Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2018

NHỮNG CHÂN DUNG CỦA MỘT THỜI ĐÃ MẤT

Thi Phương



Ngô Thế Vinh là một tác giả đặc biệt, rất đặc biệt trong văn học Miền Nam - trước đây và cả ngày nay. Nhiều người đọc có thể đã biết ông từ những năm trước biến cố mất nước năm 1975. Ông là một bác sĩ quân y đặc biệt. Ông hẳn phải có một đam mê nung nấu ngút ngàn đối với việc cầm bút để ghi lại những gì mình thấy, những gì mình nghĩ về cuộc đời chung quanh mình. Về con người, về xã hội, về đất nước. Ngay từ khi còn là sinh viên, ông đã lao vào cái nghiệp dĩ rất hứng thú đến độ không thể bỏ được nhưng cũng lắm bạc bẽo khiến cho người cầm bút cũng phải nhiều khi nhún vai bâng khuâng. Những gì người thời đó - những năm tao loạn vì giặc giã và khủng bố, sự mê cuồng chính trị và tôn giáo, cùng sự có mặt của lính Mỹ trên đất nước - còn có thể nhớ lại là tạp chí Tình Thương của sinh viên y khoa, chỉ nội cái tên cũng nói lên sự khắc khoải mang tính thời đại của những người có con tim đứng trước số phận nghiệt ngã của người Việt đồng bào. Ngay cả những người không học trong ngành y khoa cũng biết rằng Tình Thương nói lên tâm nguyện “lương y như từ mẫu” của những người đang còn ngồi trên ghế nhà trường nghe giáo sư Phạm Biều Tâm diễn giảng. Và nếu nhìn lại những năm đó, chúng ta có thể giật mình khi nhận ra rằng Tình Thương là tờ báo sinh viên có một ý thức dấn thân rõ rệt, như lý tưởng của người chủ bút của nó, cho nên tiếng tăm đã lan ra khỏi phạm vi nhà trường.