Đỗ Hồng Ngọc, bác sĩ
Ngô Thế Vinh là một thầy thuốc, một bác sĩ y khoa. Nên dù là một nhà văn, nhà báo, nổi tiếng với nhiều tác phẩm, đặc biệt những cuốn sách viết về Mekong gần đây của anh, thì người ta vẫn thấy thấp thoáng bóng blouse trắng. Anh luôn nhìn con người như một tổng thể, thân tâm nhất như. Cho nên những bài viết của anh về các văn nghệ sĩ và các nhà văn hóa trong cuốn tuyển tập này luôn có những chi tiết, những góc nhìn của người thầy thuốc, lấp lánh tình người. Tài “chẩn đoán” của Ngô Thế Vinh hẳn là chính xác: một Võ Phiến “nhà văn lưu đày”, một Đinh Cường “đốn ngộ”...
Những ai từng đọc Võ Phiến, từng đọc “Đất nước quê hương’’ của ông với nào áo dài, bánh tráng, tô cháo, chén chè, rụp rụp... thì coi bộ khi phải rời xa những thứ quấn quít đó của quê nhà, Võ Phiến đã khốn khổ thế nào! Xưa từng có xóm có làng/ Bà con cô bác họ hàng gần xa/ Con trâu, con chó, con gà/ Đàn cò, lũ sẻ, đều là cố tri... rồi bây giờ: Thân tàn đất lạ chơi vơi/ Trông lên chỉ gặp bầu trời là quen. (Mộc Mạc, Võ Phiến).Một người như thế thì đúng là một kẻ bị lưu đày. Lưu đày tự trong tâm khảm. Cho nên Ngô Thế Vinh chính xác, chỉ cần với một dấu chứng (sign): ‘’... bữa ăn ở nhà ông bà Võ Phiến với bánh tráng thuần túy Bình Định nhúng nước, chấm nước mắm nhỉ chanh ớt đỏ au...” Rồi anh cho biết thêm: chanh, ớt đều hái ở vườn nhà, ngay tại Mỹ quốc!
Còn về Đinh Cường, Ngô Thế Vinh cho biết có lúc Đinh Cường muốn loại bỏ mô thể /forme của sự vật để chỉ còn giữ lại cái chất liệu /matière thuần túy của sơn dầu nhưng rồi cuối cùng anh vẫn trở về với hội họa tạo hình! Sắc tức thị không/ không tức thị sắc rồi đó thôi! Ngô Thế Vinh nói đúng: giờ đây không cần ký tên dưới bức tranh, người ta vẫn nhận ra tranh Đinh Cường. Huỳnh Hữu Ủy cũng từng nhận xét về tranh Đinh Cường: “Không rực rỡ, không lạc điệu, một chất màu ủ và quánh mà vẫn nhẹ nhàng và reo ca như vàng kim. Một thứ dạ kim với bao nhiêu hào quang quay trở vào bên trong”. Quay trở vào bên trong: một Đinh Cường đốn ngộ!
Về ‘’Người bạn tấm cám’’, Ngô Thế Vinh cho biết: đó là “một người bạn không ham muốn sở hữu một thứ gì. Sự nghiệp của anh chỉ là những dấu chân chim trên cát, mau chóng bị xóa nhòa bởi lớp sóng thời gian”. Cho nên bài viết của Ngô Thế Vinh không chỉ đầy đủ tiểu sử, quan niệm sống, quan niệm sáng tác mà còn sưu tập được một số hình ảnh tranh, mẫu bìa sách, bìa báo quý giá của Nghiêu Đề.
Tôi thật sự giật mình khi được xem bức Bố Cục Sen của Nghiêu Đề, vẽ năm 1986 khi anh đến Mỹ. Sen chỉ là cái cớ. Từ những làn sóng cuồn cuộn xô bồ vươn lên những búp sen e ấp rồi đột ngột tách ra, vút lên trời cao, một đóa sen vừa nở: thiếu nữ! Nhưng thiếu nữ cũng chẳng phải thiếu nữ. Đôi mắt to để nhìn rõ nhân gian, một tay nâng cành dương liễu, một tay rưới giọt cam lồ: Quán Thế Âm Bồ-tát đó!
Khi viết về người Thầy của chúng tôi ở Y khoa đại học Saigon thời đó, Giáo sư Phạm Biểu Tâm - anh đã vẽ nên nhân cách của vị thầy, một trí thức chân chính, bằng những hồi ức cảm động. Viết về Thầy nhưng cũng là đoạn hồi ký của chính anh, chính tôi, những ngày gian khó dưới mái trường Y uy nghiêm và lý tưởng.
Chân dung Văn học nghệ thuật & Văn hóa là một Tuyển tập viết hay. Tư liệu phong phú. Nhận định sắc bén mà đầy ắp tình người. Đúng là Ngô Thế Vinh.
Trịnh Cung, họa sĩ
Sau khi đọc 18 bài viết về 18 khuôn mặt văn nghệ sĩ và văn hóa Việt Nam do Ngô Thế Vinh, tác giả từng nổi tiếng với tiểu thuyết "Vòng Đai Xanh" trước 1975 và hiện là tác giả vừa đoạt giải của Văn Đoàn Độc Lập với hai tác phẩm viết về thảm họa môi trường cho Việt Nam, "Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng" và "Mekong - Dòng Sông Nghẽn Mạch", tôi phải cám ơn anh thật nhiều về những thông tin quý giá trong mỗi bài viết về từng tác giả, những nhà văn và nghệ sĩ rất tài năng mà tôi từng ngưỡng mộ, trong số họ có cả những bạn thân của tôi.
Dù hiển nhiên đây là một sự chọn lựa có nhiều phần thuộc về tình cảm, thân hữu, nhưng cách viết, cách nhìn của anh về từng nhân vật là rất tinh tế và rất đáng tin cậy, nói đúng hơn là nó có giá trị lịch sử. Đây là chỗ rất khó vì ai trong số họ đều là "người của công chúng", nên những dữ liệu phải thật xác đáng, những thông tin phải đáng được tin cậy, điều này tôi đã nhận được sự bổ sung rất nhiều giúp cho việc lấp đi những lỗ trống hiểu biết từ lâu nay về một số nhân vật như Linh Bảo, Như Phong, Mặc Đỗ...
Mặc khác, với tôi, đây là một việc làm hiếm hoi, công việc của người vén màn lịch sử văn học và nghệ thuật của một đất nước đã bị xóa sổ, một hiện tượng "Mekong" đối với những gì đang xảy ra cho nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa.
Riêng về giới cầm cọ, cá nhân tôi xin cám ơn nhà văn Ngô Thế Vinh đã có một tình bạn thân thiết mà anh đã dành cho hội họa từ thủa còn rất trẻ, những người bạn "tấm cám", nhất là vào lúc này.