Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2020

NGÔ THẾ VINH, VẾT THƯƠNG CHƯA THỰC SỰ LÀNH*

Bài điểm sách cho lần tái bản tập truyện song ngữ

“Mặt Trận Ở Sài Gòn / The Battle of Saigon” – tháng 10/2020

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH


Khi chỉ mới đọc truyện đầu tiên, truyện mang tên của tựa đề cuốn sách, Mặt Trận Ở Sài Gòn của Ngô Thế Vinh, tôi đã có ước muốn, được hỏi ngay, những anh hùng mà ông đề cập đến trong truyện này, hiện giờ họ ở đâu, họ ra sao, và tôi muốn gửi đến họ, rất muộn, lòng ngưỡng mộ, tri ân và cả nỗi sầu buồn. Và tôi cũng muốn nói ngay với tác giả, khi đọc tới đoạn này, tôi đồng tình với chủ trương của các nhân vật trong truyện:

… “Diều Hâu” là biệt danh ông bác sĩ đặt cho tính hiếu chiến của tôi. Xem ra ai cũng có vẻ bực bội về những tin tức xáo trộn ở Sài Gòn. Ông tiếp:


- Tụi sinh viên có đứa nào bất mãn, Diều Hâu cứ việc hốt hết đem lên căn cứ 7 giao cho tôi.

… Cầm lấy ly rượu như muốn bóp vỡ trong tay, thiếu tá Bính giọng gay gắt hơn:

- Cứ để tôi thì khỏi cần tốn phi tiễn với lựu đạn cay. Chỉ cần mấy cỗ đại liên trí mấy đầu phố.
Xem ra chính trị đã làm phân hóa giữa chúng tôi. Rồi ông quay sang hỏi ông Bác sĩ:

- Sao Docteur Zhivago, ông nghĩ sao về tụi sinh viên tối ngày chỉ biết có biểu tình phá rối ấy? (Mặt Trận Ở Sài Gòn, tr. 27-28)

Nếu ngược về năm 1971-1972, đọc đoạn trên thì tôi sẽ rất bất mãn với thái độ của mấy ông quân nhân này. Dạo đó tôi đang là sinh viên năm thứ hai Luật, và là cảm tình viên của phong trào sinh viên phản chiến. Hồi đó chúng tôi rất không ưa, hơn nữa còn gọi là -đám lính cảnh sát đàn áp- biểu tình. Ngày ấy, với bọn chúng tôi, dường như hình ảnh sống có lý tưởng, là phản chiến, là hô hào bãi khóa, xuống đường, chống chế độ, và… nghe nhạc phản chiến. Ai đã dựng nên hình ảnh ấy và đã-thành-công trong việc hướng dẫn cái nhìn của lớp trẻ một thời? Và cứ thế, chỉ biết phản chiến, lên án chiến tranh và gần như coi nhẹ số phận đau đớn, bi thảm của người lính hy sinh mạng sống cho một cuộc chiến đang bị phản đối khắp nơi! Quá tiếc là ngày đó đã không được đọc tác phẩm này, mà nghĩ ra đó là lỗi của thông tin, dân vận của Việt Nam Cộng Hòa đã đánh giá sai tác phẩm này để đưa đến cấm đoán và truy tố tác giả. Thực sự nếu người ta được đọc nó nhiều hơn ngay lúc đó thì đã không có cảnh phân hóa giữa quân dân như vậy, hơn nữa nó sẽ là chiếc cầu nối tình cảm rất hữu hiệu giữa tiền tuyến hậu phương, và như thế sẽ có một khối sức mạnh của sự đồng lòng. Đáng tiếc. Đứng về phía miền Nam thì, nếu hồi đó họ ý thức được như Phúc: Hoàng gốc phản chiến nhưng lại luôn luôn lên án một phía; Phúc không kìm hãm được nói:- Nguyền rủa chiến tranh một bên có giải quyết được gì không hay chỉ làm nản lòng những người đang chiến đấu! (Chiến Trường Tạm Yên Tĩnh, tr. 76).Họ đã không nhận thức đúng để vừa chống mặt phi nhân tàn ác của chiến tranh, đồng thời, có được lập trường sáng tỏ rằng, đó là cuộc chiến bảo vệ cho sự sống còn của miền Nam Việt Nam. Trong khi đó ở miền Bắc thì họ có một khối gắn bó giữa quân dân. Để rồi… miền Nam bị xóa tên, bức tử một đội quân mà nếu không có những người viết như Phan Nhật Nam, Cao Xuân Huy, và nói ở đây, một Ngô Thế Vinh của Mặt Trận Ở Sài Gòn thì có lẽ cái ánh sáng của hy sinh bi thương, hùng tráng kia không soi được đến trái tim mọi người, để biết rằng nếu không có một sự nhìn nhận đúng mức giá trị sự hy sinh của họ thì chúng ta đã nợ họ một sự nhìn lại đúng nghĩa, công bằng, đã nợ họ một sự tri ân, một nghiêng mình rơi lệ. Họ đâu phải là một đội quân vô danh, đâu thể để họ biến mất một cách phi nhân như vậy. Họ là anh hùng. Họ đã chết cho quê hương. Và họ là anh linh. Có thể muộn màng, nhưng không thể để không bao giờ, nói lên… Hẳn khi viết những câu truyện này, Ngô Thế Vinh cũng đang bóc từ từ trong đau đớn từng lớp vết thương tâm thức.

Như con dấu nung
Đóng vào trái tim chàng
Chàng cúi xuống ngực mình
Từ tốn bóc…

(Trần Mộng Tú - Vết Thương Không Chảy Máu Của Chàng, tr. 13)

Hãy cầm cuốn sách ấy lên, lật từng trang, nhẹ như mở vết thương…
Nhìn gương mặt trẻ trung của những người lính ở trang bìa cùng hàng chữ “Tưởng nhớ những đồng đội không bao giờ trở về…” tôi đã những muốn khóc… Tôi thở sâu và biết mình phải lấy can đảm khi nhập vào không gian này của Ngô Thế Vinh, một tác giả mà theo nhận xét của Hoàng Ngọc Nguyên:

… Đối với một tác giả như Ngô Thế Vinh, cuộc sống từ thời thơ ấu đã từng trải từ bắc vô trung và vào nam; trường học đã đi từ Khải Định Huế đến Chu Văn An Sài Gòn, rồi trường Y Khoa; và những năm làm y sĩ tiền tuyến tại những chiến trường xa xôi, heo hút đẫm máu vùng Tam Biên (Việt-Miên-Lào) cho đến ngày mất nước… cuộc đời của ông đã thừa sự phong phú mà không cần vay mượn sự tưởng tượng.
... Ông có đủ sự tự hào và tự tin về mình để nói lên và tìm cách diễn đạt những gì mình quan sát, nhận định, suy tư mà người nghe, người đọc có thể đón nhận. Mặt khác, ông cũng có đủ sự khiêm tốn cần thiết của một người hiểu được sự nhỏ bé, bất lực của con người trước “bể khổ mênh mông”. (Hoàng Ngọc Nguyên - Đi Tìm Sự Yên Tĩnh Với Mặt Trận Ở Sài Gòn, tr. 214-215)

Đúng vậy, những điều ông viết đều từ kinh nghiệm thực sống, nên vậy mà những suy tư, nhịp tình cảm của ông đập trên lời văn lôi những con chữ sống dậy lan tỏa vào tâm tình người đọc để cùng theo nó, vui buồn, đau đớn, phẫn nộ. Chữ của Ngô Thế Vinh là chữ sống. Văn Ngô Thế Vinh đầm đẫm cái đẹp bi thương đến não nùng. Đẹp, đến từ cảm xúc trung thực, ở tình tự nhân bản, ở trái tim nhân ái, ở sự hiểu biết sáng suốt, sâu sắc và trầm tĩnh. Tất cả những thứ đó làm nên một văn phong Ngô Thế Vinh đầy hấp lực, hiện thực, quyết liệt mà không thiếu cái nhìn thơ mộng của một tâm hồn nhạy cảm, chính yếu tố này khiến lồng trong tình huống dữ dội đã chừa lại cho người đọc một hơi để thở, phút ngưng lại nhẹ nhàng…

Trong truyện đầu tiên, Mặt Trận Ở Sài Gòn, hiện lên một quá khứ để nhìn lại tất cả, nhìn lại mình, đã như thế nào ở tuổi hai mươi, giai đoạn đẹp nhất của đời người, buồn thay, cái thời mà như Hoàng Ngọc Nguyên nói “chúng ta chỉ có một thời để sống” đã trôi qua với đầy vết tích buồn bã. Ôi các bạn thời hai mươi của tôi, giờ ở những đâu, có đọc Mặt Trận Ở Sài Gòn, để như tôi lúc này, đối diện với quá khứ, âu là một cách giải tỏa nội-kết bao lâu nay…

Trong tản văn Lần Theo Mộng Ảo Mà Về, năm 2013, tôi có viết: “… Một thời sinh viên chúi đầu vào sách vở, cho đến một ngày, đến trường bỗng ngỡ ngàng, bọn con gái chúng tôi hỏi nhau với giọng thảng thốt, sao lớp vắng thế này, bọn con trai đâu cả? Ra năm đó nếu tôi nhớ đúng, 1972, vừa có một luật động viên đôn quân, tôi lúc đó như bị va đầu vào tường, cú đập choáng người. Đã từ bao lâu sinh viên Sài Gòn -như tôi- lúc đó đi bên lề cuộc chiến? Đã bao lâu rồi? Dân Sài Gòn luôn tin rằng Sài Gòn là một ốc đảo mà con sóng của chiến tranh không thể đổ vào bờ. Đã bao nhiêu người tin rằng Sài Gòn là biên giới dừng lại của đường đi súng đạn, chủ nghĩa? Tôi mắc cỡ và cảm thấy như có lỗi... Chúng tôi như những viên gạch lát ngô nghê. Chỉ biết nghêu ngao những điều vô nghĩa trước một thực tế, máu của người dân hai miền đã đổ và thanh niên không ngớt bị tung ra chiến trường.” 

Vậy đó. Lớn lên cùng cuộc chiến, rồi khi qua cơn “thay đổi sơn hà 1975” thì mới vỡ ra được nhiều điều… Hồi đó khi những thành phố, thủ đô Sài Gòn còn yên bình, không ít lớp thị dân sống như thể đô thị này, chiến trường kia là hai thế giới hoàn toàn khác. Rất đúng khi người lính đã có phản ứng:

mà hơn thế nữa, giữa quê hương còn một thứ xã hội trên cao lộng lẫy sáng choang và thản nhiên hạnh phúc. Cái thế giới khác xa họ, chỉ có ngào ngạt hương thơm và những hưởng thụ thừa mứa. Của một đám người kêu gào chiến tranh nhưng lúc nào cũng ở trên và đứng ngoài cuộc chiến ấy.
Rồi những người lính bơ vơ tự hỏi, cầm súng họ bảo vệ cái gì đây? Không lẽ cho một con thuyền xa hoa ngao du trên dòng sông loang máu, nổi trôi đầy những xác chết đồng loại. Cho sự an lạc của một dúm xã hội trên cao, cho những chăm sóc của những con chó con ngựa hơn cả tang thương của kiếp sống? Với những người trẻ tuổi chỉ biết sẵn sàng, lúc nào cũng sẵn sàng chấp nhận hy sinh cả tính mạng của họ để chiến đấu với kẻ thù ngoài chiến trường -
tại sao bỗng dưng lại đưa họ về thủ đô. Không lẽ những mộng tưởng binh nghiệp chỉ có thể biến chúng tôi thành những tên gác dan cho bọn nhà giàu, một thứ cảnh sát công lộ chỉ đường trên dòng luân lưu của lịch sử. (Mặt Trận Ở Sài Gòn, tr. 30)

Để hiểu tâm trạng của người lính khi về trấn giữ thủ đô: … rằng chiến trường sắp tới của chúng tôi sẽ chẳng phải là núi rừng Tây nguyên, mà đích thực là một cuộc chiến tranh trong thành phố … Rằng không phải chỉ ở chốn xa xôi biên cương -mà đích thực chiến-trường thách-đố của họ phải là ở Sài Gòn... (Mặt Trận Ở Sài Gòn, tr. 22, tr. 31)

Mà oái oăm, họ đã cảm giác mình như bầy thú hoang lạc về thành phố:  … Không nói ra, ai trong chúng tôi cũng cảm thấy mỏi mệt trước khi dấn thân vào cái chiến trường buồn tênh ấy. Chỉ quen với rừng rú, xuống đó đám lính của tôi sẽ như bầy thú hoang về thành -lạc lõng bơ vơ. (Mặt Trận Ở Sài Gòn, tr. 29)

Họ bị tiêu hao bao nhiêu sức mạnh khi bị cô đơn ở hậu phương? Đáng lý nơi đó phải cho họ thêm năng lượng mới đúng! Và mấy ai trong cuộc biểu tình hiểu được thế lưỡng nan của người lính nhận trách nhiệm ổn định an ninh đô thị:

… Nếu rõ ràng nhiệm vụ được giao phó là sự có mặt lâu dài ở Sài Gòn, tôi sẽ xin được rời khỏi đơn vị để về một bệnh viện nào đó trên cao nguyên; mặc dù trước đây tôi vẫn tâm niệm rằng đơn vị này là nơi duy nhất tôi đã lựa chọn cho suốt thời gian quân ngũ của mình… Một đằng là những người lính mà ông có bổn phận phải chăm sóc, một đằng là những thanh niên sinh viên đang tham dự cuộc đấu tranh, mà quan điểm của họ được chính ông có phần chấp nhận và chia sẻ. Rõ ràng chúng tôi chỉ là một bánh xe nhỏ trong một guồng máy lớn lao… (Mặt Trận Ở Sài Gòntr. 29, 28)

“Chúng tôi” trong câu nhân vật bác sĩ này nói không chỉ riêng là các anh, mà bao gồm cả chúng tôi, cả con dân nước Việt trong một guồng máy mà ở đó không ngớt tóm lên và quăng thanh niên vào trận địa … để chỉ còn là thụ động chấp nhận - như một định mệnh, đi vào cuộc chém giết vô tri giác… (Nước Mắt Của Đức Phật, tr. 40)

Trong bối cảnh thời “Việt Nam hóa chiến tranh”, Mỹ quyết định bỏ rơi đồng minh, chua xót bi phẫn làm sao, khi lính Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu trong tình huống và tâm trạng, như Tim Page đã nhận định: “… có rất ít sách đề cập tới quan điểm từ miền Nam, từ góc cạnh của những người thất trận nhưng họ đã từng chiến đấu và tin tưởng ở một nền Cộng Hòa miền Nam mới khai sinh. Ngô Thế Vinh qua kinh nghiệm của một y sĩ trong một đơn vị Biệt Cách thiện chiến đã đem tới cho chúng ta những lý giải và soi sáng về những tình huống lưỡng nan ngoài trận địa…” (TIM PAGE, Life – Time, UPI Freelance Reporter, tr. 226-227)

… Ý thức sáng suốt rằng khoảnh khắc nữa đây, chúng tôi sắp từ cửa trực thăng nhảy xuống đất Miên, cùng với tin thời sự Tổng thống Mỹ Nixon sắp sang Bắc Kinh rồi Mạc Tư Khoa chuẩn bị cho một giai đoạn giải kết, để rồi chỉ còn sự đối đầu thù nghịch trơ trẽn giữa những người Việt, như một chia lìa lịch sử, một thảm cảnh không thể tránh … một thứ đấu trường mà chỉ có người Việt là những tên giác đấu hung hãn với võ trang là mâu thuẫn ý thức hệ và cả sự u mê… Không phải chỉ bởi súng đạn mà chính những bế tắc tinh thần đã khiến chúng tôi không còn khả năng suy diễn một điều gì. Đầu óc chỉ còn là một khối chất xám vữa nát, để chỉ còn là thụ động chấp nhận - như một định mệnh, đi vào cuộc chém giết vô tri giác. Còn lại chăng, là thổn thức một trái tim Việt Nam chưa đổi khác, không còn biết hân hoan mà chỉ còn chung một nỗi hận thù đau đớn ... (Nước Mắt Của Đức Phật, tr. 40)

… Những người lính cầm súng ý thức đã phải chiến đấu với lòng tổn thương và hoàn toàn mất tin cậy bên cạnh một đồng minh chỉ biết đặt quyền lợi của họ lên trên cả những mục tiêu tranh đấu tối thượng của dân Việt. Còn riêng đối với Bắc quân, việc phải thí mấy chục ngàn quân để đạt mục tiêu có giá trị chiến lược là điều rất có thể và rất dễ làm. Đó là lý do khiến chúng tôi đã phải vừa cầm súng chiến đấu vừa phải tự ước lượng mức độ của cuộc chiến tranh trong màn hỏa mù để không tự biến thành một đống tro than trong những giờ tàn của cuộc chiến… (Dấu Ngoặc Lịch Sử, tr. 50)

… Từ một quan niệm hết sức đơn giản, phục vụ tổ quốc bằng cái chủ nghĩa kỳ cùng, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, tôi đã không thể quan niệm có chính trị trong tập thể quân đội và dứt khoát không muốn dính dáng đến nó. Nhưng dần dà, với dạn dày những chung đụng, tôi thấm thía hiểu rằng không phải chỉ có cầm súng, nhưng chúng tôi còn đang bị xô đẩy vào những hoàn cảnh lắt léo của một thứ chính trị vây bủa. Đã tới lúc người lính phải xác định cái vị trí hoàn cảnh của mình và tự hỏi tại sao lại đang phải chịu rất nhiều hy sinh và tiếp tục cầm súng chiến đấu. (Hòa Bình Không Sớm Hơn, tr. 59)

TÍNH NHÂN ÁI, TÌNH NGƯỜI TRONG MẶT TRẬN Ở SÀI GÒN

Sống trực tiếp trong cảnh khốc liệt của chiến trường, chứng kiến những ra đi đau đớn của đồng đội, mà khi nói về phía bên kia không một giọng hằn học, chỉ là tường thuật sự kiện trung thực, với thái độ chấp nhận một cách trầm tĩnh của một người hiểu thấu sự thúc thủ của những con ốc trong một guồng máy, và với cái chết tới bất cứ phút nào. Tôi rất ngưỡng mộ cái tính cách kẻ sĩ, đại trượng phu của ông, mà được vậy nhờ gốc rễ tình người trong ông, xin trích:

Và chúng tôi đã sẵn sàng ở vị thế tấn công. Sẽ chẳng còn phân biệt nào trên đấu trường. Không có đối thoại giữa súng đạn. Và chỉ còn những người Việt anh dũng -hai phía, tự nguyện đem thân làm đuốc hâm nóng cuộc chiến Đông Dương (Nước Mắt Của Đức Phật - tr. 40). Tôi muốn tô đậm câu Và chỉ còn những người Việt anh dũng -hai phía… Đã có mấy ai viết về chiến tranh mà nhìn nhận thẳng thắn phía đối đầu như thế?

… Và năm nay, riêng chiến dịch Đông Xuân, với cao điểm Mùa Mưa - theo phát ngôn viên chánh phủ, đã kết thúc bi thảm cho phía những người chiến sĩ Giải phóng... (Mặt Trận Ở Sài Gòn, tr. 22)

Những danh xưng ông dùng chỉ phía bên kia cho ta thấy một cung cách điềm đạm, anh và tôi, mang cùng thân phận, trong một cuộc đối đầu mà ông chua chát - sự đối đầu thù nghịch trơ trẽn giữa những người Việt - (Nước Mắt Của Đức Phật, tr. 40)
Tính nhân ái thể hiện rất rõ trong truyện Hòa Bình Không Sớm Hơn, trải qua một cuộc hành quân sống chết ở rừng già cao nguyên năm 1971, mà nhân vật Hổ Xám vẫn có được cái tình cảm rất hòa bình, rất con người, với tù binh:

Gã tù binh còn rất trẻ, tuy ốm xanh xao nhưng khuôn mặt lanh lợi và ánh mắt thì say đắm. Hắn gợi cho tôi hình ảnh đứa em trai tử trận cũng trên vùng thảo nguyên này cách đây không bao lâu. Lòng tôi như sôi lên một tình cảm rất khó diễn tả: vừa giận dữ vừa xen lẫn thương cảm. Nhưng rồi cái khuôn mặt trẻ thơ ấy đã khiến lòng tôi nguôi ngay lại … … Không phải chỉ vì nhu cầu nguồn tin tức cần khai thác, mà thật giản dị tôi tự thấy có bổn phận phải cứu sống nó. Ánh mắt nó nhìn tôi tin cậy … Tôi thì vẫn thành thật tin tưởng rằng hắn sẽ không sao cho tới khi cùng Đại Đội về đến căn cứ. Vả lại trong thâm tâm tôi muốn được có mặt, tham dự trong cách đối xử mà tôi nghĩ sẽ khác hơn riêng đối với hắn. (Hòa Bình Không Sớm Hơn, tr. 60, 61)

khi nghe tiếng vỗ cánh của đoàn trực thăng sà trên bãi thì vẻ mặt hắn biến sắc và để lộ một vẻ sợ hãi khủng khiếp … hắn chỉ kịp quơ tay về phía trước níu lấy tôi kêu thất thanh một tiếng “Anh” rồi ngã rũ xuống và chết tốt … Tôi đưa tay vuốt mắt hắn, mi mắt còn ấm nóng khép lại dễ dàngThôi ngủ đi! Tôi nhủ thầm dịu dàng và chưa bao giờ lại thấy gần gũi thân thuộc với cái chết đến như thế.  (Hòa Bình Không Sớm Hơn, tr. 62, 63)

Ở chiến trường có những cái chết khó có thể hình dung nổi, như người tù binh trên, chết chỉ vì nghe tiếng máy bay sà xuống, như dùng xác chết thành một thứ bẫy để giết thêm người, và chết oan khốc Xác của những người bạn bị oanh kích lầm với thứ hỏa tiễn mũi tên xóa tan cả mặt mũi, và…
Xin đọc đoạn văn cảm động sau, để ngậm ngùi thương cảm cho tình tự mong manh của nhân vật Hổ Xám, và cũng gây cho ta được niềm tin vào sự tồn tại của tính nhân bản - Cổ họng như đau thắt, tâm hồn tê mỏi nhưng tôi chẳng thể nào có được một giọt nước mắt để khóc. Trong thâm tâm tôi rất muốn được khóc - (Hòa Bình Không Sớm Hơn, tr. 64)
Đó là gì nếu không phải là Tình Người?
Đây cũng là một đoạn văn tả cảnh rất hay khiến tôi thấy được cái hoang liêu đìu hiu mấy gò, gió ù ù thổi… (Chinh Phụ Ngâm) của bãi chiến trường, càng thấm cái “tê dại, vô cảm” của nhân vật khi nhìn xuống xác tù binh cô đơn trên bãi.

… Lúc này, riêng tôi thấy là nhẫn tâm khi phải bỏ xác hắn tại bãi. Khi tôi là người cuối cùng bước lên trực thăng, con tàu vội vã bốc vọt lên trên một nền trời ủ dột đang vần vũ kéo tới những đám mây bão. Nhìn xuống bãi, gã tù binh vẫn bất động nằm yên như im ngủ, phủ trên mình thay cho lá cờ chỉ là một chiếc võng xanh xao. Cũng đành để hắn ở lại với rừng núi quạnh hiu, và riêng mang theo trong tôi cái tình cảm day dứt khó tả. Phải chi còn đủ thời gian để đào xong một chiếc huyệt cho dù chỉ đủ vùi nông thân xác hắn.

Gió lộng từ những cánh quạt trực thăng, tạt những cụm mây đầy hơi ẩm vào da mặt tôi buốt rát. Da thịt tê dại, cả tâm hồn cũng tê dại, gần như vô cảm, tôi không còn suy nghĩ hay phản ứng được gì … Trung sĩ cận vệ thân tín lên tiếng nhắc tôi và cố nói to. - Em thấy là Hổ Xám quên. “Không, lần này không phải là tao quên.” Nó nhắc tôi việc gài một trái lựu đạn rút kíp dưới xác người tù binh mới chết phải bỏ lại dưới bãi. Hơn một lần địch đã hành động như vậy và gây cho chúng tôi tổn thất. Nhưng ở lần này thì tôi lại nghĩ rằng cho dù có làm thêm một cạm bẫy xác nữa, gây thêm được một vài chết chóc, không vì thế mà ngày mai Hòa Bình sẽ trở lại sớm hơn. (Hòa Bình Không Sớm Hơn, tr. 64, 65)

NHỮNG NHỊP DỪNG THƠ MỘNG TRONG KHÓI LỬA

Bên cạnh những đau thương cảm động của tình đồng đội, không khí ngộp thở của chiến trường, như tôi đã nói ở trên, có những đoạn văn tả cảnh với những ngôn từ, hình ảnh buồn diễm lệ, khiến nó như một nhịp dừng cho người đọc quên lãng căng thẳng. Trong người lính Ngô Thế Vinh là một người thơ, nhạy cảm và chan chứa tình người. Người lính ấy trên đường hành quân ghi nhận lại những suy tư, những cảm xúc trước cảnh vật với cái nhìn tinh tế, những dòng văn như khúc đàn bi ai được gẩy lên bởi sự đồng điệu giữa tâm hồn người và cảnh sắc.

… cứ vào đầu mùa mưa, chúng tôi cùng những đơn vị bạn từ vùng đồng bằng châu thổ, ùn ùn kéo lên cao nguyên để tao ngộ với những đại đơn vị địch quân - để tranh nhau một vài ngọn đồi trơ trụi hay giành giật một khúc lộ trống… (Mặt Trận Ở Sài Gòn, tr. 22)

Bạn cảm xúc sao với chữ “tao ngộ” dùng chỉ sự chạm trán một trận chiến? Cách dùng chữ của ông nhà binh Ngô Thế Vinh có dụng ý hay không, để giảm bớt nguy cơ nhồi máu cơ tim cho người đọc khi kéo họ vào không khí khiếp đảm của chiến trường? Những hình ảnh tỷ dụ, những động từ được dùng một cách rất tượng hình, đẹp, lạ, và chính xác đến ngỡ ngàng làm tôi muốn trào nước mắt, tôi biết nhờ hồn thơ bi cảm đã giữ cho ông còn được năng lượng để tiếp xúc, để rung động với cảnh vật thiên nhiên trong tình huống sinh tử:

Vào buổi sáng tinh sương ngày N, khi sương mù còn bao phủ mờ mịt núi rừng quanh ngọn đồi 1003, từ trên cao trên cả những đám mây, trong sự hồi hộp của mọi người, chiếc trực thăng cán gáo như một chiếc lá, đã bất chợt rơi nhẹ nhàng xuống căn cứ an toàn… (Mặt Trận Ở Sài Gòn, tr. 25) 

... Xác của người phi công được trực thăng móc ở rừng ra, héo rũ trên dây treo như cách người ta câu về những con thú. (Mặt Trận Ở Sài Gòn, tr. 27) 

Tách khỏi đội hình, giảm dần cao độ, chiếc tàu thả chếnh choáng trên những ngọn cây... (Nước Mắt Của Đức Phật- tr. 40) 

… Bầu trời cực trong xanh và không mây. Không có dấu hiệu của một thời tiết sắp xấu. Những ô ruộng loang loáng nước. Ngọn núi Bà Đen ở phía xa đàng sau -hiện diện như một lầm lỡ của hóa công, một dị dạng của địa hình châu thổ -trơ trụi nhô lên từ mặt phẳng xanh đồng bằng. Ngọn núi chứa đựng nhiều kỳ bí và huyền thoại. Nơi của muỗi độc, sốt rét rụng tóc và của những trận đánh kinh hoàng. Nơi còn vùi xác của những đồng bạn ở cuộc hành quân cách đây bốn năm trước. Những đêm trăng rừng còn như in trong óc, trăng ở Bà Đen cũng mang bộ mặt xanh xao như bị sốt rét ngã nước. (Nước Mắt Của Đức Phật - tr. 36-37) 

… Nhớ lại hôm gặp Tom trên cánh đồng trải dài đến tận chân núi đá; từng đàn dê lổ loang trên đó, một chú dê đực cắt hình trên nền trời từ một mỏm đá thật cao. Biển xanh phẳng lặng phía xa, rải rác những cánh quạt gió chuyển động chậm, kéo nước biển lên những ruộng muối đọng trắng ... Từng cơn gió nồng thổi trườn trên những thửa đất bốc hơi co rút. Cảnh đồng quê sau lũ lụt lại mang vẻ khô héo xác xơ như mùa hạn. (Chiến trường Tạm Yên Tĩnh, tr. 71, tr.76)

… từ đồng ruộng xanh dưới kia đã nổi bật chiếc mái cong, kiến trúc đặc biệt của những ngôi chùa tháp. Làng xã không mấy khác làng xã của Việt Nam nhưng khang trang hơn. Những mái nhà ngói đỏ san sát, xen lẫn những mái tranh xám. Ngọn khói lam của buổi chiều, lũ trẻ nhỏ và đàn trâu bò về chuồng. Khung cảnh nên thơ của một khoảnh đất Á châu còn chút thanh bình kia liệu sẽ còn kéo dài thêm được bao lâu nữa hay thực sự đã qua rồi…. Đàng xa về phía nam, nắng chiều rắc vàng trên dòng Cửu long bao la đầy cá và phù sa. Chập chùng là những cánh rừng cao su tiếp nối với rừng già. Cũng đã hiện ra những ngôi làng trơ trụi bỏ hoang với từng dãy hố bom B52 cày nát. Không còn dấu hiệu người và sinh vật ở dưới đó. Lại như một Dakto, Khe Sanh hay Sơn Mỹ của Việt Nam? Bom đạn giữa những người Việt đã xô dạt những người Khmer kia đi về đâu? Cả xứ Chùa Tháp này đi về đâu? Trong cái mênh mang của cơn say lịch sử, có ai nghĩ được rằng cuộc chiến đang diễn ra giữa những người Việt lại có thể xóa nhòa một nền văn minh Angkor cổ kính. Và trong cái hoang vu lặng lẽ của buổi chiều tàn, giữa ngôi làng đổ nát kia, tôi tưởng tượng rằng vẫn còn một người đàn bà không rõ mặt mũi vẫn ẩn nhẫn ngồi ôm đứa con ru cho bú. Phải chăng vẫn còn hình ảnh an ủi tuyệt đẹp và ngàn năm của ý nghĩa tồn sinh nhân loại… (Nước Mắt Của Đức Phật - tr. 39)

Trên là đoạn tả cảnh cùng suy tư không phải của một người đang ngồi trên máy bay du lịch, mà là suy tư của một người lính sắp được thả vào chiến trường - Ở đó con người chẳng thể định đoạt được gì ngoài sự chấp nhận rủi may như một định mệnh -Cái đẹp ở đây là cái đẹp của bi hùng, vừa sầu buồn vừa cao cả - một thứ tâm hồn Ngô Thế Vinh-, như trong đoạn kết chuyện Nước Mắt Của Đức Phật:

Và cũng không xa Cục R bao nhiêu về hướng Đông Bắc, sau bảy ngày thất lạc trong hoang vu của rừng già, có hai bóng ma lần mò được vào một ngôi làng đổ nát, người được cõng trên vai gần như đã chết. Và suốt trong đêm hôm đó tại một ngôi chùa Miên bỏ hoang, có một người lính Công giáo Việt Nam kiệt quệ và đau khổ, quỳ gối bên xác một đồng bạn, mắt đẫm lệ hướng lên vẻ mặt an tĩnh của Đức Phật thành tâm cầu nguyện cho linh hồn người bạn xấu số sớm được giải thoát. Và bên ngoài trời cơn mưa bão vẫn tràn trề. Gió lung lay cả đêm dài vô minh đang bao trùm khắp Á châu lục địa. (Nước Mắt Của Đức Phật, tr. 42-43)

Ở đây, có vẻ mặt an tĩnh của Đức Phật mắt đẫm lệ của người lính đang cầu nguyện cho linh hồn người bạn chết trên vai. Bạn ơi, có phải Nước Mắt Của Đức Phật đang thị hiện qua nước mắt đang rơi trên mặt người lính sống sót kia? Nghĩ thế tôi càng ngưỡng mộ tác giả khi lấy tựa đề như thế để rồi kết một đoạn như khai-thị cái niềm tin sâu sắc, Phật tánh trong mỗi con người, người lính ấy trong giây phút vô cùng đau khổ đã nhỏ những hạt nước mắt Phật, đã là một vị Phật. Đó là một thông điệp của tác giả.

VẾT THƯƠNG CHƯA LÀNH

Nói đến nỗi đau, vết thương tâm, ở trong tập truyện này ta thấy những hình ảnh như, 

Từ sáu năm rồi mà vẫn tưởng như mới hôm qua với cơn đau lột da ấy. (Giấc Mơ Kim Đồng, tr. 70)
Cũng phải kể tới vết thương khác không chảy máu Bloodless Wounds PTSD - hội chứng tâm thần sau chấn thương ở những năm sau khi anh đã trở lại nước Mỹ… (In Retrospect - Nhìn Lại, tr. 104) 

… Những vết thương chưa bao giờ thực sự lành(In Retrospect - Nhìn Lại, tr. 109) nơi những người sống sót. 

Phan cũng tự hỏi đến bao giờ, cả chính chàng nữa mới thực sự thoát ra khỏi cuộc chiến tranh đã vào quá khứ từ 17 năm rồi. (Một Bức Tường Khác, tr. 101)

… cùng với tin thời sự Tổng thống Mỹ Nixon sắp sang Bắc Kinh rồi Mạc Tư Khoa chuẩn bị cho một giai đoạn giải kết, để rồi chỉ còn sự đối đầu thù nghịch trơ trẽn giữa những người Việt, như một chia lìa lịch sử, một thảm cảnh không thể tránh… (Nước Mắt Của Đức Phật, tr. 40) 

Một thảm cảnh như vết sẹo lồi nhô hoài trong tâm thức, mỗi khi cào lên lại thốn đau. Không chỉ người Việt, đồng minh Mỹ ngoài hơn năm chục ngàn lính Mỹ bỏ thân nơi chiến trường Việt Nam, số thoát được khỏi đêm dài vô minh (NTV) ấy trở về thì mang đầy thương tích về thể xác lẫn tâm hồn, di chứng của chiến tranh khiến họ không thể bình thường hội nhập trở lại trên chính quê nhà của họ.

Jim thường xuyên phải sống trong những cơn ác mộng và hồi tưởng buồn bã về các kinh nghiệm chiến trận đau thương ở Việt Nam. Hắn cảm thấy phẫn nộ vì sự thờ ơ và cả thiếu kính trọng của xã hội đối với hắn và các bạn đồng đội, lẽ ra khi trở về chúng tôi phải được đối xử như những anh hùng... (Một Bức Tường Khác, tr. 99)

… Đã không thiếu những cuộc duyệt binh với rừng cờ sao và sọc và cả rực rỡ những dải băng vàng để chào mừng những người lính như những anh hùng trở về sau cuộc chiến tranh chớp nhoáng mấy tuần ở Vùng Vịnh Desert Storm và rồi cả với những cuộc chiến tranh khác; nhưng hình như đã không có một đối xử như vậy đối với những người cựu chiến binh trở về từ Việt Nam… Họ, đa số là những cựu chiến binh Việt Nam bị lãng quên; phải chăng chỉ vì họ bước ra từ một trận chiến đã không có được chiến thắng vinh quang hay nói trắng ra là trận chiến mà lần đầu tiên nước Mỹ đã bị thua… Họ đã hy sinh một phần đời tuổi trẻ của họ, chịu đựng cả những mất mát -để phục vụ cho một xứ sở có tiếng là giàu có nhất thế giới, để rồi khi giải ngũ, một số không ít phải sống như những người vô gia cư trên các đường phố, chịu đói khát thiếu thốn trong tình cảnh cô đơn và tuyệt vọng… họ vẫn mãi chưa được trở về nhà… (In Retrospect - Nhìn Lại, tr. 105, 106) 

Họ vẫn mãi chưa được trở về nhà… Lưu vong trên đất mẹ của mình, và như nhân vật Phan, sau 17 năm chiến tranh vẫn không rời để anh mãi lưu vong trên tâm thức của mình. Một thứ hội chứng tâm thần- Vết thương không chảy máu. Ôi cái gọi là chiến tranh Việt Nam nơi hình ảnh anh lính Gumber treo cổ lơ lửng trên thanh xà bến xe bus, linh hồn mãn nguyện: No more Vietnam, Vietnam never again. Cuộc chiến Việt Nam và cả nỗi đau của những vết thương thực sự chấm dứt từ đây. Việt Nam, nay thì anh đã thực sự giã từ… Và anh Gumber vẫn chưa phải là người lính Mỹ cuối cùng chết trong trận chiến tranh Việt Nam(In Retrospect - Nhìn Lại, tr. 110, 111),rồi thì, người y tá cựu binh, không bị thương ở mặt trậnmà vì thứ mìn muỗi chống cá nhân, chẳng biết ai đã ném vô và nằm im trong đám ruộng nhà mình tự bao giờ… Hòa bình rồi hạnh phúc tính là dài lâu nhưng rồi ra cũng chỉ là tính riêng cho mỗi từng ngày… (Người Y Tá Cũ, tr. 122)

Tôi cũng ngậm ngùi tự hỏi như tác giả, bức tường nào, trang sử nào để ghi thêm những cái chết, và bị thương của chiến tranh sau chiến tranh ấy?

KHI NHỮNG NGƯỜI SỐNG QUÊN NGƯỜI CHẾT, THÌ NGƯỜI CHẾT ẤY CHẾT ĐI LẦN THỨ HAI
… (Sẽ Rực Rỡ Mùa Thu Này, tr.121)

Tôi hình dung mình đang đứng nhìn lá cờ bay phất phới dưới trời xanh trong một buổi vinh danh có oan hồn tử sĩ trở về từ bụi đất, ngọn đồi, sông suối, khu rừng máu đạn khi xưa, và niềm vui của đoàn tụ siêu hình ấy tháo gỡ cho tôi cái mặc cảm u sầu bao lâu nay.

Không kể những người đã chết, chỉ riêng trong đám sống sót trở về -có thể nói họ xứng đáng mang danh anh hùng bằng chính những chiến tích lẫy lừng đi vào huyền thoại. (Mặt Trận Ở Sài Gòn, tr. 24)
Liệu phải cần bao nhiêu trang sách để nhắc tới những chiến tích lẫy lừng của các anh hùng vô danh này. Ngay từ phút vừa đặt chân xuống đất, hoạt động suốt 96 giờ của toán 81 là một thiên anh hùng ca rực rỡ. (Nước Mắt Của Đức Phật, tr. 41) 

Đã bao năm rồi, biết bao nhiêu nước chảy qua cầu, có quá nhiều điều để không thể nào quên. Ngay trong tù đày, những hình ảnh hồi tưởng chưa bao giờ là cuộc duyệt binh vĩ đại đầy màu sắc và ồn ào của ngày Quân lực; mà luôn luôn là những bước chân diễn hành thầm lặng của một tiểu đội lính vô danh ở ngày giờ cuối cùng của một thành phố trước khi mất tên Sài Gòn. Người chuẩn úy ấy bây giờ ở đâu, trong một trại cải tạo nào, còn sống hay đã chết, số phận những người lính can đảm kỷ luật tới giờ phút chót ấy bây giờ ra sao, cũng không ai được biết. Liệu có thêm được một dòng chữ nào giữa những trang quân sử viết dở dang để nói về cuộc diễn binh kỳ lạ cấp tiểu đội mang biểu tượng hào hùng của quân lực ở ngày giờ cuối cùng trước khi cả toàn quân tan hàng rã ngũ... (Cựu Kim Sơn Chưa Hề Giã Biệt, tr. 91)

Câu hỏi rất xót, có cái gì như mệt mỏi thất vọng… Trang sử trung thực nào để anh linh của họ được an nghỉ dưới ánh sáng của tri ân, tưởng nhớ, chứ không chỉ là nghĩa trang bị bỏ phế đìu hiu, lá khô xao xác trên những tấm bia vỡ và những bình nhang trống. Dù sao, ít ra giờ chúng ta đã có những dòng chữ này của Ngô Thế Vinh, như một sự tưởng niệm công bằng…

… Jim cũng như đa số những người cựu chiến binh Việt Nam được gọi là còn sống, nhưng họ giống như những mảnh bom đạn vương vãi, thực sự chưa thoát ra khỏi trận địa Việt Nam. Liệu có còn thêm một bức tường thương khóc nào khác ở Hoa Thịnh Đốn đủ dài để có thể ghi tên và vinh danh họ. (Một Bức Tường Khác, tr. 101)

Một bức tường khác, những trang quân sử còn thiếu sót… Hẳn còn rất lâu, hoặc chẳng bao giờ, những ước muốn này vẫn chỉ là những ước mơ ngậm ngùi… Nhưng ước mơ đó là một thông điệp đầy tình người của tác giả.

NGÔ THẾ VINH, MỘT CHIẾN SĨ XÃ HỘI

Trong truyệnMặt Trận Ở Sài Gòn, chứng kiến cảnh thối nát bất công của xã hội, tác giả nêu lên một ưu tư:

… Rằng ngoài chiến trường súng đạn quen thuộc, họ còn phải đương đầu với một trận tuyến khác mỏi mệt hơn -đó là cảnh thối nát bất công của xã hội mà dân tộc đang phải hứng chịu trong tối tăm tủi nhục... Từ ba mươi năm nay, đã và đang có quá nhiều anh-hùng-của-chiến-tranh trong khi lại quá thiếu vắng những chiến sĩ xã hội... (Mặt Trận Ở Sài Gòn, tr. 31)

Ngô Thế Vinh, một chiến sĩ xông pha chiến trường, một bác sĩ, một nhà văn, một nhà báo, với tất cả tư cách đó cùng những tác phẩm của ông, biết được những việc ông đã làm thì Ngô Thế Vinh đúng là một chiến sĩ xã hội, ở tư cách này ông cũng xứng đáng là một anh hùng. Nếu không thực sự can đảm, nếu không đầy nhiệt huyết với lý tưởng vì người thì ông đã không xông vào những mặt trận xã hội, như làm báo Tình Thương từ thời còn sinh viên y khoa quảng bá y đức, tình người. Và một thời gian dài đập nhịp tim của mình trên bờ sinh tử của lằn tên mũi đạn, để có những kinh nghiệm thực tế viết nên tác phẩm như Mặt Trận Ở Sài Gòn. Cảm ơn định mệnh để ông sống sót qua cuộc chiến. Để sau đó nghiên cứu về nguy cơ cái chết của một dòng sông, ông đã đi tới ngọn nguồn sông Cửu Long với bao bất trắc để cống hiến một loạt sách rất giá trị về Cửu Long. Với những đề tài gắn bó với con người cùng sự cảnh báo mọi thứ hiểm họa hủy diệt hầu góp phần vào việc bảo vệ môi trường, cùng xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, công bằng hơn, tình người hơn. Đó chẳng phải là trách nhiệm của một chiến sĩ xã hội hay sao? Năng lực của ông lấy từ đâu mà có thể làm việc được như thế? Có lẽ nhờ tất cả những chủng tử này, nhiệt huyết, đam mê, nhân ái, cùng những giấc mơ thao thức không nguôi. Và ông đã cống hiến đời mình cho lý tưởng đó một cách hữu hiệu và cảm động.

… Những câu chuyện cách đây cả 50 năm ở một nơi nay quá xa xôi bỗng dưng sống lại một cách da diết trong trí nhớ, trong con tim của mỗi chúng ta khi có “Mặt Trận Ở Sài Gòn” đặt đầu bàn ngủ (không phải gối đầu giường). (Hoàng Ngọc Nguyên, Đi Tìm Sự Yên Tĩnh Với “Mặt Trận Ở Sài Gòn”, tr. 214)

Chắc là như vậy vì ngay lúc này sau khi đọc hết rồi tôi vẫn cảm thấy chưa thể rời được nó. Phải để ở cái bàn nhỏ có ngọn đèn vàng ấm kia, để nhìn, nhìn mỗi ngày vào vết thương chưa thực sự lành ấy. Nhìn, cho đến khi nào chuyển hóa được vết thương này. Và chìa khóa của chuyển hóa phải chăng là thấy được ít nhiều hiện thực của những giấc mơ -ít nhất cũng là của Ngô Thế Vinh - của những người đồng một quá khứ thương tâm và đau đáu thiết tha những giấc mơ đẹp đẽ, một trong những giấc mơ ấy là một mái ấm của Trăm Họ Trăm Con, nơi ấy sưu tập và lưu trữ những giá trị của quá khứ, nơi hội tụ diễn ra sức sống sinh động của hiện tại, và là một điểm tựa thách đố hướng về tương lai, chốn hành hương cho mỗi người Việt Nam đang sống bất cứ ở đâu trong lòng của thế giới.
Và … Hiện thực của giấc mơ nào đi nữa không phải chỉ do hùng tâm của một người mà là ý chí của cả một tập thể cùng nhìn về một hướng, cùng trông đợi và ước ao niềm vui của sự thành tựu... (Giấc Mộng Con Năm 2000, tr. 152)

Xin mượn lời của Tim Page để kết bài viết:

Đọc Mặt Trận Ở Sài Gòn để cảm nhận lắng nghe nỗi bâng khuâng của một con người vẫn gắn bó với những cội rễ tinh thần của một quê hương Việt Nam không thể tách rời. (TIM PAGE, Life – Time, UPI Freelance Reporter)


NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
Santa Ana, October 16, 2020


Nguyễn Thị Khánh Minh sinh tại Hà Nội, quê ở Nha Trang. Tốt nghiệp Cử nhân Luật tháng 12-1974, khóa cuối cùng của Luật Khoa Đại Học Đường Sài Gòn.Đã xuất bản nhiều tập thơ văn tại Việt Nam và Hoa Kỳ từ năm 1991- 2020.Hiện sống tại Santa Ana, California, Hoa Kỳ.

---
* chữ Ngô Thế Vinh trong truyện Nhìn Lại.

** Tập truyện song ngữ “Mặt Trận Ở Sài Gòn / The Battle of Saigon”  đã được phát hành trên trang mạng Amazon từ 16/10/2020.