Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

Tình Thương còn lại

Trang Châu

Nguyệt San Tình Thương do Sinh Viên Y Khoa Chủ Trương: từ trái, Số báo đầu tiên, Số 18 với chủ đề Thanh Niên Hướng Về Nông Thôn, Số 24 Đặc Biệt về Đại Hàn với chủ đề Chiến Tranh và Hoà Bình.   

*

Xin nói ngay để tránh hiểu lầm. Tình Thương đây là tên tờ nguyệt san của sinh viên y khoa Sàigòn của những năm từ 1963 đến 1966. Còn lại là nêu tên vài cây bút từng viết cho tờ báo, một thời gây sóng gió này, hiện còn sống và tiếp tục viết. Sau 60 năm, nhân sự từng gắn bó với Tình Thương cũng hao hụt đi nhiều: Phạm Đình Vy - chủ nhiệm, Nguyễn Vĩnh Đức - chủ bút đầu tiên, Nghiêm Sỹ Tuấn, Bùi Thế Hoành, Trần Đoàn, Trần Xuân Dũng đã bỏ cuộc chơi. Còn lại Hà Ngọc Thuần ở Úc vẫn thấy hiện diện trên diễn đàn Sinh Viên Quân Y. Còn Liza Lê Thành Ý, Nguyễn Thanh Bình ở Montréal. Thỉnh thoảng vẫn thấy Liza trình bày bìa cho Tập San Y Sĩ Canada (TSYSC), còn Nguyễn Thanh Bình thì đều đặn ôm mục Tin Tức Mình cho TSYSC. Tiếp tục viết, gởi bài đăng báo, in sách, xem ra chỉ còn tôi và Ngô Thế Vinh.

Nhưng trong khi tôi, lúc thơ, lúc văn với đủ thứ đề tài, thì Ngô Thế Vinh, qua các tác phẩm, trước cũng như sau 1975, trước sau như một, vẫn là ‘’con chim báo bão, đi trước thời gian về một số biến cố bi thảm của dân tộc’’. Ngô Thế Vinh lúc nào cũng quan niệm: ‘’Người cầm bút, nếu không được là tiên tri, thì họ cũng phải là sức cản cắt xé những giấc mơ Việt Nam’’. Mặt khác, Ngô Thế Vinh luôn xác nhận: ‘’Chất thời sự và thực tế hiện diện rất nhiều trong các tiểu thuyết của tôi’’. Ngô Thế Vinh sống ở hiện tại nhưng luôn nhìn lại quá khứ, nhìn để lo lắng cho tương lai đất nước: ‘’Một tương lai không xa, Việt Nam, sau tấn thảm kịch tiền đồn của thế giới tự do, nay mai lại sắp được vinh danh là tiền đồn thứ hai để ngăn ngừa chủ nghĩa bành trướng của Trung Cộng.’’

Nói về tờ nguyệt san Tình Thương, Ngô Thế Vinh xác nhận nhân sự cộng tác với tờ báo có nhiều khuynh hướng khác nhau, đôi khi còn đối nghịch nhau nữa. Nguyễn Vĩnh Đức và Ngô Thế Vinh năng nổ trong sinh hoạt sinh viên. Phạm Đình Vy say sưa bàn chính trị. Hà Ngọc Thuần, Nghiêm Sỹ Tuấn cần cù trong nghiên cứu, dịch thuật. Đỗ Hữu Tước tập tễnh viết truyện ngắn. Còn tôi thì làm thơ, hầu hết là thơ tình. Cái loại thơ ngăn ngắn, pha chút tinh nghịch, đôi khi ngụy biện. Đại loại như:

- Nếu em muốn làm ngăn cách/ Cần gì phải một con đường/Hay một dòng sông/Cần gì phải một chấn song/Hay một bức thành/Em chỉ cần gõ cửa tim anh/Gọi tên một người... rất lạ.

- Nếu anh không được phép nhìn/Một người đàn bà nào khác hơn em/ Làm sao anh thấy em là người đẹp nhất?

Coi vậy mà loại thơ này có kết quả tốt, nó đem lại cho tờ báo một số độc giả trẻ trung: Các nữ sinh trung học Trưng Vương và Gia Long. Tôi được giao nhiệm vụ giữ mục thơ cho tờ báo.

Thế nhưng có một lần tôi không làm thơ mà viết văn, một bài tranh luận gay gắt. Số là có một tay viết trẻ, không phải sinh viên y khoa, sinh hoạt trong nhóm chương trình mùa hè thì phải, có bài đăng trên Tình Thương. Anh này coi tướng trẻ Nguyễn Cao Kỳ là thần tượng, một Nasser của Việt Nam. Anh viết bài công kích các tướng khác, xếp họ vào loại già, nên về hưu, nhường chỗ cho lớp tướng trẻ lãnh đạo đất nước. Tôi tức mình viết bài Tướng Trẻ, Tướng Già phản pháo lại bài viết kia. Bài viết có người trong ban điều hành không đồng ý sợ gây thêm chia rẽ. Thế nhưng Ngô Thế Vinh xác quyết chủ trương ‘’sinh hoạt dân chủ và đoàn kết trong tinh thần tự trị đại học của tập thể sinh viên y khoa” nên bài Tướng Trẻ,Tướng Già của tôi vẫn được đăng trên Tình Thương. Phía chống đối nghĩ tôi viết bài đó để bênh vực ông cụ tôi, thuộc loại tướng già. Về sau, có thêm dư luận cho rằng tôi công kích tướng Kỳ vì bị ông vớt mất người đẹp chiêu đãi viên hàng không Air Việt Nam mà tôi mới quen biết!

Cuối năm 1965 tôi ra trường, coi như hết có mặt thường xuyên ở tòa soạn Tình Thương. Đầu năm 1966, tôi tình nguyện về phục vụ  đơn vị quân y Dù. Ngô Thế Vinh lúc ấy còn là sinh viên, dưới tôi hai lớp. Vào giữa năm 1966 Huế dao động vì vụ Phật giáo đấu tranh và ở Sàigòn sinh viên xuống đường liên miên. Tiểu đoàn Dù mà tôi đang là y sĩ trưởng, bị neo giữ ở lại Tam Quan, Bồng Sơn ngót 3 tháng trời. Nằm trên một ngọn đồi nóng cháy đến bốc khói từ những khối đá, mở máy thu thanh ra là nghe oang oang tin sinh viên bãi khóa, xuống đường, tôi nổi điên, cay cú viết bài thơ Xin Một Ngày gởi về cho anh em ở tòa soạn Tình Thương.

- Mày nói anh em/ Ngưng một ngày đấu tranh/ Xin các thầy/ Đêm nay rằm/ Đình chỉ xuống đường/

Xin các Cha/ Sáng mai Chúa Nhật/ Đừng căng biểu ngữ/

...

-Mày nói mọi người/Hãy lừa dối tao/Đừng cho tao hay sự thật/ Tao sẽ chết đi/Nếu không đào ngũ/

Tôi không rõ chủ bút Ngô Thế Vinh lúc đó có tham gia vào cuộc đấu tranh của sinh viên hay không, nếu có, ở mức độ nào. Riêng với chủ nhiệm Phạm Đình Vy tôi tin là có, tôi biết anh tích cực đứng về phía Phật giáo. Nhưng chỉ vài năm sau, ra trường, chọn phục vụ Lực Lượng Đặc Biệt, Ngô Thế Vinh lại sống cảnh bực bội tôi đã từng sống trước đây, nhưng ở một vị thế khác: trực tiếp chống sinh viên biểu tình.  Anh không muốn thấy đơn vị tuyến đầu của mình “như một bầy thú hoang về thành, lạc lõng bơ vơ. Phải tập làm quen với mặt nạ, lưỡi lê, phương pháp cắt xén những cuộc biểu tình”.

Nhưng, tuy “bực bội vì những xáo trộn ở Sàigòn”, Ngô Thế Vinh vẫn có cái nhìn cảm thông về các cuộc xuống đường của sinh viên: “Không phải hoàn toàn vô lý khi họ bỏ cả sự học, hy sinh cả tương lai để dấn thân vào những cuộc đấu tranh”. Dưới mắt Ngô Thế Vinh, sinh viên hoạt động chính trị là vì họ “quan tâm đến vấn đề xã hội, mơ ước phấn đấu cho công bằng xã hội”.

Trong truyện ngắn Mặt Trận Ở Sàigòn, Ngô Thế Vinh có nhắc đến hội quán Phượng Hoàng ở Pleiku. Tôi có mặt ở hội quán đó một tối, sau mấy ngày theo tiểu đoàn Dù hành quân vùng thung lũng Ia Drang, lội giữa lòng con suối Ia Puk mà có đoạn nước chảy xiết như thác. Con suối, nước trong vắt, nhưng khi giày saut ngấm nước, các kẽ chân nổi ngứa và lở loét sau đó. Cuộc hành quân này là cuộc hành quân duy nhất đơn vị tôi không chạm địch, nhưng bị tê liệt sau đó một thời gian với cả trăm trường hợp bị sốt rét. Cái đêm tôi có mặt ở hội quán Phượng Hoàng lưu lại ở lòng tôi một kỷ niệm. Đêm đó đám quân nhân Dù chiếm hơn phân nửa số khách tham dự. Ồn ào nhưng khôn g có phá phách. Chỉ có sàn nhảy, đó đây, lấm vết bùn do đế những đôi giày saut để lại. Đêm đó tôi không sống tâm trạng khủng hoảng tâm thần như nhân vật của Ngô Thế Vinh trong truyện: “Làm sao quên đi những ám ảnh của sợ hãi và nỗi chết. Cái hình ảnh kinh hoàng của chiến địa, hôi thối nồng nặc, chồng chất những tử thi hai bên.”

Ở hội quán Phượng Hoàng, ngồi cạnh tôi đêm đó là một vũ nữ, dáng dấp trẻ trung. Nhìn bảng tên của tôi, bất ngờ nàng hỏi:

- Bác sĩ Châu có phải là Trang Châu báo Tình Thương không?

Tôi ngạc nhiên gật đầu.

- Em có đọc thơ của bác sĩ.

Tối hôm đó, với chiếc Jeep của một đồng nghiệp ở quân y viện ưu ái dành cho sử dụng, tôi lái xe đưa cô vũ nữ đi tìm khách sạn để qua đêm với nhau. Nhưng cả 3 khách sạn đều từ chối, nói hết chỗ. Quá 2 giờ sáng, tôi đành đưa cô về nhà cô, một ngôi nhà đông người ở. Tôi qua đêm một mình trên tấm phản nhỏ. Lạ một điều, mỗi lần nhớ tới kỷ niệm với cô vũ nữ tôi cảm thấy vui. Như nó thể hiện một niềm an ủi, một thứ ân tình hậu phương hiếm hoi làm ấm lòng người tiền tuyến.

Như những y sĩ tình nguyện khác chọn phục vụ những đơn vị luôn ở tuyến đầu, Ngô Thế Vinh không muốn làm người hùng, anh chỉ khiêm tốn “làm bổn phận của một y sĩ tiền tuyến”. Khoác áo lính nhưng Ngô Thế Vinh “không viết đời sống quân ngũ đơn thuần”. Anh coi đời sống quân ngũ như “một hoàn cảnh, chỉ là cái cớ giúp tôi có cái toàn cảnh của những vấn đề phức tạp hơn”.

Ngô Thế Vinh cũng có lúc chán nản, cũng có lúc tự hỏi: “Cầm súng bảo vệ cái gì đây?”. Bảo vệ “một thứ xã hội trên cao lộng lẫy, sáng choang và thản nhiên hạnh phúc?”. Chiến đấu cho “đám kêu gọi chiến tranh, nhưng lúc nào cũng ở trên và đứng ngoài cuộc chiến?”. Đúng như nhà văn Đoàn Nhã Văn nhận xét: “Nhìn lại hậu phương ông (NTV) thất vọng. Hậu phương là một nơi chốn để trở về, để giải khuây sau những ám ảnh của bom đạn và nỗi chết.”

Tác phẩm của Ngô Thế Vinh luôn được giới phê bình niềm nở đón nhận và khen ngợi. Mỗi truyện của Ngô Thế Vinh là một cái nhìn về đất nước (Bùi Khiết). Viết được coi như một cái nghiệp. Ngô Thế Vinh viết với sự kiểm soát lý trí, do vậy nếu có gì quá mức cũng do hoàn cảnh tạo nên, chứ nhà văn không muốn vậy (Tạ Tỵ). Ngô Thế Vinh, nhà văn của những ước mơ, hay nói rõ hơn, nhà văn của lương tâm (Nguyễn Xuân Hoàng). Ngô Thế Vinh luôn nhìn về phía trước. Từ những dòng chữ, người đọc thấy lấp lánh một tấm lòng. Bao nhiêu năm qua, trước sau, nhà-văn-thời-cuộc vẫn oằn vai với những giấc mộng con (Đoàn Nhã Văn). Từ Vòng Đai Xanh (1969) đến Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng (2000) nhà văn Ngô Thế Vinh đã đặt ra những vấn đề hết sức lớn lao, liên hệ mật thiết đến vận mệnh của dân tộc, chẳng những đối với chúng ta ngay bây giờ mà cho cả thế hệ mai sau (Nhật Tiến). Nếu nói nhà văn đích thực là người rung động với những biến cố của đời sống, dự báo cho tương lai thì Ngô Thế Vinh là nhà văn đúng nghĩa (Ánh Nguyệt). Người luôn luôn mang trong đời những giấc mơ. Đi tìm giải đáp cho những vấn đề khó khăn nan giải, luôn luôn ray rứt. Một hiện tượng của một người cầm bút dấn thân (Nguyễn Mạnh Trinh).

Dấn thân. Muốn làm cách mạng cho đất nước hãy làm cách mạng bản thân mình trước. Tôi tin Ngô Thế Vinh nghĩ như vậy, dù biết trước con đường trước mặt lắm chông gai. “Ở đâu có chỗ trú ẩn an toàn cho người cầm bút. Một nhà văn khi chọn một thái độ, ở hoàn cảnh nào đó, là một thử thách. Và có để cho bị ảnh hưởng hay không là do nơi khí phách của nhà văn.”

Không cùng lớp nhưng Ngô Thế Vinh và tôi cùng gặp nhau ở nguyệt san Tình Thương. Không gặp nhau ở tuyến đầu nhưng Ngô Thế Vinh và tôi gặp nhau, kẻ trước người sau, ở Dinh Độc Lập để nhận giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật, bộ môn Văn, về những gì hai đứa đã ghi nhận nơi núi thẳm, rừng sâu.

Ngô Thế Vinh luôn đi tìm sự thật để viết ra sự thật, dù có ẩn giấu dưới hình thức nào, lúc nào cũng là sự thật, ít nhất là sự thật dưới cái nhìn trong sáng và thành tâm của anh. Ngô Thế Vinh muốn góp phần làm tốt xã hội Việt Nam. Theo nhà văn Émile Zola: “Một xã hội chỉ vững mạnh khi xã hội đó đưa sự thật ra dưới ánh sáng chan hòa của mặt trời.”*

TRANG CHÂU
11/2023
Ngôn Ngữ Đặc Biệt Tháng 2-2024

----------------------------------------------------------

* Une société n’est forte que lorsqu’elle met la vérité sous la grande lumière du soleil. (Émile Zola)

TRANG CHÂU

Nhà văn, nhà thơ Trang Châu, tên thật Lê Văn Châu, sinh năm 1938 tại Huế. Tốt nghiệp Y khoa Sài Gòn 1965, cựu quân y sĩ Dù, cựu chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Tác phẩm đã xuất bản: Tình một thuở (thơ, 1964), Y sĩ tiền tuyến (bút ký, giải thưởng văn học nghệ thuật 1969, tái bản lần thứ 10, 2021), Thơ Trang Châu (1989), Về biển Đông (bút ký, 1995), Dì Thu (tập truyện, 2000, tái bản lần thứ 2, 2013), Thơ tuyển (2007), Người ăn trưa trong xe (tập truyện, 2013), Mười hai truyện ngắn Mười hai bài thơ (2017).