Thứ Ba, 23 tháng 1, 2024

Ngô Thế Vinh: nhà văn, người lính, và trí thức đích thực

NGUYỄN VĂN TUẤN

"Hai tác phẩm đó viết về sinh mệnh của một dòng sông là mạch sống không chỉ của Việt Nam mà còn của hơn 70 triệu dân thuộc bảy quốc gia ven sông."

Đó là lời phát biểu như một tâm sự của tác giả Nhà văn, Bác sĩ Ngô Thế Vinh nhân dịp anh được trao giải thưởng Văn Việt vào Tháng Ba năm 2017. Hai tác phẩm mà anh đề cập đến là "Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng" và "Mekong - Dòng Sông Nghẽn Mạch". Đó cũng chính là hai tác phẩm làm nên tên tuổi của tác giả Ngô Thế Vinh. Ngày nay, trước những tranh chấp ở Biển Đông và ở những xung đột mới xảy ra ở Tây Nguyên, hai tác phẩm trên trở nên cần thiết hơn hết cho những ai muốn có một cái nhìn ngọn ngành và đằng sau những vấn đề thời sự đó.  

Hình 1: Sau 3 năm gián đoạn vì đại dịch, Nguyễn Văn Tuấn trở lại Mỹ. Từ Đại học Stanford, NVT xuống Nam California, mấy anh em có dịp gặp lại nhau, từ phải: GS Lê Xuân Khoa, Phạm Phan Long, Nguyễn Văn Tuấn, Ngô Minh Triết, Đinh Quang Anh Thái, Ngô Thế Vinh. [Laguna Beach,10/2023]

Tôi gọi tác giả Ngô Thế Vinh là 'Anh', vì tác giả là một người bạn vong niên mà tôi đã quen biết chừng 20 năm qua. Năm nào sang Hoa Kỳ công tác, tôi đều ghé thăm anh và bạn bè, và có những buổi trò chuyện về những chủ đề chung quanh các tác phẩm và bài viết của anh. Qua những trò chuyện như thế, tôi nghĩ anh Ngô Thế Vinh không chỉ là một nhà văn, một người lính, mà quan trọng hơn là một nhà trí thức. Dù là nhà văn, người lính, hay nhà trí thức, những ý tưởng của anh thường đi trước thời cuộc.

Năm nay, anh ấy đã ở vào cái tuổi 'cổ lai hy'. Anh sanh năm 1941 tại Thanh Hóa, nhưng nguyên quán Hà Nội, và lớn lên ở Sài Gòn. Tốt nghiệp bác sĩ từ Đại học Y Khoa Sài Gòn năm 1968, và làm y sĩ trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù trong quân đội VNCH. Sau 1975, anh bị giam tù 'cải tạo' hơn 3 năm. Sau khi được trả tự do, anh phục vụ tại Viện Quốc gia Phục hồi một thời gian, và từng có thời gian làm việc với ông Nguyễn Thiện Thành (thân phụ ông Nguyễn Thiện Nhân). Năm 1983, anh đi đoàn tụ gia đình và định cư ở Hoa Kỳ. Đến Hoa Kỳ, anh học lại và trở thành bác sĩ nội khoa và giáo sư kiêm nhiệm (Clinical Assistant Professor) của trường Y thuộc Đại học California tại Irvine (UCI). Ngoài nghề thầy thuốc, anh được biết đến nhiều qua những tác phẩm văn học trước và sau 1975 và những công trình biên khảo sau 1975.

Nhà văn

Anh có duyên với văn chương khá sớm. Ngay từ thời sinh viên y khoa, anh đã viết văn, và từng làm chủ bút báo sinh viên Tình Thương vào thập niên 1960s. Báo Tình Thương là diễn đàn trẻ nhưng đã giúp anh trở thành một cây bút thành danh với những tác phẩm nổi tiếng như Mây Bão (1963), Bóng Đêm (1964), Gió Mùa (1965), và đặc biệt là Vòng Đai Xanh (1970). Tác phẩm Vòng Đai Xanh (Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc 1971) là những quan sát của anh, lúc đó là một người lính VNCH, về xung đột giữa người Thượng và người Kinh. Từ những quan sát thực tế và suy nghiệm lịch sử, anh dự báo rằng người Thượng sẽ nổi dậy chống chánh quyền người Kinh. Những năm sau đó và ngay cả ngày nay cho thấy dự báo đó đã thành hiện thực. Anh là người đi trước thời cuộc.

Đọc các tác phẩm của Nhà văn Ngô Thế Vinh, người đọc sẽ thấy chất thời sự và thực tế bàng bạc trong từng trang giấy. Không có những câu chuyện diễm tình trong các tác phẩm của anh; thay vào đó là những suy tư dằn vặt về đất nước và con người. Trong truyện Nước Mắt của Đức Phật, tác giả viết rằng: "Trong 30 năm điều mà chúng tôi không tự biết - là mọi suy tư của mỗi người Việt đã được điều kiện hóa để họ không còn thấy nhau. Nói chuyện với một tù binh cộng sản Bắc Việt tôi đã không thể tưởng tượng rằng giữa người Việt nói tiếng mẹ đẻ nhưng chúng tôi đã không còn chung một ngôn ngữ." Câu văn ngắn đó thiết tưởng vẫn còn áp dụng cho đến ngày nay. Cuộc xung đột ý thức hệ giữa tự do và giáo điều đã tạo nên một cộng đồng dân tộc mà từ suy tư, hành vi đến ngôn ngữ của họ rất khác với người anh em bên kia chiến tuyến. Hai người anh em cùng nói tiếng Việt, nhưng là loại tiếng Việt khác phiên bản.

Đọc truyện của Ngô Thế Vinh, người đọc có thể cảm thấy như đọc những ký ức được lắp ghép lại thành một tác phẩm. Có lúc tác giả viết về vùng Đất Khổ, nhưng lại liên tưởng đến chuyện của 30 năm trước về nhân vật Kim Đồng của Tô Hoài, rồi ngay sau đó tác giả viết về một Sài Gòn đã mất tên vào năm 1981. Kim Đồng là tượng trưng cho giấc mơ cách mạng đẹp đẽ, nhưng 30 năm sau bao nhiêu thế hệ Kim Đồng nhân danh 'giấc mơ Việt Nam' cầm súng M16 hay AK tiêu diệt lẫn nhau.

Một cuộc xung đột ý thức khác cũng diễn ra trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Sau 1975, như chúng ta biết, có hàng triệu người Việt đã liều mạng bỏ nước ra đi, và một số đông đã được tiếp nhận định cư ở Mỹ. Một thế hệ mới hình thành trên đất Mỹ, và thế hệ mới có những cái nhìn về Việt Nam khác với cha ông họ. Họ tuy rất bất bình trước những bất bình đẳng ở Việt Nam, nhưng họ sẵn sàng bỏ thời gian về quê giúp đỡ đồng bào hơn là cái nhìn cứng nhắc, thậm chí 'một đi không trở lại' như thế hệ cha ông. Những cuộc xung đột trong gia đình xảy ra, như giữa nhân vật Bs Toản và thân phụ của anh về Việt Nam: anh nghĩ về tương lai bên quê nhà, còn cha anh thì cứ khắc khoải về quá khứ chiến tranh và chia rẽ. Tuy nhiên, truyện Giấc Mộng Con Năm 2000 có thể xem là một câu chuyện kết thúc có hậu, khi có những người y sĩ nghĩ đến những dự án văn hóa để ghi lại những thành tựu của một cuộc di dân vĩ đại.

Người lính

Ngô Thế Vinh là một người lính, từng có mặt ngay trong những mặt trận ác liệt thời thập niên 1970s. Chẳng hạn như trong tác phẩm Mặt trận ở Sài Gòn, Ngô Thế Vinh viết về những cuộc hành quân trên vùng rừng núi Cao Nguyên, qua Cam Bốt, về thành phố Sài Gòn. Những nơi họ đã đi qua để lại nhiều ký ức và những suy tư về thời cuộc và quê hương, về thân phận tuổi trẻ và tương lai.

Đọc tác phẩm của anh, độc giả sẽ hình dung ra những lần giáp trận với những người anh em bên kia chiến tuyến, những trận mưa bom đạn từ trên không, và những cái chết không toàn thân của biết bao người lính của cả hai bên chiến tuyến. Đó là những câu chuyện về những người lính khi ra trận thì gan dạ, can trường, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, nhưng sâu thẳm trong nội tâm thì đầy trăn trở về thời cuộc và giàu nhân văn tính. Ngay cả trong bộ đồ rằn ri xem ra dữ dằn, nhưng qua hành vi và cách nói thì họ chỉ là những thư sinh nho nhã, đôn hậu. Hay như người y tá trưởng được lưu dung sau 1975 trong Tổng Y Viện Cộng Hòa vẫn cần mẫn chăm sóc cho những người lính bên kia chiến tuyến để rồi cũng bị sa thải về quê và sống trong nghèo nàn, đau khổ.

Nhưng không chỉ là người lính ngoài chiến trận, anh còn có những cái nhìn của một nhà quan sát thời cuộc. Những xung đột giữa các học thuyết chánh trị ngoại lai dẫn đến những cái chết thảm cho hàng triệu người giúp cho thanh niên Việt Nam trưởng thành trước tuổi. Người lính đối diện trước hiểm nguy và cái chết trong giây phút, họ càng suy nghĩ về bản thân hơn. Tác giả Ngô Thế Vinh nhận xét rất đúng rằng: "Trong suốt chiều dài và rộng của lịch sử, tuổi trẻ Việt Nam đã được nuôi sống bằng những gieo trồng tang thương và nỗi chết. Tuổi đó không tính bằng tháng năm mà bằng những đổi thay không gian cùng với gót giày chiến binh của họ -- đã và đang còn dẫm nát từng ngọn cỏ xanh còn sót lại trên quê hương."

Trong truyện Nước Mắt của Đức Phật (viết ở thị trấn Krek, Cam Bốt 1971) tác giả viết về một lần hành quân sang Cam Bốt và ngay từ lúc đặt chân đến xứ Chùa Tháp đã gặp ngay những phản ứng kém thân thiện của người bản xứ. Qua lời nói của một nhà sư, tác giả muốn nói lên tình cảnh éo le của Cam Bốt: trở thành một đấu trường trong sự xung đột giữa hai phe người Việt, và tác giả tự hỏi "Trong cái mênh mang của cơn say lịch sử, có ai nghĩ được rằng cuộc chiến đang diễn ra giữa những người Việt lại có thể xóa nhòa một nền văn minh Angkor cổ kính."

Qua những tác phẩm như Mặt trận ở Sài Gòn, Ngô Thế Vinh cũng muốn gởi vài tâm tình của người lính từ chiến trận về nơi 'phồn hoa đô thị' như Sài Gòn. Tác giả viết mà như thuật lại rằng một nhóm lính biệt cách từ rừng núi Tây Nguyên về Sài Gòn, như là những kẻ về từ 'cõi chết'. Những người lính từ chiến trận mới về phải đối diện với những phong trào sinh viên biểu tình phản chiến, và bị giằng co một bên là lý tưởng xã hội và một bên là nhiệm vụ bảo vệ sự ổn định của xã hội. Người lính chợt nhận ra rằng họ không chỉ đối diện với cái chết trong rừng sâu núi thẳm, mà còn trực diện với một trận tuyến xã hội với quá nhiều bất công và thối nát. Đó là một "xã hội trên cao, lộng lẫy sáng choang và thản nhiên hạnh phúc" ở những người miệng thì kêu gào chiến tranh nhưng họ lại đứng ngoài cuộc chiến. Vậy thì người lính bảo vệ cái gì đây. Không lẽ bảo vệ "cho một con thuyền xã hội xa hoa ngao du trên dòng sông loang máu, nổi trôi đầy những xác chết đồng loại". Chiến trường của người lính bây giờ là ngay tại Sài Gòn này, nhưng họ là những chiến binh ngoài chiến trường, chớ không phải 'chiến sĩ xã hội'.  Tác phẩm này đã làm tác giả gặp rắc rối với chánh quyền VNCH lúc đó. Tòa án quân sự VNCH nhận định rằng truyện ngắn "có luận điệu phương hại trật tự công cộng và làm suy giảm kỷ luật, tinh thần chiến đấu quân đội".

Là người lính và cũng là nhà văn, Ngô Thế Vinh là một chứng nhân của chiến tranh, chứng nhân của "những bi kịch của một thời nhiễu nhương và lừa dối hào nhoáng". Anh đã chắt chiu những trải nghiệm thực tế trong chiến trận ở núi rừng Tây Nguyên và đúc kết lại thành những tác phẩm mang tính 'sử thuyết' hay một dạng historicity, hơn là tiểu thuyết. Thật vậy, nói là truyện ngắn, nhưng người đọc có thể cảm nhận được đó là những ghi chép bằng một ngòi bút điêu luyện miêu tả một cách sinh động những tình huống xảy ra, cùng những quan sát tinh tế. Truyện ngắn hay truyện dài của Ngô Thế Vinh chỉ là cái cớ hoặc là cái diễn đàn để cung cấp chứng từ. Các nhân vật trong truyện cũng có thể là chính tác giả hay được tác giả mượn để nêu lên những trăn trở cùng những suy tư khắc khoải trước chiến cuộc.

Một trí thức

Tôi nghĩ điều làm cho người đời sẽ nhớ đến Ngô Thế Vinh là tác phẩm Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng(xuất bản lần đầu năm 2000).  Tôi đã có dịp đọc và viết lời giới thiệu tác phẩm này từ hơn 15 năm trước. Đó là một công trình biên khảo mang tính sử thuyết, hơn là một tác phẩm văn học. Để hoàn thành tác phẩm này, anh đã dày công khảo sát sử liệu liên quan đến các đế chế vùng Đông Nam Á, về nguồn gốc con sông Mekong, và lồng các sử liệu đó trong bối cảnh hiện tại. Về bối cảnh hiện tại, anh cũng đã thực hiện nhiều chuyến đi thực địa (do anh tự túc) đến tận những con đập Trung Cộng đang xây dựng để chứng kiến tận mắt và thu thập thông tin, và những bức ảnh rất độc đáo mà tôi đoán anh phải bỏ nhiều công sức (và tiền bạc) để có được. Kết quả là một tác phẩm đồ sộ mà Văn Việt đã chọn để trao Giải Đặc Biệt.

Qua Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng, anh muốn gởi lời cảnh báo về tai họa môi sinh và những việc làm nguy hiểm của nhà cầm quyền Trung Cộng. Anh viết trong lời nói đầu, “Nếu như cuốn sách chuyên chở được một số nét khái quát và cập nhật về con sông Mekong, tạo được sự chú ý của người đọc tới sinh mệnh của một dòng sông lớn thứ 12 trên thế giới thì đó chính là mong ước của người viết”. Trong phần cuối của cuốn sách, anh cảnh báo: “Chỉ riêng với chuỗi những con đập bậc thềm Vân Nam khi hoàn tất dự trù sẽ ngăn không cho lũ đổ về nữa – tức khắc đó sẽ là một thảm họa cho Biển Hồ, sẽ như một trái tim thiếu máu phải ngưng đập và đồng thời tạo ra một chuỗi phản ứng suy thoái dây chuyền – chain reactions trên toàn hệ sinh thái sông Mekong, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long.” Anh tiên đoán rằng khi dòng sông Mekong bị nghẽn mạch là khi hàng trăm triệu dân cư thiếu nguồn sống, và họ sẽ trở thành các thế hệ tỵ nạn môi sinh.

Sau sự thành công của tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng, khi được hỏi điểm nào anh tâm đắc nhứt trong tác phẩm, anh cho biết rằng chương viết về trận hải chiến Hoàng Sa 1974 có một trích dẫn mà vẫn còn nguyên tính thời sự ngày nay. Đó là trích dẫn câu văn của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn:

"Một gương sáng lịch sử là mỗi khi thế nước suy hèn vì chia rẽ và nội loạn thì mỗi khi lân bang lấn cõi... Ngày nay vụ Hoàng Sa bị chiếm là triệu chứng cụ thể gây nên bởi sự bất hòa của dân ta... tuy rằng nhiều chứng xưa nay, trong ngoài bảo rằng đó là đất Việt."

Sau 7 năm gây tiếng vang với Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng, Nhà văn Ngô Thế Vinh xuất bản tác phẩm Mekong - Dòng Sông Nghẽn Mạch (2007). Đây cũng là một tác phẩm mang tính khảo cứu được viết dưới dạng ký sự. Trong tác phẩm Mekong - Dòng Sông Nghẽn Mạch, nhà văn là một người du khảo đi qua Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Cam Bốt (và dĩ nhiên là Việt Nam), anh quan sát tỉ mỉ về địa dư, thiên nhiên, tập quán, những truyện cổ tích, và trình bày nhiều sử liệu quý giá. Dựa vào những quan sát và thực chứng, tác giả dự báo một tương lai ảm đạm của sông Mekong:

“Trong một tương lai không xa, con sông Mekong – con sông Danube của Châu Á ấy, sẽ chỉ còn là một con sông chết, chỉ để sản xuất thủy điện, dùng làm thủy lộ giao thông và tệ hại hơn nữa là cống rãnh để đổ xuống các chất phế thải kỹ nghệ từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc.”

Dự báo đó, một lần nữa, đã và đang trở thành hiện thực. Bất cứ ai có dịp về thăm miền Tây Nam Bộ sẽ thấy những con sông chết. 'Chết' là vì hầu như tất cả những con sông nhỏ trong vùng trở thành bãi rác khổng lồ cho hóa chất trừ sâu và hậu quả là bị ô nhiễm trầm trọng. Ngày nay, báo chí trong nước đã nhiều lần lên tiếng rằng đó là 'những dòng sông chờ chết'. Thế nhưng người dân lại phải sống với những con sông này!

Những tác phẩm như Vòng Đai Xanh, Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng, Mekong - Dòng Sông Nghẽn Mạch là những yếu tố tri thức làm nên một nhà trí thức. 'Trí thức' ở đây phải hiểu theo khái niệm 'public intellectual', tức là  người làm cho xã hội lúc nào cũng thức tỉnh. Họ quan tâm đến và phát biểu những vấn đề ngoài chuyên môn của họ. Noam Chomsky là nhà ngôn ngữ học, Einstein là nhà vật lý học, nhưng họ quan tâm đến các vấn đề chánh trị - xã hội. Trí thức, từ bản chất, không bao giờ lấy lời xu nịnh để bợ đỡ nhà cầm quyền nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân. Bản chất của trí thức là hoài nghi lành mạnh, và họ nhìn đâu cũng thấy vấn đề. Họ không hài lòng với hiện tại và lúc nào cũng lo lắng và đưa ra những dự báo về tương lai. Bác sĩ Ngô Thế Vinh là một trí thức như thế, anh là người đi trước thời cuộc và lúc nào cũng làm cho xã hội thức tỉnh trước hiện tình của dòng sông đang nghẽn mạch.

Một tấm lòng cho quê nhà

Như đề cập trên, tôi có cơ duyên quen biết anh từ những 20 năm trước. Vì công việc nên năm nào tôi cũng đi công tác bên Mỹ, và lần nào cũng ghé thăm anh và nhóm bạn Cửu Long. Lần nào cũng có những trò chuyện dài và những ưu tư trước thời cuộc. Có lần chúng tôi ngồi cả nửa ngày trời ở một quán ven biển vùng Los Angeles. Hôm đó chúng tôi trò chuyện rất nhiều chuyện nhân tình thế thái, nhưng cuối cùng thì cũng quay về 'câu chuyện dòng sông' Cửu Long. Vậy đó, những người dân Việt dù sống ở đâu thì vẫn quan tâm đến quê nhà.

Anh là một người nho nhã, lịch sự, nói năng chừng mực. Nhưng đằng sau những biểu hiện đó là một đức tính kiên định và dứt khoát rất... Trung kỳ. Bằng một chất giọng Bắc kỳ có pha một chút Nam kỳ, anh nói năng nhỏ nhẹ, rành mạch, có đầu có đuôi. Chưa bao giờ tôi thấy anh lớn tiếng, dù trong tình huống rất dễ nổi nóng. Nếu có nhấn mạnh điều gì thì anh chỉ lên giọng một chút. Ngay cả những người chỉ trích tác phẩm của anh, những người cho rằng anh là 'cực đoan' trong cách nhìn về sông Cửu Long, anh cũng chỉ im lặng, mà không hề lên tiếng. Hình như ở anh có một triết lý làm việc 'đường ta, ta cứ đi', kiên trì hướng đi mà anh đã định trước: đấu tranh cho dòng sông Mekong.

Trái với những người không thể quên những năm tháng bị vùi dập trong trại cải tạo, tôi chưa hề thấy anh nhắc đến những năm tháng đau khổ đó, có lẽ anh muốn để nó vào một góc nào đó trong ký ức để tập trung nghiên cứu và viết về sông Mekong. Biết tôi quan tâm đến vấn đề chất da cam ở Việt Nam, anh [nói theo ngôn ngữ thời nay] 'bức xúc' kể lại chuyện anh làm thủ tục cho những cựu quân nhân Mỹ đi lãnh trợ cấp do bị phơi nhiễm chất da cam. (Anh làm việc trong một bệnh viện của cựu chiến binh, nên rất am hiểu vấn đề và quy định của Mỹ). Anh lên giọng nói tại sao lính Mỹ họ được hưởng quyền đó, còn hàng triệu người Việt Nam thì không, rồi anh đặt câu hỏi phải làm gì để gióng tiếng nói cho chính phủ Mỹ biết. Nhưng vấn đề này còn liên quan đến khoa học, vốn là một nhược điểm của phía Việt Nam.

Anh là người làm việc không mệt mỏi. Sau khi nghỉ hưu, anh dành thời gian để thu thập thông tin và viết về những văn nghệ sĩ và các nhà khoa học đã bị lãng quên ở trong nước. Kết quả là hai "Tuyển Tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hóa" (xuất bản năm 2017 và 2022) với sự dồi dào tư liệu mà thế hệ sau sẽ rất cần cho các nghiên cứu về các tác giả như Mặc Đỗ, Như Phong, Võ Phiến, Linh Bảo, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn-Xuân Hoàng, Hoàng Ngọc Biên, Đinh Cường, Nghiêu Đề, Nguyên Khai, Cao Xuân Huy, Phùng Nguyễn, Phạm Biểu Tâm và Phạm Hoàng Hộ, Nguyễn Tường Bách & Hứa Bảo Liên, Tạ Tỵ, Trần Ngọc Ninh, Lê Ngộ Châu, Nguyễn Văn Trung, Hoàng Tiến Bảo, Lê Ngọc Huệ, Nghiêm Sỹ Tuấn, Đoàn Văn Bá, Mai Chửng, Trần Hoài Thư & Ngọc Yến, Phan Nhật Nam, Dohamide (Đỗ Hải Minh), và John Steinbeck. Anh không chỉ phác họa chân dung của các tác giả mà còn đem lại cho độc giả một cái nhìn mới, một hiểu biết mới về họ. Tôi xem đó là những công trình khảo cứu hơn là chân dung văn nghệ sĩ. Những công trình như thế là một đóng góp quan trọng và có ý nghĩa vào công việc lâu dài nhằm gìn giữ những tinh hoa của văn học nghệ thuật miền Nam cho các thế hệ mai sau.

Anh rất quan tâm đến các văn nghệ sĩ trong nước. Trước đây, khi Nhà văn Sơn Nam bị gãy xương, anh liên lạc với bạn học cũ là GS Bác sĩ chấn thương chỉnh hình Võ Thành Phụng (đã qua đời) để hỏi thăm diễn biến bệnh của nhà văn. Khi Giáo sư Võ Tòng Xuân, người mà anh hay gọi là 'Doctor Rice', được điều trị bởi một người bạn cũ ở trong nước, GS Bác sĩ tim mạch Phạm Nguyễn Vinh, anh gởi email hỏi thăm, và đôi khi thảo luận về các biện pháp y khoa phòng ngừa. 

Hình 2: Ngô Thế Vinh và bạn đồng môn GSYK Võ Thành Phụng, chuyên khoa chấn thương chỉnh hình cùng tới thăm tác giả Hương Rừng Cà Mau, sau khi ông bị tai nạn gãy xương đùi, chính BS Võ Thành Phụng là người thực hiện cuộc phẫu thuật chỉnh hình thứ hai cho Bác Sơn Nam. Nhà Văn Sơn Nam cũng là độc giả cuốn CLCD BĐDS từ năm 2000, và Bác có gợi ý nên phổ biến rộng rãi cuốn sách này ở Việt Nam. [Photo by BS Võ Thành Phụng, 8.2006]

Không phải ngẫu nhiên mà anh viết trong bài diễn từ nhân dịp nhận giải Văn Việt rằng: "Là người cầm bút ở Miền Nam trước đây và hải ngoại sau này, sống sót giữa hai thế kỷ, đã trải nghiệm qua hai chế độ cùng những năm tháng tù đày, tôi không thể không chạnh lòng nghĩ tới những văn nghệ sĩ đang phải sống thiếu tự do ở quê nhà. Nhưng rồi tôi vẫn lạc quan để thấy rằng từ trong ngọn lửa đỏ thiêu rụi ấy, vẫn có những con phượng hoàng vực dậy từ tro than, cất cánh bay lên như một Bùi Ngọc Tấn với Chuyện Kể Năm 2000, đem tới cho chúng ta niềm hy vọng."

 

NGUYỄN VĂN TUẤN
Sydney, 23.11.2023
[Ngôn Ngữ Đặc Biệt Tháng 2.2024]



NGUYỄN VĂN TUẤN

Tác giả hiện là Giáo sư xuất sắc (Distinguished Professor) về y khoa của Đại học Công nghệ Sydney và Giáo sư kiêm nhiệm (Adjunct Professor) về Dịch tễ học của Đại học New South Wales, Úc. Ông được bầu vào Viện Hàn lâm Y học Úc và Hoàng gia Học viện New South Wales, và được Nữ hoàng
Elizabeth Đệ Nhị trao Huân chương Australia vì những đóng góp quan trọng cho nghiên cứu y khoa, phòng chống loãng xương và giáo dục đại học.