DOHAMIDE ĐỖ HẢI MINH
LTS: Dohamide Đỗ Hải Minh là một cây viết quen thuộc
trên báo Bách Khoa trước 1975, chuyên khảo về lịch sử và văn minh Chàm. Đã xuất
bản: "Dân Tộc Chăm Lược Sử" [1965];“Bangsa Champa: Tìm Về Với Một Cội
Nguồn Cách Xa” [2005]. Xuất thân Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và tốt nghiệp
M.A. Đại Học Kansas, Hoa Kỳ. Lớn lên ở
miệt Hậu Giang Châu Đốc nên rất am tường về hệ sinh thái Đồng Bằng Sông Cửu
Long.
Hiện định cư tại Orange County, Nam
California, Hoa Kỳ.
Mùa
Nước Lên & Mùa nước giựt tại vùng châu thổ sông Cửu Long
Trong nhiều thập niên trước đây, người dân vùng châu
thổ sông Cửu Long, tức Mekong, đã quen sống với nạn ngập lụt hàng năm như là một
hiện tượng thiên nhiên đến đều đặn theo chu kỳ, nên nhà cửa dọc hai bên sông rạch
thường cất theo kiểu nhà sàn, và chiều cao của các cây cột sàn thường được tính
toán vừa cho không ngập lụt nền nhà. Chỉ
trừ những năm Thìn thì hầu như đã thành thông lệ, mực nước dâng cao hơn, nhà
nhà đều sẵn sàng sống những ngày nước ngập sàn, phải kê cao giường lên để ngủ,
chờ đến ngày mực nước hạ xuống (người địa phương gọi là “nước giựt”) gia đình
con cái mới trở lại nền nếp sanh hoạt bình thường. Do đó, tại vùng châu thổ sông Mekong, giới
bình dân thường quen và bình tĩnh sống và chịu đựng với cái gọi là “mùa nước
lên” thay vì “mùa lũ lụt” như ở miền Bắc hoặc miền Trung, như được phổ biến sau
này.
Dấu hiệu
báo mùa nước lên tại vùng châu thổ sông Mekong chủ yếu là vào khoảng tháng 8 âm
lịch, từng giề lục bình hoặc rau muống, đôi khi choán cả chiều rộng con sông,
nguyên từ các cánh đồng trên đất Cam Bốt bị nước ngập, tróc gốc, nối đuôi nhau
trôi chật sông theo dòng nước xuống đến phần đất Việt Nam. Mực nước từ từ dâng cao rồi tràn qua các bờ
sông rạch, làm ngập các cánh đồng, cho nên vùng châu thổ có loại lúa sạ, tăng
trưởng theo mực nước dâng cao có khi đến 7, 8 thước, và khi nước giựt khô ráo,
thân cây lúa nằm rạp mình trên đất chờ gặt.
Để tiết giảm
áp lực nước đổ xuống, người ta đã đào một hệ thống kinh chằng chịt tại vùng
châu thổ sông Mekong đồng thời khai thác tác dụng rửa phèn cho vùng đất mới để
canh tác.
Đến mùa nước
lên, người ta phải canh chừng đo mực nước hằng giờ để báo động kịp thời khi mực
nước vượt quá mức bình thường các năm trước. Khi áp lực nước từ thượng nguồn bớt
đi, thì mực nước liền đứng lại và hạ xuống rất nhanh cho nên trong bình dân gọi
là “nước giựt” Người ta nói nước giựt, vì mực nước hạ xuống trông thấy rõ từng
phút từng giờ.
Nước lên
và nước giựt, tuy nhiên, không diễn ra đồng đều cùng một lúc. Trên dòng nước cuồn cuộn chảy ra các cửa biển,
hễ ở vùng Châu Đốc nước giựt xuống thì vùng Cần Thơ, Vĩnh Long, v.v. ở hạ lưu
nước lại bắt đầu dâng lên, ngập tràn bờ, tràn đồng, rồi cũng lại hạ xuống, giống
như hiện tượng xảy ra trong bình thông nhau.
Cùng với
con nước đục ngầu mang theo phù sa, các loại cá lội theo vào ruộng đồng đẻ trứng,
cho đến thời kỳ nước giựt thì loại nước cỏ vàng xậm từ trong đồng ruộng chảy
ra, vô số cá con lúc nhúc từng đàn, nhứt là loại cá linh, theo nhau ùa tràn trở
ra các kinh rạch để ra sông lớn, cho nên dọc theo các kinh rạch này, người ta
đóng đáy bắt cá, có thời điểm cá rộ, lưới không chịu nổi phải giở lên thả cho
đi bớt; bằng không thì sẽ bị lủng lưới.
Với mùa nước
lên và mùa nước giựt như vậy, hệ sinh thái vùng châu thổ sông Cửu Long được cân
bằng một cách tự nhiên, và hễ năm nào mực nước dâng lên cao quá mức bình thường
thì người dân thường đơn giản nghĩ là do thiên tai ngoài tầm vói của con người.
Hiện tượng
cân bằng sinh thái tự nhiên đó không còn nữa, từ khi dân số vùng Đồng Bằng Sông
Cửu Long tăng cao do việc thiết lập các khu định cư tiếp đón dân các vùng khác
đến sanh sống, nhiều nơi đắp bờ ngăn giữ nước trồng lúa ngắn ngày gia tăng sản
lượng. Ngày xưa, các thế hệ tiền nhân đến
lập nghiệp thường chọn các khu đất gò, tại Đồng Bằng Sông Cửu Long, gọi là “đất
giồng”, nên đến mùa nước lên, các cánh đồng bát ngát cò bay thẳng cánh biến
thành biển nước mênh mông, thì đất giồng này vẫn là các khu an toàn cho người
dân và cả cho các loài rắn. Ngược lại,
trong vài thập niên qua, các khu định cư mới thường chỉ nhằm vào các vùng đất
có điều kiện cho đồng bào canh tác, nên khi đến mùa nước dâng lên, có nơi phải
ngập sâu xuống cả 2, 3 thước nước, nên cái mà giới bình dân thường quen gọi là
“thiên tai” hẳn nhiên phải nặng nề và tác hại nhiều hơn. Ngoài ra, điều mà các
nhà môi trường học đã lớn tiếng kêu gào nhiều nhất trong những năm gần đây là nạn
chặt cây phá rừng bừa bãi; những rừng cây xanh um từ xưa mang chức năng giữ lại
trong lòng đất một lượng nước quan trọng ở các đầu nguồn thì nay không còn nữa
hoặc đã biến thành quá lưa thưa, nên nước mưa xuống thì cứ thẳng chảy ra, làm
tăng khối lượng nước ngoài dòng sông và hẳn nhiên mực nước sông phải dâng cao
khi mưa nhiều ở thượng nguồn.
Cửu
Long Cạn Dòng, một nghịch lý?
Nhà văn Ngô Thế Vinh vừa cho ra đời một tác phẩm mới
nhan đề khá hấp dẫn: “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” do Nhà Xuất Bản
Văn Nghệ ấn hành, đã được các giới thân hữu, nhứt là Nhóm Bạn Sông Cửu Long tiếp
đón với rất nhiều phấn khởi như là một đóng góp lớn cho sanh hoạt bảo vệ môi
trường.
Nhưng một
câu hỏi có thể được nêu lên ngay là liệu nhan đề tác phẩm như có tiềm ẩn một
cái gì nghịch lý hay không? Bởi lẽ một
đàng, mực nước ồ ạt dâng cao và dòng nước sông Mekong chảy siết từ Cam Bốt xuống
phần đất Việt Nam, trong cuối tháng 9 và đầu tháng 10 năm 2000 vừa qua đã làm
cuốn trôi nhiều nhà cửa kể cả các nhà sàn dọc theo các kinh rạch, đã gây chết
hơn 300 nhân mạng, các cộng đồng người Việt hải ngoại, theo tinh thần tương
thân tương trợ giữa đồng bào ruột thịt, đang vất vả và tích cực tổ chức quyên
góp cứu trợ, tác phẩm của Ngô thế Vinh lại nêu lên sự cạn dòng, có nghĩa là
dòng Cửu Long không còn nước chảy nữa, thì nghĩa là sao?
Sự thực, nạn
ngập lụt khiến nước tràn bờ, tràn đồng tại Đồng bằng Sông Cửu Long do lượng nước
dồn dập từ trên thượng nguồn đổ xuống là một hiện tượng xảy ra hàng năm theo
chu kỳ nhứt định, và kéo dài trong một thời gian một hai tháng là cùng. Trong trường kỳ, trái lại, không phải chỉ là
vấn đề tràn ngập nước nữa, mà là vấn đề mực nước dòng sông Mekong có khuynh hướng
ngày càng hạ xuống, sẽ đưa dẫn đến nguy cơ cạn kiệt, một nguy cơ tác hại quy mô
khó lường, khó mà chận đứng được, và giải pháp không còn có thể là tích cực
quyên góp cứu trợ nhứt thời nữa.
Khuynh hướng
cạn kiệt nước, trước mắt, sau những ngày nước tràn đồng theo chu kỳ hàng năm,
đã được các nhà khoa học ghi nhận ở hiện tượng vùng nước nhiễm mặn từ các cửa
Sông Tiền Sông Hậu đang ngày càng lấn sâu vào nội địa, và dấu hiệu là các loại
cá chuyên sống vùng nước lợ đã bắt đầu được phát hiện ở một số vùng trước chỉ
có các loại cá nước ngọt sanh sống. Nạn nhiễm mặn không những chỉ diễn ra tại
các dòng sông mà còn thấm vào lòng đất khiến các giếng nước ngọt đào trong các
vùng sâu bên trong cũng sẽ không còn sử dụng được. Trên các vùng nước nhiễm mặn hẳn nhiên sẽ
không còn các giống lúa truyền thống nữa, và điều tai hại đang đe dọa trong
tương lai là cho đến nay, chưa có một giống
lúa nào được tạo được trong các phòng thí nghiệm có thể thích ứng với vùng đất
nhiễm mặn cả. Như vậy, liệu Việt Nam có
thể còn giữ được sản lượng gạo xuất cảng vào hàng nhì thế giới như hiện nay hay
không? Và trong lâu dài, nếu tình hình xấu
đi hơn nữa, liệu người dân Việt trong nước sẽ còn đủ gạo để ăn hay không? Đó là những câu hỏi chủ yếu mà tác giả với một
thủ thuật văn pháp kỳ diệu đã lần đưa người đọc phải quan tâm tìm hiểu thêm.
Nguyên
nhân hiện tượng cạn dòng của sông Mekong có thể được tìm thấy trước mắt không
phải trong thiên tai, mà trong chính tác động của con người. Để tranh thủ ngoi lên, mỗi nước nằm trên dòng
chảy của sông Mekong - tất cả đều là những nước đang phát triển - đều cùng muốn
làm sao tự sản xuất nhiều năng lượng chừng nào hay chừng nấy, để sử dụng vào
công cuộc phát triển kinh tế trong đó, nền kỹ nghệ được đặt ưu tiên hàng đầu. Giấc mơ phát triển này đã và đang thúc đẩy
các nước nằm trên dòng chảy của sông Mekong đua nhau hình thành các dự án thiết
lập và xây dựng những đập nước, lắp đặt các nhà máy thủy điện, tạo ra nguồn
năng lượng than trắng, nguồn năng lượng giá rẻ nên tương đối hấp dẫn do không lệ
thuộc vào việc nhập cảng dầu từ các nước ngoài hao tốn ngoại tệ.
Theo công
pháp quốc tế, giữa các nước có lãnh thổ liền nhau đều có phân định biên giới quốc
gia bắt buộc công dân và hàng hóa từ nước này sang nước kia phải tuân theo một
số điều kiện; riêng về nước trên con sông thì cứ theo dòng mà chảy xuôi chớ
không có gì hạn chế cả. Tuy nhiên, từ
khi kỹ thuật thiết lập các đập nước được thực hiện, đòi hỏi phải ngăn và chuyển
dòng sông để đưa nước vào các hồ chứa dự trữ khổng lồ, được tính toán đều đặn
tháo ra theo lượng hoạch định, dùng vận hành các turbin khổng lồ làm ra điện.
Hậu quả
trước mắt của công cuộc chuyển dòng để dự trữ lượng nước cho riêng quốc gia
mình, hẳn nhiên, chẳng những làm biến đổi dòng chảy thiên nhiên mà còn làm giảm
khối lượng nước chảy xuôi dòng bình thường từ thượng nguồn ra biển cả như từ
bao thế kỷ nay. Về mặt này, ai cũng rõ,
Trung Quốc là nước có lợi thế hơn cả do lãnh thổ nằm ở vị trí đầu nguồn của
sông Mekong, và trên thực tế, Trung Quốc, từ vài thập niên qua, đã triệt để
khai thác vị trí tối thuận lợi của mình để xây dựng một loạt các con đập bậc thềm,
bất kể quyền lợi của các nước ở hạ lưu.
Kế tiếp, theo thứ tự, các nước Miến Điện, Thái Lan, Lào rồi Cam Bốt, và
Việt Nam là nước nằm ở cuối nguồn hẳn nhiên phải chịu thiệt hơn cả.
Theo những
điều trình bày trên, sự ra đời của tác phẩm “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy
Sóng” thoạt nhận thì thấy hình như là một nghịch lý, trước nạn lũ lụt hoành
hành tại vùng châu thổ sông Cửu Long, dấy lên những phong trào rầm rộ cứu lụt
trong các cộng đồng người Việt hải ngoại.
Nhưng khi đặt vấn đề dòng sông Mekong trong một bối cảnh quy mô toàn
vùng và trong lâu dài có nguy cơ cạn kiệt, thì tác phẩm, nói chung, phản ánh một
nỗ lực thu hút mọi người quan tâm đến một ngày mai, xây dựng một viễn tượng
đúng đắn về địa lý chánh trị học (geopolitics) mở rộng tầm nhìn mang tính chiến
lược soi sáng tiềm năng khả dụng cùng những mặt hạn chế, nhứt là của các nước nằm
ở hạ lưu, trong việc khai thác nguồn nước sông Mekong phục vụ phát triển kinh tế,
trước chánh sách ngạo mạn nước lớn của Trung Quốc ở trên thượng nguồn.
Cửu
Long cạn Dòng, Biển Đông dậy Sóng
Trong bối cảnh kể
trên và qua cách trình bày, người đọc có thể nhận ra ngay, tác phẩm “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng”, dày
646 trang, không phải là tác phẩm thuộc
dạng tiểu thuyết hay truyện như “Mây Bão”, “Bóng Đêm”, Gió Mùa”, “Vòng Đai
Xanh”, “Mặt Trận Ở Sài Gòn” đã xuất bản trước đây, nguyên đã tạo nên một thế đứng
vững chắc được nể trọng cho Ngô Thế Vinh trong văn giới trong những năm qua.
Về cấu trúc, sách được phân chia thành 23
chương cọng thêm những trang “Lời Dẫn Nhập”, một phần Phụ lục về “Ký Họa Đoàn
Thám Hiểm Sông Mekong 1866-1873”, và đoạn “Thay Lời Kết” ở những trang cuối
cùng.
Ở cuối đoạn “Dẫn Nhập”, tác giả ghi “Cà Mau
Năm Căn 11/99”, thoạt nhận, có thể làm người đọc không am tường, hiểu lầm, cho
là tác phẩm xuất xứ từ trong nước. Thực
sự, địa danh Cà Mau - Năm Căn chỉ phản ánh quá trình hình thành tác phẩm bao gồm
cả chuyến đi khảo sát thực địa tận trong nước thể hiện qua những hình ảnh rất
phong phú, sống động in ở sau mỗi chương sách, bên cạnh những hình ảnh của những
thời xa xưa nói lên những cuộc tra cứu tư liệu rất công phu, đòi hỏi nhiều thời
gian vật chất, ghi lại những nguồn tham khảo vẫn tưởng đã bị dòng thời gian
chôn sâu vào quên lãng.
Để tiện cho người đọc theo dõi và vị trí
hóa các sự kiện lịch sử về con sông Mekong, ngay ở phần đầu, tác giả đã cẩn thận
lập ra bảng kê các niên biểu trải rộng qua 7 quốc gia, từ thế kỷ thứ I mãi đến
năm 2000 là năm hoàn thành cây cầu Mỹ Thuận
bắc qua Sông Tiền, gợi lên một tầm nhìn khoáng đạt, bao quát chớ không
nhứt thiết giới hạn trong một khung địa lý thu hẹp ở một địa phương.
Tác phẩm “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy
Sóng” được hình thành theo một thể tài khá lý thú và độc đáo. Theo giải bày của
Ngô Thế Vinh trong Lời Dẫn Nhập, thì “đây không thuần túy là một cuốn ‘tiểu
thuyết – fiction’ được hiểu như là một sản phẩm của tưởng tượng, nhưng là dạng
“dữ kiện tiểu thuyết – faction: fact & fiction” với một số nhân vật văn học
và phần dự phóng là hư cấu để cùng với người đọc đi tới những vùng đất, nơi có
con sông Mekong hùng vĩ chảy qua...”
Mô thức dữ kiện tiểu thuyết là một sáng tạo
độc đáo, duy nhứt, của nhà văn Ngô Thế Vinh, chắc chắn sẽ được đón nhận một số
tranh luận, mở ra những cuộc trao đổi sẽ rất lý thú trong văn học sau này.
Hình như dụng ý của tác giả, chủ yếu nhằm
khơi lên vấn đề từ chi tiết tạo nên một khung lý luận, đưa người đọc vào một số
tình huống phải suy nghĩ, phải quan tâm đến một chủ đề bao quát lớn lao hơn bao
trùm toàn bộ tác phẩm: dòng sông Mekong dưới tác động tai hại của các công
trình thủy điện, mỗi nước dựa vào chủ quyền quốc gia cứ tùy tiện xây dựng, hầu
hết chỉ tập chú vào sản lượng điện năng, xem nhẹ hoặc xem như không có các tác
hại lâu dài về môi sinh, những tệ trạng về mọi mặt mà người dân trong vùng phải
gánh chịu. Ngô Thế Vinh không đóng
khung vấn đề trong nội vi một nước, mà còn cảnh giác về các tác hại của tiếp cận
theo lối khép kín đóng cửa rút cầu này.
Ngoài ra, Ngô Thế Vinh còn làm hiện rõ mối đe dọa cố hữu của nước lớn
Trung Quốc ở đầu nguồn đang lạnh lùng hành động khống chế các nước ở hạ lưu, về
mặt sử dụng lượng nước, về các chất thải kỹ nghệ âm thầm chảy xuống từ tỉnh Vân
Nam nơi thượng nguồn...
Mỗi chương sách được đặt tên đôi khi nghe rất
thi vị nhẹ nhàng nhưng thực chất là khai triển một đề tài gợi lên cho người đọc
rất nhiều xúc cảm phê phán gay gắt. Chẳng
hạn như Chương XIV ghi là “Chuyến Tàu Lỡ Trên Sông Mekong Và Con Cá Đuối Trong
Tỉnh Đồng Tháp”, thực sự nội dung là vạch trần một cách thấm thía thái độ thiển
cận của những viên chức chánh quyền Cộng Sản có trách nhiệm đã không cấp phép
cho nhà thám hiểm biển sâu người Pháp, hầu như độc nhất vô nhị, nổi tiếng trên
thế giới là Jacques-Yves Cousteau, xin mang chiếc tàu ngầm thám hiểm tý hon
Calypso đi ngược dòng Mekong thu thập dữ kiện khoa học. Jacques-Yves Cousteau
nay đã qua đời nên Việt Nam đã mất đi cơ hội bằng vàng để bổ sung phần hiểu biết
khoa học vốn đã nghèo nàn về hệ sinh thái con sông Mekong!
Chương XXII mang tên “Tìm Về Phương Đông Địa
Đàng Lại Đánh Mất” khêu gợi óc tò mò của người đọc, để lần theo các trang sách,
từ từ phát hiện ra địa đàng chính là nền văn hóa cổ thời Đông Nam Á, với những
dữ kiện mới được khám phá gần đây, những
khu rừng mưa trên Cam Bốt, hệ thống thủy lợi và giao thông trên vùng Ốc Eo châu
thổ sông Mekong.
Từ chương này sang chương khác, tác giả đã
lần đưa người đọc đi qua các vùng đất các nền văn minh những nơi con sông
Mekong chảy qua, bắt đầu từ vùng đầu nguồn ở Tây Tạng rồi sang Vân Nam Miến Điện,
qua Thái Lan, di chuyển qua Khu Tam Giác Vàng và lãnh thổ Lào với Cánh Đồng
Chum. Từ những ngày ở Singapore, tác giả
đã đưa người đọc về đất Cam Bốt với Cánh Đồng Chết thời Pol Pot, rồi mới quay về
với vùng đất mẹ Việt Nam khốn khổ, đến Bến Tre, Cái Bè, đến vùng Tràm Chim Tam
Nông đầm lầy rồi, rồi trở qua đất Lào, Cam Bốt, đi vào vùng Biển Hồ Tonlé Sap kỳ
thú, rồi lại quay trở về Nam Việt Nam... Mỗi chương là một đề tài được nêu lên
và phân tích theo những góc cạnh tiếp cận vô cùng phong phú và đa dạng, không
chương nào giống chương nào cả. Tuy khác
nhau về tình tiết, nhưng giữa các chương, như tác giả đã trình bày, được gắn liền
bằng một dòng tư tưởng nhất quán, vẽ lên những bức tranh thường là đen tối đè nặng
lên dòng sông Mekong do thảm trạng các nước đua nhau thực hiện các công trình
xây dựng đập vận hành các nhà máy thủy điện, chặn giữ nước và làm ô nhiễm lượng nước từ thượng nguồn.
Trong quá trình triển khai nội dung từng
chương, tác giả thường tận dụng cơ hội cung ứng những dữ kiện và thông tin quý
báu, được minh họa bằng các hình ảnh sống động của nhiều thập niên trước về lịch
sử, về văn hóa hoặc văn minh cổ thời ở địa phương, như Phù Nam, Ốc Eo, Champa,
Tây Tạng... Qua các trang sách và hầu như đã thành một quán tính có thể nhận thấy
rõ, không đề cập thì thôi, nhưng hễ đi vào một vấn đề nào, Ngô Thế Vinh hầu như
đi vào rất sâu, cung ứng rất nhiều dữ kiện, nhiều bằng chứng lý thú, thúc đẩy
người đọc càng đọc càng thích thú, đến một đoạn nào đó, có thể như “quên đường
về”. Tuy nhiên, trong lúc tiến tới say
mê như vậy, và có khi đã thấy vừa đủ liều lượng, Ngô Thế Vinh, ở nhiều đoạn
sách, có thể đột ngột bẻ tay lái sang
lane chớp nhoáng chuyển sang một vấn đề khác không có chút bịn rịn nào cả.
Trong một phút giây nào đó, người đọc bất ngờ bị cảm thấy như hụt hẫng, chới với
đi vào một vấn đề khác. Và mỗi lần như vậy,
người đọc không thể làm gì khác hơn là từ từ lật ngược lại các trang đã qua, để
hệ thống hóa lại nội dung, trước khi thưởng thức tiếp các trang sách. Chừng đó, người đọc mới cảm thấy được bút
pháp điêu luyện của tác giả và xác định rõ, tác phẩm “Cửu Long Cạn Dòng, Biển
Đông Dậy Sóng” đúng như được ghi nhận là “đầy ắp tư liệu” có giá trị lịch sử và
cả giáo dục nữa, không thể đọc phơn phớt để thưởng thức như là một quyển tiểu
thuyết bình thường được.
Chính trong những điều kiện kể trên, mới
nổi bật lên và như in sâu vào tâm trí người đọc những sự kiện lịch sử của một
thời xa xưa mà người ta không thể quên được về con sông Mekong, chẳng hạn như
thông tin về chuyến đi thám hiểm của Francis Garnier, Doudard de Lagrée ngược
dòng sông Mekong để tìm thủy lộ giao thương từ Sài Gòn sang Trung Hoa; về số phận
tiêu vong của loại cá hiếm Pla Beuk, Dolphin trên dòng sông Mekong... Thông tin lý thú nhứt có lẽ là mặc dầu con
sông Mekong được vẽ trên mọi bản đồ thế giới, nhưng chỉ mới đây thôi, chỉ vào năm 1994, người ta mới chánh thức xác định
được tọa độ chính xác điểm khởi nguồn của sông Mekong nơi một địa điểm hoang vắng
nhứt của cao nguyên Trung Á.
Như tên tác phẩm đã phân định, rõ ràng có
hai vế chủ yếu được đề ra ở đây. Vế “Cửu Long Cạn Dòng” là tiếng kêu cảnh giác về
nguy cơ xảy đến trong một tương lai gần kề cho dòng sông Mekong khi mỗi quốc
gia nằm trên dòng sông chỉ nhằm nhu cầu phát triển nguồn thủy điện cứ tiếp tục
xây dựng đập, không cứu xét đúng mức các hậu quả tai hại về môi sinh cho dân
chúng trong vùng và cả dân chúng các quốc gia ở vùng hạ lưu.
Ngô Thế Vinh đứng trên quan điểm môi sinh,
nên nêu vấn đề nặng về khía cạnh nhân bản, đòi hỏi những nguồn lợi kinh tế,
trên cấp bậc quốc gia, thu thập được do các con đập không thể hy sinh quá đáng
về những điều kiện sống bình thường của người dân trong vùng được.
Nhân dịp này, tác giả đã thẳng thắn vén
lên bức màn huyền thoại lâu đời của các định chế quốc tế chuyên trách tài trợ
các dự án phát triển, cụ thể là Ngân Hàng Thế Giới – World Bank, Ngân hàng Phát
Triển Á Châu _ Asian Development Bank , thường thấy thuận lợi hơn khi hợp tác với
các chánh quyền độc tài địa phương, viện lẽ các chánh quyền này có đủ điều kiện
duy trì ổn định chánh trị cần thiết để tiến hành các dự án xây đập, luôn luôn
đòi hỏi phải tổ chức di chuyển dân chúng sống trong vùng bị chôn sâu dưới khối
nước dự trữ ở các hồ chứa.
Trong vấn đề dòng sông Mekong, một nước
Trung Hoa to lớn đang ngự trị ở thượng nguồn, độc quyền nắm thế thượng phong, lặng
lẽ xây dựng hàng lọat đập thủy điện bậc thềm, biến các đoạn dòng sông Mekong
thành ô nhiễm quá mức do chất thải của các nhà máy kỹ nghệ nằm dọc theo bờ sông,
mà không có một biện pháp xử lý nào cả; Việt Nam và Cam Bốt là các nước nằm dưới
vùng hạ lưu hẳn nhiên sẽ phải lãnh đủ các hậu quả ô nhiễm này.
Để được tự do hành động cho quyền lợi
riêng mình, Trung Quốc luôn luôn né tránh, không bao giờ muốn thành hội viên Ủy
Hội Sông Mekong, và đây có thể là một phát hiện kỳ thú của tác phẩm, ít được dư
luận thế giới quan tâm: Trung Quốc đã cho phá vỡ các khối đá khổng lồ để tạo ra
một dòng sông chảy xuống đến đất Lào.
Khuynh hướng bá quyền của Trung Quốc đã được củng cố thêm do bởi chủ
trương bành trướng lãnh thổ ở vùng Biển Đông được tác giả phân tích tại chương
XV là chương mang tên được dùng làm tên tác phẩm: “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông
Dậy Sóng”, đặc biệt triển khai vế thứ 2 của tên sách (Biển Đông Dậy Sóng) hàm ý
nhắc đến biến cố Hoàng Sa (Paracel) năm 1974 và Trường Sa (spratly) năm 1988 –
vết thương hằn sâu khó lành của mọi người dân Việt - từ đó, ghi nhận những khía
cạnh của chủ trương bá quyền của Trung Quốc trong vùng Đông Nam Á. Trong bối cảnh đầy đe dọa về lãnh thổ và lãnh
hải ngoài Biển Đông, nhân vật Hộ (trang 476) chắc hẳn đã làm nhiều người đọc
bàng hoàng khi khẳng định: “Từ hơn một thập niên qua, việc đơn phương chuyên
quyết tiến hành xây chuỗi 7 con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam, trên thực tế
Trung Quốc đã phát động một cuộc chiến tranh môi sinh không tuyên chiến với 5
nước nước hạ nguồn sông Mekong.” Nhưng đối
lại và gợi nhớ tinh thần bất khuất của mọi người dân Việt Nam, Ngô Thế Vinh đã
cho ghi ở đầu chương các vần thơ cảnh cáo bất hủ của Lý Thường Kiệt: Nam quốc
sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư...
Như tác giả xác định, các nhân vật trong
tác phẩm đều thuộc phần hư cấu, nhưng lối xây dựng hư cấu của Ngô Thế Vinh thực
sự đã tạo cảm giác như phảng phất đâu đây hình ảnh, phong cách một số mẫu nhân
vật có thật ngoài đời. Đó là ông Khắc, một
nhà báo lão thành, cộng tác với tờ báo Mỹ chuyên trách các đề tài về Đông Nam Á
và Việt Nam; Cao thuộc Nhóm Bạn Cửu Long thường xuất hiện nhiều trong các
chương sách, phát biểu tầm nhìn bao quát có giá trị chiến lược lâu dài về môi
sinh; Duy là một thanh niên gốc Bắc, lớn lên trong Nam, tốt nghiệp Đại học Mỹ,
có nhiều công trình đăng ở tập san y khoa nổi tiếng, bên cạnh có Bé Tư, một cô
gái thông minh sâu sắc, nhưng rất chính chắn, được Ngô Thế Vinh đệm thêm một
vài nét phác họa tình cảm với Duy để gây chút thơ mộng trong câu chuyện dòng
sông Mekong...
Các nhân vật này tạo thành chất kết dính
các sự kiện, được gắn vào các vai trò dấn thân vì môi sinh, tham quan, tham dự
các hội nghị, trao đổi... được tác giả lồng vào những phát biểu sâu sắc, chứng
tỏ thẩm quyền trong lãnh vực chuyên môn có liên quan, khi thì mang tính nhận định
hoặc quan điểm, khi thì phê phán cần thiết ở trong các tình huống thích hợp
liên quan đến dòng sông Mekong. Những
nhận định và phê phán này thường nhẹ nhàng trong phong cách lịch sự trí thức,
nhưng khi cần thì cũng rất khe khắt, chẳng hạn như đối với cuộc thảm sát quy mô
thời Pol Pot, chủ trương cáp duồn thời Lon Nol ở Cam Bốt những mặt tiêu cực của
chánh sách Đổi Mới tại Việt Nam, hậu quả tiêu ma cho Tràm Chim vùng Tam Nông, một
số loài vật quý hiếm trên thế giới có nguy cơ bị diệt chủng... Ngô Thế Vinh cho
thấy đã thận trọng duy trì liều lượng vừa phải để những người nhất là những chức
quyền có liên quan vẫn còn lắng tai nghe
được và để cho nội dung thẩm thấu một cách từ tốn theo trình độ hiểu biết của họ.
Có một điều gợi lên cho người đọc chút
xót xa cho đất nước Việt Nam trong hoàn cảnh hiện tại là các nhân vật thuộc
hàng chuyên gia Ngô Thế Vinh xây dựng trong tác phẩm thì hoặc thuộc thế hệ lão
thành, hoặc thế hệ trẻ mới vươn lên, nhưng hầu hết đều từ nước ngoài đi vào quê
mẹ. Dù vậy, tác giả cũng đã không để cho
họ cảm thấy như là những người xa lạ trên quê hương mình, bất chấp các thủ tục
vụn vặt, chẳng hạn như phải khai báo với công an địa phương (chi tiết phiền hà
này không có ghi trong tác phẩm). Đến
khi sang nước khác tiếp xúc với chuyên viên như Cham Sak chẳng hạn là chuyên
viên đang sanh sống hành nghề tại chính nước Thái Lan chánh gốc của mình, họ
phát biểu một cách hồn nhiên trên cơ sở là chuyên gia Việt Nam với nhiệt huyết
phục vụ môi sinh, phục vụ đất mẹ Việt Nam của họ.
Được trang bị vốn hiểu biết kỹ thuật
chuyên môn cùng kinh nghiệm thu thập ở nước ngoài, các nhân vật chuyên gia Việt
Nam này cũng mang theo về nước tầm nhìn bao quát có tính chiến lược lâu dài và
phương pháp xử lý bám sát tinh thần đối chiếu khoa học, hẳn nhiên phải khác và
đôi khi còn đối nghịch với cả cách nhìn không tự thấy là cục bộ của nhân vật Mười
Nhe mà Ngô Thế Vinh đã xây dựng phản ảnh một cách trung thực tài tình mẫu hình
cán bộ Cộng Sản trung kiên có thể tìm thấy ở nhiều nơi tại vùng Đồng Bằng Sông
Cửu Long.
Ngay cái tên Mười Nhe cũng đã gợi lên chút
tính trào lộng, ai cũng tưởng rằng ông Mười Nhe này luôn luôn ...nhe răng cười,
nhưng sự thực, Mười Nhe đã được Ngô Thế Vinh mô tả “vóc người ốm nhỏ, có nước
da sạm đen hơi tái của người thiếu máu kinh niên, khuôn mặt xương xẩu vẻ cằn cỗi
và khắc khổ...” là hình ảnh hiếm hoi của những người Cộng Sản chân chính còn
sót lại, trong chức vụ Huyện Ủy Tam Nông, đã tích cực thực thi chánh sách đổi mới
bằng “kế hoạch ngũ niên tự phát”, nâng dân số Huyện lên gấp đôi, mang lại cho đồng
bào một đời sống sung túc trong một thời gian kỷ lục. Ông Mười Nhe đã cho chặt
phát rừng tràm thả cửa, đánh cá không phải chỉ bằng lưới mà cả bằng chất nổ, bắt
tất cả cá tôm các cỡ, cỡ nhỏ không bán thì để nổi lều bều trên mặt nước, người
dân không mấy chốc đều khá giả. Nhưng hậu quả là, diện tích rừng tràm nổi tiếng
phong phú thì nay chỉ còn một phần ba, cả ngàn con hạc quý hiếm nay chỉ còn khoảng
500 con! Mười Nhe vui và hãnh diện với
thành tích vượt bực của mình trong công trình đưa Huyện nhà đi lên, (tác giả
không có ghi khẩu hiệu “tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội”) nhưng làm
sao để đưa vào đầu con người cán bộ già nua và thủ cựu này khái niệm vùng đầm lầy
và tràm chim là một kho tàng phong phú về sinh học, là cái nôi của chu kỳ sinh
sản và tăng trưởng cho nhiều giống cá và các loài sinh vật khác? Thiếu học và cuồng tín vẫn còn là “nguyên
nhân nỗi khổ không phải chỉ trên những con người mà còn với đám chim muông và
cây cỏ”, một khía cạnh của thảm trạng của dòng sông Cửu Long mà Ngô Thế Vinh đã
nêu lên một cách vô cùng thắm thía cho những ai còn có chút suy tư.
Người ta phát hiện ông Mười Nhe có một đứa
con trai tên Thuận theo học trên tỉnh được Mười Nhe kín đáo tự hào, nhưng bị
cho là “chỉ biết có sách vở, cùng bày đặt nói tới nói lui chuyện tào lao môi
sinh môi tử.” Qua sự bảo trợ của Bé Tư,
Thuận được Hội Hạc Quốc tế cấp học bổng du học.
Theo thời trang, Thuận đã chọn đi Mỹ và đang cố gắng hết sức mình để đạt
mức bắt buộc 550 điểm môn Anh văn, cho nên người ta chỉ trông chờ một lớp người
trẻ như Thuận thay thế những người như Mười Nhe đến tuổi phải nằm xuống dưới
đáy mồ, trong tương lai thế hệ trẻ trong và ngoài nước mới cùng chân thành truyền
đạt cho nhau trên cùng một băng tần, cùng kết hợp nhau xử lý các vấn đề môi
sinh dòng sông Cửu Long mà thôi.
Nhưng không, thời gian chờ đợi ấy sẽ có
thể rất xa, và nhân vật Bé Tư dù sao cũng chỉ là một hư cấu mang tính lý tưởng;
ngoại trừ là trong dòng tộc, còn thì rất khó mà thiết lập quan hệ gắn bó với
Thuận như thế trên thực tế được.
Ngô Thế Vinh đã có cách xử lý thiết thực
và vô cùng tuyệt diệu để thay đổi cách làm ngay của Mười Nhe: cho một đồng chí
từ cấp trung ương Đảng khêu gợi lại cho Mười Nhe lòng căm thù, nêu lý do mất cảnh
giác về an ninh quốc phòng – “phá hoại hết rừng tràm là phá hoại chiến khu...”
(trang 200).
Qua 645 trang sách,
tranh của Nghiêu Đề, mẫu bìa của Khánh Trường, Cao Xuân Huy trình bày nội dung,
được minh hoạ bằng hàng loạt hình sinh động, một số có giá trị lịch sử, tác phẩm
Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” của Ngô Thế Vinh đã đưa người đọc đi từ
thượng nguồn ở Tây Tạng, vượt qua các ghềnh thác và sóng gió của lịch sử từng
quốc gia mới xuống đến vùng châu thổ ra các cửa sông tỏa nước ra biển.
Dưới thể tài theo mô thức “dữ kiện tiểu
thuyết” độc đáo, duy nhứt, của bản thân Ngô Thế Vinh, tác phẩm quả thật đã thể
hiện một công trình nghiên cứu công phu theo chiều sâu cặn kẽ của từng vấn đề
nêu lên, đánh dấu một đỉnh cao trong văn nghiệp Ngô Thế Vinh. Giá trị căn bản của tác phẩm là đã thành
công, xuyên qua các dữ kiện, cung ứng những thông tin giá trị vô song về quá khứ
sóng gió của từng khu vực dòng sông Mekong chảy qua, để từ đó đưa dẫn người đọc
làm quen rồi tiếp cận với các vấn đề môi sinh được đặt cho toàn vùng, và xây dựng
một tầm nhìn chiến lược bao quát, thoát khỏi những vứơng bận cục bộ địa phương
chỉ biết có riêng mình.
Do thái độ ngạo mạn đàn anh của Trung Quốc
một mặt răn đe xâm lược ở mặt Biển Đông, một mặt nắm quyền quản lý khép kín,
thao túng ở đầu nguồn, dòng sông Mekong đang thực sự đối diện với một tương lai
đầy bất trắc do nạn xây đập không có bàn thảo phối hợp, chia xẻ quyền lợi hợp
lý, cân bằng sinh thái với các nước khu vực hạ lưu.
Tác phẩm đã làm nổi bật một số chủ điểm,
đơn giản hóa một số hiểu biết chuyên sâu, để xây dựng ý thức chung về các tai họa
có khả năng xảy đến, cụ thể là nguy cơ dòng sông Mekong cạn kiệt, nạn nhiễm mặn
đang lan dần vào nội địa quốc gia ở hạ lưu – lại chính là Việt Nam.
Tác phẩm “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy
Sóng” của Ngô Thế Vinh gióng lên tiếng chuông báo động về các nguy cơ kể trên. Mong
tiếng chuông báo động này sẽ vang xa, tập hợp một lực lượng nhân sự ngày một
đông đảo, huy động trí tuệ cùng góp sức giải quyết các vấn đề môi sinh chủ yếu
đã được nêu lên cho dòng sông Mekong nói chung và cho phần hạ lưu, châu thổ
sông Cửu Long nói riêng tại Việt Nam.
DOHAMIDE
ĐỖ HẢI MINH
Thế
Kỷ 21, 139 [11/2000]