Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2023

Vòng Đai Xanh của nhà văn Ngô Thế Vinh

Trịnh Y Thư


Cuốn tiểu thuyết Vòng Đai Xanh của nhà văn Ngô Thế Vinh được khởi viết từ những năm giữa của thập niên 60, khi có phong trào FULRO nổi dậy trên Tây Nguyên (1964). Lúc đó tác giả đang giữ chức Chủ bút báo Tình Thương (1964- 1967), một cơ quan tranh đấu văn hóa xã hội của sinh viên Y khoa Sài Gòn. Cuốn sách được hoàn tất trong thời gian ông gia nhập Lực lượng Đặc biệt, giữ chức vụ Y sĩ trưởng Liên đoàn 81 Biệt cách Dù, với địa bàn hoạt động chính là Tây Nguyên, nhà Thái Độ xuất bản lần đầu năm 1970, và năm sau, được trao tặng giải thưởng Văn chương Toàn quốc bộ môn Văn.

Khi tác giả Ngô Thế Vinh hoàn tất cuốn sách này, chiến tranh Việt Nam đang đi vào giai đoạn khốc liệt nhất, đó là đầu thập niên 70 khi chính quyền Mỹ đẩy mạnh cuộc “Việt Nam hóa” chiến tranh để tìm cách rút lui khỏi miền Nam trong danh dự sau khi nhận ra họ không thể chiến thắng bằng quân sự mặc dù đã đổ không biết bao nhiêu tài nguyên và xương máu vào cuộc chiến. Cuộc chiến kết thúc năm năm sau đó với một kết quả và hệ quả cực kỳ bi thảm cho một tập thể con người miền Nam, hoặc bị ném vào những trại giam khắc nghiệt mệnh danh là “trại cải tạo” hoặc phải bồng bế nhau liều chết vượt biên đi kiếm sống ở những chân trời xa lạ đầy trắc trở, khó khăn. Cuộc chiến đã gây chấn thương trong lòng dân tộc, một vết thương quá lớn đến nỗi mặc dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua từ ngày tiếng súng ngưng nổ mà dư âm và nỗi ám ảnh quá khứ vẫn đau nhức khôn nguôi trong tâm tư người dân Việt, dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến. Sinh trưởng trong một bối cảnh lịch sử nhiễu nhương cộng thêm nhiệt huyết phẫn nộ của tuổi trẻ và lòng yêu quê hương tha thiết, nhà văn Ngô Thế Vinh đã hoàn tất tác phẩm của mình như một thực chứng cho một giai đoạn lịch sử. Vòng Đai Xanh được đánh giá bởi giới trí thức và phê bình là một trong những tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam trung thực nhất. Ở đây không thấy “ta-địch”, không thấy “chính-ngụy” mà chỉ thấy nỗi thống khổ của những nạn nhân bất hạnh bị ném vào lò lửa chiến tranh bởi những mưu đồ thâm hiểm và tàn bạo của những thế lực đối nghịch sử dụng ý thức hệ và những lý tưởng tuy đẹp đẽ nhưng đầy màu sắc hoang tưởng để biện minh cho một cuộc phân liệt tranh giành ảnh hưởng, đất đai trong bối cảnh một cuộc Chiến tranh Lạnh toàn cầu. Cuốn sách viết về số phận bi đát của những người Thượng sống trên Tây Nguyên. Sẵn có mâu thuẫn lịch sử với người Kinh, cộng thêm chính sách “Dinh điền” đầy bất công dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, người Thượng dang rộng vòng tay đón nhận sự trợ giúp của đoàn quân Mũ Xanh Mỹ với niềm hy vọng thiết lập một quốc gia Đông Sơn riêng biệt, hoặc chí ít một vùng đất tự trị bao gồm gần 30 sắc dân khác nhau sinh sống trên suốt dải đất miền cao đó. Giấc mơ của họ đã bị đập tan không thương tiếc, một phần vì họ đã quá ngây thơ, “Một quốc gia Đông Sơn riêng biệt chỉ là sự nhiễm độc của vài bộ óc non nớt khi giao tiếp với những người lính Mũ Xanh.” Đó chính là nhận định của nhà văn Ngô Thế Vinh trong cuốn Vòng Đai Xanh. Kỳ thực, “Vòng đai xanh” là kế hoạch chiến lược của chính quyền Mỹ nhằm thiết lập một chiến tuyến phòng thủ xuyên quốc gia toàn vùng Đông Nam Á để ngăn chặn sự bành trướng của khối Cộng từ phương Bắc tràn xuống, mà lực lượng chủ yếu được giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch là Lực lượng Đặc biệt Mỹ, những người lính Mũ Xanh. Được Hollywood “anh hùng hóa” bằng hình tượng một John Wayne anh dũng, kiêu hùng, trừ gian diệt bạo, nhưng thực chất những người lính Mũ Xanh chỉ là một đoàn quân viễn chinh với tất cả sự tàn bạo khiếp hãi của chiến tranh. Khi chấp nhận cộng tác với lính Mũ Xanh Mỹ, những người Thượng hiểu rõ họ đã trở thành thù địch của phe Cộng, và khi bị phe lính Mũ Xanh bỏ rơi, thật mau chóng và dễ dàng họ biến thành miếng mồi ngon cho phe Cộng, và đối với phe Cộng hình phạt nhẹ nhất cho kẻ phản bội là chặt đầu, ném xác xuống suối! Nặng hơn thì cả một buôn bản bị tàn sát, không chừa một mống dù là con vật.

“Tranh đấu cho quyền tiến bộ của người Thượng rất ư là chánh đáng nhưng biến nó thành một phiêu lưu của thù hận là điều không thể nào chấp nhận được...” Ngô Thế Vinh viết như thế trong cuốn Vòng Đai Xanh. Ở đoạn khác ông nói thêm, “... Tôi tự hỏi liệu còn phải đổ thêm bao nhiêu máu và nước mắt để có một cuộc sống canh tân ở cao nguyên.” Sự phẫn nộ trong ngòi bút của Ngô Thế Vinh bắt nguồn từ lòng thương cảm sâu sắc với nỗi bất hạnh của người dân Thượng, mà theo ông thì, “... nguyên nhân tấn thảm kịch dai dẳng ở cao nguyên không bắt nguồn từ một mâu thuẫn chủng tộc mà là sự bất bình đẳng về quyền lợi và cơ hội tiến bộ giữa Kinh, Thượng.”

Ở chừng mực nào đó, tính cách phi lý đầy mâu thuẫn của cuộc chiến cao nguyên, qua trang viết của Ngô Thế Vinh, cũng là những gì người ta trông thấy nơi cuộc chiến lớn hơn trên khắp lãnh thổ miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ: sự nghi kỵ, mâu thuẫn nặng nề giữa chính quyền Sài Gòn và thành phần lãnh đạo lực lượng đồng minh Mỹ; sự nhu nhược, bất tài và bất xứng của các tướng lãnh Nam Việt Nam chỉ huy trực tiếp cuộc chiến và thi hành chính sách cai trị dân; mưu đồ riêng tư của các thành phần con buôn chiến tranh mạo danh tôn giáo hay viện trợ; sự bất ổn và phân hóa trầm trọng của hậu phương; áp lực to lớn đòi chấm dứt chiến tranh vô điều kiện của cánh tả bên Mỹ, v.v… Tất cả những sự thật bi thảm ấy đều được Ngô Thế Vinh phơi bày trong tác phẩm. Riêng đối với chính sách của Mỹ, ông đã không ngần ngại nói thẳng quan điểm của mình như sau (qua lời nhân vật nhà báo Mỹ Davis):

“… với kinh nghiệm những năm dài sống ở lục địa Á châu tôi thấy rõ nguyên nhân sự thất bại của Mỹ. Tôi vẫn bảo Ross là người Mỹ các ông tới đây phải tự coi là khách, vấn đề thể diện có thể không được quan tâm ở Mỹ nhưng đối với người Á châu thì đó là lẽ sống chết của họ. Các ông đã thất bại nếu cứ khăng khăng hành động như chủ nhân ông đất nước này và bắt họ phải làm theo ý mình.”

Cuốn sách đưa ra nhiều vấn nạn to lớn mà kỳ thực cho đến ngày nay chúng ta vẫn chưa thấy có một đáp án thỏa đáng nào khả dĩ giúp đưa đất nước tiến bộ mạnh mẽ trên nhiều bình diện, từ kinh tế cho đến đạo đức nhân quần, nhằm chống lại mối đe dọa thường xuyên và kinh khiếp từ Bắc phương. Cơn mê giáo điều, không chấp nhận quan điểm người khác, thậm chí xem người có quan điểm khác mình là kẻ thù địch cần diệt trừ, đã được nhà văn Ngô Thế Vinh nhìn thấy cách đây cả nửa thế kỷ như cái gì cần xóa bỏ trong tâm thức dân tộc nếu muốn có tiến bộ:

Đối với người trí thức Việt Nam thì cuộc chiến tranh tại đây tự trong bản thân nó mang tất cả sức nặng của một vấn đề quốc tế, một cuộc phiêu lưu thí nghiệm đầy nguy hiểm và dĩ nhiên không phải bằng hỏa lực mà người ta tìm ra lối thoát. Mối bế tắc chính là cơn mê giáo điều có từ lâu giữa hai phía, đã đến lúc họ phải ý thức được rằng chiến tranh có thể đốt cháy tất cả, kể cả tương lai và mơ ước của cả một dân tộc. Bởi vậy họ phải tìm cách tỉnh dậy và thoát ra.”

Điều bi thảm cực kỳ phi lý là cuộc chiến đấu sống còn đầy cam khổ của người Thượng vùng Tây Nguyên vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Sau khi Cộng sản chiếm trọn miền Nam năm 1975, hàng chục ngàn người Thượng đã bị lùa vào các “trại cải tạo,” lãnh tụ bị hành quyết, buôn bản cô lập, từng đoàn người già trẻ lớn bé phải vượt đường bộ tìm lẽ sống qua cái chết sang tị nạn tại các quốc gia láng giềng. Sự ngược đãi tưởng như chưa sắc dân nào trên thế giới chịu đựng nhiều hơn. Thậm chí gần đây, làn sóng người Thượng từ Việt Nam sang Campuchia tị nạn vẫn không ngưng, nó chỉ chậm lại khi chính quyền Campuchia ra lệnh trao trả lại Việt Nam những người tị nạn đó.

Bởi thế tính thời sự cấp bách của cuốn tiểu thuyết Vòng Đai Xanh không hề suy giảm. Mặc dù sự va chạm giữa Kinh- Thượng không đến nỗi tàn bạo và khốc liệt như những cuộc chiến tranh diệt chủng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu thế kỷ XX, hay ở Kosovo thập niên 80 và gần đây nhất ở Myanmar, nhưng sự sinh tồn của những sắc dân Thượng Việt Nam vẫn là vấn đề nóng bỏng với những chất vấn đớn đau cho lương tâm nhân loại ở kỷ nguyên hiện đại này.

Trịnh Y Thư 26/05/2023

https://vietbao.com/a316170/vong-dai-xanh-cua-nha-van-ngo-the-vinh