Thứ Hai, 31 tháng 3, 2025

Quân Trường Quang Trung 1969 Và Đêm Kinh Hoàng _ Phạm Ngọc Lân



 
Khoá 11 Trưng Tập Y Nha Dược



Dẫn Nhập: Quân Trường Quang Trung 1969 và Đêm Kinh Hoàng là trích đoạn 2 chương sách 40 & 41 từ tác phẩm Cha Vô Danh của Phạm Ngọc Lân. Tác giả đã ghi lại trung thực những trải nghiệm đầu đời của hơn 200 Y Nha Dược Sĩ mới bị động viên vào quân ngũ nhưng ngay trong 9 tuần lễ đầu của thời gian thụ huấn quân sự, đã có cả “máu và nước mắt” với chết chóc và thương vong: một bác sĩ bị tử thương và 15 sĩ quan Quân Y bị thương do một trái mìn Claymore định hướng nội hoá nhắm vào doanh trại của họ. Cũng không phải là vô ích để nhìn lại một sự kiện xảy ra cách đây cũng đã 56 năm. Phạm Ngọc Lân sinh năm 1944, học trường trung tiểu học Adran Đà Lạt, tốt nghiệp Cao Học Dược Khoa, và Cử Nhân Giáo Khoa Vật Lý Đại Học Khoa Học Sài Gòn, Gỉảng Sư Đại Học Dược kiêm giáo sư lý hoá trường Marie Curie, anh còn là một nghệ sĩ tài hoa, một tay đàn guitar cổ điển có hạng. Tuy mang hai dòng máu Pháp Việt, Phạm Ngọc Lân rất yêu tiếng Việt và có một tâm hồn rất Việt Nam. Có thể nói Cha Vô Danh là hồi ký của một nhân vật trung tâm Phạm Ngọc Lân, nhưng bao quát hơn là viết về những con người thật việc thật, họ đã sống trên một đất nước Việt Nam trong thế kỷ 20 đầy thăng trầm với chiến tranh và loạn lạc. Tác giả muốn ghi lại cho các thế hệ mai sau có thể hiểu biết thêm không chỉ về đời sống của cha ông, mà hơn thế nữa về lịch sử cận đại của đất nước mình. Cha Vô Danh là hành trình của một trí thức đích thực của Miền Nam Việt Nam, đã được chính tác giả viết với 3 ngôn ngữ Pháp, Việt, Anh. 

*

40. Quân trường Quang Trung 1969 

 

Ngày thứ hai mùng 2 tháng 6 năm 1969, khóa 11 Trưng Tập được đưa lên học quân sự tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Suốt thời gian thụ huấn tại đây, Long viết đều đều cho Mai, gần như một nhật ký ghi lại những sinh hoạt trong trại lính. Những chuyện vui buồn đáng ghi lại làm kỷ niệm, vì nó rất khác với sinh hoạt ngoài đời sống dân sự.

 

Hơn 200 Y, Nha, Dược, Thú Y sĩ trình diện tại Trường Quân Y từ 7 giờ rưỡi với ba-lô trên lưng và túi vải nhà binh đựng đồ dùng (từ thời lính Pháp đã có loại túi này, gọi là « sac marin »), leo lên tám chiếc GMC. Đoàn xe chuyển bánh hướng về Hóc Môn phía tây bắc Sài Gòn. Sau khi vào vòng đai Quang Trung, đoàn xe chạy thẳng đến trại Võ Tánh, liên đoàn A, tiểu đoàn Nguyễn Huệ. Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung là cả một thành phố với nhiều đường sá, nhưng không có nhà ở mà chỉ có doanh trại.

 

Đến nơi gặp ngay chuyện không vui đầu tiên: có lệnh ở đâu không biết chuyền miệng nhau nói phải cởi bỏ lon trung úy trên cổ áo rồi mới xuống xe. Sau này được giải thích là các khóa sinh học ở Quang Trung không ai có cấp bậc gì cả, sau khi học xong có người có cấp bậc binh nhì, có người sẽ chuyển qua các trường khác và sẽ trở thành hạ sĩ quan hoặc sĩ quan sau khi tốt nghiệp các trường đó. Không ai đeo lon trung úy vào đây thụ huấn cả, các huấn luyện viên người là hạ sĩ quan, người là sĩ quan cấp dưới, làm sao ra lệnh được? Mọi người đều khó chịu vì phải đứng trên xe tháo lon trước khi xuống, bực mình với cấp lãnh đạo ở Trường Quân Y không nói trước điều này. Chỉ việc gỡ lon ra trước khi leo lên xe ở trường Quân Y, có phải tránh được cái việc quái dị là đến nơi không cho xuống này không?

 

Xuống xe rồi có thủ tục « chào đón » của « khóa đàn anh » theo đúng kiểu quân trường, được Long tả lại tỉ mỉ trong thư viết cho Mai:

 

Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, ngày I (02-06-69)

[…]

Các khóa sinh của khóa 3/69 ra đón tiếp vui vẻ, họ mãn khóa hôm thứ bảy, đến hôm nay đợi phép để về. Họ là khóa đàn anh, tập họp tất cả lại, rồi một người nói vài lời chào mừng, đồng thời giới thiệu “tiểu đoàn Nguyễn Huệ là tiểu đoàn kỷ luật nhất Quang Trung!” Lúc đi xe anh đã nghe phong thanh chuyện này rồi, và bây giờ thì thành sự thật, có nghĩa là có quyền sửa soạn để hít đất dài dài rồi đó!

 

 Và công việc đầu tiên là thủ tục chào mừng. Một đại đội của khóa 3 xếp hàng tư, rồi các tân khóa sinh mới lên phải vác tất cả đồ đạc của mình rồi cũng xếp hàng tư tiếp theo và bắt đầu chạy chung quanh doanh trại. Các khóa sinh khóa 3 chạy rất thẳng hàng, vừa chạy vừa đếm nhịp và hô to: “Khóa sinh tiểu đoàn Nguyễn Huệ khóa 3/69 chào mừng khóa sinh tiểu đoàn Nguyễn Huệ khóa 4/69!”. 

 

Một cảnh tượng khá cảm động trong lúc các ông bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ đeo ba-lô và vác túi đồ đạc trên vai ì ạch chạy theo sau, dần dần chẳng còn hàng lối gì nữa cả. Mới được nửa vòng đã có người ngã ra bỏ cuộc, các khóa sinh 3/69 (những người không chạy đứng quanh làm khán giả) ra đỡ họ đem đồ đạc vào. Anh chạy dần dần lên đến hàng đầu, bám sát các khóa sinh cũ chạy đủ hai vòng quy định, tim đập hơi mạnh nhưng chưa sao. Khóa sinh khóa 3/69 chạy thêm 3 vòng nữa mới ngưng, sau đó phải ra tìm 4 ông bác sĩ còn khỏe để săn sóc mấy người bị xỉu!

[…]

 

Sau màn chào đón đúng kiểu quân trường này, đến màn xếp hàng theo thứ tự cao thấp để chia trung đội và cho mỗi người một danh số. Đại đội trưng tập được chia làm 4 trung đội, trung đội 1 có ngay hỗn danh là “trung đội ruồi” gồm toàn các bạn dưới 1 thước 60, trung đội 4 cũng có hỗn danh là “trung đội voi”. Long thuộc loại cao nhất trong đám nên thuộc “voi” và mang danh số B-205. B là tên của đại đội (sau này sẽ đổi thành F) còn 205 là số thứ tự cao thấp, sau Long còn 3 hay 4 bạn cao hơn mang danh số B-206, B-207, v.v. Danh số được viết thẳng trên mũ của mỗi người bằng phấn cho chắc ăn, sau này phải may danh số này trên túi áo, bên trái là số, bên phải là tên.

 

Tiếp đến các tân khóa sinh được hướng dẫn vào phòng với các dãy giường sắt chồng lên nhau, hai phòng cho hơn hai trăm người. Nhiều người biết chuyện nói giường chỉ để làm kiểng vì sẽ phải ngủ ngoài giao thông hào để tránh pháo kích.

 

Đến chiều ngày đầu tiên, nhiều điều bất mãn từ khi đến quân trường này được dịp bùng ra khi cả đại đội họp lại và bầu ra một ban đại diện để “tranh đấu”! Chắc hẳn những người theo binh nghiệp không thể hình dung được sao trong quân đội lại có chuyện “tranh đấu”, vì sức mạnh của quân đội là kỷ luật và tuân lệnh, cấp dưới phải tuân lệnh cấp trên, “thi hành trước, khiếu nại sau”. Nhưng đây là trường hợp đặc biệt các trung úy vào thụ huấn trong một quân trường dành cho những người chưa có cấp bậc gì cả, nên có những trái khoáy sinh ra bất mãn. Đầu tiên là màn “lột lon” khi mới đến, rồi đến màn chạy biểu diễn làm trò cười cho thiên hạ. Quan trọng hơn là sự đồng hóa khóa Y Nha Dược Thú Y Sĩ Trưng Tập 11 với khóa 4/69 là khóa chuẩn bị cho các sĩ quan trừ bị sau đó sẽ đi học trường Thủ Đức. Bằng cớ là cách gọi “khóa sinh dự bị sĩ quan trừ bị”. Ngoài ra còn khám phá ra một chuyện khó tưởng tượng là cả đám bị đưa lên Quang Trung sớm một tuần lễ, các khóa sinh 4/69 tuần sau mới bắt đầu nhập khóa, như vậy là sẽ phải sống ở đây 10 tuần chứ không phải 9, và tuần lễ đầu sẽ là thời gian uổng phí, chẳng làm gì cả. Thật ra, sau này Long mới biết là người ta luôn nghĩ ra những chuyện vớ vẩn bắt mình làm, thông thường nhất là “tạp dịch”.

 

Long viết lúc 10 giờ đêm ngày thứ nhất ở Quang Trung:

[…]

Ban đại diện sau khi được bầu, họp hành xong vào gặp Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng trình bày thỉnh nguyện. Đến 6 giờ được lệnh tập họp để sinh hoạt. Vào phòng họp rồi, lần đầu ra mắt ông Thiếu Tá, ông tên Trần Văn Hiến, có vẻ thuộc loại người sắt đá lộ ra mặt. Ông chỉ nói vài câu rồi để thì giờ trả lời thắc mắc. Đại ý ông ta giới thiệu tiểu đoàn Nguyễn Huệ là kỷ luật nhất ở Quang Trung (điều này đã nghe dọa dẫm rồi!), và biết bao khóa sinh dự bị sĩ quan đã trải qua, trong đó có cả tổng giám đốc, chánh án, thứ trưởng, mà vẫn phải làm các công tác tạp dịch như lau chùi cầu tiêu chẳng hạn. Nghĩa là khóa này cũng sẽ được đối xử giống hệt như các khóa sinh khác. “Trai thời nay không có quyền trốn tránh gian khổ” ông nói rất cương quyết và trả lời gọn gàng các thắc mắc. Chuyện thứ nhất là việc lột lon, ông minh định rằng không phải là “lột” mà là “tự động bỏ lon xuống”, đáng lẽ ông Đại Úy hướng dẫn của Trường Quân Y phải giải thích rõ ràng chuyện này. Còn việc danh xưng thì sẽ được gọi là “sĩ quan khóa sinh” thay vì “khóa sinh dự bị sĩ quan trừ bị”. Ngoài ra tuần này vẫn phải học, nhưng kể như bỏ vì ngoài chương trình, và đại đội này sẽ được đối xử giống hệt các đại đội khác để “khi ra trường các anh còn tự hào là đã không bỏ phí 9 tuần luyện tập ở Quang Trung”. Ông bồi thêm “Khóa sinh sẽ phải làm việc 24 trên 24, nghĩa là không có giờ để làm gì khác cả.”

[…]

 

Câu nói này của ông Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng tiểu đoàn Nguyễn Huệ làm Long lo, vì chàng đang học ôn để thi chứng chỉ Cơ Nhiệt bên Đại Học Khoa Học, thi viết là ngày thứ ba 10 tháng 6. Thật ra trong tuần lễ đầu tiên chưa bận 24 trên 24 như ông Thiếu Tá dọa, nên Long cũng tìm ra được giờ ôn bài giữa những công tác tạp dịch:

 

TTHLQT ngày IV (thứ năm 05-06-69)

 

Mình yêu của anh,

6 giờ 30 sáng, anh vừa xong công tác tạp dịch, nghĩa là vệ sinh trong trại, và hôm nay tiểu đội anh được giao phó cầu tiêu. Em tưởng tượng một tiểu đội 12 ông Y, Nha, Dược, Thú Y sĩ, tay cầm gầu nước, tay cầm chổi, xếp hàng trực chỉ cầu tiêu để công tác, trong khi đó những anh không phận sự đứng chờ ở ngoài để dùng cầu tiêu ngay sau khi làm công tác xong, vì lúc đó là lúc sạch nhất!

[…]

1 giờ rưỡi trưa,

Sáng nay cả đại đội được thưởng thức món “chà láng”. Chung quanh trại toàn là giao thông hào và hố cá nhân, trời mưa xuống là ngập nước và trôi đất ở thành vách xuống đáy, bây giờ phải moi bùn lên trét vào vách rồi dùng cái gà-men bằng nhôm (kiểu của Pháp ngày xưa dùng để ăn cơm, có cái quai xếp lại dùng làm tay cầm) như cái bay chà vào vách cho nó láng. Mỗi lần mưa xong lại phải chà láng lại. Vì từ hôm lên đây chưa khi nào chà nên công việc nặng nhọc, suốt 2 tiếng đồng hồ mọi người hì hục làm mà chưa xong, chắc chiều nay phải chà tiếp…

[…]

 

Tuần lễ đầu, tuy có dọa dẫm nhưng cuối cùng ông Thiếu Tá cũng xả hơi cho các khóa sinh Trưng Tập 11 được đi phép 24 giờ, chia làm 3 toán, toán 1 từ 6 giờ chiều thứ tư đến 6 giờ chiều thứ năm, toán 2 từ 6 giờ chiều thứ năm đến 6 giờ chiều thứ sáu, và toán 3 từ thứ sáu đến thứ bảy. Long thuộc toán 3, khi trở lại Quang Trung chiều thứ bảy được tin cả đại đội được nghỉ thêm 24 tiếng đến 6 giờ chiều chủ nhật, thế là đến nơi trả giấy phép cũ lấy giấy phép mới rồi lại đi về. Phải có nếm mùi quân trường rồi mới thưởng thức được cái khoái cảm khi cầm tờ giấy phép trong tay. Lại nhớ đến bài hát “24 giờ phép” của Trúc Phương: “Bốn giờ đi dài thêm bốn giờ về, thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi…”

 

Riêng Long xin được nghỉ hai ngày thứ hai 9 và thứ ba 10-6 để thi viết chứng chỉ Cơ Nhiệt bên Đại Học Khoa Học. Ngày thi là thứ ba, nhưng Long xin được nghỉ thêm ngày thứ hai để học ôn chuẩn bị cho thi, nhưng phép chỉ có 12 tiếng thay vì 24, nghĩa là sáng đi tối phải vào lại Quang Trung để… ngủ! Cũng may năm nay không bị bất ngờ trong thi cử như năm ngoái, Long đậu thi viết, rồi phải thi thực tập. Chàng cũng được phép hai ngày thứ hai 16 và thứ ba 17 tháng 6 để thi thực tập, và cuối cùng Long đậu xong chứng chỉ Cơ Nhiệt. Và như vậy là chàng cũng đã đoạt được mảnh bằng Cử Nhân Giáo Khoa Vật Lý của Đại Học Khoa Học Sài Gòn, một năm sau mảnh bằng Dược Sĩ.

 

9 giờ tối, 10-06-69

Mình yêu,

“Cố vấn lại viết thư cho bà xã rồi”. Bây giờ trong phòng ai cũng gọi anh là cố vấn (nghĩa là cố vấn Mỹ) vì mặc quần áo lính trông anh giống Mẽo thật, nhất là khi đội nón sắt. Và ai cũng biết anh viết thư cho vợ.

[…]

Sau này cả trại ai cũng gọi Long với cái biệt danh “cố vấn”, không biết có phải do anh bạn bác sĩ đồng khóa Ngô Thế Vinh[i] đặt ra không. Anh Vinh là đại đội trưởng khóa sinh, phải vô cùng vất vả vì những cuộc đối đầu với thành phần lãnh đạo của trại.

 

Bất mãn đầu tiên đến với cả đại đội khi một công lệnh được phổ biến sáng thứ tư 11 tháng 6, là chủ nhật tới sẽ chỉ được nghỉ phép 10 tiếng đồng hồ thay vì 24 tiếng từ chiều thứ bảy đến chiều chủ nhật. Thứ hai là có một người trung sĩ đưa lệnh kêu mấy chục người phải đi khuân đồ đạc dọn trại cho ai đó. Trước đó, ngày thứ ba và thứ tư các khóa sinh ở lại trực phòng đều bị khiển trách nặng nề vì phòng ngủ không được sạch sẽ, tuy các bạn này cũng đã cố gắng làm hết sức mình. Rồi còn bị dẫn qua các phòng của các đại đội khác để cho thấy người ta giữ sạch sẽ ra làm sao.

 

Thế là đến 11 giờ trưa trong giờ nghỉ học, cả đại đội tập họp để ủng hộ anh Vinh đại đội trưởng đến trình bày vấn đề với Thiếu Tá tiểu đoàn trưởng. Sau đó cả đại đội biểu quyết sẽ phản đối bằng cách không về phép chủ nhật nếu chỉ được phép 10 tiếng đồng hồ, không tuân lệnh đi khiêng đồ đạc vì đó không phải là cách cư xử với những sĩ quan khóa sinh, và không hợp tác trong một chương trình văn nghệ của tiểu đoàn.

 

Đến trưa lại có công lệnh đọc trước đại đội, cảnh cáo đại đội 45 vì đêm thứ ba không ra ngủ ngoài trời. Lời cảnh cáo rất gay gắt, kèm thêm lời đe dọa là nếu tái phạm thì cả đại đội sẽ bị phạt cúp phép, các cấp trưởng (trung đội trưởng, đại đội trưởng) sẽ bị nghiêm phạt. Điều bực bội nhất cho các khóa sinh là công lệnh được đọc cho tất cả 6 đại đội của tiểu đoàn Nguyễn Huệ nghe, sẽ đọc trong hai ngày liền, mỗi ngày hai lần! Sở dĩ đêm thứ ba không ra ngủ bên ngoài vì trời mưa, lại không có dụng cụ để dựng lều nên phải ngủ trong nhà, nhưng trong tư thế sẵn sàng, quần áo trận vẫn mặc, không giăng mùng mà chỉ trùm đầu bằng cái lưới muỗi thôi.

 

Không khí căng thẳng tiếp tục lên cao và qua ngày hôm sau thứ năm 12 tháng 6, đại đội quyết định phản ứng mạnh hơn. Buổi trưa tất cả tập họp ngoài sân, lấy lon trung úy ra đeo lại trên cổ áo, hàng ngũ nghiêm chỉnh trong khi anh Ngô Thế Vinh đại đội trưởng vào “làm việc” với Thiếu tá tiểu đoàn trưởng. Chiều cùng ngày, Vinh lên gặp Thiếu Tá liên đoàn phó, ông này hứa sẽ đưa việc này lên cấp trên giải quyết. Đến tối, có lệnh từ liên đoàn xuống tách riêng đại đội F-45 ra một trại riêng biệt, chỉ cách trại cũ hơn 200 thước, và từ nay đại đội này sẽ tự quản lý lấy doanh trại của mình, còn việc học tập quân sự vẫn tiếp tục trong khuôn khổ tiểu đoàn Nguyễn Huệ như cũ. Thế là lúc 9 giờ tối, mọi người lục đục dọn nhà, khiêng các giường sắt qua hai căn nhà rộng của doanh trại mới, kê làm hai hàng giường hai tầng chồng lên nhau, trung đội 1 và 4 ngủ trong một căn, hai trung đội 2 và 3 trong căn còn lại.

 

TTHL Quang Trung, ngày XII (thứ sáu 13-06-69)

Mình yêu,

Nhớ mình kinh khủng, đang viết cho mình lúc 8 giờ sáng, nghĩa là sau một giờ học được nghỉ 15 phút. Bụng đói cồn cào vì phải nhịn ăn sáng. Đêm qua mệt quá vì dọn nhà, lại ngủ trễ nên sáng nay dậy trễ không có giờ ăn sáng, tất cả đại đội phải nhịn đói ra ngoài bãi học.

Đêm qua anh ngủ ngoài trời cũng ngon lành, đánh một giấc đến 5 giờ rưỡi mới dậy, chưa kịp đánh răng rửa mặt đã phải lo làm tạp dịch. Trại mới này không dùng đến từ lâu nên bê bối lắm, quét dọn mệt ơi là mệt! Quét dọn chưa xong đã phải lấy mũ sắt để đi học bãi rồi, còn giờ đâu ăn sáng nữa…

[…]

 

Vài ngày sau, đại đội có lệnh triệu tập đặc biệt lên hội trường, ra mắt Trung Tá liên đoàn trưởng. Sau các thủ tục chào đón nghiêm nghỉ của nhà binh, mọi người ngồi xuống và ông Trung Tá, một người mặt mũi sáng sủa ngồi trên bàn chủ tọa, rút trong túi ra một cái thẻ vàng (chẳng khác gì trọng tài trong trận đá banh quốc tế) và hỏi to “Các anh nói tấm thẻ này màu gì?” Mọi người trả lời đồng loạt “màu vàng”. 

Ông Trung Tá nói “nhưng trong quân ngũ, tôi nói tấm thẻ này màu đỏ, các anh cũng phải nói nó là màu đỏ; quân đội khác với xã hội bên ngoài ở chỗ đó.” Anh Ngô Thế Vinh giơ tay xin phát biểu: “Chúng tôi là những người được đào tạo trong môi trường đại học, và chúng tôi được học hỏi một điều quan trọng. Đó là muốn trở thành người trí thức thì đầu tiên phải biết tôn trọng sự thật trong mọi tình huống, vì thế nên chúng tôi không thể nói tấm thẻ kia màu đỏ trong khi thật ra nó là màu vàng!” Mọi người ngồi im phăng phắc xem ông Trung Tá phản ứng ra sao, nhưng ông này chỉ nói cho qua chuyện, rồi sang một đề tài khác: 

“Khóa 11 Trưng Tập đến Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung để học 9 tuần quân sự căn bản, nên cũng phải theo kỷ luật chung của Trung Tâm, nhưng vì các anh đã là những sĩ quan đeo lon trung úy, nên liên đoàn đã quyết định để đại đội F-45 được tách ra sống riêng trong một doanh trại mà các anh phải tự quản.”

 

Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, ngày 2 tháng 7-69. Trên đường về trại (đeo máy truyền tin PRC10 nặng như cái cùm, chỉ đeo làm kiểng, vì nó có còn chạy nữa đâu!). 




Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, ngày 2 tháng 7-69. Ngồi nghỉ mệt, nhớ vợ.

 

Từ đó về sau, đại đội sống biệt lập với 5 đại đội còn lại của tiểu đoàn Nguyễn Huệ, không còn va chạm với Thiếu Tá tiểu đoàn trưởng nữa, mà ngược lại, dần dần ông Thiếu Tá nổi tiếng kỷ luật và có thành kiến không tốt với giới quân y (vì một lý do bí ẩn nào đó trong quá khứ của ông ta) trở thành người có cảm tình với khóa 11 Trưng Tập, nhất là sau buổi trình diễn văn nghệ của đại đội đêm thứ sáu 4 tháng 7-69.

 

Văn nghệ do các sĩ quan khóa sinh tự làm từ đầu đến cuối, không mời ca sĩ hay ban nhạc ở ngoài vào. Đầy đủ hợp ca, tam ca, đơn ca, với ban nhạc cây nhà lá vườn (Long phụ trách ban nhạc, phải về Trường Quân Y mượn nhạc cụ, kể cả bộ trống là nhạc cụ chính của Long) đệm cho ca sĩ gà nhà hát. Đặc biệt có màn trình tấu tây ban cầm cổ điển của bác sĩ Nguyễn Tự Hào và màn biểu diễn đàn bầu của chính Long (học đàn bầu từ thời tham gia đoàn văn nghệ Nguồn Sống). Các sĩ quan của trại Quang Trung được mời tham dự buổi văn nghệ đều đồng loạt cho rằng chưa khi nào trong trung tâm huấn luyện có một buổi văn nghệ có giá trị như thế. Ông Thiếu Tá tiểu đoàn trưởng là người đầu tiên khen ngợi một cách thực lòng.

 


 

Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, văn nghệ đêm thứ sáu 4 tháng 7-69. Khóa sinh F-205 Phạm Ngọc Lân (trên) chơi đàn bầu, khoá sinh Hà Thúc Như Hỷ (dưới) chơi đàn Violin.


 

Đời sống ở quân trường lắm chuyện cực nhọc, mệt mỏi, buồn chán, nhưng phải thuộc nằm lòng câu hát “Quân trường đổ mồ hôi, sa trường bớt đổ máu” để lướt qua những chuyện ấy.

 

Nhưng bên cạnh đó cũng có những cái vui trong cuộc sống tập thể, những lúc tắm mưa dưới giọt gianh (tháng 6 trời mưa… trời mưa không dứt…[ii]), những buổi tối dăm ba đứa bạn thân đem mũ sắt ra mua xí-oách ở câu lạc bộ, 1 mũ sắt đựng đầy xương còn tủy và gân dính tí thịt thơm phức, một mũ sắt đựng tương đen tương đỏ, nhấm nháp với chai la-de… không còn gì thú vị hơn sau một ngày mệt mỏi rã rời. 

 

Riêng đối với Long còn có một kỷ niệm khó quên, và chắc cũng khó xảy ra ở quân trường. Một hôm đang tập ở ngoài bãi, tới giờ nghỉ giải lao thì chuyện lạ xảy ra, Long được gọi ra một bãi cỏ khác ngay gần đấy thì thấy Mai đang đứng chờ với một ông Thiếu Tá. Chàng Long cảm động quá, không ngờ người vợ “đã có hôn thú mà chưa cưới” lại có thể đến thăm mình ở Quang Trung, mà không phải gặp nhau ở chỗ thăm nuôi bình thường mà ra tận ngoài bãi tập để tìm chàng. Sở dĩ được như thế vì người đưa Mai ra ngoài bãi bằng xe Jeep là Thiếu Tá T., một người bạn thân của gia đình Long đang phục vụ trong quân trường Quang Trung. Chỉ gặp mặt nhau không được bao lâu nên chàng còn bịn rịn khi có tiếng còi ra lệnh tập họp để đi tập ở bãi khác. Trở lại với đại đội bị trễ vài phút, anh đại đội trưởng khóa sinh Ngô Thế Vinh phạt anh chàng khóa sinh F-205 20 cái hít đất!

 

Gặp lại nhau 47 năm sau, bác sĩ Vinh vẫn nhớ giai thoại này. Long nói “May mà ông bắt tôi hít có 20 cái, chứ nếu phải hít hơn nữa tôi sẽ mất mặt bầu cua với bà xã tôi lúc đó đứng xa nhìn theo, vì tôi sẽ…sụm bà chè!”

 

 

41. Đêm kinh hoàng 24.7.1969

 

Đêm thứ năm 24 tháng 7 năm 1969, Long thức rất khuya viết thư cho Mai. Chàng mới nhận được thư của Mai lúc chiều, sau hai tuần mong ngóng cổ dài ra. Mai đã về lại Đà Lạt sau 3 tuần lễ ở Sài Gòn lo sắm sửa chuẩn bị cho ngày cưới. Gần 1 giờ sáng chàng mới ngủ.

Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, lúc 4 giờ kém 20 ngày thứ sáu 25 tháng 7 năm 1969, một biến cố hãi hùng đã xảy ra, gây tang tóc cho khóa 11 Trưng Tập Y Nha Dược và Thú Y sĩ tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.

Trang thư sau đây được Long viết trên giường bịnh của Tổng Y Viện Cộng Hòa, bịnh viện quân đội quan trọng nhất tại Sài Gòn.

 

Tổng Y Viện Cộng Hòa, thứ sáu 25-07-69

Mình yêu của anh,

Chắc mình ngạc nhiên lắm, vì mới tối hôm qua anh còn viết thư cho mình ở Quang Trung, mà sáng nay lại viết trong nhà thương Cộng Hòa.

Anh đi ngủ lúc gần 1 giờ sáng, rồi tự nhiên giật mình thức dậy, nửa tỉnh nửa mê, bò lổm ngổm dưới một đống mảnh ván đầy bụi bẩn, mũi hít một mùi khó chịu làm anh buồn nôn kinh khủng, tai nghe la ơi ới, tiếng la thất thanh. Vẫn còn nửa tỉnh nửa mê, không biết làm sao mà anh chui qua được cái cửa sổ nhỏ xíu ở đầu giường (có cánh cửa bật lên bật xuống) và lọt ra ngoài trời còn đen kịt. Lúc đó mới bắt đầu hít thở được bình thường, nhưng vẫn chưa tỉnh táo để nhận định chuyện gì xảy ra. Có bóng người chạy tán loạn, anh cũng chạy, chạy tới rồi lại chạy lui, chẳng biết chạy đi đâu, làm gì…

[…]

 

Trong lúc hoảng loạn đó thì Long gặp một bạn cao lớn tay cầm đèn pin, kêu chàng theo bạn đó vào trong nhà để xem có ai bị thương thì khiêng ra ngoài để cấp cứu. Long bắt đầu tỉnh trí lại, nhận ra bạn đó là bác sĩ Bùi Thế Khải cùng trung đội với Long, có danh số lớn nhất vì là cao nhất khóa, nằm cách Long có một giường. Khải nổi tiếng tháo vát và không nề hà giúp đỡ mọi người khi cần đến. Khải vén chiếc mùng ra, thấy anh Hiếu nằm im, máu lênh láng chảy ra từ cổ, từ ngực, từ bụng, Khải nói anh Hiếu chết rồi, để đó tính sau, bây giờ phải lo cho những bạn bị thương trước đã. Leo lên giường trên là một bạn khác bị thương bất tỉnh, Long cũng leo lên và hai người hì hục khiêng bạn đó xuống và mang ra ngoài, tập trung vào một chỗ bên trong nhà ngủ thứ hai của trại, nhà này vẫn còn nguyên. Rồi rủ thêm mấy bạn khác trở lại khiêng thêm nhiều người khác bị thương. Lúc đó Long mới cảm thấy đau dưới chân trái phải đi khập khiễng, và nách phía bên phải cũng rát vô cùng. Người chàng bê bết máu, nhưng đó là máu của các bạn bị thương dính vào mình khi khiêng các bạn này đi. Các bác sĩ không bị thương lo việc cấp cứu đầu tiên cho các bạn bị nặng trong khi chờ đợi xe cứu thương, lúc đó Long mớí khám phá ra mình cũng bị thương dưới ống chân trái, máu vẫn còn rỉ ra.

 

Bùi Thế Khải trước đây tham gia nhiều công tác xã hội, đặc biệt làm chủ tịch đoàn công tác xã hội của hội từ thiện YMCA[iii], khám bệnh, chữa răng, phát thuốc miễn phí cho dân nghèo. Hội này của người Mỹ nên có nhiều phương tiện vật chất, thuốc men bông băng cấp cứu dồi dào, bạn Khải khi lên Quang Trung mang theo một túi cấp cứu đầy đủ, phòng khi hữu sự, nên đến lúc cần cấp cứu các bạn bị thương có ngay phương tiện tại chỗ.

Sau khi được cấp cứu tại chỗ, Long cùng nhập bọn với 14 người khác bị thương nặng nhẹ được xe cứu thương đưa lên bệnh xá của Quang Trung. Ngay sau đó có lệnh đưa mọi người vào Tổng Y Viện Cộng Hòa.

Sau này điều tra ra được biết một quả mìn định hướng (kiểu mìn Claymore chống biển người của Mỹ) đặt ở một lỗ thông hơi trong vách tường ở đầu nhà ngủ. Căn nhà dài có nhiều cửa sổ nhỏ hai bên, còn hai đầu là hai cửa ra vào ở giữa. Hai bên cửa ra vào là hai cái lỗ thông hơi. Thật ra không phải là một cái « lỗ » tròn, mà là một khoảng hở hình chữ nhật bề ngang khoảng nửa thước, bề cao khoảng 15 phân, ngang tầm với cái giường dưới của giường hai tầng. Khi mìn nổ thì cái giường sát đó hứng gần hết các mảnh nên anh Hiếu thiệt mạng, còn các bạn nằm cùng dãy phía trong thì được che chắn nên không ai bị nặng cả. Ngược lại các bạn nằm tầng trên bị các mảnh bay xéo lên nên mấy người bị thương nặng.

Đó là dãy giường của trung đội 1. Long nằm bên dãy giường của trung đội 4, song song với dãy giường kia, và cũng chỉ cách vách tường 3 cái giường. Nhưng vì hướng đã chếch đi nhiều nên chỉ có ít mảnh qua dãy giường bên này. Long nằm tầng trên, đầu quay ra cửa sổ, chân về phía hành lang, bị 2 mảnh vào ngón chân và vào bắp chân. Người nằm dưới là anh bạn dược sĩ L. quay đầu về phía hành lang, bị một mảnh nhỏ vào mắt, sau này hỏng con mắt đó luôn.

Sức mạnh của chất nổ làm sập trần nhà sát với mái tôn. Trần làm bằng tấm bìa dày hồi đó gọi là « cạc-tông Isorel » đóng lên khung gỗ nhẹ, Long nằm tầng trên không có mùng nên khi giật mình thức giấc nửa tỉnh nửa mê bị các tấm trên trần rơi xuống đè lên người, cùng với tất cả bụi bậm mạng nhện chất chứa từ bao lâu, vừa bẩn thỉu vừa mùi khó chịu, hòa với mùi khét của thuốc nổ, thật chưa khi nào chàng sống những giây phút hãi hùng trong cơn nửa tỉnh nửa mê như thế.

 

Những người điều tra kết luận đây là một loại mìn định hướng nội hóa, nếu là mìn định hướng Claymore của Mỹ mà nổ trong một nhà ngủ như thế thì số thương vong và tử vong sẽ cao hơn nhiều.

 

Trích thư Long:

Chiều thứ sáu 25-07-69

[…]

Chân anh bắt đầu nhức nhối hơn sáng nay nhiều, và người bắt đầu thấm mệt, bụng lại đói nữa, vì trưa nay cơm nhà thương dở quá, còn thua cơm ở Quang Trung, không thể nuốt nổi, ông y tá trưởng bảo phải mang cơm nhà vào ăn mới được! Anh Th. cũng vậy, anh ấy nằm cạnh anh, cũng vừa mệt vừa đói, chắc chiều nay có chị mang đồ ăn đến. Anh Th. sống với chị Hai và anh rể, được cưng chiều lắm, chẳng lo lắng gì cả. Số sướng thì được nhờ, số vất vả như anh thì phải chịu thôi…

7 giờ 20 tối,

Hồi chiều viết đến đó thì cậu mợ anh và L. đến thăm. Mặt mợ tái xanh, vì bác T. sai con đến báo tin chỉ nói là anh bị thương phải vào Cộng Hòa nằm, mà không nói là nặng nhẹ thế nào vì nó cũng không biết. Cả nhà hoảng hồn, mợ chẳng thay quần áo gì cả, cứ thế mặc thêm chiếc áo len rồi bảo L. đèo xe ngay lên trại cậu, cậu mượn xe Jeep chở tất cả vào đây. Mới vào phòng có mấy chục cái giường, chưa thấy anh mợ đã khóc rồi. Mỗi lần như vậy mợ lại già đi một tí, hết chồng rồi lại đến con. Đông con quá nên lúc nào cũng có chuyện lo, chuyện khổ… thật tội nghiệp!

[…]

 

TYV Cộng Hòa, thứ bảy 26-07-69

[…]

10 giờ 20. Anh mới được thay băng, thay băng cũng đau kinh khủng mình ạ. Vết thương ở ống chân trái khá sâu và làm sưng lên nên hôm qua lúc ở phòng tiểu giải phẫu, bác sĩ đã phải đặt một cái « sonde » là một miếng cao su mềm dài độ 5, 6 phân, rộng khoảng 1 phân, nhét vào vết thương để lòi đầu ra ngoài cho máu mủ theo đó chảy ra. Sáng nay rút bỏ miếng đó đi và thay bằng miếng khác bằng vải thưa (gaze). Lúc nhét vào đau kinh luôn! 

Thay băng dưới ngón chân cũng đau lắm, có một mảnh mìn làm đứt một vết dài ở hai ngón chân, phải may ba mũi. Còn lúc đầu anh cảm thấy đau nhức dưới nách bên phải, tưởng có mảnh gì ghim vào đấy, nhưng rút cục chỉ là trầy da ở ngoài thôi, nhưng chỗ đó có vẻ dễ đau hơn các chỗ khác. Có lẽ vết trầy là lúc anh trên giường còn nửa tỉnh nửa mê ráng nhoài mình chui qua cái cửa sổ nhỏ xíu nên bị trầy da chỗ đó.

[…]

Sáng nay có anh bạn ở Quang Trung về ghé thăm, anh ta về để gác xác anh Hiếu, có 12 người về để luân phiên gác theo đúng lễ nghi quân cách. Anh Hiếu thật ra không phải cùng khóa y khoa với các bạn khác, vì anh đã ra trường từ hai năm trước, nhưng được hoãn dịch vì lý do gì đó, năm nay mới phải trình diện. Hôm lên Quang Trung anh lại trễ nên không đứng xếp hàng cao thấp để nhận danh số như tất cả các bạn khác. Nếu anh trình diện đúng ngày, với tầm vóc của anh, anh sẽ thuộc trung đội 2 hoặc 3 và sẽ nằm ở trong nhà ngủ không bị nổ. Với danh số « đến trễ » của anh, anh phải qua nằm cùng nhà với trung đội 4 còn gọi là Trung Đội Voi. Đúng ra chỗ nằm của anh không phải sát tường, nhưng anh đã đổi chỗ nằm sát tường gần lỗ thông hơi cho có gió mát. Nên lẽ ra anh không có mặt sát bức tường này vào lúc đó, nhưng cuối cùng anh vẫn có mặt đúng lúc đó và nằm đúng chỗ đó để chết thảm. Với tất cả những chuyện như vậy, dù không tin vào định mệnh chăng nữa, người ta cũng phải đặt câu hỏi…

 

Anh bạn cũng cho biết trên Quang Trung đã bắt đầu sinh hoạt bình thường lại rồi, ngày hôm qua lo dọn dẹp nhà cửa, anh ta nói máu me dễ sợ lắm… Lỗ ở tường đã được lấp lại, trần nhà bị sập sẽ được sửa trong ngày hôm nay, và chương trình học vẫn được duy trì như cũ, anh không biết những người còn lại còn tinh thần nào mà học được không nữa!

 

Sáng nay lúc khám bệnh có cả 5, 6 bác sĩ đi, có cả Thiếu Tá Thành – là bác sĩ trưởng khu thì phải – đến xem đúng lúc anh đang nhăn nhó… Rồi có Thiếu Tá Tường ở trường Quân Y lên thăm, ông nói « Moa sẽ lo cho tụi toa được chiến thương bội tinh[iv]! » Nghĩ cũng tức cười, chưa thụ huấn quân sự xong đã có bội tinh!

[…]

11 giờ 15, anh vừa được chuyển qua khu ngoại thương ở dãy nhà mới. 15 người bị thương này chắc đã trứ danh lắm rồi, được ở khu nhà mới này là nhất! Và từ lúc chuyển sang đến giờ đã có Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Tổng Y Viện đến thăm, rồi đến Chuẩn Tướng Vũ Ngọc Hoàn Cục Trưởng Cục Quân Y, Trung Tá Trần Minh Tùng Chỉ Huy Trưởng Trường Quân Y. Bạn Ngô Thế Vinh, đại đội trưởng khóa 11 Trưng Tập cũng đã đến, vì trên Quang Trung anh em rất lo âu cho số phận các bạn bị thương. Anh Vinh cho biết là ở Quang Trung, Chuẩn Tướng Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện cũng đã xuống thăm đại đội 11 Trưng Tập, vì chuyện này có tầm quan trọng rộng lớn chứ không phải đùa. Anh quên nói em là có cả Viện Trưởng Viện Đại Học Sài Gòn là Bác Sĩ Trần Quang Đệ cũng lên Cộng Hòa thăm anh em bị thương.

[…]

5 giờ 15. Nãy giờ cả đại đội kéo vào thăm. Mỗi người một tiếng nói cũng đủ mệt, nhưng cũng vui lắm. Và cảm động…

[…]

 

Long tìm cách gửi thư nhanh nhất lên Đà Lạt cho Mai, mong Mai có thể thu xếp về thăm mình. Nhưng mấy ngày này lại rơi đúng vào lúc trời mưa bão, hình như bão rớt từ đâu đó.

 

Tổng Y Viện Cộng Hòa, chủ nhật 27-07-69

Mình yêu của anh,

Lại một chủ nhật trôi qua, một ngày u ám, bầu trời ảm đạm chia sẻ nỗi buồn những người xa nhau. Nghe nói rớt bão đâu đó, chắc trên Đà Lạt em còn buồn hơn nữa…

Chủ nhật đầu tiên trong bnh viện, một ngày giống hệt những ngày khác, vì ở trong này sinh hoạt không có gì khác ngày thường cả. Chỉ có tiếng radio vọng lại, văng vẳng giọng hát một nữ ca sĩ trong buổi truyền thanh tuyển lựa ca sĩ là nhắc đến ngày chủ nhật thôi. Ngoài ra vẫn ngủ dậy, vẫn ăn sáng, vẫn có bác sĩ đến khám, vẫn có thay băng – giờ mà anh sợ nhất – rồi giờ chích thuốc, v.v. 

[…]

3 giờ chiều, giờ viếng thăm. Phòng bịnh hôm nay chủ nhật nên tràn ngập màu đỏ, xanh, tím, vàng… những tà áo màu đến thăm những người khác. Anh Th. và anh chỉ biết nằm nhìn bạn mình. Nhớ mình quá đi, chắc mình nhận thư anh rồi…

Hôm nay anh lại què hơn hôm qua một tí, vết thương ở ống chân trái sưng to hơn nên đau hơn, thành ra anh cũng đi cà nhắc nhiều hơn!

 

Cũng ngày chủ nhật này Mai nhận được thư Long, nàng rụng rời tay chân dù Long kể rõ mình chỉ bị một mảnh nhỏ ở chân. Trong lòng như lửa đốt chỉ muốn bay xuống ngay thăm chàng, nhưng nhiều trở ngại quá.

 

Thứ hai, 28-7-69

Mình yêu của em,

Sáng nay trời mưa bão lớn quá, 10 giờ rưỡi rồi mà gió rít, thông ngả nghiêng. Hôm nọ mới có hai vợ chồng chở nhau trên đường sau sở em bị cây đổ đè chết cả hai, tội quá mình ơi.

Mình của em hôm nay đã khá chưa? Em buồn quá đi, phải mà trời đỡ một chút em đi vay tiền và xin máy bay quân sự hoặc mua vé Air VN về thăm mình, nhưng trời này sao mà đi bộ ra khỏi nhà đây? Mình ngủ được không hả mình? Em ở bên mình thì em sẽ xoa vết thương cho mình đỡ đau những khi mình nhăn nhó vì vết thương hành, em sẽ ôm mình, mình nhé. Em kệ thiên hạ, chả thèm sợ ai cười nữa, em là vợ mình cơ mà, mình ơi em thương mình quá!

Sao mình đã chịu bao nhiêu cay đắng tinh thần lại còn đau đớn thể xác nữa, mình ơi Chúa bắt em xa mình như để thử thách hai đứa phải không mình? Chúa trên trời nhìn xem chúng mình yêu nhau đến đâu đấy, chứ còn dù là cậu mợ em hay cậu mợ mình cũng khó mà hiểu nổi tình yêu của mình cho em hay em cho mình, mình nhỉ! Chồng của em ơi, em yêu mình hết sức em rồi, mình hiểu em không?

[…]

 

Tổng Y Viện Cộng Hòa, thứ hai 28-07-69

Mình yêu của anh,

Nhàm chán bắt đầu gặm nhấm, giờ, phút dài lê thê. Lúc mới vào đây thì khoái lắm, vì ở Quang Trung chỉ mong được nghỉ, bây giờ được nghỉ vô hạn định thì sướng quá rồi còn gì nữa, nhất là được ngủ giường nệm, drap trải giường trắng, không phải trùm cái mùng vào đầu, sáng ra không có tiếng chuông kéo giật dậy, đánh răng rửa mặt khỏi phải lo thiếu nước, và nhất là không còn tiếng còi tập hợp, tiếng còi quái ác lúc nào cũng cắt ngang những giây phút thoải mái nhất.

Một nếp sống mới thành hình, 6 giờ thức dậy ngủ nướng tới 7 giờ, dậy đánh răng rửa mặt xong cũng khoảng 8 giờ, tất cả công việc đều phải làm một cách hết sức thong thả, vì nếu làm nhanh thì thời gian còn lại vứt đi đâu cho hết! Quay qua quay lại rồi kéo nhau ra hành lang, hành lang này nhìn xuống đường, có kê nhiều bàn vuông để ăn uống cho tiện, anh nào có bánh trái gì cũng bỏ ra hết, thế là ăn sáng kiểu « picnic ». Rồi tà tà vào nằm nghỉ chờ bác sĩ đi qua khám, hết giờ khám đến giờ thay băng, giờ hãi hùng nhất của anh…

 […]

Trưa nay vào giờ thăm viếng, anh ngóng chờ bóng dáng mình, lòng tràn đầy hy vọng. Nhưng rồi anh lại bị kéo trở về thực tế khi thấy cậu mợ đến mà không có em. Lý trí bảo anh một đàng, nhưng con tim lại đi tìm nẻo khác. Anh cũng biết mình xuống Sài Gòn là cả một vấn đề, rắc rối bao nhiêu chuyện, nhưng ai cấm được anh hy vọng mình nhỉ! Chính mình đã nói với anh câu đó.

Một câu chuyện vui kể em nghe. Lúc cậu mợ vào thăm, tình cờ mợ nhìn lên đầu giường rồi tái mặt: « Sao con lại nằm giường số 13? » Lúc đó anh mới nhìn lại và thấy là mình nằm giường số 13 thật. Mà trong nhà thương thì số 13 ngán lắm, người ta nói nằm giường số 13 thì đau nhẹ cũng thành đau nặng, mà đau nặng thì chỉ có… thác! Để anh gan lì một lần thử xem sao mình nhé. Mình có tin dị đoan không? Mợ thì tin lắm!

[…]

Chiều nay có bạn ở Quang Trung về kể lại đám ma anh Hiếu lúc sáng nay. Tất cả đại đội đều về đi đưa, quần áo chỉnh tề đeo lon Trung Úy, mang theo súng ống đàng hoàng. Đám tang diễn ra rất trọng thể, đi bộ từ nhà ở khu Bàn Cờ đến nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Tội nghiệp hai cháu bé ngây thơ chưa biết gì đã phải chít khăn tang, còn chị Hiếu thì ngất xỉu bên bờ huyệt.

[…]

 

Báo chí loan tin vụ nổ ở Quang Trung là do pháo kích của Việt Cộng, một quả đạn rớt trúng một trong hai nhà ngủ của Khóa 11 Trưng Tập làm một người chết và 15 người bị thương. Dĩ nhiên đây không phải là nhà báo loan tin sai vì không biết, mà chỉ đăng lại thông cáo báo chí của chính quyền bóp méo sự thật. Nếu loan tin trung thực là vụ nổ gây ra do một quả mìn định hướng đặt tại lỗ thông hơi trong tường một nhà ngủ thì hóa ra là vấn đề an ninh phòng thủ của Quang Trung không thực hiện đến nơi đến chốn, để cho đặc công Việt Cộng ban đêm lẻn vào đặt mìn mà không ai hay biết. Còn loan tin là Việt Cộng pháo kích thì bề nào cũng ít trách nhiệm hơn. Ngay hôm đầu sau khi xảy ra vụ nổ, trong trại đã nghe đồn các bạn bị thương ghi trong giấy tờ là « nạn thương » thay vì « chiến thương », ám chỉ vụ nổ là do một tai nạn trong lúc thụ huấn. Nhưng không phải dễ dàng mà các Y Nha Dược Sĩ chấp nhận một sự bóp méo trắng trợn như vậy, nên cuối cùng cấp lãnh đạo phải ghi là « chiến thương ». Nhưng không ngờ khi đưa ra báo chí thì vẫn bóp méo sự thật thành « pháo kích ».


 

 

Trung Đội Người Ruồi” cùng toàn thể Đại Đội Khoá 11 Trưng Tập Y Nha Dược được đoàn xe GMC đưa từ Quân Trường Quang Trung về Sài Gòn, tất cả đều đeo lon Trung uý tới viếng và tiễn đưa Y Sĩ Trung Uý Thái Văn Hiếu YKSG 66. Đám tang diễn ra với đầy đủ lễ nghi quân cách, Đại Đội F45 đã đi theo linh cữu BS Hiếu từ nhà khu Bàn Cờ đến Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Tội nghiệp hai cháu bé ngây thơ chưa biết gì đã phải chít khăn tang, còn chị Hiếu thì ngất xỉu bên bờ huyệt. [tư liệu của BS Hà Thúc Như Hỷ, nay cũng đã mất].  

 

 

Long cũng tức giận như các bạn khác khi biết tin này, nhưng rồi cũng quên đi khi hôm sau có Mai vào thăm. Cuối cùng thì nàng đã xoay xở được để bay từ Đà Lạt xuống Sài Gòn thăm Long, đến chủ nhật về lại Đà Lạt. Mỗi lần hai người gặp nhau thì chồng thư lại có chỗ trống, vì đương nhiên là đã gần nhau còn viết thư làm gì! Chỉ biết chắc rằng đó là những giây phút sung sướng của cặp vợ chồng sắp cưới, dù đã là vợ chồng trên giấy tờ.

Sau gần hai tuần nằm trong Tổng Y Viện Cộng Hòa, Long và các bạn bị thương được trả về đơn vị cũ là Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung với đề nghị là cho nghỉ phép hai tuần. Long thừa dịp đó lên với Mai mấy ngày.

Sau đợt nghỉ phép, ngày thứ tư 6 tháng 8-1969, Long trở lên Quang Trung tham gia buổi văn nghệ tạm biệt sau 10 tuần lễ vui, buồn, sóng gió, tang tóc, đáng ghi nhớ tại đây.

 

 

 

 

Bác sĩ Ngô Thế Vinh và tác giả tại Westminster, miền nam California, ngày 6 tháng 10-2016

 

 

DS PHẠM NGỌC LÂN 

Trich Chương 40 & 41 Cha Vô Danh

Sài Gòn 1969 – Little Saigon 2025 

 

 



[i] Bác sĩ Ngô Thế Vinh còn được biết đến như một nhà văn. Ngay từ thời sinh viên đã làm Tổng Thư Ký rồi Chủ Bút nguyệt san Tình Thương từ 1963 đến khi bị đình bản năm 1967. Tình Thương là “Diễn đàn tranh đấu của sinh viên thanh niên do sinh viên Y Khoa chủ trương” (trong khóa 11 Trưng Tập còn hai bác sĩ khác cộng tác với Tình Thương là Đường Thiện Đồng và Trương Thìn). Ngô Thế Vinh là tác giả nhiều tác phẩm văn học, được biết nhiều nhất là Vòng Đai Xanh (1971). Qua Mỹ năm 1983, Ngô Thế Vinh hành nghề bác sĩ trong một bnh viện ở Nam Cali và tiếp tục viết rất nhiều bài vở, đặc biệt nhiều bài có mục đích đánh động dư luận về hiểm họa đe dọa tương lai của sông Cửu Long do việc các quốc gia ở thượng nguồn xây cất những đập nước trên con sông này gây ra.

[ii] Bài hát “Tháng Sáu Trời Mưa” của Hoàng Thanh Tâm phổ thơ Nguyên Sa) 

https://www.youtube.com/watch?v=MPsXO6L3BIQ

 

[iii] YMCA là Youth Man Christian Association, một hội từ thiện của một giáo hội Tin Lành Hoa Kỳ.

[iv] Thiếu Tá Tường đã giữ lời hứa, sau này tất cả những người bị thương đều được Chiến Thương Bội Tinh. Long vẫn nghĩ thấy tức cười vì chưa ra trận bao giờ mà lại có huy chương này. Sau tháng 4 năm 75, lúc phải khai lý lịch trong trại cải tạo, luôn luôn tờ khai có mục “Huy Chương” phải khai, và Long luôn luôn ghi rõ ràng là đã được trao tặng “Chiến Thương Bội Tinh” và “Công Vụ Bội Tinh” (là một huy chương không quan trọng như Chiến Thương, chỉ là kiểu sống lâu mà không bị phạt thì “lên lão làng” vậy thôi). Cũng may là chẳng có anh cán bộ cộng sản nào thắc mắc, hỏi vặn là sao anh khai chỉ làm việc trong bịnh viện mà lại có được “Chiến Thương Bội Tinh?”