Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

TRÍCH DẪN ĐIỂM SÁCH CHÂN DUNG

Đỗ Hồng Ngọc, bác sĩ



Ngô Thế Vinh là một thầy thuốc, một bác sĩ y khoa. Nên dù là một nhà văn, nhà báo, nổi tiếng với nhiều tác phẩm, đặc biệt những cuốn sách viết về Mekong gần đây của anh, thì người ta vẫn thấy thấp thoáng bóng blouse trắng. Anh luôn nhìn con người như một tổng thể, thân tâm nhất như. Cho nên những bài viết của anh về các văn nghệ sĩ và các nhà văn hóa trong cuốn tuyển tập này luôn có những chi tiết, những góc nhìn của người thầy thuốc, lấp lánh tình người. Tài “chẩn đoán” của Ngô Thế Vinh hẳn là chính xác: một Võ Phiến “nhà văn lưu đày”, một Đinh Cường “đốn ngộ”...

Những ai từng đọc Võ Phiến, từng đọc “Đất nước quê hương’’ của ông với nào áo dài, bánh tráng, tô cháo, chén chè, rụp rụp... thì coi bộ khi phải rời xa những thứ quấn quít đó của quê nhà, Võ Phiến đã khốn khổ thế nào! Xưa từng có xóm có làng/ Bà con cô bác họ hàng gần xa/ Con trâu, con chó, con gà/ Đàn cò, lũ sẻ, đều là cố tri... rồi bây giờ: Thân tàn đất lạ chơi vơi/ Trông lên chỉ gặp bầu trời là quen. (Mộc Mạc, Võ Phiến).Một người như thế thì đúng là một kẻ bị lưu đày. Lưu đày tự trong tâm khảm. Cho nên Ngô Thế Vinh chính xác, chỉ cần với một dấu chứng (sign): ‘’... bữa ăn ở nhà ông bà Võ Phiến với bánh tráng thuần túy Bình Định nhúng nước, chấm nước mắm nhỉ chanh ớt đỏ au...” Rồi anh cho biết thêm: chanh, ớt đều hái ở vườn nhà, ngay tại Mỹ quốc!

Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

CẢM NGHĨ VỀ TUYỂN TẬP CHÂN DUNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT & VĂN HOÁ CỦA NGÔ THẾ VINH

Người đọc:
Bác Sĩ Hà Ngọc Thuần

1.
Bỗng nhiên tôi được Bạn Ngô Thế Vinh gửi tặng một món quà rất quý.

Một món quà thơm ngát tình quê và mặn nồng tình bạn.

Bỗng nhiên tôi thấy tôi đương ở nơi đất nước mình, đất nước Việt Nam yêu dấu. Tuy xa cách đã nhiều năm nhưng tôi không chút nào thấy xa lạ. Tôi thấy tôi đương dạo chơi trên đường phố Sài Gòn. Tuy xa cách đã nhiều năm nhưng không lạc lối. Tôi đương sống giữa những người Việt, với những người Việt, như tôi vẫn là người Việt. Và Bạn Ngô Thế Vinh đương ân cần chào đón, giới-thiệu tôi với những người Bạn trong giới văn học nghệ thuật. Có những người tôi chưa từng được quen biết. Có những người không quen, nhưng tên tuổi hay một vài tác phẩm tôi đã từng được nghe nói đến. Và có những người không quen nhưng tôi đã biết nhiều từ trước, trước ngày rời bỏ quê hương tiếp tục cuộc sống nhờ nơi đất khách.

Có lẽ tôi đang mơ, hay có lẽ tôi đang nằm mộng. Nhưng đây chẳng phải một giấc mơ hay một cuộc phiêu du tới miền mộng du, tới hỏa ngục tới luyện ngục rồi tới thiên đàng. Nếu có cuộc phiêu du trong mộng ấy có lẽ tôi chẳng thể đi đâu xa hơn là nơi hỏa ngục. Nhưng đây là cõi thật, là một cuộc viếng thăm những người Bạn của Ngô Thế Vinh, những người viết văn, làm thơ, vẽ tranh mà Ngô Thế Vinh đã cùng sống, cùng chia sẻ những tâm tư những hoài bão những vinh lụy trong năm mươi năm cuộc đời với văn nghiệp. Những người thuộc lớp trước, thuộc lớp sau, tất cả đã đem tâm huyết và tâm tình - có khi cả tâm sự riêng tư - để sáng tạo, cho người Việt Nam, cho tiếng Việt Nam, và cho nước Việt Nam.

Ngô Thế Vinh
và 18 Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá

PHAN TẤN HẢI
 

Ngô Thế Vinh là người viết rất cẩn trọng, và tôi là người đọc ông rất trân trọng. Chữ của Ngô Thế Vinh không phải từ những giấc mơ hiện ra, nhưng là từ nỗi lo sâu sắc cho dân tộc và từ những bước chân đi xa nhiều ngàn cây số bên dòng Cửu Long để viết lên hai tác phẩm biên khảo Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy SóngMekong Dòng Sông Nghẽn Mạch – nơi giữa những dòng chữ, độc giả có thể ngửi thấy mùi bùn non đồng ruộng chen lẫn với mồ hôi, nước mắt của đồng bào.

Và bây giờ là tuyển tập Ngô Thế Vinh viết về 18 người mà ông trực tiếp có giao tình, có hoạt động nghệ thuật một thời với họ, hay từng là môn sinh. Nơi đây chữ của ông kể lại nhiều thập niên từ quê nhà tới quê người, qua 18 người hoạt động văn học và văn hóa độc đáo, và họ là một phần những gì đẹp nhất của một thời VNCH. Trong đó, có những người đã lìa xa, nhưng không bao giờ trôi vào quá khứ --  như Võ Phiến, như Thanh Tâm Tuyền, như Mai Thảo, và tất cả -- vì tác phẩm của họ vẫn đang hiện ra trong các sắc màu bất tử của văn học dân tộc, chứ không chỉ riêng của Miền Nam VN.

Tác phẩm Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá (nơi đây, sẽ gọi tắt là Chân Dung) của Ngô Thế Vinh viết về: Mặc Đỗ, Như Phong, Võ Phiến, Linh Bảo, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn-Xuân Hoàng, Hoàng Ngọc Biên, Đinh Cường, Nghiêu Đề, Nguyên Khai, Cao Xuân Huy, Phùng Nguyễn, Phạm Biểu Tâm, Phạm Hoàng Hộ.

Trong đó, hai người cuối danh sách là 2 nhà khoa học, từng là thầy của Ngô Thế Vinh trong Đại Học Y Khoa.

Bạn có thể thắc mắc: danh sách các chân dung văn học nghệ thuật như thế là không đủ… Như vậy, còn thiếu Tạ Tỵ, Nguyễn Mộng Giác, Vũ Khắc Khoan, Cung Tiến, Doãn Quốc Sỹ, vân vân… Không phải đâu, họ vẫn bàng bạc hiện ra trong sách Ngô Thế Vinh. Bạn sẽ thấy tên của các nhà văn vừa nêu đó, và rất nhiều nhà văn khác hiện diện trong nhiều trang sách và cả hình ảnh. Như thế, Chân Dung có thể xem là một phần của văn học Miền Nam VN trước 1975, và một phần văn học hải ngoại.

Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

Ngô Thế Vinh: Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa

TRỊNH Y THƯ

 
1.
Văn học Việt Nam truyền thống không có bộ môn tiểu sử. Hay nói cho rõ hơn, không có những công trình dài hơi, thấu đáo, viết về chẳng những sự nghiệp mà cả thân thế đời sống riêng tư của các văn nghệ sĩ làm nên văn học sử nước nhà. Bên trời Tây, họ có truyền thồng này ngay từ thời Trung đại. Nhờ thế, qua Thayer, chúng ta biết những “Người tình bất tử” của Beethoven chẳng qua chỉ là sản phẩm tưởng tượng nằm bên trong khối óc âm nhạc kì vĩ nhất của nhân loại; và nhờ nữ sĩ Elizabeth Gaskell viết cuốn tiểu sử Charlotte Brontë chúng ta biết nhân vật Rochester trong cuốn tiểu thuyết kiệt tác Jane Eyre được xây dựng từ một hình tượng có thật, đó chính là ông thầy dạy học Charlotte thời bà còn là cô gái trẻ du học bên xứ Bỉ và cô nữ sinh trong trắng đem lòng yêu thầy mình, một người đàn ông đã có vợ. Hiểu biết tường tận hơn về con người cá thể của tác giả, các nhà nghiên cứu hai ba trăm năm sau có thêm trong tay cơ sở quy chiếu để đọc văn bản từ một góc độ độc lập nào đó, tâm lí học chẳng hạn, và rất có thể có cái nhìn phân tích thú vị và trung thực hơn về tác phẩm.
Trong khi đó bên ta, lúc hiệu khảo bộ Truyện Kiều, học giả Trần Trọng Kim chỉ có thể đưa ra một tiểu sử rất sơ lược về cụ Nguyễn Du, thậm chí cụ Nguyễn sinh tháng nào, cụ Trần cũng lúng túng, không biết tra cứu nơi đâu! Rồi đến thân thế nữ sĩ Cổ Nguyệt Đường Xuân Hương, cách đây khá lâu, chính xác là năm 1958, trên tạp chí Sáng Tạo, ông Lữ Hồ còn tỏ ý nghi hoặc về một bà Hồ Xuân Hương có thật!

Bước sang thời hiện đại, tình trạng thiếu sót ấy phần nào được bổ khuyết bởi những tác phẩm được viết dưới dạng “chân dung,” một tập hợp những phác thảo đại cương, thay vì một nghiên cứu chuyên sâu, về nhiều văn nghệ sĩ, mà cuốn mới nhất trình làng năm 2017 này chính là tuyển tập nhan đề Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa (CDVHNT&VH) [Viet Ecology Press xuất bản] do nhà văn Ngô Thế Vinh biên soạn.

Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

PRESS RELEASE



This well-researched anthology by author Ngo The Vinh is a literary historiography of South Vietnam during the 1954 – 1975 period, an era that is often considered a golden age of Vietnamese literature. The anthology profiles 16 writers and artists, and 2 outstanding educators, who had collectively made extraordinary contributions to the social, intellectual and cultural lives of South Vietnamese prior to 1975 and the Vietnamese diaspora community post 1975. Through this anthology, readers will get acquainted with the journey of life and work of those literary giants who have left their iconic marks in South Vietnam that had existed for merely two decades. This book by itself represents an important contribution to the long lasting preservation of the very essence of the South Vietnamese literature for future generations

Art Cover by Hoàng Ngọc Biên; Việt Ecology Press
ISBN 978-1976114472 color version: 978-1978108042 black & white version
Phát hành tháng 10, 2017
www.amazon.com,  Việt Ecology Press, and Bookstores
Email: vietecologypress@gmail.com
P.O. Box 3893, Seal Beach, CA 90740

THÔNG CÁO BÁO CHÍ




Đây là một công trình mang tính "hợp tuyển tác giả / anthology" vừa công phu vừa mang tính sử học của nhà văn Ngô Thế Vinh. Với chân dung mười sáu văn nghệ sĩ và hai nhà văn hóa được giới thiệu trong sách là những nhân vật lừng danh trong nền văn học miền Nam Việt Nam trước 1975 và ở hải ngoại sau này. Qua công trình này, bạn đọc sẽ "gặp" những khuôn mặt tiêu biểu, những người đã có những đóng góp mang tính định hình cho 20 năm văn học miền Nam 1954-1975. Công trình này, tự nó, là một đóng góp quan trọng và có ý nghĩa lâu dài nhằm gìn giữ những tinh hoa của văn học nghệ thuật miền Nam cho các thế hệ mai sau. 

Mẫu bìa Hoàng Ngọc Biên
Nxb Việt Ecology Press
ISBN ấn bản màu: 978-1976114472; đen trắng: 978-1978108042
Phát hành tháng 10, 2017
www.amazon.com, Việt Ecology Press, các hiệu sách
Liên lạc: vietecologypress@gmail.com
 P.O. Box 3893, Seal Beach, CA 90740

Điểm sách Tuyển tập chân dung văn học nghệ thuật & văn hóa của Ngô Thế Vinh

Nguyễn Văn Tuấn

Đây là một công trình mang tính anthology hay 'hợp tuyển tác giả' vừa công phu vừa mang tính sử của nhà văn Ngô Thế Vinh. Mười sáu văn nghệ sĩ và hai nhà văn hóa được giới thiệu trong sách là những nhân vật lừng danh trong nền văn học và văn hóa miền Nam trước 1975 và ở hải ngoại sau năm 1975. Qua công trình này, bạn đọc sẽ "gặp" những tác giả nổi tiếng, những người đã có những đóng góp mang tính định hình cho nền văn học miền Nam trước 1975. Công trình này, tự nó, là một đóng góp quan trọng và có ý nghĩa vào công việc lâu dài nhằm gìn giữ những tinh hoa của văn học nghệ thuật miền Nam cho các thế hệ mai sau.

Mặc dù nhà văn Ngô Thế Vinh sắp xếp tác giả theo năm sinh, nhưng tôi nghĩ cuộc đời, những tác phẩm, và hành trình sáng tác của các tác giả trong hợp tuyển này phác họa một trình tự khác. Đó là trình tự theo dòng lịch sử gồm 4 giai đoạn: bối cảnh văn học miền Nam trước 1975, tù đày, vượt biển, sống sót.

Về bối cảnh văn nghệ trước 1975, tôi chắc rằng cuốn sách của tác giả sẽ làm cho bạn đọc cảm thấy tiếc nuối cho một thời văn học được hình thành trong một chế độ chính trị chỉ tồn tại vỏn vẹn 20 năm. Đó là một môi trường văn học tự do, phóng khoáng và giàu tính nhân văn. Rất nhiều tác phẩm có giá trị cùng những quan điểm nhân sinh được giới thiệu, trình bày và quảng bá ngay trong những năm chiến tranh. Nhiều phong trào văn học nở rộ, như nhóm Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh, nhóm Quan Điểm của Mặc Đỗ,nhóm Sáng Tạo của Mai Thảo, nhóm Tiểu Thuyết Mới... Những phong trào văn học không chỉ cho ra đời những sáng tác để đời nhưng còn có những tác phẩm dịch thuật mà ngày nay chúng ta vẫn còn đọc. Nhà văn Võ Phiến nhận xét rằng "Trước và sau thời 1954 - 1975, không thấy ở nơi nào khác trên đất nước ta, văn học được phát triển trong tinh thần tự do và cởi mở như vậy." Nhiều người, kể cả người viết bài này, sống trong môi trường như thế không thấy trân quý nó cho đến khi đánh mất nó sau một cơn biến động lịch sử.