Mặc Đỗ nhà văn, nhà
báo, dịch giả là một trong những tên tuổi của văn học Miền Nam trước 1975. Sau
1975, sang Mỹ tỵ nạn ở cái tuổi 58 còn tràn đầy sức sáng tạo nhưng anh đã chọn
một cuộc sống quy ẩn, chữ của Mai Thảo. Mặc Đỗ gần như dứt khoát không xuất hiện
hay có tham dự nào trong sinh hoạt cộng đồng văn chương ở hải ngoại -- [biển
ngoài, chữ của Mặc Đỗ], thái độ chọn lựa đó khiến tên tuổi anh hầu như rơi vào
quên lãng.
TIỂU SỬ MẶC
ĐỖ
Tên Đỗ Quang Bình, sinh năm 1917 tại Hà Nội
trong một gia đình Nho học nhưng hấp thụ một nền văn hoá Tây phương. Học Luật
nhưng không hành nghề và chọn viết văn. Tên Mặc Đỗ được thân phụ đặt cho, có
nghĩa là người họ Đỗ trầm lặng. Khởi đầu viết khá sớm các truyện ngắn, kịch và dịch
sách đăng báo. Sau Hiệp định Geneve 1954 di cư vào Nam, cùng với Nghiêm Xuân Hồng,
Vũ Khắc Khoan thành lập nhóm Quan Điểm, xuất bản sách của các thành viên trong
nhóm. Về sinh hoạt báo chí, Mặc Đỗ đã cùng với các nhà văn Vũ Khắc Khoan, Tam
Lang Vũ Đình Chí, nhà thơ Đinh Hùng, Như Phong Lê Văn Tiến, Mặc Thu Lưu Đức
Sinh sáng lập tờ nhật báo Tự Do đầu tiên ở Miền Nam. Sau 1975 Mặc Đỗ tỵ nạn
sang Mỹ.
Tác phẩm:
Bốn Mươi (1956), Siu Cô
Nương (1958), Tân Truyện I (1967), Tân Truyện II (1973), Trưa Trên Đảo San Hô
(2011), Truyện Ngắn (2014), chỉ trừ Tân Truyện II (1973) do Nxb Văn, sách Mặc Đỗ
đều xuất bản với tên Nxb Quan Điểm.
Dịch thuật:
Lão Ngư Ông và Biển Cả /
Ernest Hemingway (Quan Điểm 1956); Con Người Hào Hoa / F.Scott Fitzgerald (Quan
Điểm 1956); Một Giấc Mơ / Vicki Baum (Cảo Thơm 1966); Người Vợ Cô Đơn /
Francois Mauriac (Cảo Thơm 1966); Thời Nhỏ Trong Gia Đình Luvers / Boris
Pasternak (Văn 1967); Tâm Cảnh / André Maurois (Văn 1967); Anh MÔN /
Alain-Fournier (Cảo Thơm 1968); Vùng Đất Hoang Vu / Leo Tolstoi (Đất Sống 1973);
Giờ Thứ 25 / Virgil Georghiu (Đất Sống 1973).
Trong Mộng
Một Đời, rất sớm từ thuở niên thiếu, Đỗ Quang Bình -- chưa có bút hiệu Mặc
Đỗ, đã nuôi mộng trở thành nhà văn, "Để
luyện văn phong, người trai chọn phương pháp đúng nhất là dịch văn ngoại ra Việt
văn. Kỹ thuật viết của những tác giả truyện đã dịch đã giúp khá nhiều cho việc
hoàn thiện những cấu trúc cho truyện dài dự định sẽ viết." Lựa chọn của
Mặc Đỗ có tác dụng "đôi": một
viên đá bắn 2 con chim/ kill two birds
with one stone, anh tạo được một văn phong rất Mặc Đỗ với ảnh hưởng nền văn
học Tây phương, và thành quả tiếp theo là các tác phẩm dịch thuật của Mặc Đỗ từ
hai ngôn ngữ Pháp và Anh sang tiếng Việt rất chuẩn mực và tài hoa, đã như một phần
sự nghiệp thứ hai của anh bên cạnh sự nghiệp sáng tác. Các sách dịch của anh được
liên tục tái bản những năm về sau này.
Hình I_ phải: chân dung Mặc Đỗ, ảnh
Trần Cao Lĩnh,
trái: bìa tiểu thuyết Bốn Mươi của
Mặc Đỗ,
Nxb
Quan Điểm, Sài Gòn 1957 [nguồn: internet]
HƠN NỬA THẾ KỶ
Về tuổi tác Mặc Đỗ hơn tôi hơn một thế hệ. Rất sớm đọc văn anh từ tiểu
thuyết Bốn Mươi (1957), Siu Cô Nương (1959) tới Tân Truyện (1967). [Hình I] Tôi
có mối giao tình với anh từ thập niên 1960, cho đến nay cũng đã hơn nửa thế kỷ.
Cảm tưởng khi mới gặp, anh có phong cách của một nhà văn.
Khi tôi chọn học Y khoa, làm báo
Sinh Viên Tình Thương và bắt đầu viết báo viết văn. Báo Tình Thương Y khoa có gửi
biếu anh. Năm 1962, một bản thảo truyện dài được viết xong, tôi gửi tới hai anh
Mai Xuyên Đỗ Thúc Vịnh Bóng Tre Xanh,
và Mặc Đỗ Bốn Mươi đọc trước. Từ hai
anh tôi đã nhận được những lời phê bình thẳng thắn.
Anh Đỗ Thúc Vịnh chú trọng tới sự
trong sáng và văn phạm của tiếng Việt cùng với vốn sống của người viết, anh rất
quan tâm tới thế hệ Những Người Đang Tới,
cũng là tên một tác phẩm khác của anh sau này. Nhà văn Đỗ Thúc Vịnh thì nay
đã mất [1920-1996], vậy mà cũng đã ngót 20 năm qua rồi.
Anh Mặc Đỗ có quan niệm, với người
trẻ bắt đầu viết văn nên tập viết truyện ngắn trước và kỹ thuật là phần quan trọng.
Tác phẩm đầu tay của tôi không phải là tập truyện ngắn mà là một cuốn tiểu thuyết.
Về chọn lựa bước khởi đầu này, tôi đã không theo được lời khuyên của anh. Mây
Bão xuất bản 1963 với nguyên vẹn nội dung với mẫu bìa của người bạn tấm cám hoạ
sĩ Nghiêu Đề.
Do
gần nửa phần đời sau ở hải ngoại, từ 1975 cuộc sống nhà văn Mặc Đỗ gần như khép
kín, thật khó để vẽ một chân dung toàn diện về anh. Chọn lựa và trích dẫn từ
những bức thư anh gửi cho tôi, bớt đi những phần quá riêng tư có lẽ giúp bạn đọc
biết được nhiều hơn về một nhà văn Mặc Đỗ quy ẩn.
Sang thế kỷ 21 kỷ nguyên của computer, Mai
Thảo thì vẫn cứ ẩn nhẫn viết tay kể cả trên những phong thư hàng tháng gửi báo
Văn tới từng độc giả dài hạn, riêng anh Mặc Đỗ vẫn thuỷ chung với chiếc máy chữ
xách tay thuở nào. Các thư anh gửi cho tôi đều là thư đánh máy. Chỉ một bức thư
hiếm hoi hoàn toàn viết tay của anh mà tôi có được là do một tai nạn, chiếc máy
chữ yêu quý thiết thân của nhà văn Mặc Đỗ bị rơi và hư gẫy [Hình II]. Ít lâu
sau đó, anh được một ông bạn ở Pháp tặng cho một máy đánh chữ khác như món quà
Giáng sinh, từ đó tôi lại nhận được những lá thư đánh máy, chỉ với chữ ký là thủ
bút của anh.
Cher
Vinh,
Tôi lọng cọng đánh rơi cái máy chữ yêu
quý, nhà thương Mỹ thích thay parts hơn là chữa, trong khi chờ một bàn tay Á
đông đành nắn nót viết, tập trung vào mấy ngón tay mệt óc quá, cho nên chỉ có
thể ngắn gọn, trang thư qua printer mất personality.
Cám ơn Vinh đã cho tôi thấy Vinh rõ hơn nữa.
Nhúm lửa trong tôi, có trước ngày tôi nghe lời bạn chôn bản thảo "Đứng ngồi
không yên" dưới ba lớp giấy gói và gác lên nóc tủ, nhúm lửa đó tôi thấy thấp
thoáng đôi chỗ qua những lời đối thoại của Vinh. Sau ngày đó bút của tôi không
tìm thấy AN nữa - chữ AN Phật dạy. Mừng thấy bút Vinh vẫn AN.
Kết luận, thấy Vinh hơi lạc quan. Nhìn
thêm cái "nửa vơi", ngắm con người chúng sinh. Yêu nước cũng là một
thứ tham. Thân, [Mặc Đỗ, Feb 5 1996]
Hình II_ trái: Mặc Đỗ qua nét vẽ Tạ
Tỵ [source: Gió O]
phải: thủ bút Mặc Đỗ, thư riêng gửi
Ngô Thế Vinh, Feb 5,1996
TỪ BỐN
MƯƠI SIU CÔ NƯƠNG TỚI TÂN TRUYỆN
Bốn
Mươi
(1957) là một tiểu thuyết, Mặc Đỗ viết về giai tầng trí thức tiểu tư sản, ở cái
tuổi không còn ngờ vực "tứ thập nhi
bất hoặc"; họ xuất thân từ những gia đình giàu có, đi du học rồi tốt
nghiệp, trở về nước và sống trong sự xa hoa của một xã hội thượng lưu. Họ là những
chính khách salon, theo cái nghĩa rất thời thượng, tự đồng hoá với giai tầng sĩ
phu trước kia, rất xa lạ với đời thường nhưng có ảnh hưởng trên chính trường, họ
tin vào vai trò lãnh đạo của giai cấp trí thức tiểu tư sản trong cuộc chiến Quốc-cộng.
Siu
Cô Nương (1959) là tiểu thuyết thứ hai của Mặc Đỗ, viết về ba người đàn ông
và hai phụ nữ trong bối cảnh một Miền Bắc 1954, sau hiệp định Geneve khi một Việt
Nam sắp chia đôi. Ba người đàn ông ấy cũng thế hệ bốn mươi có lý tưởng, tin vào
vai trò lãnh đạo giai tầng trí thức tiểu tư sản với chủ trương xây dựng một chế
độ dân chủ kiểu Tây phương -- không chấp nhận cộng sản. Và họ giã từ Hà Nội, di
cư vào Miền Nam -- tỵTần, chữ Mặc Đỗ dùng sau này để chỉ những cuộc lánh nạn cộng
sản. Không gian sinh hoạt của các nhân vật trong Siu Cô Nương trải rộng hơn Bốn
Mươi nhưng vẫn là một thứ xã hội trên cao, với mấy mối tình ngang trái, tất
cả chỉ cái cớ cho những tình huống lịch sử mà viễn kiến của nhà văn là cái nhìn
tiên tri. Cũng để nhận ra rằng: cái thème
chính của tác phẩm Bốn Mươi, Siu Cô
Nương là cuộc đấu tranh giai cấp, đưa tới cuộc nội chiến Nam Bắc kéo dài 20
năm sau đó. Với hậu quả là cuộc tỵTần lần hai sau 1975 với hàng triệu người Việt
Nam tung ra khắp thế giới.
Hãy để chính Mặc Đỗ nói về tác phẩm Siu Cô
Nương của mình: "Tôi nhớ trong đoạn
kết Siu Cô Nương một nhân vật trên chuyến xe lửa ra đi ngó xuống những ruộng đồng
hai bên đường với những nông dân đang cặm cụi đã thắc mắc, mai ngày những con
người kia sẽ thành thù địch ư? Thắc mắc này trải dài trong 500 trang truyện tiếp
SCN." [Thư Mặc Đỗ, Sept 28, 1994]
Tân
Truyện I (Quan Điểm1967) và Tân Truyện
II (Văn 1973) là hai tập truyện ngắn
mà Mặc Đỗ gọi là tân truyện / nouvelle. Mỗi truyện như một viên ngọc của một
chuỗi ngọc thể hiện quan niệm dựng truyện ngắn với nhiều vận dụng kỹ thuật của
Mặc Đỗ và ngôn ngữ thì giàu hình ảnh nhưng cô đọng và trau chuốt. Mỗi tân truyện
của Mặc Đỗ đều để lại cho người đọc một ấn tượng rất đặc biệt và khó quên.
Tưởng cũng nên ghi lại đây quan niệm viết
của Mặc Đỗ: "Từ khi bắt đầu viết tôi
đã chọn một đường lối nhất định, không bao giờ đem đời tư của riêng một ai,
quen hay không quen vào truyện. Tất cả đều là những nhân vật được cấu thành do
những chi tiết, hình ảnh, ngôn từ, đã ghi được qua bao nhiêu dịp quan sát, nhận
định; mỗi nhân vật là một hội tụ đúng chỗ của những tài liệu chọn lọc." [Phụ
lục: Truyện Không Thể Viết, Trưa Trên Đảo San Hô. Nxb Quan Điểm 2011]
Một số truyện ngắn trong Tân Truyện I
& II được Mặc Đỗ chọn cho in lại trong hai tập truyện Trưa Trên Đảo San Hô (2011): 13 truyện và tuyển tập Truyện Ngắn (2014); 30 truyện, gồm cả 13
truyện đã in trong tập Trưa Trên Đảo San Hô. Và không có một truyện nào được
ghi thời điểm sáng tác.
NHƯ MỘT
GIÃ TỪ
Nói rằng nhà văn Mặc Đỗ
hoàn toàn không viết gì khi ra hải ngoại thì không đúng. Anh có viết nhưng phải
nói là rất ít. Anh đã góp bài cho ấn bản đầu tiên báo Lửa Việt với truyện Cái Áo
Len Màu Rêu, anh cũng góp bài cho Tạp Chí Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến gồm
các bài nhận định văn học, truyện ngắn trong những số đầu tiên: số 1 (Kế hoạch chống đàn bà, truyện ngắn), số 2
(Làm văn học nghệ thuật trong hoàn cảnh tỵ
nạn), số 4 (Văn Nghệ Việt Nam ở hải
ngoại), số 7 (Con người Nga trong
khuôn đúc cộng sản) VHNT bộ cũ (1978) [http://tapchivanhoc.org]
Trong một thư riêng anh viết: "Một hai năm đầu khi mới đến đây tôi có
viết đôi chút để tiếp tay vài bạn cũ ra báo trong khi còn hiếm bút, sau này
làng ta trở nên phồn thịnh thì tôi yên tâm ngồi im, trừ một số nhỏ dịp phải trả
nợ nhiều số báo được tặng không (Văn, Thời Tập) thì có đóng góp một chút."
[Mặc Đỗ 25/08/1991]
Và một năm sau, trong lá thư đánh dấu 17
năm tỵTần, anh viết: "Từ hôm qua tôi
bắt đầu nhận được báo Xuân, sớm nhất là Văn [của nhà văn Mai Thảo, ghi chú của
người viết]. Vui thấy bạn còn nhớ cho báo đều đặn, đọc báo thì chẳng mấy vui. Rất
hiếm đọc những bài viết cho thấy cái công phu của người trau chuốt nghệ thuật.
Luôn luôn nổi rõ sự vội vàng sản xuất và vội vàng chấp nhận... Sự đời ở biển
ngoài đã biết rồi, thưởng thức hiếm có dịp, thành ra chẳng thấy vui." [Mặc
Đỗ 11/01/1992]
Trong sáng tác, Mặc Đỗ có quan niệm khá
nghiêm khắc, cả với chính anh. Anh luôn luôn nhắc tới kỹ thuật là quan trọng nhất
trong việc viết truyện.
Anh kể lại: "đã mất khá nhiều bạn trẻ đã cho tôi đọc
bản thảo hay sách đã in vì tôi rất thẳng trong ý kiến đưa ra sau khi đọc, tôi
cũng than chuyện đó với một vài anh bạn già (không viết) thì được trả lời ai bảo
đụng tới nhược điểm của người ta! Tôi tiếp tục không nghe lời khuyên đó vì tôi
thấy cần phải sòng phẳng với ai có bụng tin tôi và chính tôi nữa..." [Mặc
Đỗ 5/02/1994].
Khi viết về chính anh: "Riêng phần tôi, sau từng trải và đánh
giá mọi khả năng còn lại, tôi bây giờ rất sáng suốt mà bi quan và tiêu cực.
Thái độ này tôi giữ từ sau khi tự tay đốt cuốn truyện 'Bong Bóng Bay' kết quả của
cả chục năm hì hục." [Mặc Đỗ 01/11/1995] Cuộc "phần thư" lần
này trên đất Mỹ là do chính tay anh, chứ không phải do kẻ bạo Tần của thế kỷ
21.
Rồi ở cái tuổi đã ngoài 90, anh quyết định
cho in tập truyện ngắn Trưa Trên Đảo San
Hô (2011), mà anh gọi là "tác phẩm
cuối đời" với một bìa lưng hoàn toàn trống trải chỉ với mấy câu thơ thật
thanh thoát [Hình III]:
Tự
nhiên thành núi băng
Lục
địa lạnh một ngày tách biệt
Lênh
đênh vào có không
Trưa
Trên Đảo San Hô gồm 13 truyện ngắn, được sắp xếp theo
ngược dòng thời gian: 7 truyện đầu được viết thời tỵ nạn [tị-Tần chữ của Mặc Đỗ: anh ví chế độ Cộng sản Việt Nam với nhà Tần
221-297 BC được coi là triều đại tàn bạo nhất trong cổ sử Trung Hoa], 3
truyện tiếp theo được viết tại Sài Gòn trước 1975; 3 truyện cuối được viết tại
Hà Nội khoảng 1946-52. Mặc Đỗ viết: "Ba
truyện cuối trong toàn bộ cũng là ba truyện đầu tiên tôi viết sau nhiều năm học,
tập, và đến lúc tự xét thấy có thể bắt đầu viết." Chỉ là một tập truyện
ngắn nhưng đã ghi dấu ấn ba chặng đường và cũng là ba không gian sáng tác của Mặc
Đỗ: Hà Nội, Sài Gòn Việt Nam và Hoa Kỳ.
Trong Lời
cuối, anh tâm sự: "Thấy tương
lai rất ngắn trước mặt (cũng như viễn tượng viết truyện ngắn/dài) tôi tự xuất bản
tập truyện này sau một thời gian vắng bóng trong làng văn ở ngoài nước, coi như
một giã từ."
HÌNH III_ trái: ký hoạ chân dung Mặc
Đỗ
phải: bìa Trưa Trên Đảo San Hô (2011)
tác phẩm giã từ của Mặc Đỗ
Nhưng rồi tiếp theo đó, ba năm sau "Đứng ngồi không yên" -- tên một
tác phẩm của anh bị thất lạc, anh lại cho in thêm một tuyển tập Truyện Ngắn (2014), gồm các tân truyện
viết trước và sau 1975; cả hai tác phẩm tác giả tự xuất bản vẫn với tên Tủ Sách
Quan Điểm.
TÁC PHẨM THẤT LẠC
Nhà của gia đình anh Mặc Đỗ ở Sài Gòn, không
phải là ngôi biệt thự sang trọng như bối cảnh sinh hoạt của tiểu thuyết Bốn Mươi, chỉ là một căn phố lầu trên đường
Trần Hưng Đạo nhưng rất ấm cúng bao năm, sau 30 tháng Tư, 1975 tôi có ghé thăm,
trông thật lạnh lẽo, những chiếc ghế nệm bỏ trống, bức tranh lập thể sơn dầu của
Tạ Tỵ rất đẹp cũng không còn treo trên tường nơi phòng khách, sau đó tôi mới được
biết cả gia đình Mặc Đỗ đã âm thầm rời Sài Gòn đêm ngày 29 tháng Tư, chỉ một
ngày trước đó. Dĩ nhiên, cũng như mọi người, anh chẳng mang được gì ngoài một
chiếc túi nhỏ xách tay.
Trong một thư, sau này anh kể rõ hơn về số
phận tập bản thảo "Đứng ngồi không
yên" và sau đó đã thành tro than ra sao.
"Sau
khi hoàn tất cuốn "Đứng ngồi không yên" tôi có đưa cho ba bốn người
mà tôi kính trọng, [anh có kể tên nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh] vì nhiều lẽ đọc.
Tình cờ tất cả chung một nhận định: lắm động chạm đủ thứ! Nhận định đã khiến
tôi suy nghĩ và gói kín trọn vẹn bản thảo và tư liệu trong chiếc hộp, cột dây
và gắn si cẩn thận với mảnh giấy dán bên ngoài: Để dành cho thế hệ sau.
75 tôi đi rồi thì một thằng cháu chạy đến
lục lọi, nó lấy đi cùng với những thứ khác cái hộp tưởng quý lắm. Về nhà nó mở
ra rồi vừa tức vừa sợ nó vứt tất cả trong chiếc thùng sắt đổ dầu đốt cháy sạch.
Bao tâm tư đốt cháy khói khét lẹt! Mãi sau này tôi được kể lại chi tiết đã tức
cười nghĩ, Thế cũng đáng! Đáng đốt!
"Bên trên là nói chuyện với BS NTV,
Biệt Cách Dù. Đây là nói chuyện với nhà
văn NTV... Vào thu rồi, đang chuẩn bị nhận một flushot nữa và nhớ lại lũ trẻ
trung học Pháp thời trước/ sau TCII gọi những ông bà già là những PPH (Passera
Pas cet Hiver/ sẽ không qua khỏi mùa đông này -- ghi
chú của ngườiviết). Chúng tôi thì chắc
chưa!" [Mặc Đỗ, 28/09/1994]
Hình IV_ bìa tuyển tập Truyện Ngắn
(2014)
tác phẩm giã từ 2 của Mặc Đỗ
TÁC PHẨM LỚN
KHÔNG THỂ VIẾT
Sau Lời Cuối trong tập
truyện Trưa Trên Đảo San Hô còn có
thêm một Phụ Lục Truyện Không Thể Viết, Mặc Đỗ tâm sự: "Với một người viết đáng buồn nhất khi thấy cần thành thật với
chính mình và quyết định không thể viết tác phẩm thèm viết... Theo dòng lịch sử
đất nước, tôi không thấy thời cơ nào có thể so sánh với gần tròn một thế kỷ
qua, với ba biến cố đặc biệt nối đuôi nhau, cùng hết sức giàu sinh động trong
muôn vẻ chi tiết. Cảnh khổ ly tán được cụ thể hoá bằng một vụ phân ly giữa hai
miền Nam Bắc. Kinh nghiệm độc lập người Việt ở hai miền cùng thâu góp, chất ngất,
trong nước mắt. Biến cố thứ hai hào hùng thay! Nhưng đã hiện hình chẳng bao lâu
sau, và kéo dài tới nay đã hơn ba mươi năm. [những dòng chữ này có lẽ Mặc Đỗ viết
khoảng 2005, ghi chú của người viết] Hai biến cố đó xô tới biến cố lạ lùng,
ngót hai triệu người Việt Nam thình lình tìm được tới, và bắt đầu mọc rễ trên
những bến bờ lạ. Khơi lên từ cảnh đời một cô gái lai Mỹ, thiên truyện mọc lên
trong đầu tôi khả dĩ ôm trọn ba biến cố vừa kể... Trong nhiều tháng sau tôi mê
mải với đề tài Truyện, ra công sắp xếp cái sườn để gài lên những tình tiết...
Ai sẽ viết? Cái vốn quan sát nhận định, rung cảm, chứa sẵn trong đầu, tôi có thể
dùng cho phần đầu Truyện. Nhưng từ đêm 29 tháng Tư 1975 tôi đâu còn ở trong nước
để quan sát, nhận định, rung cảm nữa... Tôi đã không thể viết... Tôi mong cho
tôi, cũng mong cho đông đảo độc giả Việt Nam vì hiện chưa có một tác phẩm nào
ghi lại liên tục giai đoạn lịch sử độc đáo vừa bi hùng vừa đáng cười ra nước mắt...Kho
tàng đó đang chờ những người Việt Nam dám lãnh vinh dự và trách nhiệm là nhà
văn." [TTĐSH, lược dẫn Phụ Lục tr.219-230]
Đó
là nỗi buồn và cũng là cái giá rất đắt phải trả của một nhà văn lưu đầy. Không
thể viết nhưng Mộng-ngày bao năm trước về một tác phẩm lớn vẫn cứ vất vưởng như
một ám ảnh khôn nguôi đối với nhà văn Mặc Đỗ.
Vào
đời tràn háo hức
Tiếp
theo liền dằng dặc ưu tư
Nhắm
mắt còn ưu tư
TÌM CHỮ AN
TRONG ĐẠO PHẬT
"Ngay
từ thời đọc 'Cạn Dòng' tôi đã buồn thấm thía trước viễn tượng sớm muộn sẽ thành
sự thật và nông nỗi bất khả kháng trong thời thế toàn cầu hiện nay. Vinh và các
bạn đang theo đuổi một cố gắng đúng, rất nhiều người khác tại các nước khác
cũng theo đuổi những cố gắng khác với chung một mục đích cứu vãn đời sống trên
mặt đất, khổ một nỗi loài người bây giờ quá ham tranh chấp đạp lên mọi lẽ phải.
Sinh thời nhà tôi chúng tôi thường nhìn nhau, thu gọn mối sầu mênh mông vào một
vòng nhỏ với cảm nghĩ: Tội nghiệp lũ con, cháu, chắt... sinh sau! Cũng như tôi,
bất cứ độc giả nào đọc 'Nghẽn Mạch' không thể không xúc động trước những sự thật
đã hiển hiện sớm hơn cả viễn tượng lo lắng." [Mặc Đỗ 06/04/2007]
Dưới bức thư đánh máy, anh Mặc Đỗ có thêm
một dòng tái bút viết tay: "Vinh có
nghĩ tới trận chiến lớn sẽ có thể xảy ra và Việt Nam sẽ hứng chịu?" Với
một Biển Đông hiện đang ầm ầm dậy sóng hình như sắp chứng nghiệm cho lời tiên
tri của anh.
Mặc Đỗ luôn luôn nói tới chữ AN [viết hoa]
trong đạo Phật. Cũng vẫn chữ "AN" trong một thư từ Austin, anh viết:
"Cher Vinh, Năm nay Xuân từ Đồng Bằng
Cửu Long không đem 'AN' đến cho tôi. Đọc 'Tìm về' trước Tết, cái arrière-goût
dai dẳng từ trước cho đến sau Tết, không dứt. Tôi còn nhớ
hồi nhỏ ở nhà khi có đám giỗ lớn, họp đông họ hàng, hay có một vài vị lớn tuổi,
không hiểu dòng dõi với tiền nhân như thế nào nhưng đã được nghe truyền lại, kể
thành tích chiến công Nam Tiến với những chi tiết... Mỗi lần Me tôi thường khóc
và nói rằng, oán thù bao giờ rũ cho sạch được! Tết năm nay tôi cứ bị ám ảnh bởi
nhận định bi thương đó... Bây giờ sắp tới thời không còn giấu bụi dưới thảm,
càng buồn hơn. Nén buồn xuống chỉ còn mơ ước: Con người VN hồi tỉnh và biết nắm
tay nhau cùng đối phó, và đối thoại." [Mặc Đỗ,
18/02/2000]
* [Tìm Về
là tên một chương sách Tìm Về Phương Đông,
trong Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy
Sóng, Nxb Văn Nghệ 2000]
Ba nhà văn chủ lực trong nhóm Quan Điểm
mà tôi được biết, phần cuối cuộc đời đều có khuynh hướng tìm về đạo Phật. Tuyết
ngưu Vũ Khắc Khoan của Thành Cát Tư Hãn
nơi xứ vạn hồ miệt mài với Đọc Kinh và nghe Kinh, để rồi "lâng lâng trong mù
sương nơi ngưỡng cửa pháp hội, một mình."
[1917-1986], Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng của Cách
Mạng và Hành Động [1920-2000] sau 1975 tịnh tu, mang nặng suy tư từ những
trang Kinh Lăng Nghiêm, viết sách Phật và giảng
dạy Phật Pháp. Vũ Khắc Khoan và Nghiêm Xuân Hồng thì đã lần lượt
ra đi trong sự thanh thoát và cả lặng lẽ tiếng kinh kệ. Mặc Đỗ thì sống quy ẩn từ
bao năm như một hành giả không ngừng đi tìm một chữ AN trong đạo Phật.
XƯỚNG HOẠ
VÀ KHAI BÚT
"Hôm cuối năm, ông bạn già, anh Đoàn
Thêm [nhóm Bách Khoa, tác giả Những Ngày Tháng Không Quên, ghi chú của người viết]
làm bài thơ 'Than già' gửi cho bạn già đọc. Bài thơ có năm vần rồi-trôi-nòi-thôi-hồi.
Một bạn già khác hoạ lại, rồi lác đác nhiều bạn già khác cũng hoạ. Thấy anh em
vui tôi cũng nhẩy vô, tuy trong đời đây là lần thứ hai tôi thử trò chơi nghĩ rằng
chỉ dành cho các bậc túc nho. Nhảy vô thấy cũng thú giống như thú chơi mots
croisés chẳng hạn... Tôi chép hai bài tặng Vinh đọc chơi làm quà cuối năm. Chơi
trò xướng hoạ mới thấy cái thú vận dụng tiếng Việt, một vần có thể xoay chuyển
qua nhiều nghĩa. Càng thú nữa là xướng hoạ không để đăng báo, thành danh. [Mặc
Đỗ 11/01/1992]
DƯ
SINH
Lời
đẹp nghìn xưa đã dạy rồi
Đời
người lãng đãng bóng mâytrôi
Ý
tham đeo đẳng không đành thoát
Muôn
kiếp sinh sôi vẫn một nòi
Nợ
nước tình nhà và sự nghiệp
Tuyết
sương rồi cũng thế mà thôi
Sống
thừa mới thấy thừa chi lắm
Lão
giả chen nhau kiếm chỗ ngồi
Mặc Đỗ
NĂM
MỚI
Đã
đến thời thôi đếm tuổi rồi
Ngồi
bên bờ cỏ để buông trôi
Cúi
đầu cố học ngu không hết
Nghển
cổ tầm sư lạc mất nòi
Tính
sổ cuộc đời nhiều mực đỏ
Bài
thua úp xuống xoá đi thôi
Cười
xem thời vận mong Bùi Tín
Áo
gấm về quê chẳng mấy hồi
Mặc Đỗ
Phải nói là ngạc nhiên đến thú vị khi thấy một
người theo Tây học như Mặc Đỗ, mới bước vào trường thơ xướng hoạ mà về vần và
niêm luật, nhất là bài thứ hai Dư Sinh
anh đã đạt được tới mức độ gần hoàn chỉnh.
Hình V_ Mặc Đỗ xướng hoạ
và khai bút đầu Xuân
"Sáng mùng một tết
Tây 2003, tỉnh dậy nằm suy ngẫm chợt nhớ tới những người Việt Nam lưu lạc khắp
nơi", anh Mặc Đỗ gửi tặng tôi bài thơ mới làm.
KHAI
BÚT
[Giao
thừa lẻ hai vào lẻ ba]
Những
khớp xương nghe đời phôi pha
Nhưng
như xưa tấm lòng vẫn ấm
Tiễn
đưa chào đón chén trà đậm
Cuộc
tình trời đất dài thăm thẳm
Hai
bàn tay khép mời nguyện ngắm
Theo
nén nhang sợi khói bay cao
Những
mối yêu nguyên vẹn thuở nào
Một
mình bàu bạn không trăng sao
Tư
bề không tiếng sóng dạt dào
Thời
gian ngồi lại không chờ đợi
Buồn
vui không cũ cũng không mới
Mặc Đỗ
CHUẨN BỊ MỘT
CHUYẾN ĐI THANH THẢN
Sau
ngày Chị Mặc Đỗ mất, là một chấn thương lớn đối với anh, cả về tinh thần và sức
khoẻ. Mối quan tâm lớn của anh là chuẩn bị cho riêng mình một chuyến đi thật nhẹ
nhàng và thanh thản. Anh kể: "Tôi có
một ông bạn Pháp 14 năm nuôi vợ ở tình trạng living death."
Năm 2006, anh đã tự tay
viết một di chúc về sức khoẻ / Advance
Medical Directives of Binh DoQuang, anh chia xẻ điều đó với tôi như một
witness/ nhân chứng ở xa, do tình thân và cũng có thể do nghề nghiệp y khoa của
tôi. "Tôi viết directive bằng Pháp
văn cho thật đúng ý nghĩ trước khi dịch ra Anh văn hợp với legalese."
Nhà văn Mặc Đỗ 95 tuổi, hình chụp
tháng 10/2012
[nguồn: hình do anh Trần Huy Bích
cung cấp]
Anh viết về sự hiểu biết của anh đối với
căn bệnh Alzheimer cùng những hậu quả do tiến trình căn bệnh trên người bệnh,
gia đình và xã hội và với tất cả sáng suốt - như "một lão giả" chữ của Mặc Đỗ, anh đã thanh thản viết xuống
giấy sự chọn lựa của anh:
"Si j'amais j'attraperais ce mal Alzheimer,
situation bien établie par mon docteur et d'autres spécialistes consultés, je
demande que toute nourriture solide et liquide soit interrompue, nourriture ou
d'autre substance donnée par quel moyen que ce soit.
J'implore tous les membres de ma famille,
toutes les autorités judiciares, administratives, religieuses, politiques, et
autres, à ne pas s'opposer à ma décision et me laisser périr comme un vieil
arbre paisiblement."
Chọn lựa của anh có thể
là một tấm gương cho nhiều người, biết chấp nhận chu kỳ sinh diệt như lẽ tuần
hoàn của trời đất, nó cũng cứu vãn cho một nền y tế Mỹ đang bị phá sản/ bankrupt chỉ vì vẫn muốn duy trì lâu dài
những cuộc sống thực vật/ vegetative
state hay living death, vẫn chữ của
anh Mặc Đỗ.
Năm 2015, đã chín năm sau ngày anh viết di
chúc sức khoẻ ấy, sáng nay từ nhà thương nơi tôi làm việc, rất vui mới được nói
chuyện điện thoại khá lâu với anh [14/06/2015], vẫn là một nhà văn Mặc Đỗ giọng
nói còn sang sảng và tinh thần thì rất ư là minh mẫn. Phải chăng một phần do gene, phần kia do một cuộc sống kỷ luật
từ thời còn rất trẻ, sáng dậy sớm tập thể dục tắm nước lạnh và sống điều độ suốt
những năm sau đó, có thời ở Sài Gòn anh đã chọn chế độ dinh dưỡng gạo lức muối
mè, có lẽ vậy mà anh dễ dàng sống tới trăm tuổi, vẫn tự sinh hoạt độc lập với
nguyên vẹn phẩm chất của cuộc sống. Một ngày nào đó mong còn xa, sự ra đi của
anh theo quan điểm y khoa sẽ được coi như một cái chết tự nhiên/ natural death, như một cây cổ thụ khô và
tự héo dần - vẫn chữ của nhà văn Mặc Đỗ.
NGÔ THẾ
VINH
Long Beach, 20/ 06/ 2015