Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

CON ĐƯỜNG SÁCH SÀI GÒN VÀ CÂU CHUYỆN ĐỐT SÁCH



Hình 1: Trên Đường Sách, cũng là đường mang tên Đức TGM Nguyễn Văn Bình (1910-1995), bên hông Bưu Điện, chạy dài từ Nhà Thờ Đức Bà tới đường Hai Bà Trưng, như một tụ điểm sinh hoạt văn hoá và du lịch, đang rộn rã không khí Giáng Sinh 2017 với ban nhạc Santa Claus có lẫn cả một ông Tây béo mập cao ngồng thổi kèn, vây quanh là tấp nập khách đi xem, chụp hình, ngồi tụ tập trong các quán cà phê sách, và một số thì tìm mua sách. Đường Sách Nguyễn Văn Bình ngày nay là hình ảnh một mini-đường sách Lê Lợi của hơn 40 năm trước. [Photo tư liệu Ngô Thế Vinh]  


CON ĐƯỜNG SÁCH LỊCH SỬ

Khởi từ ý tưởng của báo Tuổi Trẻ, ngày 15.10.2015, Sở Thông Tin và Truyền Thông Thành phố đã khởi công xây dựng con Đường Sách trên đường Nguyễn Văn Bình [là tên Đức TGM Nguyễn Văn Bình] phường Bến Nghé, Quận I TP. HCM. Đây là một con đường nhỏ nằm bên hông Bưu điện Thành phố, nối liền Nhà Thờ Đức Bà và đường Hai Bà Trưng nhưng có ưu điểm là nằm ngay trong khu vực trung tâm Thành phố, đây không chỉ là một không gian sinh hoạt văn hoá mà còn là một tụ điểm du lịch, là nơi thường xuyên có nhiều du khách ghé qua.

Sau gần 3 tháng thi công ngày 09.01.2016, Đường Sách chính thức được khai trương. Chỉ với con đường nhỏ chiều dài 144 m, lòng đường 8 m, hai bên vỉa hè rộng 6 m, với thiết kế một bên là 20 gian hàng sách, một bên là café sách và khu triển lãm. Hai đầu Đường Sách là hai bức tượng điêu khắc Cô gái bên trang sách và Suy ngẫm - hai tác phẩm được tuyển chọn từ Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM.
Ông Lê Hoàng khi còn làm Giám đốc Nxb Trẻ đã mơ ước có một không gian chỉ có sách và sách và ông là một trong những người đã đứng ra vận động cho việc hình thành con Đường Sách và sau đó trở thành giám đốc Công ty Đường Sách Thành phố. Đường Sách đã trở thành một không gian khá lý tưởng để các nhà xuất bản, nhà kinh doanh sách có cơ hội học hỏi chia sẻ những kinh nghiệm nghề nghiệp, và cả tiếp cận với giới bạn đọc. Đường Sách trở thành một không gian biểu tượng của văn hoá đọc, nơi gặp gỡ của những người yêu sách, cũng là điểm hẹn lý tưởng cho những người bạn trong và cả ngoài nước.

Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2018

CỐNG ĐẬP CHẶN MẶN GÂY RỐI LOẠN HỆ SINH THÁI VÀ NHỮNG CÁI GIÁ PHẢI TRẢ

Water, water, every where,
Nor any drop to drink.
Samuel Taylor Coleridge [1772-1834]  

Thế kỷ 21 của tỵ nạn môi sinh, đã có 2 triệu người
phải rời bỏ quê hương ĐBSCL ra đi tìm kế sinh nhai

NGÔ THẾ VINH
Gửi Nhóm Bạn Cửu Long

Hình 1: Hình ảnh một dòng sông đang chết dần; cũng để hiểu tại sao đã có 2 triệu người phải rời bỏ quê hương ĐBSCL đi tìm kế sinh nhai; từ phải: TS Lê Anh Tuấn, Th.S Nguyễn Hữu Thiện. [photo by Ngô Thế Vinh]

XỨ SỞ CÂY THỐT NỐT VÀ NGƯỜI KHMER HIỀN HOÀ

Tới An Giang, tới hai quận Tịnh Biên và Tri Tôn không thể không thấy hàng cây thốt nốt nổi bật trên những cánh đồng lúa xanh. Cây thốt nốt thuộc họ cau, tên khoa học Borassus flabellifer, có nhiều ở các nước Đông Nam Á. Cây thốt nốt sống cả trăm năm dài hơn tuổi thọ một đời người. Thân cây thẳng và cao tới 30 mét. Cây đực không trái, cây cái cho tới 60 trái mỗi cây. Trái thốt nốt có vỏ xanh đen, nhỏ hơn trái dừa bên trong có những múi trắng mềm, ngọt và mát. Hoa cây thốt nốt cho nước ngọt có vị thơm, có thể nấu thành đường, ngon hơn đường mía. Nếu Quảng Ngãi, quê Hương Nghiêu Đề bạn tôi, từng nổi tiếng về đường phổi, đường phèn thì An Giang, vùng Tịnh Biên Tri Tôn nổi tiếng với đường thốt nốt. Chè đậu xanh nấu với đường thốt nốt ngọt dịu và rất thơm ngon. Hình như tất cả mọi thành phần cây thốt nốt đều có công dụng: thân làm cột nhà, lá dùng lợp mái. Trong nền văn hóa cổ Khmer, các Chùa chiền còn lưu giữ được những văn bản viết trên lá cây thốt nốt. Cây thốt nốt cũng được xem như biểu tượng của xứ Chùa Tháp. [Hình 2]

Hình 2: Hàng cây thốt nốt đứng soi bóng bên hồ nơi khu đền đài Angkor;
cây thốt nốt được xem như biểu tượng của xứ Chùa Tháp. [tư liệu Ngô Thế Vinh]  

Khắp xứ Chùa Tháp xuống tới Đồng Bằng Sông Cửu Long, đi đâu cũng chỉ gặp những người dân Khmer hiền hòa, và rồi không thể nào hiểu được những gì đã xảy ra giữa họ và những người Việt trong quá khứ. Chỉ có thể giải thích họ là một đám đông nạn nhân của những khích động thù hận mà động cơ là những mưu đồ chánh trị đen tối.

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

Ngô Thế Vinh viết Vòng Đai Xanh: Giữa Núi Rừng Bất An

PHAN TẤN HẢI

Nhà văn Ngô Thế Vinh đã viết cuốn tiểu thuyết Vòng Đai Xanh bằng tấm lòng ưu tư với dân tộc. Trên các trang giấy, chúng ta đọc được nỗi lo của ông bên cạnh những âm vang cồng chiêng của các sắc dân Thượng, xen lẫn gần xa là tiếng súng giao chiến giữa AK-47 và M-16.

Tiểu thuyết Vòng Đai Xanh, mẫu bìa Nghiêu Đề, Nxb Thái Độ Saigon 1971, Nxb Văn Học Hoa Kỳ tái bản 2018

Nơi đó, hiện lên trong các dòng chữ cũng là nỗi lo của giới trí thức Sài Gòn (điển hình với nhân vật chính là họa sĩ tên Triết, xưng tôi) khi nhìn thấy 60 trại lính Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ (LLĐB Hoa Kỳ) trên vùng biên giới cao nguyên Việt Nam có thể tương lai sẽ trở thành một cõi quốc gia tân lập của người Thượng, một đất nước mới manh nha cho các sắc dân thiểu số vùng cao có tên gợi ý là Đông Sơn và viễn ảnh một cuộc chiến mới sẽ bùng nổ giữa dân tộc Kinh và các sắc tộc Thượng – nơi đó, ngòi nổ sẽ bị kích hỏa, hoặc là do chính người Mỹ hay do chính Cộng Sản Bắc Việt gây ra, hay do cả hai cùng bật lên.

Trong tiểu thuyết Vòng Đai Xanh, độc giả có thể thấy phần hư cấu gắn liền với sự thực lịch sử. Nghĩa là, có thể đọc như một cuốn sách biên khảo về Cuộc Nội Chiến Quốc-Cộng trên vùng cao nguyên, nơi đó phía Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) được lính LLĐB Hoa Kỳ hỗ trợ, và nhiều khi phía Mỹ nắm phần chủ lực khi trực tiếp huấn luyện dân quân người Thượng.