Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

NGHIÊM SỸ TUẤN CÁNH ÉN MÙA XUÂN

Y sĩ Trung úy Ngô Thế Vinh 1969

Ngô Thế Vinh, sinh năm 1941, Thanh Hóa, nguyên quán Hà Nội, di cư 1954, trung học Quốc Học Huế, Chu Văn An Sài Gòn. Tốt nghiệp Y Khoa Sài Gòn 1968. Chủ bút báo SVYK Tình Thương. Y sĩ trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, Y Khoa Phục Hồi Letterman General Hospital San Francisco 1972, Trường Quân Y. Tù cải tạo từ 1975 tới 1979, định cư ở Mỹ 1983, tốt nghiệp Nội Khoa các BV Đại học New York. Bác sĩ điều trị và giảng huấn tại Bệnh viện Nam California. Tác phẩm: Vòng Đai Xanh 1971, Mặt Trận ở Sài Gòn 1996, Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng 2000, Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch 2007.   


*

Dẫn nhập – Chiến tranh, không phải là chấp nhận hiểm nguy, không phải là chấp nhận giao tranh. Ở một thời khắc nào đó, với người chiến binh, là sự chấp nhận thuần túy và giản đơn cái chết. La guerre, ce n’est pas l’acceptation du risque, ce n’est pas l’acceptation du combat. C’est à certaines heures, pour le combattant, l’acceptation pure et simple de la mort.A. de Saint-Exupery (Pilote de guerre)

TIỂU SỬ

Nghiêm Sỹ Tuấn, bút hiệu là Yển Thử, [bút hiệu này chỉ được dùng một, hai lần cho mấy bài thơ 28 Sao trên báo Tình Thương], sinh ngày 7 tháng 2 năm 1937 tại Nam Định, Bắc phần trong một gia đình thanh bạch và đông anh em. Cắp sách tới trường muộn màng ở tuổi 14. Hoàn tất học trình Trung học và Đại học trong khoảng thời gian 14 năm. Những năm học Y khoa, Nghiêm Sỹ Tuấn là Thư ký tòa soạn báo Sinh viên Y Khoa Tình Thương từ số ra mắt tới số 13 [khoảng thời gian từ 01-1964 tới 01-1966] tới ngày Anh ra trường, là tác giả nhiều bài viết sâu sắc, mang nặng những suy tư về các vấn đề văn hóa, xã hội và vận mệnh đất nước.


Hình 1: trái, Sinh viên năm thứ ba Y Khoa Nghiêm Sỹ Tuấn, ĐHYK Sài Gòn niên khóa 1961-1962, [tư liệu BS Đinh Xuân Dũng]; phải, Nghiêm Sỹ Tuấn, như một Ông Đồ với khăn đóng áo dài trong mấy ngày Tết cùng với các em, hình chụp năm 1963, Tuấn là anh cả trong một gia đình thanh bạch đông anh em [tư liệu Nghiêm Mậu, em gái Nghiêm Sỹ Tuấn]

Nghiêm Sỹ Tuấn tốt nghiệp bác sĩ Y khoa 1965 ở tuổi 28. Không là quân y hiện dịch, nhưng Nghiêm Sỹ Tuấn tình nguyện gia nhập binh chủng Nhảy Dù, là một y sĩ tiền tuyến có mặt trên nhiều trận địa khắp bốn vùng chiến thuật, hai lần bị chiến thương, nhưng Anh vẫn tình nguyện ở lại đơn vị tác chiến, anh hy sinh trên chiến trường Khe Sanh sau Tết Mậu Thân, khoảng tháng 4 năm 1968, ở tuổi 31 ngay giữa tuổi thanh xuân.

Năm 2010, khi Tập San Y Sĩ Canada thực hiện số báo chủ đề Tình Thương, Một Thời Nhân Bản, mọi người đều cảm nhận được dấu ấn rất rõ nét của Nghiêm Sỹ Tuấn ngay trong tòa soạn và xuyên suốt trên nội dung tờ báo Tình Thương.

Tính đến nay 2019, Nghiêm Sỹ Tuấn mất cũng đã hơn nửa thế kỷ. Sau này mới được biết, sau Nghiêm Sỹ Tuấn, còn có thêm hai người em trai của Anh cũng hy sinh trên những trận địa khác. Chỉ riêng gia đình anh đã cống hiến ba người con trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam, một hy sinh và mất mát thật vô cùng lớn lao. (1)

ĐI TÌM CHÂN DUNG NGHIÊM SỸ TUẤN

Năm Nghiêm Sỹ Tuấn tử trận, cũng là năm lớp Y khoa 68 ra trường. Tính đến nay, qua hơn nửa thế kỷ, trải qua rất nhiều hoàn cảnh và những thử thách khác nhau, với bao nhiêu biến động và thăng trầm của đất nước, có thể nói các bạn của Nghiêm Sỹ Tuấn là những người sống sót, và để rồi chẳng thể ngờ rằng nay vẫn còn có dịp nhìn về một chặng đường quá khứ, tìm lại khoảng thời gian đã mất.
Viết về báo Tình Thương sẽ thiếu sót nếu không viết về Nghiêm Sỹ Tuấn [NST]. NST không những đã ghi dấu ấn trên tờ báo Sinh viên Y khoa Tình Thương năm xưa mà cả ngay trong tòa soạn, trên các bạn đồng môn trong nhóm Tình Thương, và hơn thế nữa theo Đặng Vũ Vương thì NST đã gián tiếp ảnh hưởng đến hướng đi cuộc đời của nhiều người sau này. Trong bài viết cho Tập San Đại Học Quân Y, cũng chính Đặng Vũ Vương đã ví NST như là một “sao chổi” thoáng bay qua vòm trời Tình Thương, tuy ngắn ngủi  nhưng đã để lại dấu tích lâu dài và sâu đậm trên bạn hữu và những ai đã một lần tiếp xúc với Tuấn.

Nghiêm Sỹ Tuấn giỏi chữ Hán, tiếng La Tinh, anh có năng khiếu về ngoại ngữ: tiếng Pháp, tiếng Anh, anh còn học thêm cả tiếng Đức cùng với Trần Xuân Dũng ở Goethe-Institut Saigon. Khi cùng dịch tác phẩm Dưới Mắt Thượng Đế của Hans Killian, Nguyễn Vĩnh Đức chủ yếu dịch từ bản tiếng Pháp Sous le Regard de Dieu của Max Roth, trong khi Nghiêm Sỹ Tuấn còn cẩn trọng tham khảo thêm từ bản gốc tiếng Đức Hinter Uns Steht Nur Der Herrgott.

Cho dù đã vô cùng bận rộn với học trình bảy năm Y khoa, từ phòng thí nghiệm tới giảng đường cho tới các bệnh viện, Nghiêm Sỹ Tuấn vẫn dành thời gian cho các sở thích về nhiều bộ môn nghệ thuật: thơ nhạc họa và ngoài sách Y khoa, anh đọc nhiều sách Triết học.

Nghiêm Sỹ Tuấn có cá tính rõ rệt, một con người tài năng và lý tưởng, Anh không xuất thân từ một danh gia vọng tộc mà gốc gác bình dân như tuyệt đại đa số các gia đình Việt Nam khác, nhưng anh là hình ảnh kẻ sĩ hiếm hoi, được kết tinh từ những phẩm chất làng xã Việt Nam, với truyền thống và nề nếp giúp xã hội Việt Nam đứng vững và tồn tại qua bao ngàn năm thăng trầm của lịch sử. Nghiêm Sỹ Tuấn chính là mẫu người quân tử Đông Phương hiếm hoi thuần Việt còn vương sót lại ở hậu bán thế kỷ 20.

Nghiêm Sỹ Tuấn viết văn khi đang còn là một sinh viên, có thể là sớm hơn. Từ 1963, cùng với các bạn Y khoa làm báo Tình Thương như một diễn đàn cho những ý tưởng nhân bản, hướng tới một xã hội lý tưởng và không mang nặng tính chủ nghĩa” [GS Trần Ngọc Ninh]. Ngay từ các bài viết xuất hiện rất sớm trên tờ báo Tình Thương, Nghiêm Sỹ Tuấn đã quan tâm tới các vấn đề cơ bản của đất nước: giáo dục, xã hội, và thời sự.

Nghiêm Sỹ Tuấn chỉ để lại vài truyện ngắn, mấy bài thơ, một cuốn nhật ký viết dở dang và có thể còn ở đâu đó là những trang bản thảo đã bị thất lạc. Chắc chắn anh còn những hẹn hò khác, nhưng Anh đã vội vã mang đi, chôn sâu dưới mảnh đất của một quê hương Việt Nam tự do mà Anh đã hết lòng yêu mến và đã đem chính sinh mệnh của Anh ra để bảo vệ.


Hình 2: Nhóm SVYK khoá 1965, hình chụp ở bệnh viện năm 1963; hàng ngồi: từ trái, Đỗ Thức Diêu,Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Ngọc Trân, Đinh Xuân Dũng, Lê KhắcMinh,Huỳnh Ngọc Phương; hàng đứng:Trần Tiễn Huyến,Nghiêm Sĩ Tuấn,Huỳnh Trúc Lâm,Trần Bá Cơ,Nguyễn Hoàng Hải,Tôn Thất Chiểu,Nguyễn Tiến Hải, Dương Hữu Thành, Đinh Hà, Lê Hữu Lộc,Nguyễn Anh Tuấn, Ngô Thanh Quế.Trong nhóm này thì ĐT Diêu,NS Tuấn, NV Lâm, NA Tuấn và Ngô Thanh Quế đều đã qua đời. Ghi chú của BS Nguyễn Hoàng Hải. [tư liệu của BS Đặng Vũ Vương]

Giữa thập niên 1960s, khi đang làm báo sinh viên Tình Thương, là những năm đầy biến động của đất nước, ngoài tiền tuyến chiến tranh ngày càng ác liệt lan rộng dâng cao với rất nhiều chết chóc, trong khi hậu phương là một mặt trận khác với những cuộc biểu tình dắt dây, với vòng kẽm gai và lựu đạn cay trải dài trên khắp các đường phố… Nghiêm Sỹ Tuấn đã tỏ ra không đồng ý với mọi xáo trộn nơi hậu phương giữa cuộc chiến tranh, mà theo anh thì chỉ có lợi cho cộng sản và tuy anh không lớn tiếng phản đối nhưng bản thân anh luôn luôn đề cao tính kỷ luật và trật tự.


Hình 3: trái, bìa báo Tình Thương số 2 Xuân Giáp Thìn; phải: truyện ngắn tâm đắc Những người đi tìm Mùa Xuân của Nghiêm Sỹ Tuấn. Anh là Thư ký Toà soạn báo SVYK  Tình Thương từ số ra mắt tới số 13. [tư liệu Ngô Thế Vinh]

Không chỉ với tác phẩm tâm đắc Những người đi tìm Mùa Xuân, nhưng Para Bellum là một tác phẩm quan trọng khác, mang nặng những suy tư về chiến tranh và hòa bình của Nghiêm Sỹ Tuấn. Chính kiến của Nghiêm Sỹ Tuấn rất rõ ràng trong truyện ngắn Para Bellum / Chuẩn bị Chiến tranh:
Anh đã cố gắng thoát khỏi thân riêng, tìm kiếm và tạo dựng cộng hưởng nơi người. Hiển hiện đâu đây, nét dẫn khởi đang muốn trở thành dẫn lực.

Chiến tranh chỉ xấu và tàn bạo trong mắt những người đứng xa chỉ trỏ. Nên người phải ngừng hay tiếp tục nó với những lý do đẹp đẽ. Cha ông chúng ta xưa kia đã nhất định tiếp tục nó, và đã chiến thắng, chắc vì hiểu rằng trật tự và kỷ luật trong sức mạnh con người là một cảnh tự nó đẹp, dễ làm cảm động, dễ làm thán phục.

… Hò hét, đả phá, để làm lại từ đầu? Được lắm, miễn trăm miệng cùng hò, trăm tay cùng phá. Và quan hệ nhất là trăm tay ấy còn cùng phải cất xây. Nhưng ngàn năm và trăm năm tranh đấu có lẽ hơn nhiều, chúng ta thừa hưởng dễ dàng quá, nên chóng mệt mỏi. Đến độ không dám kiến tạo…

… Mầu xám đất màu, đục lờ nước ruộng, áo tơi nón lá cày cuốc dưới mưa phùn mù mịt giá căm, đò đồng xộc xệch tròng trành trên mông mênh ruộng ngập, vốn là những phong cảnh lạt lẽo của quê hương. Bởi vì chúng ta đã sinh ra và sống ở đó.

Bởi có ai mất thời giờ ngồi trong bóng tối ngắm cử chỉ tầm thường mà trang nghiêm của người nông phu gieo mạ, bóng tay vươn đến tận sao trời?

Giữa một thế nước chông chênh, Nghiêm Sỹ Tuấn với ý thức tự do, Anh đã đi tới một chọn lựa: tự nguyện dấn thân vào một cuộc chiến tranh thảm khốc với tinh thần của Hội nghị Diên Hồng từ 700 năm trước:

… Làm gì có xương nào phơi vô nghĩa, càng vô nghĩa bao nhiêu càng ý nghĩa bấy nhiêu. Vả chăng xương nào thay được xương mình. Trái đậu thì hoa tàn. Hạt giống có chết cây mới nẩy mầm xanh, sao nói là vô nghĩa đượcCũng đừng buồn thấy lan nhược nở đỏ rồi rơi êm giữa rừng gai cằn cỗi. Cô đơn, đau khổ, gắng chịu một mình. Có thế mới thấy hết vẻ đẹp thanh tao của giếng êm, trăng rạng.

Nghiêm Sỹ Tuấn không chủ trương hay cổ động chiến tranh vì ý thức hệ, mà Anh chấp nhận nhập cuộc chỉ để phục vụ công lý, chống lại sự dối trá bất công để đạt được ổn định, công bằng xã hội và hạnh phúc cho con người.  

Nghiêm Sỹ Tuấn đã đột ngột ra đi trong sự thương tiếc của mọi người, luyến tiếc cho một cuộc hành trình đầy kỳ vọng và hứa hẹn. Mất Nghiêm Sỹ Tuấn chúng ta mất đi tinh hoa của một thế hệ trí thức mà nhân cách, tư tưởng là biểu hiện cao đẹp của một kẻ sĩ trong thời chiến của những năm 60. Nghiêm Sỹ Tuấn là điển hình tính nhân bản của truyền thống y khoa, của một người y sĩ sẵn sàng dấn thân để phục vụ con người khổ đau trong hoàn cảnh bất thường của đất nước.

Với Nghiêm Sỹ Tuấn, văn chính là người: Anh là một nhân cách lớn do sự nhất quán giữa tác phẩm và cuộc sống qua mọi hoàn cảnh cho tới ngày Anh mất. Thác là thể phách, còn là tinh anh. [Nguyễn Du]

Tuyển Tập Nghiêm Sỹ Tuấn vượt lên trên sự vinh danh một cá nhân, với tâm hồn phóng khoáng và kiến thức cao rộng như Anh, Nghiêm Sỹ Tuấnkhông cần đến điều đó. Nhưng làm sao chuyển tải được thông điệp dấn thân, hy sinh” của Nghiêm Sỹ Tuấn tới các Bạn Trẻ Việt Nam như  những người  tiếp bước Anh “Đi Tìm Mùa Xuân” cho đất nước, đó mới là ước vọng của Nghiêm Sỹ Tuấn.
Đối tượng của cuốn sách này không phải chỉ là một thế hệ sắp qua, mà chính là các thế hệ đang tới: đó là mối ưu tư của Nghiêm Sỹ Tuấn từ hơn nửa thế kỷ trước đối với các vấn đề căn bản của con người, của đất nước mà cho đến nay vẫn còn dở dang và nguyên vẹn. Lớp Người Trẻ, như lực lượng tiên phong sẽ nhận lãnh trách nhiệm bảo vệ các hệ thống giá trị vĩnh hằng, những chuẩn mực về quyền của con người – mà bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, vẫn mãi là một thông điệp sống động khẳng định quyền người dân được sống trong tự do với đầy đủ phẩm giá và nhân cách.


Hình 4: trái, Nghiêm Sỹ Tuấn, người thứ hai trong hàng trước giờ lên máy bay cho một saut nhảy dù [tư liệu BS Vũ Khắc Niệm]; phải, Di ảnh Nghiêm Sỹ Tuấn, Y sĩ  Trung uý Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù, tử trận tại chiến trường Khe Sanh tháng Tư 1968. [tư liệu DS Vũ Văn Tùng]

Nghiêm Sỹ Tuấn một trí thức, một kẻ sĩ dấn thân, một quân nhân gương mẫu, Anh là hình ảnh tuyệt đẹp của phục vụ và hy sinh. Anh chết quá trẻ ở tuổi 31, thời gian của tích lũy và đi tìm vốn sống. Kiến thức và vốn sống đó chưa có thời gian để đơm hoa kết trái, những trang viết của Nghiêm Sỹ Tuấn chỉ mới là những bản nháp, anh chưa có tác phẩm lớn nhưng cuộc sống anh đã là một tác phẩm lớn cống hiến cho đời. Nguyễn Vĩnh Đức, Chủ bút đầu tiên của báo Tình Thương, đã quý mến gọi Nghiêm Sỹ Tuấn là “Người Thư Sinh Muôn Thuở”. Mang vóc dáng của một thư sinh nhưng Anh rất mạnh mẽ.  Anh là một tượng đài đơn độc và cũng là một biểu tượng tuyệt đẹp trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Ai đã từng tiếp xúc biết tới Nghiêm Sỹ Tuấn đều mang lòng ngưỡng mộ và cả hãnh diện có được một người bạn như Anh.  

Cuốn sách này ra đời muộn màng hơn nửa thế kỷ sau ngày Anh Nghiêm Sỹ Tuấn mất, không thuần chỉ là một tưởng niệm, một nén nhang tưởng nhớ người Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn, nhưng còn là một thông điệp với tầm nhìn xa của Nghiêm Sỹ Tuấn để lại cho các thế hệ mai sau, tiếp bước Anh đi Tìm Mùa Xuân cho Dân tộc.
   
NGÔ THẾ VINH
Sài Gòn 1963 – California 2019

Cô Nghiêm Mậu là em gái Nghiêm Sỹ Tuấn, khi gặp lại DS Bùi Khiết bạn thân của NST ở San Diego khoảng năm 1998, đã kể lại, gia đình cô còn có thêm 2 người anh trai trong quân lực VNCH cũng tử trận sau anh Nghiêm Sỹ Tuấn.