Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VÀ NHỮNG BƯỚC PHÁT TRIỂN TỰ HUỶ HOẠI 1975 - 2018

NGÔ THẾ VINH

Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
Để tưởng nhớ Mai Chửng
điêu khắc gia tượng đài Bông Lúa 1970  

Primum Non Nocere / Trước hết không gây hại.



Hình 1: tới Cửa Trần Đề mút cuối con Sông Hậu, từ trái: Ngô Thế Vinh trên bãi biển Trần Đề; giữa & phải: ĐBSCL với bờ biển ngày đêm bị sạt lở và sói mòn. [photo by Phạm Phan Long & Ngô Thế Vinh] 

TỚI CỬA TRẦN ĐỀ MÚT CUỐI SÔNG HẬU

Từ con Kênh Vĩnh Tế biên giới Việt Miên tới Cửa Trần Đề, có thể nói chúng tôi đã đi gần suốt chiều dài con Sông Hậu.

Nguy cơ rối loạn dòng chảy hạ lưu là có thật và có thể nhìn tử thượng nguồn. Nhìn về Phương Bắc, từ hơn hai thập niên qua, người viết không ngừng báo động về những mối nguy cơ tích luỹ không thể đảo ngược từ phía thượng nguồn do nạn phá trắng những khu rừng mưa nhiệt đới (rainforest), rồi những khu rừng lũ (flooded forest) quanh Biển Hồ, tới kế hoạch phá đá phá các ghềnh thác (Mekong rapids blasting project) khai thông mở rộng dòng sông Mekong để cho tàu bè của Trung Quốc vận chuyển hàng hoá tràn xuống các quốc gia hạ lưu, cùng với ảnh hưởng lâu dài là những con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam, tiếp đến là chuỗi 12 dự án đập dòng chính hạ lưu ở Lào và Cam Bốt với hậu quả gây rối loạn dòng chảy, mất nguồn cát nguồn phù sa nơi các hồ chứa, với thời gian có thể đưa tới một tiến trình đảo ngược, một Đồng Bằng Sông Cửu Long / ĐBSCL còn non trẻ có thể từ từ tan rã.

Hình 2: 16 năm trước thời điểm tháng 9.2002, tác giả đứng bên chân con đập Mạn Loan / Manwan 1,500 MW, con đập lịch sử, con đập dòng chính / mainstream dam đầu tiên trên thượng nguồn Sông Lancang-Mekong Vân Nam, Trung Quốc. [tư liệu Ngô Thế Vinh]  

Trung Quốc đang khống chế không chỉ Biển Đông mà còn trên toàn Lưu Vực Sông Mekong, Việt Nam là một quốc gia cuối nguồn, giới cầm quyền VN thì lệ thuộc về chính trị vào Trung Quốc và do đó hoàn toàn bị động. Cho dù Việt Nam thỉnh thoảng có lên tiếng phản đối yếu ớt nhưng thực tế không có chiến lược gì cụ thể và hầu như không làm được gì để bảo vệ sự sống còn của hơn 17 triệu cư dân ĐBSCL và cũng là vựa lúa của cả nước. Đó là một sự thật.

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

Đọc Tuyển tập
CHÂN DUNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT & VĂN HÓA CỦA NGÔ THẾ VINH





Như một đứa nhỏ ăn nhín từng chút một cái bánh ngon vì sợ mau hết tôi nhấm nháp từng trang Tuyển tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hóa của nhà văn Ngô Thế Vinh. Không phải vì tên tác giả đã là một đảm bảo cho giá trị quyển sách; tôi còn muốn biết thêm Ngô Thế Vinh đã có cái nhìn thế nào với những người hoạt động văn hóa - nghệ thuật mà tôi có dịp giao tiếp hay thân thiết. 

Đúng như tựa sách, tác giả đã không đi sâu vào phần phân tích hay bình luận giá trị tác phẩm hay công trình của từng văn nghệ sĩ hoặc nhà hoạt động văn hóa . Đây là  cuộc sống và sáng tác tiêu biểu của những người thầy, người bạn và đàn anh mà Ngô Thế Vinh có dịp  sống cùng  một khoảng thời gian khá dài, trải qua nhiều biến động lịch sử, nhiều hoàn cảnh, tại nhiều vùng đất khác nhau . Hầu hết những gương mặt được Ngô Thế Vinh phác họa lại trong tác phẩm đã qua đời, cho nên  đây cũng là những dòng tưởng niệm của tác giả dành cho những bằng hữu, như lời kết thường thấy ở cuối nhiều chân dung giới thiệu.

Ngô Thế Vinh là người nặng tình.  Anh không chỉ nhắc đến những trường hợp sáng tác, những cảm hứng  rất riêng tư, ít người biết của nhiều tác giả;  trong mối giao tình của anh còn có những chia sẻ lúc khó khăn, những chuyến đón đưa của người tri kỷ, những thâm tình khởi đầu từ giao tiếp nghề nghiệp rồi kéo dài , sâu đậm theo năm tháng. Đọc để thấy giữa người phác họa chân dung và các văn hữu của anh, chẳng hạn như Hoàng Ngọc Biên, người khởi đầu nghiên cứu về phong trào Tiểu thuyết mới của Pháp tại Việt Nam những năm 1970, như người bạn tấm cám họa sĩ Nghiêu Đề, như nhà báo lão thành Như Phong, nhân vật ông Khắc trong Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng, và còn nhiều gương mặt khác nữa trong tuyển tập - đều là những mối giao tình kéo dài hơn nửa thế kỷ, từ Sài Gòn sang tới đất Mỹ.  Những tình bạn bền bỉ ấy sao mà ấm áp! Đọc để hình dung không khí thân thương  trong bữa ăn tại nhà Dương Nghiễm Mậu sau 1975, khi những đứa trẻ háo hức với chất đạm tiếp tế hiếm hoi thì những người lớn  nghĩ ngợi gì, buồn bã ra sao!  Và rồi cũng đọc để rưng rưng với người thầy thuốc Ngô Thế Vinh khi chứng kiến cuộc hành trình trên con đường một chiều của những người bạn Nguyễn Xuân Hoàng, Mai Thảo…