Trước và sau thời 1954-75 ở Miền Nam, không thấy ở nơi nào khác
trên đất nước ta, văn học được phát triển trong tinh thần tự do và cởi mở như vậy.
[Võ Phiến nói chuyện với Đặng Tiến 28-10-1998]
*
Có thể nói Võ Phiến là
một trong số các tác giả được viết và nhắc tới nhiều nhất. Trước khi quen biết nhà
văn Võ Phiến, tôi đã rất thân quen với những nhân vật tiểu thuyết của ông như
anh Ba Thê đồng thời, anh Bốn thôi, ông Năm tản, ông tú Từ lâm, chị Bốn chìa
vôi từ các tác phẩm Giã từ, Lại Thư nhà, Một mình...
Rồi qua người bạn tấm
cám Nghiêu Đề, qua toà soạn Bách Khoa, tôi quen ông từ những năm trước 1960 cho
tới khi ra hải ngoại về sau này.
Võ
Phiến Bắt Trẻ Đồng Xanh
Võ Phiến viết Bắt Trẻ Đồng Xanh, đăng trên Bách Khoa tháng
10 năm 1968, tựa đề từ cuốn sách dịch của Phùng Khánh Phùng Thăng The Catcher in the Rye của nhà văn Mỹ
J.D. Salinger, nhưng nội dung bài viết thì lại nói về kế hoạch cộng sản miền Bắc
đưa trẻ em từ trong Nam ra Bắc huấn luyện rồi sau đó đưa trở về miền Nam. Cộng
sản cũng đã làm như vậy sau khi ký hiệp định Geneve 1954. Võ Phiến viết:
“…trong giai đoạn ác liệt
sau cùng của chiến cuộc tại miền Nam này, nếu không vì lý do quan trọng, đảng
và nhà nước cộng sản nhất định không bao giờ khổ công gom góp thiếu nhi ở đây
đưa ra Bắc, trải qua bao nhiêu gian nan khó nhọc… họ đang ra sức thực hiện một
kế hoạch bắt trẻ qui mô trên một phạm vi hết sức rộng lớn: đồng loạt người ta
phát giác ra trẻ em bị bắt ở khắp nơi từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Pleiku, Kontum,
đến Mỹ Tho, Cà Mau, người ta gặp những toán trẻ em chuyển ra Bắc Việt bằng phi
cơ từ Cam Bốt, hoặc bị dẫn đi lũ lượt trên đường mòn Hồ Chí Minh…”
“Hỡi các em bé của đồng bằng
Nam Việt xanh ngát bị bắt đưa đi, từng hàng từng lớp nối nhau dìu nhau ra núi rừng
Việt Bắc! Riêng về phần mình, các em đã chịu côi cút ngay từ lúc này; còn đất
nước thì sẽ vì những chuyến ra đi của các em mà lâm vào cảnh đau thương bất tận.
Tai hoạ xẩy đến cho các em cũng là tai họa về sau cho xứ sở.”(Võ Phiến, Bắt Trẻ
Đồng Xanh, Bách Khoa 10/1968)
Bắt Trẻ Đồng Xanh hoàn toàn không phải là tuỳ bút hay
truyện ngắn mà là một bài chính luận, một bạch thư tố cáo dã tâm của người cộng
sản Việt Nam, chưa bao giờ thực sự muốn có hoà bình, nếu có hoà đàm thì đó chỉ
là bước hoãn binh chiến lược, họ vẫn chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh khác. Bài
viết như một tiên tri, một báo động đã thực sự gây chấn động dư luận bên trong
cũng như ngoài nước, với cái giá Võ Phiến phải trả là bị Việt Cộng lên án, và cả
hăm doạ tính mạng tiếp sau cái chết của ký giả Từ Chung tổng thư ký báo Chính
Luận, do bị đặc công CSVN ám sát. Theo Lê Tất Điều, đã có lúc Võ Phiến nghĩ tới
tạm lánh xuống vùng Hoà Hảo, một khu được coi là miễn nhiễm với mọi xâm nhập của
cộng sản. Đó cũng là lý do tại sao, Võ Phiến có thời gian làm giáo sư văn
chương trường Đại học Hoà Hảo, Long Xuyên. Trong nghịch cảnh cũng có cái may, nơi
đây anh quen một đồng nghiệp trẻ Đỗ Văn Gia, lúc đó cũng đang dạy bộ môn Triết
học Đông phương. Sau này ra hải ngoại, chính anh Đỗ Văn Gia trong thời gian làm
giảng viên văn học và ngôn ngữ Việt Nam tại Đại học Cornell từ 1982, đã giúp
nhà văn Võ
Phiến rất nhiều tư liệu ban đầu để có thể hoàn tất bộ Văn Học Miền Nam.
Bánh
tráng xứ Nẫu trên đất Mỹ
Từ thập
niên 1980, lúc đó hai anh chị Võ Phiến đều là công chức quận hạt Los Angeles, ngôi
nhà số 5621 Baltimore St. Highland Park là nơi Võ Phiến đã sống quãng thời gian
23 năm. Nhà có vườn rộng đủ loại cây trái chanh cam bưởi, nhiều nhất là những
cây hồng giòn sai trái nặng trĩu cành, có cả bức tượng bán thân của Võ Phiến,
tác phẩm điêu khắc của Ưu Đàm, con trai của hoạ sĩ Rừng. Trong nhà, ngoài những
kệ sách, không có tượng Phật hay tượng Chúa, chỉ có đơn giản một bàn thờ nhỏ cúng
gia tiên. Cũng nơi đây, Võ Phiến đã viết một số những tác phẩm tại hải ngoại: bộ
Văn Học Miền Nam, Thư Gửi Bạn, Nguyên Vẹn, Truyện Thật Ngắn, Đối Thoại...
Những lần tới thăm anh Võ Phiến, thường là thứ Bảy
cuối tuần vì khách cũng như chủ nhà còn ở tuổi lao động đi làm. Khách thăm thường
đi theo nhóm. Khi thì với Nguyễn Mộng Giác và anh Từ Mẫn Võ Thắng Tiết, khi thì
với Tạ Chí Đại Trường, Thạch Hãn Lê Thọ Giáo; khi thì với anh chị Trần Huy
Bích, chị Bích thì rất thân thiết với chị Võ Phiến.
Trùng Dương từng gọi chị Võ Phiến là "người đàn bà đằng sau bộ Văn Học Miền
Nam 1954-75." Nhưng tưởng cũng nên ghi nhận thêm ở đây, một số khuôn mặt
bằng hữu khác đã cung cấp các bộ sách tiếng Việt giai đoạn 1954-75 từ các thư
viện Đại học Pháp, Mỹ giúp anh Võ Phiến tư liệu để có thể hoàn tất bộ Văn Học
Miền Nam. Như Đặng Tiến từ Âu châu, Trần Huy Bích qua liên thư viện Đại học
UCLA, Đỗ Văn Gia từ Đại
học Cornell, hoạ sĩ Võ Đình và trước đó từ 1983, học giả Huỳnh Sanh
Thông từ Đại học Yale (dịch giả The Tale of Kiều), là người giới thiệu Võ Phiến
xin được grant/ trợ cấp từ Chương Trình Nghiên Cứu Đông Dương thuộc
Uỷ Ban Nghiên Cứu Khoa Học Xã Hội Hoa Kỳ (Indochina Studies Program,
Social Science Research Council).
Từ trái: Huỳnh Sanh Thông (1926-2008),
Đỗ Văn Gia (1946-1992), Từ Mai Trần
Huy Bích
Và khách tới thăm thường
ở lại ăn trưa với anh chị Võ Phiến. Bữa ăn gia đình do chị Võ Phiến chăm sóc,
đôi khi có thêm một hai món khách đem tới. Cho đến nay, có một món chị Võ Phiến
cho ăn không thể nào quên, đó là bánh tráng thuần túy Bình Định nhúng nước, chấm
với nước mắm chanh ớt. Chanh thì có sẵn trên cây, chén nước mắm nhĩ đỏ au những
lát ớt cũng hái từ vườn nhà. Món ăn giản dị và lạ miệng như vậy mà ai cũng lấy
làm ngon, và khách cảm thấy ngon hơn nữa khi chủ nhà dí dỏm liên hệ món bánh
tráng xứ Nẫu tới chiến thắng của vua Quang Trung, bánh tráng đã được dùng như
lương khô trong cuộc hành quân thần tốc từ Nghệ An tiến ra Thăng Long dẹp tan
20 vạn quân Thanh.
Nói
chuyện với Đặng Tiến 1998
Ngày 11-04-98 anh Võ
Phiến đã gửi cho tôi bản photocopy 3 trang viết tay bài nói chuyện với Đặng Tiến
kèm theo ít dòng ghi chú: "Thưa anh,
đây là bản soạn, không phải nguyên văn lời nói. Khi nói có lời Đặng Tiến xen
vào đôi chỗ. Theo lẽ thì phát thanh vào 28-10-1998. Không biết rồi có đúng vậy
không." Thân, Võ Phiến
Đặng Tiến bút hiệu Nam Chi, cây bút phê
bình văn học từ cuối thập niên 1950, là "bạn cựu" của nhà văn Võ Phiến
[bạn cựu là chữ của Võ Phiến để chỉ những cố tri], Đặng Tiến với Võ Phiến như
Bá Nha Tử Kỳ, Đặng Tiến liên tục theo dõi và rất tâm đắc với những thành tựu
văn học của Võ Phiến rất sớm từ 1954 tới mãi về sau này, và cũng đã có rất nhiều
bài phê bình điểm sách của Võ Phiến.
Riêng tôi, không được nghe buổi phát
thanh ấy, nhưng nếu có thì nội dung chắc sẽ không khác với bản gốc viết tay của
anh Võ Phiến. Qua anh Phạm Phú Minh, eMail liên lạc với Đặng Tiến hiện ở Pháp,
anh trả lời là hoàn toàn không nhớ. Tôi không ngạc nhiên vì cũng đã 17 năm qua rồi.
Tiếp đó tôi gửi phóng ảnh 3 trang viết tay của Võ Phiến buổi nói chuyện với Đặng
Tiến, với hy vọng anh ấy có thể sẽ nhớ ra và cho tôi biết thêm chi tiết. Nhưng
rồi ba ngày sau cũng vẫn Đặng Tiến trả lời:
"Gửi NTV: Tôi không nhớ ra, sẽ moi trí nhớ trả
lời anh sau. Giữ liên lạc. ĐT"
Với anh Võ Phiến, câu chuyện 17 năm trước
thì không hy vọng gì anh còn nhớ, tôi vẫn ghi lại đây nội dung buổi nói chuyện rất
ngắn ấy, với 3 trang viết tay [chỉ có 938 chữ] như một chút tư liệu văn học, có
giá trị như một Tổng Quan về Văn học Miền Nam giai đoạn 1954-75.
Thưa anh [Đặng Tiến],
"Cuối
thời tiền chiến, ông Vũ Ngọc Phan kiểm điểm một thời kỳ văn học 30 năm của Việt
Nam. Trong mọi bộ môn sáng tác bằng văn xuôi ông chỉ đếm được ba người ở Nam phần
và Trung phần (VP ghi chú thêm bằng bút chì bên lề: Hồ Biểu Chánh, Thanh Tịnh,
Nguyễn Vỹ). Tất cả đều viết truyện. Về bộ môn kịch, ký, tuỳ bút... không có ai
cả.
Hình từ trái: nhà
văn Võ Phiến và Đặng Tiến
[nguồn: internet]
Cuối
thời 1954-75, ông Cao Huy Khanh kiểm điểm riêng về bộ môn tiểu thuyết trong 20
năm ở Miền Nam. Ông bảo số người viết truyện xấp xỉ 200; trong số ấy trên dưới
60 người có giá trị. Giả sử có ai ngờ vực Cao Huy Khanh quá nặng tình bè bạn,
và ai đó hạ số ước lượng xuống còn một nửa - tức 30 tiểu thuyết gia thì 20 năm
này cũng gấp 10 lần 30 năm trước. Ấy là chưa kể đến những tuỳ bút gia, kịch tác
gia của thời kỳ sau.
Về
mặt khác, hồi tiền chiến ở Trung phần - từ Phú Yên vào đến Bình Thuận - chưa có
nhà văn nhà thơ nổi tiếng; và ở khắp các tỉnh Nam phần - ngoài ông bà Đông Hồ
ra - cũng chưa thấy vị nào tiếng tăm rộng rãi trên văn đàn. Nói vậy là căn cứ
theo ông Vũ Ngọc Phan và Hoài Thanh.
Thế
rồi trong khoảng 20 năm sau 1954 lần lượt xuất hiện những văn thi sĩ tên tuổi ở
Phú Yên (VP ghi chú thêm: Võ Hồng), ở Ninh Thuận Bình Thuận (VP ghi: Nguyễn Bắc
Sơn, Nguyễn Đức Sơn), ở Cà Mau (VP ghi: Sơn Nam), Long Xuyên (VP ghi: Nguyễn Hiến
Lê), ở Gia Định (VP ghi: Tô Thuỳ Yên), Vĩnh Long (VP ghi: Nguyễn Thị Thuỵ Vũ),
Sóc Trăng (VP ghi: Vương Hồng Sển)... Số văn nhân thi sĩ tăng cao chừng ấy, địa
bàn văn học nghệ thuật mở rộng đến chừng ấy, như vậy là một đóng góp.
*
Một
đóng góp khác là cái tinh thần tự do, phóng khoáng của thời kỳ văn học này. Thiên
hạ nói nhiều về sự đàn áp tinh thần trong những thời ngoại thuộc: hoặc thuộc Tàu,
hoặc thuộc Tây. Thực ra, không cứ những thời ấy, ngay lúc nước nhà độc lập, các
chế độ quân chủ phong kiến hay chế độ dân chủ cộng hoà ở ta cũng không dung thứ
thái độ khích bác nhà cầm quyền. Ngay khi độc lập dân chủ, vẫn thường chỉ có một
cái tự do được ban phát rộng rãi, là tự do ca ngợi bề trên.
Ở
Miền Nam Việt Nam thời 1954-75, giữa hoàn cảnh chiến tranh, đã phát triển một nền
văn nghệ khác hẳn. Trên sách báo tha hồ nở rộ những nụ cười sảng khoái, công
kích điều sai chuyện quấy, đùa riễu những phần tử xấu xa. Phần tử ấy không thuộc
hạng Lý Toét Xã Xệ. Không hề có nhân vật nào thấp bé như thế bị bêu riếu trong
thời kỳ này. Nạn nhân là từ hạng những tay cầm đầu một tỉnh cho đến các vị cầm
đầu cả nước. Tiếng cười cợt ngang nhiên, hể hả, râm ran khắp cùng trên mặt sách
báo...
Mặt
khác, mọi quan niệm nhân sinh, mọi tín ngưỡng, hay có dở có, cao thâm có mà
ngông cuồng gàn dở cũng có nữa, tha hồ được tìm hiểu, trình bày, quảng bá.
Trước
và sau thời 1954-75 ở Miền Nam, không thấy ở nơi nào khác trên đất nước ta, văn
học được phát triển trong tinh thần tự do và cởi mở như vậy.
*
Sau
tính cởi mở tự do, chúng ta có thể chú ý đến một đóng góp nữa. Tôi muốn nói về
hiện tượng suy tưởng triết lý ở Miền Nam trong thời kỳ 1954-75. Đến cuối thời
tiền chiến, tiểu thuyết ở ta đã có trên dưới mười loại, trong đó có những loại
tâm lý, loại luân lý, nhưng khuynh hướng triết lý thì bấy giờ chưa có trong tiểu
thuyết. Qua thời kỳ 1954-75 ở Miền Nam Việt Nam các băn khoăn triết lý xuất hiện
đồng loạt trên nhiều địa hạt sáng tác: trong tiểu thuyết, trong thi ca, trong kịch
bản, trong tuỳ bút. Có lúc triết lý tràn lan như một món thời thượng; và nó bị
chế giễu.
Thủ
bút Võ Phiến,
bản
soạn bài nói chuyện với Đặng Tiến, tháng 10, 1998
Tuy
vậy nó đã đến đúng lúc, hợp hoàn cảnh. Dân tộc đang chết hàng triệu người vì sự
bất đồng ý thức hệ, bất đồng quan niệm sống. Vào lúc ấy sao có thể không suy
nghĩ về lẽ sống, sao có thể điềm nhiên phó thác tất cả cho lãnh đạo? Mặt khác,
lúc bấy giờ cũng là lúc nhiều trào lưu tư tưởng mới đang gây xáo động lớn ở Tây
Phương, phản ứng ở Miền Nam chứng tỏ chúng ta có một tầng lớp trí thức nhạy
bén, có cuộc sống tinh thần sinh động.
*
Nền
văn học 1954-75 ở Miền Nam Việt Nam trong thời gian qua bị ém giấu, xuyên tạc.
Nó gặp một chủ trương huỷ hoại, gặp những bỉ báng hồ đồ. Nó chưa được mấy ai
lưu tâm tìm hiểu, phán đoán cách đứng đắn, tử tế. Những điều tôi vừa nêu ra chắc
chắn còn thiếu, còn sai còn cạn cợt. Việc đánh giá nền văn học ấy gần như chưa
được bắt đầu nghiêm chỉnh.
[Xin chào anh Đặng Tiến. Xin chào quí vị
thính giả.] Võ Phiến, 10-1998
Bộ
Văn Học Miền Nam 1954-75
Khi Võ Phiến nói chuyện với Đặng Tiến là
vào thời điểm tháng 10 năm 1998, chỉ một năm trước khi Võ Phiến hoàn tất toàn tập
bộ Văn Học Miền Nam [với tập I là Văn Học
Miền Nam Tổng Quan xuất bản 1986 và tập cuối cùng là Bút Ký Kịch Miền
Nam, xuất bản 1999]. Tưởng
cũng cần lưu ý câu phát biểu cuối của nhà văn Võ Phiến: "Việc đánh giá nền văn học ấy gần như chưa được bắt đầu nghiêm chỉnh."
Như vậy có thể nói, cho dù Võ Phiến đã
phải lao động bền bỉ suốt 15 năm [1984-1999] để hoàn tất bộ sách Văn Học Miền
Nam nhưng chính ông chưa hề tự coi đó là một công trình hoàn hảo nên vẫn ao ước
việc đánh giá nền văn học 1954-75 cần được bắt đầu nghiêm chỉnh.
Cho dù bộ sách Văn Học Miền Nam của Võ
Phiến có những hạn chế đưa tới nhiều tranh cãi khá gay gắt. Người ta đã nặng lời
trách ông về những phần thiếu sót trong bộ sách ấy: như khi ông đã gạt một số
tên tuổi văn học của thời kỳ 1954-75 ra khỏi bộ Văn Học Miền Nam Tổng Quan, rồi
cả cách ông phê bình các nhà văn, nhà thơ được ông chọn đưa vào sách cũng bị
ông sử dụng cái sở trường văn phong tuỳ bút/ nay thành sở đoản để châm biếm mỉa
mai cá nhân với nhiều thiên lệch.
Nhà văn Mặc Đỗ nhóm Quan Điểm thì thật sự
bất bình, Mai Thảo nhóm Sáng Tạo trong lần trò chuyện cuối cùng với Thuỵ Khuê 07/ 1997 cũng không kềm được cảm
xúc nói tới "bọn vua Lê chúa Trịnh",
và nói thẳng: "Võ Phiến cũng có chỗ được chỗ không được.
Đại khái như phê bình văn học, đối với tôi thì không được. Văn Học Miền Nam tổng quan đó thì
không được. Thơ dở. Tạp văn hay." (2)
Nhưng khách quan mà
nói, ngòi bút Võ Phiến cũng không thiếu phần tự trào, và cả châm biếm bản thân
mình. Khi trả lời phỏng vấn Lê Quỳnh Mai trong chương trình Văn học Nghệ thuật
đài TNVN Montréal 29-10-2000, nhà văn Võ Phiến đã không ngại khi ví mình như một
Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng: "Nói
tới sự may mắn, chắc chị còn nhớ tới Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, nếu tôi có được
một số độc giả chú ý, chẳng qua cũng như anh chàng Xuân Tóc Đỏ trong truyện ấy
thôi." (4)
Bản thân Võ Phiến cũng đã biết rất rõ phản
ứng của giới cầm bút về bộ sách Văn Học Miền Nam. Trong thư nhà văn Võ Phiến gửi
Lê Thị Huệ Gió-O ngày 16/02/2001:
"Anh
chị em cầm bút thời 1954-75 ở Miền Nam, nhiều người phiền trách tôi về bộ sách
này lắm. Tôi chịu trận thôi. Viết mà cốt cho ai cũng… thương (!) thì thành ra
cái quái gì." (3)
Nếu độc giả bình tâm đọc lại Lời Nói Đầu
của cuốn Văn Học Miền Nam Tổng Quan, Võ Phiến đã bàn qua về "lý do biên soạn cuốn sách đầy những
lôi thôi thiếu sót này." [sic]
Ông đã giải thích rất rõ:
"Trước
hết mình không phải là một nhà phê bình nhà biên khảo gì ráo mà tự dưng xông ra
làm công việc biên khảo phê bình là chuyện không nên. Hơn nữa hoàn cảnh thật là
khó: xung quanh không có tài liệu mà mình thì không có điều kiện để đi tìm tài
liệu, lấy gì tham khảo?"
Ông cũng tiên đoán được cả những hệ luỵ
như: " viết cái gì có liên quan đến
kẻ khác, có chê khen người nọ người kia mà viết qua quýt thì bị mắng mỏ xỉa xói
tưng bừng là cái chắc."
Cân
nhắc như vậy, nhưng ông vẫn viết tiếp:
"
Ấy vậy mà nghĩ đi nghĩ lại chán chê rồi tôi lại quyết định cứ viết cuốn sách
này. Trước hết là vì chỗ nặng tình với một thời kỳ văn học kém may mắn. Thật vậy,
thời kỳ 1954-75 gặp cái rủi ro hiếm thấy, là trong suốt hai mươi năm trời không
có được lấy một nhà phê bình chuyên nghiệp. Nhưng trước khi có sự công bình, sự
sáng suốt, hãy chỉ mong được chút lưu tâm...
Thời
kỳ 1954-75: câu chuyện hủy diệt văn hóa phẩm Miền Nam từ 1975 đến nay không ai
là không biết. Ta đã không thể ngăn chận được việc phá hủy, không thể bảo tồn
được cái thành tích văn học nọ, thì ngay lúc này cũng nên có một tổng kết, một
kiểm điểm sơ lược, để về sau những ai lưu tâm còn có chút căn cứ sưu khảo.
Không thế, sao đành?"
Bìa Văn Học Miền Nam Tổng
Quan, Nxb Văn Nghệ, California 1986
Vì chỗ "nặng tình với một thời kỳ văn học kém
may mắn... rốt cuộc đành miễn cưỡng viết cuốn sách này trong những điều kiện rất
không nên viết. Viết như là một sơ thảo, một bản nháp, một gợi ý, nhắc nhở, một
cách nêu vấn đề, để sau này những người có đầy đủ tư cách và điều kiện sẽ viết
lại một cuốn xứng đáng." (1)
Biết thiếu sót, biết trước có những hạn chế
nhưng chính Võ Phiến, trái với bản chất thâm trầm và thận trọng cố hữu, Võ Phiến
vẫn liều lĩnh - như một "risk
taker", ẩn nhẫn làm một công việc tốn rất nhiều công sức và cả nhiều rủi
ro như thế. Tưởng cũng nên ghi nhận ở đây, trong suốt hơn 15 năm từng bước hoàn
thành công trình Văn Học Miền Nam với hơn ba ngàn trang sách ấy, Võ Phiến vẫn đang
là một công chức sở Hưu bổng làm việc full
time cho quận hạt Los Angeles, như vậy là ông đã phải làm việc ngoài giờ và
những ngày cuối tuần. Võ Phiến về hưu tháng 7 năm 1994, ông tiếp tục viết thêm
5 năm nữa để hoàn tất toàn bộ Văn Học Miền Nam 1999. Nếu không có hùng tâm, với
công sức của một cá nhân khó có thể làm được như vậy.
Nhưng để rồi khi viết xong, chính Võ Phiến
không khỏi ngẩn ngơ tự hỏi: "Cái
đã viết ra đó là cái gì vậy? Là lịch sử hai mươi năm văn học Miền Nam chăng? Là
kiểm điểm phê bình nền văn học Miền Nam chăng? 3/4 Rõ ràng nó không xứng đáng
là lịch sử, là phê bình gì cả. Nó không có cái tầm tổng hợp rộng rãi, nó thiếu
công phu suy tìm và phân tích đến nơi đến chốn về bất cứ môn loại nào khuynh hướng
nào. Chẳng qua chỉ có những nhận xét rất khái lược, liên quan đến nền văn học
và các văn gia một thời mà thôi." (1)
Bao nhiêu phê phán từ trong và ngoài giới
văn học đối với công trình Văn Học Miền
Nam 1954-75 của Võ Phiến, thực ra cũng không có nghiêm khắc hơn phần "tự kiểm" của chính Võ Phiến
trong Lời Nói Đầu, Văn Học Miền Nam Tổng
Quan tập 1.
Công trình nghiên cứu của Võ Phiến cần
được đánh giá đúng vào giai đoạn thập niên đầu ngay sau 1975 với hoàn cảnh ra đời
của nó: khi mà trong nước có cả một sách lược huỷ diệt toàn diện, xoá sổ nền
văn học Miền Nam 20 năm ấy, công trình của Võ Phiến như một nỗ lực sưu tập và cứu
vãn/ rescue mission, nên xem như một
khởi đầu đáng được trân trọng.
Ai cũng hiểu bộ sách Văn Học Miền Nam "không chuyên nghiệp" của Võ
Phiến sẽ không bao giờ là bộ sách phê bình văn học duy nhất hay cuối cùng,
nhưng đó là một bước tạo thuận/ facilitation
khởi đầu, một roadmap dẫn tới cả một
khối tài liệu đồ sộ để tham khảo, nó như một giàn phóng cho những công trình
hoàn chỉnh kế tiếp. Đây chính là phần trách nhiệm và nghiệp vụ của giới phê
bình chuyên nghiệp, họ cần có hùng tâm để "bắt
đầu nghiêm chỉnh" việc đánh giá nền văn học 1954-75 bằng những tác phẩm
xứng đáng thay vì cứ mãi xoáy nhìn vào "nửa
phần vơi" của bộ sách Võ Phiến.
Một câu hỏi được đặt ra: ai trong chúng
ta có thể "bắt đầu nghiêm chỉnh" một công trình nghiên cứu như vậy? Một
câu hỏi tiếp theo: ai sẽ thừa kế kho tư liệu phong phú mà anh Võ Phiến có được
trước khi rơi vào quên lãng?
Lê
Ngộ Châu hoà giải
Năm 1994, anh Lê Ngộ
Châu và con gái sang Mỹ. Với 18 năm điều hành tờ Bách Khoa, anh có nhiều thân hữu:
Võ Phiến có lẽ là người anh thân thiết nhất. Trong chỗ rất riêng tư, khi biết
giữa anh Võ Phiến và Nguyễn Mộng Giác có "vấn đề" trong sự chuyển tiếp
từ tờ Văn Học Nghệ Thuật sang tờ Văn Học.
Nguyễn Mộng Giác với Võ
Phiến vốn là người cùng tỉnh. Võ Phiến tâm sự: "Gặp một tác giả đồng tỉnh là một niềm vui mừng, lại phát giác ra ở
tâm hồn tác giả nọ một số đặc điểm địa phương đã làm nên cái đẹp của tác phẩm
thì lý thú biết bao! Làm sao cầm lòng được? Phải nói về Bình Định chứ chị!"
(4)
Anh Lê Ngộ Châu
trong chuyến thăm California 1994
từ trái: Đỗ Hải
Minh / Dohamide, Lê Ngộ Châu, Ngô Thế Vinh, Võ Phiến
Nhưng rồi cái tình đồng
hương ấy cũng không tránh được trục trặc trong vấn đề điều hành tờ Văn Học, chọn
bài vở khi mà Võ Phiến còn đứng tên chủ nhiệm và Nguyễn Mộng Giác là chủ bút. Rất
bén nhạy, Lê Ngộ Châu cảm thấy ngay được sự "nghẽn mạch" giữa hai người.
Anh Lê Ngộ Châu sốt sắng đóng vai "hoà giải" - vẫn chữ của Lê Ngộ
Châu.
Như một cái cớ, tôi tổ
chức buổi họp mặt tiếp đón anh Lê Ngộ Châu tại một clubhouse
trên đường Bellflower, Long Beach nơi tôi cư ngụ. Dĩ nhiên có anh Võ Phiến,
Nguyễn Mộng Giác; riêng Lê Tất Điều đưa anh Võ Phiến tới nhưng bận nên không
tham dự; và có khoảng hai chục thân hữu quen biết anh Lê Ngộ Châu và tạp chí
Văn Học có mặt hôm đó: các anh Từ Mẫn Võ Thắng Tiết, Từ Mai Trần Huy Bích, Trúc
Chi, Thạch Hãn Lê Thọ Giáo, Khánh Trường, Hoàng Khởi Phong, Cao Xuân Huy... Chỉ
riêng cái tình "tha hương ngộ cố
tri" ấy, qua những trao đổi, như từ bao giờ anh Lê Ngộ Châu vẫn lối
nói chuyện vui dí dỏm và duyên dáng, anh đã đã như một chất xi-măng nối kết mọi
người. Và cũng để hiểu tại sao, trong suốt 18 năm tới 1975, anh Lê Ngộ Châu đã
điều hợp được tờ Bách Khoa vốn là một vùng sôi đậu phức tạp như vậy.
Đó là lần thăm Mỹ duy
nhất 1994 của anh Lê Ngộ Châu, cũng như ông giám đốc Nhà sách Khai Trí, cả hai
đều chọn trở về sống ở Sài Gòn. Năm 2006, trong dịp đi thăm Đồng Bằng Sông Cửu
Long, tôi gặp lại anh Lê Ngộ Châu nơi toà soạn Bách Khoa, 160 Phan Đình Phùng
ngày nào, anh vẫn nhớ và nhắc tới buổi gặp gỡ hôm đó. Khi hỏi anh về cuốn hồi
ký 18 năm tờ báo Bách Khoa, anh Lê Ngộ Châu cười dí dỏm trả lời:
Từ
phải: Từ Mẫn Võ Thắng Tiết, Lê Ngộ Châu, Võ Phiến,
Nguyễn
Mộng Giác, Lê Tất Điều (California 1994)
"Anh
Vinh hỏi Võ Phiến có cho tôi viết không?"
Anh Châu muốn nói tới những chuyện ngoài văn học diễn ra ở toà soạn Bách Khoa
trong suốt thời kỳ ấy. Khi trở lại Mỹ, chỉ ít lâu sau được tin anh Châu mất ngày
24-9-2006, anh thọ 84 tuổi.
Võ
Phiến 75 tuổi, quá mức ước ao
Tháng 12 cuối năm 1998,
tôi nhận được thiệp chúc xuân của nhà văn Võ Phiến, anh viết:
Một
năm nữa lại sắp qua, vậy mà lẽo đẽo mình cũng lần mò tới tuổi 75: quá mức ước
ao! Anh sắp tới lục tuần chứ ít sao, lục tuần là tuổi tung hoành múa bút khoẻ lắm.
Xin chúc anh chị sang năm mới được mọi sự an lành. Riêng anh nên có sách mới xuất
bản. Thân mến, Võ Phiến
Thực sự anh Võ Phiến
lúc đó mới 73 tuổi, anh sinh năm 1925, tuổi Ất Sửu.
Cả ba bạn văn: nhà văn
Doãn Quốc Sỹ, nhà báo Như Phong và anh Lê Ngộ Châu cùng tuổi Quý Hợi (1923),
hơn Võ Phiến hai tuổi. Doãn Quốc Sỹ vẫn
gọi đùa Lê Ngộ Châu là Lê Quý Hợi và anh ấy là Doãn Quý Hợi. Ba ông Quý Hợi thì
nay chỉ còn một Doãn Quốc Sỹ. Nhà báo Như Phong mất 2001 tại Virginia, chủ nhiệm
Lê Ngộ Châu mất 2006 tại Sài Gòn.
Cũng vẫn thư nhà văn Doãn
Quốc Sỹ gửi anh Lê Ngộ Châu [29/08/1996]
có nhắc tới Võ Phiến mà anh gọi đùa là cụ Võ Bình Định: "Được xem bức ảnh cụ Võ Bình Định mặc màu áo sơ-mi rất trẻ, nhìn ảnh
cụ cười mà tưởng như nghe thấy cả tiếng cười hóm hỉnh của cụ điểm xuyết trong
câu chuyện tại toà soạn Bách Khoa ngày nào."
Trước ngưỡng tuổi cổ
lai hy, Võ Phiến đã trải qua hai cuộc mổ tim lớn / Coronary Artery Bypass Surgery; lần thứ nhất 1985 khi Võ Phiến mới 60
tuổi, anh bắt đầu bị ám ảnh về cái chết:
Ra
đi tuổi chẵn năm mươi,
Năm
mươi tuổi nữa nào nơi ta về?
Ngàn năm mây trắng lê
thê... (1986)
Bảy năm sau 1992, Võ
Phiến 67 tuổi lại phải bước vào cuộc mổ tim lần thứ hai khó khăn và phức tạp
hơn. Anh bi quan và bị ám ảnh nhiều hơn về cái chết.
Anh đã đặt bút viết về Cái Sống Hững Hờ: "Bản thân tôi trước đây có lần phải vào bệnh viện chịu mổ xẻ, tôi
ngậm ngùi viết những lá thư gửi lại bạn bè, nhờ một văn hữu thân tình trao giúp
cho, sau khi mình...ra đi. Hoá ra rồi sau cuộc giải phẫu tôi tiếp tục sống
nhăn. Sống và ngượng ngập vu vơ.
Năm
tháng trôi qua. Quá bát tuần, tôi lén lút hướng một chút tưởng tượng về cái kết
thúc của đời mình. Chắc là gần thôi. Liếc mắt phớt qua tí ti, sợ gì? Liếc qua
xong rồi liếc lại, tôi ngạc nhiên không nhận thấy một xúc động bất thường nào xảy
ra cả. Cuộc sống đang tiếp diễn vẫn tiếp diễn đều đều...
Tạo Hóa có lòng lành, nhón
tay khe khẽ điều chỉnh lòng người. Tuổi người càng cao, lòng người càng bớt sôi
nổi, bớt tha thiết. Rốt cuộc còn lại một sự hững hờ: ‘Chết? ai mà khỏi? Việc gì
phải sợ?’ Tôi âm thầm nghĩ ngợi và ngờ rằng đây là lúc xuất lộ cái từ tâm của
Hóa Công. Chúng ta không nên mè nheo đòi hỏi cho được vừa huýt sáo mồm vừa chết.
Chỉ mong những bước chân đến ngôi mộ của chính mình sẽ là những bước thong thả,
hững hờ. Đại khái thế thôi.”
Khi chị Võ Phiến cũng nghỉ
hưu, không còn nhu cầu ở gần sở làm nữa, năm 2003 anh chị dọn về vùng gần
Little Saigon. Ngôi nhà mới xinh xắn hai tầng trong một cư xá yên tĩnh cuối đường
số 5 thành phố Santa Ana, cũng có một khoảnh vườn rất nhỏ với những cây hoa hồng
ở bờ dậu, và một ít cây trái; vừa sức để chị Võ Phiến bước qua tuổi 70 vẫn còn có
thể vui thú điền viên và chăm sóc. Ngoài những sách tái bản như Võ Phiến Toàn Tập,
Cuối Cùng được coi là tác phẩm sau cùng của Võ Phiến hoàn thành nơi ngôi
nhà mới, viết xong 2007 Nxb Thế Kỷ 21
cho in năm 2009.
Võ
Phiến bước vào tuổi 90
Sinh ngày 20 tháng 10,
1925, sáu tháng nữa, 2015 Võ Phiến vừa tròn 90 tuổi. Có lẽ anh là một trong số
ba nhà văn Miền Nam ở hải ngoại sống thọ nhất, chỉ sau nhà văn Mặc Đỗ 98 tuổi
[sinh năm 1917] sống ở Austin Texas, nhà văn Doãn Quốc Sỹ 92 tuổi [sinh năm
1923] hiện sống ở Nam California.
Lại vẫn dùng một câu viết
17 năm trước trong một thiệp xuân của Võ Phiến 1998: "Một năm nữa lại sắp qua, vậy mà lẽo đẽo mình cũng lần mò tới tuổi 90:
quá mức ước ao!"
Và cuộc sống của Võ Phiến
"vẫn cứ tiếp diễn đều đều".
Chị Viễn Phố, vợ anh vẫn che dù cho anh đi bộ mỗi ngày với walker có bánh xe lăn.
Nhìn chung theo khía cạnh y khoa, ở nhóm tuổi 90 ấy, thể lực của anh Võ Phiến được
xem là khá tốt cho dù trí tuệ anh đã có nhiều phần lãng đãng, cái lãng của người
cao tuổi / senile dementia. Anh không
nhớ hết những khuôn mặt thân quen nhưng với vài người "bạn cựu" - vẫn chữ của Võ Phiến - thân thiết lâu năm như
Hoàng Ngọc Biên, Đặng Tiến, Lê Tất Điều... anh vẫn giữ được một trí nhớ xa/ remote memory qua các cuộc nói chuyện điện
thoại gần đây và cả ở những lần gặp mặt.
Vậy mà đã 40 năm, với
hai lần Võ Phiến khóc khi di tản khỏi Việt Nam: một lần ở toà soạn báo Bách
Khoa trên đường Phan Đình Phùng, lần thứ hai trên con tàu Challenger khi rời đảo
Phú Quốc. (5) Bốn mươi năm ấy 1975-2015, với bao nhiêu nước chảy qua cầu, như một
nhà văn lưu đầy Võ Phiến vẫn sống làm việc trong sự cô đơn buồn bã. (6)
Bài viết tháng Tư này,
gửi tới nhà văn Võ Phiến khi anh bước vào tuổi thượng thọ 90, ngưỡng tuổi 90
xưa nay là hiếm. Cũng gửi tới hai anh chị Võ Phiến và Viễn Phố lời chúc "cây đời thì vẫn cứ mãi xanh tươi"
(7)
NGÔ THẾ
VINH
Long Beach
04/ 2015
Tham
Khảo:
1/ Văn Học Miền Nam Tổng Quan. Lời Nói đầu. Võ
Phiến. Nxb Văn Nghệ 1986.
http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=3056
2/ Lần trò chuyện cuối cùng với Mai Thảo. Thuỵ Khuê 07/ 1997
http://hopluu.net/a1153/noi-chuyen-voi-nha-van-mai-thao-va-tran-vu
3/ Lê Thị Huệ. Võ Phiến, Văn
Chương Mất Trí Nhớ. 11-2012
http://www.gio-o.com/Chung/LeThiHueVoPhien.htm
4/ Lê
Quỳnh Mai phỏng vấn nhà văn Võ Phiến. Tác giả, với chúng ta.
Nxb Khôi Nguyên, Montréal Canada 2004.
5/ Ngô Thế Vinh, Bốn Mươi Năm Dương Nghiễm Mậu và Tự Truyện
Nguyễn Du http://damau.org/archives/35745
6/ John
C. Schafer Võ Phiến and the sadness of exile.
Southeast Asia Publications,
Center for Southeast Asian Studies, Northern Illinois University, Mar 1, 2006
7/ Johann Wolfgang von
Goethe. All theory, dear friend, is
gray, but the golden tree of life springs ever green. Faust pt.1 (1808)
'Studierzimmer'