"Thiên
đường thật là những thiên đường đã mất."
"Les
vrais paradis sont les paradis qu'on a perdus"
Marcel Proust, Le
Temps retrouvé
Hình 1: Hoàng Ngọc Biên và Ngô Thế
Vinh trong garage sách
San Jose 02-05-2008 [photo by Nguyễn
Xuân Hoàng]
TIỂU SỬ HOÀNG NGỌC BIÊN
Hoàng Ngọc Biên, tên thật cũng
là bút hiệu, sinh ngày 18 tháng 1 năm 1938, làng Bích Khê, Phủ Triệu Phong, tỉnh
Quảng Trị. Học sinh trường Thánh Mẫu Teresa Quảng Trị. 1942, theo cha chuyển sở
làm, cả gia đình vô Huế, sống ở Vĩ Dạ mấy năm, sau đó lại theo cha vào Tourane /
Đà Nẵng một năm rồi trở ra Quảng Trị. Năm 1950 "du học" Huế. Năm
1952, trở về Quảng Trị học tiếp trung học.
1953, Biên theo
gia đình vào Sài Gòn, học trường Kiến Thiết và bắt đầu kết thân với người bạn
cùng lớp Nguyễn Đăng Thường, cũng từ đó nảy nở một tình bạn lâu dài cùng với
Mark Frankland, nhà báo Anh cho tới những năm về sau này.
1954, Biên lần đầu tiên được gặp nhà văn Vũ
Khắc Khoan di cư từ Hà Nội vào Sài Gòn, và mới được biết bác Khoan là anh em
con dì với bên mẹ ruột của Biên.
[Kịch
tác gia Vũ Khắc Khoan: sinh ngày 27.02.1917 tại Hà Nội. Di cư vào Nam 1954,
giáo sư các trường Chu Văn An, Văn Khoa, Vạn Hạnh và Quốc Gia Kịch Nghệ Sài
Gòn. Thành viên nhóm Quan Điểm. Chủ trương tạp chí Vấn Đề, tác giả Thần Tháp
Rùa và Thành Cát Tư Hãn... Mất tại Hoa Kỳ năm 1986, ở tuổi 69].
1958, Thi vào Đại Học Sư Phạm Đà Lạt ban
Pháp văn. Thời gian này, Biên quen với nhà biên khảo Tam Ích, lúc đó đang dạy
Pháp văn tại trường trung học Việt Anh. Biên còn nhớ những núi sách báo ở nhà
Tam Ích, ông cũng thường ghé thăm Biên và mượn đọc những số báo Le Figaro Littéraire và Arts et Spectacles mà Biên đặt mua dài hạn
hàng tuần từ Pháp.
[Học
giả Tam Ích Lê Nguyên Tiệp: sinh ngày
11.12. 1917 tại Thanh Hoá, vào Nam từ 1937, giáo sư văn chương và dạy Pháp văn
các trường trung học và Đại học Vạn Hạnh. Tác giả Nghệ Thuật và Nhân Sinh (Nxb
Chân Trời Mới, 1941). Ông tự vẫn năm 1971 bằng cách treo cổ, năm ấy Tam Ích mới
54 tuổi].
Tại Đại
Học Sư Phạm, Biên có cơ hội
kết thân với Giáo sư Etiennette Poirson là người thầy Biên mãi mãi ngưỡng mộ, sau
đó về Sài Gòn bà còn cung cấp cho Biên nhiều tài liệu viết về Proust.
Biên bắt đầu say mê đọc bộ sách À la
Recherche du Temps perdu.
1961, Tốt nghiệp ĐHSP,
về dạy Pháp văn Trung học Tống Phước Hiệp Vĩnh Long, cùng nhiệm sở với Nguyễn
Thu Hồng, cùng khoá ĐHSP ban Pháp văn Sài Gòn và một năm sau cô giáo xuất thân
từ Nhà Trắng Saint-Paul trở thành bạn đời của Hoàng Ngọc Biên cho tới bây giờ.
1964, Thuyên chuyển về Trung học Tây
Ninh, rồi Tân An. Bắt đầu viết "Viết
Giữa Mùa Hè". Tìm gặp và rồi thân thiết với nhà văn Võ Phiến, thường
xuyên lui tới nhà anh chị Võ Phiến trong hẻm Trần Quang Diệu. Người viết gặp và
quen Hoàng Ngọc Biên cũng trong khoảng thời gian này.
Chân dung Hoàng Ngọc Biên qua nét phác
hoạ của Võ Phiến: "Anh Biên thì
khuynh tả, khoái Che Guevara; chính
anh thì râu ria tóc tai dài phủ tới ót. Ảnh mê M. Proust như tôi, nhưng sưu tầm
về Proust đầy đủ chứ không tài tử như tôi; anh giỏi hội hoạ và âm nhạc. Anh chị
Biên và vợ chồng tôi hợp tính tình, thường gần gũi tâm tình. Sau 4.1975 anh
Biên vẫn giữ được râu tóc xum xuê suốt 16 năm. Tháng 10.91 anh rời Sài Gòn đi Mỹ,
các con tôi như thiếu đi người chú ruột. Trong 16 năm qua, mọi việc lớn nhỏ
trong gia đình các con tôi, gặp rắc rối là đều do chú thím Biên giải quyết cho.
Hiện thời anh chị ấy ở Utah, Salt Lake City.
[Tuyển tập Thư Võ Phiến, Los Angeles 4.12.1991]
Hình 2: từ trái: vợ chồng Võ Phiến,
vợ chồng Hoàng Ngọc Biên
[tư liệu Hoàng Ngọc Biên]
1968, Tại Trung
Tâm Học Liệu: Biên kết thân với Cao Thanh Tùng,
Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp, Lê Thị Chí... Diễm
Châu từ Indiana (Mỹ)
về Sài Gòn tìm gặp Hoàng Ngọc Biên, bàn dự án cùng
nhau làm tạp chí
Trình Bầy.
Đi
lính 9 tuần Quang Trung. Xuất bản Tuyển tập Mười
Nhà Văn
Pháp Hiện đại,
Nxb Trình Bầy. Giới thiệu những tên tuổi lẫy lừng của
phong trào tiểu thuyết mới Pháp như Michel Butor, Alain
Robbe-Grillet,
Natalie Sarraute, Claude Simon...
1970, Năm của Tạp chí Trình Bầy
ra mắt số đầu tiên. Biên được Học
bổng USAID về Book Design và Book Production McGraw-Hill
đi Mỹ, sau
được chuyển qua McGraw-Hill FEP
Singapore. Xuất bản Đêm
ngủ ở tỉnh,
tập
truyện ngắn, một thử nghiệm
hình thức tiểu thuyết mới của Hoàng Ngọc
Biên, Nxb Cảo Thơm.
1973, Dạy Pháp
văn 3 niên khoá tại Đại học Bách khoa Sài Gòn.
1975, Làm báo
Tin Sáng sau 1975, là trưởng ban văn hoá xã hội, rồi kiêm
trưởng ban kỹ thuật sau khi Nguyễn Đồng vượt biên, cùng làm
việc với mấy
bạn cũ như Nguyễn Đồng Nguyễn Thị Hợp, Cao Thanh Tùng, Đinh
Cường,
và cả Nguyễn Xuân Hoàng.
1991, Sang
Mỹ
định
cư tháng
10.1991, ghi danh vào Salt Lake Community College cùng với hai con là
Hoàng Tân Nhân và Hoàng Tân Dân, để trước tiên làm quen với máy móc
tin học. Biên bắt đần vẽ tranh
trên computer với kỹ thuật số / digital art.
1993, Vào
làm
việc cho tờ báo Salt Lake City Weekly từ Tháng Bảy
1993
tới 1998 với vai trò Art
Director; 1999 chuyển qua
chuyển qua làm Production Coordinator.
2004, Bắt đầu tham gia diễn đàn tienve.org qua bản dịch Chuyến
đi mùa đông của George Perec (2003) Nguyễn Hưng Quốc đem về từ nhà anh Võ Phiến.
Bất ngờ cũng năm ấy, Biên bị méo một bên
mặt trái và nói khó khăn. Bạn bè không an tâm vì nghĩ Biên bị tai biến mạch máu
não/ stroke nhưng thực ra anh chỉ bị liệt dây thần kinh mặt ngoại biên / dây thần
kinh sọ số VII hay Bell's Palsy. [Charles Bell là nhà cơ thể học đầu tiên mô tả
căn bệnh này.] Biên được chữa trị bằng tây y kết hợp với châm cứu. Điều trị hay
không, trong nhiều trường hợp Bell's Palsy có tiến trình tự hồi phục. Cùng năm, Biên chọn nghỉ hưu ở tuổi 66 và sau
đó vợ chồng Biên dọn về San Jose sống với gia đình người con trai.
2011, Sức khoẻ suy yếu, Biên được bác sĩ chẩn
đoán bị sơ gan / cirrhosis giai đoạn cuối, và được đưa vào danh sách chờ bộ phận
để được thay gan / waiting list for liver
transplant.
2012, Biên được thay ghép gan tại Bệnh viện
Đại học Stanford, Palo Alto 12.9.2012. Bệnh
viện ĐH Stanford cũng là nơi Nguyễn Xuân Hoàng được điều trị bệnh sarcoma. Biên
là trường hợp khá hiếm hoi được thay ghép gan ở ngưỡng tuổi đã quá thất thập cổ
lai hy, năm ấy Biên cũng đã 74 tuổi. Vượt qua được dốc tử sinh, Biên dần dần hồi
phục. Sau này được biết bộ gan mới của Biên là nhận từ một thanh niên Mỹ mới
ngoài 30 tuổi.
Gởi Biên vừa thay gan
về nhà đội chiếc mũ dạ đỏ
Hình 3: từ phải, Hoàng Ngọc Biên - Đinh Cường
San Jose 4. 2012 [tư liệu Đinh Cường]
Waiting list để được
thay gan
rồi cũng đến. mừng
hoàng ngọc biên
đã về nhà. gương mặt có
gầy hơn
nhưng thần sắc an nhiên
nằm gối đầu tên chiếc gối
sọc xanh
chiếc mũ dạ màu đỏ (
thường màu xám sậm )
hàm râu lưa thưa như
che nụ cười đùa
nghỉ đi biên nghỉ cho lại
sức
rồi sẽ kể chuyện cùng
anh em
không gì vui hơn hay
tin bình yên
bạn đã rời bệnh viện về
nhà
tay vẫn đeo vòng tràng
hạt nhỏ
om mani padme hum hrih
quán thế âm như vầng
trăng
với ánh sáng mát dịu dập
tắt
những thiêu đốt của
sinh tử [1]
tôi luôn đọc thì thầm
lời kinh trong đêm
khuya
lời kinh không cầu xin
thấm đẫm tình nhân ái
bạn thay gan xong rồi,
mùa thu này ghi nhớ …
Đinh
Cường
Virginia, 19 Oct,2012
Hoàng Ngọc Biên đọc nhiều và tích luỹ. Sinh
hoạt của Biên rất đa dạng, ngoài dạy
học, Biên viết văn, làm thơ, dịch sách, vẽ tranh, và cả soạn nhạc, điều rất ít
ai biết. Trong Ban biên tập tạp chí Trình Bầy (1961-1975), phụ trách mỹ thuật
cho các sách báo và nhà xuất bản ở Việt Nam (1975-1991) và tuần báo The Salt
Lake City Weekly ở Mỹ (1993-2004).
Trước 1975 đã triển lãm tranh tại
Viện Đại học Đà Lạt, Gœthe Institut, Alliance Française, Hội Họa sĩ Trẻ VN,
Phòng Thông tin & Báo chí Sài Gòn, La Dolce Vita (Hotel Continental), Trung
tâm Văn hóa Vũng Tàu, và đồ họa, Nxb McGraw-Hill, Singapore, 1972.
Hình 4: Triển lãm tranh của Hội Hoạ
sĩ Trẻ Việt Nam, Alliance Francaise
từ trái: Đinh Cường, Mai Chửng, Dương
Nghiễm Mậu, Hoàng Ngọc Biên, Nguyên Khai, Nguyễn Trung, Hồ Thành Đức, Nguyễn Đồng
[tư liệu Hội Hoạ Sĩ Trẻ]
XUẤT BẢN TRƯỚC 1975:
-- Mười Nhà Văn
Pháp Hiện Đại, Trình Bầy, 1969;
-- Đêm Ngủ ở Tỉnh,
tập truyện ngắn, Cảo Thơm, Saigon, 1970; --
Marcel Proust - Con Người Xã Hội, Trình Bầy, 1974;
XUẤT BẢN SAU 1975:
-- Uống Trà Sớm
Mai, thơ, Trình Bầy, USA, 1996.
-- Người Đạp Xe
Vào Thành Phố Buổi Sáng, truyện, Trình Bầy, USA, 1997.
-- Chuyến Xe, truyện, Trình Bầy, USA 1997.
-- Đất và Người và Thần Thoại Việt Nam, thơ, Trình Bầy, USA,
1997.
-- Biển Ngày Đêm, thơ, Trình Bầy, USA, 1999.
-- Quê Hương, Người
Về [hai đoản văn viết theo một tấm tranh dán của Nguyễn Đăng Thường], Trình Bầy,
USA, 2001.
-- Chân Mây Cuối Trời, thơ [in chung với thơ Đỗ Trung
Quân và tranh Nguyễn Quỳnh], Trình Bầy, USA, 2003.
TÁC PHẨM DỊCH:
-- Andrei
Sinyavski: Thơ Pasternak, Con Người và Tác Phẩm Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1988.
-- Tĩnh Vật và Những
bài Thơ Khác, thơ Joseph Brodsky, Thuận Hóa, Huế, 1991;
-- Mối Tình Đầu, truyện
Samuel Beckett, Trình Bầy, USA,1993.
-- Thơ Mới Ba Lan,
tuyển tập thơ mới Ba lan, Trình Bầy, USA, 1993.
-- Marcel Proust, tiểu
luận Samuel Beckett, Trình Bầy, USA, 1995.
-- Thư Hà Nội, của
Jean Tardieu [dịch chung với Nguyễn Thu Hồng], Trình Bầy, USA, 2001.
-- Chuyến Đi Mùa
Đông, truyện Georges Perec, Trình Bầy, USA, 2003.
-- DJINN, truyện Alain Robbe-Grillet, Trình Bầy, USA, 2003.
HOÀNG NGỌC
BIÊN VÀ NHÓM TRÌNH BẦY
Diễm
Châu tên Phạm Văn Rao, sinh ở hải
Phòng, di cư vào Nam 1954. Quen Thế
Nguyên từ trại học sinh di cư Phú Thọ. Diễm Châu tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm ban
Anh Văn, được tu nghiệp ở Mỹ sau đó trở về Sài Gòn, tìm gặp Hoàng Ngọc Biên thuyết phục cùng làm tờ
báo Trình Bầy. Biên đã cùng Diễm Châu, ngồi nhiều
tuần lễ bên một
vách tường café vỉa hè đường Sương Nguyệt Anh Sài Gòn soạn bài Phi lộ với tiêu đề "Con
Đường Đi Tới" cho số báo ra mắt. Trích dẫn:
..."Con đường
đi tới là con đường mưu cầu một nền hoà bình, trong đó mỗi một người Việt Nam, không kỳ thị ý thức hệ, sẽ
có một chỗ đứng xứng đáng với phẩm giá
con người trên quê hương mình."
..."Không thể có hoà bình vô điều kiện. Một nền hoà bình Việt Nam
nhất định sẽ không thể chấp nhận bất cứ một sự hiện diện nào của các lực lượng nước
ngoài và đồng thời cũng không thể chấp nhận bất cứ một cơ cấu, một định chế hay
một thế lực nào trong nước ngăn cản công cuộc giải phóng con người Việt Nam." Hết trích dẫn.
Hình 5: Hoàng Ngọc Biên và Diễm
Châu (1937-2006), là hai bạn đồng hành trí tuệ trong Nhóm Trình Bầy, Thế Nguyên
đứng tên Chủ nhiệm
[tư liệu Hoàng Ngọc Biên]
Trình
Bầy một tờ báo thiên tả, phản chiến giữa giông bão của cuộc chiến tranh quốc cộng,
với Diễm Châu tổng thư ký, Diễm Châu còn một bút hiệu khác là Võ Hồng Ngự. Thế
Nguyên là chủ nhiệm. Tờ báo đã quy tụ được nhiều cây viết thuộc nhiều khuynh hướng
khác nhau thời bấy giờ. Không phải chỉ có ở báo Bách Khoa, Trình Bầy thực sự là
một vùng xôi đậu với tên tuổi những nhà
văn nhà thơ như Nguyên Sa, Diễm Châu, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đăng Thường, Trùng
Dương, Thảo Trường, Nguyễn Mộng Gíac, Du Tử Lê, Mai Trung Tĩnh, Nguyễn Quốc
Thái, Luân Hoán, Trần Hoài Thư, Ngô Thế Vinh... nhiều người xuất thân từ quân đội,
bên cạnh đó là những cây
bút thiên cộng Ngô Kha, Nguỵ Ngữ... hay cộng sản nằm vùng như Nguyễn Nguyên -
Nguyễn Ngọc Lương, giống như trường hợp Vũ Hạnh bên tờ báo Bách Khoa.
Trình Bầy hoạt động liên tục trong 2 năm
1970 - 1972, ra được 42 số báo cho tới
khi bị đình bản. Để rồi, thực tế sau 30 tháng Tư, 1975 là sự vỡ mộng của những
người trí thức thiên tả - theo ngôn ngữ thời thượng thì đó là thành phần thứ
ba, trong số đó có Diễm Châu và Hoàng Ngọc Biên. Bởi vì sau thống nhất, không
phải chỉ có miền Bắc mà nay là cả một đất nước phải sống trong một định chế bóp
nghẹt mọi tự do của con người. Trí thức thiên tả nếu không bị tù đầy thì cũng bị
trù giập bạc đãi và chỉ là những kẻ đứng bên lề. Cuối cùng họ trở thành những kẻ
lưu vong nếu không ở nước ngoài thì cũng ngay trên chính quê hương mình. Diễm
Châu sang Pháp 1983, Hoàng Ngọc Biên đi định cư ở Mỹ 1991. Ra hải ngoại rồi, cả
Hoàng Ngọc Biên, Diễm Châu và Nguyễn Đăng Thường đều cố giữ sức sống cho cơ sở Trình
Bầy. Manchette Trình bầy đối với họ như hình ảnh một giấc mộng lỡ. Và trong sự
thức tỉnh muộn màng, Diễm Châu trở thành rất hữu khuynh cho tới khi anh mất năm
2006.
Hình 6: Những mẫu bìa rất mỹ thuật
của 42 số báo Trình Bầy
đều do Hoàng Ngọc Biên vẽ và thiết
kế [tư liệu Hoàng Ngọc Biên]
Tưởng cũng nên nhắc tới ở đây sự giác ngộ
của cả những khuôn mặt trí
thức
lớn thiên tả Pháp như Jean Paul Sartre đối với cộng sản Việt Nam sau
1975,
khi có xảy ra thảm trạng "boat people" trên Biển Đông; chính J.P.
Sartre
đã trở thành một "activist" vận động hiệu quả cho "Một con tàu
cho
Việt
Nam/ Un bateau pour le Vietnam" đi cứu vớt các thuyền nhân. Kinh
nghiệm
với cộng sản Việt Nam cho đến nay vẫn là một
bài học/ a lesson to
learn
cho thế giới.
VỚI M.
PROUST ĐI TÌM THỜI GIAN ĐÃ MẤT
Từ 1959, Biên đã say mê
trong nhiều năm đọc và dịch Marcel Proust; 12 năm sau Biên cho xuất bản
"Marcel Proust, Con Người Xã Hội", nhân dịp 100 năm sinh của M.
Proust.
M. Proust sinh ngày 10.7.1871, mất ngày
18.11.1922 năm ông 51 tuổi. M. Proust đã để lại một sự nghiệp đồ sộ với tác phẩm
À la Recherche du Temps Perdu / Đi tìm Thời
gian Đã Mất gồm 7 cuốn. Le Temps
Retrouvé / Thời Gian Tìm Thấy Lại là tập cuối khép lại mấy ngàn trang sách.
Proust đã trở thành một tượng đài văn học được ngưỡng mộ, tác phẩm của ông là đối
tượng cho hàng trăm công trình nghiên cứu và luận án từ khi ông chết và cho tới
mãi bây giờ.
Những trang sách của ông thế nào mà vẫn
làm cho các thế hệ say mê. Chắc chắn chẳng phải chỉ là những ký ức về một ngôi
làng, về một gia đình, hay về một thời thơ ấu của cậu bé với nội tâm dồn nén và
cả ẩn ức với khuynh hướng đồng tính. M. Proust đã từng ví mình như Noé trong
Kinh Thánh, vì cơn hồng thuỷ đã bị nhốt trong thuyền suốt bốn mươi ngày đêm. M.
Proust viết: "Bấy giờ tôi mới hiểu
được là không có chỗ nào Noé có thể nhìn cuộc đời rõ ràng bằng từ trong thuyền,
cho dù thuyền đã đóng kín dù đang tối mịt mùng trên trái đất / Jamais Noé ne
put si bien voir le monde que de l'arche malgré qu'elle fut close et qu'il fit
nuit sur la terre." M. Proust, A la Recherche du Temps Perdu.
M. Proust với một thể chất bệnh hoạn, bị giam
hãm mình trong căn phòng kín, chủ yếu viết về ban đêm. Và từ không gian khép
kín ấy, M. Proust đã viết về những cái cái vụn vặt của đời sống đâu đây có phiền
muộn, có hoan lạc có những tiếng động, những mùi vị... tưởng như quá tầm thường
quá quen thuộc nhưng đã được một thiên tài Proust ghi lại như một ký ức của trí tuệ / mémoire intellectuel
bằng thứ ngôn ngữ kỳ diệu đẫm chất thơ và cả nhạc tính.
Trong Thời Gian Tìm Thấy Lại / Le Temps
Retrouvé, M. Proust đã viết: "Những sự vật... ngay khi ta thấy được
chúng, đã trở thành một cái gì vô hình trong ta."
Cao Thanh Tùng, một nhạc
sĩ cello trong bài viết "Quê hương của Nhạc sĩ" đã ví À la Recherche du Temps Perdu như "một tác phẩm giao hưởng lớn trên dòng
chuyển động luân lưu bất tận của thời gian". Thời gian tưởng đã mất,
nhưng rồi qua ký ức trí tuệ của Proust thời gian tìm thấy lại, và đã trở thành
thời gian bất tử.
Hình 7: bìa sách Marcel
Proust, tiểu luận Hoàng Ngọc Biên,
Trình
bầy, USA, 1995 và thủ bút Hoàng Ngọc Biên
Có thể nói chặng đường tiểu
thuyết mới của Hoàng Ngọc Biên thực ra đã chịu ảnh hưởng rất sớm và sâu đậm từ
M. Proust chứ không phải chờ tới thời kỳ "phong trào tiểu thuyết mới"
với Michel Butor, Alain Robbe-Grillet, Samuel Beckett mà Biên được đọc ở những
năm về sau này.
Hình
8: Bìa báo Văn 85 chủ đề "đọc văn Marcel Proust"
do
Hoàng Ngọc Biên phụ trách, mẫu bìa của hoạ sĩ Lê Thị Chí.
Năm 1967 tại Sài Gòn, Hoàng Ngọc
Biên đã giúp Trần Phong Giao thực hiện 2 số báo Văn 85-86 với chủ đề Đọc văn Marcel
Proust. Hoàng Ngọc Biên được coi như ngòi bút chuyên khảo về M. Proust ở miền
Nam lúc bấy giờ.
CON ĐƯỜNG
TIỂU THUYẾT MỚI
Cho tới 1954, tiểu thuyết
Việt Nam hầu như vẫn theo khuôn khổ cổ điển, có cốt truyện với diễn tiến theo
trình tự thời gian. Trong khi đó, ở phương Tây đang có những bước đột phá của
phong trào tiểu thuyết mới/ nouveau roman. Với các tên tuổi như: Alain
Robbe-Grillet, Michel Butor, Claude Simon, Jacque Derrida, Nathalie Sarraute...
Không còn mẫu mực xây dựng tiểu thuyết truyền thống đã có từ mấy thế kỷ trước. Có
thể ví tiểu thuyết mới như một bước phá thể, như từ thơ niêm luật chuyển sang
thơ tự do. Hình thức tiểu thuyết mới đã không còn thứ tự thời gian, người viết
không còn dùng ngôi thứ ba đứng bên ngoài nhân vật. Cùng sự việc được ghi lại
qua nhiều nhãn quan khác nhau và vai trò cốt truyện gần như bị loại bỏ. Michel Butor cũng đã phát biểu: "Tiểu thuyết như một tìm tòi, hình thức
của tiểu thuyết có tầm quan trọng hàng đầu".
Phong
trào tiểu thuyết mới của Pháp tuy rầm rộ nhưng ngắn ngủi và không tạo được những
ảnh hưởng lâu dài, nhưng nó thành công là đã mở ra những khái niệm khoáng đạt
hơn về kỹ thuật xây dựng tiểu thuyết.
Ở
miền Nam Việt Nam, thập niên 1960s, một số tác giả trẻ bén nhậy với văn học đổi
mới ở phương Tây, bắt đầu dấn thân thử nghiệm kỹ thuật tiểu thuyết mới. Trong số
đó phải kể tới Nhóm Đêm Trắng bao gồm
Huỳnh Phan Anh, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Nhật Duật, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Đình
Toàn, Nguyễn Quốc Trụ. Ý kiến khởi đầu lập Nxb Đêm Trắng là từ Huỳnh Phan Anh,
để chỉ xuất bản các sáng tác của nhóm, đa số xuất thân nhà giáo, trừ Nguyễn
Đình Toàn và Nguyễn Quốc Trụ. Không tuyên ngôn, không đường lối, mỗi người sáng
tác độc lập với quan niệm rộng mở hơn về viết tiểu thuyết.
Dương Nghiễm Mậu tuy
không đọc các tác phẩm tiểu thuyết mới của Pháp nhưng DNM được Võ Phiến đánh
giá là thành công nhất trong cách sử dụng các kỹ thuật tiểu thuyết mới. "Trong cuốn truyện dài Con Sâu chẳng hạn,
'tôi' không hẳn là một nhân vật nào, khi là nhân vật này, khi lại là nhân vật nọ;
sự chuyển vị xảy ra thoăn thoắt làm nổi bật sự thay đổi đột ngột những quan điểm
nhìn sự việc khác nhau. Ông Dương lại có cái hay là mặc dầu sử dụng kỹ thuật
Tây phương ông vẫn giữ được cốt cách dân tộc: đọc ông người ta không hề cảm thấy
dấu vết ảnh hưởng ngoại lai, người đọc ở bất cứ trình độ nào cũng thấy thoải
mái, thấy một bầu không khí quen thuộc." [Văn Học Miền Nam Tổng Quan,
tr.260-262]
Nhưng theo Nguyễn-Xuân Hoàng và Nguyễn
Đình Toàn thì chính Hoàng Ngọc Biên mới thực sự là người khởi đầu nghiên cứu về
phong trào Nouveau Roman của Pháp, dịch
một số tác phẩm của Alain Robbe-Grillet, viết về 10 nhà văn Pháp hiện đại và
cũng thể hiện quan niệm tiểu thuyết mới ấy qua tập truyện Đêm Ngủ ở Tỉnh do
Cảo Thơm xuất bản Sài Gòn, 1970. Biên-Butor là một tên ghép bạn bè thân ái đặt
cho Hoàng Ngọc Biên lúc đó, Michel Butor là một kiện tướng của phong trào tiểu
thuyết mới của Pháp thời bấy giờ.
Hình 9: từ trái, bìa sách Mười
Nhà Văn Pháp Hiện Đại, Trình bầy, 1969;
Đêm
Ngủ ở Tỉnh, tập truyện ngắn, Cảo Thơm, Saigon, 1970
Trong các truyện, không có truyện của
Hoàng Ngọc Biên, chỉ có cái nhìn lạnh lùng bên ngoài của sự việc, không có xen
vào những suy tưởng, xúc động của người viết.
Một trích đoạn truyện ngắn Đêm Ngủ ở Tỉnh:
"Anh
cúi đầu bước những bước dài ngắn không đều nhau trên quốc lộ số 4 dẫn vào tỉnh
lỵ. Dưới cơn mưa mùa hè đột ngột đổ mạnh xuống che kín một bầu trời cũng đột ngột
xám đen, thấp trũng, rồi thưa dần, thưa dần - những hạt mưa nhỏ bay theo hướng
ngọn gió chiều từ phía cầu sắt tạt mạnh vào mặt anh, lạnh ngắt - anh cẩn thận
tránh những vũng nước sâu đọng lại sau mấy ngày mưa, những vạch nước dài chảy
thẳng theo những đường cày chồng lên nhau của những chiếc xe hàng ngày vẫn thường
chạy lấn hai bên lề, lăn bánh trên chỗ đất vàng. Anh đi qua một quán nước bên
phải, rồi một quán nước nữa, mái thấp lẻ tè không qua khỏi tầm tay với, anh đi
qua một trại lính bên trái, khung cửa sắt hoen rỉ giờ đây đứng chết lì không
đóng lại được, anh đi qua một khu nhà thờ nằm sâu sau một khoảng đất rộng rợp
bóng lá cây, những lá cây trong năm vẫn khoác một lớp bụi vàng bốc lên từ mặt
quốc lộ - với những chuyến xe hàng, những đoàn xe chuyển binh chạy vụt qua liên
miên từng phút từng giây - giờ đây lấp lánh một màu xanh tươi mát.
Anh đi qua ngôi trường tiểu học xây bên
hông nhà thờ giờ đây vắng bóng ê a tập đọc của lũ trẻ theo giọng lên thánh thót
của các soeurs cất cao sau mỗi nhịp thước gõ trên bàn. Anh đi qua khu đất vừa
được đắp lên hơn một năm nay dùng làm nơi hạ cánh cho những chiếc trực thăng hành
quân, những xe cần trục, những máy móc, những đống đá xanh còn nằm ngổn ngang
la liệt bên những cây sắt dài chồng lên nhau, thẳng hàng, dáng chừng để hoàn
thành một sân bay lớn hơn.
Tỉnh lỵ bắt đầu hiện ra với ngôi chùa im
lìm ẩn kín sau những cây cảnh nhìn thấy giữa hai hàng dậu thưa, hai hàng chữ
nho sơn vàng trên nền đỏ của hai trụ lớn được cơn mưa rửa sạch, rực rỡ hẳn lên.
Anh đi qua những mái lá thấp xuống, ướt át, những mái ngói đỏ chói sau những
cơn mưa lại đỏ chói hơn, nằm lẫn với hai ngôi chúa Cao Đài mới và cũ, với những
hình chạm bay bướm loè loẹt, anh đi qua trạm kiểm soát - nhà ga cũ nhắc lại quá
khứ những chuyến xe lửa ghé qua..."
Qua suốt 40 trang sách Đêm Ngủ ở Tỉnh, vẫn một giọng văn đều đều
như vậy, xuôi chảy theo dòng ý thức với giàu hình ảnh và cả chất thơ. Người đọc
đi theo bước chân nhân vật không có tên, không có địa danh nơi đâu và cũng
không biết nhân vật định đi về đâu. Cảnh tượng được ghi nhận như phản chiếu từ
một tấm gương, cảm xúc nếu có là do tự người đọc chứ không do truyền đạt từ người
viết.
Tuy rất thân thiết và quý trọng tài năng
Hoàng Ngọc Biên nhưng Võ Phiến cũng có lúc băn khoăn tự hỏi, qua một lá thư
riêng gửi Nguyễn Hưng Quốc: "Cái viết của Hoàng Ngọc Biên, có cố gắng
thoát khỏi thời 'tiền lý thuyết' Việt Nam? Liệu anh ấy có tìm ra được hướng lý
thuyết nào không, đường hướng nào mới mẻ không?"... [Santa Ana
5.6.2004]
Chính Hoàng Ngọc Biên, cả ở những năm về
sau này, qua những sáng tác mới anh vẫn cứ bền bỉ và kiên trì đi trên con đường
tiểu thuyết mới mà anh đã chọn. Truyện của Biên kén độc giả, Hoàng Ngọc Biên
không phải là tác giả của đám đông nên tên tuổi của anh cũng ít được biết tới.
ĐỌC THƠ
HOÀNG NGỌC BIÊN
Biên
làm nhiều thơ. Đọc một bài thơ đầu trích từ tập thơ Biển Ngày Đêm, Trình Bầy, USA, 1999, được mở đầu với
câu trích dẫn:
Một
chỗ ngả lưng
một chút nắng
một chút mưa
một chút chiều êm ả
một chút phật
một chút chúa
một chút bão tố trong
đêm
một chút mây
một chút gió
chút địa ngục
ta ghé chơi
một chút thiên đàng
ta ngả lưng nằm xuống
CÕI TẠO
HÌNH HOÀNG NGỌC BIÊN
Hoàng Ngọc Biên chưa bao giờ tự nhận mình
là trong số thành viên sáng lập Hội Hoạ Sĩ Trẻ, nhưng Biên có tranh tham dự triển
lãm chung với
các bạn Hội Hoạ Sĩ Trẻ;
và theo Trịnh Cung thì Biên chính thức có tên trong danh sách hội viên HHST từ
thập niên 1970.
Nếu Nguyên Khai năm 1994, đã mạnh dạn mở rộng tầm nhìn của người nghệ sĩ
vào thế giới kỹ thuật computer hiện đại: anh sáng tạo những bức tranh sơn dầu vẫn
với đường nét tài hoa rất Nguyên Khai nhưng có sử dụng thêm cả những chip điện
tử như chất liệu mới trong không gian hội hoạ của mình.
Thì Hoàng Ngọc Biên từ thập
niên 1990, đã bắt đầu vận dụng kỹ thuật số Digital, để sáng tạo nhiều bức đồ hoạ với đường
nét thuần khiết bình dị nhưng bố cục và màu sắc thì đặc sắc.
Biên được du học Singapore về Book Design và Book Production McGraw-Hill
sau đó là Nhật Bản. Tài hoa của Biên cũng được thể hiện qua những mẫu bìa báo
Trình bầy và các bìa sách rất nghệ thuật theo cái nghĩa cổ điển và cũng rất
Hoàng Ngọc Biên.
Rất sớm từ 1977,
Hoàng Ngọc Biên đã phát biểu về quan niệm hội hoạ hay nghệ thuật nói chung: "Tôi thích nhìn công việc nghệ
thuật tạo hình, trong bất cứ giai đoạn nào, đều là những thể nghiệm, cũng có thể
gọi là những trò chơi thể nghiệm. Chỗ này, nghệ thuật tạo hình xích lại gần những
nghệ thuật khác: nhạc, múa, văn chương, kiến trúc, điêu khắc, kể cả điện ảnh –
và kể cả chuyện dịch thuật: mọi kết quả đều có thể được coi là một đề nghị, hay
ít nữa trong tình trạng đề nghị. Một công trình nghệ thuật được công bố không
bao giờ nên được nhìn như một sự hoàn chỉnh. Thái độ này không làm giảm giá trị
của công việc nghệ thuật, trái lại, nó nâng cao cái nhìn của chúng ta về bản chất
của công việc ấy." Ghi Chép về Công Việc Nghệ Thuật,
Saigon 1977
Hình 10: Catalogue Triển lãm Goethe
Institut của Hội Hoạ Sĩ Trẻ 1969, tranh Hoàng Ngọc Biên, Feux Rouges/ Đèn Đỏ,
màu acrylic, 1972
[nguồn: Nghệ Thuật Tạo Hình VN Hiện
Đại, Huỳnh Hữu Uỷ, VAALA 2008]
Hình 11: Mấy mẫu bìa sách của Hoàng
Ngọc Biên
[tư liệu Hoàng Ngọc Biên]
Hình 12: Digital Arts, Trên, trái: Biển
sâu 2014, phải: Dưới chân núi 2015
Dưới, trái: Trăng lạnh 2006; phải:
Những bàn tay 2001
[tư liệu Hoàng Ngọc Biên]
Với Hoàng Ngọc Biên, một tác phẩm được công bố không bao giờ nên được nhìn như một sự hoàn
chỉnh, suốt đời Biên luôn luôn là một cuộc hành trình đi tìm
cái mới.
CHÂN DUNG
HOÀNG NGỌC BIÊN
Hình 13: Chân dung Hoàng Ngọc Biên
qua nét vẽ Nguyễn Quỳnh, (trái) Đinh Cường (giữa); Đỗ Trung Quân (phải)
Hoàng Ngọc Biên qua nét ký hoạ Nguyễn
Đăng Thường
Hoàng Ngọc Biên qua nét ký hoạ Bùi
Xuân Phái 25-10-1979
[tư liệu Hoàng Ngọc Biên]
phố
phái
tặng bùi xuân phái
những bệt màu lam hồng
góc phố lạnh tanh
sắc xám
căn gác vuông
tro than ngày cũ
nét cọ đen kéo dài ký ức
nỗi buồn này
phố phái
ngàn năm
Hình
14: Sài Gòn 30.4, Digital art 2010
bức
tranh đã khiến Hoàng Ngọc Biên rơi lệ
[tư
liệu Hoàng Ngọc Biên]
Biên còn nhớ từ tuổi nhỏ, nơi thị xã tỉnh
Quảng Trị, đã có một ban hợp ca thiếu nhi 5 giọng, trong đó có hai chị em Hoàng
Ngọc Biên, cùng hai người bạn đồng trang lứa và một người anh bà con Nguyễn Văn
Dziệp - là ca sĩ Duy Khánh sau này. Biên bắt đầu học nhạc và kết anh em với Cao
Cự Phúc tức nhạc sĩ Hoàng Nguyên, lúc đó 20 tuổi mới từ chiến khu về. Biên được
anh Phúc chọn lĩnh xướng, và chỉ có một bài hát mà Biên còn nhớ là "Khúc hát sông Thao" của Đỗ
Nhuận.
1955, Vào Sài Gòn Biên học nhạc với nhạc sĩ Võ Đức Tuyết, em nhạc sĩ Võ
Đức Thu. Ca khúc đầu tay "Hồ
Thu" được Biên sáng tác năm 17 tuổi giữa những chuỗi ngày thơ mộng trong
một chuyến đi Đà Lạt (1955). Biên làm nhạc sớm trước khi viết văn làm thơ; Hồ Thu là một ca khúc thu buồn nhẹ nhàng
với ca từ trong sáng. Biên còn nhớ bản nhạc đã được nữ ca sĩ Tâm Vấn hát trên
đài phát thanh Quốc Gia Sài Gòn.
HỒ THU (1955)
Hoàng
Ngọc Biên
Gió
lên rồi dường như nhắc mùa xưa
Tiếng
thu về nhẹ rơi lá bên hồ
Buồn
hiu hắt về hồ xưa chốn cũ
Hương
xa rồi buồn tiếc chi ngày qua
Nước
gương hồ lặng im cánh buồm mơ
Bước
xưa về lặng nghe sóng bên bờ
Hoàng
hôn xuống lạnh lùng hồ soi bóng
Cố
nhân về lối cũ mong tìm thu
Mùa
hết hương rồi lắng nghe u hoài
Hồ
thu năm nay nhuốm màu tình năm cũ
Hoa
lá phai tàn úa theo mây vàng
Rộn
ràng nghe tiếng thu về tê tái
Gió
thu về dường như nhắc mùa xưa
Lá
thu vàng nhẹ rơi khắp gương hồ
Trời
mây nước này ngàn năm thương nhớ
Hương
thu về bối rối trên đường tơ.
Hoàng Ngọc Biên
1961,
Tổ chức “Récital de Guitare et Chants” trong khuôn
viên ĐH Đà Lạt – trong đó
có Tam ca nữ hát “Hồ Thu” được Biên soạn thêm bè.
Bạn bè thân không ai biết Hoàng Ngọc Biên
có soạn nhạc. Bản "Hồ Thu" ít
được phổ biến, và mới đây được ca sĩ trẻ Ngọc Mai hát. Ngọc Mai cũng sinh tại Quảng Trị, tốt
nghiệp Nhạc viện TP HCM 2010, từng đoạt nhiều giải thưởng; hiện là giảng viên thanh nhạc của Nhạc viện TP HCM.
Tiền Vệ:
NGÔ THẾ
VINH
California,
07.02.2016