Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

SÔNG MEKONG TRƯỚC NGUY CƠ 2012 VỚI “TINH THẦN MEKONG” LƯU VỰC CHÚNG TA CÙNG PHÁT TRIỂN

Các quốc gia thành viên ký kết cùng đồng ý là “bằng mọi cố gắng phòng tránh, làm nhẹ hay giảm thiểu những hậu quả tác hại trên môi trường… do phát triển và xử dụng Lưu vực Sông Mekong.” Điều 7 trong "Hiệp Ước Hợp Tác Phát Triển Bền Vững Lưu Vực Sông Mekong" 1995.

“Sông Mekong đang bị đe dọa nghiêm trọng vì sự lạm dụng nguồn nước và hậu quả của biến đổi khí hậu. Nếu không có một chính sách khai thác thận trọng và hợp lý các nguồn tài nguyên sông Mekong, con sông hùng vĩ này không thể nào sống còn”. Abhisit Vejjajiva, Hua Hin MRC Summit 2010.

Gửi Nhóm Bạn Cửu Long & VN 2020 Mekong Group


NỔ BÙNG THỦY ĐIỆN VÙNG HẠ LƯU
 
Khai thác thủy điện không phải chỉ có trên con sông Lancang – tên nửa chiều dài sông Mekong thuộc lãnh thổ Trung Quốc, mà ngay vùng hạ lưu cũng đang có hiện tượng “nổ bùng thủy điện / explosion of hydropower”. Chỉ riêng nước Lào nhỏ bé [diện tích chỉ lớn hơn tiểu bang Utah của Mỹ, dân số khoảng 6.5 triệu, ít hơn cả dân số thành phố Sài Gòn] vậy mà đã có hơn 77 dự án đập trên các phụ lưu và dòng chính sông Mekong, hoặc đã hoàn tất, hoặc đang xây hoặc sắp được triển khai. Phần lớn lượng điện sản xuất từ xứ Triệu Thớt Voi “Lane Xang – the land of a million elephants” này là nhằm thu về ngoại tệ, đồng thời đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng [10-15% mỗi năm] của hai nước láng giềng là Thái Lan và Việt Nam.

So với trước đây, khai thác thủy điện sông Mekong nay có phần dễ dàng hơn khi mà nguồn tiền đầu tư có thể đến từ những ngân hàng thương mại địa phương thay vì phải được tài trợ từ các tổ chức tài chánh quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới / World Bank, Ngân hàng Phát triển Á châu / ADB.
Nhưng rõ ràng vẫn có rất nhiều khiếm khuyết trong các dự án đập hạ lưu trên dòng chính sông Mekong. Thứ nhất là khả năng điều hợp xử dụng nước ra sao cùng với chuỗi đập thượng nguồn của Trung Quốc, và không ai trả lời được là liệu có đủ nước hay không để vận hành các turbines quanh năm nhằm bảo đảm công suất cho mỗi con đập [ cũng là bảo đảm lợi nhuận ]; khi mà công ty xây đập chỉ biết về xây dựng nhưng lại không có kỹ năng về thủy điện.


Giới lãnh đạo các quốc gia Mekong, phần do thiếu hiểu biết hoặc cố tình không biết / wilful ignorance – theo ngôn từ của Milton Osborne, [5] nên chỉ thấy những lợi nhuận trước mắt, mà không quan tâm gì tới hậu quả nghiêm trọng lâu dài mai sau. Cư dân trong lưu vực sông Mekong liệu có hạnh phúc hơn không với những bước phát triển không bền vững / unsustainable development như hiện nay. Như với người dân Lào hiền hòa, từ bao nhiêu ngàn năm nay – Con Sông Mẹ / Mea Nam Khong [ tên Lào Thái của con sông Mekong ] luôn luôn là mạch sống của họ với phong phú nguồn cá và lúa gạo. Nay thì nếp sống cổ truyền và an bình ấy bị đảo lộn, đang bị các chánh trị gia / hay đúng hơn là thiểu số lãnh đạo xem dân họ như quá lạc hậu, nên cần mau chóng “canh tân”, bằng tận khai thác nguồn thủy điện cho dù có những bằng chứng là họ đang giết chết Con Sông Mẹ ấy. Nông và ngư dân Lào thì không được biết về mối hiểm họa, họ lại không có tiếng nói và nếu có thì với một chánh quyền “không dân chủ” tiếng nói ấy cũng chẳng được lắng nghe.

TỪ CON ĐẬP XAYABURI TỚI DON SAHONG

Xayaburi đã và đang gây nhiều tranh cãi vì là con đập dòng chính đầu tiên vùng hạ lưu đang được Lào và Thái Lan xây dựng. Tưởng cũng nên ghi lại đây là cho dù Hội Nghị Ủy Hội Sông Mekong ở Siem Reap [ 12/08/2011 ] đã có quyết định tạm hoãn dự án đập Xayaburi, nhưng Lào thì không bày tỏ một cam kết là sẽ ngưng xây con đập này. Surasak Glahan, phát ngôn viên của Ủy Hội Sông Mekong / MRC cho biết là : “Trong Hội nghị Siem Reap, phái đoàn Lào đã không đề cập gì tới dự án đập Xayaburi.” Và Ủy Hội Sông Mekong và các quốc gia thành viên khác đã chính thức gửi văn thư tới chánh phủ Lào yêu cầu cung cấp thông tin về con đập Xayaburi nhưng không được một hồi âm.
Nay tên con đập Don Sahong cũng đang rất được lưu ý và nhắc tới; tuy là con đập nhỏ nơi cực nam của đất Lào, sát biên giới Cam Bốt khoảng cách chỉ hơn 1 km, nhưng lại được xây dựng ngay trên thác Khone, nơi được coi như một khu bảo tồn sinh thái phong phú nhất / global diversity value, nơi có triển vọng được xem là vùng Đất ngập Ramsar / Ramsar Wetlands có tầm quan trọng toàn cầu [Ramsar Convention on Wetlands là một thỏa ước liên quốc gia được ký kết tại Ramsar [02/ 02/ 1971] bờ nam biển Caspian của Iran, với mục đích bảo tồn và khai thác bền vững các vùng đất ngập qua sự hợp tác từ các cấp địa phương, cấp vùng, quốc gia và quốc tế ]. Và hơn thế nữa, thác Khone cũng là trọng điểm của các loài di ngư từ Biển Hồ Cam Bốt ngược dòng lên rất xa trên khúc sông Mekong thượng nguồn Lào Thái để sinh sản. Để qua thác, các loài cá phải bơi qua các kênh nước /channels thác Khone – nơi có hàng ngàn đảo nhỏ với chằng chịt những kênh rạch nhưng chỉ có vài kênh nước chính là cá có thể lội qua được để lên thượng nguồn, trong đó quan trọng nhất phải kể tới con kênh Hou Sahong dài 7 km từ đảo Don Sahong đến đảo Don Sadam, vì kênh nước này rộng và cũng đủ nước quanh năm để cá có thể lội ngược dòng ngay cả trong mùa khô. Dự án Don Sahong cũng có thể làm tuyệt chủng / extinction hai loài cá hiếm qúy Pla Beuk / Pangasianodon gigas và Irrawaddy Dolphin, được coi là hai chủng loại quan trọng / flagship species biểu tượng cho sự lành mạnh của hệ sinh thái Sông Mekong.


Cá Pla Beuk / Pangasianodon gigas [nguồn: Tan S. Bunwath / WWF Cambodia]


Cá Irrawaddy Dolphin Mekong [nguồn: Kratie Province Government, Cambodia]

Đã có rất nhiều chứng cớ là con đập thủy điện Don Sahong, tuy chỉ cao khoảng 30-32 m với công suất 240-360 MW [nhỏ nhất so với 11 dự án dòng chính vùng hạ lưu] nhưng lại có tác hại vô lường trên toàn hệ thủy sinh thái nhất là đối với nguồn cá phong phú của con sông Mekong, vì đây là điểm quy tụ tối đa của các đoàn di ngư / migratory fish trên sông Mekong. Phần lớn lượng cá mà ngư dân Lào và Thái lưới bắt được trên thượng nguồn cũng là từ các đoàn di ngư lội ngược dòng từ thác Khone. Kể cả nguồn cá của các phụ lưu lớn sông Mekong như sông Mun [Thái], sông Xedon, sông Xebanghieng [Lào] cũng phụ thuộc vào các đoàn di ngư từ vùng ghềnh thác này. [4]

Giới am hiểu và theo dõi tình hình nước Lào, nhận định trường hợp con đập Don Sahong có một lịch sử lâu dài hơn nhiều, phản ánh một nền cai trị rất phức tạp theo lãnh địa của xứ Lào. Nhà nước Lào tuy là một chánh quyền Đảng trị, đảng Cộng Sản Lào, giống mô hình Việt Nam – nhưng vẫn không tránh được nét phong kiến gia đình trị trong hệ thống ấy. Điển hình là quyền lực của gia đình Siphadone phía Nam Lào. Khamtay Siphadone tuy không còn là tổng thống Lào [1998 – 2006], nhưng gia đình ông thì từ trước đó và cả sau này vẫn cứ thống lĩnh một tiểu vương quốc phía Nam, trong đó có vùng thác Khone hay còn có tên gọi là Tứ Thiên Đảo / See Phan Done thuộc tỉnh Champasak. Rất sớm, vào giữa thập niên 90s, gia đình Siphadone đã cho phép công ty Mã Lai xây dựng một trung tâm du lịch tráng lệ phía trên vùng thác Khone: bao gồm một khách sạn 5 sao với 2,000 buồng, một sân Golf 18 lỗ với hai sòng bài và cả một sân bay có thể đón loại phản lực cơ Boeing 737. Dự án ấy phải tạm ngưng do cuộc khủng hoảng tài chánh Á Châu 1997. Nhưng rồi một kế hoạch khác cũng có liên hệ tới dự án khu du lịch, do người con trai của Khamtay Siphadone, nguyên thống đốc tỉnh Champasak, ký kết với một công ty Mã Lai khác có tên là Mega First Corporation Berhad, tiến hành xây đập thủy điện Don Sahong ngay trên thác Khone nhằm cung cấp điện cho khu du lịch mà phần lớn sở hữu là của gia đình Siphadone và cả bán điện cho Cam Bốt và Thái Lan.

Thấy được mối hiểm nguy của con đập Don Sahong trực tiếp đối với vựa cá của Cam Bốt nên cuối năm 2007, Ủy ban Quốc gia Mekong Cam Bốt / Cambodian National Committee đã gửi thư phản đối tới chánh phủ Lào, nhưng hoàn toàn “không được hồi âm”. Tháng 11, cũng năm 2007 tại Hội nghị Siem Reap, phái đoàn Cam Bốt và các tổ chức NGO một lần nữa lên tiếng phản đối dự án đập Don Sahong, và yêu cầu đáp ứng từ Ban Thư ký Ủy hội Sông Mekong / MRC Secretariat, và sau đó thì MRC cũng gửi bản lượng giá với “những nhận định chỉ trích / critical” về con đập Don Sahong tới chánh phủ Lào, và một lần nữa bị chánh phủ Lào “coi như không có” và vẫn cứ tiến hành ký kết bản Hợp đồng Dự án Phát triển / Project Development Agreement với công ty Mã Lai Mega First để tiếp trục triển khai con đập thủy điện Don Sahong.


Đập Thủy Điện Don Sahong 240-360 MW trên Thác Khone [nguồn: Milton Osborne, The Mekong River Under Threat]

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen cũng đã tới Lào [03/2008] để thảo luận về dự án đập Don Sahong do ảnh hưởng di hại trực tiếp tới Cam Bốt. Nhưng sau đó, theo Milton Osborne với lý do thật khó hiểu là Ủy ban Quốc gia Mekong Cam Bốt nhận được chỉ thị là phải ngưng chỉ trích công khai / public criticism dự án đập Don Sahong [5].

[Tưởng cũng nên ghi lại ở đây là Cam Bốt cũng có dự án đập thủy điện Sambor – cùng với Don Sahong, được coi như một trong hai “tử huyệt” đối với các loài cá sông Mekong] 

Điều đó có nghĩa là dự án đập Don Sahong sẽ vẫn cứ được tiến hành và chánh phủ Lào thì được chia 20% cổ phần / shares của dự án. Don Sahong tuy nhỏ hơn cả những con đập phụ lưu trên đất Lào, nhưng lại có tầm quan trọng của một “phát súng thi ân / coup de grâce” đối với cả một nguồn cá nước ngọt phong phú nhất của hành tinh này, có nghĩa làm mất 80% nguồn protein của hàng triệu cư dân phụ thuộc vào nguồn cá [3 triệu tấn/ năm], và sẽ ảnh hưởng lâu dài hơn nữa tới tình trạng dinh dưỡng vốn đã thiếu thốn từ bao năm rồi.

Cho dù các quốc gia Mekong khác nói gì đi nữa, thì họ – đây là Lào và Thái, vẫn quyết tâm tiến tới trong năm 2012 này.” Một cựu viên chức trong phân bộ thủy điện Lào, phát biểu với yêu cầu được ẩn danh, là chánh phủ Lào đã dứt khoát có quyết định xây con đập Xayaburi.

Piaporn Deetes, điều hợp viên truyền thông Thái Lan của tổ chức Mạng lưới Sông Quốc tế / IRN đã nhận định:

Cố tình hoạt động bên ngoài tầm theo dõi của Ủy Hội Sông Mekong, Thái Lan và Lào đã gây tổn thương cho tinh thần hợp tác vùng và những nguyên tắc của Hiệp định Sông Mekong 1995; và cũng không có gì ngạc nhiên về sự vận động mạnh mẽ của công ty xây đập Ch.Karnchang để tiến tới, và cũng là điều khó có thể chấp nhận được khi chánh phủ Thái đã cúi mình trước tập đoàn xây đập thay vì phải bảo vệ quyền lợi của dân chúng.

Phillip Hirsch, giám đốc Úc Châu của Trung Tâm Tài Nguyên Mekong, thuộc Đại học Sydney cho rằng “Không chỉ có những mất mát về hệ sinh thái; những con đập còn có những ảnh hưởng tác hại to lớn về phương diện kinh tế. Theo một cuộc khảo sát mới đây, cái giá về kinh tế phải trả cho tổn thất về môi trường có thể lên tới 274 tỉ MK.” [8]

Không những thế, Lào còn thông báo cho Ủy hội Sông Mekong / MRC dự định tiến hành các dự án khác trên dòng chính và phụ lưu sông Mekong. Tưởng như rất vô lý nhưng điều ấy thì vẫn cứ xảy ra!
Và rõ ràng, như một mẫu ứng sử riêng lẻ của nhà nước Lào, nhưng có tính cách liên tục và nhất quán: Không nghe, không hồi đáp, vẫn tiến hành: đó là cách hành xử không thể gọi là văn minh trong bang giao quốc tế ở thế kỷ 21 này. Chánh phủ Lào đã chứng tỏ là không tôn trọng tinh thần của Điều 7 trong "Hiệp Ước Hợp Tác Phát Triển Bền Vững Lưu Vực Sông Mekong" 1995 đã ký kết và đơn phương chọn quyền lợi riêng tư ngắn hạn nhưng với cái giá phải trả của các nước lân bang. Cho đến nay những khuyến cáo và khả năng điều hợp của MRC đã hơn một lần tỏ ra vô hiệu.

TỪ NGHIÊN CỨU “LƯỚI BẮT VÀ NUÔI CẤY 2008”
 
Cách đây hơn 3 năm [12/2008] Ban Thư Ký Ủy Hội Sông Mekong cho ấn hành bản nghiên cứu với nhan đề “Lưới Bắt và Nuôi Cấy / Catch and Culture” đã nêu ra 5 câu hỏi vấn nạn như sau:

(1) Đặc tính và tầm quan trọng của các đoàn di ngư / fish migration trên sông Mekong ra sao? (2) Ảnh hưởng rào chắn của những con đập trên các đoàn di ngư ra sao? (3) Hiệu quả của các đường dẫn cá / fish-passage facilities ra sao với các đoàn di ngư lội ngược dòng? (4) Hiệu quả của các đường dẫn cá / fish-passage facilities ra sao với các đoàn di ngư xuôi dòng? (5) Làm sao đền bù thiệt hại cho ngư dân bị mất mát nguồn cá do những con đập?

Giải đáp và cũng là kết luận của bản nghiên cứu cho rằng: (a) Nguồn cá và tài nguyên con sông Mekong có tầm quan trọng cơ bản đối với nền kinh tế và xã hội của các quốc gia Mekong và những cộng đồng cư dân vùng hạ lưu; (b) Khác với những con đập phụ lưu, những con đập dòng chính sông Mekong nhất là với những con đập nơi khúc giữa và khúc dưới sông Mekong vùng hạ lưu sẽ có ảnh hưởng tác hại lớn lao hơn nhiều; (c) Các chuyên gia của nhóm nghiên cứu cho rằng khả năng chế tạo loại “turbines thân thiện với cá / fish friendly turbines” hay đường dẫn cho cá cho dù với tên gọi gì đi nữa [ như bậc thang cá / fish ladders, thang nâng cá / fish lifts, hay đường dẫn cá / fish passages ] thì hiệu quả chỉ có trên lý thuyết do tầm vóc quá lớn lao của các đoàn di ngư trên dòng chính sông Mekong. Một ví dụ về thử nghiệm thang cá đã thất bại nơi đập Pak Mun [Thái Lan] vào thập niên 90 cho dù các đoàn di ngư nhỏ hơn rất nhiều, nguyên do cá sông Mekong không phải là chủng loại cá Salmon như ở Bắc Mỹ nên không có khả năng nhảy đập để về nguồn. [2]

TỚI BẢNG LƯỢNG GIÁ MÔI SINH CHIẾN LƯỢC 2010
 
Tiếp theo tài liệu “Lưới Bắt và Nuôi Cấy”, Ban Thư Ký Ủy Hội Sông Mekong đã yêu cầu Trung tâm Quốc tế Quản lý Môi trường / ICEM / International Centre for Environmental Management [là một cơ quan tham vấn độc lập của Úc] hỗ trợ cho Ban Thư ký Ủy Hội Sông Mekong thực hiện một cuộc khảo sát “Lượng giá Môi trường Chiến lược/ SEA / Strategic Environment Assessment” đối với các dự án thủy điện dòng chính Sông Mekong vùng hạ lưu. Công trình được thực hiện qua những cuộc nghiên cứu kéo dài hơn 14 tháng, với sự cộng tác mở rộng của Ban Thư ký Ủy Hội Sông Mekong, Ủy ban Mekong Quốc gia của 4 nước thành viên, các nhóm xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các nhóm lợi ích khác, nhằm hỗ trợ Ban Thư ký Ủy hội Sông Mekong một tập hợp những thông tin cần thiết.

Bản báo cáo có nói tới những lợi ích từ nguồn thủy điện khoảng 13,500 MW cho các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, và vấn đề giảm phát thải khí CO2 so với các dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch. Nhưng SEA đồng thời cũng nêu ra những ảnh hưởng lâu dài cùng với những nguy hiểm tích lũy / cumulative risks của các con đập dòng chính. Những con đập ấy có thể gây tác hại sâu rộng trong bước phát triển bền vững và những “ảnh hưởng không thể hồi phục” trên đời sống của nhiều triệu cư dân trong lưu vực / basin. [1]

NHỮNG ẢNH HƯỞNG CHUỖI ĐẬP HẠ LƯU / SEA: 

1/ Biến đổi Dòng Chảy và Bản chất của con Sông:

Những con đập sẽ biến hơn nửa chiều dài của con sông vùng hạ lưu thành một chuỗi những hồ chứa tù đọng và gây biến động dòng chảy ở những khúc sông phía dưới các con đập. Và con sông sẽ không còn giữ được “nhịp đập / flood pulse” theo mùa, cũng là yếu tố sinh tử của Biển Hồ và con sông Tonlé Sap.

2/ Ảnh hưởng tới Nguồn Cá và An toàn Thực phẩm:

Những con đập sẽ ngăn chặn các đoàn di ngư / migratory fishes, thu hẹp diện tích các vùng đất ngập / wetland areas và làm biến đổi và hủy hoại sinh cảnh thiết yếu của các loài cá sông Mekong. Những biến động này sẽ làm mất tới 42% lượng cá tương đương với 500 triệu MK mỗi năm. Với hậu quả là ảnh hưởng tiêu cực tới phẩm chất cuộc sống và sự an toàn thực phẩm bị đe dọa nhất là với Cam Bốt do cá là nguồn protein chính của đa số người dân Cam Bốt. Toán Lượng giá Môi Trường Chiến lược SEA đã cho rằng không có kỹ thuật nào có thể thay thế hay bù đắp tổn thất nguồn cá thiên nhiên phong phú này. Bằng chứng hiển nhiên về sự hoàn toàn thất bại của các thang cá nơi đập Pak Mun trên sông Mun, một phụ lưu lớn của sông Mekong.


Lượng cá lưới bắt khoảng 3 triệu tấn một năm trong Lưu Vực Dưới Sông Mekong [nguồn: MRC 09-2008]

3/ Đe dọa tính Đa dạng của hệ Thủy sinh:

Do những thay đổi làm biến dạng con sông, gây rối loạn dòng chảy và cả môi trường nước, tính phong phú và đa dạng của hệ thủy sinh sông Mekong bị đe dọa, với hơn 100 loài cá bị lâm nguy / endangered species, trong đó có các chủng loại quan trọng / flagships species biểu tượng cho hệ sinh thái lành mạnh của sông Mekong như loài cá Irrawaddy Dolphin, cá Pla Beuk khổng lồ / Giant Mekong Catfish nặng tới hơn 300 kg – cả hai đang có nguy cơ bị tuyệt chủng / extinction.

4/ Thay đổi hệ Sinh thái Trái đất:

Với gần nửa diện tích đất đai trồng trọt và các khu rừng vùng hạ lưu sông Mekong được công nhận là Vùng Đa dạng Sinh thái Chủ yếu / Key Biodiversity Zones; với trong đó 5% là Khu Bảo tồn Quốc gia / National Protected Areas và các Vùng Đất Ngập / Wetlands site được bảo vệ theo Quy ước Ramsar. Những con đập gây lũ lụt sẽ nhận chìm những vùng đất ngập gây ảnh hưởng trên hệ sinh thái động vật và thực vật / fauna and flora của hành tinh này. Cộng thêm với hệ thống trụ cáp dẫn điện và những mạng lưới đường xá cũng gây hủy hoại thêm cho sinh cảnh trong vùng.

5/ Tổn thất Nông nghiệp:

Sản xuất nông nghiệp sẽ tổn thất hơn 5 triệu MK/ năm do đất ngập lụt từ các con đập, do mất phù sa vì bị giữ lại trong các hồ chứa làm tăng nhu cầu xử dụng phân bón hóa học tổn thất thêm 24 triệu MK/ năm; mất nguồn canh tác vườn tược ven sông / riverbanks gardens tổn thất 21 triệu MK/ năm trong khi dự án dẫn thủy chỉ bù đắp được 15 triệu MK/ năm trên 50 triệu MK thất thoát về kinh tế nông nghiệp.

6/ Giảm Trữ lượng Phù sa:

Nồng độ phù sa trong dòng chảy giảm 50% sẽ gây hậu quả nghiêm trọng trong tiến trình chuyển tải các dưỡng chất thiết yếu như phốt phát / phosphorous và đạm chất / nitrogen tưới bón cho các dẻo đất ven sông và các vùng châu thổ [ Tonle Sap Cam Bốt, Đồng Bằng Sông Cửu Long Việt Nam], ảnh hưởng sút giảm trong sản xuất nông nghiệp, tới nguồn cá trên sông và cá vùng cận duyên. Giảm lượng phù sa cũng làm mất cân bằng dòng chảy, gây sạt lở các bờ sông, các vùng ven biển vốn đã bị thay đổi đáng kể do thay đổi khí hậu/ climate change.

7/ Đe dọa cuộc sống ổn định, Văn hóa cổ truyền và Dân cư:

Những con đập sẽ gây bất ổn cho cuộc sống và đe dọa an toàn thực phẩm của hơn 40 triệu cư dân phụ thuộc vào nguồn cá phong phú của con sông Mekong; cộng thêm với ảnh hưởng mất đất đai nông nghiệp cùng với ảnh hưởng tích lũy của biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng thêm tình trạng an ninh về lương thực trong toàn vùng. Những con đập có thể làm thay đổi vĩnh viễn nếp sống văn hóa cổ truyền, gia tăng sự bất bình đẳng dẫn tới nghèo khó, ảnh hưởng tới mục tiêu thiên niên kỷ là xóa đói giảm nghèo từ mọi quốc gia.

8/ Và Các Đề xuất: Tạm Hoãn 10 Năm

SEA cũng đưa ra những đề xuất làm cách nào để triển khai một cách tối ưu các dự án đập trong phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường trong lưu vực. Và do những bất trắc chưa lường được của các dự án, SEA đã đề nghị tạm hoãn trong 10 năm [ 2010-2020 ] để có thời gian nghiên cứu thêm và bổ xung những khiếm khuyết. [1]

Kết luận của SEA / Lượng Giá Môi Sinh Chiến Lược không thể không gây ngạc nhiên. Đó là, nhóm hưởng những lợi ích kinh tế của các dự án trước hết không phải là dân chúng mà là một thiểu số các tài phiệt và công ty xây đập. [6] Một dòng chính Mekong không bị nghẽn mạch vì những con đập ít nhất trong vòng một thập niên theo yêu cầu của toán đặc nhiệm SEA / Lượng Giá Môi Sinh Chiến Lược phải được coi là một một thành quả thắng lợi cho mọi phía / Win-Win Strategy, cho mọi quốc gia trong lưu vực. Khoảng thời gian 10 năm ấy sẽ được vận dụng để khảo sát thêm nhằm gia tăng sự hiểu biết về hệ sinh thái phức tạp và cũng rất mong manh của lưu vực sông Mekong cùng với ảnh hưởng tác hại của những dự án đập có thể gây ra. Xa hơn nữa, là có thể tìm được giải pháp thay thế cung ứng nguồn điện mà không cần tới những con đập dòng chính / mainstream dams với những tác hại nghiêm trọng như vậy.

Theo Jeremy Bird, nguyên Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội Sông Mekong, thì bản tường trình SEA này là một trong những báo cáo phức tạp nhất được tiến hành cho một Lưu Vực Sông Quốc Tế, và đã cho thấy giá trị của việc hợp tác giữa các nước thành viên MRC trong những vấn đề rất nhạy cảm. Thêm một điều ngạc nhiên nữa là khi cuộc nghiên cứu SEA hoàn tất thì MRC vẫn rất dè dặt khi phổ biến và cho rằng các kết luận và khuyến cáo của SEA không phải là quan điểm của Ủy hội Sông Mekong. [Sic]

2012 ỦY HỘI MEKONG TRƯỚC KHÚC RẼ THỬ THÁCH

Mekong là một con Sông Quốc Tế / International River, với nguồn tài nguyên mà tất cả các quốc gia ven sông đều có quyền cùng chia xẻ chứ không chỉ để phục vụ cho các nhóm tài phiệt hay một quốc gia riêng lẻ nào. Nhưng trong thực tế, cùng là những nước ven sông nhưng mỗi quốc gia lại có những ưu tiên về phát triển khác nhau với những quyền lợi mâu thuẫn. Có thể thấy trước được rằng, Trung Quốc trước sau sẽ tiếp tục hoàn tất chuỗi 14 con đập Bậc thềm Vân Nam / Mekong Cascade của họ, cho dù hậu quả ra sao đối với lưu vực dưới sông Mekong / Lower Mekong Basin. Nay tới giai đoạn “nổ bùng thủy điện” với 12 dự án đập trên dòng chính sông Mekong vùng hạ lưu, cho thấy toàn hệ sinh thái thái của con sông Mekong đang lâm nguy.

Trong quá khứ, Ủy Hội Sông Mekong đã khá thụ động trước sự tái phục hoạt của các dự án đập thủy điện Hạ Lưu. Các nhà hoạt động môi sinh kêu gọi tinh thần trách của tổ chức liên chánh phủ này. “Ủy Hội cần chứng tỏ là một tổ chức hữu ích cho quần chúng, chứ không phải là cho các nhà đầu tư”, Surichai Wankaew, giám đốc Viện Nghiên cứu Xã hội Đại học Chulalongkorn, Thái Lan nói tiếp “Nhiệm vụ Ủy Hội thay đổi, thay vì ‘tạo thuận/ facilitation’ cho việc xây đập, thì nay phải là ‘diễn đàn / platform’ cho cư dân bị ảnh hưởng nói lên mối quan tâm của họ”. Cũng trước đó, đã có hơn 200 tổ chức môi sinh từ 30 quốc gia yêu cầu Ủy Hội và các nhà tài trợ ngưng ngay các dự án xây đập.
Nay qua công trình “Lượng Giá Môi Sinh Chiến Lược / SEA”, những ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế xã hội và môi sinh của các con đập dòng chính hạ lưu đã được xác định và công khai hóa, cũng đã có thêm nhiều tổ chức hoạt động môi sinh lên tiếng, nêu rõ những tác hại nghiêm trọng và lâu dài trên hàng triệu cư dân sống bằng nguồn nước, nguồn cá của dòng sông Mekong.

Trong một giai đoạn và hoàn cảnh cực đoan như hiện nay, như một tin vui là sau Jeremy Bird đã mãn nhiệm, Ủy Hội Sông Mekong vừa bổ nhiệm Hans Guttman, một công dân Thụy Điển làm Giám đốc điều hành mới tại Ban Thư ký Ủy hội Sông Mekong.


Hans Guttman, tân Giám đốc Điều hành, Ban Thư ký Ủy hội Sông Mekong [nguồn: MRC]

Guttman, được đánh giá là có khả năng quản trị, với 20 năm sống trong khu vực, từng điều hợp 50 cơ quan phát triển tại các quốc gia Mekong khác nhau đồng thời cũng làm việc với Liên minh các Vùng đất Ngập / Wetlands Alliance, từng là người đứng đầu Chương trình Môi trường trong 6 năm từ 2001 đến 2007. Với hơn một chục bài viết đã được công bố, ông còn được biết đến trong vùng là một chuyên gia hàng đầu về quản lý các nguồn tài nguyên nước ở Lưu vực Mekong.

Guttman bắt đầu đảm nhận nhiệm kỳ 3 năm từ ngày 14 tháng 11 năm 2011, để lãnh đạo một đội ngũ gồm 150 nhân viên và giám sát 2 văn phòng của Ban Thư ký ở Vạn Tượng và Nam Vang giữa một thời kỳ đang ngổn ngang những áp lực và thử thách. [10]

MỘT TINH THẦN SÔNG MEKONG

Người ta hy vọng với những kinh nghiệm đã có từ Ủy hội Sông Mekong từ nhiều năm, bảo đảm cho Guttman có được sự hiểu biết về những vấn đề mang tính quyết định đối với tổ chức này, sẽ giúp ông lãnh đạo một cách hiệu quả vào thời điểm cam go trên một vùng chính trị địa dư / geopolitics đang có rất nhiều biến động và cả phân hóa như hiện nay.

Hai thử thách trước mắt và bước thứ ba lâu dài của Guttman, cũng là của toàn cơ chế Ủy Hội Sông Mekong sau quá trình hoạt động hơn 16 năm [1995-2012] là làm sao:

(1) Thuyết phục các quốc gia thành viên Ủy Hội Sông Mekong tôn trọng tinh thần "Hiệp Ước Hợp Tác Phát Triển Bền Vững Lưu Vực Sông Mekong" 1995 “Các quốc gia thành viên ký kết đồng ý là “bằng mọi cố gắng phòng tránh, làm nhẹ hay giảm thiểu những hậu quả tác hại trên môi trường… do phát triển và xử dụng Lưu vực Sông Mekong.” Theo Điều 7 Mekong 1995.

(2) Thuyết phục được chánh phủ Lào tôn trọng một trật tự vùng, bằng cách tuân thủ theo đề nghị của SEA là tạm hoãn tất cả các dự án đập dòng chính trong 10 năm để có thời gian nghiên cứu thêm và bổ xung những khiếm khuyết. (3) Hiện thực “Kế hoạch Chiến lược 2011-2015 / MRC Strategic Plan”, tăng cường và mở rộng hợp tác với các quốc gia thượng nguồn Lancang-Mekong trên quy mô “Toàn Lưu Vực /Whole of basin approach”, chủ yếu là Trung Quốc, nước sở hữu gần nửa chiều dài con sông Mekong nhưng lại từ chối làm thành viên của Ủy Hội Sông Mekong mở rộng. [9]

Thực hiện và vượt được qua được các bước thử thách trên sẽ là một thành quả to lớn không phải chỉ của cá nhân ông Hans Guttman, mà cũng là “lý do hiện hữu / raison d’être” của tổ chức có danh xưng là Ủy Hội Sông Mekong.

Nhiệm vụ của Guttman cũng sẽ dễ dàng hơn nếu có thêm nhiều tiếng nói của các các nhóm xã hội dân sự. Ngoại trừ Thái Lan, tiếng nói các nhóm xã hội dân sự của 3 quốc gia Mekong còn lại phải nói là rất yếu ớt. Riêng với Việt Nam, tuy phải gánh chịu tất cả hậu quả suy thoái của con Sông Mekong vì là quốc gia cuối nguồn, nếu vận động để có được một triệu chữ ký trong số ngót 20 triệu cư dân Đồng Bằng Sông Cửu Long, thì đó sẽ là “một chấn động trong toàn vùng”. Nhưng đến bao giờ thì những người dân Miền Tây quanh năm cực nhọc, sống dưới mức nghèo khó ấy ấy mới cất lên được tiếng nói và đến bao giờ thì tiếng nói của họ mới được lắng nghe.

Con Sông Mekong sẽ là một sợi dây nối kết các quốc gia chứ không phải là nguyên nhân gây chia rẽ. Năm 2012, sẽ là một năm của ước vọng hàn gắn/ healing process những đổ vỡ, phục hồi niềm tin, tiến tới triển vọng hợp tác trong “Tinh Thần Sông Mekong / Mekong Spirit” như một mẫu số chung để cùng nhau phát triển, cùng nhau hướng tới một tương lai thịnh vượng chung và hòa bình cho toàn vùng.

NGÔ THẾ VINH, MD
California 27/01/2012

Tham Khảo:
  1. Strategic Environmental Assessment of Mainstream Dams, MRC, Vientiane, Lao PDR, 17th Aug 2010 - 31st Dec 2010, http://www.mrcmekong.org/news-and-events/consultations/strategic-environmental-assessment-of-mainstream-dams/

  2. Catch and Culture – Fisheries Research and Development in the Mekong Region; MRC Vol 14, N.3; Dec 2008
    http://ns1.mrcmekong.org/download/programmes/fisheries/Catch_Culture_vol14.3.pdf

  3. Modeling The Cumulative Barrier And Passage Effects Of Mainstream Hydro Power Dams On Migratory Fish Populations In The LMB
    MRC Technical Paper No. 25; Dec 2009
    http://www.mrcmekong.org/assets/Publications/technical/tech-No25-modelling-cumulative-barrier.pdf

  4. The Don Sahong Dam: Potential Impacts on Regional Fish Migrations, Livelihoods and Human Health; Ian G. Baird, PhD – POLIS Project on Ecological Governance, University of Victoria, August, 2009
    http://polisproject.org/PDFs/Baird%202009_Don%20Sahong.pdf
  5. The Mekong, River Under Threat; Milton Osborne, Lowy Institute for Internationa; Policy 2009 http://www.lowyinstitute.org/Publication.asp?pid=1188

  6. Testimony of Aviva Imhof, Campaign Director, International Rivers Before the Senate Committee on “Challenge to Water and Security in Southeast Asia”, Sept 23, 2010 http://foreign.senate.gov/imo/media/doc/Imhof.pdf

  7. Foretelling the Mekong River’s Fate: Key Findings of the MRC’s Strategic Environmental Assessment on Mekong Mainstream Dams; IRN January 21, 2011 http://www.internationalrivers.org/en/node/6129

  8. Mekong Battle Delayed; Tom Fawthrop, The Diplomat, December 31, 2011 http://the-diplomat.com/2011/12/31/mekong-battle-delayed/

  9. MRC Annual Report 2010, MRC 2011 http://www.mrcmekong.org/assets/Publications/governance/Annual-Report-2010.pdf

  10. MRC appoints new Chief Executive Officer; Vientiane, Lao PDR, 14th Nov 2011 http://www.mrcmekong.org/news-and-events/news/mrc-appoints-new-chief-executive-officer/