Hội Sinh Thái Việt giới thiệu bài khảo luận này của BS Ngô Thế Vinh đã đăng trên mạng Bauxite Vietnam tháng 10, 2009. http://bauxitevietnam.info/c/11693.html
LỜI DẪN NHẬP
“Thượng lưu sông Mekong (Upper Mekong Basin) là vùng động đất, với những chuyển động địa chấn đáng kể nên người ta có lý do để sợ rằng động đất sẽ xảy ra khi xây những con đập ở thượng nguồn”. [1]
Đó cũng là chủ điểm một bài viết của Bác sĩ Ngô Thế Vinh cách đây 7 năm đã đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21 số 158, tháng 06/2002, đề cập tới mối nguy cơ động đất từ những con đập thủy điện Vân Nam; ở thời điểm đó lời báo động ấy được xem như quá xa vời. Rồi những trận động đất lớn liên tiếp xảy ra trong những năm sau này, nơi vùng Tây Nam Trung Quốc với những tàn phá rộng lớn với nhiều con đập thủy điện trong vùng bị hư hại; sự kiện này đã khiến chính những học giả và các nhà hoạt động môi sinh ngay tại Trung Quốc đã phải gửi một kiến nghị 12/06/2008 kêu gọi chính quyền Bắc Kinh phải duyệt xét lại sự an toàn của những con đập thủy điện trên khu vực địa chấn không ổn định là vùng Tây Nam Trung Quốc; trong đó có đề nghị cụ thể là nhà nước Trung Quốc phải ngưng ngay việc chuẩn thuận những dự án đập thủy điện lớn trong vùng, cho đến khi nào hoàn tất những bước nghiên cứu về tính khả thi và an toàn của những dự án đập, và đáng chú ý nhất là yêu cầu “công khai hóa (make public)” những thông tin có được từ các công trình “tái khảo sát” ấy [6] – điều mà bấy lâu nay Trung Quốc luôn luôn giữ kín và che đậy. Bauxite Việt Nam gửi tới bạn đọc bài viết mới nhất của Bác sĩ Ngô Thế Vinh về vấn đề rất thời sự và đang gây nhiều mối quan tâm này.
NHỮNG TRẬN ĐỘNG ĐẤT VÂN NAM
Theo USGS (Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ), vùng Tây-Nam Trung Quốc bao gồm tỉnh Vân Nam, có nhiều “hoạt động địa chấn (seismically active)”. Các trận động đất liên tiếp tàn phá Trung Quốc trong thế kỷ trước và đầu thế kỷ 21 thường có “tâm địa chấn (epicenter)” nằm trong khu vực này.Cũng theo Tân Hoa Xã (Xinhua), do Vân Nam là vùng động đất nên chỉ trong vòng 50 năm qua đã có tới 11 trận động đất lớn hơn 6 độ Ritchter. Có thể điểm qua các trận động đất ở Vân Nam trong thập niên đầu của thế kỷ 21 này:
– Năm 2000: ngày 15/01, hai trận động đất 5.9 và 6.5 ở Vân Nam, đã phá hủy 10.000 căn nhà gạch và gỗ, 371 người bị thương và 4 tử vong – theo CSB (China Seismological Bureau).
– Năm 2003: ngày 21/07, động đất 6.0 ở Vân Nam, đã phá hủy 24.000 căn nhà, gây hư hại 1.186.000 căn nhà khác, 584 người bị thương với 16 tử vong – theo USGS (US Geological Survey).
– Năm 2008: ngày 31/08, động đất 6.1, ở hai tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên với hậu chấn, đã phá hủy 250.000 căn nhà, với 467 người bị thương và 38 tử vong; tâm địa chấn rất gần với vùng động đất 7.9 xảy ra trước đó 3 tháng (12/05/2008) giết hại hơn 70.000 người và 10 triệu người không nhà – theo Reuters & AP.
– Năm 2009: ngày 09/07, động đất 5.7 ở Vân Nam với 8 hậu chấn: phá hủy 10.000 căn nhà, thêm 30.000 căn nhà khác bị hư hại, 300 người bị thương và 50 thương tích trầm trọng – theoWikipedia.
…
Việc xây những con đập thủy điện khổng lồ trên một vùng thường xuyên xảy ra những trận động đất như vậy, khiến người ta không thể không tự hỏi về sự an toàn cấu trúc của chuỗi những con đập bậc thềm trên sông Lan Thương (tên Trung Quốc của con sông Mekong) và cả mối lo ngại về nguy cơ vỡ đập kèm theo những trận hồng thủy có sức tàn phá khủng khiếp giáng xuống đầu các quốc gia hạ nguồn. Nội dung bài viết sau đây của tác giả Ngô Thế Vinh là một nỗ lực đi tìm câu trả lời cho vấn nạn ấy.
AN TOÀN CỦA CÁC CON ĐẬP THỦY ĐIỆN
Đó phải là mối quan tâm hàng đầu, không phải chỉ của các chuyên gia xây đập mà còn là mối ưu tư của cư dân sống ven sông và của các quốc gia hạ nguồn, nhất là đối với những con đập rất cao và hồ chứa nước cực lớn như chuỗi những con đập bậc thềm Vân Nam. Mối e ngại lại càng gia tăng khi được biết các con đập ấy được xây trên một vùng rất thường xảy ra những trận động đất với mức độ tàn phá rộng lớn.Theo giáo sư Shunzo Okamoto thuộc đại học Tokyo thì sức nước hãm ép của hồ chứa có thể gây động đất, nhất là nơi mà “thế năng động đất” (potential earthquake energy) đã tích lũy ở mức cao. [1]
Điển hình là Nhật Bản vốn nằm trên vùng địa chất không ổn định, thường xảy ra các trận động đất, nên mỗi dự án xây đập đều được khảo sát thật chu đáo trên mọi khía cạnh, nhất là địa chất, với những hồ sơ theo dõi các trận động đất lớn nhỏ và hoạt động của từng núi lửa, cả việc xác định xem có rãnh nứt dưới lớp địa tầng hay không. Do đó đã có một số công trình nghiên cứu nghiêm chỉnh ở Nhật liên quan tới đề tài “xây đập gây hậu quả động đất”.
Giáo sư Seiji Otake, nguyên Giám đốc nghiên cứu về động đất của Trung Tâm Quốc Gia Phòng Tránh Thiên Tai Nhật Bản đã đưa ra nhận định: “có tới 90 phần trăm xác suất là các hoạt động địa chấn gia tăng ở vùng có những con đập cao hơn 100 mét.” [1]
Đã có rất nhiều tường trình về các trận động đất do xây đập gây ra: cả ở vùng ôn đới với các quốc gia phát triển và ở vùng nhiệt đới với các nước đang phát triển.
Các nhà khoa học địa chất khảo sát những con đập lớn nhận thấy: sức nặng thường trực của khối nước khổng lồ trong hồ chứa đã gây ra tình trạng mất cân bằng địa chấn, gây đứt đoạn lớp địa tầng dưới đáy và làm vỡ cấu trúc toàn con đập – người ta gọi đó là các trận “ĐỘNG ĐẤT DO HỒ CHỨA (reservoir triggerred seismicity)”.
Đã có những trận động đất gây ra do hồ chứa làm chấn động dư luận thế giới. Như khi hồ chứa Đập Aswan High (Ai Cập) lấy đầy nước, thì sau đó các trận động đất M4.7 (3/1982), M4.3 (2/1983) đã xảy ra trên vùng đất mà trước năm 1980 chưa hề có ghi nhận một cơn địa chấn nào. Tại Trung Quốc, gần tỉnh Quảng Đông, có con đập Tân Phong Giang (Xinfengjian) cấu trúc giống đập Aswan đã bị một cơn địa chấn M6.1 vào năm 1961. Các trận động đất khác do hồ chứa cũng đã xảy ra với con đập Koina (Ấn Độ): M5.5 (9/1967), M6.3 (12/1967) làm nứt thành đập và khiến hơn 180 người chết.
HẠ LƯU SÔNG MEKONG YÊN TĨNH
Con đập lớn Pa Mong ở hạ lưu sông Mekong (Lower Mekong Basin) tuy chỉ mới hình thành trên dự án, nhưng các chuyên gia Ủy Ban Sông Mekong (Mekong River Committee, 1957), tiền thân của Ủy Hội Sông Mekong (Mekong River Commission, 1995) hiện nay, đã hết sức thận trọng nghiên cứu về hậu quả có thể gây động đất do dung lượng lớn của hồ chứa. Các cuộc khảo sát địa chất cũng đã phát hiện ra các “đứt gãy (faults)”, trong số đó có đứt gãy Ban Ang (Ban Ang fault) chạy ngang dưới vùng xây đập Pa Mong, nhưng đó chỉ là những đứt gãy cũ và không còn hoạt động (inactive). Cho tới nay, chưa có một cơn địa chấn nào được ghi nhận nơi dự trù xây con đập Pa Mong.[Tưởng cũng nên nói qua về Dự án Đập Pa Mong, đó là con đập lớn giữa biên giới Thái – Lào, trên dòng chính sông Mekong trong hệ thống đập ở hạ lưu sông Mekong, với hồ chứa dài hơn 300 km, sẽ dìm sâu trong đáy nước đất đai nhà cửa của khoảng 60 ngàn cư dân, nhưng sẽ cung cấp nguồn điện trên 2.000 MW, cải thiện thủy lộ giao thông, tạo sức bật phát triển kinh tế cho toàn vùng đông bắc Thái Lan và Lào].
Cho dù có một số suối nước nóng ở hạ lưu Mekong nhưng hầu như đã không có hoạt động địa chấn nào trên vùng đất này. [1]
THƯỢNG LƯU SÔNG MEKONG DAO ĐỘNG
Thượng lưu sông Mekong là vùng nhiều núi lửa và rất thường xảy ra những cơn động đất, như gần rặng Arakan Bắc Miến Điện – nơi có các ngọn núi lửa Pu Fai Yai và Pu Fai Noi cao hơn cao nguyên Muang Hongsawadi từ 60 tới 90 mét. Vào năm 1990, một trận động đất M6 đã xảy ra gần nơi xây đập Tiểu Loan (Xiaowan) trên dòng chính sông Lan Thương.[Con đập Mẹ Tiểu Loan vĩ đại được khởi công tháng 04/2001 và mới hoàn tất tháng 08/2009, chỉ đứng thứ hai sau con đập Tam Hợp (Three Gorges Dam) lớn nhất thế giới trên sông Dương Tử. Đập Tiểu Loan với công suất 4,200 MW là con đập cao nhất thế giới – 292 mét, tương đương với tòa nhà chọc trời cao 100 tầng – với dung lượng hồ chứa lên tới 15 tỉ mét khối nước lấy từ con sông Mekong, dự trù bắt đầu hoạt động từ năm 2010 và đạt toàn công suất năm 2013, sẽ cung cấp điện cho tỉnh Quảng Đông và các tỉnh cận duyên Trung Quốc].
Hiroshi Hori là một chuyên gia uy tín về sông Mekong, từng làm việc cho Liên Hiệp Quốc trong Ủy Ban Sông Mekong có trụ sở ở Bangkok trong những năm 60 của thế kỷ trước (1964-1969), đặc trách Kế Hoạch Lưu Vực Sông Mekong (Indicative Mekong River Basin Plan). Sau đó ông giữ chức vụ tham vấn cho Ngân hàng Phát Triển Á Châu (ADB – Asian Development Bank), đại diện cho Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP – United ations Development Plan) ở New York. Đồng thời ông cũng là Chủ tịch Ủy Ban Nghiên Cứu Sông Mekong của Cơ Quan Hợp Tác Quốc Tế Nhật bản (JICA – Japan International Cooperation Agency). Ông cũng là tác giả của nhiều bài nghiên cứu kinh điển và các cuốn sách như “Technology Society, Pergamon Press 1990”, “Conflicts and Opportunities Concerning Development and the Environment in the Mekong Basin, IWRA 1998”.
Riêng trong cuốn sách “The Mekong: Environment and Development” [United Nations University Press, Tokyo 2000]. Hiroshi Hiro đã đưa ra nhận xét:
Thượng lưu sông Mekong là vùng động đất, với những chuyển động địa chấn đáng kể nên người ta có lý do để sợ rằng động đất sẽ xảy ra khi xây những con đập ở thượng nguồn sông Mekong. [1]
ĐẶC TÍNH ĐỘNG ĐẤT DO ĐẬP GÂY RA
Có thể phân loại các trận động đất do xây đập gây ra như sau:Sức nước hãm nén trong hồ chứa trên vùng động đất làm gia tăng những cơn địa chấn do áp suất khi hồ hoàn thành và thay đổi áp suất theo mực nước và dung lượng hồ khi hoạt động.
Động đất vẫn xảy ra khi hồ chứa được xây trên vùng chưa có động đất trước đó.
Động đất có thể xảy ra sau khi hồ chứa lấy đầy nước, với nhịp độ (frequency) và biên độ (magnitude) gia tăng theo thời gian.
THEO DÕI PHÁT HIỆN PHÒNG TRÁNH
Khi mà động đất do hồ chứa xảy ra tại các quốc gia kém phát triển – nơi nhà cửa không đạt tiêu chuẩn chống động đất, mức thiệt hại sẽ lớn hơn gấp bội so với ở các quốc gia phát triển. Điều này đã được thấy rõ qua những tổn thất rất lớn từ những trận động đất chưa phải là quá lớn ở hai tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên vùng Tây Nam Trung Quốc, khi so sánh với Nhật Bản.Do đó việc theo dõi phát hiện và phòng tránh động đất do hồ chứa phải là mối ưu tiên hàng đầu của các kỹ sư xây đập. Trong ngân sách xây đập phải bao gồm cả ngân khoản để trang bị mạng lưới các trạm theo dõi động đất (network of seismological stations). Việc theo dõi phải thực hiện liên tục trong suốt quá trình xây đập hay ít ra cũng phải tiến hành trước khi bắt đầu lấy nước vào hồ chứa. [1]
Nhưng dù có thiết lập thêm các trạm theo dõi động đất sau khi đã xây đập thì cũng không có cách nào giúp tránh động đất, và khi động đất xảy ra, không có cách nào thực hiện kịp việc di tản hay xả nước an toàn, nếu không muốn nói còn làm gia tăng tổn thất. Do đó, ưu tiên phải là nghiên cứu địa chất mỗi địa điểm xây đập ngay từ lúc đầu, rồi sau đó mới xác lập phương án kiến trúc của con đập với dung lượng hồ chứa và độ cao an toàn đối với các trận động đất xảy ra sau khi xây đập.
NHỮNG KHẢO SÁT MỚI NHẤT VỀ ĐỘNG ĐẤT DO XÂY ĐẬP
Theo Tiến sĩ T. Vladut thuộc nhóm Nghiên Cứu Môi Sinh Thủy Học Canada (Hydro Environmental Research Group) [1993] thì đã có hơn 2.000 bài viết về động đất gây ra do các con đập và hồ chứa. Khảo duyệt tất cả các công trình nghiên cứu ấy, Vladut đã đi tới kết luận:- Từ thập niên 1930 [1932] người ta bắt đầu biết tới về mối liên hệ động đất với con đập Qued Fodda ở Algeria. Sang thập niên 1940 [1945] người ta đã lại quan tâm hơn tới mối liên hệ giữa độ sâu của hồ chứa con đập Hoover ở Mỹ với các trận động đất xảy ra sau đó.
- Từ năm 1932, trong số hơn 120 con đập trên thế giới, người ta ghi nhận được những trận động đất xảy ra hoặc do nước hãm nén trong hồ chứa (water impoundment), hoặc khi hồ chứa hoạt động (reservoir operation).
- Có nhiều khả năng động đất xảy ra nơi con đập cao hơn 100 mét hoặc khi dung lượng hồ chứa lớn hơn 1 x 109 m3.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CHUỖI ĐẬP VÂN NAM
Các dự án khai thác sông Mekong của Trung Quốc đã có từ thập niên 70 của thế kỷ trước, trong thời kỳ còn bức màn sắt cô lập đất nước này với thế giới bên ngoài. Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa, mãi tới năm 1989 người ta chỉ mới được biết sơ về các dự án thủy điện Vân Nam qua một cuốn sách duy nhất của Vân Nam Nhân Dân Thư Xã, ấn bản tiếng Trung, dày 608 trang, nhan đề “Lan Thương Giang: Tiểu Thái Dương”, gồm 45 bài viết về các đề tài khác nhau, nhưng tựu trung chỉ đề cập tới những lợi lộc về thủy điện và nguồn nước của chuỗi 8 con đập bậc thềm trên sông Mekong tỉnh Vân Nam, với tổng số công suất lên tới 15.400 Megawatt, tổn phí dự trù là 7,7 tỉ $US. [4] Tuy đã có kế hoạch rất hấp dẫn khai thác sông Mekong rất sớm từ những năm 70, nhưng vì “thiếu ngân sách” nên mãi tới năm 1980 con đập Mạn Loan (Manwan) đầu tiên cao 99 mét, với bức tường thành cao 35 tầng mới được khởi công và 13 năm sau (1993) thì xây xong. Ngay sau đó cảnh thiếu điện tối tăm của Vân Nam và thủ phủ Côn Minh đã trở thành quá khứ. Khi hoàn tất chuỗi đập Vân Nam này, Trung Quốc sẽ dư khả năng điện khí hóa hoàn toàn các tỉnh phía nam và phía đông cận duyên của Trung Hoa. Cuốn sách cũng đề cập tới tiềm năng sông Mekong như một thủy lộ để đi về phương nam.Nhưng điều đáng nói là cả cuốn sách không có bài viết nào nghiên cứu về hậu quả “có thể chấp nhận được hay không” của chuỗi các con đập ấy đối với 5 nước vùng hạ lưu là Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam. Trước nay, Trung Quốc luôn luôn giấu nhẹm các kế hoạch chiến lược khai thác sông Mekong của họ như một thứ bí mật quân sự. Lê Quang Minh, nguyên Phó Viện trưởng Đại học Cần Thơ ở đồng bằng sông Cửu Long đã phải than thở: “Thật khó để có được thông tin từ phía Trung Quốc. Điều ấy khiến chúng tôi thật sự lo ngại”. [3]
Bây giờ đã là năm 2009, tưởng cũng nên cập nhật hóa những thông tin có được từ Trung Quốc. Theo tài liệu chính thức của Tỉnh ủy Vân Nam, thì chuỗi đập trên sông Lan Thương không phải chỉ có TÁM mà đã lên tới MƯỜI BỐN con đập trên dòng chính khúc thượng nguồn sông Mekong, chưa kể vô số những con đập ở phụ lưu. [1]
Tên 14 con đập theo thứ tự từ bắc xuống nam là: 1/ Liutongsiang; 2/ Jiabi; 3/ Wunenglong; 4/ Tuoba; 5/ Huangdeng; 6/ Tiemenkan; 7/ Guongguoqio; 8/ Xiaowan (Tiểu Loan) – hoàn tất 2009; 9/ Manwan (Mạn Loan) – hoàn tất 1993; 10/ Daichaosan (Đại Chiếu Sơn) – hoàn tất 2003; 11/ Nuozhado; 12/ Jinghong (Cảnh Hồng) – hoàn tất 2007; 13/ Gunlanba; 14/ Mengsong. [Sơ Đồ 1]
ĐÂU LÀ TIÊU CHUẨN AN TOÀN CỦA CHUỖI ĐẬP VÂN NAM
14 con đập và dự án đập Vân Nam nằm trong Lưu Vực Trên sông Mekong được coi là vùng động đất.Theo tiêu chuẩn của Tiến sĩ T. Vladut thì động đất có nhiều khả năng xảy ra nơi “các con đập cao hơn 100 mét” hoặc “hồ chứa có dung lượng lớn hơn 1 x 109 m3". Ít nhất SÁU trong MƯỜI BỐN con đập Vân Nam hoặc có chiều cao hoặc có dung lượng hồ chứa lớn hơn giới hạn an toàn của Vladut. [1]
TÊN ĐẬP/ Công Suất | CHIỀU CAO/ Mét | DUNG LƯỢNG HỒ/ MCM* |
(1) Gongguoqiao / 750 MW | 130 m | 510 |
(2) Xiaowan / 4.200 MW | 292 m | 15.130 |
(3) Manwan / 1.500 MW | 132 m | 920 |
(4) Dachaosan / 1.350 MW | 118 m | 890 |
(5) Nuozhadu / 5.500 MW | 260 m | 22740 |
(6) Jinghong / 1.350 MW | 107 m | 1230 |
[Tài Liệu của Wang Shui, Giám Đốc Kế Hoạch Lan Thương Giang Vân Nam] [5]
Liệu đã có những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh nào của Trung Quốc về tình trạng địa chất dọc theo con sông Lan Thương (chiếm hơn nửa chiều dài Sông Mekong), là nơi đang mọc lên chuỗi 14 con đập khổng lồ Vân Nam?
Có rất nhiều lý do để tin là không, bởi vì “mỗi con đập có những đặc tính địa chất duy nhất của nó, mà để hiểu biết chotường tận những đặc tính ấy thì tốn rất nhiều thời gian và tổn phí lên tới nhiều triệu đôla cho những cuộc khảo sát [2]”, trong khi Trung Quốc không chỉ thiếu tiền mà còn vội vã đạt chỉ tiêu kế hoạch khai thác thủy điện chiến lược của họ.
Hoặc giả nếu có cái gọi là công trình nghiên cứu địa chất trên giấy tờ thì chúng ta cũng có thể biết trước rằng có “những dữ kiện địa chất dù biết trước là bất lợi cũng sẽ bị làm ngơ hay bỏ qua”.
Theo một nghiên cứu năm 1990 của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) thì trong số 49 dự án xây đập thủy điện, có hơn 3/4 số đập gặp phải những “vấn đề về địa chất không tiên liệu được (unexpected geological problems)”. Và cuộc khảo sát ấy đã đưa tới kết luận khá bi quan rằng đối với các con đập thủy điện “nếu không gặp các vấn đề trở ngại về địa chất thì phải được coi đó như một ngoại lệ chứ không phải là sự kiện bình thường”. [2]
Trước những khiếm khuyết và bất trắc ấy, liệu trên đồ án mỗi con đập Vân Nam Trung Quốc có bao gồm “thiết kế mạng lưới các trạm theo dõi động đất” để liên tục ghi nhận các dao động địa chấn trong suốt quá trình xây đập hay ít ra cũng phải được thiết kế đưa vào hoạt động trước khi bắt đầu lấy nước vào trong mỗi hồ chứa hay không?
An toàn của các con đập, liệu có bao giờ là mối ưu tư của các “Công trình sư Đại Hán” khi hình thành dự án Chuỗi 14 Con Đập Bậc Thềm Vân Nam? Đã đến lúc nước lớn Trung Quốc có lương tri phải tỏ ra có trách nhiệm với chính cư dân của họ và hàng trăm triệu cư dân của các quốc gia ở hạ lưu bằng cách công khai hóa những kế hoạch xây đập của họ. Đành rằng chẳng có cách nào để ngăn Trung Quốc không tiến hành giấc mơ điện khí hóa vĩ đại của họ, nhưng ở một chừng mực nào đó thì những khiếm khuyết và thiếu an toàn trong mỗi dự án phải được biết tới, theo dõi và bổ sung. Điều đó chỉ có được khi Trung Quốc chịu công khai hóa kế hoạch khai thác sông Mekong của họ.
Không phải là hư cấu để không nhìn thấy những hồ chứa nước khổng lồ của chuỗi đập Vân Nam có thể là thứ vũ khí môi sinh chiến lược kinh hãi mà Bắc Kinh có thể một ngày nào đó nghĩ tới việc sử dụng, để “gây đại hạn” hoặc gây ra “trận hồng thủy” có sức hủy hoại ghê gớm, mà khi cần sẽ cho một nước bướng bỉnh ở hạ lưu – như Việt Nam – “một bài học, lần này thì là một bài học để đời”.
Và cũng lại không hoàn toàn là hư cấu khi nghĩ tới tình huống Trận Động Đất do các hồ chứa khổng lồ Vân Nam ở thượng lưu sông Mekong. Do sự kiêu căng, tham lam và thiển cận của con người không còn làm chủ được khoa học kỹ thuật của mình, sức tàn phá khủng khiếp của Cơn Hồng Thủy Vỡ Đập sẽ cuốn đi bao nhiêu thành phố và bao nhiêu vạn sinh linh của Vân Nam và của các quốc gia vùng hạ lưu?
Sắp qua đi thập niên đầu của của Thế kỷ 21, chuỗi 14 Con Đập Bậc Thềm Khổng Lồ Vân Nam sẽ là “lưỡi gươm Damoclès” buộc trên sợi chỉ mành thường trực treo trên đầu trên cổ cư dân của năm quốc gia vùng hạ lưu là Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam.
Dù con đường còn lắm chông gai, nhưng việc phấn đấu để tiến tới một “Ủy Hội Sông Mekong Mở Rộng” bao gồm cả Trung Quốc và Miến Điện là bước tiên quyết để có một cơ quan điều hợp hữu hiệu cho toàn vùng trong kế hoạch vĩ mô “Phát Triển Bền Vững” nguồn tài nguyên phong phú của con sông Mekong.
TỪ CON ĐẬP ASWAN TỚI ĐẬP TIỂU LOAN
Với chấn động của hơn 160 tỉ mét khối nước từ con đập Aswan, bất chợt bung qua khúc vỡ của hồ chứa cao hơn 100 mét. Trong khoảnh khắc lượng nước khổng lồ trong hồ chứa dài 500 cây số đã đồng loạt trút xuống. Thị trấn đầu tiên cách đó chưa đầy ba dặm bị ngay sức đập trời giáng khủng khiếp như sức tàn phá của một ngọn sóng thần. Thế rồi bức tường thành nước cao hơn 30 mét ấy cứ lừng lững đi tới dìm ngập phố xá, ngập cả những tòa nhà cao mười tầng, băng qua và cuốn đi các vùng dân cư. Ngày thứ sáu, con nước cuồng nộ ấy tới được thủ đô Le Caire bên đông ngạn con sông Nile, vẫn với nguyên sức mạnh của 15 mét nước cao... Đó là scenario từ cuốn tiểu thuyết Aswan của nhà văn Đức Michael Heim, không phải chỉ là hư cấu, mà dựa trên những khảo sát cơ học vững chắc. Mô tả chi tiết về khả năng một thảm họa vỡ đập Aswan bị cấm phổ biến vì giới quân sự Ai Cập lo sợ đó như gợi ý cho một âm mưu khủng bố; Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Ai Cập đã mô tả thảm họa ấy “Giống như trận Hồng thủy kéo dài suốt 40 ngày đêm đã được ghi lại trong Thánh Kinh”...Gần gũi với chúng ta hơn là bài học Trung Quốc, với một thảm họa có thật tại Hà Nam năm 1975. Nơi có hai con đập Bản Kiều (Banquiao) và Thạch Mãn Đàm (Shimantan) trên sông Hoài (sông Huai), một phụ lưu của sông Dương tử. Đập Bản Kiều do Liên Xô xây dựng, được coi như một con đập sắt thép kiên cố có khả năng đứng vững với trận lụt ngàn năm. Nhưng chỉ với cơn mưa lũ lớn suốt hai ngày, mực nước trong đập đã ngập tới mức tối đa, cho dù các ống thoát được mở ra nhưng lại bị nghẽn bởi các chất lắng, và hậu quả là đập Bản Kiều bị vỡ. Năm triệu mét khối nước từ hồ chứa đổ ập xuống các thung lũng, cuốn phăng đi các làng mạc và thị trấn phía dưới, con đập sắt thép thứ hai cũng bị vỡ ngay sau đó... Tổng cộng có 62 đập bị vỡ trong trận bão lụt năm 1975 làm thiệt mạng 230 ngàn người, nhưng nhà nước Trung Quốc đã dấu nhẹm thông tin trong nhiều thập niên sau đó.
Không có gì bảo đảm rằng một thảm họa vỡ đập do động đất sẽ không thể xảy ra trên khúc thượng nguồn sông Mekong, khi mà ai cũng biết Vân Nam là vùng nhiều động đất. Nếu sông Mekong là mạch sống của hàng trăm triệu cư dân, nước sông Mekong là máu của đất, thì mỗi con đập Vân Nam là một “gót chân Achilles” cho toàn vùng, và mối thảm họa do chính con người gây ra sẽ lớn hơn gấp bội so với tai ương từ thiên nhiên...
BS NGÔ THẾ VINH
Vân Nam 09/2002 – California 09/2009
Chú thích:
(*) Lan Thương (Lancang): Tên của con sông Mekong trong địa phận Trung Quốc
Tham Khảo:
- Hiroshi Hori. The Mekong: Environment and Development. United Nations University Press, Tokyo 2000.
- Patrick McCully. Silenced Rivers: The Ecology and Politics of Large Dams. Zed Books, Ltd. London 1996.
- Shawn W. Crispin, Margot Cohen, Bertil Lintner. The mekong Choke Point. Far Eastern Economic Review, Oct 12, 2000.
- E.C Chapman, He Daming. Downstream Implications of China’s Dams on the Lancang Jiang and their Potential Significance for Greater Regional Cooperation, Basin-Wide. Workshop Proceedings, Melbourne Oct 12, 1996.
- Wang Shui. The Lancang Jiang basin: Steps Towards the Realisation of Sustainable Development. Worshop Proceedings, Melbourne Oct 12, 1996.
- Chinese environmentalists and scholars appeal for dam safety assessments in geologically unstable south-west China. Diyi Caijing Bao, June 12, 2008. [Probe International]