Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

Bác Sĩ Nguyễn Đức An
Phỏng vấn Nhà văn Ngô Thế Vinh
VỀ TUYỂN TẬP Y SĨ TIỀN TUYẾN NGHIÊM SỸ TUẤN NGƯỜI ĐI TÌM MÙA XUÂN


Hình 1: Tuyển Tập Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn, Người Đi Tìm Mùa Xuân; Tập San Y Sĩ VN Canada và Việt Ecology Press xuất bản 2019

I- Sơ lược về nhà văn Ngô Thế Vinh: Sinh năm 1941 tại Thanh Hóa, nguyên quán Hà Nội. Tiểu học Hàng Than Hà Nội, Trung học Quốc Học Huế, Chu Văn An Sài Gòn. Tốt nghiệp Y Khoa Sài Gòn 1968, Y sĩ trưởng Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù. Y Khoa Phục Hồi San Francisco 1972. Tù cải tạo 1975-1979. Tới Mỹ 1983. Tốt nghiệp Nội Khoa Hoa Kỳ. Làm báo Sinh viên Tình Thương, viết văn. Tác phẩm: Vòng Đai Xanh (1971), Mặt Trận ở Sài Gòn (1996), Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng (2000), Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (2007). 

II- Phỏng vấn :

NGUYỄN ĐỨC AN / NĐA 1_ Biên khảo là một công việc khó khăn, cần kiến thức, vô tư và làm việc theo phương pháp khoa học. Anh đã "Đi vào hành trình Biên khảo" từ năm, tháng nào?

NGÔ THẾ VINH / NTV 1_  Tôi không phải là một nhà biên khảo theo ý nghĩa kinh điển của từ ngữ này. Tôi làm báo Tình Thương từ thời sinh viên và viết văn. Khi làm báo, và cả sau này viết bài có một chủ đề, ngoài vốn sống, tôi đều trải qua giai đoạn đi tìm tư liệu, rồi đọc và viết. Khi viết, tôi tâm niệm là “có thể viết thiếu nhưng không viết sai” vì đó là mức khả tín của bài viết và người  viết. 

NĐA 2_ Anh có nhiều "Bạn Tấm Cám" trong và ngoài y giới, con số có thể lên tới ngoài 20 vị, mà Nghiêm Sỹ Tuấn là một. Trong tương lai gần hay xa, Anh  có dự tính xây dựng một Tuyển tập khác, cho " Người Bạn Tấm Cám khác ", sau Tuyển Tập Nghiêm Sỹ Tuấn.

NTV 2_  Trước Tuyển Tập Nghiêm Sỹ Tuấn, đã có một Tuyển Tập khác: “Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá” (Nxb Viet Ecology Press 2017), ngoài những văn nghệ sĩ mà tôi quen biết, còn có các chân dung văn hoá lớn như giáo sư Phạm Biểu Tâm, giáo sư Phạm Hoàng Hộ… và mới đây giáo sư Trần Ngọc Ninh, là các bậc thầy của thế hệ chúng ta, không thể coi là  "Bạn Tấm Cám" nhưng với tất cả, người viết đã được sống trong cùng một thời đại, có một không gian chung để cảm thông và chia xẻ…


Hình 2: Tuyển Tập “Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá”, mẫu bìa Hoàng Ngọc Biên, Việt Ecology Press xuất bản 2007

Khi cần làm cataloguing cho Thư viện cũng là khiên cưỡng nếu xếp cuốn “Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá” vào loại biên khảo. Anh Phạm Phú Minh, nguyên chủ bút Nguyệt san Thế Kỷ 21 cũng khá bối rối khi muốn đặt tên cho Tuyển Tập này, anh PPM viết: “Đây là một cuốn sách nghiên cứu nghiêm túc, nhưng cũng là một truyện kể đầy nghệ thuật, thể loại loại này tôi cho là rất mới, giúp bạn đọc nhìn rõ “chân dung” một số nhân vật, với tô đậm nét quyến rũ của những tư liệu quý hiếm mà Ngô Thế Vinh có được.” [hết trích dẫn, PPM / DĐTK].

NĐA 3_ Anh Ngô Thế Hùng, là sinh viên Quân Dược VNCH. Nhưng Anh lại không khứng vô Quân Y, lý do? Vậy chớ tiền đâu Anh vừa học dân y vừa… vui chơi với văn chương, báo chí?

NTV 3_ Tôi có hai người anh và là em út trong gia đình, người anh cả dạy học ở trường Trung học Nguyễn Trãi, Ngô Thế Hùng là anh thứ hai và là sinh viên Quân Dược. Riêng tôi khi vừa xong trung học, đã tự lập sớm, vào sống ở Đại học xá Minh Mạng, vừa đi học vừa đi làm précepteur cho các tư gia, và tôi nhớ lúc ấy còn có thêm cả học bổng Bộ Y Tế tuy không nhiều, nhưng đủ để sinh hoạt. Như Anh biết, nền giáo dục VNCH là hoàn toàn miễn phí, từ khi chọn ngành học, qua được kỳ thi tuyển, cho tới khi anh tốt nghiệp ra trường.    

 NĐA 4_ Tôi không rành về các tổ chức chuyên biệt của Quân Lực VNCH. Anh cho biết,  đơn vị Biệt Cách Dù được huấn luyện, điều hành ra sao? Với tư cách là y sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù từ ngày ra trường, xin Anh giải thích cho độc giả về câu hỏi này.

NTV 4_ Trước hết cần mở một dấu ngoặc để nói về binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt / LLĐB Mỹ: những  Green Berets / lính Mũ Xanh Hoa Kỳ: đó là con đẻ của triều đại TT John F. Kennedy nhằm đương đầu với Cộng sản trong cuộc Chiến tranh lạnh, Chiến tranh du kích không quy ước. Chiến trường thử lửa là ở Việt Nam và sau đó là các nơi khác trên thế giới. *

[ * Theo Y Sĩ  Đại tá Nguyễn Dương, Y sĩ trưởng Sư Đoàn Thiết Giáp Hoa Kỳ từng tham chiến các trận đánh Vùng Vịnh, Bão Sa Mạc 1990-1991, thì các đơn vị LLĐB Mũ Xanh Hoa Kỳ vẫn là mũi nhọn nơi tuyến đầu trên các trận địa ngoại biên trong Vai trò chiến thuật như thám sát, xâm nhập hậu cứ địch phá hoại đường xá cầu cống và các cơ sở hậu cần. Họ còn có Vai trò chiến lược trong trận chiến tranh Vùng Vịnh: làm tê liệt, và cả định vị để  tiêu diệt các giàn hoả tiễn Scud có xuất xứ từ Liên Xô nhắm vào Do Thái, vì nếu không thì cục diện cuộc chiến ở Trung Đông đã hoàn toàn đổi khác, sẽ chỉ còn Mỹ và Do Thái phải đối đầu với một liên minh Ả Rập thống nhất bao gồm cả Ai Cập và các tiểu vương quốc Ả Rập vốn thân Mỹ… ]

Tốt nghiệp Y khoa 1968, cũng là năm Y sĩ Trung uý Nhảy Dù Nghiêm Sỹ Tuấn, người bạn làm báo SVYK Tình Thương hy sinh tại trận địa Khe Sanh, tháng 04,1968; tôi tình nguyện gia nhập binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt, vì trước đó tôi đã có mối quan tâm tới các sắc dân Thượng và Vùng địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Sau Tết Mậu Thân, chiến tranh rất khốc kiệt và chưa bước vào giai đoạn Việt Nam Hoá nên vẫn còn hiện diện của Liên Đoàn 5 Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ / The Fifth U.S. Special Forces Group (5th SFG) đã khởi sự hoạt động ở Việt Nam từ 1961 với tổng hành dinh đóng ở Nha Trang.

Một cách vắn tắt, có thể nói Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, có gốc gác từ Lực Lượng Đặc Biệt. Họ là những người lính Mũ Xanh giống như LLĐB Mỹ. Từ các đơn vị như: Trung Tâm Hành Quân Delta, Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù và từ 1968 được cải tên thành Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù là lực lượng tiếp cứu cho các Toán Thám Sát của Trung Tâm Hành Quân Delta; sau đó hai đơn vị được sát nhập để trở thành Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù.

Nhiệm vụ của Biệt Cách Dù là nhảy toán thám sát, hành quân đột kích vào vùng kiểm soát của đối phương, phá hoại cơ sở hậu cần của địch, thu thập tin tức tình báo và sẵn sàng tham chiến tiếp cứu khi tình hình chiến sự yêu cầu. Biệt Cách Dù được huấn luyện để tác chiến đơn độc, ưu điểm này được thể hiện rất rõ trong cuộc chiến tranh thành phố truy lùng VC trong trận Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968.  

Biệt Cách Dù chủ yếu hoạt động nội địa trên 4 vùng chiến thuật [khác với các toán Biệt Kích Lôi Hổ hoạt động ngoại biên]. Khoảng 1971 cũng có lần, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù từ Tây Ninh vượt biên giới hành quân sang thị trấn Kraek thuộc tỉnh Kampong Cham, truy lùng quân CS Bắc Việt xâm nhập theo Đường Mòn Hồ Chí Minh trên khúc đoạn chạy qua xứ Chùa Tháp. Lúc đó đã có lệnh từ MACV / Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ ở VN là không một cố vấn Mỹ nào được tháp tùng trong cuộc hành quân ngoại biên này. Rõ ràng là vào cuối giai đoạn Việt Nam Hoá, đồng minh Mỹ đã  thực sự muốn rửa tay gác kiếm. Quân lực VNCH, trong đó có Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù đang bước vào một giai đoạn chiến đấu đơn độc về mọi phương diện, kể cả súng đạn, tiếp vận và hậu cần; trong khi Cộng quân thì  vẫn có nguồn viện trợ vô hạn từ Trung Quốc và Liên Xô. Tôi còn nhớ, ở thời điểm đó áp lực các trận địa pháo của Cộng quân ở thị trấn Kraek đã khá  nặng nề.

NĐA 5_ Anh ở đơn vị Biệt Cách Dù mấy năm? Sau 1975, Anh đi tù Cải tạo ở đâu, và bao lâu?

NTV 5_ Ra trình diện Bộ Tư Lệnh LLĐB ở Nha Trang, thực tâm tôi chưa muốn về ngay đơn vị khi chưa có bằng nhảy dù. Tôi không muốn những người lính dũng cảm ấy gọi tôi  là ông “bác sĩ  chân đơ / straight leg” – tiếng lóng để gọi người chưa có bằng nhảy dù / non-airborne personel, phân biệt với người lính dù biết “gập gối / bend leg” khi đáp xuống bãi.

Như ý nguyện, rất sớm tôi được gửi tới Trung Tâm Huấn Luyện LLĐB Động Ba Thìn gần Cam Ranh, để cùng một lúc để hoàn tất các khoá huấn luyện: về Chiến tranh không Quy ước, về Mưu sinh và Thoát hiểm và lấy bằng Dù, lúc đó còn có cả lính Mỹ cùng học khoá Nhảy Dù.

Kỷ niệm đáng nhớ là ngày nhảy Saut cuối tốt nghiệp, là thủ khoa của khoá tôi được vị Tướng Tư lệnh LLĐB lúc đó là Chuẩn Tướng Lam Sơn đích thân gắn bằng Dù tại bãi đáp và được đại diện khóa đọc một diễn văn ngắn. Các bài diễn từ của cấp chỉ huy trước đó, đều gọi vị tư lệnh của mình là Thiếu Tướng [theo cách lịch duyệt của người Pháp], riêng tôi – do chưa quen với thứ văn hoá này, nên tôi vẫn “Thưa Chuẩn Tướng” cho đúng với cấp bậc của ông và chỉ một chi tiết rất nhỏ ấy cũng đã mang chút phiền hà cho tôi với ông Tướng về sau này.

Với hơn 2 năm cùng đơn vị, hoạt động chủ yếu trên địa bàn Tây nguyên, với các sắc dân Thượng, tôi có niềm vui hoàn tất được cuốn tiểu thuyết Vòng Đai Xanh đã được thai nghén từ thời làm báo Sinh viên Tình Thương, khi ấy từ 1965-1966 tôi đã được toà báo gửi lên Cao nguyên để theo dõi các biến động nổi loạn của các sắc dân Thượng xuất phát từ các trại LLĐB Mỹ với phong trào FULRO / Front Unifié de Lutte des Races Opprimées và sau đó là thực hiện số báo Tình Thương 25, Xuân Bính Ngọ 1966 với chủ đề: “Vấn đề chủ quyền Việt Nam và những sự thật về FULRO”


Hình 3: Tình Thương 25, số Xuân Bính Ngọ 1966 với chủ đề: “Vấn đề chủ quyền Việt Nam và những sự thật về FULRO


Hình 4: trái, Vòng Đai Xanh do Nxb Thái Độ của Thế Uyên xuất bản lần đầu tiên ở Sài Gòn năm 1971 mẫu bìa Nghiêu Đề; một ấn bản VĐX còn lưu trữ tại Thư viện Đại học Cornell; phải, Vòng Đai Xanh do Văn Học Press của Trịnh Y Thư tái bản lần thứ ba 2018 ở Hoa Kỳ, vẫn với mẫu bìa gốc của Người bạn Tấm Cám Nghiêu Đề. 

Từ thập niên 70s, khi cuộc chiến tranh bắt đầu bước vào giai đoạn Việt Nam Hoá, MACV chấm dứt hoạt động, các đơn vị Mỹ lần lượt rút về nước và Lực Lượng Đặc Biệt VN cũng bị giải tán, nhưng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù vẫn phát triển và mở rộng để trở thành một trong 4 lực lượng tổng trừ bị của Quân lực VNCH (ba lực lượng kia là Nhảy Dù / Mũ Đỏ, Thuỷ Quân Lục Chiến / Mũ Xanh, Biệt Động Quân / Mũ Nâu), trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu.

Tới giữa 1972, tôi rời Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù khi được Cục Quân Y cử đi du học về chuyên khoa Y học Phục Hồi tại Letterman General Hospital San Francisco. Lúc đó các phong trào phản chiến ở Mỹ đã lên rất cao và cũng là thời điểm người Mỹ chuẩn bị cuốn cờ rút chân ra khỏi Việt Nam. Kỷ niệm buồn mà tôi nhớ mãi là khi ở Mỹ, Richard Nixon lúc đó đang còn là Tổng Thống, các phong trào teach-in, sit-in (1)  của giới trí thức, giáo sư sinh viên trong các Đại học Mỹ càng ngày càng lan rộng. Một ngày cuối tuần khi tôi  có dự định từ San Francisco xuống thăm Đại học Berkeley, tôi được vị Chief Department PM & R / Physical Medicine & Rehabilitation, cấp bậc Đại tá lưu ý dặn dò: xuống đó anh đừng mặc quân phục vì có thể bị đám sinh viên phản chiến hành hung và cả đốt xe. Thêm hình ảnh đau lòng nữa, khi phải chứng kiến đám sinh viên du học con ông cháu cha từ miền Nam, kể cả đám được học bổng USAID lên sân khấu với đồng phục bà ba đen, hát bài “Quảng Bình Quê Ta ơi” và quyên tiền cho Mặt Trận Giải Phóng… Để thấy rằng rất sớm, trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, nước Mỹ đã thật sự thất trận ngay trên chính đất nước mình. Một số người Mỹ thức thời nói với tôi rằng: “Viễn tượng mất Miền Nam có thể đếm từng ngày, và tại sao anh lại chọn trở về?”
Học xong về nước, tôi được bổ nhiệm về trường Quân Y.  Sau 30 tháng 4, 1975 như mọi cấp quân cán chính còn ở lại, tôi đi tù cải tạo hơn 3 năm, chuyển qua các trại Suối Máu Biên Hoà, Trảng Lớn Tây Ninh, rồi Phước Long và Bù Gia Mập là trại cải tạo cuối cùng   trước khi ra tù.

Tới Mỹ cuối 1983, trở lại với đèn sách và đó là những năm cải tạo tự nguyện – nói theo ngôn từ của bạn đồng môn Vũ Văn Dzi – giam mình trong các bệnh viện ở New York, tuy gian khổ nhưng hạnh phúc để trở lại nghiệp cũ ở cái tuổi gần “Ngũ Thập Nhi Tri Thiên Mệnh”. Ngoảnh nhìn lại, vậy mà cũng đã 36 năm sống rất xa một nơi được gọi là quê nhà.   

NĐA 6- Theo Anh, thì xuất bản Tuyển tập Nghiêm sỹ Tuấn nếu có lợi nhuận, sẽ hỗ trợ Tập San Y sĩ Canada. Vậy chớ : tiền đâu in ấn, phát hành, khi tiền hoa hồng các nhà sách đã lên tới 50 – 55 %

NTV 6_ Anh Nguyễn Đức An cũng đã từng viết và xuất bản sách ở hải ngoại. Điều nói ra đây, chỉ như một chia xẻ thêm với bạn đọc. Có một thực tế là: người cầm bút rất khó có thể sống toàn thời gian với sinh hoạt viết lách của mình. Nhắc lại một chuyện cũ, cho dù đã học đến năm thứ 4 Y khoa, tôi còn có ý định bỏ học để theo đuổi sinh hoạt báo chí mà tôi đang rất say mê. Bây giờ nhớ lại, tôi không thể không cám ơn anh tôi Ngô Thế Hùng đã khuyên tôi nên hoàn tất 2 năm còn lại để ra trường và lúc đó không có ai cản trở tôi làm những công việc mà tôi thích. Và rồi tôi cũng học xong y khoa, làm đầy đủ bổn phận người thầy thuốc, đồng thời vẫn có cơ hội và cả phương tiện để theo đuổi công việc viết lách. 

Sang Mỹ, trở lại hành nghề y khoa đã giúp tôi phương tiện sống với sở thích: thực hiện được các chuyến đi điền dã, khảo sát thực địa qua các quốc gia Sông Mekong, viết về môi sinh và cả xuất bản sách. Sách cho dù bán được và cả tái bản, ngoài niềm vui trí tuệ trong thực tế sách không đem lại cho người viết nguồn lợi nhuận đáng kể nào.

Và một ví dụ gần đây nhất: TT NST được thai nghén và hình thành với công sức của nhiều người trong hơn một năm, chỉ kể với anh vài chi tiêu cụ thể: tiền đánh máy các tư liệu 500 $ US, tiền layout bằng kỹ thuật inDesign 2 $ US cho mỗi trang, sách dày 448 trang 896 $ US… chưa kể những chi tiêu không tên khác: sách biếu và bưu phí gửi cho các cơ quan báo chí truyền thông. Tiền gửi một TT NST đi Pháp là 36.75 $ US  đắt hơn giá sách! Anh An hỏi tiền ở đâu ư, và chính Anh đã có ngay câu trả lời…

Theo tôi thì lợi nhuận bán sách TT NST để hỗ trợ cho TSYS Canada, có lẽ sẽ rất tượng trưng, trừ khi việc phát hành từ TSYS là đáng kể. Nếu TSYS phát hành  được 100 TT NST, giá mua sách và shipping từ nhà in Mỹ Ingram là 1030 $ US, nếu bán hết theo giá sách 29 $ US x 100 = 2,900 $ US, lợi nhuận cho TSYS từ 100 cuốn sách sẽ là: 1,870 $ US. Phát hành được 100 TT NST bên xứ Lá Phong có lẽ là một con số quá lạc quan.

Số sách hiện đã gửi qua Canada là 40 cuốn, Anh Chủ bút TSYS Thân Trọng An cho biết, sách bán được khoảng 30 cuốn, nhưng theo tôi và các đồng tác giả cuốn sách, thì việc phổ biến rộng rãi và truyền đạt Thông điệp Mùa Xuân của Nghiêm Sỹ Tuấn tới các thế hệ tương lai, nhất là với trong nước, điều ấy mới thực sự là quan trọng.

Thêm một nhận xét bên lề về “văn hoá đọc” bước sang đầu Thế kỷ 21 – chỉ riêng sách báo tiếng Việt, việc đọc nay đa phần chuyển qua đọc “free” trên internet nên không còn nhu cầu mua sách báo in như trước nữa. Bảo rằng các hiệu sách phải đóng cửa vì độc giả có thể mua sách trên mạng, điều ấy không sai nhưng số sách phát hành được trên “mạng” cũng sút giảm. Một ví dụ: TT NST sau hai tháng phát hành trên Amazon Global: ở Pháp bán được 5 cuốn, Úc châu 3 cuốn, Mỹ 22 cuốn, tổng cộng 30 cuốn sách trên  mạng lưới Amazon-Toàn cầu là một con số không đáng kể. Nếu nhìn xa rộng hơn, thì ngay cả kỹ nghệ in ấn sách báo tiếng Anh cũng đang co cụm lại, như cả một hệ thống nhà sách rất lâu năm Barnes & Noble uy tín của Mỹ có từ Thế kỷ 19 thì nay cũng đang đứng trên bờ vực có thể bị “phá sản”.   

Rồi với tình hình sách báo trong nước như hiện nay, chỉ có một “lề phải”, sách không thể gửi về Việt Nam, nên dự định trong một tương lai rất gần, Tuyển Tập Nghiêm Sỹ Tuấn sẽ có thêm một phiên bản dạng eBook, để mọi giới trong nước – nhất là thanh niên sinh viên có thể dễ dàng truy cập và đọc. Đó cũng là điều mà trước đây tôi đã làm với hai cuốn sách Mekong.

 NĐA 7- Các Anh có kế hoạch tổ chức những buổi Ra Mắt Sách Tuyển Tập Nghiêm Sỹ Tuấn trong tương lai gần? Có thể nhờ Ban Tổ Chức Hội Ngộ YK 68 , Washington DC vào Mùa Xuân 2020 chăng?

NTV 7_ Câu trả lời là không. Từ ngày có cuốn tiểu thuyết đầu tay Mây Bão xuất bản năm 1963 tới nay, tôi chưa tổ chức một buổi ra mắt sách nào để promote tác phẩm của mình. Tuyển Tập Nghiêm Sỹ Tuấn, với sự cộng tác của 15 tác giả khác cũng vậy. Một cuốn sách viết xong và xuất bản, tự thân phải có những bước đi của chính nó. Tôi quan niệm như vậy, và sẽ không có ra mắt sách trong buổi Hội Ngộ  52 năm YK 68 Mùa Hoa Anh Đào, tại Washington DC 2020.

NĐA 8_ Cuối cùng, Nguyễn Đức An chúc Bạn Ta luôn luôn là Super Samurai để nai lưng ra gánh vác những việc khó khăn mà ít ai dám thử lửa.

BS NGUYỄN ĐỨC AN
Florida, 27.06.2019
[ Bài phỏng vấn được thực hiện qua điện thư ]

teach-in, sit-in: là một thuật ngữ xuất hiện từ thập niên 1960s [chính xác hơn là từ tháng 3, 1965] trong khuôn viên Đại học Michigan, đó là một hình thức phản kháng xã hội / social protest không bạo động, qua những buổi diễn thuyết kéo dài không ngưng nghỉ của các giáo sư, và sinh viên thì ngồi lì trong các giảng đường, họ là nhóm “phản chiến” chống lại chánh sách của Mỹ tham dự vào cuộc Chiến tranh Việt Nam, và phong trào đã lan rộng ra khắp nước Mỹ… Thuật ngữ teach-in, sit-in vẫn còn tiếp tục được xử dụng về sau này trong giới giáo sư, sinh viên khi họ cần bày tỏ một thái độ chính trị, hay xã hội đối với các vấn đề gây tranh cãi / controversial issues.