Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2024

Nhà văn Ngô Thế Vinh

Nguyễn Vy Khanh

Ngô Thế Vinh sinh năm 1941 tại Thanh Hóa, một trong những cây bút chủ-lực của tờ Tình Thương, “nguyệt san tranh đấu văn-hóa xã-hội do sinh viên Y Khoa chủ trương”(số ra mắt tháng 1-1964 và số cuối 30, tháng 6-1966) mà ông là tổng thư ký từ số 9 (1964) rồi chủ bút cho đến số cuối. Ông tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn năm 1968, nhập ngũ 1969, làm y-sĩ trưởng Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù.

Thời Văn-học miền Nam

Tác phẩm của ông đã xuất bản vào thời văn học miền Nam 1954-1975 gồm Mây Bão (Sông Mã, 1963), Bóng Đêm (Khai Trí, 1964), Gió Mùa (“tiểu thuyết” ghi trên bìa, “truyện dài” trang trong; Sông Mã, 1965), Vòng Đai Xanh (Thái Độ, 1970), tất cả đều viết về chiến tranh. [Đêm Lục Địa loan báo xuất bản năm 1966 nhưng chúng tôi không tìm thấy thư tịch đã xuất bản].

Từ tiểu thuyết đầu tay Mây Bão xuất-bản cuối năm 1963, tác giả đã dự báo những trận giông bão phũ phàng trên quê hương. Bóng Đêm khẳng định ý chí chống cộng quyết liệt của tác giả cùng tâm trạng băn khoăn, hoang mang của lớp trẻ đôi mươi, “những người đang tới”. Đến Vòng Đai Xanh viết khi ông làm y sĩ trưởng một liên đoàn Biệt Cách Dù, là một chiến tranh tàn bạo khác trong cuộc chiến quốc-cộng: chiến tranh của đồng bào thiểu số vùng cao.

Ngay từ Mây Bão, tiểu thuyết đầu tay xuất bản khi ông mới 22 tuổi, tác giả đã như muốn báo trước những trận giông bão phũ phàng trên quê hương cả hơn thập niên sau đó, qua tâm sự của Vũ, một người còn trẻ đã tự vấn lương tâm và trách nhiệm của mình trước những xáo trộn của xã-hội. Cuộc sống người sinh viên Y-khoa nội trú, ở bệnh-viện là những “ca” mổ, những cứu cấp hiểm nghèo, nhưng ngoài kia, thành phố cũng đầy biến động của một thời chính-trị và đấu tranh liên tục quấy rối đời-sống và tâm thức người Việt. Truyện bắt đầu với khung cảnh một cuộc “đảo chánh” mở đầu cho một chuỗi biến cố dài sau đó: 

“... Vũ hé cửa bước ra ngoài, trong biến động không khí nhà thương vẫn bình thản và bận rộn. Trong phòng trực, mấy cô y tá, y công, mọi người xúm quanh chiếc radio transitor nhỏ xíu, hồi hộp theo dõi tin tức đảo chánh. Tiếng nói như ngạt mũi lẫn với những nhiễu âm không nghe thấy gì. Vũ đứng yên giữa phòng quan sát, mọi người không ai để ý đến sự có mặt của chàng, như thế càng hay, Vũ nghĩ thế. Căn phòng y tá trực nhỏ nhắn sạch sẽ, cách trang trí ấm cúng với bàn tay người đàn bà khiến chàng có cảm giác thật yên tĩnh và dịu dàng. Vũ thấy như bao giờ, mỗi khi chàng phải sống với những ý nghĩ khắc khổ, trước những khó khăn và nghịch cảnh, sự hiện diện của người đàn bà dù chưa quen biết vẫn đem lại cho chàng những cảm xúc êm dịu và nhẹ nhàng.

Ngoài tiếng bàn tán và tiếng cười khúc khích của đám người xúm quanh chiếc radio, Vũ thấy tất cả còn lại là sự yên tĩnh. Chiếc quạt trần cũ quay chầm chậm với những tiếng kẽo kẹt đều đặn như nhịp đưa võng. Chàng nghĩ tới nhà thương như một nơi bất khả xâm phạm của các tai họa chiến tranh. Nhưng trong đầu óc chàng lại tưởng tượng ra cảnh tàn phá của bom đạn, sự sụp đổ điêu tàn nơi đây. Chàng thấy các bệnh nhân mệt lả rên xiết trong bộ áo trắng, lồm cồm bò giữa đống gạch vữa như những con bọ trắng ngầy ngụa trong một đống rác. Vũ hơi rùng mình, đồng thời chàng thấy đời mình có thể hy sinh trọn vẹn cho những nơi như đây, cho những con người bất hạnh của chiến tranh và bệnh tật cần được chăm sóc. Một ý nghĩ tương phản hiện tới, Vũ tự hỏi không biết chính chàng đang mong muốn gì, chàng có đang thực sự theo đuổi cái mình tha thiết mong muốn hay không? Trước những biến chuyển như hôm nay, sự xáo trộn lại tới để xâu xé đời sống chàng.

Vũ rời nhà thương với bao ý nghĩ vô định. Ra đến Nhà hát lớn, cảnh phố xá vắng ngắt, nền gạch trắng rộng trống trải và thẳng tắp. Bất chợt, một tràng đạn xé tai không biết từ đâu tới, một thân xác người từ gác hai rơi xuống như một bị cát. Dưới gốc cây lớn, một người lính chết ngồi co ro cạnh khẩu súng, vũng máu đã đông và đen lại, mặt mũi xanh ngắt và xám xỉn. Phía xa một chiếc xe Jeep chạy ngược chiều phóng tới người như bay, một chiếc khác nữa ló ra: họ vừa quần đuổi nhau trước Nhà hát lớn vừa nhả đạn. Vũ lánh vội vào một quán hàng ngay đó. Chàng thấy rõ trên xe một người ngã gục về phía trước trong vòng tay một đồng đội. Trên tầng gác cao, mấy bóng người nhỏ nhắn di động, tuôn từng tràng đạn xuống đường xoẹt lửa, bẻ gẫy mấy cành cây, lá bay rụng lả tả. Khi hai chiếc xe Jeep biến mất dạng, Vũ đi nép theo các hàng hiên và tiến ra phía chợ. Bóng người lưa thưa còn đi lại khiến chàng hơi vững dạ. Trên một chiếc xe ba bánh chở hai thường dân máu me đầy mình và bả vai, máu vẫn ra xối xả trong lúc người phu xe gò mình cố đạp mà Vũ thấy hai bánh trước vẫn như quay rất chậm và bình thản. Đến giữa trưa Vũ trở về Đại học xá. Dọc đường các cửa hiệu đóng cửa, trước nhà từng nhóm người đứng bàn tán, phỏng đoán. Đường phố có cái vắng vẻ là lạ như mấy ngày trước Tết, ai nấy đều ở lại nhà để sửa soạn trang hoàng nhà cửa bên trong. Cổng chính của cư xá khóa hẳn, cửa bên cũng đóng và có người canh gác. Bữa cơm thay đổi trông thấy, chỉ vỏn vẹn một bát canh tôm khô trong vắt, một đĩa tôm khô kho mặn và muối vừng. Hôm nay Vũ thấy lạ miệng và đói nên ăn rất nhiều cơm...”.

Sau những biến động của cuộc đời, sau những mối tình và những hoàn cảnh trái ngang và thay đổi của bạn bè và chính mình, Vũ vẫn còn Huyền và con. Nhắc lại chuyện cũ làm Vũ phải khẳng định: “Chuyện đó chắc em đã biết cả, anh chả cần nhắc tới. Riêng đối với anh tình yêu lúc này đồng nghĩa với bổn phận, những bồng bột mơ mộng thời trai trẻ mới lớn đã qua rồi. Anh thấy cần thiết là một điểm tựa cân bằng và vững chãi. Cho đến hôm nay anh trở về với hai bàn tay không, những năm sống đem lại được gì nếu không ngoài những kinh nghiệm cay đắng. Anh thấy lúc này vẫn như là bắt đầu, ước vọng tuổi trẻ lại dồn về với mọi đam mê. Anh và các bạn đang mong làm một cái gì, anh hy vọng tin tưởng và cố gắng thu xếp... Huyền chỉ có em giúp được anh nhiều trong ước vọng đó”.

Và sau bao mây bão, Huyền,Nàng lại nhớ đến cánh tay để trần của mình hôm gặp Vũ lần đầu tiên trong nhà thương, ánh mắt Vũ nhìn say đắm khiến nàng cảm thấy lạnh rờn rợn trên làn da, cũng như nàng vừa có ý nghĩ căn nhà ấm cúng bỗng trở thành hoang vắng khi người đàn ông ra đi. Huyền thấy rằng sự có mặt của Vũ với đời sống mẹ con nàng là cần thiết.

Cửa Thượng Tứ đứng lừng lững phía xa, chiếc cầu xi măng cong cong, con đường nhựa đen nhãy cũng uốn tròn một nét mềm mại mất hút. Vào cuối mùa hạ sắp sang tiết thu, hương sen ở dưới hồ tỏa lên thơm ngát. Hai người bước đi yên lặng, đứa bé ngủ gục trên vai Huyền, chỉ còn nghe tiếng gót giày khô vang vang.

Trong bóng tối, ánh trăng sáng mờ chỉ đủ thấy rõ những bông sen trắng nở xòe ra giữa những chiếc lá tròn to và đen sẫm. Cố lắng tai nghe Vũ chỉ phân biệt được tiếng dế rên rỉ đều đều, tiếng ếch nhái táp miệng cắt quãng phía trong xa, không khí đã vắng lặng còn thêm vẻ u tịch, bức tường thành xám đen cao lừng lững chạy dài. Trong đám cây xanh um, căn nhà ở quen thuộc lấp ló trên đó. Vào khỏi cửa thành, qua một khúc rẽ, bước theo những bậc thang đất khấp khểnh là tới nhà.

Huyền bật đèn, đặt nhẹ con xuống chiếc giường riêng cho đứa bé. Đêm đó hai người nói chuyện đến thật khuya. Sau bao tháng ngày chờ đợi, tất cả những nao nức khát khao, tối hôm đó cả hai cùng có dịp thổ lộ. Ái tình trở lại, cả hai cùng tìm thấy ở nhau những giây phút thân yêu đầm ấm. Những đám mây ảm đạm rẽ ra để lộ một khoảng trời xanh, chưa bao giờ Huyền thấy một màu xanh đẹp thế, màu ngọc thạch. Nàng tưởng tượng nếu ánh mắt con mình xanh như thế thì đẹp biết bao. Huyền liên tưởng tới nguồn gốc pha trộn của mình, nghĩ đến con tự nhiên nàng thấy sung sướng và kiêu hãnh.

Hơi ấm của Vũ thấm dần qua thân thể và cánh tay nàng. Huyền rướn người lên nằm sát trong vòng tay Vũ với cảm giác yếu ớt và bé bỏng, đầy thương yêu rộn ràng. Huyền ước ao có thêm được một đứa con gái. Nàng cảm động định bảo chồng: “Anh ạ, trong những phút sung sướng quá người ta chỉ muốn khóc.” Chỉ ý nghĩ đó không thôi đủ làm Huyền dâng dâng nghẹn ngào, không sao cất lên được một câu nói”.

Bóng Đêm theo quảng cáo là “Truyện của những người không xa tuổi 20 - Với tâm trạng đau xót hoang mang của lớp người đang tới – Truyện làm chứng cho một giai đoạn sống thực”, đã khẳng định ý chí chống cộng quyết liệt của tác giả qua nhân vật Tòng (dù dám đánh cảnh sát và nhân viên ấp chiến lược) và Vũ, nhân-vật chính, "Vũ căm tức trước lớp cha anh hèn nhát hủ bại, chán chê cái nguồn gốc, chán chê quê-hương, thản nhiên từ bỏ tất cả để đi tìm nơi bình an vui sống". Nhưng cũng qua nhân vật Vũ, người tuổi trẻ rơi vào hoài nghi, bế tắc cũng là cái thế của nhiều thanh niên lớn lên tại miền Nam không có kinh nghiệm với cộng sản: "Thế liệu chúng ta làm được gì! Cái bi đát của đời sống chúng ta không phải là chỗ có mang mối thất vọng lớn lao hay không về một thế hệ đàn anh đi trước mà chính bởi chỗ chúng ta có còn giữ được chút tin tưởng nào không ở một hoàn cảnh xã hội tồi tệ đến mức này, hay chính những người tuổi trẻ cũng lại tự thấy lạc lõng bơ vơ giữa đông đảo của thế hệ mình với sẵn trong lòng mối hoài nghi thường trực về tất cả". Bên cạnh đó, tác-giả khẳng định ý chí dấn thân qua nhân vật Đỗ vừa ở bệnh viện ra, thay vì trốn tránh, đã sớm trình diện đi lính: “Đỗ tình-nguyện nhập ngũ. Trước hôm đi, Đỗ có tới nói với Trúc:

– Đừng có tưởng rằng tôi đã từ bỏ nề nếp suy nghĩ trước kia để ngoan-ngoãn trở về thứ luân-lý của các bà sơ. Tôi không nghĩ thế. Sự đứng dậy và ra đi chỉ có ý nghĩa một tính toán khôn-ngoan. Thời-gian nằm bó ở nhà thương cho tôi thấy rằng mình phải trở dậy không thể nằm để chứng-kiến sự mọt ruỗng của thân-thể chính mình và chết dí ở đây được nữa.

Trúc nghĩ tới thời-gian nửa năm cho tới ngày Đỗ bình-phục hẳn, Đỗ đã ngoan-ngoãn kiêng giữ trong suốt thời-gian trị bệnh ngoài cả sự mong ước của người khác. Khỏi rồi, khóa động-viên cũng vừa đúng lứa tuổi của Đỗ; bình thường Đỗ có thể trốn-tránh dễ-dãi không đi nhưng chính Đỗ đã trình-diện thật sớm. Khi nhảy vào quân đội thì Đỗ tập hăng say và tự đặt cho mình một ước mơ làm tướng. Tốt-nghiệp trường sĩ-quan, đậu cao, lẽ ra hắn được quyền lựa chọn; hắn xin nhập ngay vào bộ binh và đi theo một cuộc hành-quân đầu tiên. Chưa kịp gặp một đụng độ, chiếc xe Jeep chở hắn về bộ chỉ huy đã đụng mìn và chuyến đó Đỗ bị cưa bàn tay phải. Trúc hiểu rằng với Đỗ, chuyện mơ làm tướng cũng chả có một ý nghĩa cao xa gì, nó không khác với dự-định vượt qua biên-giới hồi trước. Chẳng qua không biết làm gì hắn tự đặt cho mình một cái đích – dù thế nào – để có phương hướng đi tới".

Cái bi đát của những người trẻ tuổi, họ chỉ "thấy lạc lõng bơ vơ giữa đông đảo thế hệ mình với sẵn trong lòng một mối hoài nghi thường trực tất cả". Cuối cùng là tự cứu, một giải pháp rất cá nhân: "nếu có ai tự nhận tìm được đời-sống thăng bằng nào giữa một thời cuộc xao xuyến này là bởi biết xoay lưng lại với tất cả, tự dễ dàng bằng lòng với giải pháp cá nhân của mình và tin rằng với thái độ khôn ngoan đó cá nhân tìm thấy đầy đủ hạnh-phúc". Tâm trạng băn khoăn, hoang mang của lớp trẻ đôi mươi, “những người đang tới” – đã khác với Những Người Đang Tới thời Đỗ Thúc Vịnh mới trước đó.

Gió Mùa thổi vào văn chương của Ngô Thế Vinh với chương mở đầu: “Buổi sáng lạnh. Tom mặc áo len ngắn. Một vòng da hở nơi rẽ vai, hắn có đeo súng. Phúc đã gặp hắn ở Phan Rang trong những tháng trước. Tom tốt nghiệp đại học, sang Việt Nam sống lam lũ với nông dân. Hắn nói thạo tiếng Việt và mang tên Ninh.

- Anh ra đây từ đầu vụ lụt?

- Không, mười lăm ngày sau.

Phúc hỏi Tom về những chiếc quạt gió lúc này ra sao sau những trậ­n mưa lớn. Tom bảo tất cả vẫn y nguyên, phải cái đồng ruộng ngậ­p nước dân cũng chẳng cần đến quạt gió nữa.

Cánh đồng trải dài đến chân núi đá. Từng đàn dê lổ lang trên đó, một chú dê đực cắt hình trên nền trời từ một mỏm đá thậ­t cao. Biển xanh phẳng lặng phí­a xa, rải rác những cánh quạt gió chuyển động chậ­m, kéo nước biển lên những ruộng muối đọng trắng. Nhớ lại hôm gặp Tom, Phúc hỏi:

- Anh không giậ­n chứ. Vụ chúng tôi quyết định đi riêng không có anh. Trong bước đầu chúng tôi không muốn có sự ngộ nhậ­n của người dân và nhất là không để cán bộ Cộng sản tại đó có lý do xuyên tạc.

Tom cười thông cảm, bàn tay to thô nắm lấy vai Phúc:

- Tôi hiểu ngay khi anh nói câu đầu tiên. Ở đây lâu năm, thực tâm muốn sống hòa mình nhưng tôi vẫn thấy lạc lõng…” (tr. 11-12).

Câu chuyện thời chiến tranh, có người Mỹ, có người Chiêm, người Việt và những nỗi đau nồi da xáo thịt, những đấu khẩu và tranh luận: “… Người đàn ông không muốn nghe cháu cũng chẳng muốn bênh con; lưỡng lự chưa biết phải nói sao, mặt buồn bã, mắt đỏ ngầu như chó dại sắp chết, ông trách mắng nó giọng bâng quơ:

– Ai khiến mày bỏ làng lên núi làm chi; lâu lâu lại mò về mà nhiễu. Mày gãy một chân, thằng Ba con tao gãy một chân; anh em không dưng lôi nhau ra mà bắn. Mồ mả cha tụi bay có động mô mà đến họa rứa. Thôi may mà tính mạng hai đứa cũng chưa sao, tao biểu mày nghe tao, khỏi rồi thì tao bảo lãnh cho mà về sống ở làng làm ăn chứ cứ lên núi rồi vô bưng, đói khát cực như con chó.

Đứa con trai nằm đó không giấu được giận dữ, mặt cau có.

Vẻ mỏi mệt đến trơ lì trên khuôn mặt người đàn ông làm biến mất những xúc động đau đớn lúc đó. Ông nghĩ đến thời gian đứa cháu tuyên bố bỏ làng ra đi làm ăn xa cách đây hai năm. Ít lâu sau hắn trở về, dân làng thì thào hắn được gửi đi học tập trên núi. Bị lộ, hắn lại đi. Ban đêm về làng với mấy đứa khác, mò mẫm kiếm ăn ngang nhiên như trên đất nó. Họ hàng thương tình không ai nỡ báo, nó tưởng người ta sợ được thể nó làm tới. Nó quá lắm Thanh niên Chiến đấu mới tính chuyện bủa vây. Câu chuyện đưa tới thằng Ba gãy một chân, đứa cháu nằm đây với chân kia cũng gãy nốt. Không dưng anh em thù hận nhau. Người đàn ông nghĩ tới một bất hạnh đến vô phúc cho dòng họ mình. Những cẳng chân gãy của lũ con cháu khiến ông nghĩ tới sự gãy đổ của cả một gia tộc, mà với ông gia tộc là hình ảnh trọn vẹn của quê hương đất nước.

Trong những lúc không còn hy vọng, ông lại tự an ủi vu vơ bằng lịch sử bốn ngàn năm bằng những hào quang quá khứ mà ông chỉ được nghe chứ không thấy. Bấu víu đó không vững ông lại có những ý nghĩ buông xuôi rằng đất nước này cũng có một số kiếp với cái hồi báo oán của nó. Mảnh đất ông đang sống hiển nhiên chẳng phải là quê hương ông mà là của dân Chiêm. Và ông cảm thấy có trọng tội trước trời đất trong việc tiêu diệt họ. Cha ăn mặn con khát nước. Ông nghĩ thế. Công khai phá và cũng là tội ác của ông cha, tang chứng còn kia, những tháp Chàm vương sót đổ nát. Đôi lúc ông có ý nghĩ là phải phá nó đi; tình cảm ông như kẻ phạm tội muốn kín nhẹm, thủ tiêu dấu vết của tội ác. Nhưng không ai hiểu được cái thâm sâu của ý ông. Với dấu vết vẫn còn đó, vài người Chàm rải rác phía chân núi trong xa. Tất cả là những ám ảnh, ông muốn đập tan hủy diệt hết. Tàn bạo trong trường hợp này chỉ nói lên sự sợ hãi”.

Vòng Đai Xanh (Giải Văn-học VNCH năm 1971) viết khi ông làm y sĩ trưởng của một liên đoàn Biệt Cách Dù, là một chiến tranh tàn bạo khác trong cuộc chiến quốc-cộng: chiến tranh của đồng bào thiểu số vùng Cao nguyên. Thường trực đối đầu với người Kinh lúc nào cũng muốn đồng hóa họ, người Thượng sẽ bị nhiều quyền lực thực dân Pháp rồi Mỹ lợi dụng như con cờ chiến tranh của họ. Khi lập vòng đai xanh, các thế lực ngoại bang này đã vô tình khiến cho các dân tộc thiểu số gây ra những xung đột. Lính Mũ Xanh rút, Dân sự Chiến đấu Thượng sẽ bị người Mỹ bỏ rơi. Núi đồi Cao nguyên là một chiến trường bi thảm xét về khía cạnh con người. Đầu truyện ông đã tiên tri "Ở một thời kỳ mà người Mỹ đã bước qua giai đoạn cố vấn ai cũng hiểu rằng đây là một cuộc chiến tranh của họ. Một cuộc chiến được nuôi dưỡng và giải quyết theo quan điểm quyền lợi của nước Mỹ" (bản 2009, tr. 19).

Cuối truyện: “Theo lời kể của trung sĩ da đen Wynne thuộc tiểu bang Texas, một chiến sĩ Mũ Xanh kỳ cựu đặt chân từ ngày đầu tiên tới đây thì trái với quan niệm thông thường của nhiều người cho rằng trại chỉ có giá trị của một căn cứ quân sự kiên cố và vững chãi để ngăn chận bước xâm nhập của địch quân qua ngả biên giới. - Sự thực công việc của chúng tôi mang nặng tính cách chánh trị. Đó là chiến dịch chinh phục cảm tình và lôi kéo dân chúng đứng vào hàng ngũ chánh phủ. Nói xong trung sĩ Wynne vừa cười vừa cúi xuống ôm xốc trên tay hôn một đứa bé gái Thượng bẩn thỉu lem luốc. - Dân làng không muốn thấy chúng tôi ra đi nhưng tiếc thay đó lại là quyết định của thượng cấp và là nỗi mong đợi của chánh phủ Sài Gòn... “How sad to be a montagnard!”. Wynne cũng đã ngậm ngùi thốt ra như thế. (…).

Cũng trong buổi lễ, tôi gặp lại tay nhà báo tài tử sinh viên độ nào. Anh đã ra trường, không còn làm báo và hiện là y sĩ trưởng của một C thuộc binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt. Anh bảo đùa sự lựa chọn của anh có lẽ do bởi mối nhân duyên sẵn có với người Thượng, nhưng tôi hiểu rằng với một người nhiều lý tưởng như anh sự lựa chọn này có ý nghĩa một dấn thân cho cái điều mà thời sinh viên anh đã từng nhiệt tình cổ võ.

"Bổn phận của tôi bây giờ là lo tiếp thu và đảm trách vấn đề y tế của toàn thể các trại DSCĐ. Tuy nhiên nói chung sự tiếp vận và yểm trợ còn lệ thuộc nặng nề ở người Mỹ."

Thật chẳng thể ngờ rằng những vấn đề tưởng như mâu thuẫn trọng đại ngày hôm qua bỗng chốc biến dạng và chẳng còn một chút ý nghĩa nào nữa. Khi được hỏi về những lý do nào đưa tới sự ổn định cao nguyên hôm nay, anh trầm tĩnh - điều này là một biến đổi tôi mới nhận thấy nơi anh, đưa ra một nhận xét không thiếu sắc bén:

"Trước khi đạt tới một thỏa hiệp như hôm nay, kinh nghiệm của những năm qua giúp họ - họ đây là người Mỹ, hiểu rằng nhúng tay vào những âm mưu dấy loạn như vậy chỉ gây tai tiếng vô ích mà không cải thiện thêm được chút nào vị thế của họ hơn hiện giờ. Và điều quan trọng hơn nữa là cả người Thượng và Kinh, sau mấy lần đổ máu đều hiểu thấm thía rằng bởi trong cái mối tương quan môi hở răng lạnh, họ chỉ còn một cách là xích lại gần nhau hợp tác để xây dựng một cộng đồng quốc gia Việt Nam mới."

Dù đã có dấu hiệu của một vài chuyển động tốt, tôi cũng đã không quá lạc quan như anh, và có lẽ quả đúng như Y Ksor nói là xa hơn một ly rượu tới môi cái viễn ảnh tốt đẹp của vùng Đất Hứa Cao Nguyên còn phải trải qua nhiều máu, mồ hôi và nước mắt”. (2009, tr. 197-199).

*

Truyện ngắn “Mặt Trận Ở Sài-Gòn” đăng trên tạp-chí Trình Bầy số 34 (18-12-1971), nổi tiếng từng khiến ông phải ra tòa (cùng nhà báo Thuận Giao, ngày 18-5-1972, án phạt 100.000 đồng, vạ treo) với tội danh "làm lũng đoạn tinh thần quân đội và làm lợi cho cộng sản", với cái nhìn sắc bén và khác tiếng nói chính thức - là hành trình ý thức của một người lính chấp nhận cuộc hy sinh gian khổ hiện tại, đồng thời có những ước mơ về một xã hội tốt đẹp hơn trong tương lai (“Người lính chỉ ao ước được cầm súng chiến đấu cho tổ quốc, hy sinh cho một lý tưởng cao cả, một chính nghĩa sáng ngời”) khi phải đối đầu với một "đám người kêu gào chiến tranh nhưng lúc nào cũng ở trên và đứng ngoài cuộc chiến ấy" yên hàn ở thủ đô. Người lính ở tiền tuyến trở về thành phố do đó buồn và bất mãn vì cảnh tượng trái ngược của hai mặt trận, một bên gian khổ đòi hỏi hy sinh kể cả chết chóc và mặt trận Sài-Gòn công khai đàng điếm ăn chơi, nơi đầy kẻ giàu trên xương máu của người hy sinh ở chiến tuyến. Đó là mặt trận Sài-Gòn thanh bình, bảo vệ cho “một con thuyền xa hoa ngao du trên dòng sông loang máu, nổi trôi đầy những xác chết đồng loại". Người lính nhận ra rằng chiến trường khó khăn cho họ không phải ở ngoài biên cương mà ở ngay hậu phương thối nát đầy bất công; tức giận vì mình đã hy sinh gian khổ để bảo vệ an sinh cho đám người đó, có người lính đã tức mình lao đầu trong những ăn chơi vội tạm. Người kể chuyện cho biết: “Riêng tôi thì hiểu rằng, chính ông bác sĩ đang ở một trường hợp lương tâm khó xử. Một đằng là những người lính mà ông có bổn phận phải chăm sóc, một đằng là những thanh niên sinh viên đang tham dự cuộc đấu tranh, mà quan điểm của họ được chính ông có phần chấp nhận và chia sẻ. Rõ ràng chúng tôi chỉ là một bánh xe nhỏ trong một guồng máy lớn lao. (…) Nhân danh quân đội, chúng tôi đang góp sức thực hiện một cuộc cải cách xã hội hay tự biến mình thành một nút-chặn-lịch-sử, một thứ đèn đỏ thường xuyên ngăn những bước tất yếu của cuộc cách mạng đi tới?

Người lính chỉ ao ước được cầm súng chiến đấu cho tổ quốc, hy sinh cho một lý tưởng cao cả, một chính nghĩa sáng ngời - mà khỏi cần phải bận tâm suy nghĩ điều gì. Nhưng bây giờ thì họ hiểu rằng, đã thất lạc và qua rồi sự bằng an giả tạo sau những mỏi mệt trở về từ rừng rú. Rằng ngoài chiến trường súng đạn quen thuộc, họ còn phải đương đầu với một trận tuyến khác mỏi mệt hơn - đó là cảnh thối nát bất công của xã hội mà dân tộc đang phải hứng chịu trong tối tăm tủi nhục. Từ ba mươi năm nay, đã và đang có quá nhiều anh-hùng-của-chiến-tranh trong khi lại quá thiếu vắng những chiến sĩ xã hội. Vậy phải lựa chọn chiến trường nào? Rằng không phải chỉ ở chốn xa xôi biên cương - mà đích thực chiến-trường thách-đố của họ phải là ở Sài Gòn(bản 2012, tr. 22, 25).

*

Giai đoạn hai của thời văn học miền Nam 1954-1975 được xem như khởi động đầu năm 1964 khi sinh hoạt chính-trị xáo trộn với đảo chính, chỉnh lý. Xã-hội thì bất ổn: các phe nhóm tôn giáo và sinh viên gây rối loạn nhưng cùng lúc đa nguyên văn hóa và văn chương, báo chí nở rộ. Riêng văn-học chiến tranh dần rõ nét với các nhà văn thơ trẻ có thể xem như thế hệ hai mà riêng năm 1964 đã đánh dấu sự xuất bản tác-phẩm đầu tay của Dương Nghiễm Mậu (Cũng Đành, Gia Tài Người Mẹ), Duy Thanh (Lớp Gió), Tuấn Huy (Ngày Vui Qua Mau), Nguyễn Thị Hoàng (Vòng Tay Học Trò), Thế Nguyên (Hồi Chuông Tắt Lửa), Thế Uyên (Những Hạt Cát), Lưu Nghi (Đêm Trăng Mùa Hạ), Ngô Thế Vinh (Mây Bão cuối 1963, và Bóng Đêm 1964), …

Khuynh hướng văn chương dấn thân trội bật, từ ý thức đến xã-hội, chính trị, văn học. Khởi từ đây, những tạp chí Đất Nước, Đối Diện, Trình Bầy, Hành Trình, Thái Độ, Giữ Thơm Quê Mẹ,... đối đầu với chính trị và chiến tranh, mở một "chiến trường" chính trị và xã hội hơn, dấn thân sâu hơn và đa phần nghiêng về một phía, tả.

Trong cuộc chiến vừa qua, sống ở bên này hay bên kia thì người dân vẫn đã không thực sự có tự do lựa chọn. Nhưng có thể có thái độ dấn thân khi đã chấp nhận định mệnh (chiến-tranh như một định mệnh), một chấp nhận rất hiện sinh mà cũng trung-thực không kém. Phản kháng trong khuôn định mệnh, tác-phẩm lấy bối cảnh cuộc chiến nóng bỏng đang diễn ra, đang tàn phá; nhưng Ngô Thế Vinh và một số nhà văn như Thảo Trường, Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ, v.v... đã bị chụp mũ làm nhụt lòng chiến sĩ hoặc làm mất miền Nam, trong khi họ nhập cuộc cầm súng bảo vệ miền Nam. Dĩ nhiên, họ là người dứt khoát của bên này chiến tuyến chứ không phải nằm vùng hoặc là người của bên kia - như Vũ Hạnh, Lữ Phương, Sơn Nam, Ngụy Ngữ, Trần Hữu Lục, Bảo Cự, Mường Mán, Trần Vàng Sao, ... là những người viết theo nghị quyết hoặc chỉ thị, làm công-cụ cho Mặt Trận Giải Phóng tức là Hà Nội! Như vậy, không thể xếp những nhà văn mặc áo lính nói trên vào số văn nghệ sĩ phản chiến được. Không thể tổng quát hóa cho rằng họ đã tiêu cực phản chiến làm mất miền Nam. Phản chiến đúng ra là một nhãn hiệu chỉ có thể áp dụng cho những nhóm thanh niên hoặc trí thức ở Hoa Kỳ hoặc Âu châu chống chiến-tranh Việt Nam; trong khi đó, các nhà văn nói trên đã nhập cuộc. Nói rằng họ nói lên cái ý chí phản kháng thì đúng hơn!

Dòng văn học “phản chiến” nói chung và phần nào đã là những phẫn uất của trí thức nhưng không tiếng nói, những người dấn thân chính trị nhưng không có đất đứng. Xã hội điêu tàn, giá trị văn hóa đảo lộn, người miền Nam nạn nhân của chiến-tranh nhưng kêu gọi tình huynh-đệ và (vô tình) đòi giải quyết chiến-tranh và chuẩn bị hòa-bình. Về phía chính quyền và các cơ quan văn-hóa miền Nam thì nhắm mục-đích thông tin và tác chiến tinh thần hơn là tuyên truyền! Văn chương chống cộng trở nên quen thuộc, mất dần thị hiếu trên thị trường chữ nghĩa, trong khi đó văn học hiện sinh, tiểu thuyết mới với bao phụ tùng khác ngày càng bành trướng.

Một số văn nghệ sĩ dấn thân và phản chiến được người đọc theo dõi. Dấn thân có Thảo Trường, Phan Nhật Nam, Y Uyên, Nguyên Vũ, Ngô Thế Vinh, Trần Hoài Thư, Hồ Minh Dũng, Phan Nhật Nam, Cung Tích Biền, ...; phản chiến có Thế Nguyên, Ngụy Ngữ, Trần Hữu Lục, Bảo Cự, Mường Mán, Trần Vàng Sao, ... về sau rõ ra là nằm vùng hoặc thân Cộng! Dấn thân từ thời-thượng hoặc cấp tiến chân thành của trí thức thiên tả đã đưa đất nước vào ngõ cụt với chiến tranh và đối đầu Quốc-Cộng! Trong số, Ngô Thế Vinh là nhà văn có những tác phẩm đặc biệt trội bật so với những nhà văn khác cùng khuynh hướng.

Thời hải ngoại

Sau biến cố tháng Tư năm 1975, Ngô Thế Vinh bị ba năm tù “cải tạo” tại các trại Suối Máu, Trảng Lớn, Đồng Ban, Bù Gia Mập. Tới Mỹ năm 1983, 5 năm sau làm bác sĩ nội trú rồi thường trú tại các bệnh viện ở New York và cuối cùng ở miền Nam California.

Thời hải ngoại, sinh hoạt văn nghệ của nhà văn chủ yếu viết ký sự ngoài việc tái bản và/ hoặc chuyển ngữ các tác phẩm trước 1975 (The Green Belt. Raleigh, N.C.: Ivy House, 2004; 2021); cũng như xuất bản Mặt Trận Ở Sài Gòn (Văn Nghệ, 1996; The Battle of Saigon. Xlibris, 2005), năm 2020 tái bản song ngữ Anh-Việt do Văn Học Press & Việt Ecology Press) gồm những truyện ngắn trước và sau 1975, như một góp phần trong cuộc “thảo luận” về cuộc chiến vừa qua. Đặc biệt ông gây chú ý của thức giả hải ngoại khi cho ra cuốn Cửu Long Cạn Dòng, Biển Ðông Dậy Sóng (Văn Nghệ, 2000; bản tiếng Anh: The Nine Dragons Drained Dry, The East Sea In Turmoil, Việt Ecology Press, 2016). Quá khứ văn nghệ cũng thôi thúc đưa đến việc ông viết và xuất bản hai tập bút ký Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa (I và II; Viet Ecology Press, 2017 và 2022) cũng như chủ biên tuyển tập Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn, Người Đi Tìm Mùa Xuân (Tập san Y Sĩ Việt Nam; Viet Ecology Press, 2019).

Thời trước 1975, Ngô Thế Vinh đã hơn một lần đưa những vấn đề con người và thổ nhưỡng Cao nguyên ra dư luận qua cuộc nổi dậy của người thiểu số FULRO, thì sau này ở ngoài nước, ông đặt vấn đề và trình cho dư luận khắp nơi vấn nạn của con sông Mékong đối với môi trường và những con người ở nhiều nước sinh sống nhờ vào nguồn nước này. Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng là một “dữ kiện tiểu-thuyết” dài trang về những vấn nạn cho con người và thiên nhiên ở vùng Đông Nam Á trong đó Việt-Nam và Biển Đông sẽ phải chịu những hậu quả khôn lường. Ông viết trong Lời Dẫn Nhập: “… Tìm ra được tọa độ khởi nguồn của con sông nhưng rồi cũng để đau lòng chứng kiến từng bước suy thoái của con sông lịch sử, con sông thời gian và đang có nguy cơ trở thành con sông cuối cùng ấy. Cuốn sách này viết về những năm tháng cuối cùng của con sông Mekong. Cũng với ước mong rằng Ngày N+ của con sông định mệnh ấy sẽ là một thời điểm rất xa, ít ra là không nằm trong Thiên Niên Kỷ Thứ Ba này.

Cuốn sách không phải là một công trình nghiên cứu theo cái nghĩa kinh điển mà được viết dưới dạng tiểu thuyết gồm 23 chương, không có truyện như những tình huống khúc mắc chỉ có những khung cảnh nên mỗi chương có thể đọc như truyện ngắn với con sông Mekong luôn luôn là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Nhưng đây cũng không thuần túy là một cuốn “tiểu thuyết/ fiction” được hiểu như là sản phẩm của tưởng tượng nhưng là dạng “dữ kiện tiểu thuyết – faction: facts & fiction”, với một số ít nhân vật như những hình tượng văn học và phần dự phóng là hư cấu để cùng với người đọc đi tới những vùng đất, nơi có con sông Mekong hùng vĩ chảy qua, cũng là con sông thời gian soi bóng những bình minh và hoàng hôn của các nền văn minh, cả mang theo máu và nước mắt của các cuộc chiến tranh qua những thế kỷ - một con sông lớn đầy ắp tính lịch sử và vô cùng phong phú về tính địa dư nhân văn. Không phải bằng đôi mắt chim mà bằng tầm nhìn vệ tinh để choáng váng thấy hết toàn cảnh tấn thảm kịch sông Mekong với bao nhiêu là tai ương mà phần lớn do chính con người gây ra.

Nếu như cuốn sách chuyên chở được một số nét khái quát và cập nhật về con sông Mekong, tạo được sự chú ý của người đọc tới sinh mệnh của một dòng sông lớn thứ 12 trên thế giới thì đó chính là mong ước của người viết …” (2000, tr. 14-15).

Tác giả đã gọi tập hợp 23 chương Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng là “dữ kiện tiểu-thuyết”. Chúng tôi thiển nghĩ đây là một loại “tiểu-thuyết lịch-sử” mang tính phóng sự - một phối hợp vừa văn chương vừa hiện thực mang tính lịch sử hoặc liên quan đến lịch sử chung và sự sống còn của môi trường, con sông và những con người lệ thuộc vào nó. Cũng có thể xem đây là một tuyên ngôn sử dụng phóng sự để dễ đến và thuyết phục người đọc và thức giả. Không riêng gì tác phẩm này mà ngay tác phẩm gọi là “tiểu thuyết” của ông trước 1975 như Vòng Đai Xanh đã từng khởi đi từ “sưu khảo về vấn đề Cao nguyên” - (Tình Thương số 25, Xuân 1966, đặc biệt về “Vấn đề chủ quyền Việt Nam – những sự thật về FULRO”) như ông đã xác nhận trong cuộc “Đàm thoại …” trên Bách Khoa, số 370 (15-6-1972, tr. 78).

Bảy năm sau, ông xuất bản Mekong - Dòng Sông Nghẽn Mạch (“Ký sự”; Văn Nghệ Mới, 2007; Mekong - The Occluding River: The Tale of a River. New York: iUniverse, 2010). Trong Lời Dẫn Nhập, ông cho biết: “ ‘Cử­u Long Cạn Dòng Biển Đông Dậ­y Sóng’, dữ kiện tiểu thuyết, xuất bản lần đầu tiên năm 2000, tái bản năm 2001 nay đã tuyệt bản. Trong khoảng thời gian ấy, tác giả đã thực hiện một số chuyến đi ‘quan sát thực địa’ từ Vân Nam Trung Quốc xuống các quốc gia Lào, Thái, Cam Bốt và Đồng Bằng Sông Cử­u Long Việt Nam. ‘Mekong - Dòng Sông Nghẽn Mạch’ bao gồm những hình ảnh và các trang bút ký sống động của tác giả viết về các chuyến đi ấy.”
Và ông lên tiếng: “Kêu gọi thể hiện ‘Tinh Thần Sông Mekong’ như một mẫu số chung cho mọi quốc gia trong lưu vực với mối quan tâm bảo vệ dòng sông trong toàn bộ các kế hoạch khai thác và phát triển – nhưng đó phải là những bước hợp tác phát triển bền vững” (2007 tb, tr. 11-12).

Đây là một ký sự du-hành mà du-ngoạn là rất phụ, tác giả như muốn tận mắt xác thực và tường trình về những vấn nạn đã nêu ra trong Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng trước đó.

Ngô Thế Vinh còn trở về quá khứ cá nhân và văn học nghệ thuật với tập ký sự Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa in năm 2017 với 18 chân dung gồm 16 văn nghệ sĩ và 2 nhà văn hóa: Mặc Đỗ, Như Phong, Võ Phiến, Linh Bảo, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Ngọc Biên, Đinh Cường, Nghiêu Đề, Nguyên Khai, Cao Xuân Huy, Phùng Nguyễn, GS Phạm Biểu Tâm, GS Phạm Hoàng Hộ. Năm 2022, tập II tiếp nối, gồm chân dung của 15 văn nghệ sĩ và nhà văn hóa BS Nguyễn Tường Bách và Hứa Bảo Liên, GS Hoàng Tiến Bảo, Tạ Tỵ, BS Trần Ngọc Ninh, Lê Ngộ Châu, GS Nguyễn Văn Trung, Dohamide, Lê Ngọc Huệ, BS Nghiêm Sỹ Tuấn, BS Đoàn Văn Bá, Mai Chửng, Trần Hoài Thư và Ngọc Yến, Phan Nhật Nam và John Steinbeck. Hai tập ký sự có ưu điểm khá đầy đủ tiểu sử, bổ túc hình ảnh và dăm nhận xét hoặc tường trình về các biến cố, sự việc liên quan đến các vị này

Nhìn chung, Ngô Thế Vinh là một nhà văn dấn thân, có lý tưởng riêng – dù từng bị dư luận phía khác phê phán, ông luôn tự tin và đã để lại những chứng tích mang tính văn nghệ cũng như chính trị, xã hội.

NGUYỄN VY KHANH

Toronto tháng 12-2023
[Ngôn Ngữ Số Đặc Biệt 02-2024]


NGUYỄN VY KHANH
Sinh năm 1951 tại Quảng Bình. Định cư ở Canada từ 1975, hiện sống hưu tại Toronto. Tốt nghiệp Cao học Triết Tây, ĐH Văn Khoa Sài Gòn; thủ khoa ban Việt Hán ĐH Sư phạm Sài Gòn; Cao-học Quản trị Thư viện (MLS, ĐH Montréal, 1978). Viết biên khảo về văn học. Trong ban biên tập các tạp chí Định Hướng (Pháp), Nhân Văn (San Jose, CA), Ngày Nay (Houston, TX), Người Việt (Montréal), Văn Học Mới (Westminster, CA), và Ngôn Ngữ (Westminster, CA).

Tác-phẩm: Bốn Mươi Năm Văn Học Chiến Tranh 1957-1997 (Nxb Đại Nam, 1997), Văn Học và Thời Gian (Nxb Văn Nghệ, 2000), Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Nxb Nguyễn Publishings, 2016, 2019), Trương Vĩnh Ký: Tinh-Hoa Nước Việt (Nguyễn Publishing, 2018), Nhà Văn Việt Nam Hải-Ngoại: tuyển tập nhận định văn học (Nxb Nhân Ảnh, 2019), Văn-Học Quốc Ngữ Thời Đầu và Miền Nam Lục-Tỉnh (Nhân Ảnh, 2021), Sống và Viết ở Ngoài Nước (Nguyễn Publishing, 2021), Hồ Biểu Chánh, nhà văn miền Nam (Nguyễn Publishing, 2022), Sơ Thảo Văn Học Công Giáo Việt Nam (Nguyễn Publishing, 2023), Sáng Tạo, tạp chí và các nhà văn (Nguyễn Publishing, 2023).