Dẫn Nhập _Các dân tộc sống trên lục địa Châu Á ở hạ lưu các dòng sông từ Tây Tạng và Trung Quốc chảy xuống, trên 1,6 tỉ người này đã phải gánh chịu hết cả thiệt hại kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp và môi trường các hạ vực đã bị thoái hóa dần dần suốt nhiều thập niên qua trong khi Trung Quốc hưởng hết ích lợi nhờ thủy điện vì trên thượng nguồn họ xây hàng trăm con đập, tàng trữ hàng trăm tỉ mét khối nước, giam hãm 90% phù sa và thay đổi toàn diện dòng chảy môi sinh trên toàn lưu vực. Nhưng tham vọng Trung Quốc chưa dừng lại, Trung Quốc đã bắt đầu xây một đại công trình mang tên Sông Cờ Đỏ, dài trên 6.180 km để hàng năm chuyển dòng lấy 60 tỉ mét khối nước ngay từ nguồn không cho xuống hạ lưu sông Mekong, Salween và Brahmaputra. Sông Cờ Đỏ của Trung Quốc là một mối đe doạ tiềm tàng to lớn, với khả năng gây ra tội ác cho nhân loại – imminent threat to humanity. Trung Quốc tránh không ký bất cứ một hiệp ước hợp tác sông ngòi quốc tế nào, để họ đơn phương thực hiện những tham vọng của mình. Không một siêu cường nào trên thế giới ngạo mạn khai thác dòng nước bất chấp cuộc sống của bao nhiêu triệu cư dân hạ lưu như thế. Việt Ecology Foundation
Bắc Kinh có khả năng dùng “vũ khí nước” như một đòn ngoại giao bắt 25% dân số thế giới làm con tin / holding hostage. Khác với những hồ chứa đập thuỷ điện, vừa giữ nước vừa xả nước, Sông Cờ Đỏ là một chiến lược đổi dòng lấy nước – có nghĩa là 100% lượng nước này sẽ bị mất đi – không bao giờ được đền bù, đối với các quốc gia hạ nguồn. [1]