Nuôi Sẹo - Chương 4

 Bản là con lão Khán Hợp họ Nguyễn. Y làm bồi cho Tây ngoài tỉnh. Người làng không biết Tây này là Tây gì. Khi có ai hỏi lão Khán về điều này, lão chỉ trả lời: “ Cháu nó làm cho quan Ba ngoài Hà nội ”, làm cho trong làng có người đoán ông ba này là ông “ Ba Phảo Thủ ”, người khác գuả գuyết là “ quan Ba Đốc Tờ”. Kỳ này, lão Khán còn cho mọi người biết rằng vì Bản làm việc trung thành, cần mẫn nên “quan lớn chủ” cho y nghỉ phép về chơi làng.

Ngay từ hôm Bản về làng, ngày mưa gió cũng như ngày tạnh ráo, Nuôi Sẹo vẫn thấy y đội mũ phớt đen, mặc áo tây đen bên trong có sơ mi cổ cồn cứng, quần trang ống, chân diện giày vải trắng. Y luôn luôn ngậm dềnh dàng ở miệng cái bót thuốc lá trắng – mà y gọi là “ cái bót ngà ” - rít những hơi dài, thỉnh thoảng lại thở khói ra đằng mũi. Gặp đội Hướng là người cùng họ, ngày xưa đi lính sang Tây, nay vẫn còn áo lính vải vàng, giày săng đá, Bản bắt tay “ bông xua ”. Rồi, hai người nói chuyện xi xỏ xì xồ với nhau; những tiếng “ba mỏ nhắng”, “moa đa na”, “ta vấy”, “măng phú”... lộn xộn, nhâng nháo khắp câu chuyện.

Vào hàng bà Ba Mảnh, Bản thường giở cái ví giả da cá sấu, nhỏ bằng bàn tay – mà y gọi là cái “ bót tầm phơ ” - móc tiền ra trả tiền quà. Y lại làm như hớ hênh để cho người chung quanh thấy những đồng bạc giấy nằm kẻ kẻ bên trong. Gặp lúc đông người ở hàng và bị yêu cầu quá, y lục trong vi lấy ra cho mọi người coi những ảnh của y đem ở Hà nội về : cái thì có hình y đội mũ Tây, mặc quần áo Tây, ca vát chỉnh tề, tay cầm ba toong, đứng trước cai phông họa một cái xe ô tô hòm húc mũi vào một cái đòn có chậu hoa lan: cái thì có hình y đứng cạnh một người đàn bà áo the, quần lĩnh, tóc đuôi gà chắm vai, chân diện giép Xè Goòng: những cái khác có hình cây và nhà hai tầng mà Bản bảo là sở Bách Thú Hà nội và dinh ông Bảy...

Về làng lần này, Bản đã đem về cho cha được một cái áo ba đời suy cũ. Có người nói Bản đã mua áo ở sở Tầm Tầm. Nó gần trơ bao tải, bắt đầu rách ở hai khuỷu tay. Nhưng lão Khán-Hợp mặc áo đi trên đường làng, ai cũng phải nhìn. Người nào hỏi lão về cái áo, lão nói : “Ấm lắm. Da Mông Tự cơ mà”. Có người vắng mặt lão Khán đã sì-sào với nhau: “ Chẳng bền đâu. Tôi thì cho là chỉ được một tháng là cùng. Con đi khuất là bố đem cầm, bán ngay chứ không có lấy tiền đâu mà đánh bạc ”. Nhưng bao nhiều hôm rồi, cái áo vẫn còn đấy, đi lại dềnh dềnh trên ngõ làng như trêu người. Người ta còn nghe đâu ông trương Nghê cũng muốn có một cái áo như thế để đi tuần đêm; ông phó Lý Tươi cũng dặn Bản mua giúp một cái như thế để đi đánh bạc đêm cho đỡ lạnh.

Trong số những người để ý và phục Bản, trẻ con là ra vẻ hăng hái, sốt sắng hơn cả. Nhiều đứa bỏ cả chơi, đùa nghịch và mặc dầu rét căm căm, chúng không muốn rời Bản ra nửa bước. Hỏi nhau sau này làm gì, có đứa đã trả lời: “ Nhớn lên tao làm bồi như anh Bản”.

Trẻ con mải mê nhìn ngắm Bản, quên trêu chọc Nuôi-Sẹo, gã càng được tự do nhìn ngắm Bản không thua gì những trẻ con. Cứ khi nào không bận việc gì và không đói quá là Nuôi Sẹo đi kiếm Bản để coi y giở hình Hà-Nội cho mọi người xem, để nhìn cái bót ngà và cái bót tầm phơi kè kè bạc giấy. Bản ngồi trong hàng bà Ba Mảnh thì Nuôi Sẹo, đứng sau đám trẻ ở trước cửa hàng, nhìn vòng vào. Bản đi trên đường làng trẻ con rêu-rêu theo Bản thì Nuôi Sẹo lủi thủi một mình theo sau trẻ con.

Gã thích nhất là được nhìn Bản thở khói thuốc lá ra đằng mũi.

Cứ bao giờ thấy Bản ngậm ở miệng cái bót thuốc lá, hít một hơi dài, mắt hơi lim dim là Nuôi Sẹo đứng im lặng, chờ... Chỉ trong nháy mắt, hai đường khói trắng từ hai lỗ mũi Bản tỏa ra, bay lên như hai luồng khói ở đầu tàu xe lửa. Nhìn hai vệt khói ấy, Nuôi Sẹo nghĩ: “Ở Hà-Nội, người ta thở khói thuốc lá ra đằng mũi mà không sặc. Tài thật !”. Rồi, gã nói thầm : ”Cứ nhìn cái điệu thở khói ra đằng mũi thạo như thế kia cũng đủ thấy là người Hà-Nội rồi”. Nuôi Sẹo chưa đi Hà Nội bao giờ. Gã chỉ biết đại khái rằng con đường sắt chạy qua ga An Giang nối liền Hà Nội với Hải Phòng. Nhưng cứ khi nào nhìn thấy Bản là gã không khỏi có những ý nghĩ xa gần về Hà Nội.

Nuôi Sẹo không được nhìn gần những tấm ảnh Hà Nội của Bản như mọi người nên khi nào muốn biết Hà Nội, gã hay đi kiếm lão Khán Hợp. Bây giờ cũng như những kỳ đi thăm con ở Hà Nội về, lão Khán không những kể đến con trai và “quan lớn chủ”, lão còn kể rất nhiều những chuyện Hà Nội. Lão kể chuyện cái máy nước cứ tự nhiên mà chảy tồ tồ, những đèn điện cứ tự nhiên mà cháy sáng như ban ngày, những xe ô tô thì ôi thôi ! - vô số kể. Lại nhà nhảy đầm. Lại sở Bách-Thú. Lại dinh “ Tần Quyền ”. Và cái này mới đáng kể nhất : cô Ba Tý, bà chúa hàng Bạc có lợn hai mồm, có gà ba chân. Người ta chú ý khi lão gườm gườm đôi mắt, đầu gật gù, tranh bạnh miệng, thì thào nói nhỏ: “Cô ấy ra phết lắm kia đấy. Phủ huyện loèn nhoèn là cô ấy không thèm tiếp đâu. Phải vào hạng những Thống Sứ mấy Tần Quyền cơ. Khiếp chửa.” Rồi lão kết luận: “ Ấy nước Nam mình đời nào cũng phải có một người đĩ bà, nên danh nên giá thế đấy. Cũng tại đất cát có mả. Ngày trước thì cô Tư Hồng. Bây giờ thì cô Ba Tý. Sấm ông Trạng có rồi.” Nhưng có điều Nuôi Sẹo để ý hơn nữa là mỗi khi lão Khán hay Bản ở Hà Nội về đều mang được cái quà gì của Hà Nội. Lần này đôi giày tây da há miệng (dù giày đen, vàng, nâu, lão Khán cũng khoe “ giày dôn, chinh hiệu da tây ”). Lần khác, một cái áo tây rách (lão Khán nói : “ nó rách một tý nhưng còn tốt bằng vạn những áo sồi, áo đùi của mình. ” ). Lần khác nữa, một cái ca-vát cũ để bán cho bà con quen thuộc làm quai nón.

Mấy hôm liền, cứ khi nào Nuôi Sẹo không thấy mặt Bản, gã lại đi kiếm lão Khán Hợp để nghe chuyện Hà-Nội và ngắm cái áo ba-đờ-suy. Gã cho có lẽ đấy là cái quà quí giá nhất của Hà-Nội. Lâu nay, gã vẫn thèm có một đôi giày. Gã thích nhất là đôi giày của đội Hướng - đôi giày săng đá da ngăm ngăm đen, ra vẻ dày như da trâu, lại có cổ cao, trông nó mới đàng hoàng, đứng đắn làm sao ! Song, gã nghĩ, nếu không có được đôi giày săng-đá thì giày đôn vào cái loại của Khán-Hợp vẫn đem về cũng tạm gọi là được. Chứ chẳng lẽ đến phải đi lính sang Tây, giẹp Đức-Tặc như Đội Hướng để có một đôi giày săng-đá hay sao ? Bây giờ nhìn cái áo ba-đờ-suy của Khán-IIợp, Nuôi-Sẹo lại mong có cả một cái áo ba-đờ-suy để mặc cho đỡ lạnh. Gã thèm cái áo có khi đến quên cả lạnh. Nhưng làm thế nào mà có cái áo như thế này được ? Gã nghĩ : có thể gã làm ơn gì cho Bản rồi y đền ơn gã bằng một cái áo như thế. Nhưng chẳng biết phải làm ơn gì. Mà Bản ra vẻ chẳng cần đến gã làm ơn. Hoặc giả, lão Khán Hợp có thể đánh rơi cái áo ấy ở bờ giếng để gã bắt được. Nhưng suy đi tính lại gà thấy dù gã có bắt được cái áo ở bờ giếng thì lão Khán Hợp cũng đòi lại mất. Không có ông lý, ông phó cũng “sung công” mất. Chỉ có cách đi Hà-Nội để tự tay mình kiếm lấy áo. Bao nhiều lần gã định đi Hà-Nội rồi. Nhưng làm sao mà đi Hà-Nội được? Gã có con làm bồi hay loong-toong phủ Thống-Sứ, “Tần Quyền” gì ngoài ấy đâu? Đợi khi nào có con cho nó ra làm bồi ngoài ấy đã. Nếu phúc mà được thằng con có hiếu thì không những có giày, áo lại được cái cửu nữa cùng chưa biết chừng. Nghĩ đến điểm này Nuôi sẹo thấy hơi hởi dạ : ơn thầm thằng con có hiếu. Nhưng quanh quần, gã nhận ra rằng muốn có con thì phải có vợ. Mà nghĩ đến cái khoản vợ, Nuôi Sẹo lại thấy vương vướng bị bí làm sao ấy: gã là thằng mõ thì còn đứa đàn bà con gái nào trong làng ngoài phố lấy nó. Rút cục gã đâm nghĩ là chuyện đi Hà-Nội của gã có lẽ không thành. Một lát sau, thất vọng, gã nghĩ, người ta chả ai tránh được số. Cái số của mình là không được mặc áo ba- đờ-suy.

Nhưng trong làng xóm, người ta càng ngày càng bàn tán về cái khao sắp tới ở nhà cửu Tởi. Thế là Nuôi Sẹo cũng quên luôn cái chuyện ba-đờ-suy của gã.