. Nó phải được đặt vào mức độ ưu tiên một vì quan niệm nhân bản và tính cách xã hội. “Đó cũng là một công cuộc đầu tư có giá trị lớn lao nhất : Sự duy trì và bảo toàn nguồn nhân lực” (8 ).

Thử nhìn vào một nước giàu có như Hoa kỳ, không có chiến tranh trên lãnh thổ, với sẵn nhiều Trung tâm Phục hồi tối tân, tất cả chỉ để cung ứng nhu cầu phục hồi cho các bệnh nhân và thường nạn (tai nạn lưu thông, thể thao...) Vậy mà họ vẫn than phiền điều mà Krusen gọi là “Rehabilition Gap”, đó là sự thiếu thốn về nhân sự: Y sĩ và chuyên viên phục hồi có khả năng, thiếu phương tiện trang bị và tài chính... (9 ) Đó là thực trạng chứ không phải điều hài hước.

Dĩ nhiên, trong hoàn cảnh của Việt Nam, chúng ta không thể, và cũng không cần đòi hỏi những phương tiện quá đáng như một “xa xỉ” về nhân sự cũng như về trang bị, rằng phải có những toán chuyên viên bao nhiêu người để săn sóc một bệnh nhân.

Nhưng bằng những “phương-thức-nghèo” chúng ta vẫn có thể thiết lập và phát triển thêm những Trung tâm Phục hồi, hoạt động được hữu hiệu với những trang bị dụng cụ thiết yếu, với y sĩ và toán chuyên viên có lương tâm và khả năng.

Tuy gọi là “phương-thức-nghèo” nhưng không phải là không đòi hỏi một nguồn tài chánh phong phú dài hạn khi kế hoạch được áp dụng trên một quy mô quốc gia.

Đề cập tới vấn đề tài chánh, người viết không thể không nghĩ tới việc sử dụng một số tiền khổng lồ do những đóng góp của người lính, Quỹ Tiết kiệm quân đội. Phải chi một phần số tiền này được đầu tư vào công tác phục hồi cho hàng triệu người lính hữu công tàn phế, chứ không phải để mở thêm những ngân hàng hay đổ dốc vào những công ty quốc doanh.

Có nguồn tài chánh rồi, vấn đề nhân sự sẽ được giải quyết bằng một kế hoạch huấn luyện đặc biệt và sự phối trí hợp lý các chuyên viên.

Đến lúc đó, nền Y khoa Việt Nam lại tiến thêm một chặng đường dài, mà trong đó vai trò đa hiệu của người y sĩ phục hồi là có khả năng gây cảm hứng và niềm tin cho những người tàn phế, giúp cho họ thấy rằng “với kiên nhẫn và can đảm, họ vẫn có thể biến những sở đoản của tật nguyền trở thành sở trường ở lãnh vực khác”.

Đó chính là giai đoạn thứ ba trong quá trình liên tục săn sóc người bệnh của Y khoa -- sau Y khoa Phòng ngừa và Y khoa Điều trị. Và “Y khoa Phục hồi, sẽ trở thành một nhịp cầu chấm dứt sự chia lìa giữa giới hạn của khả năng và vô dụng, giữa niềm tin và thất vọng, giữa sầu thảm và hạnh phúc.”

NGÔ THẾ VINH

San Francisco 9/1972

1 Krusen F.H., Concepts in Rehabilitation of the Handicapped, WB SAUNDERS Co, 1964.

2 Rehabilitation: Latin, Habil: khả năng, có khả năng trở lại.

3 Physiatrist: y sĩ sử dụng phương pháp vật lý trị liệu. Thực ra vai trò y sĩ phục hồi còn đa hiệu và phong phú hơn thế nữa.

4 Britannica book of the year (1946)

5 When Doctors are patients (Pinner and Miller N.Y. 1952).

6 Youmans J. B, Medical World News 1964

7 Allen, R.B, Medical education and the changing order, N.Y, the Commonwealth, Fund, 1946

8 Bernard Baruch.

9 Krusen FH. Concepts in R, of the Handicapped, WB Saunders 64.