Nguyễn
Mạnh Trinh (NMT)_ Nhà Xuất Bản Văn Nghệ vừa cho phát hành một tác phẩm mới của
anh, xin anh cho biết một vài chi tiết về cuốn sách?
Ngô Thế Vinh (NTV)_ Cửu Long Cạn
Dòng Biển Đông Dậy Sóng là tiêu đề của một chương sách được chọn làm tên của
tác phẩm cũng là 2 chủ đề chính của cuốn sách. Sách dày 648 trang với bản đồ và
hình ảnh và là một dữ kiện tiểu thuyết hay tiểu thuyết tư liệu.
NMT_
Theo lời dẫn nhập Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng là một dữ kiện tiểu
thuyết, danh xưng này có vẻ lạ xin anh giải thích.
NTV_ Tiểu thuyết được định nghĩa
như sản phẩm của tưởng tượng nhưng ở chừng mực nào đó vẫn phản ánh thực tại
cuộc sống. Trong dữ kiện tiểu thuyết tuy phần hư cấu chiếm một tỷ lệ thứ yếu
nhưng không thể thiếu để chuyên chở những sự kiện đầy ắp từ cuộc sống mà người
viết muốn đưa vào tác phẩm bằng không thì cuốn sách trở thành 1 tài liệu biên
khảo.
Faction là một từ nghe có vẻ lạ nhưng không hoàn toàn
mới, là một thuật ngữ ngắn gọn và ý
nghĩa cô đọng trong tiếng Anh gồm kết hợp hai chữ fact & fiction. Faction có thể tạm dịch
là dữ kiện tiểu thuyết hay tiểu thuyết tư liệu (1) là một thể loại văn học hay
phim ảnh vận dụng người thật, việc thật mà cứ như là hư cấu; hay nói một cách
khác là dùng người thật, việc thật như thành tố thiết yếu trong việc hình thành
tác phẩm dưới dạng tiểu thuyết; (2) công trình văn học hay điện ảnh trong đó là
một trộn lẫn dữ kiện và hư cấu. Là kỹ thuật viết đã được các tác giả vận dụng
từ bao thập niên rồi. Điển hình như
James A. Michener, tiểu thuyết gia Mỹ đã
thể hiện kỹ thuật viết này qua nhiều tác phẩm đồ sộ như Hawaii, Texas, Alaska, Mexico, Caribbean, ...
đầy ắp những tư liệu về lịch sử địa lý
và nhân văn như kết quả của những nỗ lực bền bỉ tra cứu và khai quật, chỉ có
phần hư cấu là nhân vật dẫn dắt người đọc qua xuyên suốt của tác phẩm! Nếu có
dịp lên Alaska, anh có thể tới thăm một căn nhà nhỏ bình dị như mọi căn nhà
khác nhưng đã trở thành một tụ điểm du lịch vì đó là nơi Michener đã tới để
sống và viết tác phẩm đồ sộ về lịch sử Alaska từ thời hoang sơ tới hiện đại - như một tiểu
thuyết tư liệu...
NMT_ Trong các tác phẩm đã xuất bản như “Vòng Đai Xanh”, “Mặt Trận Ở Sài Gòn” cũng có
rất nhiều dữ kiện lấy ra ở đời sống hiện thực ngoài đời, theo anh có sự khác
biệt nào với tác phẩm “Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng”?
NTV_ Khởi đi từ mối quan tâm: “môi
sinh và phát triển” lưu vực Sông Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long, tôi có ý
định viết một cuốn sách, tôi cũng lại đứng trước lựa chọn như khi viết cuốn
Vòng Đai Xanh liên quan tới vấn đề Người Thượng và Cao nguyên, thay vì là một
tài liệu biên khảo khô khan tôi đã chọn hình thức dữ kiện tiểu thuyết. Tôi cũng
đã dành khá nhiều thời gian và công sức để hoàn thành cuốn sách. Cửu Long Cạn
Dòng Biển Đông Dậy Sóng có khác với những cuốn sách trước là phần tư liệu thì
đầy ắp trong khi hư cấu chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.
NMT_
Nếu tiểu thuyết mà chứa đựng quá nhiều dữ kiện và chi tiết, lại thêm không phải
chỉ là câu chuyện của một dòng sông mà thôi mà còn rất đa diện liên quan tới
nhiều lãnh vực khác nhau, theo anh như vậy có thể làm cuốn sách quá khô khan và
ít hấp dẫn, anh làm thế nào đề tránh vấn nạn này?
NTV_ Sau những giờ làm việc đã thật
mỏi mệt cần tìm đọc một cuốn tiểu thuyết với những tình tiết éo le và hấp dẫn
để giải trí thì Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng không đáp ứng được nhu cầu
của đối tượng độc giả ấy. Ngay từ các bước đầu khởi sự viết cuốn sách tôi đã
không có chủ định hình thành một tác phẩm như vậy.
NMT_ Ô nhiễm môi sinh là đề tài quen thuộc với cả
thế giới chứ không phải riêng với người Việt Nam, lựa chọn đề tài này anh có sợ
sẽ lập lại những điều mà nhiều người đã đề cập đến?
NTV_ Chống ô nhiễm bảo vệ môi
trường là đề tài quen thuộc được nhắc tới càng ngày càng nhiều hơn trong suốt
nửa thế kỷ qua “như những khẩu hiệu” nhưng thực tế hành động thì quá ít và hậu
quả là sự suy thoái toàn hệ sinh thái của hành tinh này phần lớn do chính con
người gây ra chứ không phải do thiên tai. Không bao giờ có vấn đề ô nhiễm môi
sinh cho riêng Việt Nam hay Trung Quốc trong thế kỷ toàn cầu hóa này. Khói thải
từ những nhà máy chạy than cũ kỹ ở Hoa Nam không chỉ đầu độc buồng phổi của
người dân Trung Quốc mà tác hại trên cư dân của toàn vùng Đông Nam Á. Chắc anh
không quên vụ cháy rừng ở đảo quốc Nam Dương nhưng khói và tro than lại đổ
xuống mãi tận các xứ Mã Lai và Singapore... Như vậy ô nhiễm bầu khí quyển, ô
nhiễm nguồn nước là vấn đề của toàn vùng toàn cầu chứ không có ranh giới cho
một một quốc gia riêng lẻ nào. Do đó mà trong [Ngày Nước Thế Giới_ World Water Day 22- 03- 1999] chủ đề đưa ra rất
ý nghĩa là “Mọi Người Đều Sống Ở Dưới
Nguồn / Everybody Lives Downstream”, điều này hoàn toàn đúng đối với con
Sông Mekong vốn là một con sông quốc tế chảy qua 7 quốc gia trong đó có Việt
Nam ở cuối nguồn. Không một quốc gia riêng rẽ nào có khả năng bảo vệ chỉ riêng
khúc sông chảy qua lãnh thổ của mình nếu không có được “Một Tinh Thần Sông
Mekong_ The Mekong Spirit” nghĩa là một tinh thần hợp tác và trách nhiệm cho
phúc lợi chung trong kế hoạch khai thác hài hòa và phát triển bền vững nguồn
nước nguồn tài nguyên của con Sông Mekong như một toàn thể.
NMT_
Có người thắc mắc, trong khi lũ lụt hoành hành như thế này mà bảo Sông Cửu Long
cạn dòng có phải đó là sự nghịch lý không?
NTV_ Có vẻ nghịch lý là do thời
điểm ra mắt cuốn sách. Tôi cũng được nghe kể lại là có vị tu sĩ đang lo việc
cứu trợ chỉ mới nghe tên cuốn sách đã phát biểu: “ Đang lũ lụt ngập trời với
nhà trôi người chết mà nói Sông Cửu Long cạn dòng là thế nào?” Câu hỏi của anh
và sự ngạc nhiên của một số người càng khiến tôi thêm băn khoăn. Lũ lụt và hạn
hán như hai hiện tượng đối nghịch xảy ra theo chu kỳ hàng năm “với mức độ càng
ngày càng trầm trọng hơn” vẫn được người
dân coi như là “thiên tai” nhưng thực chất
là do chính con người tự gây ra. Do những phá hủy hệ sinh thái vốn phức
tạp và cũng hết sức mong manh của con Sông Mekong; bao gồm những tai ương từ
thượng nguồn như: (1) xây các đập thủy điện chặn nước đổi dòng sông Mekong
(đáng kể nhất là chuỗi những con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam), (2) phá hủy tự
sát những khu rừng mưa (vốn có tác dụng giữ nước và điều hòa lưu lượng dòng
sông trong 2 mùa khô lũ), (3) phá những khối đá khai thông lòng sông (để mở
thủy lộ từ Vân Nam xuống tận Nam Lào), (4) các đập thủy điện đưa tới điện khí
hóa, kỹ nghệ hóa và cả đô thị hóa, trút đổ chất phế thải xuống sông. Cộng thêm
với những sai lầm thủy lợi nơi hạ nguồn, như ngay tại Đồng Bằng Sông Cửu Long
với hậu quả nhãn tiền là: lụt sẽ rất lớn ngay mùa mưa (như hiện nay), hạn hán
sẽ gay gắt hơn trong mùa khô, nước sông ngày càng ô nhiễm và thêm nạn ngập mặn
càng ngày càng vào sâu trong đất liền. Bảo rằng lạc quan hay bi quan, cả hai
đều mang hình ảnh những con đà điểu trước nguy cơ chỉ biết rúc đầu xuống cát.
NMT_
Trong tác phẩm có nhiều đoạn ký ghi chép lại những cuộc du khảo hoặc quan sát
thực địa rất hay. Anh đã trải qua bao nhiêu ngày để có những đoạn ký như vậy?
NTV_ Tôi vẫn giữ thói quen hồi làm
báo sinh viên, thường là “mở một hồ sơ” về nơi dự định tới nên biết trước sẽ
tìm kiếm gì ở chuyến đi đó, dĩ nhiên chuyến đi nào thì cũng có những tình cờ
thú vị không hề được biết trước. Như mới đây trong một chuyến về thăm miệt Hậu
Giang Châu Đốc khi tới thăm ngôi làng Đa Phước gặp những “Người Chà Châu Giang”
_ thực sự họ không phải là người Mã Lai như người dân địa phương vẫn nghĩ nhưng
họ là những người Chăm sống sót chạy thoát từ vương quốc Champa tiêu vong, họ
cũng còn là hậu duệ của đội quân Côn Man có công lớn giúp Thoại Ngọc Hầu điều
động đám sưu dân Khmer ngày đêm đào xong
con Kinh Vĩnh Tế dài ngót 100km ra tới
Hà Tiên và sau đó được triều đình Huế
đền công cho lập 7 làng ở Châu Đốc còn tồn tại tới ngày nay. Tôi đã
không tới đó như một du khách, mà là một “field- trip”, một chuyến trở về với
cảnh với người để tìm lại tìm lại khoảng thời gian đã mất... Trao đổi trò
chuyện với người lái đò đưa chúng tôi từ thành phố Châu Đốc sang bên Cồn Tơ
Lụa, chắc hẳn sau đó anh ta đã có cái nhìn khác hơn với những “Người Chà” nơi
ngôi làng Đa Phước ấy.
NMT_
Anh có nghĩ rằng thêm một người đọc là thêm một người hiểu rõ để hưởng ứng tham
gia “Cứu lấy Dòng Sông”và anh có dự trù phương cách để phổ biến tác phẩm này
một cách rộng rãi?
NTV_ Trước khi là một cuốn sách
hoàn chỉnh, đã có một số chương được đăng tải trên các tập san như Đi Tới, Văn
Học, Thế Kỷ 21... tôi cũng đã nhận được một số
feedback từ bạn đọc và bằng hữu. Trong một chuyến đi Hoa Thịnh Đốn hồi
tháng 7 mới đây, tôi được giới thiệu với một người chưa bao giờ quen, anh có
đọc mấy bài viết của tôi về con Sông Mekong đăng trên TK 21, trước đó anh vẫn
tưởng rằng tôi là chuyên viên làm cho World Bank chứ không phải thuộc ngành y.
Nói chung, thì số người đọc các bài viết của tôi không nhiều nhưng họ lại là
những người rất nhậy cảm và cùng chia xẻ
với các vấn đề tôi nêu ra. Tôi rất mong có thêm nhiều độc giả như vậy
nhất là các bạn trẻ đối với cuốn sách vừa hoàn tất. Sự hiểu biết và mối quan tâm
của nhiều người sẽ dẫn tới hành động hưởng ứng “Cứu lấy Dòng Sông”. Anh hỏi có phương cách để phổ biến tác phẩm
này một cách rộng rãi thì theo tôi với các bài điểm sách trên các báo, trên đài
phát thanh, cả các bài trên các trang lưới
Internet cũng như cuộc nói chuyện
với anh đây, tất cả đều có tác dụng đưa cuốn sách tới người đọc. Nếu có thêm
các buổi ra mắt sách cũng là hình thức giới thiệu rất tốt.
NMT_ Tại sao những người trong chánh quyền Cộng
Sản Việt Nam lại coi thường sự nhiễm mặn của Đồng Bằng Sông Cửu Long? Trong Cửu
Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng, anh có vẻ kỳ vọng nhiều đến những người sống
ở hải ngoại trong việc giải quyết vấn nạn này? Anh không hy vọng ở những người
trong nước sao?
NTV_ Tôi không nghĩ là những người lãnh đạo có
trách nhiệm ở trong nước lại không biết đến những tai ương đang xảy ra nơi Đồng
bằng Sông Cửu Long trong đó có nạn ngập mặn càng ngày càng vào sâu trong đất
liền. Chỉ có điều cách nhìn và tầm nhìn của họ xa được tới đâu trong thời kỳ
được mệnh danh là Đổi Mới này. Họ đang vội vã chọn những bước phát triển không bền vững bằng cái
giá môi sinh phải trả di lụy cho các thế hệ về sau này. Đối với họ khi đứng
trước những nhu cầu cấp thiết của cái ăn cái mặc thì bảo vệ môi sinh là chuyện
quá xa vời. “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” câu nói bình dân ấy phản ánh tầm
nhìn của những người lãnh đạo trong nước.
Nói tới bảo vệ môi sinh thì không
có phân biệt người Việt ở hải ngoại hay người Việt ở trong nước. Mỗi người từ
vị trí sinh hoạt của mình, với cảnh giác và ý thức, bằng những con đường và
phương tiện khác nhau nhưng cùng nhìn về một hướng là “bảo vệ môi trường sống”
trong các bước phát triển bền vững và hài hòa. Bảo vệ môi sinh không phải là
một khẩu hiệu vô hồn, một thứ cliché đã mòn cũ mà luôn luôn có một nội dung mới
và tích cực khi bước sang thế kỷ toàn cầu hóa này. Một ví dụ, cây cầu Mỹ Thuận
ngay sau khánh thành 05 - 2000, đã trở thành một tụ điểm du lịch và trong nhiều
ngày là một bãi rác, đó là những đống rác thấy được trên sàn cầu nhưng còn bao
nhiêu đống rác khổng lồ: chất thải kỹ nghệ và tiện dụng gia cư đổ xuống từ Vân
Nam và suốt dọc con Sông Mekong? Bãi rác
cầu Mỹ Thuận chỉ là một ví dụ rất nhỏ của tầm nhìn mắt chim khiến chúng ta phải
có một cái nhìn toàn cảnh với tầm nhìn vệ tinh về môi trường sống đang suy
thoái rất nhanh không chỉ ở Việt Nam mà là toàn lưu vực Sông Mekong.
NMT_
Trong những nhân vật của tác phẩm có mường tượng phảng phất khuôn dáng có thực
ở ngoài đời, có phải đó là chủ tâm của anh?
NTV_ Nếu như các nhân vật trong Cửu Long Cạn Dòng
Biển Đông Dậy Sóng như những nhà hoạt động bảo vệ môi sinh mà lại phảng phất
giống như mẫu người thật ngoài đời thì đó chẳng là dấu hiệu đáng mừng hay sao?
Những nhân vật ấy không hoàn toàn hư cấu, họ là những chuyên viên khoa học kỹ
thuật trong Nhóm Bạn Cửu Long, những thành viên của Diễn Đàn Sông Mekong _
Mekong Forum, các chuyên gia độc lập ở khắp các quốc gia trên thế giới thuộc
mọi lứa tuổi không thiếu người đã bước qua khá xa cái tuổi “thất thập cổ lai
hy” đã từng là chuyên viên cao cấp của các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc
cho dù đã nghỉ hưu_ họ là những người rất sớm và bền bỉ không ngừng quan tâm
tới vấn đề môi sinh, tới hệ sinh thái của con Sông Mekong trong một cái nhìn
địa dư chánh trị_ geopolitics, của toàn vùng với 7 quốc gia dọc theo hai bên bờ
con Sông Mekong ra tới Biển Đông. Họ sẽ
là “chất xám” là bộ tham mưu _ một “think
tank” cho nỗ lực bảo vệ môi sinh và phát triển bền vững của Việt Nam trong
hiện tại và tương lai.
NMT_
Mở ngoặc về nhân vật bí thư huyện ủy Mười Nhe (Ch. XV, tr. 194 - 197) có phải
anh muốn xây dựng một nhân vật phản diện để làm nổi bật những nhân vật ở hải ngoại?
NTV_ Anh có
khuynh hướng đối chọi một Việt Nam bên trong và bên ngoài. Chúng ta cũng không
thiếu những nhân vật phản diện cả ở hải ngoại. Mười Nhe không phải “được xây
dựng như một nhân vật phản diện để làm nổi bật những nhân vật hải ngoại” như
anh nghĩ đâu. Nhưng anh ta là một “nhân vật điển hình” khá phổ biến ở Việt Nam
hiện nay. Mười Nhe không ở trong số những “Ông Tư Bản Đỏ” nghĩa là thoái hóa và
tham nhũng. Mười Nhe là hình ảnh hiếm hoi của những người Cộng Sản chân chính
còn vương sót lại, từng gian khổ hy sinh và cả bị thương hư một mắt trong kháng chiến, nay làm huyện ủy Tam Nông
rất đỗi yêu thương quê hương Đồng Tháp. Môi sinh đối với Mười Nhe là cái môi
trường sống sao cho “dễ thở” đối với bà
con. Cứu cánh ấy đã biện minh cho mọi phương tiện hiện đại được đem ra áp dụng
“đại trà” cho khắp vùng Tam Nông: phá rừng tràm với cả máy cưa, đánh cá không
phải chỉ có lưới mà cả với chất nổ và điện xoẹt, săn chim không chỉ có bẫy mà
còn đủ loại súng với đạn ghém và cả ống nhắm. Chính sách “làm nhanh ăn mau” của
Mười Nhe đã khiến cho cảnh quan Tam Nông thay đổi từng ngày, rừng tràm khuyết
từng mảng, cá tôm bất kể lớn bé bị giết hàng loạt nổi phều, chim thường hay
hiếm quý đều giống nhau bị lùng săn như những con thịt. Nói tóm lại chỉ trong
một “kế hoạch ngũ niên tự phát” Mười Nhe không những đem lại cho bà con một đời
sống dễ thở mà còn rất sung túc và cả hy vọng mau giàu nữa. Mười Nhe đã đạt thành tích kỷ lục về những
con số: dân số tăng khủng khiếp gấp đôi, diện tích rừng tràm chỉ còn một phần
ba, trong tràm chim chỉ riêng loài hạc con số trước đây lên tới cả ngàn nay chỉ
còn khoảng dưới 500 con. Nhưng dưới mắt người nông dân nghèo thì “đồng chí”
Mười Nhe đã có công rất lớn biến vùng đệm ngập nước quanh Tam Nông mau chóng
thành một quận huyện đi lên cảnh trù phú...
Nhưng với cái giá rất mắc phải trả
mà Mười Nhe không thấy: là đã hủy hoại vĩnh viễn cả một vùng đầm lầy và tràm
chim vốn là một kho tàng sinh học phong phú, cái nôi của chu kỳ sinh sản và
tăng trưởng cho rất nhiều giống chim cá, các loài nhuyễn thể và vô số những
sinh vật khác và cũng là trung tâm điều hòa nước cho toàn vùng trong cả hai mùa
khô lũ.
Như anh thấy, Mười Nhe là một điển
hình của cả một chính sách mệnh danh là “Đổi Mới” từ trên cao xuống tới hạ tầng
cốt sao “làm ăn nhanh, thu hoạch nhanh,
và làm giàu nhanh_ ngay cả trong lãnh
vực nghiên cứu khoa học” bất kể hậu quả sẽ ra sao đối với nguồn tài nguyên của
đất nước tương lai.
NMT_ Nguyên do những vấn nạn từ ô nhiễm môi sinh,
đến ma túy ở lưu vực Sông Mekong, đến nhiễm mặn cùng Đồng Bằng Sông Cửu Long,
rồi tranh giành đảo dầu ở Biển Đông là do chánh quyền các nước chỉ để ý tới
quyền lợi cục bộ trước mắt mà quên đi những thảm họa lớn trong tương lai, có
phải?
NTV_ Nguồn tài nguyên của con Sông
Mekong và ngoài Biển Đông không hoàn toàn của riêng một nước nào, ai cũng hiểu
như vậy nhưng với nước lớn Trung Quốc như một siêu cường thay vì hành sử một
cách có trách nhiệm thì lại muốn ôm trọn
hết cho riêng mình. Các nước nhỏ còn lại thì cũng không hơn gì nghĩa là chia
rẽ, tìm những bước phát triển riêng lẻ bằng hình thức cạnh tranh triệt tiêu lẫn
nhau / Zero Sum Competition. Đã không
có một Tinh Thần Sông Mekong, một Tinh Thần Á Châu Thái Bình Dương, mà chỉ có
khủng hoảng lòng tin cậy đưa tới những cuộc chạy đua võ trang bằng những đồng
tiền phúc lợi vốn đã mỏng manh trên đầu mỗi người dân trong vùng. Bước phát
triển đạt được của mỗi nước thì không bền vững, đưa tới cạn kiệt tài nguyên và
ô nhiễm môi sinh, lại đang có cả nguy cơ nổ ra một chiến tranh vùng - một trận
Armageddon Đông Phương.
NMT_
Có người cho rằng nguyên nhân sâu xa là sự hiện hữu của các chánh quyền độc tài
không tôn trọng nhân quyền và sự thay đổi các thể chế thành dân chủ thực sự mới
là cách giải quyết hoàn thiện? Nhưng có lẽ, với tình thế này rất khó để thực hiện?
NTV_ Nhìn vào các quốc gia trong lưu vực Sông
Mekong từ Trung Quốc xuống tới Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam
cho dù mang những tên gọi khác nhau nhưng đó vẫn là những đất nước không có dân
chủ, vẫn là những “xã hội hình tháp_
social pyramid” nói theo ngôn từ của
nhà xã hội học Miến Kyaw Nyein, với đỉnh tháp là thiểu số thống trị và dưới đáy
vẫn là đa số những người dân nghèo khổ bị khai thác và bóc lột. Trong lời kết
cho cuốn sách tôi có viết: [Và hiển nhiên không có giải pháp đơn lẻ cho vấn đề
môi sinh mà phải là bước chuyển hóa cơ bản và đồng bộ của các hệ thống xã hội
từ “Toàn Trị” tiến lên “Dân Chủ”. Có dân chủ là có cơ hội mở mang dân trí và
chính cư dân sống hai bên bờ sông Mekong sẽ có ý thức và tiếng nói bảo vệ dòng
sông như là mạch sống của chính mình] (tr. 606). Cơ hội đồng đều trong đó có
quyền được uống một ngụm nước trong lành, được hít thở một bầu không khí tinh
khiết và có tự do đó chính là “nhân quyền” chỉ có được trong một đất nước dân
chủ.
NMT_
Trung Quốc như một người điếc không thèm nghe các lời kêu gọi của lân bang cũng
như các hội nghị chuyên ngành về dòng sông. Theo anh làm thế nào để buộc họ
phải quan tâm tới quyền lợi của các quốc gia liên hệ?
NTV_ Bước ra từ những tháng năm bị
liệt cường Tây Phương sâu xé với hòa ước Nam Kinh được xem như “nỗi ô nhục quốc gia”, Trung Quốc đang mau
chóng vươn lên như một siêu cường; họ rất sáng suốt và ý thức được những điều
họ đang làm và cần làm đối với nguồn nước của con Sông Mekong, đối với kho dầu
khí chiến lược của khu vực Biển Đông.
NMT_
Các hội nghị về Sông Mekong của các quốc gia liên hệ và của cả Liên Hiệp Quốc
có giúp ích gì trong vấn nạn kể trên?
NTV_ Hàng năm vẫn có những hội nghị như vậy của Ủy
Ban Sông Mekong (Mekong River Committee) trước đây và nay là Ủy Hội Sông Mekong (Mekong River Commission).
Bắc Kinh thì vẫn cứ bưng bít mọi thông tin và ráo riết xây chuỗi những con đập
bậc thềm khổng lồ Vân Nam _ Mekong Cascades, bất chấp hậu quả ra sao đối với
các quốc gia dưới nguồn. Từ 1995, Bắc Kinh đã dứt khoát từ chối gia nhập Ủy Hội
Sông Mekong để tự do hành động mà không phải chịu sự ràng buộc nào và cũng
chẳng hề quan tâm tới nỗi lo âu của các nước láng giềng. Nếu phải lên tiếng thì
Bắc Kinh “chỉ rêu rao những những điều lợi lộc” của các con đập. Thêm bao nhiêu hội nghị đi nữa thì cũng sẽ không đi tới đâu
nếu không có sự hiện diện và tham gia
hợp tác của Trung Quốc, một quốc gia trung tâm với nửa chiều dài con sông
Mekong chảy trong lãnh thổ mình...
Riêng với chính quyền Hà Nội, cũng
là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm im tiếng, ngày 13 tháng 10 năm 2000, để trả
lời cho một bài báo nhan đề “The Mekong
Choke Point” đăng trên tờ Far Eastern Economic Review số tháng 10/12/2000
đề cập tới những con đập trên dòng chính sông Mekong tỉnh Vân Nam gây lo
âu cho các quốc gia dưới nguồn, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam Phan Thúy
Thanh đã kêu gọi Trung Quốc bảo đảm rằng các con đập của họ không gây tổn hại
môi sinh cho con Sông Mekong nơi hạ nguồn và phải duy trì sự bền vững của hệ
sinh thái toàn con sông trong sự bình đẳng quyền lợi đối với mọi quốc gia trong
lưu vực.
Trả lời của Bắc Kinh vẫn là im lặng
và tiếp tục sự bưng bít. Đối với các chuyên gia am hiểu tình hình Châu Á, họ có
nhận định là Trung Quốc chưa hề có một hồ sơ theo dõi tốt / good track record
trong những công cuộc hợp tác đa phương mà điển hình là kế hoạch khai thác con
sông Mekong.
NMT_
Anh có nghĩ tới một ấn bản chuyển ngữ tiếng Anh cho tác phẩm này để phổ biến
đến thế giới hay ít ra tới 7 quốc gia trong lưu vực Sông Mekong?
NTV_ Một ấn bản tiếng Anh, đó là
điều tôi nghĩ tới và rất mong muốn nhưng có lẽ với nội dung cô đọng hơn và rút
ngắn khoảng 300 trang. Thay cho tình trạng bưng bít phân hóa cục bộ giữa các
quốc gia thuộc lưu vực Sông Mekong như
hiện nay, thì thái độ cởi mở trao đổi thông tin trong sự tương kính và
cảm thông sẽ đưa tới hợp tác và sự ganh
đua sáng tạo. Đó chính là bước hình thành một Tinh Thần Sông Mekong hướng về
những phúc lợi chung để cùng nhau khai thác một cách hài hòa tài nguyên phong
phú của con sông Mekong về thủy điện, thủy lợi, ngư nghiệp, giao thông, cả về
du lịch. Đó chính là những viên gạch đặt nền móng cho một nền Văn Hóa Hòa Bình
của nhân loại bước vào thiên niên kỷ mới.
NMT_
Anh có hy vọng nào cho một giải pháp “Cứu lấy dòng sông Cửu Long” cũng như anh
có cần nói gì thêm với độc giả?
NTV_ “Extinction is forever, Endangered means we still have time” - Sea
World San Diego. Gửi tới anh và bạn đọc câu nói ý nghĩa ấy. Báo động dòng sông
Mekong đang lâm nguy có nghĩa là chúng ta còn thời gian để cứu vãn. Nhưng tới
giai đoạn toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã ô nhiễm đã hoàn toàn ngập mặn
thì vĩnh viễn chẳng còn đâu một nền Văn Minh Miệt Vườn và cũng không còn đâu
Vựa Lúa để nuôi sống ngót 100 triệu dân của cả nước.
Nguyễn Mạnh Trinh
11/2000