Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

CẢM NGHĨ VỀ TUYỂN TẬP CHÂN DUNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT & VĂN HOÁ CỦA NGÔ THẾ VINH

Người đọc:
Bác Sĩ Hà Ngọc Thuần

1.
Bỗng nhiên tôi được Bạn Ngô Thế Vinh gửi tặng một món quà rất quý.

Một món quà thơm ngát tình quê và mặn nồng tình bạn.

Bỗng nhiên tôi thấy tôi đương ở nơi đất nước mình, đất nước Việt Nam yêu dấu. Tuy xa cách đã nhiều năm nhưng tôi không chút nào thấy xa lạ. Tôi thấy tôi đương dạo chơi trên đường phố Sài Gòn. Tuy xa cách đã nhiều năm nhưng không lạc lối. Tôi đương sống giữa những người Việt, với những người Việt, như tôi vẫn là người Việt. Và Bạn Ngô Thế Vinh đương ân cần chào đón, giới-thiệu tôi với những người Bạn trong giới văn học nghệ thuật. Có những người tôi chưa từng được quen biết. Có những người không quen, nhưng tên tuổi hay một vài tác phẩm tôi đã từng được nghe nói đến. Và có những người không quen nhưng tôi đã biết nhiều từ trước, trước ngày rời bỏ quê hương tiếp tục cuộc sống nhờ nơi đất khách.

Có lẽ tôi đang mơ, hay có lẽ tôi đang nằm mộng. Nhưng đây chẳng phải một giấc mơ hay một cuộc phiêu du tới miền mộng du, tới hỏa ngục tới luyện ngục rồi tới thiên đàng. Nếu có cuộc phiêu du trong mộng ấy có lẽ tôi chẳng thể đi đâu xa hơn là nơi hỏa ngục. Nhưng đây là cõi thật, là một cuộc viếng thăm những người Bạn của Ngô Thế Vinh, những người viết văn, làm thơ, vẽ tranh mà Ngô Thế Vinh đã cùng sống, cùng chia sẻ những tâm tư những hoài bão những vinh lụy trong năm mươi năm cuộc đời với văn nghiệp. Những người thuộc lớp trước, thuộc lớp sau, tất cả đã đem tâm huyết và tâm tình - có khi cả tâm sự riêng tư - để sáng tạo, cho người Việt Nam, cho tiếng Việt Nam, và cho nước Việt Nam.

 Cuối năm 1963 khi Miền Nam đã có một đổi thay về chính trị, có một chút đổi mới, có những nhận thức mới, có những niềm hy vọng mới, một nhóm anh em sinh viên y khoa đã tụ họp để chủ trương một tờ báo sinh viên. Chúng tôi muốn nói lên tiếng nói trung thực của những người trẻ tuổi trước thời cuộc, trước tình hình đất nước, và sẵn sàng để nhận nhiệm vụ sẽ được giao phó khi tốt nghiệp. Tờ báo lấy tên là "Tình Thương", xuất bản và phát hành hàng tháng, được sự chấp-nhận và đón nhận của các Thầy, các bạn trong trường, các bạn thuộc các phân khoa khác và có lẽ một thành phần nào đó - lớn hay nhỏ - của đại chúng, của chính quyền và chính giới trong nước. Tôi được quen biết Ngô Thế Vinh từ những ngày tháng đó.

Những đêm hội họp sôi nổi tới nửa khuya, những buổi cặm cụi sửa bản vỗ nơi nhà in, những lúc hân hoan cầm tờ báo mới trong tay thơm mùi giấy thơm mùi mực, tràn đầy những điều muốn nói. Từ những ngày đó, hay có thể là từ trước đó, Ngô Thế Vinh đã khoác thêm sứ mạng văn nghệ cùng với y nghệ, đã thành công như một người làm văn nghệ và đã được biết đến như một nhà văn, đã sáng tạo và đã không bị choáng váng trước những tác phẩm vĩ đại của văn học và nghệ thuật thế giới.

Sau 1975, nhà văn Võ Phiến, trong cuốn "Văn Học Miền Nam Tổng Quan" đã ghi danh Ngô Thế Vinh, với "Mây Bão" 1963, "Bóng Đêm" 1964, "Gió Mùa" 1965 và "Vòng Đai Xanh" 1971. Cũng vào những ngày tháng đó, người tầm thường như tôi, đã bị tê liệt vì chóng mặt trước những tác phẩm huy hoàng của thế giới. Nhiều lắm là chỉ còn đủ đam mê để chạy theo, tìm học và tìm hiểu những tác phẩm bất hủ, gia tài chung cho tất cả loài người.

Tôi ngậm ngùi nghĩ đến những kẻ như tôi, với ít nhiều ảo vọng lúc thiếu thời, đã ước mong, đã thử bắt tay vào việc, nhưng rồi không đủ tài năng và nghị lực để hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật. Nói theo lý thuyết của Nhà Phật thì mọi sự trên thế gian này đều có nhân duyên, và có nhân duyên mới có thành tựu. Niềm ngậm ngùi của tôi theo dòng suy nghĩ đó, tan biến trong giây phút.
Nhưng đáng buồn hơn là tuổi trẻ Việt Nam trải qua một thời gian dài chinh chiến, đè nén vì những bức bách trong một hoàn cảnh xã hội xáo trộn mà không nhân nhượng, có những thiên tài có những nhân tài không bao giờ được cơ hội phát triển, không được rèn luyện không được thi thố, đã chịu mai một vì bị vùi dập từ trong trứng nước. Và có lẽ cũng là đáng buồn với những người đã lao mình vào văn học nghệ thuật mà không thành công, hoặc chỉ đạt được những thành công nhỏ bé mà giới thưởng ngoạn - cũng là những người tầm thường - sẵn-sàng bỏ quên, và những người viết sử, hay những nhà phê bình khảo cứu văn học, quan trọng hơn, trong khi kiểm điểm chỉ có thể nhắc thoáng qua một cách hời-hợt.

Tuyển tập này ghi nhận những thành công, và chúng ta không thể không vui vớí những thành công đó.

2.
Ngô Thế Vinh giới thiệu với chúng ta trong Tuyển Tập này mười sáu người Bạn đã quen biết trong cuộc đời, mà Anh sắp xếp theo thứ tự năm sinh, từ 1917 tới 1950. Những người Anh đã có những quan hệ đặc biệt hay là có những kỷ niệm thật là đáng ghi nhớ. Năm người đầu tiên Mặc Đỗ, Như Phong, Võ Phiến, Linh Bảo và Mai Thảo, tuổi từ 1917 đến 1927 theo năm sinh, thuộc lớp người đi trước. Như Phong là người làm báo và chỉ được biết đến nhiều trong giới những người cầm bút. Linh Bảo là nhà văn nữ đã được Nhất Linh trân trọng giới thiệu và đã đặt rất nhiều kỳ vọng.

Giữa Mai Thảo và Dương Nghiễm Mậu có một khoảng cách một sự gián đoạn về tuổi tác, chừng mười năm. Tôi không rõ sự cách biệt tuổi tác này có còn thấy, nếu chúng ta nhìn đến tiểu sử cửa một số lớn hơn những văn nghệ sĩ Việt Nam, hay đây chỉ là một sự tình cờ tìm thấy trong số những người đồng hành quen biết của Ngô Thế Vinh trong Tuyển Tập này.

Dương Nghiễm Mậu, Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn và Thanh Tâm Tuyền là nhóm bốn người sinh năm 1936. Lớp người này, hơn tôi bốn tuổi và hơn Ngô Thế Vinh năm tuổi, là những người bị thua thiệt vì thời cuộc, vì những biến cố chính-trị những năm 1945 và 1946, nạn đói năm Ất Dậu, chủ quyền đất nước truyền tay từ Thực Dân Pháp tới Phát xít Nhật sang cộng sản Việt Nam, và cuộc chiến phát khởi tháng 12 năm 1946. Lớp người này đã bỏ dở việc học, đã vất vả kiếm sống, đã được tôi luyện rất sớm trong trường đời. Nếp sống nếp nghĩ của họ khác nhiều với những người lớp sau chừng bốn hay năm tuổi trẻ hơn, yên ổn sống trong gia đình và xã hội tương đối bình an. Khi Thanh Tâm Tuyền làm thơ  "Tôi Không Còn Cô Độc" thì tôi chừng mười lăm hay mười sáu tuổi, lo học thấu kính hội tụ và thấu kính phân kỳ; thỉnh thoảng có đọc những bài chế nhạo thơ tự do trên báo Văn Nghệ Tiền Phong. Tôi nghĩ là khoảng cách giữa nhà thơ Thanh Tâm Tuyền với tôi nhiều hơn bốn năm tính theo lịch.

Tiếp theo là nhóm năm người Nguyễn Xuân Hoàng 1937, Hoàng Ngọc Biên 1938, Đinh Cường và Nghiêu Đề 1939 Nguyên Khai 1940, kể như là những người cùng lứa tuổi. Cuối cùng là hai Bạn trẻ Cao Xuân Huy 1947 và Phùng Nguyễn 1950. Với hai bạn trẻ chắc là tôi sẽ có dịp tìm hiểu thêm. Anh bạn tôi Bác sĩ và cũng là Nhà Thơ Trần Xuân Dũng có thể biết nhiều về Cao Xuân Huy vì cùng trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến và đã hoàn thành bộ Chiến Sử Thủy Quân Lục Chiến như mọi người biết.

Ngô Thế Vinh đã tạm kết thúc với hai bài nói về Giáo Sư Phạm Biểu Tâm Khoa Trưởng Y Khoa Đại Học Sài Gòn cho tới năm 1967 và Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ, giáo sư về thực vật học tại Khoa Học Đại Học Sài Gòn, mới qua đời tại Canada ngày 29.01.2017. Ngô Thế Vinh trong chức nghiệp nhà văn vẫn trở lại với khoa học và với y khoa. Bài viết về Thầy Phạm Hoàng Hộ là một bất ngờ; nhưng Ngô Thế Vinh cũng đã từng bất ngờ viết "Vòng Đai Xanh" năm 1971, và mới đây thật bất ngờ với những bài viết về những đập nước và những nhà máy thủy điện nơi thượng lưu sông Cửu Long. Kiến thức hiếm có trong bài khảo cứu là kiến thức của một chuyên viên kỹ thuật nắm vững và nắm trọn vẹn vấn đề. Cũng như tôi, Ngô Thế Vinh là một quân y sĩ; lần chót chúng tôi gặp nhau là khoảng năm 1973 tại Trường Quân Y Quân Lực Việt-Nam Cộng Hòa. Tôi đã trao cho Anh trọn bộ (hình như) 17 số báo Tập-San Quân Y mà tôi đã sưu tập được, để lưu trữ tại Thư Viện Trường Quân Y. Chắc chắn những số báo ấy đã chịu nạn "phần thư" sau 1975.

Nói đến văn học mà chúng ta tạm gọi là "tiền chiến" có hai cuốn sách "Thi Nhân Việt Nam" của Hoài Thanh (và Hoài Chân) và "Nhà Văn Hiện Đại" của Vũ Ngọc Phan. Cả hai đều có bài tựa viết năm 1941, xuất bản vào thời Lưỡng Thuộc Pháp Nhật, và theo nội dung, đều đứng ngoài chính trị.

Theo một vị đàn anh hiểu biết rộng, Hoài Thanh sau 1945 sống trong lo sợ hàng ngày, vì sách Thi Nhân Việt Nam không nói đến Tố Hữu. Tuy-nhiên có lẽ sau cuộc Chỉnh Huấn năm 1953, văn nghệ sĩ tại vùng "kháng chiến" phải từ bỏ những tác phẩm của mình đã sáng tạo từ trước; có lẽ Hoài Thanh và Hoài Chân, cũng như có lẽ cả Vũ Ngọc Phan, đều được giải thoát qua cơn ác mộng. Đó là hai tài-liệu văn học chính kiểm điểm văn thơ Việt Nam khoảng từ 1920 đến 1940.

Khoảng từ năm 1945 đến 1954 có một khoảng trống, tôi chưa rõ các nhà khảo cứu văn học sẽ xác định thời kỳ này và đặt tên nó ra sao, nhưng văn thơ trong mười năm đó không có nhiều.

Cho đến năm 1954 "Văn Học Miền Nam" xuất hiện và trưởng thành, và tạm gián đoạn năm 1975. Gói ghém lại một cách thật là tóm tắt "Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975", chúng ta có cuốn "Văn Học Miền Nam Tổng Quan" của Võ Phiến, xuất bản năm 1986 tại Hoa-Kỳ. May mắn là chúng ta còn có thêm bốn cuốn - giá trị không đồng đều - để tham khảo, chưa kể một vài tài liệu ít quan trọng khác. Đó là "Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ" của Tạ Tỵ, "Sống Và Viết Với..." của Nguyễn Ngu Í, "Văn Thi Sĩ Tiền Chiến" của Nguyễn Vỹ, và "Vài Kỷ-Niệm Về Mấy Văn Thi Sĩ Hiện-Đại" của Bàng Bá Lân. Những cuốn này còn có những bản in bán trên thị trường, hoặc đã được đưa lên Mạng.

Sau 1975 văn học Việt Nam tại hải ngoại cũng đã thật là phong phú với hơn bốn mươi năm tích lũy, nhưng dường như chưa có một biên khảo nào nào có tính cách toàn diện và hợp nhất, hay là đưa ra được một vài nhận định chung. Công việc không phải là không khó khăn, mà khó khăn đầu tiên là phải loại bỏ những bài "tập làm văn" và "tập làm thơ" chứa chan những hận thù và than khóc, nhưng mà trong những sỏi đá ấy không phải là không có những châu ngọc nói lên được tâm tư của người vượt biển tìm tự do nơi xứ người, nói lên được ý chí bất khuất của những người luôn luôn đứng về chính nghĩa và sẽ mãi mãi chiến đấu cho chính nghĩa.

Tuyển tập của Ngô Thế Vinh giúp cho người đọc làm quen với một số văn nghệ sĩ và một số tác phẩm hay dịch phẩm của họ, và hơn thế nữa đi sâu tới một mức nào đó vào cuộc đời của họ, của người văn nghệ sĩ với những khó khăn, những mong ước, những đường lối chủ trương, với những nghiệt ngã của nhà cầm quyền và cơ quan kiểm duyệt. Có lẽ tôi cần một thời gian khá dài để làm quen với cuốn sách của Ngô Thế Vinh, để tìm hiểu tác phẩm, để cảm thông với từng tác giả. Điều may mắn là tôi không phải là một nhà văn hay một nhà thơ, càng không phải là một nhà phê bình hay khảo cứu văn học. Tôi chỉ là một người đọc, thích sách nào thì đọc sách ấy, như theo ý kiến của Lâm Ngữ Đường. Tôi chạy theo ý kiến của mọi người, theo lời khuyên của André Maurois, một nhà văn lớn của Pháp. Nói chung, một người có thể lầm, mười người có thể lầm, trăm người người có thể lầm, nhưng ngàn người, triệu người không thể lầm. Cố nhiên trừ những trường hợp đặc biệt. Tôi không bị bắt buộc phải đọc lướt, phải đọc thật nhanh để đưa ra một nhận định hay một lời phê phán. Chắc chắn là bạn Ngô Thế Vinh không đòi hỏi mà cũng không chờ đợi những điều đó khi Anh muốn tôi viết bài "điểm sách" này. Những nhận định, những phê phán xin nhường lại cho người đọc, cho mỗi người đọc, và xin nhường lại cho những Anh Em khác cũng sẽ có những bài "điểm sách" khác. Tuy nhiên tôi cũng có một đôi điều xin thưa với các Bạn đã có nhã ý và kiên nhẫn theo tôi tới đây.

3.
Nếu có thể thì tôi xin được gặp Anh Hoàng Ngọc Biên để nói chuyện thêm về bộ sách "A la Recherche du Temps perdu" của Marcel Proust. Anh học chương trình Pháp, rồi lại trở thành giáo sư dậy Pháp Văn và Pháp ngữ, và Anh đã có cơ duyên quen biết với thầy học cũng là người chuyên khảo về Marcel Proust. Việc học của Anh, như Ngô Thế Vinh giới thiệu, rộng hơn nhiều; và Anh cũng có viết một cuốn sách về Marcel Proust, bằng tiếng Việt, mà tôi sẽ tìm đọc. Sách viết về Marcel Proust thì nhiều lắm, đọc chẳng hết được; nhưng gặp mặt để nói chuyện thì vẫn khác. Cũng như lối học hàm thụ không thể thay thế được học đường, không thể thay thế việc cắp sách đến trường, để học Thầy và học Bạn.

Với Mặc Đỗ thì chỉ xin nhắc đến "Cuộc Tình Bỏ Đi" hay "Tender Is The Night" của F. Scott Fitzgerald. Đây là câu chuyện của một y sĩ chuyên khoa tâm thần, kết hôn với một bệnh nhân của mình, và cuối cùng là đổ vỡ. Một trong những cuốn tiểu thuyết thêu dệt quanh đời sống của người thầy thuốc, với những vinh và lụy, như lời Bác-Sĩ Trần Văn Bảng đã một lần diễn thuyết, đặt trong khung cảnh của những bệnh tâm thần, cho tới giờ này vẫn còn mơ hồ với những phương thức trị liệu còn nhiều tranh cãi. Còn nhiều tiểu thuyết khác về đời sống trong y học, nhưng ít nhất chúng ta có thể đối chiếu với "Bác Sĩ Zhivago" của Boris Pasternak. Một bên là áp lực của tiền bạc trong một xã hội tư bản. Một bên là sống chết của một cuộc đổi đời vớí những mơ tưởng và hoang tưởng và những tàn bạo của con người. Cũng lại Hoàng Ngọc Biên là người đã khảo về những bài thơ trong cuối sách, những bài thơ của Yuri Zhivago mà cũng là của Pasternak, là phần không thể tách-biệt khỏi cuốn tiểu-thuyết.

Với Nhật Tiến, Ngô Thế Vinh đã giới thiệu là một "Rover Scout" hay là một "tráng sinh hướng đạo" như chúng ta đã dịch sang tiếng Việt. Tráng sinh hướng đạo là nấc thang cuối cùng của Phong Trào Hướng Đạo. Năm 1908 Sir Baden Powell đã viết "Scouting For Boys" cho ấu đoàn và thiếu đoàn, và mãi tớí năm 1922 mới hoàn thành "Rovering to Success" cho tráng đoàn, để người hướng đạo sinh trở thành người hướng đạo sinh vĩnh viễn. Chúng ta dịch là "Con Đường Thành Công", và tôi đã được đọc bản dịch, với lời phân trần là "Rovering" không phải chỉ là con đường, mà là một cuộc hành trình vượt qua nhiều trở ngại, rất nhiều trở ngại.

Sau năm 1975, định cư tại Úc, tôi có quen với một vài huynh trưởng hướng đạo người Úc, và nhờ tìm sách này đọc lại. Nhưng không có đáp ứng, có lẽ tại cuộc sống tại tây phương nhiều vội vã và bận rộn. Cuối cùng thì sách hiện trên Mạng. Cuốn sách này kể như là có những phần đã thuộc về quá khứ, nhưng còn cần để đối chiếu với "The Importance of Living" của Lâm Ngữ Đường (bản dịch "Sống Đẹp" của Nguyễn Hiến Lê), "Un Art de Vivre" của André Maurois (bản dịch tiếng Việt của Hoàng Trọng Miên) và "Conquest of Happiness" của Bertrand Russell: đó là những tìm tòi về một cuộc sống Đẹp (Mỹ), khác với cuộc sống hướng về Thiện của người tu-hành, và cuộc sống hướng về Chân của bậc hiền giả. Thật sự nói như thế cũng chỉ là nói một cách đại khái mà thôi và tôi xin ngừng để khỏi rườm lời vô ích.

4.
Bạn Ngô Thế Vinh đã gửi cho chúng ta một món quà trân quý. Tuyển tập của Anh có nhuốm một chút trang trọng, một chút bùi ngùi, như Đông Hồ trong một bài đề từ đã viết:

          "Dâu chìm bể nổi đã đòi phen
          Ngọc sót vàng rơi giở trước đèn..."

nhưng cũng có pha những hồn nhiên, những tươi sáng, như trong thơ Cung Trầm Tưởng:

          "Vì tâm tư còn say hương mới lạ
           Tôi còn yêu nên mới hẹn trở về
           Với run run quán nhỏ chén cà phê
           Câu anh phiếm với lời tôi túy lúy..."

Bỗng nhiên Ngô Thế Vinh đã gửi cho tôi, đã gửi cho Anh Em một món quà rất quý. Xin Anh Em đón nhận với tâm hồn mở rộng, với vòng tay mở rộng. Xin Anh Em cùng Ngô Thế Vinh trở về quê hương, gặp mặt những người làm thơ những người viết văn những người vẽ tranh, tìm lại những hơi thở của tình yêu, của tự-do, của tin tưởng, tìm lại sức sống của người Việt-Nam.

Và xin cám ơn Ngô Thế Vinh rất nhiều.

Bs Hà Ngọc Thuần
Úc-Châu Brisbane, ngày 15.08.2017