Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2018

ĐI TÌM BỨC TƯỢNG MẸ VÀ CON MỘT TÁC PHẨM BỊ LÃNG QUÊN CỦA MAI CHỬNG Ở HẢI NGOẠI

Để tưởng nhớ Mai Chửng, điêu khắc gia
tượng đài Bông Lúa 1970 và tượng Mầm 1974 

NGÔ THẾ VINH



  Hình 1: Chân dung Mai Chửng, bên một tác phẩm điêu khắc. [tư liệu Huỳnh Hữu Uỷ]


TỪ CỬA TRẦN ĐỀ TỚI TƯỢNG ĐÀI BÔNG LÚA

Từ con Kênh Vĩnh Tế biên giới Việt Miên tới Cửa Trần Đề, có thể nói chúng tôi đã đi gần suốt chiều dài con Sông Hậu.

"Chúng tôi đang đứng ở mút cuối con Sông Hậu, nhìn từng đợt sóng vỗ vẫn còn màu nâu nhạt của phù sa nơi cửa Trần Đề, khúc sông trải rộng để chan hoà vào biển cả; bao nhiêu cảm xúc tràn về, như một flashback, chợt nhớ lại hơn một lần qua Long Xuyên, nơi có tượng đài Bông Lúa của Mai Chửng, một cố tri và cũng là một tên tuổi lớn trong lãnh vực điêu khắc của Miền Nam". Tượng đài Bông Lúa biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp, là tác phẩm đồ sộ bằng đồng lá đã được dựng tại thị xã Long Xuyên (1970), một tỉnh lỵ Miền Tây. Một bó lúa vươn lên ngất trời được Đinh Cường thêm vào mấy chữ mô tả thực đẹp: “Phơi phới của mùa lúa con gái...” Sau 1975, cùng với chiến dịch đốt sách, tượng đài Bông Lúa ấy đã bị cộng sản phá sập, quả không phải là một "điềm lành" cho tương lai nền Văn Minh Lúa Gạo và cả hậu vận của toàn vùng Sông Nước Cửu Long." (1,3)
Hình 2: trái, Tượng đài Bông Lúa Con Gái 1970 bằng đồng lá, một tác phẩm nghệ thuật lớn của điêu khắc gia Mai Chửng; [tài liệu Hội Hoạ Sĩ Trẻ 1966-1975]; phải, Mai Chửng đang dựng tượng đài Bông Lúa ở Long Xuyên. [tư liệu Huỳnh Hữu Uỷ]  

Hình 3: trái, Mai Chửng đứng bên công trình tượng đài Bông Lúa cao 18 m đang xây cất tại Long Xuyên ĐBSCL; phải, toàn cảnh pho tượng Bông Lúa tại Công viên Trưng Vương, thị xã Long Xuyên 1970. Chỉ 5 năm sau, sau 30 tháng 4, 1975 tượng đài Bông Lúa ấy đã bị cộng sản phá sập, quả không phải là một "điềm lành". [nguồn: sưu tập Dương Văn Chung, Thatsonchaudoc.com]