Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

Đọc Tuyển tập
CHÂN DUNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT & VĂN HÓA CỦA NGÔ THẾ VINH





Như một đứa nhỏ ăn nhín từng chút một cái bánh ngon vì sợ mau hết tôi nhấm nháp từng trang Tuyển tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hóa của nhà văn Ngô Thế Vinh. Không phải vì tên tác giả đã là một đảm bảo cho giá trị quyển sách; tôi còn muốn biết thêm Ngô Thế Vinh đã có cái nhìn thế nào với những người hoạt động văn hóa - nghệ thuật mà tôi có dịp giao tiếp hay thân thiết. 

Đúng như tựa sách, tác giả đã không đi sâu vào phần phân tích hay bình luận giá trị tác phẩm hay công trình của từng văn nghệ sĩ hoặc nhà hoạt động văn hóa . Đây là  cuộc sống và sáng tác tiêu biểu của những người thầy, người bạn và đàn anh mà Ngô Thế Vinh có dịp  sống cùng  một khoảng thời gian khá dài, trải qua nhiều biến động lịch sử, nhiều hoàn cảnh, tại nhiều vùng đất khác nhau . Hầu hết những gương mặt được Ngô Thế Vinh phác họa lại trong tác phẩm đã qua đời, cho nên  đây cũng là những dòng tưởng niệm của tác giả dành cho những bằng hữu, như lời kết thường thấy ở cuối nhiều chân dung giới thiệu.

Ngô Thế Vinh là người nặng tình.  Anh không chỉ nhắc đến những trường hợp sáng tác, những cảm hứng  rất riêng tư, ít người biết của nhiều tác giả;  trong mối giao tình của anh còn có những chia sẻ lúc khó khăn, những chuyến đón đưa của người tri kỷ, những thâm tình khởi đầu từ giao tiếp nghề nghiệp rồi kéo dài , sâu đậm theo năm tháng. Đọc để thấy giữa người phác họa chân dung và các văn hữu của anh, chẳng hạn như Hoàng Ngọc Biên, người khởi đầu nghiên cứu về phong trào Tiểu thuyết mới của Pháp tại Việt Nam những năm 1970, như người bạn tấm cám họa sĩ Nghiêu Đề, như nhà báo lão thành Như Phong, nhân vật ông Khắc trong Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng, và còn nhiều gương mặt khác nữa trong tuyển tập - đều là những mối giao tình kéo dài hơn nửa thế kỷ, từ Sài Gòn sang tới đất Mỹ.  Những tình bạn bền bỉ ấy sao mà ấm áp! Đọc để hình dung không khí thân thương  trong bữa ăn tại nhà Dương Nghiễm Mậu sau 1975, khi những đứa trẻ háo hức với chất đạm tiếp tế hiếm hoi thì những người lớn  nghĩ ngợi gì, buồn bã ra sao!  Và rồi cũng đọc để rưng rưng với người thầy thuốc Ngô Thế Vinh khi chứng kiến cuộc hành trình trên con đường một chiều của những người bạn Nguyễn Xuân Hoàng, Mai Thảo… 

Không chỉ là mối giao tình giữa những người cùng nghiệp viết Ngô Thế Vinh còn có mối quan hệ thân thiết như của người thân trong gia đình.  Chẳng vậy làm sao  người đọc biết được có một bà Tú Xương tân thời của nhà văn Nguyễn Đình Toàn; làm sao trong tuyển tập  của Ngô Thế Vinh có được những ảnh tư liệu gia đình của giáo sư y khoa Phạm Biểu Tâm và thủ bút của Thầy gởi cho anh - tất cả đều rất riêng tư; và làm sao “ông Linh Bảo” một người đàn ông phương Tây có thể ngồi tâm tình với tác giả kinh nghiệm cưới vợ Á đông!

Nhưng điều đọng lại trong tôi nhất là hình ảnh một ngày của tháng 7 năm 1963 đầy biến động trong lịch sử miền Nam Việt Nam, chàng sinh viên y khoa Ngô Thế Vinh được trao tận tay và yêu cầu gìn giữ bản di chúc viết tay của nhà văn - chứng nhân lịch sử Nhất Linh trước khi nhà văn tuẫn tiết. Bản di chúc thứ nhì ấy để phòng khi bản thứ nhất không công bố được. “ Nhờ Vinh giữ, khi cần Vinh đưa lại”. (trang 174, 175 Chân Dung Nhật Tiến) . Một nhân cách được lựa chọn để trao gởi báu vật.  Người viết bài này vinh hạnh có thời gian làm việc cùng nhân cách ấy. 

ÁNH NGUYỆT
Paris, tháng Ba 2018