Ðã
mang lấy nghiệp vào thân
Nguyễn Du
HƯỚNG ĐẠO THỜI NIÊN THIẾU
Bùi Nhật Tiến, bút hiệu Nhật Tiến sinh
ngày 24-8-1936 tại Hà Nội. Năm 1946 mới 10 tuổi Nhật Tiến đã phải theo gia đình
rời Hà Nội đi tản cư qua những tỉnh như Sơn Tây, Việt Trì, Hưng Hoá, Phú Thọ. Năm
1950 hồi cư, ở cái tuổi 14 không còn nhỏ nữa để sinh hoạt sói bầy, Nhật Tiến
xin gia nhập phong trào Hướng Đạo làm đoàn sinh đội Én Thiếu Đoàn Bình Than khá
muộn màng. Thiếu Đoàn Bình Than thuộc Đạo Đồng Nhân, và đạo này có bài hát
chính thức do đoàn sinh Cung Thúc Tiến của Thiếu Đoàn Bạch Đằng sáng tác. Cung
Thúc Tiến chính là nhạc sĩ Cung Tiến sau này với những nhạc phẩm Hoài Cảm, Thu
Vàng.
Ngày "Tuyên Hứa" để được gia nhập
phong trào Hướng Đạo Việt Nam là một dấu ấn quan trọng trong cuộc đời nhà văn
nhà giáo Nhật Tiến. Lễ tuyên hứa được tổ chức tại Chùa Láng cách Hà Nội 5 km. Trong
Hồi ký của Nhật Tiến, tuy đã hơn 60 năm sau, anh vẫn còn nguyên vẹn xúc động
khi hồi tưởng lại phút được “tuyên hứa” như điều mơ ước đã trở thành hiện
thực.
"Tôi hồi hộp tiến lại lá cờ Đoàn. Tất cả các anh em đều yên
lặng, nghiêm trang theo dõi cử chỉ của tôi. Tôi đứng thẳng người trước lá cờ.
Tay phải tôi chào theo kiểu Hướng Đạo, tay trái tôi nắm nhẹ lấy một góc của lá
cờ, và tôi cất giọng dõng dạc:
Trước Quốc
kỳ, tượng trưng cho Tổ quốc, trước Đoàn kỳ tượng trưng cho tinh thần Hướng Đạo,
tôi xin lấy danh dự của tôi để tuyên hứa:
- Thứ Nhất : Trung thành với
Tổ Quốc.
- Thứ Nhì : Giúp ích mọi người
- Thứ Ba: Tuân theo Luật Hướng Đạo.
Sau khi lấy được bằng Hạng
Nhì, tôi được giao phó nhiệm vụ làm đội trưởng đội Én. Một trong những đội sinh
của tôi là anh Đỗ Tiến Đức, sau này trở thành nhà văn, năm 1969 anh được Giải
Văn Học Nghệ Thuật với tác phẩm Má Hồng, và còn là đạo diễn kiêm Giám Đốc Nha
Điện Ảnh, anh hiện chủ trương tờ Thời Luận ở Los Angeles, trước là báo in, sau
này trở thành báo Online.
Tôi lên Kha đoàn năm 17
tuổi, ở dự bị Tráng năm 18. Sau di cư 1954, tôi sinh hoạt nhiều năm trong Tráng
Đoàn Bạch Đằng gồm 4 Toán: Chương Dương, Vân Đồn, Hàm Tử và Tây Kết. Tôi được giao nhiệm vụ Toán trưởng Toán Vân Đồn
[trong Toán có anh Trương Trọng Trác sau này lên tới chức Ủy Viên Ngành Thiếu của
Hướng Đạo Việt Nam và khi ra hải ngoại, anh là người chủ trương tờ báo Ngày Nay
với bút hiệu Trọng Kim ở Houston, Texas cho đến khi anh qua đời 2009].
Nhật
Tiến (trái) và các Huynh Trưởng Hướng Đạo
hình chụp tại
Orange County 2014
"Mùa hè năm 1970,
tại một trại của Tráng Đoàn Bạch Đằng tổ chức tại Thủ Đức, tôi được trao cho
cây gậy mà ở đầu có 2 gạc của Tráng Sinh Lên Đường, cũng là đẳng cấp mà một Hướng
Đạo Sinh mơ ước đạt được. Từ nay, trong giao dịch sinh hoạt Hướng Đạo tôi có thể
ký tên: Én nhanh nhẹn RS - RS là chữ viết tắt của Rover Scout / Anh hay Routier
Scout / Pháp, cũng có nghĩa là Giúp ích / Rendre Service đúng với châm ngôn của
ngành Tráng.
Hai chữ Hướng Đạo đối với
tôi bao giờ cũng thiêng liêng, nó gợi cho tôi bao tình cảm thắm thiết, bao kỷ
niệm khó phai mờ và bao nhiêu anh em đồng đội đã không chỉ chia xẻ với nhau trò
chơi Hướng Đạo mà còn ở trong sự nghiệp ở ngoài đời".
Đến
nay cũng đã trên 65 năm trôi qua, Nhật Tiến vẫn thuộc hát bài ca Đoàn, vẫn sống
theo tinh thần Hướng Đạo với châm ngôn "Sắp
Sẵn" và "Giúp Ích"
trong bất cứ hoàn cảnh nào. Theo tôi, tinh thần Hướng Đạo ấy đã có ảnh hưởng
sâu xa tới nghề giáo và trên nghiệp văn của Nhật Tiến trong suốt những năm về
sau này. Hãy nghe chính Nhật Tiến kể lại:
“Những
người áo trắng” được sáng tác vào khoảng
năm 1955 khi tôi đang dậy học ở Bến Tre. Đấy là những kỷ niệm của thời hướng đạo
sinh ở Hà Nội, chúng tôi thường đi làm các công tác từ thiện, như mùa đông thì
đẩy xe bò qua các đường phố để quyên góp quần áo của bà con đem giúp những người
nghèo. Hoặc chúng tôi tình nguyện ra đứng ở bờ Hồ Gươm bán tác phẩm của kịch
tác gia Văn Thuật để gây quỹ giúp đồng bào bão bị lũ lụt thời đó. Chúng tôi
cũng thường hay tới sinh hoạt tại trại mồ côi trên đường Hàng Đẫy; trong thời
gian này hình ảnh những trẻ mồ côi mặc quần áo trắng, những bức tường trắng và
những cô gái lớn tuổi hơn trông đàn em nhỏ đã gây cho tôi nhiều xúc động. Và
tôi đã dùng những hình ảnh ở trại mồ côi đó để viết tác phẩm đầu tay“Những
người áo trắng”.
Như vậy, có
thể nói một cách khá đoan chắc, nếu Nhật Tiến không có những năm sinh hoạt Hướng
Đạo, sẽ không có Những Người Áo Trắng và
rồi những tác phẩm khác như Thềm Hoang
sau này.
THUỞ MƠ LÀM VĂN SĨ
Nhật
Tiến cầm bút rất sớm, từ thuở học sinh đã mơ làm văn sĩ, lập bút nhóm có tên là
"Gieo Sống", có truyện ngắn
đầu tay "Chiếc nhẫn mặt ngọc"
được đăng trên báo Giang Sơn, năm ấy Nhật Tiến mới 15 tuổi.
Di cư vào Nam năm 1954; ban đầu sống ở Đà
Lạt, Nhật Tiến viết kịch truyền thanh cho Đài tiếng nói Ngự Lâm Quân [thời còn
Hoàng Triều Cương Thổ]. Ít lâu sau đó, gia đình Nhật Tiến dọn về Sài Gòn. Không
tốt nghiệp trường sư phạm nào nhưng năm 21 tuổi anh đã bắt đầu đi dạy học môn
Lý Hoá tại các trường trung học tư thục, ban đầu ở các tỉnh Miền Tây như Bến
Tre, Mỹ Tho ba năm sau đó mới về sống hẳn ở Sài Gòn. Truyện dài đầu tay Những Người Áo Trắng được khởi viết và
hoàn tất khi Nhật Tiến đang còn là một thầy giáo tỉnh lẻ.
Nhật Tiến: ký hoạ by Tạ Tỵ
[nguồn: Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm
Nay, Tạ Tỵ,
Nxb Lá Bối, Sài Gòn 1971]
Nghề giáo như nguồn sinh kế của gia đình
nhưng có lẽ nghiệp văn mới là giấc mộng lớn của Nhật Tiến. Anh liên tục viết rất
khoẻ từ truyện ngắn, truỵện dài và cả một tiểu thuyết kịch đăng trên các tạp
chí: Văn Hóa Ngày Nay, Tân Phong, Đông Phương, Bách Khoa, Văn, Văn Học; chủ
trương nhà xuất bản Huyền Trân từ năm 1959, chủ bút tuần báo Thiếu Nhi do nhà
sách Khai Trí xuất bản từ 1971 tới 1975; năm 1979 trong một chuyến vượt biển thừa
sống thiếu chết Nhật Tiến qua được Thái Lan rồi định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1980.
Tới Mỹ, không còn sống bằng nghề dạy học, Nhật
Tiến đi học về máy điện toán/ hardware và sau đó làm cho một hãng Nhật đủ 15
năm trước khi nghỉ hưu. Tại hải ngoại, Nhật Tiến tiếp tục viết và xuất bản
sách, sinh hoạt Hướng Đạo, hoạt động cứu trợ thuyền nhân. Hiện cư ngụ ở Nam
California.
Tác
phẩm đã xuất bản:
- Xuất bản trong nước trước 1975:
Những Người Áo Trắng (truyện dài, Huyền Trân 1959), Những Vì Sao Lạc (truyện
dài, Phượng Giang 1960), Thềm Hoang (truyện dài, Đời Nay 1961), Người Kéo Màn (tiểu
thuyết kịch, Huyền Trân 1962), Mây Hoàng Hôn (truyện dài, Phượng Giang 1962),
Ánh Sáng Công Viên (tập truyện, Ngày Nay 1963), Chuyện Bé Phượng (truyện dài, Huyền
Trân 1964), Vách Đá Cheo Leo (truyện dài, Đông Phương 1965), Chim Hót Trong Lồng
(bút ký, Huyền Trân 1966), Giọt Lệ Đen (tập truyện, Huyền Trân 1968), Tay Ngọc
(bút ký, Huyền Trân 1968), Giấc Ngủ Chập Chờn (truyện dài, Huyền Trân 1969) Quê
Nhà Yêu Dấu (Huyền Trân 1970), Theo Gió Ngàn Bay (Huyền Trân 1970), Tặng phẩm của
dòng sông (tập truyện, Huyền Trân 1972), Thuở mơ làm văn sĩ (Huyền Trân 1973)...và
một số truyện viết cho tuổi thiếu nhi như: Lá Chúc Thư, Đường lên Núi Thiên
Mã...
- Xuất bản ở hải ngoại sau 1975: Tiếng kèn (1981), Hải tặc trong vịnh Thái Lan (viết chung với Dương Phục và Vũ Thanh Thủy,
1981), Một thời đang qua (1985), Mồ hôi của đá (1988), Cánh cửa (1990), Quê
nhà Quê người (viết chung với Nhật Tuấn, ấn
hành ở trong nước, 1994), Thân Phận Dư Thừa (2002), bản dịch cuốn The
Unwanted của Kiên Nguyễn, Hành Trình Chữ Nghĩa (2012) - Nhà Giáo Một Thời Nhếch
Nhác (2012) - Sự Thật Không Thể Bị Chôn Vùi (2012) - Một Thời… Như Thế (2012)
Với hơn 20 tác phẩm đã xuất bản, với nhiều
thể loại, các tác phẩm chính của Nhật Tiến đều có liên hệ tới tuổi thơ. Nhật Tiến
được mệnh danh là nhà văn của tuổi thơ bất hạnh, nhà văn của khuynh hướng xã hội.
Võ Phiến trong bài viết về Nhật Tiến trong bộ Văn Học Miền Nam đã đưa ra nhận
xét: "Lúc bấy giờ ai cũng biết ở Miền
Nam có nhiều tác giả tên tuổi viết về giới trẻ thơ. Mỗi vị một vẻ. Trẻ em trong truyện Duyên Anh thường là những
trẻ đáo để. Đám trẻ của Lê Tất Điều hầu hết đều có nét tinh nghịch. Trong Nhật
Tiến là trẻ bất hạnh". [VHMN,
truyện 2, tr.1270, Nxb Văn Nghệ 1999]
Bìa một số sách Nhật Tiến
xuất bản tại Miền Nam trước 1975
QUAN NIỆM SÁNG TÁC
Năm
1961, Nhật Tiến đã thành danh với ba tác phẩm xuất bản: Những Người Áo Trắng 1959, Những Vì Sao Lạc 1960, Thềm Hoang 1961, Nhật
Tiến trả lời cuộc Phỏng vấn Văn Nghệ của báo Bách Khoa do nhà văn Nguiễn Ngu Í
thực hiện.
_ Sáng tác để làm gì, cho mình hay cho thiên hạ?
_ Theo ý tôi, giữa cá nhân người viết và xã hội đã có sự liên quan mật
thiết. Từ lúc có ý định xây dựng tác phẩm đến lúc hoàn thành, người viết đã băn
khoăn biết bao lần trước các hoàn cảnh. Mỗi ngày một ít, mỗi chỗ một cảm hứng
riêng biệt, mặc nhiên sự vật chung quanh đã đóng góp cho nhà văn một phần cảm hứng.
Như thế khi một tác phẩm hoàn thành, không ít thì nhiều cũng mang lại lợi ích
cho cả đôi bên: người viết được phần thưởng tinh thần (vật chất đối với nhà văn
ta bây giờ quá ít, không đáng kể), còn xã hội được thêm một phần đóng góp trên
phương diện văn hoá.
Nhà văn Nhật Tiến
[trái], Nhà văn Nguiễn Ngu Í [phải]
_ Sáng tác theo đường lối nhất định
nào hay là tuỳ cảm hứng?
Có
lẽ "đường lối" ở đây là "phương pháp làm việc". Nếu hiểu
theo nghĩa ấy thì tôi không theo được cả hai. Bởi vì nói phương pháp thì phải
có hệ thống, có chương trình bó buộc, còn cảm hứng thì phải có nhiều thời gian
vì hứng đến với mình từng lúc. Mà riêng tôi thì vì bận bịu với nghề nghiệp [nghề
giáo, ghi chú của người viết], nên có khi mệt mỏi hàng tháng không viết thêm được
một dòng. Nhưng gặp trường hợp rỗi rãi, có thời gian, tôi cắm cúi viết, bất kể
có hứng hay không. Tuy vậy thông thường nếu có cảm hứng, lại thêm rỗi rãi thì
sáng tác dễ dàng hơn.
_ Những gì đã xảy ra từ khi tác
phẩm thai nghén đến khi hình thành?
Tôi bắt đầu bằng một nhân vật sống trong
một hoàn cảnh nào đem lại cho tôi nhiều rung cảm nhất. Từ nhân vật ấy tôi viết
chương thứ nhất. Rồi từ đấy, tuỳ theo sự kiện đã viết trong chương trước (sự kiện
này đến với tôi trong lúc viết), tôi dựng chương sau. Thường thường là viết được
9, 10 chương tôi mới nghĩ đến "kết". Lối viết này, theo tôi tạo được
nhiều khách quan hơn là xây dựng sẵn một cốt truyện có sắp đặt từ đầu. Vì nếu định
trước, tác phẩm sẽ bị gò bó, do đó mất đi nhiều ý mới lạ.
_ Kinh nghiệm sống và sáng tác
thích nhất?
Về
hình thức thì khi viết, tôi cố gắng giữ cho mình cái ý nghĩ là "đừng làm
văn chương", vì thật ra tả cảnh mà không sáo thì thật là khó. Để tránh cái
khó đó, tôi chọn lối hành văn giản dị. Nhưng chọn là một chuyện, mà theo được
hay không lại là một chuyện khác. Cái đó theo tôi nghĩ, thuộc về phê phán của
người đọc. Còn nội dung tác phẩm thì thú thật tôi còn băn khoăn nhiều, chưa dám
gọi là kinh nghiệm để nêu lên mặt báo. Còn về sáng tác của tôi, tôi thích nhất thì
theo thiển ý, các truyện của mình tuy đã in ra, chưa hẳn là ai cũng đọc đến, để
nói ra là ai cũng biết ngay; cho nên xin miễn điều ấy cho tôi. Nhật Tiến [hết trích dẫn: Bách
Khoa, Số 115, 15-10-1961, tr. 103-104]
Với bài viết ngắn giới hạn khoảng 7 ngàn chữ, với
hơn 20 tác phẩm thật khó mà giới thiệu Nhật Tiến một cách đầy đủ. Trong chỗ
riêng tư, khi tôi hỏi Anh nếu phải chọn 3 tác phẩm để giới thiệu, Nhật Tiến nhắc
tới 3 cuốn: Thềm Hoang, Người Kéo Màn, Giấc
Ngủ Chập Chờn. Đó cũng là chọn lựa của người viết để giới thiệu tính cách
đa dạng của ngòi bút Nhật Tiến.
"Thềm
Hoang" là
những kiếp người trong Xóm Cỏ, một xóm lao động nghèo với bùn lầy nước đọng giữa
lòng thành phố Sài Gòn. Ngay khúc dạo đầu của tác phẩm Thềm Hoang là bốn
câu thơ bi ai:
Ai
đưa tôi đến chốn này
Ban đêm thì tối ban ngày thì đen
Ôm đàn gẩy khúc huyên thuyên
Nghêu ngao mấy điệu cho quên tháng ngày
Bốn câu thơ ấy để giới thiệu nhân vật chính bác Tốn,
nghệ sĩ mù kiếm sống bằng nghề hát dạo. Thằng Ích, mồ côi cha mà đã khôn lanh
trước tuổi, nó là đôi mắt sáng của bác Tốn. Cô Huệ gái điếm đã hết thời xuân sắc
nhưng vẫn là nỗi mơ ước của bác Tốn qua trí tưởng tượng và sự mô tả của thằng
Ích. Một U Tám goá bụa giữa chừng xuân, mê lời đường mật của một gã đàn ông,
sau này trở thành Dượng Tám, hiện nguyên hình tên lưu manh sống bám vợ và cả bạo
hành đối với vợ con. Lão Hói, rượu chè be bét, sống bằng bói bài tây và lúc nào
cũng tin có ông trời. Tới ông Phó Ngữ goá vợ, chỉ có đứa con gái duy nhất, mong
nó có được mô tấm chồng tử tế nhưng cũng chẳng xong. Rồi người lính Năm Trà phải
đi đóng đồn xa, để lại vợ con cho mẹ già, người vợ trẻ đang tuổi thanh xuân
không chịu được cảnh cô đơn, quyết định bỏ nhà ra đi; do không đủ tiền nuôi
cháu, bà mẹ Năm Trà phải đem ba cháu nhỏ cho viện mồ côi, sau đó bà cụ phát
điên... Những số phận ấy chung sống với nhau trong Xóm Cỏ tạo nên một khung cảnh
xã hội nghèo khó vừa ảm đạm vừa bi thiết và không có lối thoát. Cảnh khổ là mẫu
số chung của đám cư dân sống trong Xóm Cỏ. Hình ảnh bác Tốn người nghệ sĩ mù, và
thằng Ích, cả hai gần như lúc nào cũng bàng bạc hiện diện trong suốt 300 trang
sách.
Bìa Thềm Hoang của Nhật Tiến. Nxb Đời Nay 1961
Giải Văn Chương Toàn Quốc 1961-1962
Đỉnh cao của tấn bi kịch xã hội Thềm Hoang đánh dấu bằng sự trở về của người lính Năm Trà trong bộ quân phục bạc
thếch nhếch nhác, gặp lại mẹ già thì nay đã bị mất trí không nhận ra con mình. Trước
thảm kịch gia đình tan nát đó, Năm Trà cũng nổi điên trả thù đốt nhà đốt xóm. Cả
Xóm Cỏ tan hoang trong lửa đỏ hoà lẫn với những tiếng kêu khóc thảm thiết. Rồi
một trận mưa lớn đổ ập xuống đống tro than như muốn rửa sạch những rác rưởi của
những thềm hoang trong Xóm Cỏ. Khép lại trang sách cuối, người đọc tự hỏi liệu
có một ngày mai nào tươi sáng hơn cho những Xóm Cỏ tương lai? Với nội dung ấy, với bút pháp điêu luyện của
Nhật Tiến, Thềm Hoang đã được trao giải Giải Văn Chương Toàn Quốc
1961-1962
"Người Kéo Màn" nhiều người cho rằng sở trường của Nhật Tiến là viết
truyện ngắn truyện dài về những đề tài xã hội, về trẻ thơ bất hạnh. Thực sự Nhật
Tiến cũng đã viết nhiều vở kịch truyền thanh, cả kịch được trình diễn trên sân
khấu như "năm
1960, khi có trận bão lụt nặng nề ở Miền Tây, Tráng đoàn Bạch Đằng và Toán Nữ
Tráng Thanh Quan đã tham gia công cuộc cứu trợ bằng một Đại hội Văn nghệ ở Rạp
Thống Nhất, Sài Gòn. Trong Đại hội này, tôi đã sáng tác một vở kịch ba màn có
tên là Cơn Giông mà diễn viên chỉ gồm toàn Tráng sinh Bạch Đằng hay Thanh Quan,
một trong những diễn viên của vở kịch ấy là luật sư Trần Sơn Hà, anh hiện đang
sống ở Quận Cam ".
[Một Đời Hướng Đạo, Nhật Tiến].
Bìa tiểu thuyết kịch Người Kéo Màn
của Nhật Tiến
Nxb Huyền Trân, Sài Gòn 1962
Người Kéo
Màn được Nhật Tiến gọi là "tiểu
thuyết kịch", là tác phẩm thứ tư của Nhật Tiến, đó là một quan niệm rất
mới đối với "kịch" theo cái nghĩa cổ điển. Do đó cũng đã gây ra nhiều
phản ứng và tranh luận. GS Nguyễn Văn Trung trong Lược Khảo Văn Học, tập II đã
không tán thành tiểu thuyết kịch của Nhật Tiến, và cho rằng "tiểu thuyết kịch chỉ đưa đến sự lẫn lộn
bộ môn, đồng thời xoá bỏ khả năng đặc biệt của bộ môn bị sát nhập". Kịch
tác gia Vi Huyền Đắc cũng không đồng ý gọi Người
Kéo Màn là kịch.
Nhưng với Nhật Tiến, sau hơn nửa thế kỷ, anh vẫn cứ tâm đắc với tác phẩm Người
Kéo Màn. Nhật Tiến đã khá mạo hiểm vận dụng và kết hợp cả ba kỹ thuật
của tiểu thuyết, của kịch, của điện ảnh để viết Người
Kéo Màn. Thay
vì các nhân vật chỉ diễn xuất trên sân khấu, họ còn có vai trò trải rộng ngoài
đời. Nội dung Người Kéo Màn nói lên mối tương quan giữa các thành viên của
ban kịch gồm đạo diễn, lão kéo màn, chàng nhạc công thổi kèn clarinette, nữ diễn
viên cho đến đứa bé, nhà mạnh thường quân với nhân vật "tác giả" của
vở kịch, mọi sự diễn ra trong những giả dối, mua chuộc, mưu toàn lừa gạt nhau, mâu
thuẫn, đầy ngộ nhận bi thảm ngay trong chính cuộc sống của họ, họ đây là giới
hoạt động nghệ thuật. Mỗi nhân vật đều có vai trò không chỉ trên sân khấu, mà cả
sau hậu trường nơi phòng hoá trang và ngoài cảnh đời thật của họ với đủ mọi hỉ
nộ ái ố không thiếu sự lừa gạt đến nhơ nhuốc. Nhật Tiến, đang từ ngòi bút đôn hậu
rào rạt tình thương của Những Người Áo Trắng, Thềm Hoang, bước sang tiểu
thuyết kịch Người Kéo Màn là một Nhật Tiến hoàn toàn khác, của hoài nghi
bi quan tới mức tàn nhẫn.
“Giấc ngủ chập chờn” được
sáng tác vào giữa thập niên 1960s, lúc bấy giờ cuộc chiến ở Việt Nam do Hà Nột
phát động đã bắt đầu lan ra các tỉnh Miền Nam. Nhật Tiến viết về ấp Vĩnh Hựu, hoàn
cảnh của một vùng xôi đậu tức là vùng tranh tối tranh sáng. Ban ngày thì do quốc
gia kiểm soát, nhưng ban đêm thì do bên kia, dân chúng sống trong vùng đó gia
đình bị phân tán, có anh em thì theo bên này, có anh em thì theo bên kia, và họ
chết vì cuộc chiến tương tàn. Họ sống dở chết dở giữa hai làn đạn với oán thù
chồng chất vây bủa giăng mắc họ ngày đêm. Đám thanh niên và cả con nít ở cái
làng đó vốn thân thiết với nhau nhưng đến lúc cuộc chiến tràn về thì hàng xóm
giết nhau, anh em cũng giết nhau, gây ra bao thảm cảnh khổ đau. Nhưng người dân
quê ấp Vĩnh Hựu thì vẫn cứ gắn bó với mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình và
không bao giờ muốn xa rời. Các cụ già thường nói với tụi con cháu: "Tụi bây muốn giết nhau ở đâu thì giết,
nhưng cấm bắn nhau ở trong các ngõ ngách này. Chẳng dây mơ cũng rễ má, ít nhiều
gì thì tụi bây cũng có liên hệ gia đình, ruột thịt hay quê hương. Giết nhau
trên phần đất ông cha là nhục nhã". [Giấc ngủ chập chờn, tr.63, Nxb
Huyền Trân 1969].
Bìa "Giác Ngủ Chập Chờn" của
Nhật Tiến,
Nxb Huyền Trân, Sài Gòn 1969
Cuốn sách nói lên một sự thực là không có phong
trào quần chúng bất mãn chế độ mà nổi dậy trong cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Với cái nội dung tố cáo như vậy, Hà Nội
đã đánh giá cuốn sách đó là cực kỳ phản động.
GIẢI VĂN
CHƯƠNG TOÀN QUỐC
Giải
thưởng Văn Chương Toàn quốc được đặt ra từ 1957. Theo Tạp chí Văn Hữu số 21 do Văn Hoá Vụ ấn hành
1962, tác giả Hàn Phong đã viết về "Lược
sử Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc" thời Đệ Nhất Cộng Hoà 1954- 1963:
Giải
thưởng Văn Chương Toàn quốc với đặc tính không đòi hỏi một điều kiện nào về
nội dung hay hình thức của các tác phẩm dự thi hay những tác phẩm được xem xét
đến. Các tác phẩm phải được xuất bản trong niên khoá. Theo nguyên tắc, giải thưởng
được tổ chức hàng năm nhưng do số tác phẩm xuất bản chưa nhiều nên giải thưởng
đã được tổ chức hai năm một lần:
_ Lần thứ nhất 1955-57: Hội đồng Giám Khảo đã đọc 206 tác phẩm xuất bản
từ 1954 đến cuối năm 1956, do tác giả hay nhà xuất bản gửi tới dự thi, gồm đủ
các loại khảo luận, tiểu thuyết, thi ca và kịch.
Hội đồng Giám khảo gồm có học giả, giáo
sư, thi sĩ, tiểu thuyết gia, kịch sĩ như: Gs Nghiêm Toản, Nguyễn Thành Châu,
Nguyễn Khắc Kham, Lm Nguyễn Văn Thích, Trương Công Cừu, Hồ Biểu Chánh, Phú Đức,
Bà Tùng Long, Vi Huyền Đắc, Đông Hồ, Trần Tuấn Khải, Vũ Hoàng Chương, Vũ Khắc
Khoan. Chủ tịch Hội đồng là học giả Đoàn Quan Tấn. Lễ tặng giải thưởng đã được
tổ chức ngày 25-8-1958 tại Dinh Độc Lập do Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà trao tặng.
Tạp chí Văn Hữu số 21 do Văn Hoá Vụ
ấn hành 1962
[nguồn: tư liệu của Thành Tôn]
Khảo luận:
"Văn Chương Bình Dân" của
Lm Thanh Lãng, "Xây Dựng Nhân Vị"
của Bùi Tuân, "Người Xưa" của
Trần Đình Khải.
Tiểu
Thuyết: "Tìm về Sinh Lộ" của
Kỳ Văn Nguyên, "Đem Tâm Tình Viết Lịch
Sử" của Nguyễn Kiên Trung [tức Nguyễn Mạnh Côn, ghi chú của người viết],
"Nếp Nhà" của Bửu Kế.
Thơ: "Anh
Hoa" của Phạm Mạnh Viện, "Long Giang Thi Tập" của Trần
Hữu Thanh, "Nam Trung Thi Tập" của
Nguyễn Văn Bình, "Kiếp Hồng Nhan"
của Quang Hân.
Kịch: "Bão Thời Đại" của Trần Lê Nguyễn, "Ái Tình Bôn-Sê-Vích" của Thạch
Bích, "Hai Màu Áo" của Minh
Đăng Khánh.
_ Lần thứ hai 1958-59: Giải thưởng Văn Chương Toàn quốc lần hai
có sự đổi mới, lần này tác giả không phải gửi tác phẩm tới dự thi nữa mà do Hội
đồng chọn lựa trong toàn bộ ấn loát phẩm xuất bản từ năm 1958 đến cuối năm
1959. Vì không quan niệm là một cuộc dự thi, các nhân viên Hội đồng tìm đọc tất
cả các tác phẩm. Và nay Hội Đồng đổi tên thành Hội Đồng Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc 1958-59 [thay vì danh
xưng Hội Đồng Giám Khảo, ghi chú của người viết].
Hội Đồng Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc
1958-59 bao gồm nhiều văn nhân nghệ sĩ, giáo sư như Hà Như Chi, Hà Thượng Nhân,
Đái Đức Tuấn, Trần Hữu Thanh, Đỗ Đức Thu, Đông Hồ, Vi Huyền Đắc. Chủ tịch Hội Đồng
là Gs Trương Công Cừu, Khoa Trưởng Đại học Văn khoa.
Trong suốt 5 tháng Hội Đồng đã đọc 54 cuốn
khảo luận, 34 cuốn tiểu thuyết, 50 tập thơ và 3 vở kịch. Và đã trao tặng 7 giải
thưởng. Lễ trao giải được tổ chức tại Phòng Triển lãm Đô Thành do Phó Tổng Thống
Nguyễn Ngọc Thơ, đại Diện Tổng Thống chủ toạ.
Khảo
Luận: "Dịch Kinh Tần Khảo"
của Nguyễn Mạnh Bảo, "Việt Nam
Văn Học Toàn Thư" của Hoàng Trọng Miên.
Tiểu
Thuyết: "Đò Dọc" của
Bình Nguyên Lộc, "Thần Tháp
Rùa" của Vũ Khắc Khoan, "Đời
Phi Công" của Toàn Phong [Nguyễn Xuân Vinh, ghi chú của người viết], "Mưa Đêm Cuối Năm" của Võ Phiến.
Thơ:
"Tập Hoa Đăng" của Vũ
Hoàng Chương
Riêng bộ môn Kịch không có giải thưởng.
_ Lần thứ ba 1960-61: Hội Đồng Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc lại thay đổi phương hướng và với danh hiệu mới “Hội
Đồng Tuyển Trạch Giải Thưởng Văn Chương
1960-1961” do
nhà biên khảo Thu Giang Nguyễn Duy Cần làm chủ tịch gồm ba tiểu ban. Tiểu ban Khảo luận gồm: Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Văn
Trung. Tiểu ban Thơ: gồm Vũ Hoàng Chương, Đông Hồ,
Thanh Tâm Tuyền. Tiểu ban tiểu thuyết
và kịch: Vi huyền Đắc, Vũ Khắc Khoan, Đỗ Đức Thu, Bình Nguyên Lộc.
Hội Đồng đã họp 3 lần, cứu xét 112 tác phẩm
gồm 37 cuốn biên khảo, 34 cuốn tiểu thuyết, 39 tập thơ và 3 vở kịch, kết quả
như sau:
Biên
khảo: Giải duy nhất "Việt Ngữ
Chính Tả Tự Vị" của Lê Ngọc Trụ
Tiểu
Thuyết: "Thềm Hoang" của
Nhật Tiến, "Gìn Vàng Giữ Ngọc" của
Doãn Quốc Sỹ, "Tàu Ngựa Cũ" của
Linh Bảo.
Thi
ca: "Đường Vào Tình Sử" của
Đinh Hùng, "Hy Vọng" của
Hoàng Bảo Việt, "Tổ Ấm" của
Anh Tuyến, "40 Bài Thơ" của
Mai Trung Tĩnh và Vương Đức Lệ.
Riêng bộ môn Kịch không có giải thưởng.
[hết lược dẫn VH21, tr. 76-81]
Tưởng cũng nên ghi lại ở đây là luôn luôn
có sự cải tiến về tổ chức sau mỗi kỳ Giải Thưởng Văn Chương. Nhưng có một
nguyên tắc không thay đổi là không đòi hỏi
một điều kiện nào về nội dung hay hình thức của các tác phẩm. Theo tường
thuật của nhà văn Nguiễn Ngu Í, Bách Khoa CXXXVIII - 113, chủ tịch Hội đồng Giải Văn chương Toàn
quốc lần thứ ba, Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã nêu lên tiêu chuẩn lựa chọn của Hội
đồng, thâu tóm trong hai chữ Văn chương
có nghĩa là ý hay lời đẹp và theo ông: "Tác
phẩm được chọn sẽ là phản ánh của một nền văn hoá tự do, nghĩa là không bị bó
buộc trong khuôn khổ của một hệ thống tư tưởng nào, hay phải theo một khuynh hướng
văn nghệ hay chính trị nào cả".
Sau khi phát giải, ông Lê Ngọc Trụ, đại diện
cho các nhà văn trúng giải, lên phát biểu ý kiến. Ông cho rằng sự lựa chọn ngày
phát giải đúng vào ngày huý nhật Nguyễn Du thật là đầy ý nghĩa, và gợi cho ông
và các bạn văn trúng giải tinh thần trách nhiệm thiêng liêng, ấy là thiên chức
của nhà văn đối với tiếng Việt và nguyện vọng của nhà văn đối với tiền đồ văn
hóa Tổ quốc. [Nguiễn Ngu Í, Bách Khoa
CXXXVIII - 113]
Đây là Giải Văn chương Toàn quốc lần thứ
ba và cũng là giải văn chương cuối cùng của nền Đệ nhất Cộng Hoà. Do những biến
động chính trị, Giải Văn Chương của Đệ Nhị Cộng Hoà 1963-75 chỉ được phục hoạt
kể từ 1966.
Cũng nên ghi nhận thêm ở đây, chỉ trong
khoảng thời gian ngắn ngủi 9 năm của nền Đệ Nhất Cộng Hoà, giới làm văn hoá đã
xây dựng được nền móng vững chắc ban đầu trong sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật của
Miền Nam. Các nhà văn nhà thơ được trao giải sau này đều là những tên tuổi lớn
của 20 năm Văn Học Miền Nam như: các thi sĩ Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, các nhà
văn Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến, Nhật
Tiến, Linh Bảo...
Lễ trao giải Văn
Chương Toàn Quốc 1960-1961
nhà văn Nhật Tiến
đứng thứ hai từ trái
NHẬT TIẾN
VÀ VĂN HÀO NHẤT LINH
Cuối năm 1955, qua
Trương Cam Vĩnh là em nhà văn Trương Bảo Sơn, Nhất Linh nhận được bản thảo Những Người Áo Trắng cũng là tác phẩm đầu
tay của Nhật Tiến. Nhất Linh nhận ra văn tài của Nhật Tiến nên đã chọn và đưa
ngay Những Người Áo Trắng cho nhà Phượng
Giang xuất bản. Nhất Linh giới thiệu Nhật Tiến vào Văn Bút mà lúc đó Nhất Linh
đang là Chủ tịch, và đồng thời cũng mời Nhật Tiến viết cho tạp chí Văn Hoá Ngày
Nay. Mối giao tình giữa văn hào Nhất Linh và Nhật Tiến từ 1955 tới 1963 phải
nói là sâu đậm.
Năm 1963, tình hình chính trị Miền Nam cực
kỳ biến động nơi các thành phố với những cuộc biểu tình tự thiêu, giữa lúc khói
lửa ngập trời do cuộc chiến tranh phát động từ Miền Bắc đã lan rộng ra khắp
các tỉnh Miền Nam. Cái chết của Nguyễn Tường Tam nhà hoạt động chính trị và Nhất
Linh nhà văn là một nét của thảm kịch giai đoạn đó. Đó là một phần của lịch sử.
Cái chết của nhà văn Nhất Linh thủ lãnh
của Tự Lực Văn Đoàn là một xúc động lớn cho giới trẻ Miền Nam lúc đó. Người viết
muốn ghi lại ở đây một chút riêng tư liên quan tới bản Di Chúc của Nhất Linh.
Có lẽ Nhất Linh đã chuẩn bị chu đáo cái
chết của mình từ mấy tuần lễ trước. Bị theo dõi, nghĩ rằng bản di chúc của ông
có thể bị tước đoạt, thời điểm năm 1963 chưa có máy photocopy, scanner,
internet phổ biến như bây giờ. Nhất Linh đã viết thêm một bản di chúc thứ hai
giao cho nhóm sinh viên. Lúc đó tôi đang học năm thứ ba Y khoa. Vào những ngày
đầu của tháng Bảy, 1963 Nguyễn Tường Quý chở anh là Nguyễn Tường Vũ [con của ông
Nguyễn Tường Thuỵ, người anh cả của mấy Anh Em gia đình Nguyễn Tường] xuống Đại
học xá Minh Mạng tìm tôi. Quý chờ xe ở ngoài, chỉ có Nguyễn Tường Vũ vào gặp.
Không nói gì nhiều, Vũ trao tay cho tôi một phong thư mỏng, cho biết đó là một
trong hai bản di chúc viết tay của Nhất Linh: "Nhờ Vinh giữ, khi cần Vinh đưa lại". Khi Nguyễn Tường Vũ
ra về, tôi đã lặng lẽ cất bản di chúc thứ hai ấy - như một chứng từ lịch sử,
trong tủ sách giữa những trang bộ Từ điển Đào Duy Anh bìa cứng dầy cộm do Nxb
Minh Tân, Paris xuất bản.
Bản Chúc thư ngắn, cô đọng chỉ với 71 chữ:
"Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu
để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội
nặng sẽ làm cho nước mất về tay cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự huỷ mình
cũng như Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi
tự do."
7
tháng 7, 1963_ Nhất Linh Nguyễn Tường Tam
Nhất Linh tuẫn tiết vào
ngày 7 tháng 7 năm 1963. Chỉ một ngày sau bản tin của UPI/ United Press
International do Neil Sheehan gửi đi sáng ngày 8 tháng 7, 1963 đã phổ biến rộng
rãi trên báo chí thế giới:
"South Viet Nam Eminent Writer Commits Suicide" by
Neil Sheehan, "South Viet Nam's most
eminent writer committed suicide today as a political protest on the eve of his
trial for alledged complicity in the abortive 1960 coup against President Ngo
Dinh Diem. Nguyen Tuong Tam [mispelled Pam by Sheehan] 58, who wrote under the
pen name of Nhat Linh, left an eloquent testament protesting against Diem's
rule. The former nationalist leader died in a hospital after taking poison. The
suicide of Tam, considered Viet Nam's greatest writer of the 20th century, came
at a time of growing political and religious unrest under Diem's regime. His
death was expected to stir further political repercussions, particularly among
the country's intellectuals... The text of Tam's short testament said:
"History alone will judge my life. I will allow no man to try me. The
arrest and trial of all the nationalist opponents of the regime is a crime
which will force the nation into the hands of the communists." UPI 7/8/1963
Bản Di chúc của Nhất Linh (trái), bản tin UPI (giữa), Nguyễn Tường Vũ (phải) thập niên
1960 [nguồn: Nguyễn Tường Quý, Nguyễn Tường Thiết]
Và như vậy là bản chúc thư thứ nhất của Nhất
Linh đã tới tay báo giới ngoại quốc. Bản tôi hiện giữ không còn tầm quan trọng một-mất-một-còn như lúc Vũ trao cho tôi
trước đó. Sau này, qua Ls Nguyễn Tường Bá, tôi được biết bản chúc đã được nhà
báo Như Phong chuyển tay cho hãng thông tấn UPI.
Đám tang Nhất Linh diễn ra ngày 13 tháng 7, 1963. Thành phần đưa đám ông
đa số là học sinh sinh viên. Nỗi xúc động của họ đa phần hướng về cái chết của
một nhà văn, trong khi các đồng chí của ông thì muốn dán nhãn cho cái chết của
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam như một "tuẫn tiết chính trị". Bấy lâu, từ
những thập niên 1930, Nhất Linh đã là một khuôn mặt của quần chúng / public figure về cả hai phương diện văn
học và chính trị. Phần nào văn học hay chánh trị đậm nét hơn là do tâm cảnh của
từng người. Tôi vẫn thấy đậm nét văn học của đám tang Nhất Linh ngày hôm đó. Bức
hình chụp chân dung Nhất Linh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, câu đối viếng của thi
sĩ Vũ Hoàng Chương với toàn tên tác phẩm của Nhất Linh:
Chân dung Nhất Linh by Nguyễn Gia
Trí
"Người quay tơ, đôi bạn, tối
tăm, anh phải sống chứ sao đoạn tuyệt
Đời mưa gió, lạnh lùng, bướm trắng,
buổi chiều vàng đâu chỉ nắng thu"
Cái chết của mỗi nhà văn tự thân bao giờ
cũng là một bi kịch nếu không muốn nói là một thảm kịch. Theo một nghĩa nào đó,
mỗi nhà văn đã chết từng phần trên mỗi tác phẩm của họ. Hãy trân trọng những
cái chết đó, xem đó như một mẫu số chung hàn gắn thay vì phân hoá. Chế độ chính
trị nào rồi cũng qua đi, nhà văn thì vẫn cứ trường tồn với tác phẩm của họ.
Điếu văn của nhà văn trẻ Nhật Tiến lúc đó
mới 27 tuổi, giữa vòng vây của mật vụ thời ấy, Nhật Tiến đã can đảm phát biểu với
tính cách một nhà văn độc lập cho dù lúc đó Anh đang là phó Chủ tịch Văn Bút.
Nhật Tiến đã ràn rụa nước mắt với hết tâm can nói tới cái chết của nhà văn Nhất
Linh:
"Văn
hào đã hình thành sứ mạng cao quý của người cầm bút. Văn hào đã nêu cao sĩ khí
bất khuất của truyền thống những nhà văn chân chính."
Ít ngày sau đám tang Nhất Linh khi gặp lại,
tôi trả Nguyễn Tường Vũ và Tường Quý bản di chúc thứ hai ấy. Nguyễn Tường Vũ rất
nghệ sĩ, cũng là người trình bày cho tạp chí Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh,
anh đã mất ngày 19 tháng 5, 1991 khi anh đang làm công tác thiện nguyện thuộc tổ
chức Liên Hiệp Quốc lo việc cứu trợ thuyền nhân ở Palawan, Phi Luật Tân. Nguyễn
Tường Quý thì nay vẫn còn nhớ khi đưa Vũ xuống Đại học xá gặp tôi để Vũ đã giao
cho tôi giữ một bản di chúc của "Bác Tam" ngày hôm đó.
TỪ SÀI GÒN
TỚI ĐẢO QUỶ KO KRA
Kẹt lại sau năm 1975, trường
ốc chưa mở, nhà in Huyền Trân phải ngưng hoạt động rồi lại phải gác bút, cả gia
đình Nhật Tiến ra đường bán quán để kiếm sống.
Mai Thảo và Duyên Anh ít ngày sau 30
tháng tư 1975 đã tới ngồi ăn ở quán vỉa hè này, bên cạnh đấy là một quán khác của
Loan Mắt Nhung Nguyễn Thuỵ Long, cũng trên đường Duy Tân. Mai Thảo viết:
"Cái
cảnh tượng đập vào mắt tôi lúc đó, về hai cái quán liền sát cùng trước một vỉ
tường thấp chạy dài, là cái cảnh tượng của một đối nghịch hoàn toàn. Mang chung
sự thất thủ của văn nghệ gác bút ra đường bán quán trước hoàn cảnh mới, cái
quán của Nguyễn Thụy Long với những xị đế ngổn ngang trên mặt bàn và mấy người
khách hàng trẻ tuổi cùng ngất ngưởng như Long, hiện rõ vẻ bụi đời anh chị. Cái
quán của Nhật Tiến khác hẳn. Nó lành mạnh hơn và cũng gia đình hơn gấp bội, với
những đĩa rau muống chẻ nhỏ đặt ngay ngắn, bên cạnh là một chảo mỡ sôi bốc khói
xanh um, chị Nhật Tiến má hồng cái củi lửa chiên những cái bánh tôm vàng ngậy
và đứa cháu lớn, nơ cài mái tóc, váy xếp chững chạc, đang phụ một tay với ông bố
nhà văn. Nhớ hôm đó, chúng tôi đã ăn ủng hộ Thềm Hoang Quán mỗi người một đĩa
bánh tôm, rất ngon, và tôi đã hỏi đùa Nhật Tiến: Rửa bát thạo ngay, giỏi nhỉ? Và
Nhật Tiến đã cười, nụ cười bình thường chừng mực, nụ cười hơi già trước tuổi một
chút của một nhà giáo. Nhật Tiến bao giờ cũng trước hết xác nhận mình là một
nhà giáo: Giỏi quỷ gì. Việc phải làm thì phải làm. Để cho ai đây." [Nhật
Tiến Vẫn Đứng ở Ngoài Nắng, Tạp chí Văn California số 6, tháng 12/1982].
Nhật Tiến nhà văn cũng phải đi dự một
khoá học tập chính trị một tháng cùng với nhiều văn nghệ sĩ Miền Nam khác như
Hoài Bắc, Thái Thanh, Nguyễn Thị Vinh, Đỗ Phương Khanh, Nguyễn Thuỵ Long... Là
thầy dạy lý hoá không phải môn văn, sau này Nhật Tiến được đi dạy học trở lại
nơi ngôi trường tư thục cũ. Nhưng rồi không thể tiếp tục sống làm nhà giáo của Một Thời Nhếch Nhác, tháng 11 năm 1979 Nhật Tiến đã quyết định vượt biển ra
đi, cùng chuyến đi có thầy Từ Mẫn Võ Thắng Tiết, nguyên Giám đốc Nxb Lá Bối [và
tiếp tục trên đất Mỹ điều hành Nxb Văn Nghệ những năm về sau này].
Đó là một chuyến đi của những thảm kịch
khi họ gặp hải tặc Thái Lan. Họ đã sống những tuần lễ địa ngục trên đảo Ko Kra
với đói khát, bạo hành. Rồi họ cũng sống sót được cứu đưa về trại tỵ nạn
Songkhla, tại đây nhà văn thuyền nhân Nhật Tiến là một trong những nhân chứng sống
của vụ kiện hải tặc trên Vịnh Thái Lan, Anh đã cùng hai nhà báo Dương Phục và
Vũ Thanh Thuỷ viết và gửi ngay ra ngoài những bản cáo trạng về thảm cảnh trên
Biển Đông, đã làm rúng động lương tâm của thế giới và cũng là bước đầu hình
thành Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển hoạt động nhiều năm về sau này.
Nhà văn thuyền nhân Nhật Tiến ngồi
viết cáo trạng
thảm cảnh Biển Đông trong trại tỵ nạn
Songkhla, Thái Lan 1980
NHẬT TIẾN ÉN
NHANH NHẸN R.S. 80 TUỔI
Còn một tuần lễ nữa
24-08-2015 là sinh nhật thứ 80 của Nhật Tiến. Sinh nhật thứ 80 ở Mỹ, cũng là tuổi
Nhật Tiến phải thi lại bằng lái xe. Chuẩn bị cho ngày ấy, Anh đã tới bác sĩ
nhãn khoa để được điểu trị laser võng mạc mắt trái, trước đó Anh cũng đã qua
hai cuộc mổ cườm mắt/ cataract, nay với kính progressive cận/ lão Anh vẫn đạt mức
thị lực 20/20, Anh cũng đang chuẩn bị ráo riết thi lại phần viết của Nha Lộ Vận
/ DMV để đổi bằng lái xe mới. Ở tuổi nào thì Anh cũng vẫn sốt sắng gắn bó với đời
sống theo đúng tinh thần Hướng Đạo. Ngay cả ở tuổi 80 mà vẫn còn chăm chỉ học
bài để vác bút đi thi! Tôi nghĩ Anh cũng sẽ dễ dàng bước qua kỳ thi này.
Từ phải: Nhật Tiến,
Ngô Thế Vinh
[photo by Đào Nhật
Tiến, Dallas]
Bài viết vội với hơn 7 ngàn chữ gửi tới
Anh, phải kể là quá ngắn so với cuộc đời rất phong phú và đa dạng của Anh: một
nhà văn, một nhà giáo, và một đời hướng đạo. Nhật Tiến rất trực tính và can đảm.
Không phải ai cũng chia xẻ và đồng tình với cách hành xử của Anh. Và không ít lần
Anh đã phải trả giá cho những ngộ nhận và cả vùi dập cho những điều Anh phát biểu. Nhưng có điều chắc chắn đó là tiếng nói lương
tâm của Nhật Tiến.
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt
động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng -
chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một
Tráng Sinh Lên Đường.
NGÔ THẾ
VINH
California 24-08-2015