Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

KINH NGHIỆM LÀM BÁO SINH VIÊN NỬA THẾ KỶ TRƯỚC 1964 - 1967

Đã 42 năm sau cuộc Chiến tranh Việt Nam, vẫn còn những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Chỉ riêng tên tuổi Thích Trí Quang đã gây ra rất nhiều tranh cãi. (1) Có nhiều nhãn hiệu gán cho ông: với một số người Việt chống cộng hoặc còn suy tôn ông Diệm thì cả quyết Thích Trí Quang là cộng sản đội lốt tu hành hoạt động với sự chỉ đạo của Hà Nội; nhưng ngay với giới chức cộng sản cũng đã từng coi Trí Quang là một loại CIA chiến lược; còn theo tài liệu giải mật của CIA thì đánh giá Trí Quang không phải cộng sản, mà là một nhà tu hành đấu tranh cho hòa bình và muốn sớm chấm dứt chiến tranh. Thêm nguồn tài liệu còn lưu trữ về những cuộc đàm luận giữa Trí Quang và các giới chức Hoa Kỳ, cho rằng Trí Quang chống cộng mạnh mẽ và hiểu được sự việc xử dụng quân đội Hoa Kỳ để chống lại Cộng sản Bắc Việt và Trung cộng. Và trong phần trả lời phỏng vấn của báo Sinh viên Tình Thương, khi "đề cập tới sự nguy hiểm của Cộng sản, TT Trí Quang đã so sánh họ với những chiếc lá vàng có đóng đinh, phải cần tới một cơn gió lốc cách mạng thổi đúng hướng, không phải làm bay những niềm tin mà là bốc sạch đám lá vàng có đóng đinh là Cộng sản."

      Vậy thì đâu là sự thật? Đâu là con người thật của Thích Trí Quang? Như câu hỏi trong phim Rashomon, một kiệt tác điện ảnh của Nhật Bản. Người viết sẽ không đưa ra một kết luận nào về chân dung Thích Trí Quang, nhưng muốn trở lại bối cảnh chính trị xã hội của thập niên 1960s, khi mà tên tuổi Trí Quang hầu như gắn liền với những biến động thời bấy giờ. Trong khi thông tin về các phong trào Phật giáo tranh đấu ngoài miền Trung rất nhiễu loạn, thì tại Sài Gòn, ngoài một cuộc phỏng vấn hiếm hoi dành cho tuần báo TIME 04.22.1966 với hai ký giả McCulloch và James Wilde; Thích Trí Quang sau đó trở ra Huế và rất ít khi dành cho báo giới Tây phương những cuộc tiếp xúc nào khác. Riêng với TÌNH THƯƠNG tuy chỉ là tờ báo của sinh viên Y khoa nhưng lại rất quan tâm theo dõi thời cuộc, được sự chỉ định của Toà báo, hai phóng viên Phạm Đình Vy (5) và Ngô Thế Vinh đã bay ra Huế, được gặp và thực hiện cuộc phỏng vấn Chín mươi sáu phút với Thượng Toạ Thích Trí Quang buổi chiều ngày 5-5-1966 tại Chùa Từ Đàm Huế. Và bài phỏng vấn này đã được đăng ngay trên báo Tình Thương số 29, 1966, và đã được phóng viên của US News & World Report xin dịch sang tiếng Anh nhưng rồi không rõ lý do, bài báo đã không được phổ biến sau đó.   

Thích Trí Quang nay cũng đã 94 tuổi, ông sinh năm 1923; từ sau 1975 ông sống lặng lẽ những năm tháng cuối đời trong ngôi chùa Già Lam ở Gò Vấp. Và nay qua bộ báo Tình Thương mà Thư quán Bản Thảo của nhà văn Trần Hoài Thư (4) mới phục hồi lại được, trong đó có số báo TT 29, với 4 trang 2-3-4-5 đăng trọn vẹn cuộc phỏng vấn đã thực hiện từ hơn nửa thế kỷ trước. Chúng tôi cho phổ biến bài báo này, không ngoài mục đích chỉ muốn cung cấp thêm một sử liệu hiếm quý về một Thích Trí Quang khác tưởng như đã thất lạc tới các bạn trẻ và các sử gia tương lai. Ngô Thế Vinh   

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

HÀNH TRÌNH TÌNH THƯƠNG

TRẦN HOÀI THƯ

      Lời Giới Thiệu: nhà văn Trần Hoài Thư, sĩ quan Thám kích Sư đoàn 22 Bộ binh, rồi Phóng viên chiến trường 3 lần bị thương năm nào, sau những năm tù đầy, từ ngày vượt biển rồi sang định cư tại Hoa Kỳ, anh Trần Hoài Thư từ 2001 đã cùng với các bạn văn bền bỉ âm thầm làm việc trong bao nhiêu năm nhằm phục hồi di sản Văn học Miền Nam 54-75 đang bị phá huỷ. 

     Nói tới sinh hoạt Văn Học Miền Nam 54-75, cũng phải kể tới các phong trào báo chí sinh viên nở rộ từ các phân khoa Đại học Miền Nam thời bấy giờ. Riêng trường Y khoa Sài Gòn, có tờ Nguyệt san với manchette Tình Thương: "cơ quan tranh đấu văn hoá xã hội của sinh viên Y khoa", tờ báo đã hoạt động mạnh mẽ được ngót 4 năm, với số ra mắt tháng 01.1964 và số cuối cùng 08.1967 báo bị đình bản. 

      Đúng 50 năm kể từ số báo cuối cùng của Tình Thương, một tin vui đến từ Thư Quán Bản Thảo, trong một nỗ lực phải nói là phi thường, qua hệ thống interlibrary loan, anh Trần Hoài Thư đã hy sinh rất nhiều công sức và cả tốn kém tiền bạc để có thể sưu tập lại được gần trọn bộ báo Tình Thương, đồng thời cũng qua bộ Tình Thương, 11 chương sách tác phẩm Nuôi Sẹo của nhà văn Triều Sơn đã được phục hồi. 

      Được tham gia sinh hoạt làm báo Tình Thương từ số đầu tiên cho tới khi báo đình bản, tôi thay mặt các anh em trong nhóm Tình Thương, các đồng môn Y khoa cám ơn nỗ lực của Thư Quán Bản Thảo và trân trọng giới thiệu bài viết HÀNH TRÌNH TÌNH THƯƠNG của nhà văn Trần Hoài Thư, như một cái nhìn từ bên ngoài đối với Tình Thương, một tờ báo của Sinh viên Y khoa từ hơn nửa thế kỷ trước.  Ngô Thế Vinh